Mục Lục
Sư sẽ giảng giải về Tín Tâm là những hạnh lành gần nhất đối với Phật tử?
Tín tâm, mười tâm, trong các kinh gọi là thập tín tâm, hay thập tâm, cũng gọi là thập tín, tức là mười giai vị đầu tiên trong năm mươi hai giai vị tu hành của Bồ tát; mười tâm thuộc về tín vị, có công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh. Tín tâm rất phù họp với chư liên hữu vừa phát tâm tu hành pháp môn niệm Phật.
Kinh Hiền Thánh Danh Tự, kinh Bồ tát Anh lạc Bổn nghiệp có giảng mười thứ tâm như sau:
1/. Tín tâm:
Nhất tâm quyết định, tu hành đạt đến chổ thành tựu, người tu có một niềm tin vững vàng, một lòng tu hạnh niệm Phật hay thiền định, không mê tín, lầm lạc.
2/. Niệm tâm:
Hành giả tu pháp Lục niệm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Thân hư huyễn, niệm Sự giải thóat…
3/. Tinh tấn tâm:
Siêng năng nghe pháp, nghe giảng kinh Đại thừa, siêng năng tu tập thiệp thiện nghiệp niệm Phật không gián đọan.
4/. Định tâm:
Tâm an trú vào thiền định, an trú trong chánh niệm, xa lìa tất cả các pháp tà kiến, chỉ tu hành một pháp môn duy nhất mà mình đã quy y, hành giả nhất tâm tu tập, giữ gìn không cho các pháp có tính cách mê tín dị đoan xâm nhập nội tại.
5/. Huệ tâm:
Nghe pháp đại thừa Bồ tát tạng, không nghe pháp tiểu thừa hay các pháp tà kiến có tính cách mê tín dị đoan, thường tu tập tư duy quán sát, biết rõ các pháp là vô ngã, vô nhân các pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bào ảnh, như lộ, như điện chớp không thật, tự tính không tịch.
6/. Giới tâm:
Thọ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ tát, hộ trì giới luật Phật, hoằng giới đem giới pháp đi vào cuộc đời mà truyền đạt cho những người tín tâm quy y Tam Bảo. Thường xuyên tu tập thân khẩu ý thanh tịnh, không phạm các lỗi lầm lớn nhỏ, nếu có phạm thì năng sám hối trừ diệt.
7/. Hồi hướng tâm:
Hồi hướng các thiện căn đã tu được tiến thú đến Bồ đề, không nguyện sinh vào các thế giới vật chất, có bao nhiêu công đức, phước báo đem hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh, không vì riêng mình, bố thí tài sản không phân biệt thân sơ quen lạ, gần xa; luôn hồi hướng cầu tu chứng thực tế, không đắm trước công danh sự nghiệp, các pháp tướng thế gian.
8/. Hộ pháp tâm:
Phòng hộ tâm mình, không khởi phiền não, tu năm hạnh lành: mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, thức tâm hộ và tha hộ. Nhìn thấy ai phá pháp, phá giới cân nhắc họ vào đạo, thấy ai hủy họai Tam Bảo liền phát tâm đứng ra bảo vệ, không tiếc thân mạng.
9/. Xả tâm:
Không tiếc thân mạng, tài sản, những gì có được đều buông xả, trải thân, trải tâm hộ trì Phật pháp.
10/. Nguyện tâm:
Lúc nào cũng tu tập các nguyện thanh tịnh. Làm việc gì đều ích lợi cho Phật Pháp, làm việc Phật Pháp phát nguyện bất thối chuyển, khi giúp ai việc gì, dù tán thân mất mạng cũng cũng không khiếp sợ, không bỏ qua.
Mười tâm trong kinh Hộ Quốc Nhân Vương là: tín tâm, tinh tấn tâm, niệm tâm, huệ tâm, định tâm, thí tâm, giới tâm, hộ tâm, nguyện tâm và hồi hướng tâm.
Mười tâm trong kinh Phạm Võng là: Xả tâm, giới tâm, nhẫn tâm, tấn tâm, định tâm, huệ tâm, nguyện tâm, hộ tâm, hỉ tâm và đảnh tâm.
Mười tâm trong kinh Lăng Nghiêm là: tín tâm trụ, niệm tâm trụ, tinh tấn tâm trụ, huệ tâm trụ, bất thối tâm trụ, hộ pháp tâm trụ, hồi hướng tâm trụ, giới tâm trụ, nguyện tâm trụ.
Đó là mười giai vị đầu tiên trong năm mươi hai giai vị Bồ tát của đại thừa Biệt giáo. Trong Tịnh độ Non bồng, Đức tôn sư thường thuyết giảng qua các bài kệ bút nói về niềm tin, tín tâm, đặc biệt là bài “Cái đẹp của người tu”, bài “Xưng tán công đức y bát”, các bài pháp nói về niệm tâm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm công đức lành, lập hạnh lành trong lúc tu nhân.
Pháp tu Thập tín là pháp môn thuận lợi nhất và dễ dàng dành cho người tu tại gia hay xuất gia, những người phát tín tâm hộ trì Tam Bảo, tạo thành sức mạnh truyền trì chánh pháp trong các tông phái thiền, luật cũng như tông Tịnh độ và các môn phong pháp phái biệt truyền tại các Thiền viện, Tu viện của nhà Phật.
Pháp tu Thập tín đã có thuyết giảng tại khóa tu Phật thất chùa Pháp Thường (Nhơn Trạch), Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa), chùa An Hòa (Thủ Thừa, Long an), và trang website Phatgiaovnn.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.