Mục Lục
Vấn: Bạch Sư chúng con đi học Phật pháp, nghe Sư thuyết giảng về lịch sử Tổ đình Bửu Quang và hành trạng Ðức sư Ông thượng Bửu hạ Ðức, vị đại sư chứng minh Liên tông Tịnh độ Non bồng có quá trình tu hành nhiều chứng nghiệm, trải lòng từ hộ trì các đạo giáo khác, tiếp xúc các bậc Ðại sư khai sáng Ðạo ở vùng lục tỉnh, đồng bằng Sông Cửu long, ít nhất Ðức Sư Ông cũng hộ trì bốn ánh đạo minh triết. Xin Sư từ bi hoan hỷ khai sáng cho hậu học chúng con?
Ðáp: Việc hành đạo của Ðức Sư Ông thật hy hữu trong đời, cả đời tu Ngài chuyên làm việc từ thiện, niệm Phật, ở non núi làm Sơn Tăng, tự xưng mình là “Ông Già thất nghiệp” để lánh xa thế cuộc, nhưng đệ tử của Ngài, những vị Ðại sư mà Ngài gặp thì thành tựu Phật đạo, đem ánh đạo của Ngài hoằng hóa khắp nhơn gian.
I . KHƠI NGUỒN ÁNH ÐẠO :
Phật giáo đã truyền vào Việt Nam vào khoãng năm 240 trước Tây lịch bằng các con đường tơ lụa băng đồng từ tỉnh Thanh hải, Trung hoa đến miền Tây á, Âu châu và đường hồ tiêu vượt biển Ấn độ dương. Một cơ hội truyền đạo thật sương thạnh lúc bấy giờ tại kinh đô Luy Lâu (miền Bắc Việt Nam). Kể từ đó đến nay chư lịch đại Tổ Sư tiền bối truyền đăng tục diệm , thừa kế chánh pháp Ðức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni như các Ngài Mahula, Khưu Ðà La, Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Pháp sư Ðỗ Thuận, Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Quốc sư Vạn Hạnh, dẫn đến nhiều vị Tổ sư là những bậc long tượng có công hoằng truyền giáo pháp Phật hoặc thiền hoặc tịnh, đã lèo lái con thuyền chánh pháp đi khắp nơi trên khắp nhân gian, phục hưng chánh pháp như : Tổ sư Vĩnh Nghiêm, Tổ sư Tuệ Tạng, Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, Tổ sư Liễu Quán, Tổ sư Viên Thành, Tổ sư Huệ Quang, Tổ sư Khánh Hoà và Chư Sơn Thiền Ðức cận đại như Ðức Ðại lão Hoà Thượng Pháp Chủ Khánh Anh, Ngài Hành Trụ, Ðức Bồ Tát Quảng Ðức, Ngài Thiện Hoa, Ngài Thiện Hoà, Ngài Trí Thủ, Ngài Trí Tịnh, Ngài Minh Nguyệt, Ngài Thiện Hào, Ngài Ðôn Hậu, Ngài Huệ Hưng, các bậc Thiền gia chân chánh…từng trãi nghiệm qua bao thăng trầm thử thách, khi ẩn, khi hiện, khi thì xử sĩ, lúc thì nhập thế tuỳ theo hạnh nguyện độ tha và tùy thời duyên vận nước thăng trầm mà an bày chánh pháp nơi dòng nghịch lưu sanh tử.
Các Ngài luôn đem ánh sáng chơn lý đạo Phật vào cuộc đời, cũng có lúc đưa chánh pháp ẩn dật chốn cùng cốc thâm sơn, các Ngài đều có đủ phương tiện để duy trì chánh pháp. Từ đó đến nay trên 2.000 năm, Ðạo Phật đã trở thành truyền thống đạo đức và được tôn vinh là “hộ quốc an dân”, là “cội nguồn của dân tộc Việt Nam”, công lao của các Ngài thật là vô tận !
Tuy nhiên, vì tùy theo công hạnh hoằng hóa, mỗi vị đều có một cơ đồ đạo nghiệp riêng, tạo thành một sắc thái biệt lập mà độ chúng. Vì vậy mỗi một môn phong, pháp phái đều có hệ thống quy cũ riêng, thuộc diện biệt truyền, làm phương tiện gieo duyên, cổ xúy ánh đạo Ðức Thích ca Mâu ni, làm an tâm cho người con Phật khi họ phát tâm đến với giáo lý giải thoát. Dù gặp khó khăn trên nhiều phương tiện độ tha, nhưng các Ngài cũng không chùn bước trước những chông gai nhiều thử thách, dù phải trải qua nhiều phân thân để hóa tha độ chúng, độ những phiền trược của chúng sanh, dù tán thân mất mạng nhưng các Ngài vẫn nhẹ nhàng lướt gió tuông mây trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, không hề mệt mõi…
Với nhãn quan của các nhà học Phật cao cấp, các bậc tu hành có đẳng cấp, không phải chỉ có ở Âu châu, Mỹ châu, Trung hoa, Triều tiên, Nhật bản hay những Trung tâm học Phật lớn ở thành thị của Việt Nam mới có những bậc chân tu thật đức xuất hiện. Mà thế giới nầy còn có rất nhiều bậc chơn tu sống mai danh ẩn tích, dùng phương tiện quyền thừa, làm tròn sứ mạng thiêng liêng mà liệt Tổ liệt Tông giao phó.
II . ÐẠO TỨ ÂN HIẾU NGHĨA,“DI DÂN” VÀ “THỔ DÂN”
Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa:
Chùa Bửu Quang là ngôi chùa Tịnh độ duy nhất tọa lạc trên thánh địa Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nên trước khi nói đến việc khai sơn ngôi chùa Tổ của Liên tông Tịnh độ Non bồng, chúng tôi xin nói về Ðạo Tứ Ấn Hiếu Nghĩa của Ðức Bổn sư núi Tượng.
Thánh địa Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tọa lạc trên một vùng đồi núi bạt ngàn một màu xanh thăm thẳm, một dãi núi trải đài từ Tri tôn, Tịnh biên, Nhà bàng, núi Sam, Châu đốc, đến vùng núi Ba thê núi Sập, An giang; những sắc dân chân chất thật thà, như đoàn chim nương tựa đất lành tìm thức ăn xây tổ ấm.
Thật thế đó, có một địa danh từ thuở hồng quang của miền Nam là Ba chúc, tựa chừng bên chân núi Dài; người dân Ba chúc là người dân của đạo giáo, từ khắp bốn phương trời đến đây xây dựng một quê hương mới; một tổ ấm thứ hai, hiện nay cũng là nơi chôn nhau cắt rún của từng thế hệ, luôn bám lấy ruộng đồng mênh mông cò bay thẳng cánh, bên cạnh vườn tượt, rẩy bái nương khoai, rừng xanh tươi thắm đầy hoa thơm cỏ lạ, có những loài gổ quý nghìn năm sừng sững từ cuối chân trời và kể cả sự linh thiêng huyền bí…giữ gìn từng tấc đất quê hương yêu dấu.
Song song với sự “di dân” của người Việt, còn có một cư dân khác, có thể nói là một “thổ dân”, đối với người Việt nam thường gọi là bà con dân tộc thiểu số Khmer, là bạn bè ở nơi đây hòa nhịp cùng chung cuộc sống trên con nước từ thượng nguồn dòng Mékông cuồn cuộn đổ về mang phù sa vun bồi cho vùng đồng bằng sông Cửu long mầu mỡ.
Trong giáo pháp Ðức Phật, kinh Tâm Ðịa Quán, phẩm Báo ân, đức Phật dạy về tứ trọng ân đối với chư vị Bồ tát, chư Thinh văn, chư Tăng Ni, chư Cư sĩ khi đã là đệ tử đức Phật, mang trong mình một dòng họ Thích đều phải tôn trọng và thực hành pháp tứ ân, tứ ân theo nhà Phật là ân Cha mẹ, ân Sư trưởng, ân Quốc vương và ân Ðàn na, thực hành trọn tứ ân là Bồ tát cứu độ chúng sanh.
Trong chốn thiền lâm, các bậc Ðại sư xưa cũng từng dạy chúng: “vạn hạnh Bồ tát hiếu nghĩa vi tiên”; người phát nguyện tu Phật bao giờ cũng thấy mình có bổn phận với bốn ân trọng.
Ðạo Phật du nhập Việt nam trên 20 thế kỷ, giáo lý đức Phật trở thành những đạo đức nhân bản của người Việt, trong đó có đạo đức tứ ân. Tuy nhiên giáo pháp Phật thì quá mênh mông, nên thánh hiền xưa của Việt nam biết cách tiếp nhận giáo pháp Ðức Phật Thích ca từ Ấn độ truyền sang, rồi Phật giáo Việt nam khéo giao lưu với các tư tưởng Phật giáo các nước vùng Ðông Bắc á và giáo lý chính chân ấy đã dừng chân nơi bản địa và thực tế trong đời sống người Việt, theo từng vùng, từng miền, phân từng kỳ để lập Ðạo, đạo đức của Ðạo Phật lần lượt trở thành đạo đức của đất nước Việt nam, của người Việt nam, trong đó có nhiều môn nhiều phái, như: ở ngòai Bắc có phái Tào Ðộng, phái Lâm Tế…miền Trung có phái Lâm Tế, phái Nguyên Thiều, phái Liễu Quán. Ở miền Nam thì có nhiều tông nhiều phái, nhiều hiệp hội hơn cả, như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Thiên thai tông, ở miền Ðông có phái Nguyên Thiều, Liên tông Tịnh độ xuất hiện, ở miền Tây Nam phần Việt nam có phái Khất Sĩ, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo…
Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khai sơn từ thị trấn Ba chúc, huyện Tri tôn, tỉnh An giang, do Ðức Bổn sư Ngô Lợi sáng lập từ năm 1867 đến nay đã được 144 năm, từ nhu cầu đấu tranh nổi dậy chống thực dân Pháp. Vừa đánh giặc vừa gắn liền với việc khai khẩn đất hoang lập thôn, lập làng, khai sơn chùa Tam bảo Phi Lai.
Ngài Ngô Lợi là tên tự, tên thật của Ngài là Ngô Viện, ngòai ra Ngài còn có tên là Ngô Tự Lợi trong giới tu hành thường gọi là Ông Năm Thiếp (ngài thường hay xuất hồn đi thiếp) hay đức Bổn sư núi Tượng.
Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã thu hút hàng chục ngàn tín đồ mở rộng phạm vi họat động ra 16 tỉnh, thành phía Nam. Tổ chức đạo được chia làm 24 gánh và 6 Ban giúp việc, có Trụ sở Trung ương tại chùa Tam Bửu Phi Lai (thị trấn Ba chúc, huyện Tri tôn, tỉnh An giang), là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là tôn giáo nội sinh, họat động đạo pháp, tu hành bốn ân: ân cha me, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào…”Sống hiếu nghĩa – vì khối đại đòan kết dân tộc” là sự tổng hợp của ba tôn giáo gồm Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Trong lịch sử, đây còn gọi là đạo tập hợp những sĩ phu yêu nước tích cực chống Pháp, chống Mỹ cứu nước tại vùng Bảy Núi.
Ðức Bổn sư là người yêu nước, chống Tây, quá trình hành đạo Ngài có biên sọan kinh sách riêng để dạy đồ chúng đệ tử, trong đó có quyển Ba La Ni Kinh dài 223 chữa Hán, sách Ngọc Lịch Ðồ Thơ Tập Chú. Sau nầy trở thành bộ kinh chính của đạo Tứ Ân. Ðức Bổn sư viên tịch vào ngày 13 tháng 10 năm Canh dần (1890), thọ 59 tuổi.
Nói về việc di dân và thổ dân…
“Di dân” thì đi lập nghiệp, lánh Tây, tìm kế sách đánh đuổi người Tây, giữ gìn viềng mối đạo đức dân tộc Việt nam. Từ những ý tưởng lớn đó mà Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xuất hiện tại quê hương Ba chúc, ngày nay cũng là thánh địa Trung ương của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, được Nhà nước cho phép thành lập tổ chức Giáo hội năm 2009.
Chùa Tam Bảo Phi Lai tọa lạc trong khuôn viên rộng 3 hecta, tuy gọi là chùa nhưng bên trong thờ phượng có khác với chùa Phật giáo, chùa không thờ Phật mà thờ “Tấm Trần Ðiều”, Giường thờ, Ghế thờ, Gối thờ…; chùa hiện có khõang 30 bàn thờ từ chánh điện ra tới tận cột phướn. Trong chánh điện thờ Quan Thánh Ðế Quân, Hội Ðồng Thượng Phật, Cửu huyền thất tổ bá tánh, Thập vương, Hộ pháp, Chánh tăng, Phật vương, Phật Thầy, Phật Trùm…
“Thổ dân” thì theo đạo truyền thống của người Khmer (Thủy Chân Lạp) thờ cúng Phật, cúng Ông Bà, hằng năm gần đến mùa cấy người nông dân Khmer từ các phum sóc phát tâm đem cày, bò đến cày ruộng công quả cho chùa. Sau khi thu họach mùa màng xong thì từ ngày mùng 9 đến mùng 10 tháng 10 âm lịch tổ chức lễ hội “Ðôn-ta” (lễ cúng ông bà cũng là một trong các lễ đầu năm của người Khmer), trong lễ hội Ðôn-ta có tổ chức hội thao đua bò để mừng công thu họach vụ mùa trong năm trước.
“Di dân người Việt” thường gọi là Ðàng ngòai, Ðàng trong và “thổ dân Khmer” gọi là Ðàng thổ cùng hài hòa trong cuộc sống cộng đồng trải hằng bao thế kỷ có chung một viềng mối đạo đức, biết phát huy đạo đức dân tộc yêu nước, đạo đức đạo Phật, đạo ông bà chính là bản sắc văn hóa độc đáo nhất của người Việt nam trong cũng như ngoài nước, từ xa xưa cho đến hôm nay.
Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được người dân đồng bằng sông Cửu long tiếp nhận, các bậc tiên sinh tiền bối, trưởng lão thường truyền đạt cho nhau nguồn đạo đức đó để tỏ lòng hiếu đạo trung trinh với ông bà cha mẹ, với nước non, nơi mà người An nam và một ít sắc dân đến đây làm Cách mạng, tu hành hay sinh cơ lập nghiệp, trong đó có Ðức Sư Ông thượng Bửu hạ Ðức.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.