Mục Lục
Bạch Sư! Chúng con nghe Sư giảng dạy, chúng con biết gần gũi chúng sanh thì có pháp tứ nhiếp. Pháp tứ nhiếp là dòng sữa ngọt của chư Phật, như tấm lòng bà mẹ, như sự khuyến nhũ của ông cha, thu phục nhân tâm như vị Sa môn khi đi vào đời độ chúng sanh, theo chúng con nghĩ đối với quý Sư cũng như vậy; nay vì chánh pháp, chúng con muốn hộ trì quý Sư độ đời, hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên, còn có pháp nào của Đức Phật, tâm tông của Chư Phật để quý Sư khi đi vào đời mà không vướng mắc phiền não trần lao? Ngưỡng mong Sư khai thị, chúng con thọ học?
* Có! Vào đời mà không tu chứng thì xem như con số không. Vào đời mà không có pháp lành để thể hiện thì chẳng làm gì được cho chúng sanh, thêm vào đó ma vương lẫy lừng phái họai chánh pháp; ngay cả thân mình lo cũng không xong, tâm mình không rảnh rang, làm gì rảnh tay lo cho mọi người.
Tu tập công hạnh chư lịch đại Bồ tát, chúng ta mới đến Đức Phật. Đi vào đời mà không lập hạnh Bồ tát thì không thể giáo hóa chúng sanh, không căn cứ vào kinh luật Phật thì không thể thực hành theo chánh đạo, không biết đường hướng phương pháp “dạy đạo” mà dẫn đạo cho mọi người thật rất sai lầm. Không nên đem tây nói đông, đem đông nói tây, không nên truyền đạt những phương pháp tu không thực tế cho Phật tử, khiến cho họ hoang mang.
Ví như gần đây có một vị thầy hướng dẫn các liên hữu, câu “ngọai giáo biệt truyền bất lập văn tự”… câu pháp nầy là của Tổ sư Thiền tông bên Trung Hoa; lời Phật Pháp của người xưa, của Tổ sư, lập lại để giảng giải cho Phật tử nghe thì cũng rất quý báu; nhưng với câu nầy thì bên Tông sử dụng dạy cho các Thiền sinh, bên Giáo không nên truyền đạt cho liên hữu tu Tịnh độ, khiến cho họ bị mất lập trường phương hướng tông chỉ mình đang tu học?
Người tu không có học và hành trì giới đinh tuệ, thì không xứng đáng với mọi người, không đắc đạo… xem như lừa dối chúng sanh, không phải Sa môn, Đại Sa môn của Đức Phật Thích Ca, giáo pháp ấy là giáo, lý, hạnh, quả.
1/. Giáo (phép dạy) là tiếng nói câu văn, lý kinh phá sự vô minh phiền não của chư Phật ba đời đã tuyên thuyết. Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đừng đem cái không biết mà giáo hóa Phật tử thật rất tai hại.
2/. Lý (pháp lý) phải căn cứ vào kinh pháp, lý kinh mà giáo hóa chúng sanh mới hiệu quả. Phải có học giáo lý mới lên diễn đàn thuyết pháp.
3/. Hạnh (pháp tu) y theo lời Phật dạy mà tu giới, định tuệ thật nghiêm túc. Giới luật tinh nghiêm.
4/. Quả (pháp quả) là sự chứng quả dù là hữu vi hay vô vi, sau khi tu chứng giới, định, tuệ được viên mãn.
Tiếp theo phải sử dụng bốn phép tu của Bồ Tát:
1/. Bất xả bồ đề tâm (không bỏ bồ đề tâm)
2/. Bất xả thiện tri thức (không bò người thiện tri thức)
3/. Bất xả kham nhẫn, ái, lạc (chẳng bỏ các pháp kham nhẫn ái lạc)
4/. Bất xả a luyện nhã (không bỏ nơi tu hành tịch tịnh, rừng núi, đồng vắng)
Tiếp tục tu bốn pháp: tín, giải, hành, chứng, cũng là bốn pháp tứ y.
1/. Y pháp bất y nhơn
2/. Y nghĩa bất y ngữ
3/. Y trí, bất y thức
4/. Liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh
Tiếp tu lập hạnh làm cho:
1/. Thân an lạc
2/. Khẩu an lạc
3/. Ý an lạc.
4/. Thệ nguyện an lạc hạnh (là tông chỉ tu hành, là hạnh lành của Đức Tôn sư Tịnh Độ Non Bồng)
Giáo lý hạnh quả là công thức hành đạo của các Sa môn, Đại Sa môn đi vào đời cứu độ chúng sanh.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.