Bạch Sư! Trong giáo pháp Nhà Phật thường dạy tín đồ tập ăn chay (trai), ăn chay mỗi tháng hai ngày, ăn chay mỗi tháng bốn ngày, ăn chay mỗi tháng sáu ngày, ăn chay mỗi tháng mười ngày, ăn ba tháng chay, nhẫn đến trường chay, ăn chay nằm đất, thế phát (phụng thờ ông bà cha mẹ qua đời ba năm) đấy là những hạnh lành của người Phật tử.
Tuy nhiên chúng con muốn biết ý nghĩa tại sao phải ăn chay (trai) mười ngày, mà chọn những ngày mùng 1,8,14,15,18,23,24,28,29 và 30, ý nghĩa mầu nhiệm đến như thế nào mà chúng con được quý Sư dạy ăn chay những ngày đó, mà không ăn những ngày khác, chẳng hạn vì nhu cầu sinh họat hằng ngày ở Mỹ, nhiều nhà Phật tử ăn chay mỗi tháng mười ngày, nhưng ăn từ ngày mùng một đến mùng mười… Xin Sư từ bi chỉ dạy?
* Ăn chay (trai) là ăn uống những thức ăn thuộc về thực vật trong sạch, tinh khiết, những ngày mà tín đồ Phật tử được quý Sư, Thầy khuyên ăn chay là những ngày lành giờ tốt. Theo kinh Đại Minh Tam Tạng pháp số ghi, thì những ngày nầy Phật Thánh giáng lâm (trích từ điễn Phật Quang, HT Minh Cảnh biên sọan). Sau đây Sư sẽ cố gắng giảng giải cho Phật tử tiếp thu tu học.
Trong kinh Địa Tạng, phẩm Như Lai tán thán, Đức Phật dạy: Vào mười ngày nầy gom tập các tội, quyết định nặng nhẹ, mọi cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi ta bà đều là nghiệp, đều là tội. Nếu vào mười ngày chay (trai) mà những người con muốn tu hạnh hiếu đạo thì nên đối trước các tượng Hiền thánh, chư Phật, Bồ tát đọc tụng kinh nầy một biến thì trong khoãng một trăm do tuần, bốn phía đông tây nam bắc không có các tai nạn, người già trẻ đang ở trong nhà khi ấy, trong trăm nghìn năm ở đời hiện tại cũng như vị lai được nương công đức lễ lạy Hiền thánh, chư Phật, Bồ tát mà xa lìa hẳn lục đạo tam đồ.
Kinh Đại Minh Tam Tạng Pháp Số ghi, trong mười ngày chay (trai), thì:
Ngày mùng Một có Thái tử của Tứ Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Đức Phật Định quang.
Ngày mùng Tám có thần Ma Hê Thủ La Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Ngày Mười Bốn có thần Ma Hê Thủ La Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu nghìn Phật trong kiếp Hiền (hiện tại).
Ngày Mười Lăm (rằm) Thái tử của Tứ Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà
Ngày Mười Tám, sứ giả Thái tử của Tứ Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng.
Ngày Hai Mươi Ba, Ma Hê Thủ La Thiên Vương xuống trần nên niệm danh hiệu Bồ Tát Đại Thế Chí.
Ngày Hai Mươi Bốn, Thái tử của Tứ thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm.
Ngày Hai Mươi Tám, sứ giả của Tứ Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Lô Xá Na.
Ngày Hai Mươi Chín Ma Hê Thủ La Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Bồ Tát Dược Vương.
Ngày Ba Mươi sứ giả của Tứ Thiên Vương xuống trần, nên niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.
Cuối đời nhà Đường bên Trung Quốc, từ quan đến dân thực hành pháp Thập Trai nầy. Ở Việt Nam hiện nay việc ăn chay (trai) thuộc của Phật Giáo hiện nay rất được tín ngưỡng, cách ăn uống thực vật, không ăn lòai động vật cũng được phổ cập sâu rộng trong quảng đại quần chúng. Vào những ngày Ba Mươi, Mùng Một, Mười Bốn, Rằm, người dân trên cả nước dù có đạo Phật hay Lương đạo, hoặc không có đạo, trừ người theo Thiên Chúa, Tin Lành, còn lại thì ăn chay. Thật rất có ích lợi cho bản thân.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.