Mục Lục
An Sơn Tự (Bồng Lai cổ tự)
Năm 1944 trở về Việt nam du phương hành đạo đến an trú tại An Sơn Tự (Bồng lai cổ tự), vùng núi Tượng, Ba chúc, huyện Tri tôn, Châu đốc, An giang cầu tu theo pháp Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tu hành với Ông Ba Khỏe là vị Trưởng Gánh thuộc môn phái của Ðức Bổn Sư Núi Tượng; thời điểm bấy giờ thì Ðức Bổn sư đã không còn nữa, Ngài đã ra đi về với Tổ Phật. Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nền đạo đức rất phù hợp với “thổ dân” và “di dân” lập nghiệp ở vùng biên giới Việt-Miên.
Năm 1851 Bồng Lai cổ tự là nơi Ðức Phật Thầy Tây An chỉ giáo cho Quản cơ Trần Văn Thành và một số tùy tùng lên núi tìm gổ “lào táo” là lọai gổ chắc để làm trụ cột gọi là “cây thẻ” hay “ông thẻ” cấm vào lòng đất, vuốt hình búp sen, có khắc bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, cây thẻ số ba, thuộc hướng Tây (Tây Phương Bạch đế), nằm trấn biên giới Miên-Việt ở Bài Bài, bên kia bờ kinh Vĩnh tế, thuộc xã Vĩnh tế, huyện Tinh biên, tỉnh An giang (lộ núi Sam vô 4 km).
Cây thẻ số một (Ðông phuơng Thanh đế) cắm ở làng Vĩnh hanh; cây thể số hai (Bắc phương Hắc đế) cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung; cây thể số bốn (Nam phương xích đế) cắm ở Giồng cát, Rừng Tràm, Vĩnh điều; cây thẻ số năm cắm ở Thiên Cấm sơn, gần hang Bác Vật Lang. cả năm cây thẻ đều thể hiện niềm tự hào về đất nước thống nhất có chủ quyền như ý nghĩa bài thơ “Nam quốc Sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
Trong quá trình bị nạn chiến tranh, quý Thầy trong chùa lén đẻo “ông thẻ”û số 3 trị bệnh cho bà con, ông Thầy bị chết “bất đắc kỳ tử”.
Thẻ hiện nay được bào chuốt lại kỹ lưỡng, đặt kính cẩn trên bàn thờ và được bà con khắp nơi chiêm ngưỡng lễ bái. An Sơn Tự phía trước thờ Phật Thích ca, phía sau thờ Trăm quan thần cựu, bài vị thờ Phật Thầy Tây An, ông Ðạo Lập và ông Cử Ða.
Việc ếm đối là việc làm có tính cách riêng biệt “biệt truyền” của các bậc khai sơn đạo giáo, các nhà làm tôn giáo dân tộc ở miền Tây nam phần Việt nam, các pháp ấy không có trong giáo lý của Ðức Phật Thích ca, giáo pháp nhà Phật không có giáo hóa đệ tử thực hiện các việc làm như của “các bậc Tổ Tiên Thánh Giáo”, không cho phép làm những việc có tính cách thần thông biến hóa, tiên tri bốc phệ… Tuy nhiên qua bài viết nầy chúng tôi giới thiệu một ít nét chấm phá như một đề tài văn học của Việt nam về việc “ếm đối”, “mở ếm” của các nhà phong thủy xưa, họ làm gì? để làm gì?
Như chúng ta đã biết không phải đợi tới năm 1849 Ðức Phật Thầy Tây An, Ðức Bổn sư núi Tượng, Oâng Ðạo Lập mới xuất hiện “mở ếm” giải thóat những khổ đói cho dân nước Nam và cũng không phải đợi đến năm 1714 mới có Mạc Cửu ở Hà tiên, bày vẻ việc “ếm đối” long mạch làm tắt mạch nhân tài nước Nam.
Mà trước đó có một số nhà phong thủy nổi tiếng như: Cao Biền, tướng quân Hòang Phúc đời Ðường Trung quốc đến Mạc Cửu được vua Nhà Thanh sai sang đất Việt ếm đối để làm cho không còn nhân tài kiệt xuất của nước Nam xuất hiện. Tuy nhiên, ở thời kỳ lập quốc, nước Nam vẫn còn những nhân tài kiệt xuất như Nhà sư Chân Nhân (852-936), Thiền sư Ðịnh Không, chùa Quỳnh Lâm, Ðinh Bộ Lĩnh biết công phá sự “ếm đối” của Cao Biền. Sư Vạn Hạnh đôn đốc vua Lý Công Uẩn dời đô để “phá vở, mở toang” sự ếm đối của người phương Bắc; ông Tả Ao Nguyễn Ðức Hiền, người làng Tả Ao lưu truyền sách phong thủy, Cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán về sự thịnh suy của nước Nam để mở đường ho dân Nam biết cách tránh sự ếm đối của người Tàu; Ðức Bổn sư núi Tượng thì “mở ếm” tại Thủy Ðài Sơn, ông đạo Lập “mở ếm” tại Bài bài giúp cho dân tình an cư lạc nghiệp. Ðức Phật Thầy Tây An làm năm cây thẻ để “phá trấn ếm” của người Tàu mở đường cho dân Nam văn minh tiến bộ, vượt qua nhiều ách đô hộ lâu đời của ngoại bang, giữ yên bờ cõi trường tồn bất diệt. Chúng ta là những người hậu học khi tìm hiểu, không nên lấy sự hiểu biết hạn hẹp, suy tư đắn đo mà làm thước đo sự hiểu biết vô vi vô bờ bến đó!
An Sơn Tự là nơi Ðức Sư Ông tu hành đúng một năm, rồi sau đó về tại Ngọa Long Sơn, xây dựng Tổ đình Bửu Quang.
Khai sơn chùa Bửu Quang,
Năm 1945, Ðức Sư Ông hành đạo về tại Ngọa Long Sơn, đến địa điểm Ô Tam cấp, cạnh núi Văn liên an trú. Trên lưng chừng núi non hiểm trở, xây dựng chùa Bửu Quang với tranh lá đơn sơ, nơi giữa rừng vắng hoang vu linh thiêng huyền bí tu hành khổ hạnh, ngày thì canh điền tác rẩy, để có phương tiện nuôi thân, đêm về am thanh cảnh vắng, giữa chốn tịch dương sôi kinh nấu sử, bái sám tịnh niệm và cứ như thế Ngài tấn tu tịnh nghiệp không hề nhàm trể. Ðức Sư Ông rất tiết độ về ăn uống, ngày chỉ ăn một ngọ trưa, vì muốn cho thân xác được nhẹ nhàng, nên khi ăn, chỉ ăn lường một bát cơm, cháu rau đạm bạc để vừa đủ nuôi thân mà thôi.
Lúc bấy giờ còn có tu sĩ Nguyễn Thành Nam tìm non núi tu hành, cũng đến cùng ở tu với Ðức Sư Ông, tu sĩ Thành Nam có hạnh tu đặc biệt: “mỗi lần Ðức Sư Ông kết khóa ngồi tịnh niệm Phật, tu sĩ cũng đến hành pháp ngồi đối diện với Sư Ông để niệm Phật, Sư Ông quay về hướng khác, tu sĩ cũng quay theo hướng khác, Sư Ông quay hướng nào tu sĩ cũng quay theo hướng đó để cùng tu cùng tịnh niệm…”. Tu sĩ Nguyễn Thành Nam sau về quê hương Bến tre lập đạo Hòa Ðồng Tôn giáo, đến năm 1967 lập thành Hòa Hiệp Tôn giáo, do chính tu sĩ làm Giáo trưởng.
Theo lịch sử địa danh Ba chúc thì năm 1949, quân Pháp mở trận càn quét lớn vào vùng bảy núi, chùa Bửu Quang của Ðức Sư Ông cùng một hòan cảnh “bị giặc Tây đốt cháy”, nhưng lúc bấy giờ Sư Ông không khuất phục trước những cách đối xử với người tu Phật của bọn Tây, nên cương quyết không xuống núi, mà xây dựng lại ngôi Tam bảo Bửu Quang để hành đạo.
Theo lời kể của cư sĩ Thiện Phước, người đứng ra trùng tu ngôi chùa Bửu Quang và Ông Trưởng Ấp An hòa B (cháu của Sư Thiện Thới) hôm ngày mùng 9 tháng 12, năm Canh dần, 2011 như sau:
“…Cho đến năm 1959, chế độ cũ của Ông Ngô Ðình Diệm lập khu trù mật, chính quyền ra lệnh bắt buộc chùa phải di dời xuống núi về tại lộ 30, tọa lạc dưới chân núi Dài (Ngọa Long Sơn). Thời kỳ chiến tranh Việt Mỹ, Ðức Sư Ông và huynh đệ tu trong chùa tham gia họat động ủng hộ che dấu Cách mạng, do đó đến ngày 17/4/1963 chùa bị chế độ cũ bắn phá đốt cháy, có bốn vị tu sĩ cư trú tu hành bị thương vong hiện nay vẫn còn chứng tích. Chùa Bửu Quang lại phải di dời về phía sau chợ Ba chúc; lúc bấy giờ chùa được xây dựng lại khang trang cao ráo nhưng bằng gổ lợp lá; chùa được Trung ương Giáo hội Phật giáo Tịnh Ðộ tông Việt nam đặt văn phòng trở thành Trụ sở Quận hội Phật giáo Tịnh độ tông Việt Nam, do Hòa Thượng Thích Thiện Niệm làm Hội trưởng…” Kể từ năm 1965, hằng năm vào ngày 19/Giêng sọan giả cùng với chư Tăng thuộc Ðòan Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, Tịnh xá Thiện Chơn, Quan âm Tu viện, Tổ đình Linh Sơn đều có tổ chức thành đoàn đi về viếng Ðức Sư Ông tại tịnh thất Ðại Quang Minh, thăm Tu Vũ Tự và chùa Bửu Quang.
Chùa Bửu Quang là ngôi chùa duy nhất thuộc Hội Phật giáo Tịnh Ðộ tông nằm trong lòng thánh địa Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ðến năm Mậu thân, 1968 thời kỳ chiến tranh Việt Mỹ, Tổ đình một lần nữa lại bị đốt cháy. Sau ngày hòa bình 30/4/1975 quý vị đệ tử Ðức Sư Ông, như cư sĩ Thiện Huệ, cư sĩ Thiện Phước, cư sĩ Tiền Ðịnh và chư huynh đệ nam nữ Phật tử…trở lại trùng tu tạm ở tu hành, nhưng đến năm 1979 giặc Miên đến tàn phá thị trấn Ba chúc, tàn sát dân lành đốt phá chùa một lần nữa, giết chết thật nhiều các đồng đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, trong đó có đệ tử Ðức Sư Ông là Cụ Sáu Muôn tử vì đạo, Cô Tám Phiến cũng bị giặc Miên bắt nhưng thoát nạn…thật đau lòng cho con cháu môn đệ của Ðức Bổn sư cũng như của Ðức Sư Ông.
Hành hương về nguồn lần thứ nhất:
Tịnh thất Ðại Quang Minh,
Năm 1960, sau khi rời khỏi Ngọa Long Sơn, Ba chúc Ðức Sư Ông và Ðức Cô Diệu Nguyệt, chư huynh đệ về hành đạo tại núi Trà sư, gần điện Sân Tiên, huyện Nhà bàng. Nơi đây cũng được chư huynh đệ xa gần phát tâm dựng lên một tịnh thất cúng dường Ðức Sư Ông, hiệu là Ðại Quang Minh.
Trong những năm 1961,1962 vâng lệnh Ðức Tôn sư, Ni trưởng Huệ Giác (Ông Sáu Lục) thường xuyên hướng dẫn chư huynh đệ ở miền Ðông và Saigon đến thăm viếng Ðức Sư Ông cầu học đạo, trong đó có nhiều nhà học giả trí thức, như Ông Huỳnh Hoài Lạc, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo Chuông Mai, anh em ký giả, các vị tuổi trẻ đầu xanh đến học Phật pháp.
Nơi đây còn có Sư Thiện Huỳnh (cháu của Ðức Huỳnh Giáo chủ), Sư Thiện Hương làm thị giả hầu cận Ðức Sư Ông. Soạn giả và chư Tăng Ni thuộc Tăng đoàn Du Tăng Khất sĩ Non bồng được sự chỉ giáo của Ðức tôn sư, mỗi năm vào khoãng trung tuần tháng giêng âm lịch cũng thường tổ chức thành đoàn về tại tịnh thất Ðại Quang Minh kính lễ Ðức Sư Ông và thọ học pháp môn tu niệm Phật.
Tu Vũ Tự,
Theo lời của cư sĩ Thiện Phước kể lại: có một ngôi chùa Bồng Lai nơi có thờ “ông thẻ” của Ðức Bổn sư núi Tượng thiết lập để trấn giữ (không phải Bồng Lai cổ tự). Về sau chùa bị chiến tranh đốt cháy, đến năm 1964 Ðức Sư Ông chủ trương muốn lập lại ngôi chùa xưa, nên cử Ông Út Hớn chịu trách nhiệm trùng tu lại ngôi chùa Bồng Lai, núi Tượng, nhưng đổi danh hiệu chùa Bồng Lai thành Tu Vũ Tự. Trong quá trình xây dựng có nhiều tình tiết mà Ông Út Hớn và chư huynh đệ không giải quyết được, như việc:
”…tại nền chùa cũ có thờ một “ông thẻ” của Ðức Bổn sư núi Tượng thờ phượng trấn giữ” cấm sâu trong lòng đất từ xưa; lại nằm trong nền chùa đến nay thì nhổ không lên, Ông Út Hớn và chư huynh đệ về Trà sư cầu Ðức Sư Ông gia hộ, Sư Ông cử Sư Thiện Huỳnh, là cháu của Ðức Thầy Huỳnh Giáo chủ đến tụng kinh cầu nguyện; sau đó Sư Thiện Huỳnh tự tay nhổ “ông thẻ” lên một cách dễ dàng, để phụng thờ tại Tu Vũ Tự…”. Quá trình trùng tu xây dựng ngôi Tu Vũ Tự, Ðức Tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước có cử Ông Tám chợ Ðào, các huynh đệ của Tịnh độ Non bồng từ Tổ đình Linh Sơn miền Ðông đến làm công quả trực tiếp chịu trách nhiệm trùng tu công trình cho đến khi viên mãn. Hiện nay thì Ông Út Hớn đã quy tây, ngôi chùa được con trai của Ông sữa sang lại thật khang trang và làm Trưởng Gánh của Phật giáo Tứ Ân vùng Ba chúc.
Theo dấu chân Ðức Sư Ông:
Thành An Tự,
Năm 1969, Ðức Sư Ông chỉ giáo Sư Thiện Thới và các môn đệ tập trung về Núi Sập xây dựng ngôi Phật pháp Thành An Tự trên đỉnh núi Sập, huyện Thọai sơn, tỉnh An giang. Sau đó Ðức Sư Ông được các môn đệ bái thỉnh về đây an cư hóa đạo cho đến ngày viên tịch.
Sư Thiện Thới hoàn tục, Phật sự chùa Thành An được giao lại cho quý thầy Thiện Tâm, Thiện Tánh, Thiện Chí, Ông Ba Bồ Ðề… Năm 1976 sau khi Ðức Sư Ông viên tịch, Ðức Tôn sư cử Tu sĩ Thích Thiện Tâm làm Trụ trì. Năm 2007, Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, Trưởng tông phong Liên tông Tịnh độ Non bồng đứng ra trùng tu trở thành ngôi đại già lam quy mô khang trang để báo ân báo hiếu Phụ mẫu Tổ sư. Năm 2008, Ni trưởng cử Thầy Thích Huệ Thống thuộc con cháu trong tông phong làm Trụ trì.
Sở dĩ chúng tôi kính tôn hai ngôi chùa Bửu Quang và chùa Thành An vị thứ là Tổ đình vì hai ngôi chùa nầy là nơi xuất thân của Ðức tôn sư Hòa thượng thượng Thiện hạ Phước người sáng lập Liên tông Tịnh độ Non bồng, một môn phái có nhiều người dự tu Tịnh độ ở miền Ðông Nam phần Việt nam.
Hộ trì chánh pháp:
Năm 1942, Ðức Sư Ông du hóa hành đạo về cầu số 1, Thị xã Rạch Giá, các môn đệ cũng được mời về đây tiếp tục làm việc từ thiện bốc thuốc Nam, cứu bệnh hướng dẫn người tu hành tế tăng độ chúng.
Có một Ðạo nhân tướng hảo quang minh, diện mạo khôi ngô minh triết, vị thanh niên có trên 20 tuổi, mặc y phục cổ truyền (bộ đồ bà ba trắng) đến cùng tham vấn về nguồn đạo lý của ba đời chư Phật với Ðức Sư Ông.
- Sư Ông nói : “Ông là người có sứ mạng cao cả với Phật pháp, nên xuất thân tu hành hoá đạo, chúng sanh đang chờ, lúc bấy giờ tôi hứa sẽ là người đầu tiên trợ duyên cho Ông…”
Vị Ðạo nhân liền vái chào từ giả Sư Ông ra đi và làm theo lời khuyến tấn của Sư Ông. Ðến năm 1943, vị Ðạo Nhân đó trở lại thăm Sư Ông, lúc bấy giờ trên mình mang pháp phục “đại y bá nạp”. Sư Ông liền bảo: “ Từ đây đạo lành của ông rất tỏ rạng, nhưng trên đường hành đạo, Ông đừng bao giờ nhắc đến danh tánh của tôi, tôi và các môn đệ của tôi trong tương lai sẽ là người ẩn mình hỗ trợ cho Ông hóa đạo, riêng tôi chỉ là ông già thất nghiệp mà thôi…” (nguyên văn của Ðức Sư Ông thuật lại hồi năm 1962 khi Ðoàn Du Tăng chúng tôi đến thăm Ngài tại Sân Tiên, núi Trà sư, Tịnh Biên ).
Vị Ðạo nhân tướng hảo khôi ngô minh triết đó sau nầy là Giáo tổ Minh Ðăng Quang, người sáng lập Ðạo Phật Khất Sĩ Việt Nam !
Hộ trì tôn giáo dân tộc:
Phật giáo Hòa Hảo thuộc Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, là một viềng mối Ðạo Phật xuất hiện tại Việt nam, hoàn toàn của dân tộc Việt nam, phù hợp với vị trí, địa lý, phong thổ, tập quán của người dân đồng bằng Nam bộ, vị giáo chủ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, yếu nước yêu quê hương, giữ gìn thắt chặt những cơ đồ mà mình đã tạo ra.
Vị đạo nhân sáng lập Phật giáo Hòa Hảo là người có truyền thống đạo đức, trí tuệ tuyệt vời, bản thân có “ơn trên trước” gia hộ điển lành, xuất khẩu thành thơ, khuyến thiện, khuyên dân lành tu niệm, cứu dân độ thế, chủ trương vừa tu hành vừa hành pháp tứ ân hiếu nghĩa, trọn đạo bốn ân, chống ách thống trị của ngoại xăm.
Theo lời của Sư Thiện Huỳnh kể năm 1970: “Có lần Ðức Sư Ông đang hành đạo tại chùa Bửu Quang, một vị đạo nhân dáng vẽ uy nghiêm, phong độ hiền triết ghé thăm Ðức Sư Ông, hai bên có trao đổi với nhau về giáo lý Phật đà ảnh hưởng đến các mối đạo vô vi phát sanh tại Việt Nam.
Vị đó chính là Ðức Thầy Huỳnh giáo chủ, người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo năm 1939 (18 tháng 5 năm Kỷ mão).
Phật giáo Hòa Hảo là ánh đạo vô vi minh triết, tiếp nhận giáo lý Phật-đà triết lý thành thi văn để giáo hóa đồ chúng; thật phù hợp với nhơn luân đời sống đồng bào miền Tây nam phần Việt nam. Chủ trương tu cư gia, học Phật tu nhơn, tu đầu tóc không cần phải cạo, miễn cho rồi cái đạo làm người. Tổ chức hành chánh thật nghiêm trong khâu quản lý tín đồ, Hội quán thờ tấm “Vải Nâu” và “Di ảnh Ðức Huỳnh” trang nghiêm, phổ biến giáo lý bằng kinh sám, lời chỉ dạy của đức Hùynh giáo chủ, mà người tín đồ miền Tây lục tỉnh tín ngưỡng, mối đạo của Ngài là hậu thân của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Trong môn phong Liên tông Tịnh độ Non bồng, có những người cháu và tín đồ của Ðức Thầy Huỳnh phát tâm xuất gia đầu Phật, như: Ðại Ðức Thiện Huỳnh (cháu của Ðức Hùynh), Hòa thượng Thiện Hương (tín đồ của PGHH, phát tâm tu Tịnh độ làm thị giả Ðức Sư Ông tại tịnh thất Ðại Quang Minh).
Tại Quan âm Tu viện có Ông Minh Thế (Lê Văn Nuôi) hướng dẫn gia đình là Bà Võ Ngọc Lệ và con cháu quy y Tam bảo năm 1990. Ông thường xuyên tham dự thọ Bát Quan trai giới, hiện nay Ông đã xuất gia và thọ Tỳ kheo năm 1998. Bà Võ Ngọc Lệ là cháu của Ðức Thầy Huỳnh Giáo chủ (Bà Lệ là con gái của Cụ Bà Hùynh Thị Sớm). Xin trích một vài bài văn ngôn của Ðức Hùynh Giáo chủ:
***
Muốn đặng thánh thần với Phật tiên
Rán tu ân đức chớ tu tiền
Lợi danh chớp nháng như luồng gió
Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền
Sớm thức tĩnh tâm tầm Ðạo chánh
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên
Lập thân giúp thế nên công quả
Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên.
Hòa hảo, năm Kỷ mão
***
Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền
Nhẫn giới kỳ tâm thận thủ tiên
Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ
Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên
Nhẫn tâm nhựt nhự thường an lạc
Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền
Nhẫn đức bình an tiên vạn sự
Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên
Hòa hảo, năm Kỷ mão
Truyền đăng tục diệm pháp môn niệm Phật, Tịnh độ tông,
Vào cuối năm 1954 Ðức Sư Ông có tiếp nhận thêm một người đệ tử, mà người này có tâm tính khác thường hơn các đệ tử lớn của Ngài. Suốt thời gian học đạo 8 tháng chưa bao giờ người được phép gặp Sư Ông để được dạy bảo học giáo lý gì cả, mà chỉ được các vị đệ tử lớn truyền đạt lại dạy niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà : “NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT”, mặc dù người văn hay chữ giỏi, thông thuộc nho học, kinh pháp lão thông, nhưng ngược lại người chỉ được các Sư huynh cho phép “Làm công quả, lao tác xung quanh các việc trong nhà trù cũng như ở ngoài rừng…” nhưng vị Ðạo nhân đó lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận.
Một ngày nọ, vị Ðạo nhân đó lén vào liêu phòng của Sư Ông để tham vấn học đạo. Khi gặp Sư Ông, mừng quá vị Ðạo nhân nói: “ Bạch Ông Ba, con muốn giống Ông Ba, mà phải tu thế nào cho giống?…”
Ðức Sư Ông vui cười và bảo : – “ Muốn Thì Ðược” ! Nói rồi Ðức Ông liền ban cho vị Ðạo nhân đó một bát cơm của Sư Ông đang ăn…nhận lấy phần quà vinh dự đó, vị Ðạo nhân xem như là thượng phẩm, lãnh sứ mệnh thiêng liêng cao quý của Sư Ông. Thế rồi chỉ có bấy nhiêu thôi, từ đó tình thân mật giữa thầy trò chỉ nhìn nhận nhau bằng tâm niệm. Huyền sử mầu nhiệm về tình nghĩa Thầy trò suốt thời gian học đạo, Ðạo nhân được Ðức Sư Ông dạy đạo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để rồi phải xa nhau. Sư Ông dạy Ðạo nhân đó phải đi về Miền Ðông hành đạo thì được việc…
Năm 1956, vị Ðạo nhân đi về miền Ðông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, thường trụ nhiều trú xứ, cầu pháp với Ðại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu, tại Long Sơn cổ tự, xã Tân ba, Quận Tân uyên và cuối cùng đăng sơn núi Dinh, Bà Rịa được Yết Ma Sen giao phó Tổ Ðình Linh Sơn cho Ðạo nhân làm Trụ trì vị đạo nhân đó tức là Ðức tôn sư Hoà Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC, biệt hiệu Ðức Mẫu Trầu Bồng Lai người sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Ðộ Non Bồng, Chứng Minh Ðạo Sư Quan Âm Tu Viện, lãnh đạo 150 ngôi Tự , Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Ðạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn Tăng Ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.
Hộ trì cho Phật giáo Tịnh độ tông Việt nam:
Năm 1959, chùa Bửu Quang được di dời xuống khỏi núi Ngọa Long Sơn, đến năm 1963, chùa được xây dựng khang trang phía sau chợ Ba chúc; là ngôi chùa duy nhất được Ðức Sư Ông cho phép đặt văn phòng Hội Phật giáo Tịnh Ðộ tông Việt nam Quận hội Ba chúc.
Nhằm để hộ trì cho Phật giáo Tịnh Ðộ tông hưng thạnh thêm lên, năm 1963, Ðức Sư Ông về hành đạo tại Trường Sanh Phật tự, thị xã Mỷ tho, Trụ sở của Phật giáo Tịnh Ðộ tông Việt nam tỉnh Ðịnh tường, chùa lúc bấy giờ do Trưởng lão Thích Từ Ân làm Trụ trì, đương kim Hội trưởng.
Trong năm đó, Trung Ương Hội có cấp bằng và cấp thẻ Nhà sư Tịnh Ðộ tông cho Ðức Sư Ông. Hiện nay cấp bằng Nhà sư vẫn còn để kỷ niệm tôn thờ tại tổ đình Thành An.
Chùa Bửu Quang hiện nay là ngôi chùa duy nhất thuộc pháp phái niệm Phật Tịnh Ðộ tông nằm giữa lòng thánh địa Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ðức Sư Ông viên tịch,
Trong đời hành đạo của Ðức Sư Ông, đệ tử của Ngài tuy đông, nhưng chỉ có Hoà Thượng Thiện Phước là người đệ tử tâm đắc .
Khi còn hành đạo tại tinh thất Ðại Quang Minh núi Trà sư, Ðức Sư Ông thường lui tới về Miền Ðông thăm Tổ Ðình Linh Sơn để sách tấn Tăng, Ni, Phật tử tu học và chứng minh cho người đệ tử tâm đắc của Ngài đang hành đạo giáo chúng. Những năm tuổi cao sức yếu, Ðức Sư Ông luôn có đủ trí tuệ tuyệt vời để giáo hóa môn đệ cháu con…khi có ai vấn nạn Phật Pháp, Ðức sư Ông dạy: “tôi là ông già thất nghiệp, các vị về miền Ðông hỏi Mẹ Trầu…” – có ai hỏi về Phật Pháp xin xuất gia tu hành, Ðức Sư Ông dạy về miền Ðông hỏi “ông Lục”, tức Ni trưởng Huệ Giác, hoặc mấy Ông Sư con của Mẹ Trầu…
Ðức Sư Ông xả báo an tường đi về với Tổ Phật vào lúc 4 giờ sáng ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Dần, tiết Ðại Hàn, nhằm ngày 29/01/1975 trong khi đôi bàn tay của Ngài đang kiết ấn tam muội, từ giả huyển thân ra đi với một tư thế điềm đạm và an tịnh, hưởng thọ 95 tuổi đời, 55 năm tuổi hành đạo.
Hằng năm Ni Trưởng Huệ Giác, trưởng tông phong Liên tông Tịnh độ Non bồng, chư Tăng Ni, Phật tử trong cả nước về tại Tổ đình Thành An tổ chức cúng lễ húy kỵ Ðức Sư Ông.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.