Mục Lục
Vấn: – Chúng con đi dự lễ, trong những cuộc lễ quan trọng của Giáo Hội Phật giáo, ban tổ chức rước chư đại lão Hòa thượng có cầm theo hai cây tích trượng, hai cây bê, hai cây lọng để cung nghinh. Trong những năm quý Sư còn đi khất thực, như Tăng đòan chùa Linh Quang thuộc môn phái khất sĩ Ðại sư Huệ Nhựt ở gần chợ Bà chiểu quý Sư đi trì bình khất thực, đi đến từng nhà, có cầm theo tích trượng lắc kêu nghe len ken, cho đến khi vị tín chủ bước ra cúng dường xong thì quý Sư bước đi chầm chậm nơi khác… và cứ như thế? Nơi nào có thờ ngài Bồ tát Ðịa Tạng thì có thờ cây tích trượng trong tay ngài Ðịa Tạng, xin Sư từ bi giảng giải cho chúng con thọ học về ý nghĩa cây tích trượng của nhà Phật?
Ðáp: – Chiếc gậy của các bậc Sa môn, đạo nhân, trưởng lão cao niên, đức độ dùng để chống đỡ lúc bước đến những nơi có đường sá khó khăn, như: leo núi, đường gồ ghề, quanh co khúc khuỷu…
Chống gậy nhìn đời ôi huyên náo
Quên đi một giấc mộng nam kha?
(Giác Quang thi tập)
Trong Ðạo Phật, tích trượng chỉ là cây gậy thông thường, là cây gậy của vị Tỳ kheo bên Thiên Trước, hay xứ Trung Hoa; ngày xưa chư vị Tỳ kheo lớn tuổi thường có sắm cây gậy riêng để chống chỏi lúc đi đường hay lên núi học đạo. Gậy xưa hay nay cũng gọi là tích trượng, nhưng ngày nay ở Việt Nam khi nói đến tích trượng thì chỉ quan trọng để dùng cho quý Hòa Thượng sử dụng đi thuyết pháp, trì bình khất thực, phụng thờ trước bàn Tổ sư, hoặc dùng làm Phật sự “dẩn vong” trong các lễ tang, hoặc giả là cung nghinh Ðại Hòa Thượng, Ðại lão Hòa Thượng mà thôi.
Theo triết lý của Tịnh độ Non bồng có câu:”…yếu chơn mượn gậy của A Di…”, tức là những bước đi trầm thống trong cõi sanh tử luân hồi của chúng sanh thật lắm yếu đuối, ngày nay giác ngộ phát tâm niệm Phật nương câu danh hiệu Phật A Di Ðà (gậy A Di) mà giữ chánh niệm, để vượt qua biển khổ trầm thống mà về cố quán.
Tên gọi là Khí đa la, Khiết khí la, cũng gọi Thanh trượng, Hữu thanh trượng, Trí trượng, Ðức trượng, Minh trượng, Kim tích…
Chỉ là chiếc gậy thô sơ mà vị Tỳ kheo mang theo khi đi đường. Vốn là vật để dùng xua đuổi rắn rít độc, trùng độc, hoặc rung lên khi đi khất thực, khiến cho thí chủ nghe biết. Ðời sau tích trượng trở thành một trong các pháp khí thiền lâm.
Sách đại Tỳ kheo Tam thiên Oai nghi quyển Hạ có nêu ba nguyên nhân phải cầm tích trượng: một để xua đuổi trùng, rắn; hai là vì tuổi già; ba là lúc đi khất thực.
Khi cầm tích trượng có hai mươi lăm việc hạn chế như khi gặp tượng Phật, không được để đầu tích trượng phát ra tiến kêu “leng leng”, cho đến không được dùng tích trượng để chỉ vào người khác, vẽ viết dưới đất.
Tích trượng gồm có ba phần: phần thứ nhất là “tích”, phần thứ hai là”cán gổ”, phần thứ ba là”thuần” (tức là phần được bịt đồng ở trên đầu cán gổ). Tích là đầu gậy, hình tháp có gắn vòng lớn, trên đó treo nhiều vòng nhỏ,khi rung phát ra tiếng “leng leng”, nên tích trượng cò gọi là Thanh trượng.
Vị Tỳ kheo cầm tích trượng du hóa khắp nơi, gọi là Phi trượng, Tuân trượng. Dựng trụ ở một nơi nào thì gọi là Lưu tích, Quải tích.
Tông Thiên Thai và tông Chân ngôn ở nhật Bản, khi có Pháp hội thì dùng tích trượng cán ngắn, rung lên để xướng Phạn bái vì thế Phạn bái cũng gọi là tích trượng, là một trong bốn pháp yếu. Tích trượng (Phạn bái) có hai lọai: là chín điều và ba điều khác nhau. Tích trượng chín điều có chín tiết tán tụng còn gọi là Trường tích trượng. Tích trượng ba điều thì tụng hai điều: đầu tiên và một điều sau cuối, trong chín điều tán tụng (Luật thập tụng, Căn bản tát bà la Bộ luật nhiếp 10, Sắc tu bách trượng Thanh quy).
Quyển luật Sa di và Sa di ni, bản dịch Hòa Thượng Thích Trí Quang năm 1973, trang 991, 992 có bài Xuất tích trượng (lấy tích trượng), hay cầm tích trượng.
Chấp trì tích trượng
Ðương nguyện chúng sanh
Thiết đại thí hội
Thi như thật đạo
Án na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật thế, na dạ bát nãnh hồng phấn tra.
Nghĩa:
Tay cầm tích trượng
Nên nguyện chúng sanh
Thiết hội đại thí
Chí đạo như thật
Aùn na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật thế, na dạ bát nãnh hồng phấn tra.
Ngày nay trong các lễ tang lớn nhỏ, trường hợp tang chủ có thỉnh chư Trưởng lão Hòa Thượng chứng minh, Hòa Thượng sám chủ thuyết minh sanh, đề phang (nói lại lịch sử, lai lịch của người đã qui tây), tống táng đưa linh, quý Ngài có sử dụng tích trượng để “dẫn vong” trứoc khi động quan. Ðây là thuộc pháp sự đạo tràng, rất có ý nghĩa cao quý trong ngành Nghi lễ Phật giáo; đồng thời cũng giúp cho tang chủ có niềm tin Phật pháp mà vào đạo, quy y Tam bảo (nếu gia đình đó chưa quy y). Hình ảnh vị sám chủ cầm tích trượng “dẫn vong” tiếp dẫn vong hồn siêu sanh lạc quốc, khiến trở thành truyền thống “xã hội tiến bộ không thể thiếu vắng Phật giáo” và nói gì thì nói, nhưng “Phật giáo rất gần gũi với xã hội xưa cũng như nay…”.
Trong những năm còn đi học ở Saigon, khi nào rỗi rảnh chúng tôi vẫn có đi khất thực trên các đường phố của Saigon xưa, thỉnh thoảng gặp quý Ngài Du tăng Khất sĩ của phái Ðại sư Huệ Nhựt, Hòa Thượng Thích Phổ Thượng, Tăng chủ chùa Linh Quang hướng dẫn chư Tăng đi khất thực; khi đến trước nhà của tín chủ, Hòa thượng Trưởng đòan dộng tích trượng kêu “leng keng” ba lần, trường hợp nầy nếu có tín chủ ở nhà thì chuẩn bị thức ăn tinh khiết ra quý lạy rồi hiến cúng dường trai phạn, trường hợp không có tín chủ, hoặc người trong nhà không phát tâm cúng dường, thì chỉ trong vòng ba phút đòan Du tăng lần lượt nhẹ nhàng bước đi nơi khác.
Việc khất thực trên là hình ảnh đẹp, hình ảnh văn hóa của Phật giáo được truyền đạt đi khắp nhân gian. Khất thực là phận sự của Ðức Phật, của ba đời chư Phật, phận sự của chư Tăng già, mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ phải đi trì bình khất thực tức là làm việc Phật, nối gót Ðức như Lai, xiển dương truyền thốnng tu hành trong Tăng đòan Ðức Phật trong thời Ngài sinh tiền cũng như hôm nay.
Ngày nay chư Tăng Ni không còn đi Khất thực nữa, lý do để Giáo Hội Phật giáo Việt nam các cấp “thanh lọc” những “nhà sư giả”, từng làm nhức nhối các Tăng đòan Ðạo Phật Tăng già Khất sĩ, Khất sĩ Tịnh độ Non bồng, Khất sĩ Ðại sư Huệ Nhựt, cũng như Tăng đoàn Phật giáo Nam tông Việt nam.
Tuy nhiên, nếu chư Tăng Ni không còn đi khất thực nữa (không có luật nào cấm Phật sự đi khất thực, chỉ có những văn bản nhất thời của Giáo Hội PGVN thanh lọc những người giả dạng nhà sư đi trì bình khất thực mà thôi) cũng là làm mất mát đi một phần giáo pháp Ðức Phật để lại trong đời..! Chỉ có pháp môn khất thực là đủ yếu tố mang lại sự bình đẳng giữa con người và con người trong cuộc sống và đó là hạnh Phật trong nhiều hạnh lành của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây trên 2.500 năm.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.