Mục Lục
Hôm nay nói về những hạnh lành của Bồ Tát?
* Theo kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (PL 2509), Phật dạy: người tu tập trải qua giai đọan đầu và tiến lên xa hơn nữa trong pháp sáu độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) và vạn hạnh tức là tu các hạnh khác nhau, trong đó có mười hạnh lành của Bồ tát: một là Hoan hỉ hạnh, hai là Nhiêu ích hạnh, ba là Vô vi nghịch hạnh, bốn là Vô khuất nhiễu hạnh, Năm là Vô si lọan hạnh, Sáu là Thiện hiện hạnh, bảy là Vô trước hạnh, tám là Nan đắc hạnh, chín là Thiện pháp hạnh, mười là Chơn thật hạnh.
Từ ngữ Bồ tát trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Chơn Phật tử cũng gọi là người tu theo lý tưởng đại thừa; ở đây chúng ta gọi chung là người tu.
Người tu phát đại tâm học và làm theo hạnh lành của ba đời chư Phật (quá khứ, hiện tại, vi lai) mà tu hành. Thường làm các Phật sự có lợi ích cho đời, tâm trí của người tu không giải đãi, đọan trừ tất cả phiền não trong quá khứ cũng như hôm nay. Do thường thể hiện hạnh lành nên thường được chư thiên, hộ pháp vãng lai hộ trì, thành tựu các Phật sự thế gian và xuất thế gian. Nhà cửa của người tu theo pháp môn thập hạnh luôn trang nghiêm thanh tịnh, báo vật luôn xuất hiện trong nhà, những vật dụng quý báu nhất trong đời như kim cương, pha lê, xa cừ, trân châu, mã não (vật dụng quý báu tức là kinh luật luận, trí tuệ, hạnh lành của người tu) là những món đồ trang sức cho tự thân khiến cho thân tướng trang nghiêm rực rỡ.
1 . Hoan hỉ hạnh:
Vui vẻ tự nhiên, không có gì vướng bận tâm, người tu vì nhu cầu của mọi tầng lớp chúng sanh, xin thì được, muốn thì cho, nhất là trong nhu cầu cuộc sống, cần có sự tiến hóa đồng bộ, bồ tát phát nguyện giúp đỡ cho chúng sanh được có công ăn việc làm, giúp cho họ thành đạt. Tâm ý của Bồ tát xem tất cả chúng sanh như ruột thịt, thân bằng quyến thuộc; lúc nào cũng thi ân bất cầu báo. Bằng mọi giá Bồ tát làm lợi lạc chúng sanh, mà Bồ Tát phát nguyện học những hạnh lành của chư Phật. Xiển dương các công hạnh lành của chư Phật khiến cho chúng sanh, sanh lòng hoan hỉ, thóat khổ được vui.
Bồ tát tu Hoan hỉ hạnh, làm cho chúng sanh yêu thích mình, có tình cảm với mình, mà không cần phải là bà con quyến thuộc chi cả. Bồ tát thường thể hiện hạnh lành bố thí cho cả thân mình cho chúng sanh đói được no, lạnh được ấm, người cô độc được hạnh phúc, chúng sanh được sở cầu như ý.
2 . Nhiêu ích hạnh:
Làm cho nhiều người được lợi ích, như: giữ giới nghiêm túc, không ô nhiễm vật dục; những thức ăn đồ uống thế gian, thể hiện hạnh lành khổ hạnh ăn không cần ngon, mặc không cần đẹp, ngũ không cần ấm, miễn được có phương tiện làm lợi lạc chúng sanh. Trong lúc tu hành, đứng trước những tài sắc danh thực thụy không bị khuấy động, không bị nhiễm ô cả thân tâm. Xem ngũ dục là chướng đạo, sống đời sống tòan là Phật pháp. Chấm dứt những nổi khổ niềm đau cho chúng sanh, đem giới hạnh lành ban bố cho họ, khiến họ vào chánh pháp. Xóa tan những tín ngưỡng mê tín dị đoan. Bồ tát thường thị hiện giàu sang, đài các, phong lưu, làm người có nhiều trân bảo, ngọc ngà châu báu để giúp chúng sanh, khiến họ vào Phật đạo, nghiêm túc giữ gìn giới pháp, vui lòng hi sinh vì chánh pháp.
3 . Vô vi nghịch hạnh (vô nhuế hạnh):
Không để cho tâm vẫn đục, não loạn, nhẫn nhục khiêm nhường, thường thị hiện vào môi trường gia đình lễ giáo, không làm tổn hại chúng sanh, ẩn mình giúp chúng sanh khiến cho họ tinh tấn tu hành, thi ân bất cầu báo. Bồ tát trong lúc tu hành không thích khoe khoang, không làm chức việc, không thọ hưởng phước báo. Bồ tát thị hiện thuyết pháp, giúp chúng sanh giác ngộ hướng về Phật Pháp, trong lúc tu hành không tham cầu lợi dưỡng; vì vậy mà khiến cho những người có tâm làm tổn hại thanh danh bồ tát mà vẫn không hại được.
Bồ tát thường tu hạnh an trú chốn tịch tĩnh, nơi thanh vắng vô tịch, điều chế thân căn xa lìa ái dục. Nhập từ bi quán xem mọi người như quyến thuộc. Có tâm hộ trì cho chúng sanh thành đạt trên đường đời, biết quy y Tam Bảo, phát tâm trường chay niệm Phật không thối chuyển.
4 . Vô khuất nhiễu hạnh (vô tận hạnh):
Bồ tát tâm không cùng tận, không ranh giới, không chướng ngại, khuyến khích chúng sanh tinh tấn làm các việc lành, lánh xa điều ác. Gìn giữ giới luật nghiêm minh, thân khẩu ý thường thanh tịnh. Bồ tát hướng dẫn chúng sanh tu tập biết hổ thẹn bỏ những ác duyên, thể hiện lòng từ tốn, lòng bi nhổ tất cả gốc khổ, phiền não chúng sanh. Biết chúng sanh hay thích những gì, thường đáp ứng nguyện vọng của họ khiến họ vui lòng mà theo Phật Pháp. Bồ tát vào địa ngục chịu khổ thế cho chúng sanh, diễn dương vi diệu pháp, làm lợi lạc cho Đạo cho Đời, ích nước lợi dân, báo ân quốc vương thủy thổ, cổ xúy tinh thần hộ quốc an dân, khiến cho không còn chiến tranh, mang lại thanh bình trong thiên hạ.
5 . Ly si loạn hạnh:
Lìa xa sự si mê ám chướng; Bồ tát tu hạnh thiền định, niệm Phật, giữ chánh niệm, không tác lọan tà tâm, dù phải tán thân mất mạng không làm, không nói điều tà mị mà đến với chúng sanh; Bồ tát tu hạnh thà chịu nghèo khổ, không làm cho chúng sanh đi theo tà kiến, xa rời chánh pháp. Bồ tát tu tập khéo hiểu tất cả ngôn ngữ thế gian, làm thầy giáo giúp chúng sanh không còn dốt nát. Trong quá trình tu tập thiền định, thường quán chiếu thân là giả tạm, không mê lọan sắc pháp nhục dục, ra khỏi sanh tử luân hồi. Bồ tát siêng năng tinh tấn thuyết pháp ban bố pháp lành giúp chúng sanh xa lìa vô minh căn bổn, tự tại vô ngại. Vì muốn chấm dứt mê lầm của chúng sanh mà nói pháp niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, giúp cho ra khỏi những pháp tà kiến, như: ngồi đồng, ngồi ghế, bói khoa xủ quẻ, lịch số tướng trạng, soi căn, xin phép làm ăn, dẫn dắt chúng sanh vào thế giới li mị vọng lượng (không thật), đoán mò vận mạng chúng sanh, làm cho họ mất bồ đề tâm không thấy được chánh pháp.
6 . Thiện hiện hạnh:
Bồ tát chuyên tu hạnh nghĩ và làm các việc thiện; điều phục tam nghiệp thanh tịnh, phát hết các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng; thị hiện an trú trong chánh vị chơn như pháp tánh, hóa giải nghiệp báo chúng sanh, giúp cho mọi người ra khỏi những khổ đau do thân, khẩu, ý nghiệp gây nên. Thị hiện điềm lành, cát tường đến với chúng sanh, khiến họ vui vẻ mà tầm sư học đạo. Giúp cho chúng sanh tu hành đúng tông chỉ, có lập trường, biết rõ các tướng là phi tướng, các tướng là rỗng không, là huyển hóa, không tự tánh, là duyên hợp huyển có, nên không còn ô nhiễm, ra khỏi sanh tử khổ đau.
7 . Vô trước hạnh:
Tu hạnh không tham lam trước mọi vật, không đắm nhiễm, dùng tâm vô trước, chánh niệm mà hội nhập vô số thế giới, đi vào đời mà không nhiễm ô cuộc đời, từ đó mà Bồ tát rảnh thân, rảnh tâm giúp cho mọi người có đời sống ổn định hạnh phúc. Bồ tát tu hạnh lễ bái cúng dường vật thực, tài vật, báu vật cho Phật pháp, như cúng dường kinh điển, tu các hạnh lành của Phật, nhiếp thọ chúng sanh, khiến họ ra khỏi cố chấp mê lầm.
8 . Nan đắc hạnh (tôn trọng hạnh):
Bồ tát thành tựu căn lành khó được, làm những việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn, tu pháp khó tu, độ người khó độ; giúp cho chúng sanh tu hạnh nhẫn nại, thường xuyên nghe thuyết pháp, tham dự pháp hội, làm tòa cho Phật ngồi thuyết pháp. Thị hiện có oai đức lớn, có thế lực để có phương tiện mà giúp người thóat cảnh nạn tai. Bồ tát an trụ hạnh nan đắc, ở trong mỗi niệm có thể chuyển hóa vô số kiếp sanh tử mà chẳng bỏ đại nguyện. Bồ tát không trú Niết Bàn, cũng không ở bên bờ sanh tử, thệ độ chúng sanh khiến cho họ đến nơi an lạc.
9 . Thiện pháp hạnh:
Có đủ các pháp lành để trợ lực cho chúng sanh; hộ trì Tam bảo, nhiếp thọ chúng sanh; làm chổ dựa cho chúng sanh. Thường thị hiện nói pháp biện tài vô ngại, thị hiện người thông thái, học cao hiểu rộng mà nói pháp lành cho chúng sanh, giúp họ sanh trí tuệ, hoan hỉ phát tâm bồ đề hộ pháp cho đạo Phật tỏ sáng. Bồ tát thường khởi tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả hiện ra những hạnh lành chu biến khắp pháp giới khiến cho chúng sanh khởi lòng tin. Tùy theo sở thích của chúng sanh mà dùng tướng lưỡi rộng dài khen ngợi chánh pháp. Giải đáp những thắc mắc của chúng sanh, giúp họ không còn nghi ngờ, lầm lạc mà vào Phật đạo.
10 . Chân thật hạnh:
Lòng ngay thẳng, tánh cương trực, dùng lời nói chắc thật, học tập lời chân thật từ ba đời chư Phật, nhập chủng tánh, đồng thiện căn với chư Phật; thân Phật, khẩu Phật, ý Phật, nói Phật, làm Phật đi đứng nằm ngồi đều là Phật.
Nơi chốn đông người hay vắng vẽ, Bồ tát tu hành hạnh Phật không chút do dự, nói là làm, nói lời thật, không tà mị, hướng dẫn chúng sanh không đem những ý tưởng tà vạy vào Tam bảo. Dù tán thân mất mạng, nhưng Bồ tát vẫn không tiếp nhận những chúng sanh tin theo tà kiến ngọai đạo, không tin Tam bảo; giữ gìn hạnh Phật thà chịu nghèo mà không truyền bá những pháp mê tín dị đoan. Bồ tát thà có một người đệ tử, mà người đó biết học Phật, gần gũi Bồ tát, biết kính trọng Tăng Sư, chứ không nhận nhiều đệ tử mà không các tiêu chuẩn trên.
Bậc Bồ tát tu theo pháp vạn hạnh để hòan thành đạo nghiệp và đặc biệt chú trọng tới mười hạnh căn bản trên đây mà đạt đến chân lý. Trong mười hạnh có thể chia ra thành hai bậc: thấp và cao. Từ hạnh hoan hỉ đến hạnh thiện hiện, do nơi tự tâm người tu phát sanh và chỉ cần sự gia công tu tập là có thể đạt được; trong khi đó các hạnh không tham đắm trước mọi vật, lòng tôn kính, thực hiện các pháp lành và tánh ngay thật cần đòi hỏi có một thời gian công phu. Đây là một bước quan trọng trong suốt hành trình tiến vào đường đạo rất khó khăn và trở ngại; nếu không thận trọng rất dễ bị thối chí nãn lòng; nên cần thiết có sự cương quyết, dũng mãnh để chiến thắng những cạm bẩy từ bên trong tâm thức cho tới bên ngòai cảnh vật. Khi thực hành trọn đủ mười hạnh như vậy, bậc Bồ tát đã có một tâm niệm không thối chuyển để tiến lên được xa hơn trong các bậc thang kế tiếp của đạo giải thoát. Chư vị Phật tử có chổ nào cảm thấy phù hợp với tâm tu hành của mình thì tiếp nhận, áp dụng vào đời sống thực tại mà sống vui.
Mười hạnh lành của Bồ tát tu hành trên theo sự giáo hóa của Ngài Thiên Thai Trí Giả thì thuộc vào một trong các bậc Tam Hiền.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo