Mục Lục
* Bạch Sư! Chúng con đã hiểu tại sao tín đồ Phật giáo phải quy y, làm lễ quy y. xin Sư giảng giải ý nghĩa quy y Tam Bảo?
* Phàm làm người trong thế gian, thế gian là khoản cách giữa Đời và Đạo, giữa những người tu Phật và những người không tu Phật, những người chưa phát tâm tu Phật, khi làm việc gì cũng phải cân nhắc chuẩn bị kỹ lưỡng rồi mới thực hiện công việc. Vấn đề quy y Tam Bảo là việc trọng đại trong đời nhất là đời người. Bởi vì người ấy được Nhà Phật truyền trao một nhân cách sống giữa con người và con người, giữa con người và xã hội, gia đình, tập thể, quần chúng, công đồng. Đào tạo con người bằng chính năng lực của mình để thay đổi môi trường sống, chuyển hóa từ thế giới ta bà khổ đau thành thế giới an lạc thanh tịnh vui tươi.
Cho nên trước khi quy y Tam Bảo thì quý vị đã sám hối cho thân tâm trong sạch rồi, thân có trong thì ánh sáng chân lý hiển lộ, tâm có sạch thì trí tuệ hiện bày, có thể quyết định được cuộc đời, thay đổi được môi trường sống của đời người, làm cho thọ mạng con người trường cữu thêm lên.
Trước khi quy y Tam Bảo, người tín đồ Phật giáo cần phải biết rõ ý nghĩa quy y là gì?
Quy y nói cho đủ là quy y Tam Bảo, quy là trở về, y là nương tựa; Tam Bảo là ba ngôi Phật Pháp Tăng. Quy Tam Bảo là trở về nương tựa Phật Pháp Tăng. Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp, say mê lầm lạc, trôi nổi giữa biển đời mênh mông không định hướng, nay cần phải quay về với chánh pháp, nương về Tam Bảo, quy hướng cội nguồn. Người đời nương tựa với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em bầu bạn thì không hòan tòan an lành; sống thì gọi chung thỉ chân thành với nhau, thuộc về ruột rà thân thích, nhưng đến khi trút hơi thở cuối cùng thi biệt ly, đường ai nấy đi, không còn che chở cho nhau như thời sinh tiền xuân sắc nữa, nên gọi không hòan tòan an lạc. Nên phải nương về với Phật là một đấng từ bi bình đẳng, như vị cha lành,. Nương tựa với pháp là phương pháp giải khổ, như thuốc hay chữa lành bệnh tật. Nương tựa với Tăng là bậc đại trí, hoằng pháp lợi sanh, mới thật là hòan tòan an lành.
Phật Pháp Tăng nghĩa là gì? Phật, theo tiếng Pali là Buddha, Trung Hoa dịch là Phật-đà, gọi tắt là Phật, có nghĩa là người giác ngộ, là đấng giác ngộ hòan tòan, tòan năng, tòan trí, tòan giác, Ông cha lành của muôn lọai chúng sanh, đạt đến chổ chân thiện mỹ. Phật cũng là bậc đại đạo sư của pháp giới mười phương. Phật cũng là đạo hiệu chung cho tất cả những bậc tu hành đã giác ngộ. Phật cũng là một đức hiệu trong mười đức hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật thế tôn.
Pháp nghĩa là gì? Pháp là khuôn phép, khuôn thước, mẫu mực, chính là những lời của Đức Phật Thích Ca chỉ dạy. Nếu mỗi người, mỗi chúng sanh y theo giáo pháp của Phật mà tu hành thì quyết định sẽ thóat ly sanh tử, chứng thành Phật quả. Cho nên trong Kinh nói rằng:”Pháp là mẹ sanh ra chư Phật”.
Tăng nghĩa là gì? Tăng nói cho đủ là hòa họp Tăng già, một một tập thể có từ bốn người trở lên, bốn người nói ở đây là bốn vị Tỳ kheo, bốn vị tu sĩ đệ tử của Đức Phật, bốn nhà sư thành viên của Tăng đòan, sống hòa hợp không chống trái lẫn nhau, tâm nhiều người như một, tuy hai mà một, như nước hòa với sửa. Tăng là những người đứng trung gian giữa Phật và chúng sanh, thực hành những lời chỉ dạy của của Đức Phật và thay mặt Đức Phật, diễn nói những pháp giải thóat sanh tử luân hồi, giải thóat những khổ đau phiền não, có tình có lý, có sự có lý cho mọi người tu học.
Tăng là một đức hiệu trong tổ chức của những người đệ tử của Đức Phật,bên xứ Tây Vức, dù người có đạo hay không có đạo, dù không phải đệ tử của Phật, nhưng người ta vẫn có cách sống thành từng nhóm, nhóm của những người ở thế gian cũng gọi là Tăng (nhóm bốn người), tuy nhiên nhóm bốn người nầy là người ngòai đời, không có tu hành, không có học đạo giải thóat của Phật và không giải thóat được những khổ đau phiền não quả báo ở thế gian. Tăng già của Phật là những người học đạo giải thóat, là những bậc được thọ ký “thiện lai Tỳ kheo”, râu tóc đã rụng, sống có nề nếp kỷ cương, tinh nghiêm chuyên trì giới luật, hoằng hóa giới hạnh đi trong nhân gian, phiền não không còn, không còn vướng bận việc thế gian, Tăng già là đòan người bước đi ngược lại thế gian, hướng về cố quán, hành trình đến Niết bàn hay Tây phương Cực lạc… do sống có tổ chức nên gọi là tăng già, Tăng đòan.
Tam Bảo theo nghĩa của Tịnh Độ, giảng giải như sau:
Phật hay Phật đà: Một Đức Phật hoặc tất cả chư Phật, nghĩa là bậc đại giác, đại ngộ, bậc hiểu biết tất cả, gọi là nhất thiết trí.
Pháp hay gọi là Đạt ma: Giáo pháp mà Đức Phật đã thuyết.
Tăng hay Tăng già: Tăng chúng, Tăng đòan, những vị xuất gia tu học giáo pháp của Phật, cùng hòa hợp nhau, chung cùng nhau mà tu học.
Đọc trọn là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Như nói, quy y Tam Bảo là nương mình theo Tam Bảo, hướng về Tam Bảo Phật Pháp Tăng, Tam Bảo là cội nguồn của người tín đồ đệ tử Đức Phật.
Về sự nghĩa là: gởi thân nơi Đức Phật, vào Đạo Phật, vào Tăng đòan của Phật.
Về lý, nghĩa là: Nương theo đức giác ngộ có đủ Phước và Huệ, nương theo sự chánh, không theo tà kiến, nương theo đức tịnh, không nhiễm trước, không chấp nê. Như vậy Phật tức là Giác, Pháp tức là Chánh, Tăng tức là tịnh.
Có ba thứ Tam Bảo:
* Đồng thể Tam bảo (ba ngôi quy báu đều như nhau):
1/. Phật: Lý chơn như tự tánh khai giác
2/. Pháp: Đức dùng phải lối, đúng phép, tự tánh chân chánh
3/. Tăng: Cử động không trái, không tranh, tự tánh thanh tịnh
* Xuất thế Tam Bảo (ba ngôi quý ra khỏi thế gian):
1/. Phật: Pháp thân, báo thân, hóa thân
2/. Pháp: bốn đế, mười hai nhân duyên, sáu độ
3/. Tăng: Các vị thánh hiền chứng đạo, đắc quả
* Thế gian Trụ Trì Tam Bảo (ba ngôi báu ở thế gian):
1/. Phật: Tượng cốt, hình vẽ trên giấy, khánh thờ
2/. Pháp: Quyển vàng, cuốn đỏ, kinh in ở tại nhà in
3/. Tăng: Nhà sự thọ Tỳ kheo, thọ giới theo pháp thập nhân thọ, có đầy đủ tam sư thất chứng. Nói khác:”đầu tròn áo vuông”.
Trong sách Lục Đạo Tập nói: thế gian đều gọi châu ngọc là bảo, quý báu, nhưng đó chỉ là vật để xem chơi mà thôi chớ đâu có ích gì.
Còn chúng sanh biết quy y Phật thì khỏi đọa vào địa ngục, biết quy y Pháp thì khỏi đọa vào ngạ quỷ, biết quy y Tăng thì khỏi đọa vào súc sanh. Công đức của ba ngôi báu như vậy, nên gọi Phật Pháp Tăng là Tam Bảo.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy: Phật Pháp Tăng ba ngôi ấy đều như sau (vô hữu sai biệt). Tánh tướng của Tam Bảo là: thường, lạc, ngã, tịnh.
Bạch Sư! Chúng con đã hiểu tại sao người tín đồ phải quy y Tam Bảo và hiểu rõ ý nghĩa Tam Bảo, chúng con xin nhất tâm đảnh lễ.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.
HT Thích Giác Quang