Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con muốn xin quy y, nhưng trước khi thọ pháp quy y chúng con muốn hiểu về ý nghĩa Tam Quy Ngũ giới. Tại sao làm con Đức Phật phải quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm. Chỉ xin quy y Tam Bảo được không? Có người nói chỉ thọ giới tâm, không thọ giới tướng?

* Đức Phật dạy, ba cõi không yên, như ở trong nhà lửa. Chúng sanh muốn xa lìa cõi khổ, thì phải nương về ngôi Tam Bảo. Người muốn thoát khỏi những sanh tử khổ đau nơi bến sanh tử luân hồi, không thể bỏ qua sự việc thọ trì giới pháp mà được. Giới như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều từ đấy mà phát sinh, giới như ngọn đèn sáng, chiếu phá các chỗ tối tăm, giới là con đường tắt đưa đến cõi nhơn thiên, là cửa ngỏ vào cảnh giới Niết Bàn. Cho nên trong kinh nói rằng: nếu có chúng sanh nào muốn dứt trừ các khổ, hưởng sự vui vô thượng Niết Bàn, thì phải thọ trì Tam Quy và ngũ giới cấm. Nếu người nào giữ giới được thanh tịnh, cho đến trong giây phút quy y Tam Bảo, ở đời vị lai cũng được chứng quả Niết Bàn.

Giới là một bằng chứng, là báu vật cụ thể nâng phẩm chất giá trị con người trong quá trình tu chứng, quá trình đi trong đạo giới nhà Phật, là cương lĩnh duy nhất khu phân giữa thế gian và giải thoát thế gian; giới cũng khẳng định cho chánh pháp Phật, nên giới luật Phật còn lưu lại tại thế gian thì chánh pháp Phật còn, giới luật Phật mất thì chánh pháp mất. Nên người tu Phật dù tại gia hay xuất gia đều phải nương nhờ giới pháp để khẳng định bản lĩnh tu hành của Nhà Sư, thọ trì giới pháp để khẳng định người tu đúng chánh pháp Phật. Người tu không thọ pháp quy y Tam Bảo, không thọ các giới để khu phân cương lĩnh tu hành, thì người đó tu hành không đúng chánh pháp Phật.

Giới là diệu dược phương thang, để trị lành các chứng bệnh nan y tham sân si của thế gian, người tu không thọ giới như người bệnh không muốn tìm Thầy thuốc chữa bệnh, làm Thầy thuốc không biết bốc thuốc chữa trị bệnh nhân, nên người ấy phải mắc bệnh trầm kha muôn đời, và đi đến cõi chết lặng trong khổ đau.

Trong nhà Phật, chư Đại sư hoằng giới, trước khi truyền giới cho tín đồ, thì vị giới sư dạy đệ tử phải phát lồ sám hối cho thân tâm được thanh tịnh. Cũng như muốn chứa đựng vị cam lộ trong cái bình, trước phải súc bình cho thật sạch. Còn người khi thọ quy giới, trước cần phải sám hối trừ phiền não cho tâm được thanh tịnh, mới có thể lãnh thọ quy giới thanh tịnh.

Tuy nhiên trước khi làm lễ sám hối, người tín đồ Phật giáo cần phải hiểu ý nghĩa sám hối là gì?

Sám là sám ky tiền căn, có nghĩa là ăn năn lỗi lầm đã tạo, hối kỳ hậu quá, tự thú tội ra, chừa bỏ các lỗi đã làm, chẳng những sám hối các tội lỗi trong một đời, mà cho đến các tội nhiều kiếp về trước cũng cần phải sám.

Hối nghĩa là hối hận, biết rõ ràng những lỗi lầm mà người sám hối sẽ sửa đổi lại cho trở nên tốt. Cải sửa những cái xấu ác, mà thực hành những pháp thiện lành.

Ví như việc uống rượu, rượu là thức uống làm cho con người say sưa điên đảo, rối loạn tâm thần, rượu cũng là một phần lễ nghĩa của gia đình xã hội, con người tự ngàn xưa dùng rượu đãi nhau nói lên lễ nghĩa mà đãi bạn, rượu cũng là thức uống bổ dưỡng, làm thuốc chữa bệnh, làm vui cửa vui nhà, vui xóm vui làng, bạn bè đãi nhau, thân nhau qua chun rượu, uống rượu để giải sầu, rượu là nguồn vui của những người thích tiêu dao non cảnh. Tuy nhiên, xưa nay đại đa số hành động của người uống rượu trở thành một tập tính xấu, thường là làm việc ác, làm mất nhân phẩm đạo đức gia đình, nhân cách bản thân, tự thân uống rượu đã là xấu ác; đối với tha nhân thì lúc nào cũng làm khổ vợ khổ con, động làng động xóm, gia đình tan nát. Cũng có khi con người dùng rượu để giải quyết một vấn đề như: sát hại lẫn nhau, nói xấu chửi bới lẫn nhau… Nhưng khi người nghiệm rượu biết sám hối tội ác do uống rượu làm tổn hại xã hội, họ phát tâm không uống nữa, từ đó môi trường gia đình trở nên an lạc, ổn định hạnh phúc, xã hội vui tươi.

Người tĩnh thức không uống rượu, thường là được gặp nhà Phật khuyên giải, họ nghe theo và được gần Phật Pháp, họ phát tâm thọ pháp quy y, sám hối các lỗi lầm, trở thành người tín đồ Phật giáo. Khi sám hối, các tín đồ phải đọc như vầy:

Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, lỡ tạo những điều tội lỗi, ngày hôm nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều dữ, nguyện làm các việc lành, cúi xin Tam bảo từ bi gia hộ, khiến cho đệ tử chúng con tội diệt phước sanh, căn lành thêm lớn, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, hiện tiền phước huệ trang nghiêm, một hậu sanh về cõi Phật. Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát ma ha tát. Hoặc có thể đọc bài thi kệ:

Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp

Giai do vô thỉ tham sân si

Tùng thân ngữ ý chi sở sanh

Nhứt thiết ngã kim giai sám hối

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát ma ha tát.

Tội lỗi đã làm từ trong muôn vạn kiếp, một khắc sám hối thì không thể hết.

Đối với người thiếu niềm tin thì không bao giờ chấm hết tội lỗi.

Tuy nhiên, do trong một niệm của chúng sanh có 4.900.000.000 (bốn tỷ, chín trăm triệu) lần sống chết, cũng tức là sống 4.900.000.000 kiếp (Phật Học tinh hoa – tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Nay do người khởi tâm thanh tịnh, không vọng niệm phát sanh, khởi tâm tốt mà sám hối; do trong một niệm thanh tịnh (chánh niệm) mà tiêu trừ tội lỗi trong ba đời quá khứ, hiện tại và vi lai. Xưa một kiếp làm tội lỗi, nay một kiếp tu hành thì lỗi ấy ắt tiêu tan; xưa nhiều kiếp làm tội lỗi, nay nhiều kiếp tu hành thì chắc chắn thành tựu viên mãn, lỗi lầm cũng không còn. Lời của Phật Pháp là chân thật ngữ.

Tiện đây, xin giới thiệu một vài cách tu hành sám hối thù thắng khác, sám hối lỗi lầm có nhiều cách,như Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã từng giảng, sám hối bằng tâm niệm:

Nôm:

Tội tùng tâm khởi tùng tâm sám

Tâm nhược diệt thời tội diệt vong

Tội vong tâm diệt lưỡng câu không

Thị đắc danh vi chơn sám hối.

Nghĩa:

Tội do tâm khởi cũng do tâm sám

Tâm không có thì tội ấy cũng không còn

Tội không còn tâm cũng không có

Đây mới thật sự là sám hối tội lỗi.

Ngoài ra còn có những cách khác như là:

- Thủ tướng sám hối (tự sám hối, ăn năn lỗi lầm cho đến khi thấy Phật xuất hiện trên đỉnh đầu thì thành tựu pháp sám hối)

- Hồng danh sám hối (lạy 89 danh hiệu Phật trong kinh Hồng Danh Bửu Sám từ Nam mô Phổ Quang Phật… đến… Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di đà Phật)

- Phát lồ sám hối (tự phát tâm sám hối trước Phật, trước Thầy Bổn sư)… mỗi mỗi cách đều có hiệu quả dành cho người tu Phật dành cho người tu thâm niên hay mới tu đều có thể thực hiện được.

Bạch sư! Nghe lời sư dạy, chúng con đã hiểu tường tận thế nào là sám hối hết tội, rất phấn khởi tin tưởng và phát lòng tự tin thành tâm sám hối, chúng con sẽ cùng gia đình thân bằng quyền thuộc, cùng các bạn thân sẽ đến Tu Viện xin thọ pháp quy y nhà Phật vào ngày rằm tháng bảy năm nay.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 3 : Liên Hữu Tịnh Độ Vẫn Phải Thọ Quy Giới”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com