Mục Lục
Thiền Định Ba-La-Mật
Người tu hành muốn đến bờ giải thoát hoàn toàn, cần phải tu cả phước lẫn tuệ. Trong bốn đô trước của lục độ mà chúng ta đã học, chỉ nói về tu phước. Trong hai độ cuối cùng là tu Thiền định và Trí tuệ.
Thiền định : Thiền dịch âm tiếng Phạn là Dhyàna, Định dịch ý tiếng Phạn Samàdhi. Trung Hoa dịch là Thiền na, tĩnh lự. Thiền và định đều là để tâm chuyên chú vào một đối tượng để đạt tới trạng thái tịch tĩnh, không tán loạn.
Các Loại Thiền định
Thiền định có thể gọi là một trạng thái của tâm lý, trạng thái ấy gọi là trạng thái Tĩnh lự. Song ở Dục giới, tâm lý không thể có được trạng thái ấy, vì nó chỉ phát hiện ở Sắc giới, và Vô sắc giới. Rõ hơn nữa là Thiền thuộc về Sắc giới và Định thuộc về Vô sắc giới. Ở mỗi giới, Thiền và định đều phân làm bốn cấp bậc từ thấp lên cao, cho nên có danh từ là Tứ thiền và Tứ định.
Tứ thiền và Tứ định này, tuy là kết quả của công phu tu tập Thiền định, hay gieo trồng thiện căn, nhưng cũng là chung cho cả Phật pháp và Thế gian pháp, cả thánh và phàm. Nói rõ hơn, là dù theo phương pháp đạo Phật hay phương pháp nào, nếu có công phu tu tập đều có thể đạt đến Tứ thiền và Tứ định, nhưng đây cũng chỉ là thế gian pháp mà thôi.
Còn nói về pháp Định của chư Phật, Bồ tát và A-la-hán thì khác. Đó là Thiền định thuộc Xuất thế gian pháp, không thể phát hiện trong phạm vi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới được. Muốn đạt đến trạng thái Tĩnh lự của các bậc ấy, người ta phải đạt đến sự thoát ly tam giới. Còn lẩn quẩn trong tam giới thì tâm ý chỉ có thể đạt đến Tứ định là cùng.
Muốn có được Tứ thiền và Tứ định, thì phải thoát ly và đoạn diệt phiền não ở Dục giới. Nhưng nếu muốn đạt các pháp Định vô lậu, thì phải diệt trừ tất cả các phiền não của Vô sắc giới. Thiền bao gồm :
1. Thế gian thiền.
Thiền này có hai loại: Căn bản vị thiền và Căn bản tịnh thiền. Căn bản vị thiền gồm có mười hai phẩm, phân làm ba: Tứ thiền, Tứ vô lượng và Tứ không.
Người phàm chán cảnh tán loạn của Dục giới thì tu Tứ thiền. Người muốn phước lớn thì tu Tứ vô lượng. Kẻ nhàm chán cảnh sắc giới chật hẹp thì tu Tứ không. Vì mười hai phẩm Thiền này có thể làm căn bản cho thiện pháp xuất thế gian, nên gọi là căn bản Thiền. Với lại, an trú trong mười hai phẩm ấy, người tu Thiền còn ưa thích cảm giác lạc thọ của Thiền, nên gọi là căn bản vị Thiền.
Căn bản vị thiền, phân làm hai: Lục diệu môn và Thập lục đắc thắng. Ai có tuệ tánh nhiều thì tu Lục diệu môn, kẻ nào có định tánh nhiều thì tu Thập lục đắc thắng. Những ai có tuệ tánh và định tánh đều nhau thì có thể tu cả hai loại. Vì người ta có thể căn cứ vào pháp Thiền này để phát sinh vô lậu trí, không phải chỉ thuần hữu lậu, như ở Căn bản vị thiền, nên gọi là căn bản tịnh thiền.
Tuy nhiên, cả hai loại đều chỉ là thế gian thiền mà thôi, vì trước thời Phật giáng thế, phép Thiền này đã có.
2. Xuất thế gian thiền.
Pháp thiền này là của bậc xuất thế. Có bốn thứ Thiền quán: Cửu tướng quán, Bát bối xả quán, Bát thắng xứ quán và Thập nhất thiết xứ quán. Tu bốn thiền quán này, tuy là lấy các pháp hữu vi làm đối tượng suy nghiệm, nhưng có thể đi đến kết quả ly dục, phát sinh vô lậu trí, nên gọi là Xuất thế gian thiền.
3. Xuất thế gian thượng thượng thiền.
Đây là pháp Thiền cao tột của các bậc đại nhân. Kinh Địa Trì có giải về chín môn đại thiền này như sau :
1. Tự tánh thiền : nghĩa là quán sát thật tướng của tự tâm, không cần lấy đối tượng ngoại cảnh.
2. Nhất thiết thiền : có công năng tự hành và hóa tha.
3. Nan thiền : môn Thiền gian nan, thâm diệu, khó tu.
4. Nhất thiết môn thiền : có nghĩa là tất cả các pháp Thiền định đều do môn (cửa) này mà phát xuất.
5. Thiện nhân thiền : môn Thiền của những chúng sanh có đại thiện căn cùng tu.
6. Nhất thiết hạnh thiền : bao nhiếp tất cả hạnh pháp của đại Thừa.
7. Trừ não thiền : có năng lực trừ diệt phiền não, khổ đau cho chúng sinh.
8. Thử thế tha thế lạc thiền : có năng lực làm cho chúng sinh an lạc trong hiện tại và tương lai.
9. Thanh tịnh tịnh thiền : có năng lực đoạn trừ hoàn toàn các hoặc nghiệp, và chứng được Tịnh báo đại Bồ đề. Đến môn Thiền này, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh, vã lại cũng không còn thấy cái tướng thanh tịnh ấy nữa, nên gọi là Tịnh báo.
Công Năng Của Thiền định
Theo Bồ Tát hạnh, có thể tu tập Thiền định và đạt đến mười kết quả tốt đẹp sau đây:
1. Được an trụ trong pháp thức uy nghi. Tu Thiền định phải theo pháp thức mà hành trì, như vậy trải qua một thời gian khá lâu, thì ngũ căn được tịch tịnh, chánh định phát khởi, không cần có sự cố gắng mà vẫn được an trụ trong pháp thức oai nghi.
2. Được thực hành cảnh giới từ bi. Khi tu Thiền định, thì giữ được tâm từ bi, thương yêu chúng sinh, muốn cho tất cả được an ổn.
3. Không còn phiền não. Nhờ năng lực Thiền định mà các phiền não tham, sân, si, không còn phát sinh nữa.
4. Gìn giữ được các giác quan. Không cho sắc, thanh, hương, vị, xúc lay động.
5. Vui vẻ lạc thú. Xem Thiền định là một món ăn ngon hơn tất cả các món ăn khác trong thế gian.
6. Xa lìa được ái dục. Một khi tâm niệm đã lắng yên, ái dục không còn phát sinh và làm nhiễm trước được nữa.
7. Chứng được chân không, không bao giờ bị rơi vào chỗ chấp đoạn diệt hư vô.
8. Cởi mở được tất cả những dây trói buộc sự giải thoát.
9. Khai phát được trí tuệ vô lượng và an trú trong cảnh giới của chư Phật.
10. Đạt đến sự giải thoát thành thục, đến chỗ mà tất cả hoặc nghiệp không còn nhiễu lại được nữa.
Ngũ căn được tự tại, phiền não được dứt trừ, từ bi được mở rộng, trí tuệ được phát chiếu, cảnh giới giải thoát được phô bày ra trước mắt.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.