Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con là Phật tử, nghe quý sư giảng giải nhiều về giáo lý Đức Phật, trong đó có tứ nhiếp pháp là hạnh tu cao quý của Bồ tát cũng như hàng thánh chúng đệ tử Phật, tứ chúng xuất gia tại gia cũng được học tập để tu, thì mới xứng đáng đệ tử Phật. Tuy nhiên trong quá trình nghe giảng pháp, chúng con còn được nghe quý Sư giảng về tứ vô lượng tâm, đã nghe nhưng chưa thấu triệt, pháp nầy là pháp tu của Bồ tát, chúng con sơ cơ có tu được không, xin Sư từ bi hoan hỉ chỉ khai thị cho chúng con thọ học?

* Bồ tát vào đời, ngòai các hạnh lành trên, còn phải phát lòng bồ đề tu tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả; chính bốn pháp nầy làm cho bồ tát thành tựu đại hạnh. Bốn đức vô lượng nầy Phật và Bồ tát thực hành để làm lợi ích, lợi lạc chúng sanh, độ nhất thiết khổ não vô lượng chúng sanh, những họan nạn cho vô lượng chúng sanh trong vô lượng thế giới. Đây là pháp tu của Bồ tát, những vị căn khí đại thừa, những vị phát lòng bồ đề đi theo Đức Phật, người Phật tử cũng tu được, pháp môn tứ vô lượng tâm, vì là vô lượng nên không có ngăn ngại chúng sanh, vì là vô biên nên người Phật tử luôn được khuyến giáo thực tập tu hành; pháp môn tứ vô lượng tâm lúc nào cũng được phổ cập trong quảng đại quần chúng.

Sau đây nói về pháp môn tứ vô lượng tâm:
Gọi từ bi hỉ xả; cũng gọi đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả.
TỪ là tâm lành, do tâm nầy mà làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.
BI là tâm thương xót, do tâm nầy mà cứu khổ cứu nạn, những khổ đau oằn ọai cho chúng sanh.
HỈ là tâm vui, tự mình vui sướng khi thấy chúng sanh được an lạc.
XẢ là tâm hỉ xả, tha thứ cho người lỗi lầm, tự mình hi sinh để giúp cho chúng sanh được an lạc, không kể kẻ lạ người quen, kẻ thân người sơ.
Trước khi thành đạo, Phật và bồ tát từng tu hành tứ vô lượng tâm. Khi đắc đạo rồi, Phật và bồ tát vẫn thực hiện tứ vô lượng tâm để độ chúng sanh.

Người tu xuất gia có thực hiện tứ vô lượng tâm thì mới xứng đáng là Nhà sư phạm hạnh (hạnh thanh tịnh). Người tu pháp môn niệm Phật, người tín đồ Phật tử có tu gia hạnh thêm pháp môn tứ vô lượng tâm sẽ được vãng sanh ở bậc thượng phẩm thượng sanh, thành Phật.
Trong kinh Niết Bàn, quyền thứ 15, có dạy rằng:”Ai (tức là không luận bàn xuất gia hay tại gia) tu tâm Từ thì dứt tâm tham dục; ai tu tâm Bi thì dứt tâm sân; ai tu tâm Hỉ thì dứt tâm buồn; ai tu tâm Xả thì dứt được tâm tham dục và sân nhuế của chúng sanh.
Tứ vô lượng tâm làm tăng trưởng lục độ của Bồ Tát, đó là việc mà hạnh tu khác chẳng có sức làm.
Tứ vô lượng tâm có hai thứ: Thế gian tứ vô lượng tâm và xuất thế gian tứ vô lượng tâm. Bồ tát trước tu và đắc thế gian tứ vô lượng tâm, tức là làm xong những hạnh từ, bi, hỉ, xả giúp ích cho đời. Kế đó, bồ tát phát nguyện cầu thành Phật. Sau khi ấy, mới tu và đắc xuất thế gian tứ vô lượng tâm; tức là làm xong những việc từ bi hỉ xả độ thóat chúng sanh khổ não của các nhà tu hạnh Phật. Lúc bấy giờ gọi là đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả.

Người tu tứ vô lượng tâm, được hai vị trí nầy:
1/. Tu tâm từ, bi, hỉ thì được “cực ái nhứt thiết hữu địa” tức là địa vị của bậc Bồ tát thương tất cả chúng sanh như nhau, tỷ như con “một” của mình.
2/. Tu tâm xả, thì được “bình đẳng tự tại” tức là địa vị của bậc đắc lý không không và bình đẳng, chẳng còn phân biệt cha mẹ, vợ con, anh em thân tộc, oán thù, kẻ trung nhơn, cũng chẳng còn thấy ấm giới nhập, chúng sanh thọ mạng nữa.
Bậc Bồ tát đó như đi trong hư không, vô biên giới, không còn do dự khi độ chúng sanh. Khi giúp ai không còn suy nghĩ nữa.
Quý Phật tử nên tu tập, không khó lắm với pháp môn từ, bi, hỉ, xả thật khéo để giúp đời.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 37 – Pháp Môn Tứ Vô Lượng Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com