Mục Lục
Bạch Sư! Đạo Phật thường nêu các khổ nạn của thế gian, ở các kinh đều có lời chỉ dạy thế gian là khổ, nên khuyên tu cầu thóat khổ, thóat khỏi ngũ trược ác thế để trở về với cõi Thanh Thái. Xin Sư giảng dạy cho chúng con được học, học để tu, tu cầu giải thóat, giải thóat phiền não thế gian?
* Muốn thóat khổ ở thế gian kinh qua pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông, theo Kinh A Di Đà nên xem lời chú giải của Ngài Quán Nguyệt, bản dịch của Đức Pháp chủ Khánh Anh để biết rõ ràng mặt mày của nghiệp lực, ngũ trược ác thế của cõi ta bà, những sự khổ của thế gian. Từ đó mà phát tâm niệm Phật, tưởng Phật, gần gũi Phật Pháp, hiện tiền cũng như lâm chung được sanh về cõi nước của Đức Phật A Di Đà.
Ở thế gian có năm điều trược ác chủ chánh, là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược:
1/. Kiếp truợc: là thời kiếp ác trược, danh nghĩa của kiếp là nó kiêm cả bốn trược sau, nào là các pháp của thân tâm tụ hội, đều có thời tiết ngắn dài sanh diệt, trôi lăn trong sáu nẽo (thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), hòa hợp ly tan, khổ đau vằn vặt, thời gian trôi đi như vó câu, không dừng lại theo ý muốn chúng sanh.
2/. Kiến trược: Là kiến thức ác trược, thuờng còn, có, không v.v… chúng sanh đều chấp một bên (thân kiến, biên kiến), mà thành cái thấy mê lầm bằng năm lợi sử. Lại suốt ngày rượt theo hoàn cảnh, dấy lên các tướng vọng niệm phân biệt luôn so le với nhau không tạm ngừng dứt được.
3/. Phiền não trược: Sáu căn đối với sáu trần, nhơn đó, ý thức nó tùy theo cảnh ngộ, nảy sanh các vọng niệm: mừng, giận, ghét, thương, vui, buồn.v.v..tức là năm thứ độn sử: tham, sân, si, mạn, nghi.
4/. Chúng sanh trược: thức của con lẫn lộn tinh huyết cha mẹ, chung lại kết thành thân ngũ ấm, thì có cái ngã tướng. Cái thân có sanh tử ấy, nó ở giữa lục đạo, cứ sanh sanh tử tử mãi, để luân hồi níu liền nhau chẳng dứt.
5/. Mạng trược: hơi thở còn tiếp tục ra vào, là các căn, sanh mạng của thân, nếu một chổ trở ra rồi không trở lại, thì đồng tro đất. Phật dạy: mạng sống ở giữa hơi thở hút, lại bị lạnh nắng đổi thay, dung nhan biến dần, rút ngắn tuổi thọ.
Trên đây là nói về năm truợc ở cõi ta bà, người tu hành niệm Phật được sanh về thế giới Cực lạc, giải thóat ngũ truợc, được sống trọn ngũ thanh. Sau đây là ngũ thanh của cõi Thanh Thái, tức Tịnh Độ, Tây phương Cực lạc. Một thế giới thanh tịnh, cõi nước mà người tu dùng phương tiện tu hành niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật mà nguyện sanh về cõi ấy (sách Nhị Khóa Hiệp Giải).
Ngũ thanh là:
1/. Kiếp thanh: Nước Cực lạc chẳng có thời cuộc biển thẳm hóa nương dâu, không có những đổi dời, chấm dứt những khổ đau, thời tiết điều hòa, không mưa gió bão bùng đau thương ly biệt.
2/. Kiến thanh: Thường thấy nghe diệu pháp, tâm luôn chánh kiến, chánh tư duy, tất cả những nghĩ suy điều chánh đáng.
3/. Phiền não thanh: Đắc trí thanh tịnh, không có phiền não sanh, nơi cõi nước chỉ có thánh tam thừa, trí năng thanh tịnh và không sanh khởi lậu hoặc. Vì không nhiễm ô nên không có phiền não mê lầm.
4/. Chúng sanh thanh: Tự tha bình đẳng, vì tòan là thượng thiện nhơn, không có giai cấp cao thấp, mọi chúng sanh đều đắc quả vô sanh, không có những người ác, hiếp đáp lẫn nhau.
5/. Mạng thanh: Phật và chúng sanh đều sống vô lượng tuổi, do lấy trí tuệ làm sinh mệnh, nên không sinh tử luân hồi.
Chúng sanh phát tín tâm niệm Phật, biết quy y Tam Bảo kính Phật trọng Tăng, biết quý kính Hòa Thượng, Thượng tọa, Trung tọa, Hạ tọa. Kính người tu hành, các người ấy sẽ sanh về nước Cực Lạc, có cuộc sống an lành, tất cả việc làm đều là đại thiện nghiệp, việc làm ăn không còn vất vả, không nợ nầng, cuộc sống sung túc hẳn lên, tự mỗi người biết phát huy tánh thiện nhiều hơn ác, không còn cảnh xin phép làm ăn, xin ban bố phép mầu mua thần bán thánh, xin phép mở xí nghiệp công ty mà tự người ấy có đủ khả năng ăn nên làm ra và được hưởng thụ trọn vẹn tài sản.
Ngòai những ngũ trược trong thế gian, đưa chúng sanh đến chổ chìm đắm trong tam giới, Đức Phật Thích Ca còn chỉ rõ về tam khổ trong thế gian, giúp cho chúng sanh thóat khỏi những khổ đau oằn oại trong thế giới ta bà.
Tam khổ là:
1/. Khổ khổ: Tất cả chúng sanh trong tam giới mang thân phân đọan sanh tử đã là khổ rồi. Riêng về chúng sanh cõi dục thân khổ trược hơn, khổ nhân, quả báo lúc nào cũng nặng nề chìm đắm trong biển khổ.
2/. Họai khổ: Dù đặng phước vui thanh tịnh thiền định ở Sắc giới, đi ở tự do đi nữa, mà hễ hưởng phước hết rồi thì cái thân phải bị phá họai, vẫn đọa chịu khổ cõi dục.
3/. Hành khổ: Dù tu đắc định lực ở cõi vô sắc giới, sống lâu tám vạn kiếp, không lụy vì đến thân, nhưng trong thiền định còn có điều khổ vi tế luân lưu, vận chuyển khắp ta bà khổ hãi.
Khổ khổ, họai khổ, hành khổ được Đức Phật cân nhắc trong pháp tứ đế, lần đầu tiên được Đức Phật thuyết giảng tại huê viên Lộc Uyển, Ngài chỉ rõ những khổ đau oằn oại, sanh lão bệnh tử trong cuộc đời, những pháp vô thường khổ không vô ngã để cho con người tiếp nhận những ý thức mới mà tránh được những cái khổ nêu trên. Khi đã hiểu thì họ tự thoát, tự tìm đường thóat, đấy là ánh đạo, là giáo lý thực tiển sống động nhất của Đạo Phật, mà Đức Phật Bổn Sư Thích Ca đã khai sáng hoằng truyền cách đây trên 2554 năm, cho đến hôm nay vẫn còn phù hợp với từng thời đại. Đã thế mà mọi người trên hành tinh đều nghiên cứu thực tập tu học đưa đến kết quả cao. Đấy là pháp Tứ diệu đế và ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp.
Mô Phật chúng con đã hiểu!
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo
HT Thích Giác Quang