Mục Lục

Bạch Sư! Xin Sư chỉ dạy cho chúng con về các phép lạy, chúng con phải lạy như thế nào cho đúng tông chỉ, pháp môn tu?

Lạy có nhiều pháp, mỗi pháp môn tu, mỗi tông phái đều có sự nhất quán về phong cách lễ lạy biệt truyền, xin đơn cử một số phương pháp lễ lạy…

Lạy diệt ngã:

Như ngài Bồ tát Thường Bất Khinh, trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh. Bồ Tát Thường Bất Khinh gặp bất cứ chúng sanh nào thì ngài cũng nguyện xin đảnh lễ các người, vì các người đều sẽ thành Phật. Ngài đi đến đâu cũng lễ lạy như vậy từ kiếp tu hạnh Bồ tát nầy sang kiếp tu Bồ tát ở phương khác cũng đều đảnh lễ như thế… lạy để diệt ngã, lạy để chúng sanh thành Phật, lạy để hướng chúng sanh đến chổ giải thóat sanh lão bệnh tử khổ… không hề thối chuyển hay nhàm trể.

Lạy theo phái Bắc tông:

Trong Bắc tông cũng có pháp môn tu niệm Phật thuộc Tịnh độ tông. Thường là người lạy thì gieo năm vóc thành tâm kính lễ. Từ xưa đến nay người tu Tịnh độ thường lạy Hồng Danh Bửu Sám, lạy Tam Thiên Phật, lạy Vạn Phật, lạy Thường Tịch Quang Tịnh Độ, lạy Cõi an lạc Phương Tây, Tây phương Tam Thánh, lạy Thánh chúng, lạy Pháp Hoa, lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát, lạy Sám lễ Dược Sư, lạy Thù Ân, lạy ân sâu nghĩa trọng của cha me, Thầy tổ, Quốc vương, đồng bào xã hội… Ngòai việc lễ lạy ra chư Tổ Sư, chư Thánh Tăng, chư Tôn Đức Trưỡng Lão còn nguyện đốt thân, đốt một phần thân thể, đốt tay, đốt liều cúng dường Phật, cúng Tam Bảo, cúng kinh Đại Thừa…

Nói là lễ bái theo Bắc tông, nhưng chư tôn túc Trưởng lão bên “tông” cũng như bên “giáo” cũng đều lễ bái theo Bắc tông, mà tu theo Bắc tông cũng chính là tu theo pháp môn niệm Phật Tịnh độ , hay tu Thiền tông cũng thế, cũng đều lập hạnh lễ bái cúng dường chư Phật mười phương, lễ bái theo Bồ tát Thường Bất Khinh, lễ bái theo Mật tông “Tam bộ nhất bái”, hay “Nhất bộ nhất bái”…

Tại miền Tây Nam Phần Việt Nam còn có một vài vị Đại sư Tịnh tông khuyết danh phát nguyện tụng kinh Lăng Nghiêm vừa tụng xuôi theo chữ trong kinh tạng, vừa tụng ngược chữ rất thuần thục; tạo cho tam nghiệp thanh tịnh để cúng dường lên Thập phương Điều ngự.

Khi Nhà sư Bắc tông cũng như Nhà sư Tịnh độ lễ bái thì hai bàn tay chắp vào nhau thật san sát, mười ngón tay cũng san sát, hai ngón cái áp lại và để song song theo hai bàn tay gọi là hiệp chưởng, theo hướng lạy và không chéo vào nhau. Chân thì đứng trang nghiêm hình chữ “bát”, đứng thẳng, thật trang nghiêm, vô cùng uy nghiêm giữa đại hùng bửu điện.
Lễ bái theo nhà Phật, là lễ theo hướng đạo giải thóat, không có gì phải ràng buộc, kềm thúc, hành giả lúc bấy giờ thật oai nghiêm như tượng vương, như rồng chầu hổ phục. Ngày nay còn có nhiều học phái Bắc tông Tịnh độ dạy cách lạy khi gieo năm vóc, đầu mặt sát đất, hai bàn tay úp xuống, rồi tiếp tục lật ngữa bàn tay lên, sau đó mới tiếp tục lạy, hay đứng lên để tiếp tục lạy thứ hai, thứ ba… Cách lạy nầy giúp cho hành giả lạy mà rất thanh thản, không gấp gáp, lạy mà thân tâm xả bỏ mọi thế cuộc, thân tâm giải thóat mọi phiền lụy trong thế gian, khinh xuất tam giới.

Lạy tam bộ nhất bái, hay nhất bộ nhất bái:

Đối với tín đồ Phật tử Việt Nam tuy có học hiểu biết pháp lạy nầy, song vẫn còn xa lạ với “pháp tu”, xa lạ vì ít hành giả thực hiện pháp tu. Lễ tam bộ nhất bái là truyền thống tu hành thông thường theo phái Mật tông của các nước Tây tạng, Vương quốc Bu-tan, Si-kim, Trung Quốc, Phật giáo Nga Á châu, Mông Cổ…

Khi lạy, hành giả có thể bắt đầu lạy từ nhà đến chùa, vượt hằng trăm, hằng ngàn cây số “tam bộ nhất bái” đến các trung tâm hành lễ tập thể, hoặc khi đến trung tâm hành lễ, bắt đầu từ cổng chùa “tam bộ nhất bái” đến chính điện, trong khi lạy hành giả niệm mật chú, theo các đại sư hướng dẫn…

“Nhất bộ nhất bái”, xưa nay thì chỉ có hạnh tu “tam bộ nhất bái” đã là xa lạ với Phật tử Việt Nam; còn hạnh tu “nhất bộ nhất bái” lại càng xa lạ hơn nữa, tại Việt Nam ở thế kỷ 21 có Thầy Tâm Mẫn, ở chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn, Tp.Hồ Chí Minh phát tâm tu hành (khi đang viết bài nầy vào cuối mùa thu, tháng 7, năm Canh Dần,2010 thì Thầy Tâm Mẫn đã “nhất bộ nhất bái” đến tỉnh Quảng Ngãi)

Lễ bái theo hạnh tu Khất Sĩ:

Tức là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang khai sơn sáng lập. Tại Việt Nam ngòai pháp phái Đạo Phật Khất Sĩ còn có nhiều phái Khất Sĩ khác như: Khất sỉ Đại sư Huệ Nhật, Khất sĩ của Sư Trưởng Hùynh Minh, Khất sĩ của Đức Thầy Từ Huệ, Khất Sĩ của Sư Trưởng Giác Thường, Khất sĩ Non Bồng của Hòa Thượng Thích Thiện Phước…
Tuy nhiên hạnh lễ bái của Nhà Sư thuộc Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam luôn được tôn vinh là có đạo hạnh, có khuôn thước, mẫu mực. Người Du tăng Khất sĩ lễ bái Phật, lễ bái Pháp, lễ bái Tăng rất nghiêm túc, gieo năm vóc thành tâm kính lễ, sau khi lễ Phật, lễ Tổ sư, lễ Tăng… Nhà sư Khất sĩ đứng lên, trước khi đi ra phải đi lùi ba bước rồi mới đi. Đây là cách lạy nghiêm túc nhất xưa nay trong Phật giáo.

Vào những thập niêm năm mươi, đến bảy mươi, Nhà sư Khất sĩ khi gặp quý “Sư Lớn” đi hành đạo bất cứ nơi đâu, dù ở ngòai đường phố cũng đều gieo năm vóc kính lễ thật nghiêm túc (chính tác giả sách nầy đã từng đảnh lễ quý “Sư Lớn” ngòai đường phố tại trước chợ Bà Chiểu hay ở trước Trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định). Hình ảnh “lễ bái” cao đẹp nầy, nay đã giảm dần theo nếp sống mới.

Lễ bái theo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng:

Tịnh Độ Non Bồng được Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước sáng lập tu theo tông chỉ Tịnh Độ niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh”. Ngòai ra còn có pháp “Phát nguyện niệm Phật”, “Lễ bái niệm Phật” là hạnh tu của liên hữu Tịnh Độ Non Bồng:

1/. Pháp môn Bá Nhựt Trì Danh, cầu sanh Tịnh Độ: là tông chỉ, là hạnh tu của Nhà sư Tịnh Độ Non Bồng. Được Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh khai sơn tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà Ôn,Việt Nam. Về sau, năm 1960 Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước tiếp tục mở khóa tu dành cho Tăng Ni, Phật tử cả nước tinh chuyên tu hành cho đến hôm nay. Cũng năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ cũng mở khóa tu tại chùa Chánh Giác, Gia Định dành cho chư Tăng và Phật tử tu hành cho đến khi ngài hành đạo về tại chùa Đông Hưng, Thủ Thêm.

Tuy nhiên cho đến nay chỉ có tông phong Tịnh Độ Non Bồng của Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước vẫn còn truyền đăng và hành trì. Ngòai hạnh phát nguyện niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái niệm Phật là tông chỉ, Đức Tôn Sư còn tiếp nhận thêm pháp môn Bá Nhựt Trì Danh làm tông chỉ chính yếu trong Tịnh Độ Non Bồng.

2/. Pháp môn phát nguyện niệm Phật: là tông chỉ thứ hai của Tịnh Độ Non Bồng. Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng kính tin Tam Bảo, hộ trì chánh pháp Phật Bổn Sư Thích Ca, kính tôn Phật A Di Đà là từ phụ, Đức Quán Thế Âm là hạnh lành cao cả của người tu cần phải học và thực hành “từ bi cứu khổ ban vui”.

Khi làm Phật sự nào cũng phát nguyện nghiêm túc, nguyện tu, nguyện hộ trì, nguyện làm lành bất thối chuyển, nguyện làm con Phật bất thối chuyển, nguyện xuất gia bất thối chuyển. Khi hứa giúp ai một việc gì, dù tán thân mất mạng cũng vẫn thực hiện cho kỳ được, không thất hứa.

Thời điểm tu “phát nguyện niệm Phật” trong các chùa của Tịnh Độ Non Bồng được quy định vào lúc 23 giờ mỗi ngày, mỗi liên hữu khi tham dự pháp tu niệm từ 15 phút đến 30 phút, tại các chùa thì niệm 60 phút mới hồi hướng. Trong thời gian niệm, tất cả chư Tăng Ni, Phật tử có mặt đều phải tham dự pháp tu, không một ai được ngủ nghỉ trong giờ “phát nguyện niệm Phật”

3/. Pháp môn lễ bái niệm Phật: Là tông chỉ thứ ba của người tu ở non núi; vì tu ở non núi nên lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng, lễ các vị giáo chủ, lễ những người có công với nước non, quốc vương, khai quốc công thần, lễ cầu nguyện lục châu thế giới hòa bình, lễ cầu quốc thới dân an, nước nhà thái bình thịnh trị. Trong những năm 1959 đến 1965, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng thường xuyên thực tập “lễ bái niệm Phật”.

Lễ bái theo phong cách Tịnh Độ Non Bồng, là gieo năm vóc thành tâm kính lễ; có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Chư liên hữu khi lạy xuống thì niệm câu :”Nam mô A Di Đà Phật”, khi đứng lên cũng niệm câu:”Nam mô A Di Đà Phật”. Người tu phát nguyện lạy như thế từ 3 lạy (lạy Tam Bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An Dưỡng Quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà),108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật).
Khi thực hành khóa tu lạy Phật, thì có vị duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho liên hữu lạy Phật. Tư thế “đứng lạy” của Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng như sau: hai bàn chân phải khép sát vào nhau, không đứng hình chữ “bát”, hai bàn tay chắp vào nhau, hai ngón tay cái xếp lên nhau. Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngã nghiêng, ngã ngữa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chổ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển.
Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng, thường xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ Pháp Hoa, lễ Tam Thiên Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh Quán Âm Bồ Tát, lạy Thù Ân, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, lễ bái quý Sư Lớn, lễ bái những người già cả (trong ngày lễ Vu Lan)… lễ xong xá ba xá, lui ba bước rồi mới đi ra ngòai.

Thời gian tại Non Bồng, trong một ngày Tăng Ni, Phật Tử lễ bái hai lần, buổi sáng và buổi chiều, thường là lễ bái tập thể, từ một trăm người trở lên, đứng lạy, không quỳ hay ngồi mà lễ lạy.Hoặc từng cá nhân chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử lập hạnh: sáng, trưa, chiều đều mặc áo tràng lễ bái Phật, Bồ tát, lễ bái Tổ Sư. Ngày nay, đã trên năm mươi năm rồi nhưng chư Tăng Ni, Phật tử vẫn còn thực hành “lễ bái niệm Phật” như xưa, trong thời gian nhập thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày.

Lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:

Tại Việt Nam có rất ít người tu lạy (lễ bái) Kinh Pháp Hoa, những nơi có chư Tăng Ni phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, như ở Chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh (Thủ Đức). Một vài vị Tăng Ni xưa ở miền Tây Nam phần Việt Nam cũng từng tu hạnh lành lễ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Năm 1964, Cụ Bà Diệu Âm, liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, quản lý các Tăng Ni sinh tại Tổ Đình Linh Sơn phát tâm lạy từng chữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Năm 1969, tại Quan Âm Tu Viện dưới sự hộ trì của Đức Tôn Sư và Sư Bà Thích Nữ Huệ Giác, Hòa Thượng Thích Giác Quang phát tâm nhập thất lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại Tịnh thất Bảo Tịnh.

Pháp tu lạy Pháp Hoa, tức là lạy từng chữ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 600.000 chữ (hơn 6 muôn lời thành bảy cuốn…). Muốn lạy được kinh Pháp Hoa, hành giả phải thực hiện 2 lần nhập thất 100 ngày trong năm, trong 100 ngày đó, mỗi ngày phân ra sáu thời sáng, trưa, chiều, tối, nữa đêm và thời công phu khuya, mỗi thời lạy 500 lạy, lạy đứng.

Điều cần thiết là trong thời khóa tu phải có hai người hộ trì chính yếu: một là Thầy Bổn sư hay một tu sĩ có phước đức trí tuệ cao viễn hơn hành giả để cân nhắc đến giờ lễ bái, cầu thỉnh long thiên hộ pháp bát bộ kim cang lai hộ trì gia hộ giữ gìn lực nội tại; hai là vị Thị giả thân tín, phục vụ ăn mặc ở bệnh, canh giữ bên ngòai không cho người ngòai xâm phạm nội giới (số lượng 500 lạy như thế, trong quá trình tu tập của chúng tôi, nhận thấy có lạy thêm nữa cũng không đủ sức đâu các bạn ạ!).

Ngày khai kinh, hành giả mặc y áo tề chỉnh trang nghiêm, thật chậm rãi đến trước bàn Phật đảnh lễ Tam Bảo, đọc bài Chiên đàn hải ngạn…, tụng chú Đại bi…, niệm khai kinh kệ…, rồi đứng chắp tay, tiếp tục đọc câu: “Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “DIỆU”, điểm chuông rồi lạy 1 lạy”.
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “PHÁP”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “LIÊN”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “HOA”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”… cứ như thế tiếp tục lạy từng chữ trong Kinh…

Trong 100 ngày lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa sức khỏe phải đầy đủ, chỉ trừ tắm rữa,vệ sinh, các việc còn lại tuyệt đối cắt đứt muôn duyên, không công tác Phật sự, không thuyết pháp, không còn tiếp xúc với ngọai nhân, nếu còn tiếp xúc thì không lạy, không lạy thì không còn gọi là lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nữa!

Trong thời khóa tu, ở nơi am thất phải thông thoáng, đóng kín cửa thất chính, mở cửa sổ phía không bóng người lai vãng; không sắm vật chất nhiều trong am thất, các vật dụng như radio, tivi, cassette, tập sách, chén bát, ly tách (chỉ để lại một cái), thức ăn vặt. Thu dọn đem những giấy mực, những tranh ảnh dán trên tường (trừ ảnh Phật), bao nylon chai gọ không cần thiết đi nơi khác.

Nhìn chung, lễ bái của Nhà Phật có nhiều cách: lạy theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh (diệt ngã, thọ ký cho chúng sanh), lạy theo hạnh Nhà Sư Bắc tông (khi lạy, một tay để ngực, một tay lạy, khi quỳ đến sát đất, hai tay mới đồng lạy, hai bàn tay ngữa lên, đầu chấm sát đất) , lạy theo hạnh Tịnh Độ, lạy theo hạnh Mật tông (kết chú ấn), lạy theo Luật tông (xá ba xá lui ra ba bước rồi mới đi ra), lạy theo hạnh Khất sĩ, (như hạnh Luật tông) lạy theo hạnh Tịnh Độ Non Bồng (đứng lạy)… Nhưng tất cả đều hướng về đạo lý giải thóat, mỗi mỗi pháp môn tu đều có phong cách riêng, nhằm để giúp cho đại chúng của môn phái mình lập hạnh tu tập.

Bạch Sư! Một số người đi xe con đến chùa, dáng vẽ “tay to, mặt lớn”, khi thì lạy Phật, khi thì không lạy Phật, không biết kính trọng chư Tăng, không kính trọng Thầy Tổ, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Trưởng, Ni Sư là gì?… họ luôn bất kính, cũng chẳng quy y Tam Bảo… Họ đi chùa chủ yếu là xin phép làm ăn. Các vị còn nói: ”có lễ nghĩa mới sanh phú quý”?
* Thật ra thì nhà Phật không ngăn cản sự thành đạt giàu có của tín đồ Phật tử, thậm chí nhà Phật còn hướng dẫn cách phát triển kinh tế gia đình, tự túc bản thân. Song các Tự Viện, chư Tăng Ni đều không có nhu cầu: “có giàu rồi mới sanh lễ nghĩa”; “giàu” hay “nghèo” cũng là Phật tử, là đệ tử đức Phật, cũng đều được quy y Tam Bảo, nhà Phật thu nhận đệ tử không có lựa giàu nghèo, cũng như nói đến đạo đức thì không luận bàn giàu nghèo.

Những người dạy Phật tử đi chùa để xin phép làm ăn, công khai làm điều tà kiến mê tín trước Tam bảo, không biết hướng dẫn Phật tử quy y Tam Bảo là gì, bất kính Thầy Tổ, chư Tăng Ni, không giới không luật… thì không phải là thầy tu; các vị ấy làm thầy mà chưa học cách làm thầy!

Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy ở chương Một cho người sau nên xa lìa tà kiến mê tín dị đoan, hoặc trong sách Luật học “Yết ma yếu chỉ” của Hòa Thượng Thích Trí Thủ bàn về “tư cách làm thầy:” làm bậc thầy thu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội…” ( trang 87).

Nói về tư cách làm thầy, có năm điều mà người đệ tử đức Phật phải có:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đọan trừ tà kiến cho đệ tử
…làm thầy phải biết giáo dục đệ tử tu giới, định và tuệ… Nếu tự thấy mình quá yếu kém trong các khoa mục đó, thì khoan làm thầy vội, mà bản thân cần phải tự cố gắng để đạt đến trình độ khả quan, chứ không nên thu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng, vô trách nhiệm (Yết ma yếu chỉ, HT Thích Trí Thủ biên sọan, trang 88,89)

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 19: Pháp Lễ Lạy Của Các Tông Phái”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com