Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con được nghe Sư giảng về tứ đế, thập nhị nhơn duyên, Lục độ Ba la mật, nghe thì hiểu, nhưng thực hành thì khó, quý Sư ở trong Chùa thì tu dễ dàng là điều tự nhiên. Còn chúng con phải tu thật nhiều mới xứng đáng với giáo lý cao thượng của Phật. Chúng con phải tiến tu từ nhiều thế hệ, từ tín đồ Phật tử đến xuất gia, mà còn phải trải qua nhiều kiếp niệm Phật tu hành thì mới đắc quả Phật, quý sư dạy con như thế. Tuy nhiên trong quá trình học Phật tu nhơn, chúng con còn nghe quý sư giảng về những công hạnh của đại bồ tát (Thập ba la mật) tức là một pháp môn cao sâu hơn nữa, trong đó ngòai lục độ Ba la mật, còn phải tu tiếp tục bốn độ Ba la mật nữa. Xin Sư từ bi khai thị về bốn độ Ba la mật, chúng con nguyện tiếp thu lời dạy của Sư để học tập?

* Những pháp tu đại hạnh của Bồ tát Thập địa từ Sơ Hoan Hỷ Địa đến Pháp Vân Địa là pháp Ba la mật, còn gọi là Thập thắng hạnh, Thập độ, Thập đáo bỉ ngạn. Mười hạnh lành thù thắng mà bồ Tát phải tu tập để đạt đến Đại Niết Bàn.

Thập Ba la mật là:
Sáu Ba la mật, thêm bốn Ba la mật: Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí Ba la mật.
1/. Thí Ba la mật: có ba thứ bố thí là: tài thí, pháp thí và vô úy thí
2/. Giới Ba la mật: trì giới và thường tự xét.
3/. Nhẫn nhục Ba la mật: Nhẫn chịu sự bức hại
4/. Tinh tấn Ba la mật: Siêng năng tiến tu, không biếng trễ.
5/. Thiền Ba la mật: thu nhiếp lục căn, khiến thân tâm an định
6/. Bát nhã Ba la mật: mở trí tuệ chơn thật. Hiểu rõ thật tướng các pháp.
7/. Phương tiện Ba la mật: dùng các phương pháp gián tiếp khai phát trí tuệ.
8/. Nguyện Ba la mật: Thường giữ gìn nguyện tâm và thực hiện nguyện tâm ấy.

Theo bài giảng về Thập Ba la mật của HT Thích Giác Quang vào năm 2009 (Kỷ Sửu) thì Nguyện Ba la mật chính là pháp tu của Đức Tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước (Tổ sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng), Nguyện cũng chính là tông chỉ “Phát nguyện niệm Phật” của pháp phái niệm Phật “Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng” . Trong đó có ba pháp tu chính là tông chỉ của Tịnh Độ Non Bồng, như sau:

* Một là pháp “Bá Nhựt Trì Danh niệm Phật”
* Hai là Lễ Bái niệm Phật
* Ba là phát nguyện niệm Phật

Ba môn trên được cô đọng trong quá trình giáo hóa pháp môn niệm Phật Tịnh Độ Tông của Đức Tôn Sư. Cho đến nay “Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng”, chư Liên hữu Tăng Ni, Phật Tử đều tinh tiến thực hiện Pháp môn tu.
Phát nguyện chính là nhân hạnh của Đức Tôn Sư trong quá trình gần năm mươi năm tu chứng liễu đạo pháp môn và truyền bá pháp môn (trích trong Tịnh Độ Giảng Lược của HT Thích Giác Quang biên sọan diễn giảng)
9/. Lực Ba la mật: Bồi dưỡng năng lực thực hành thiện hạnh, phân biệt chánh tà.
10/. Trí Ba la mật: Trí tuệ thấy biết rõ tất cả các pháp.

Các pháp trên (10 pháp) đều nhân nơi tâm bồ đề làm nhơn. Kinh Giải Thâm Mật, Phật dạy: “Lý do ngòai sáu ba la mật còn lập thêm bốn Ba la mật là vì Phương Tiện Ba La Mật trợ duyên cho Thí, Giới và Nhẫn nhục Ba la mật
Nguyện Ba la mật trợ duyên cho tinh tấn Ba la mật.
Lực Ba la mật trợ duyên cho thiền Ba la mật
Trí Ba la mật trợ duyên cho Bát nhà Ba la mật

Mười Ba la mật xuất xứ từ kinh Bản Sanh là: Đàn (người tu học hạnh bố thí), Thi (người tu phải giữ Giới nghiêm túc), Bát Nhã (người tu phải phát huy Trí Tuệ), Tỳ Lê Da (người tu giữ hạnh Tinh tấn), Sằn Đề (người tu phải Nhẫn nhục), Xả Thế (người tu phủ nhận thế gian và chính mình), Chân Thật (người tu không nói lời hư vọng làm tổn hại sự chân thật), Quyết Ý (người tu không dao động ý tứ của mình), Từ (người tu không vì lợi ích cho mình, vì tất cả hữu tình mà trụ trong từ tâm) và Xả (người tu không bị khổ vui mừng giận… làm dao động)
Thực hành mười công đức trên gọi là Ba la mật (thân tâm đều giải thóat).

Bên Mật Giáo: kết họp mười ngón tay với mười pháp Ba la mật, trong đó:
Bàn tay phải, tượng hình như sau: THÍ là ngón tay ÚT, GIỚI là ngón tay ÁP, NHẪN là ngón tay GIỮA, TINH TẤN là ngón tay TRỎ, THIỀN là ngón tay CÁI.

Bàn tay trái, tượng hình như sau: BÁT NHÃ là ngón tay ÚT, PHƯƠNG TIỆN là ngón tay ÁP, NGUYỆN là ngón tay GIỮA, LỰC là ngón tay TRỎ và TRÍ là ngón tay CÁI (trích từ diễn Phật Quang, HT Minh Cảnh biên sọan)
Thập Ba la mật trên đây, người tu Mật Tông dùng làm thủ ấn mà tu hành. Còn bên Hiển giáo thì phát nguyện thực hành chuyên tu, vừa tu vừa giúp giáo hóa chúng sanh khiến cho giải thóat nổi khổ niềm đau trong bến nước sanh tử luân hồi, chứng thánh vị Bồ Tát.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.


Có phản hồi đến “Ngày 31 – Những Công Hạnh Của Đại Bồ Tát”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com