Mục Lục

Bạch Sư! Những người nghiệp ác sâu nặng, phiền não dẫy đầy, trường hợp có công phu tu tập, nhưng chướng duyên vẫn còn rất nặng nề. Người ấy sánh với cõi Tịnh Độ còn xa diệu vợi. Thế nên phải tu hành như thế nào để được vãng sanh Tây phương Cực lạc, chúng con thấy khó quá, mong Sư chỉ dẫn?

Chúng sanh thời mạt pháp, nói về công đức tu hành chẳng là bao, nên việc cầu chứng vãng sanh rất khó; nhưng do nguyện lực của Phật A Di Đà luôn trợ duyên cho chúng sanh, những ai phát tâm tín niệm danh hiệu Ngài thì có cơ hội về với thế giới của Ngài.

Sư sẽ cố gắng đem những tinh hoa của giáo lý Tịnh Độ đã học hồi năm 1970-1971 để dẫn giải giúp quý vị thông suốt về các pháp dễ tu và khó tu.

Trong quá trình tu tập của chư liên hữu tu Tịnh độ, đại để có hai duyên “khó tu” và “dễ tu” (tức là nan hành đạo và dị hành đạo). Đời nay, nếu người tu tự tu tự thân chứng, chỉ có “tự lực” thì người ấy gặp nhiều trở ngại, rất “khó tu”; ngược lại người tu có cầu “tha lực” trợ duyên thì người ấy đang bước trên bước đường “dễ tu” dễ chứng đắc.

Về “tự lực” thì hàng cụ phược phàm phu ở thế giới nầy tuy có đôi chút tu hành, thật ra chưa đủ lực để vãng sanh về Tịnh độ và xứng đáng được ở Tịnh độ. Kinh Anh Lạc nói:”từ địa vị cụ phược phàm phu chưa biết Tam Bảo và nhân quả thiện ác, trước tiên mới phát tâm bồ đề phải lấy TÍN làm gốc, đến khi vào đạo Phật lại lấy GIỚI làm nền tảng. Hạng phàm phu nầy khi mới thọ giới Bồ Tát, nếu mỗi đời cứ tiếp tục giữ giới như thế không cho khuyết phạm, trải qua ba kiếp mới đến địa vị sơ phát tâm trụ. Lại cứ như thế mà tu Thập tín, Thập ba la mật, cùng vô lượng hạnh nguyện, nối nhau không gián đọan, mãn một vạn kiếp, mới đến ngôi đệ lục Chánh tâm trụ. Khi tiến lên đệ thất Bất thối trụ tức là đã vào Chủng tánh vị, nhưng địa vị nầy cũng chưa được sanh về Tịnh độ. Đây là nói về tự lực.

Về tha lực, nếu ai tin nơi nguyện lực, nếu người nào tin nơi nguyện lực đại bi nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật danh hiệu đức A Di Đà, rồi phát lòng bồ đề tu môn niệm Phật tam muội, chán thân hữu lậu trong ba cõi, thật hành bố thí trì giới cùng các phước nghiệp, mỗi hạnh đều hồi hướng nguyện vãng sanh Tây phương thì cơ cảm hợp nhau, nương nhờ Phật lực liền được vãng sanh.

Sách Thập trụ Tỳ Bà Sa luận nói: “có hai lối tu nan hành đạo và dị hành đạo. Nan hành đạo là chúng sanh ở cõi ngũ trược trải qua vô lượng đời chư Phật, tu hành bất thối chuyển, thật rất khó được. Sự khó khăn nhiều như cát bụi, nói không thể hết:

1). Ngọai đạo dẫy đầy làm lọan pháp bồ Tát

2). Bị người ác, kẻ vô lại phá họai thắng đức của mình

3). Dễ bị phước báo làm điên đảo, có thể khiến họai mất phạm hạnh.

4). Dễ bị lạc vào đường tu tự lợi của Thinh văn

5). Bởi duy có tự lực, không có tha lực hộ trì, nên sự tu hành rất khó khăn.

“Nan hành đạo” khó tu ví như người què yếu đi bộ một mình tuy rất khó nhọc, song một ngày qua chỉ đi được một vài dặm.

“Dị hành đạo” dễ tu ví như chúng sanh ở cõi nầy nếu tin lời Phật, tin môn niệm Phật phát nguyện tu cầu về Tịnh Độ, tất sẽ được nguyện lực của Phật nhiếp trì, quyết định được vãng sanh. Ví như người nương nhờ sức thuyền xuôi theo dòng nước, có gió xuôi chèo, nên tuy đường xa ngàn dặm nhưng cũng đến nơi một cách dễ dàng, thành tựu hạng nguyện tu hành.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày Thứ 17: Nam Hành Đạo Và Dị Hành Đạo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com