Mục Lục

Bạch Sư! Xin Sư giảng giải về Tứ Diệu đế, chúng con muốn thọ học bài pháp đầu tiên của Đức Phật chuyển pháp luân?

* Tứ Diệu đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế là bộ kinh nhan đề là Chuyển Pháp Luân của đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển

1/. Khổ đế: Là chơn lý chắc thật, sau khi thành đạo; Ngài đã vạch những mặt mày của sự thể thế gian chỉ là sự khốn khó, chịu đựng, những kham nhẫn oằn oại đau khổ trong cuộc đời. Chúng sanh trong đó chủ yếu là con người kề từ khi sinh ra gọi là “sanh”, cho đến khi chết gọi là “diệt”. Chịu nhiều khổ não không ngừng dứt trong quá trình “sanh” “trụ”, luôn cưu mang trong mình những sanh, lão bệnh, tử… chịu nhiều sự đớn đau dồn dập trong nhà lữa của thế giới tham sân si như thế cho đến khi “họai” “diệt”.

Trong quá trình “Họai” “diệt” luôn tiếp nhận những nghiệp lực mới để thọ sanh thân khác “sanh”, “trụ” như thế gọi là “trầm thống trong cõi luân hồi sanh tử”.

2/. Tập đế: là chân lý chắc thật, trình bày nguyên nhân của bể khổ trần gian, là nguyên nhân vì đâu có những nổi khổ ấy. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của chứng bệnh, còn tập đế như là bản nói rõ nguyên nhân của chứng bệnh lý do vì sao có bệnh.

3/. Diệt đế: Là chân lý chắc thật, trình bày rõ ràng hòan cảnh, quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sanh sẻ đạt đến khi đã diệt trừ được những nổi khổ niềm đau và những nguyên nhân của nổi khổ niềm đau ấy. Diệt đế như là một bản cam đoan của lương y nói rõ sau khi người bệnh lành thì sẽ ăn ngon, ngũ yên như thế nào, thân thể sẽ tráng kiện, tâm hồn khoan khoái như thế nào. Diệt đế tức là Niết Bàn tịch tĩnh.

4/. Đạo đế: Đạo đế là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết Bàn. Nói một cách giản dị, đó là những phương pháp tu hành để diệt khổ và đưa đến quả an vui. Đạo đế chính là chân lý chính chân chính đẳng chính giác, đưa chúng sanh đến bến an vui.

Nhà Phật học Hồng Tại Đòan Trung Còn luận giải về Tứ diệu đế như sau:
Tứ diệu đế là bốn chân lý mầu nhiệm, cũng kêu là tứ thánh đế, tứ đế, chơn đế, tứ thánh thật.
Trong khi chuyển pháp luân ở thành phố Ba La Nại, Đức Phật có dạy, như vầy:

1/. Nầy là sự khổ: Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán tắng hội khổ (người không ưa mà gặp mãi), ái biệt ly khổ (xa lìa người mình yêu thương), không được như ý (cầu bất đắc khổ), ngũ ấm xí thạnh khổ (đeo theo sắc thân, đeo theo các sự thọ cảm,tưởng tượng, hình ảnh, các sự hành động trong lòng, với tri thức của mình, tức là đeo theo ngũ uẩn, cả đời mình phải cưu mang tấm thân một cách nặng nề không bao giờ ngừng nghỉ… tất cả đều là khổ khổ.

2/. Nầy là nguồn gốc của sự khổ: Ham sống, làm cho nhơn lọai chết đi sống lại mãi, mà hể biết ham sống tất biết ham những việc vui sướng, càng được càng ham. Muốn ham cho được thì phải có quyền thế. Vậy thì quyền thế, ham vui, ham sống là nguồn gốc của sự khổ.

3/. Nầy là phương pháp để diệt trừ sự khổ: Hạ cái lòng ham muốn, rồi lần lần bỏ nó đi, trục nó ra khỏi mình và không còn biết đến nó nữa. Xả bỏ mọi phiền trược thế gian, sống trong trạng thái an lạc, tức là Niết Bàn.

4/. Nầy là đường đạo để dứt trừ sự khổ: Có ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, trong đó có tám đạo chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Pháp tứ đế là do Phật thuyết, tức là pháp của các bậc thánh đệ tử Đức Phật, tứ diệu đế sẽ độ thóat những nổi khổ niềm đau về sanh, lão, bệnh tử và cuối cùng tiến thẳng đến Niết bàn.

Trong kinh Niết bàn, hiểu tứ diệu đế hay tứ thánh đế có hai hạng: một là hạng trung trí hai là hạng thượng trí. Hạng trung trí là thinh văn, La hán, Bích chi Phật và Duyên giác; hạng thượng trí là Phật và Bồ tát. Hạng trung trí hiếu đó là chơn lý, là thánh đế và thi hành. Còn hạng thượng trí là phân biệt bốn chân lý mầu nhiệm, bốn thánh đế ấy có vô lượng thể tướng, vô biên diệu dụng, hạnh lành để tu hành.

Tứ đế là giáo lý cơ bản, quan trọng, người Phật tử không thể không hiểu biết, không hiểu biết về tứ diệu đế là không hiểu biết gì về giáo lý đạo Phật cả. Người Phật tử hơn ai hết, phải thấu triệt cõi đời là khổ. Muốn thế, không gì hơn là hãy lắng nghe Đức Phật dạy về khổ đế, vì chỉ có khổ đế mới nói lên một cách tường tận, đầy đủ chính xác về mọi nổi khổ đau của cuộc đời.

Thấy rõ mọi nổi khổ đau rồi, chúng ta cần tìm hiểu vì đâu có khổ, nguyên nhân của khổ đau do đâu mà có. Vì chỉ khi nhận thấy được nguồn gốc của nó, mới có thể diệt trừ tận gốc khổ. Điều nầy, cũng không chổ nào nói rõ ràng, phân tích rành mạch bằng Tập đế. Nhưng thấy được mọi nổi khổ đau của cõi đời và nguồn gốc của nó, không phải để bi quan, chán ngán, khóc lóc rên siết. Nếu thế thì không có gì tiêu cực bi quan bằng. Một ít dư luận tưởng lầm đạo Phật là yếm thế, bi quan

Là vì học chỉ tu học, nghiên cứu, đọc học ở hai phần đầu của tứ diệu đế.
Nhưng đối với người Phật tử thì không dừng lại đó. Đã thấy đau khổ làm cho cuộc đời xấu xa, đen tối, khổ đau, thì phải diệt trừ. Hạnh phúc không đâu xa, hạnh phúc ra ngay sau khi đã diệt trừ được đau khổ. Đau khổ lùi bước thì hạnh phúc đến, như bóng tối tan thì ánh sáng thay vào, an lạc đến thì phiền não mất. Muốn thấy ánh sáng của Niết Bàn thì phải thực hiện những lời dạy của Phật theo chơn lý diệt đế.

Muốn thực hiện Niết Bàn thì phải có đủ phương tiện, những phương tiện nầy, Đức Phật đã dạy thật đầy đủ trong đạo đế: phần ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp.

Đức Phật là Thầy dẫn đường cho chúng sanh và chúng ta đi từ cõi đời đen tối đến ánh sáng quả vị giải thóat tối cao. Ngài đã cho chúng ta một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng về một hành trình cứu cánh và ban cho Phật tử chúng ta đầy đủ phương tiện cần thiết trong một đời hành hương về cố quán. Chư vị Phật tử chúng ta tiếp nhận và đi theo con đường ấy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 21: Giáo Pháp Tứ Diệu Đế”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com