Mục Lục
Giáo lý nhà Phật thật là mênh mông, mênh mông như trời cao đất rộng, như biển cả sông dài. Được học giáo lý nhà Phật, học hoài học mãi không bao giờ chấm dứt hết chữ nghĩa, cho dù nền giáo lý chỉ là khuôn thước trong tam tạng thánh điển.
Trong đời học Phật, học làm Phật của vị Tăng hay vị Ni, gọi là những vị có học, nhưng cũng không biết làm sao đọc cho hết tạng Kinh, tạng Luật, tạng Luận, huống chi là người không học gì cả. Người tu có học giáo lý để biết, biết những lời dạy của Phật sao mà vi diệu, mở thông trí tuệ, soi đèn sáng cho chúng sanh, cho những người không học biết dò đường để đi đêm; người nghe rồi đều phát tâm vào đạo tu hành, người nghe rồi phát tâm cầu học đạo giải thoát, tìm cầu lý mầu cao siêu mà dẩn dắt chúng sanh vào biển pháp.
Đối với người Phật tử dù tu ở hệ phái nào đi nữa thì cũng lắm gia duyên bận buộc, khó mà tìm cầu được lý chân giải thoát, lánh xa thế giới tham sân si, thu thúc mình vào am thanh cảnh vắng, lánh xa khói bụi mịt mờ, ngựa xe như nước áo quần như nêm, sống đời sống đạo hạnh, tịnh hạnh như chư Tăng Ni chốn thiền lâm. Thêm vào đó việc xã hội, việc thế gian, việc gia đình, bạn bè hương thân gia tộc… là những sợi dây vô hình ràng buộc tạo nên dẫy đầy những trở ngại cho bước chân đi suốt cuộc đời, thì làm gì có thời gian rổi rảnh mà dành cho Phật tử nghiên cứu sưu tầm giáo lý học tu, hoặc nghe thuyết pháp tỏ sáng lý mầu tịnh niệm.
Với các lẽ trên, nhân khóa niệm Phật “Bá nhựt trì danh hiệuPhật”, được tổ chức hằng năm tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, dành cho những người Cư sĩ thâm niên học Phật, những người Phật tử trẻ tuổi, những người có duyên với pháp môn niệm Phật Tịnh độ ham thích niệm Phật phát tâm đến đó tham dự kinh hành niệm Phật, dành cho những cư sĩ không luận trẻ già nam nữ, đến đó mà “tinh chuyên niệm Phật”; chúng tôi mạo muội biên soạn quyển sách Phật nhan đề “Một trăm ngày niệm Phật & một trăm bài pháp”, tức là mỗi ngày niệm Phật trong khóa lễ “Bá nhựt trì danh”, quý Phật tử được học một bài pháp, có ý nghĩa sát hợp với tầm hiểu biết, khẳng định lý nghĩa Phật pháp, vừa sức cho người đọc, văn cú không dài cũng không ngắn, đọc học thì hiểu ngay, dứt nghi… vì tất cả những “áo nghĩa” ẩn ý của kinh sách Phật đều được giải bày.
Mỗi ngày niệm Phật là học một bài pháp có liên quan đến sự tìm hiểu về giáo lý Phật học, hay học Phật pháp để tu sẽ giúp cho người Phật tử thấu hiểu những gì mà mình xưa nay chưa biết, suy nghiệm chưa ra lẽ, hoặc chưa được nghe Thầy thuyết giảng hoằng hóa.
Quyển “Một trăm ngày niệm Phật & một trăm bài pháp” được chia thành hai tập: tập I sẽ ấn bản vào cuối thu năm Canh Dần (2010), tập II sẽ ấn bản vào cuối mùa thu năm Tân Mão (2011).
Ở tập 1 nầy, chúng tôi biên soạn chia thành 18 chương, với 50 bài pháp, mỗi bài pháp ứng với một ngày niệm Phật, xem hết năm mươi bài pháp, tức là dự khóa niệm Phật đã đến ngày thứ năm mươi rồi. Các bài pháp trong mỗi chương đều có những ý tưởng Phật pháp liên tục, cung cấp thứ tự bài cho Phật tử liên hữu từng đẳng cấp đọc học từ thấp lên cao, quá trình tu hành hiểu rõ ràng tánh tướng, có không, thực có thực không, thấu tình đạt lý.
Đức Bổn sư Thích Ca và chư vị Tổ sư Tịnh độ từng tuyên thuyết: “… nếu chúng ta chỉ dùng tự lực để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh thời rất khó đặng. Có một pháp môn tự lực nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, dễ thực hành mà thành công cao, dùng sức ít mà mau có hiệu quả, chính là pháp môn niệm Phật Tịnh độ cầu vãng sanh…”
Nhiều vị Phật tử liên hữu xưa nay gọi là “Phật tử liên hữu” nhưng chưa thông suốt giáo lý, thậm chí chưa hiểu đến “pháp tu” mà mình đang tu học xuất phát từ đâu? Do các vị chưa từng được hướng dẫn học Phật pháp, nay có duyên được học Phật pháp. Tất cả những nghi ngờ về đạo Phật, về giáo lý Đức Phật, về pháp môn niệm Phật, về Liên tông Tịnh độ Non bồng… sẽ được hiển bày rõ ràng khúc triết, tạo cho người đọc không còn thấy mình xa lạ với Phật pháp nữa.
Tống Cao Tăng truyện, ghi lời Đức Văn Thù Sư Lợi dạy:” Nếu thiện nam tín nữ nào nguyện mau thành Phật không gì qua tu môn “niệm Phật”, niệm Phật thời có thể mau chóng chứng quả bồ đề”. Trong pháp giáo Đường Về Cực Lạc của Hòa thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, trang 18 có bài xương minh về Tịnh độ, ghi lời trong sách Ấn Quang văn sao nói:” Chín giới chúng sanh rời pháp môn nầy không thể tu thành Phật, Mười phương chư Phật bỏ pháp môn nầy không thể độ chúng sanh”. Các bậc Đạo Sư, Thầy Tổ xưa nay, cũng như Đức tôn sư Tịnh độ Non bồng cũng rất ưu tư về việc tu hành của những người con Phật mà luôn sẵn sàng truyền bá pháp môn tu.
Tịnh Độ tông cũng chính là giáo lý nhà Phật là môn học có nền tảng vững vàng, nhưng cũng cực tắc, thực dụng giúp cho người đọc học dễ tu, những Phật tử liên hữu có tâm ý từ bỏ học tập giáo lý Phật như “rùa mù tìm bọng cây giữa biển khơi” gọi bọng cây là bờ, từ bờ khổ mà vào bến khổ; rồi lầm tưởng cho rằng mình là Bồ tát “chịu khổ thế cho chúng sanh”.
Người tu mà từ chối không học giáo lý Phật, thì cứ như “người mù rờ voi”, chẳng biết voi là gì? Người Phật tử hằng ngày dành quá ít thời gian tham học Phật pháp, hoặc không học giáo lý Phật học thì tu hành cả đời chỉ có “võ đoán việc Phật pháp mà thôi”. Tuy cũng làm Phật tử hai mươi năm, ba mươi năm nhưng mà chẳng biết Phật pháp là gì, sinh hoạt của chùa nơi mình quy y ra sao, thật quá tiêu phí công lao quy y Phật!
Có người nói tu tâm, cứ lo tu rồi Phật cho biết pháp Phật như thế nào, lại dùng câu”ngoại giáo biệt truyền bất lập văn tự” của Thiền tông mà truyền bá; câu nầy là của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, cũng như của các bậc Đại đạo sư thiền tông bên Trung hoa đã đắc đạo rồi như Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Lục tổ Huệ Năng mới công bố sử dụng; hoặc câu “không tu, không chứng, không đắc…” cũng thế… thật rất đau lòng cho đời mạt pháp! Họ đâu có hay rằng các bậc Tôn giả, Trưởng lão, Tổ sư, Tôn túc xưa là bậc đắc đạo rồi đó, mà vẫn:”Thật vì sanh tử phát bồ đề tâm, dùng tín sâu nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh A Di Đà Phật” (pháp giáo Đường Về Cực Lạc của Hòa thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, trang 19)
Mỗi ngày niệm Phật là học một bài pháp, được thiết lập bố cục theo tình tiết:”Cư sĩ vấn, Nhà Sư đáp”, cú văn thực tiển, dễ hiểu, nghĩa lý sáng tỏ. Rất mong quyển sách nầy đến với quý Phật tử để làm quà tặng”gối đầu giường” trong những ngày tham dự niệm Phật và cũng là hành trang trọn đời phát nguyện tu Tịnh độ niệm Phật.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Đồng Nai, Việt Nam,cuối mùa Thu, năm Canh Dần
(14/10/2010)
Hòa Thượng Thích Giác Quang