Mục Lục
Bạch Sư! Chúng con nghe quý Giảng sư thuyết giảng: “pháp môn Tịnh Độ khế cơ và khế lý trong từng thời đại, là pháp môn dễ tu dễ chứng, phù hợp với mọi căn cơ trình độ chúng sanh, nhất là đối với những vị sĩ, nông, công, thương, các thành phần trong xã hội. Người độn căn lợi căn đều có thể tu niệm Phật được; bậc thượng căn nghiệp dứt tình không, bậc hạ căn chướng sâu tội nặng đều có thể phát tâm tu hành không trở ngại. Tuy nhiên chúng con là người có biết pháp môn tu, nhưng chưa quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm có thể tu niệm Phật được hay không…?”
* Quý Thầy giảng Tịnh Độ rất kỹ, không bao giờ dùng từ ngữ Phật học pháp môn Tịnh độ, mà dùng cụm từ “pháp môn niệm Phật” Tịnh độ tông.
Thật sự pháp môn niệm Phật dễ tu dễ chứng, phù hợp với quảng đại quần chúng, nhất là quần chúng của thế kỷ hai mươi mốt, một thế kỷ mà mọi người phải vật vã lo toan cho cuộc sống; lo ăn lo mặt, lo cho gia đình, cho xã hội. Gần như là con người trên hành tinh không còn và không có thời gian để trở về với nội tại tâm linh. Cho nên vấn đề tu Phật là điều cần tìm hiểu và tìm một lối thoát cho người muốn tu học Phật, lo cho con đường về của mình, có một lối thoát khả dĩ, hóa giải những căng thẳng hằng ngày xâm lấn làm tiêu hao nội lực, tâm linh lu mờ, làm cho con người mau cằn cỗi, mau già đi với thời gian và trong không gian thu hẹp.
Pháp môn niệm Phật là pháp môn có thể áp dụng hằng ngày, hằng giờ xen kẽ vào đời sống vật chất, trong đó có thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho cuộc sống, thời gian dành cho hơi thở điều hòa, một chút thời gian ấy chính là thời gian mà con người dành riêng cho cá nhân cuộc sống, chính là cuộc sống tâm linh, chính là hơi thở của cuộc đời.
Cần trích quỹ thời gian từ hai mươi đến ba mươi phút niệm Phật, niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát. Chính những giây phút ấy, những phút giây hiện tại, những phút giây trở về với thực tại, hít thở không khí vũ trụ phi thời gian, ngắm nhìn không gian, nhìn về thế giới của vô biên, của bao la, sự hoan hỉ của thế giới Cực lạc như Đức Phật Thích Ca đã diễn đạt giới thiệu thế giới Cực lạc trong kinh A Di Đà: “thế giới không có khổ, chỉ toàn là những điều vui, nên gọi là Cực lạc…”
Pháp môn niệm Phật, niệm A Di Đà, ai cũng tu được, người quý phái người bình dân, từ chúng sanh bậc thượng căn đến chúng sanh phiền não nghiệp chướng sâu nặng đều tu được, không bị trở ngại, thậm chí đến người chưa giác ngộ, người chưa biết Đạo Phật, cũng đều phát tâm niệm được, nếu người ấy phát tín tâm muốn niệm.
Huống chi nói đến người chưa quy y Tam Bảo. Người chưa quy y, chứ không phải không quy y. Người chưa quy y vẫn niệm Phật được, nếu có cơ duyên Phật pháp, niệm Phật rồi sau đó phát tâm quy y cũng không muộn; niệm Phật là quy y tánh đấy.
Như vậy người chưa quy y Tam Bảo vẫn niệm Phật được. Tuy nhiên sau đó sẽ quy y và gần gũi Phật Pháp, học Phật Pháp. Niệm Phật thanh tịnh thuần thục pháp lành sanh khởi. Pháp lành là phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, muôn đời sống trong chánh pháp.
Trong bộ Tỳ Bà Sa Luận của ngài Tổ sư Long Thọ, Thánh tổ Tịnh Độ tông có trứ tác bài phát nguyện, dành cho những người có tín tâm phát nguyện niệm Phật và xưng tán Đức Phật A Di Đà, như sau:
Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Đà
Phật liền hiện thân đến
Cho nên tôi quy mạng
Do bổn nguyện của Phật
Nên thập phương Bồ tát
Đến cúng dường nghe pháp
Vì thế tôi cúi đầu
Bồ tát ở Cực lạc
Thân xinh đẹp trang nghiêm
Đủ cả các tướng hảo
Nay tôi quy mạng lễ
Bồ tát ở Cực lạc
Ngày ngày trong ba thời
Cúng dường thập phương Phật
Nên tôi cúi đầu lạy
Nếu người trồng căn lành
Nghi thì hoa không nỡ
Người tín tâm thanh tịnh
Thời hoa nỡ thấy Phật
Hiện tại thập phương Phật
Vì muốn độ chúng sanh
Mà ca tụng Di Đà
Nên tôi quy mạng lễ
Cõi đó rất trang nghiêm
Thanh tịnh hơn thiên cung
Công đức rất sâu dầy
Nên tôi lạy chơn Phật
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo
HT. Thích Giác Quang