Mục Lục

Vấn: – Khi đọc lịch sử Phật giáo Ấn độ, chúng con thấy sau Phật nhập diệt một trăm năm thì chư Trưởng lão đã có nhiều ý tưởng khác nhau, từ đó mà thành nhiều bộ phái, mỗi bộ phái hiểu Ðức Phật theo tiêu chí của mình mà lập bộ phái: có Trưởng lão thì vào rừng sâu tu hành giữ đạo, có Trưởng lão truyền bá giáo pháp Ðức Phật; xa hơn nữa có vị đem giáo pháp Ðức Phật vượt biên thùy Ấn độ sang các nước lân bang mà truyền giáo; có Trưởng lão lập ra những bộ phái mới, phù hợp với dân trí hiện tại, có Trưởng lão giữ gìn tính chất nguyên thủy của giáo pháp Ðức Phật…nguyên nhân nầy mà chúng con hậu tấn thật khó hiểu biết, hoặc khó hiểu về tính cách tu hành của chư Trưởng lão, các Ngài có sai sót không, các Ngài tích cực hay tiêu cực, tự lợi lợi tha ra sao, pháp nào đúng pháp nào không đúng, đại thừa hay tiểu thừa? Tại sao phải phân ra đại thừa tiểu thừa. Xin Sư từ bi chỉ giáo?

Ðáp: – Chư Trưởng lão vào rừng sâu tu hành là vì muốn giữ giáo pháp tịnh hạnh, phạm hạnh của Ðức Phật.

* Chư Trưởng lão truyền bá giáo pháp Ðức Phật là do theo lời huyền ký của Ngài, thì giáo pháp của Thích ca Mâu ni trụ thế 16.800 năm (Phật học tinh yếu của Thích Thiền Tâm)

* Chư Trưởng lão truyền bá giáo pháp Ðức Phật ra ngòai biên thùy Ấn độ, là nhiệm vụ của sứ giả Như lai.

* Chư Trưởng lão lập ra bộ phái mới là vì dân trí tiến bộ.

* Chư Trưởng lão giữ gìn giáo pháp đức Phật như xưa, là vì muốn cho giới pháp Phật tồn tại ở đời…

Nhìn chung thì giáo pháp đức Phật là chơn lý tất yếu luôn phù hợp trong mọi tình huống của thời đại, chúng ta là hậu sinh không nên có ý tưởng phê phán đúng hay sai. Sau khi Phật nhập diệt, thật sự có nhiều bộ phái được phát sinh và tự chia tách khỏi tăng đòan để độ sanh; mổi bộ phái đều có chủ trương riêng của mình và bảo thủ theo ý kiến biệt truyền của mình để truyền giáo, chung quy đều là diễn dương vi diệu pháp của Ðức Phật.

Tuy nhiên theo Phật tử muốn biết đúng chủ trương của Ðạo Phật, lời dạy của Phật khi sinh tiền, ý tứ của Ðức Phật giáo hóa chư đệ tử khi Ngài sinh tiền, hoặc cả mấy ngàn năm sau sẽ ra sao? Sư sẽ vì các Phật tử mà không nói riêng từng bộ phái, mà sẽ minh lý chủ trương chung về đại thừa, tiểu thừa giáo đại biểu của các bộ phái trong Ðạo Phật.

Theo nhà Phật, thì tất cả chúng sanh đều có đủ Phật tánh, nghĩa là có đủ khả năng giác ngộ, khả năng đào tạo cho mình và người khác một nhân cách siêu việt. Khả năng giác ngộ ấy có sẵn trong tất cả mọi loài và nhân cách siêu việt ấy vẫn căn cứ nơi nhân sinh mà thực hiện, đi đến quả vị giác ngộ hoàn toàn, đó là mục đích cứu cánh của nhân sinh, trong luân lý gọi là chí thiện. Ði đến chỗ chí thiện, đó là lẽ sống của con người.

Những thuyết minh về mục đích cứu cánh của phái Ðại Thừa và Tiểu Thừa có khác nhau. Tiểu thừa giáo để thành lập thuyết cứu cánh, đã đứng trên phương diện tiêu cực, trong khi Ðại thừa giáo hoàn toàn đứng về phương diện tích cực.

Mới nghiên cứu ta thấy hình như có sự tương phản và cũng do đó mà có người cho rằng Phật giáo chủ trương yếm thế. Thực ra, không có sự tương phản. Tiêu cực khác với tích cực . Nhưng tiêu cực mà đến cùng cực thì lại là tích cực cũng như bi quan mà đến cùng cực thì lại là lạc quan.

Ðạo Phật chủ trương “Giá tình biểu đức” nghĩa là ngăn ngừa vọng tình mà phát triển tánh đức. Tích cực tức là ngăn ngừa vọng tình, mà tích cực là phát triển tánh đức vậy. Do tiêu cực mới biết dục vọng là khó đi đến chỗ giải thoát dục vọng, ấy là ngăn ngừa vọng tình. Do giải quyết đi đến chỗ hóa độ và làm lợi ích cho xã hội, nhân sinh, ấy là phát triển tánh đức. Nghĩa lý đại thừa và tiểu thừa được dung hòa ở điểm này.

Ðứng trên phương diện tiểu thừa, ta phải công nhận Phật giáo có thể gần như một chủ nghĩa yếm thế. Thực vậy, tiểu thừa giáo chủ trương yếm thế, phải nói thẳng như thế để khỏi bị người ta cho là nói thêm, nói bớt. Nhưng điều cần thiết là phải tìm hiểu cho rõ ràng tính cách yếm thế đó.

Vật chất là những gì phải tan rã biến hoại, lục dục chỉ gây nên đau khổ, vạn hữu luôn luôn biến dịch. Tìm trong cảnh đời những sung sướng giả tạm, những đau khổ trá hình, đó là do trí óc vô minh, cố chấp. Kinh Pháp Hoa có dạy: “Ba cõi giống như nhà lửa, bao nhiêu là khổ não thật đáng sợ hãi, các kinh điển tiểu thừa lại đề cập đến chuyện khổ nhiều hơn. Dù con người tu nhơn tích đức được quả báo sanh lên các cõi trời nhưng cũng chưa được giải thoát vì vẫn còn ở trong vòng đau khổ.

Nhưng làm sao diệt khổ đặng được an vui? Chỉ có một cách là nhập vào Niết bàn tịch diệt, đó là đại khái của tinh thần bi quan tiêu cực của Phật giáo tiểu thừa. Nghe như thế mà ai chẳng bảo là Phật giáo chủ trương xa lánh cuộc đời thực tại, vì muốn hết khổ phải nhập Niết bàn. Niết bàn của tiểu thừa giáo có nghĩa là trạng thái diệt độ, không còn cái gì nữa. Kinh pháp cú có câu: “Vì ham vui mà lo, vì ham vui mà sợ, không ham vui thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Vì tham dục mà sợ, không tham dục thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Chỉ có Niết bàn là nơi giải thoát, nhập Niết bàn là đi đến chỗ cứu cánh”.

Người theo chủ nghĩa tư lợi vì không có năng lực lợi tha. Quan niệm về khổ và Niết bàn của Ðại thừa. Nhàm chán dục vọng không phải là chán đời. Chỉ có dục vọng mới đáng chán vì chúng gây ra đau khổ muôn loài. Ðời không đáng chán, đời đáng yêu chuộng, thế nhân đáng thương xót. Không nhàm chán dục vọng, cứ mãi quay cuồng trong hạnh phúc giả ảo thì làm thế nào tự gở ra khỏi đau khổ để tiến đến chỗ an lạc của chính riêng mình chớ đừng nói chi đến sự xây dựng hạnh phúc cho muôn loài? Niết bàn không phải là chỗ an nghỉ vĩnh viễn, đó mới chỉ là trạng thái giải thoát cá nhân , sự giải thoát ấy chưa hoàn toàn, cần phải tiếp tục tiến thêm lên.

Con người vì đã trải qua những đau khổ, dục lạc và tham vọng gây ra. Nên đem tâm nhàm chán đời sống dục lạc. Con người lúc ấy nhìn chúng sanh lăn lộn trong tham dục bằng cặp mắt bi quan, thương xót. Do bi quan khởi tâm hoài nghi, do hoài nghi nên mới đến chổ giải thoát. Ðược giải thoát, con người sẽ thấy sự sanh tử chỉ là những hình thức giả hữu của vũ trụ. Tham cứu đến bản thể vạn vật, thấu rõ chân lý của vạn hữu, con người sẽ không thấy có sanh tử, có biến đi, và biết rằng tất cả đều là thường trụ. Thấu được chân lý ấy thì phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn, thiện ác không phải là hai tà và chánh đều là một, chân lý hiển hiện ngay ở sự thật, đạo thấy rõ ở muôn ngàn hiện tượng minh tức là vô minh, vô minh tức là minh, đây mới thật là cảnh giới chân thực viên minh.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tánh của tất cả pháp, tướng của tất cả pháp, có Phật hay không có Phật, tất cả đều là thường trú…”

Kinh Viên Giác dạy : “Tất cả các phiền não chướng ngại đều là tri giác cứu cánh.

Kinh Pháp Hoa dạy: Hai môn chân như Sinh và Diệt không rời nhau, nếu đứng về chân như thì tuy thanh tịnh bất biến mà vẫn tùy duyên hữu biến còn đứng về sinh diệt thì tùy duyên sai biệt mà vẫn như bất biến”.

Tinh thần nhập thế có tính cách triệt để xã hội ấy, tinh thần tích cực hoàn toàn ấy, thật khác xa với tinh thần bi quan tiêu cực vậy.

Tóm lại, cứu cánh tích cực của Phật giáo là tự giác rồi giác tha cũng như hoa sen sanh trong bùn, nở trên bùn mà vẫn không dính bùn. Cảnh giới giác ngộ không rời cảnh giới đau khổ và những phiền não thực tại, vọng tưởng điên đảo. Khi đã được giác ngộ trí tuệ ấy thì có thể khéo biết tâm tưởng của chúng sanh và tùy theo căn cơ của mọi người mà giáo hóa cho được giác ngộ, đó là từ diệu dụng tự giác đi đến diệu dụng giác tha vậy.

Từ những ý nghĩa thật thông thóang trên, chúng ta có thể nhận định:”dù là tu theo giáo lý tiểu thừa hay đại thừa cũng là giáo pháp của Phật, nếu là giáo pháp của Phật sẽ đưa chúng ta đến cứu cánh giải thóat.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 72 – Chủ Trương Của Phật giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com