Mục Lục
Vấn! Xin Sư giảng giải về nguồn gốc thần chú vãng sanh?
Ðáp! Thần chú vãng sanh xuất phát từ trào lưu hành pháp Mật tông bên Thiên trước; đến cuối đời Lưu Tống niên hiệu Nguyên Gia, ngài Pháp sư Cầu Na Bạt Ðà La từ nước Thiên trước hành đạo đến Ðông độ và dịch Thần chú ra tiếng Trung hoa.
Thần chú Vãng sanh Tịnh độ là một bài chú được trích trong kinh Bổn Mạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni, nơi hàm chữ CHƠN trong Mật Tạng.
Theo kinh Niệm Phật Ba La Mật, bản dịch Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, phẩm thứ 7, có bài Khuyến phát niệm Phật và đọc tụng chơn ngôn thần chú:”Ngài Phổ Hiền Ðại Bồ Tát vì thương tưởng chúng sanh thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, lọan trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành ít. nên ngài đã ban thêm cho người niệm Phật bài thần chú vãng sanh, để thủ hộ thân tâm người niệm Phật, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng trừ sạch phiền não, được mau chóng về cực lạc…”
Người Phật tử hay các liên hữu tu Tịnh độ, người phàm phu muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì trì thần chú vãng sanh; chú vãng sanh nói cho đủ là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni, bài chú tuy nằm trong sách Mật tạng. Tuy nhiên thần chú có duyên thật nhiều với người tu Tịnh độ, với các Tự Viện Triều tiên, Nhật bản, Trung hoa, Việt nam xưa nay, với các thời công phu tu tập trong chốn thiền lâm trên thế giới, nên các bậc đại đạo sư có thích nghĩa để lưu lại như sau: Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni, nghĩa là: nhổ hết thảy các nghiệp chướng từ xưa đã thành gốc rễ; Căn là rễ, Bổn là gốc. Có xua tan tận gốc, tận rễ các nghiệp chướng trong ba đời rthì mới sanh về cõi Cực lạc Tịnh độ. Ðà Ra Ni (đà la ni) là thần chú, dịch là tổng trì, gọi tắt là “Thần chú Vãng sanh”.
Ý nghĩa chú vãng sanh
Nói cho đủ là:” Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni (14 chữ). Thần chú vãng sanh có năng lực:” nhổ hết thảy nghiệp chướng tận gốc rễ để được vãng sanh cõi Tịnh độ”. Chúng ta cần nên biết thật chắc, là Thần chú vãng sanh có 59 chữ (các bạn khi nào đếm thử thì thấy đúng 59 chữ).
Quý Phật tử tụng chú vãng sanh, nhưng chưa bao giờ chú ý đến ý nghĩa bài tựa của chú vãng sanh, nay Sư sẽ giúp các vị hiểu rõ về bài thần chú mà Phật tử từng đọc hằng đêm. Ðọc tụng mà hiểu thì mau siêu thóat, đọc tụng mà không hiểu hoặc hiểu mù mờ thì thật là uổng công vô ích cho đời tu niệm.
Chúng ta có thể hiểu rõ chữ Vãng là đi, đi về, đã qua, cũng có thể gọi là chết.
Chữ Sanh là đến, sanh ra, sanh
Vãng sanh là chết cõi trần nầy để sanh qua một thế giới khác. Hiểu một cách chính xác, vãng sanh là từ Phật học dùng cho nhà tu Phật pháp phái Tịnh độ dùng để nói đến việc thóat hóa luân hồi, niệm Phật tụng kinh hiệu quả được vãng sanh Tây phương Phật, Bỏ thế giới ác trược nầy mà qua cõi thế giới thanh tịnh yên vui của Ðức Phật A Di Ðà, gọi là vãng. Khi qua đó rồi thì sanh vào hoa sen, gọi là sanh.
Chẳng những chúng sanh ở cõi ta bà của Phật Thích ca vãng sanh cõi Cực lạc của Phật A Di Ðà, mà ở vô số cõi thế giới khác, những chúng sanh nào quyết vãng sanh về đó, thì lâm chung được vãng sanh ngay.
Trong Quyển Quán Vô Lượng thọ kinh, bản dịch của Sư cụ Hồng Tại Ðoàn Trung Còn, thì những nhà tu hành khi được vãng sanh thi phân nhau, tùy công đức mình, mà ở trong chín phẩm đài sen.
Thần là lực, là thiêng liêng huyền diệu, nhiệm mầu
Chú là câu chữ, là niệm lực đặc biệt thuộc mật ngữ, có tác dụng huyền diệu về vô hình.
Vãng sanh thần chú là câu chú niệm bằng tiếng Phạn đặc biệt của Phật giáo để cầu nguyện với Ðức Phật A Di Ðà cứu độ hương linh người chết được sanh về cõi Cực lạc thế giới.
Theo sách Phật học từ điển của Cụ Hồng Tại Ðòan Trung Còn giải nghĩa bài Vãng Sanh Thần Chú bằng tiếng Phạn, gồm 59 chữ như sau:
Nam mô A Di Ða bà dạ: tiếng Phạn là Namah Amitabhavyuha, nghĩa là: Con xin quy kính về với Ðức Phật A Di Ðà.
Ða tha dà đa dạ: tiếng Phạn là Tathagata, nghĩa là: Như Lai (Như lai là một trong 10 hiệu của Phật)
Ða điệt dạ tha: dịch là tức thuyết chú viết, nghĩa là: liền đọc bài chú dưới đây:
A Di rị đô bà tì, A di rị đa
Tất đam bà tì, A di rị đa
Tì ca lan đế, A di rị đa
Tì ca lan đa, Dà di nị
Dà dà na, Chỉ đa ca lệ
10 câu trên đều là mật ngữ, đại ý có nghĩa là: nhổ bỏ tận gốc các nghiệp chướng trong ba đời.
Ta bà ha: tiếng Phạn là Swâha. Thường là các bài thần chú đều có ba chữ chót là Ta bà ha, có nghĩa là: Thành tựu, kiết tường, viên mãn, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, viên mãn bồ đề tâm, xin Phật chứng minh, kính Phật chứng minh.
Hoặc bài:
Nam mô A Di Ða bà đạ
Ða tha già đa giạ
Ða điệt giạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rịa đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Già di nị, già già na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha
Vãng sanh thần chú còn được gọi là: Chú vãng sanh, Vãng sanh chơn ngôn, Vãng sanh quyết định chơn ngôn.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.