Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con nghe Sư Bà kể thì trong mười chùa có một vài chùa có thờ Thập bát La Hán, tức là các vị Thinh văn đệ tử Đức Phật Thích Ca, nhưng các tượng ấy thường là tượng vẽ, hay tượng gổ mít điêu khắc thủ công thô sơ ngày xưa, chúng con được nghe giảng nhiều thuyết. Xin Sư từ bi giảng giải cho chúng con hiểu về Thập bát La Hán thuyết nào cho đúng?

Nói về Thập bát La Hán (18) , thật ra chỉ có Thập lục La Hán (16), mười sáu vị A la hán thì đúng hơn, chuẩn hơn. Sau ngày hòa bình Tăng Ni, Phật tử miền Nam thường nghe nhắc đến tượng Thập bát La Hán chùa Tây Phương,thôn Yên, xã Thạch xá, huyện Thạch thất, Hà nội mỗi tượng cao trung bình 3 mét, tượng nổi tiếng khắp Bắc Trung Nam.

Về sau có mười tám tượng La Hán, mỗi tượng cao 1,6 mét được tạc tại chùa Giác Hải, Quận sáu, Tp.Hồ Chí Minh; năm 1979 dự kiến đem về phụng thờ tại các chùa miền Bắc, nhưng sau đó được thuyên chuyển về tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh, ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Rồi từ đó đến nay, nhiều nơi các chùa đặt tượng thờ mười tám vị A la hán, hoặc bằng tượng gổ, hoặc bằng tượng cement, đất nung, gốm sứ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… Riêng tượng đất nung nổi tiếng ở Bình Dương, do ông Tăng Minh Phụng, Giám đốc Cty May Minh Phụng cúng dường, hiện vẫn còn phụng thờ tại Quan Âm Tu Viện…

Tượng La Hán được phụng thờ nhiều nơi, đều là mười tám vị, nhưng thật sự chỉ có mười sáu vị.
Mười sáu vị La Hán có mặt ở thế gian để hộ trì chánh pháp. Mười sáu vị nầy là những vị được sinh ra trong thế gian nầy, đi tu trở thành Sa môn chính thức đệ tử của Đức Phật, hay môn đệ của Nhà Phật tu đắc đạo, chớ không phải như truyện tích Trung Hoa cổ cho là mười tám tên ăn cướp thành mười tám vị La Hán, truyện nầy hoang đường lắm các bạn ạ.

Các vị A la hán là những Đại sa môn, Sa môn là những bậc ứng cúng xứng đáng nhận được sự cúng dường và là thầy của của nhơn thiên, nên còn gọi là Thập Bát ứng cúng.

Trong quyển từ điển Phật học Tịnh độ của Đòan Trung Còn có nói về thập lục La Hán, chứ không có thập bát La Hán, đồng thời có nêu danh sách mười sáu vị A la hán âm từ tiếng Pali sang tiếng Việt như sau:

1/. Tân độ la bạt ra đọa xà
2/. Ca nặc ca phạt sa
3/. Ca nặc ca bạt lỵ đọa xà
4/. Tô tần đà
5/. Nakura
6/. Bạt đà la
7/. Ca ri ca
8/. Phạt xà la phất đa la
9/. Thú bát ca
10/. Bán thác ca
11/. La hầu la
12/. Na ca tê na (Na Tiên)
13/. Nhơn yết đà
14/. Phạt na bà tư
15/. A sí ta
16/. Chú đồ bán thác ca.

Chỉ có 16 vị A la hán, không có 18 vị A la hán. Người đầu tiên vẽ tượng 18 vị A la hán là ngài Trương Huyền và Quán Hưu sống vào thế kỷ thứ 10. về sau Sa môn Giác Phạm và văn hào tô Đông Pha có làm thơ tán dương thập bát La Hán.

Ngòai 16 vị La Hán thì ngài Khánh Hữu tôn giả là vị La Hán thứ 17, Tân đầu lư phả là vị La Hán thứ 18. tuy nhiên trên thực tế Khánh Hữu chính là Nan đề mật đa la, tác giả quyển Pháp Trụ ký; Tân đầu lư phả chính là vị đầu tiên trong 16 vị A la hán. Vì không thông kinh điển, không thông tiếng Phạn mà lập thêm như thế, nhưng cũng từ đó mà 16 vị A la hán thành 18 vị A la hán.

Từ đời nhà Nguyên về sau, trong chính điện của các Tự Viện đều có thờ 16 vị A la hán, việc vẽ và điêu khắc tượng A la hán thông thường cũng lấy 18 vị A la hán làm chính.
Ngoài ra còn có thêm Ca Diếp tôn giả, Quân Đồ Bác Thán Ca tôn giả thành 18 vị. Các vùng ở Tây tạng có nơi thêm Ngài Đạt-ma-đa-la, Bố Đại Hòa thượng, hoặc thêm hai tôn giả Hàng long, Phục hổ, hoặc thêm hai vị Ma Sa phu nhân và Di Lặc (theo Phật tổ thống kỷ 33).

Dù là 16 hay 18 vị La Hán, thì cũng do các bậc vãng bối của nhà Phật thêm thắt, bớt ra mà thôi, chúng ta Phật tử hậu sanh thừa kế tu hành giữ gìn đạo mạch đều đảnh lễ, thờ phụng 18 hay 16 vị cũng đều là các vị Sa môn đắc đạo, chúng ta vẫn kính lễ tôn thờ.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 47 – Mười Tám (Sáu) Vị A La Hán”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com