Mục Lục

Vấn: – Hầu hết các chùa Phật giáo ở Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản và Việt nam, những chùa thuộc hệ thống Bắc truyền, các môn phong pháp phái Cổ truyền, Thống nhất, cũng như các chùa Phật giáo Việt nam và các chùa trong Liên tông tịnh độ Non bồng đều có tôn trí và sử dụng một số dụng cụ nhà Phật, gọi là pháp khí như chuông, mõ, trống, bảng, kiền chùy, kiển…được dùng để trang nghiêm đạo tràng, hoặc thêm phần sắc thái lễ nhạc trong lúc tụng kinh, lễ sám, thuyết pháp…những lọai nầy xuất hiện từ hồi nào? Nhằm mục đích gì? Xin Sư giảng giải cho chúng con được thọ học?

Ðáp: - Làm Nhà sư xuất gia hay cư sĩ tại gia, nói chung người tu Phật không ai có thề nói không hiểu biết ít nhiều gì về chuông, trống, mõ trong chốn thiền môn. Những nhà tu thiền, học phái Khất sĩ tuy không sử dụng âm thinh sắc tướng, trống phách, mõ chuông, nhưng không thể nói là không hiểu biết gì về chuông trống mõ là dụng cụ pháp khí có từ ngàn xưa. Làm Nhà du Tăng Khất sĩ, du Tăng hóa đạo, thuyết pháp giảng kinh, tế Tăng độ chúng, ở tịnh xá không bao giờ có những pháp cụ nầy, nhưng cũng không xa rời sự hiểu biết về chuông, trống, mõ và một đôi khi vẫn có sử dụng, trong một số nghi lễ phổ thông…

Pháp khí có nhiều loại: loại để trang nghiêm, loại để cúng Phật, loại để báo thời. Khí cụ dùng để báo thời gian trong tự viện gọi là kiền chùy. Theo các bản Kinh, Luật (Hán tạng) đã được dịch, kiền chùy là từ chỉ chung cho các loại : chuông, trống…

Chuông:

* Chuông được phát hiện tại Trường An (khoảng 1000 năm trước tây lịch, thời Châu Chiêu Vương) thuộc loại sớm nhất tại Trung Quốc. Phật giáo Trung Hoa đã đưa chuông vào các tự viện lúc nào, hiện nay chưa tìm ra tài liệu khẳng định. Tuy nhiên, để tạm truy nguyên nguồn gốc của chúng có thể dựa vào một số tài liệu. Cuốn Quảng Hoằng Minh tập trong Ðại Chánh tân tu Ðại Tạng kinh ghi rằng vào đời Lục Triều (420-479) đã có nhiều lầu chuông. Năm Thiên Hòa thứ năm (566) đời Bắc Châu, bài Nhị giáo chung minh được khắc trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai trong ba cái này được đúc vào năm 579 và 665 tây lịch. Tục cao tăng truyện ghi năm thứ năm đời Tùy Ðại Nghiệp (609), ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại chùa Thiền Ðịnh ở kinh đô Trường An. Trong khoảng thời gian này trở về sau, Bắc Châu không ngừng đúc hồng chung để an trí trong các tự viện.

* Thời xưa có hai loại chuông được sử dụng trong các Tự Viện :

* Phạn chung (chuông phạn): cũng gọi là “đại chung”, “hồng chung”, “hoa chung” hoặc “cự chung”. Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt. Thông thường chuông cao khoảng 1.5m, đường kính khoảng sáu tấc. Loại này treo trong lầu

* Chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng hoặc báo thời sớm tối. Người Việt nam thường dùng từ “đại hồng chung” chỉ cho loại chuông thật to, gần như không còn có quy định cụ thể là lớn nhỏ bao nhiêu nữa. Chuông này còn gọi là chuông U minh.

Kệ khai chung :

Bài 1 :

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới

Thiết vi u ám tất giai văn

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác

Văn cung thinh phiền não khinh

Trí huệ trưởng bồ đề sanh

Ly địa ngục xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật độ chúng sanh

An Dà Ra Ðế Dạ Ta Bà Ha

(Kinh Tam Bảo – Hồng Tại Ðoàn Trung Còn)

Bài 2 :

Hồng chung vang vọng tiến ban đầu

Ðịa ngục A tỳ thăm thẳm sâu

Thiên đường hữu đảnh ngân vang khắp

Trước Phật mười phương con cúi đầu

Cha Mẹ sanh thành Thầy bạn tốt

Quốc dân thủy thổ dám quên đâu

Thú cằm thoát khỏi tay săn bắn

Ðịa Tạng Quan Âm con nguyện cầu

Ân oán nhiều đời tợ biển sâu

Lẽ đạo huyền vi rất nhiệm mầu

Tẩy sạch long trần lên giải thoát

Nghe chuông nhớ Phật hết u sầu

Nam mô Ðịnh tâm vương Bồ tát ma ha tát

An dà ra đế dạ ta bà ha

Kệ thu chung :

Bài 1 :

Chuông chùa vang vọng khắp muôn nơi

Cảng tĩnh trần ai giấc mộng đời

Sức kiệt hơi tàn buông tất cả

Nhớ câu niệm Phật thoát luân hồi

Bài 2 :

Nghe chuông thức tĩnh giấc ta bà

Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra

Nếu mất thân người thôi khó gặp

Cần lo giải thoát niệm Di đà

Bài 3 :

Nghe chuông phiền não tận tiêu tan

Giác tánh mở mang trí huệ tràn

Ðịa ngục xa lìa ham lữa khỏi

Nguyện thành Phật đạo độ trần gian

(HT Thích Trí Quảng)

Bán chung (chuông nhỏ):

Vì chiều kích chỉ lớn bằng một phần hai chuông phạn, nên gọi là bán chung, còn được gọi là “tiểu chung”. Chuông này thường được đúc bằng đồng, cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường để tại một góc trong chánh điện và được sử dụng trong các buổi pháp hội, nên còn có tên khác là “hành lễ chung”. Người Việt Nam cũng như các nước khác ngày nay linh động chế tạo nhiều loại chuông dạng “bán chung” này, nhưng cũng không có kích thước cố định.

Ngoài ra, trong thời cực thịnh của Thiền tông, chuông an trí tại Thiền đường, gọi là “chuông Tăng đường”, “chuông trai”; chuông để tại chánh điện gọi là “chuông điện”… Những vị lo việc chuông này gọi là “chung đầu”.

Về thỉnh chuông, xưa ở Trung Quốc tùy mỗi tông phái, từng địa phương mà quy định có khác nhau, nhưng tổng quát khi bắt đầu thỉnh ba tiếng và kết thúc đánh nhanh hai tiếng hoặc ba hồi chín tiếng cho các loại chuông nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường là 18; cũng có khi thỉnh ba mươi sáu tiếng, một trăm linh tám tiếng. Thỉnh một trăm linh tám tiếng biểu thị hành giả nỗ lực làm vơi cạn đi một trăm linh tám phiền não nơi nội tâm. Mười tám tiếng là biểu thị sự thanh lọc sáu căn, sáu trần và sáu thức.

Dộng chuông :

Tiếng ra gọi là “dộng”, do người ta làm “chuông” là rỗng không, trong không chứa nhiều hơi, nên tiếng to… Trong Tỳ Ni Hương Nhũ ghi : “Sách Lễ khảo ký nói họ Phù làm chuông – sách Ngũ kinh thông nghĩa nói : chuông là tiếng mùa thu, vạn vật đến mùa thu mà thành, mùa đông mà ẩn, nên đúc vàng làm chuông, nối mãi chẳng diệt vậy”.

Sách Tây kinh ký nói : “lấy cá Kình khua chuông Hoa”, nghĩa như vầy : trong biển lớn có cá to, nên gọi là Kình, hòn đảo giữa biển có con thú ký dị tên là Bồ Lao, tiếng kêu rất to. Dựa theo thuyết nay mà đúc chuông (đại hồng chung). Nên làm chuông muốn tiếng chuông ngân vang xa, thì phải làm con Bồ Lao ở trên (quay chuông), dùi chuông dộng vào chuông thì chạm trổ hình cá Kình vậy.

Truyện Thông tải nói : Ðức Phật Câu Lưu Tôn, nơi Thư viện Kiền Trúc , có làm cái chuông bằng đá xanh, khi mặt trời mọc có các vị hóa Phật, cùng mặt trời hiện ra diễn thuyết 12 bộ kinh, người nghe pháp chứng Thánh không thể nói heat. Cho nên sớm tối người phát tâm dộng chuông là có cái công nhắc nhở người khác siêng tu hành.

Người dộng chuông , trước phải trì niệm đề tựa kinh hoa Nghiêm, tiếp niệm bài kệ :

Nhược nhơn dục liễu tri tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh nhứt thiết duy tâm tạo

An dà ra đế dạ ta bà ha.

Người dộng chuông vừa đọc vừa dộng chuông đệm theo tiếng niệm câu kinh trên, thành ba mươi lăm tiếng chuông, tức là một đoạn : “một đoạn nhặt, một đoạn huỡn làm thành một hồi (35 tiếng)”; ba hồi cộng lại thành một trăm linh năm tiếng chuông, sau cuối dộng thêm ba tiếng, tổng cộng thành một trăm linh tám tiếng chuông.

Sở dĩ như vậy là do pháp sự ,nương lý mà hiển bài, nên sự hay hiển lý. Do đó mà một trăm linh tám phần vô minh mê muội của chúng sanh được tĩnh thức thành một trăm linh tám phần tam muội.

Sách Phật Tỳ Ni Hương Nhũ, bản dịch Ðại Ðức Thích Thiện Chơn có bài kệ :

“Bảy tiếng huỡn đầu, tám nhặt sau

Trung gian hai mươi phải đều đều

Ba hồi vừa dứt thêm ba tiếng,

Chư Phật Long thiên chú ý vào”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Nếu khi dộng chuông, nên nguyện trong tất cả các đường dữ, khổ hình đều dứt. Nếu nghe tiếng chuông mà nói kệ khen, được trừ tội nặng trong năm trăm ức kiếp sanh tử, huống chi là phát tâm dộng chuông niệm Phật, niệm chú vãng sanh”.

Tổ sư Bách Trượng dạy: “Tòng lâm dộng chuông, dộng buổi sớm là phá hôn trầm đêm dài vô tận; dộng buổi tối là nhổ tối khổ u minh. Dang chày cho huỡn, kéo tiếng cho dài”

Xưa Hòa Thượng Chí Công giúp Lương Võ Ðế thấy tướng địa ngục, Võ Ðế hỏi, lấy chi dứt được ? – Hòa Thượng Chí Công dạy : nghe dộng chuông, thì khổ ấy tạm dứt, Võ Ðế liền hạ chiếu Chùa Am trong thiên hạ, phàm dộng chuông, phải dộng cho thật chậm rãi, để tâm thần tĩnh thức và mọi người cũng thức tĩnh theo. Chỉ có nghe tiếng chuông mà dứt khổ, huống chi chúng ta phát tâm dộng chuông.

Nghe chuông :

Nhĩ căn phát thức là nghe. Phàm nghe tiếng chuông thầm niệm bài kệ. Thầm niệm là tiếng trong tâm. Tâm có tiếng hay tâm không tiếng ?

Tiếng mà không tiếng, chỉ có thể tự mình nghe được, người khác không nghe được. Nên trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Trở lại nghe nghe tự tánh, sao chẳng tự nghe nghe” là nói tiếng trong tâm vậy.

Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ

Trí huệ lớn, bồ đề sanh

Lìa địa ngục, ra hầm lửa

Nguyện thành Phật độ chúng sanh

An dà ra đế dạ ta bà ha. (7 lần)

Phiền não có hai thứ : căn bản phiền não và tùy phiền não. Làm tâm quấy rầy, khiến tâm bối rối. Nên trong Bộ chỉ quán nói: “Pháp mù rối, khuấy loạn tâm thần” vậy. Nếu nghe tiếng chuông mà trì kệ chú nầy, dù có phiền não rất nặng, cũng hóa ra nhẹ thanh đi. Xét lý gọi là trí, phân biệt gọi là huệ, tức hai trí : căn bổn trí và hậu đắc trí. Như Quán Thế Âm từ nghe, nghĩ, tu (văn, tư, tu) mà vào chánh định, tự nhiên phiền não nhẹ, trí huệ lớn vậy. Bồ đề là quả của trí, một lần nghe tiếng chuông, hoa long trí huệ rộng nở, quả đạo Bồ đề mau nên. Nay là nói vắng lặng hiện bày, bồ đề tự sinh vậy.

Nói địa ngục nghĩa là ở dưới đất. Tiếng Phạm gọi nê-lê, dịch là khổ cụ, cũng dịch là khổ khí, cũng dịch là không thể ưa muốn, nghĩa là ngày đêm nung bức người tội.

Lại địa là đáy, trong muôn vật thì đất ở dưới rốt, nên gọi đáy, ngục là cuộc, là giam buộc người tội không được an vui, nên gọi cuộc. Lại có nghĩa là không có, nghĩa là trong ngục không có lợi ích chi cả. Như trong luận Tỳ Bà Sa nói : chỗ không tự tại. Nghĩa là người tội ấy bị ngục tốt A bàng câu chế, không được tự tại. Dưới châu Nam Thiện Bộ cách năm trăm do tuần thì có ngục ấy. Nay nghe tiếng chuông nếu vượt thoát được đời ra khỏi đời, thì tự nhiên lìa địa ngục, ra khỏi ham lửa vậy.

Mười phương tròn sáng, gọi là thành Phật, được hai món thù thắng nên có thể độ chúng sanh. Nếu một khi nghe tiếng chuông mà liền sanh chánh niệm, cho nên phiền não nhẹ ít, mà trí huệ thêm lớn, tức là chuyển chướng mê lầm thành thiện tri thức, nên gọi là Bồ đề sanh.

Lìa là giải, ra là thoát. Tức là chuyển khổ chướng của địa ngục ham lữa mà thành đức giải thoát, nên gọi là: “lìa ra”. Phát nguyện thành Phật tức là chuyển nghiệp chướng mà thành đức pháp thân.

Xưa nay chưa có người nào chẳng phát nguyện độ chúng sanh. Cũng chưa có Ðức Phật nào chẳng phát nguyện độ chúng sanh. Nếu chúng sanh không tự độ, mà trước nguyện độ sanh, tâm ấy là tâm Phật, phải biết tâm và nguyện ấy, đều từ chỗ nghe tiếng chuông mà phát khởi, một lúc vô biên phiền não từ đó cắt đứt.

Kệ chú nghe chuông hiển mật lẫn dùng, lý sự đều bày cả. Chú tức là chân ngôn phá địa ngục, bí mật nên không dịch. Tự nhiên tụng niệm thì tự khiến heat khổ được vui, dứt tội chứng quả vậy.

Nghe chuông nằm chẳng dậy, thiện thần hộ pháp giận, đương đời kém phước đức, sau đọa làm thân rắn. Người đời lười biếng tu tập thiền tụng, cảm báo rõ ràng như trong Ðại luật đã dạy như vậy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 60 – Chuông”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com