Mục Lục

Vấn: – Trên ba mươi năm tu cư gia cùng với Liên tông Tịnh độ Non bồng, khi vào nghi thức khai kinh chúng con lúc nào cũng tụng kinh Phổ đà. Tuy nhiên, chúng con chưa biết nguồn gốc của kinh Phổ đà xuất phát từ đâu, xin Sư từ bi hoan hỷ giảng giải cho Phật tử chúng con được biết để tụng đọc?

Ðáp: – Kinh Phổ đà, chúng ta không gọi “Kinh”, chỉ có những lời dạy của Ðức Phật mới gọi “Kinh”; nói cho đúng hơn là bài kệ pháp, thi văn nói về cảnh trí Phổ đà sơn, nơi Ðức Quán Thế Âm tu hành hiển thánh, bài thơ diễn tả cảnh trí an lành thật sâu xa mầu nhiệm, dù cú pháp có ít, nhưng khi người gia tâm tụng niệm có cảm giác khinh an, mát mẻ, phiền não vụt tắt khi tâm và miệng niệm từng chữ từng câu một. Tuy nhiên, theo cảm niệm của Sư, pháp kệ nầy cũng không phù hợp mấy đối với các nhà học Phật chốn thị thành; pháp kệ chỉ phù hợp với nhà học Phật ở non núi, nơi non xanh cẩm tú với hồn thiêng, non bồng nước nhược.

Sư vốn nhà tu núi, tụng pháp kệ Phổ đà nầy trên năm mươi năm rồi, đến nay nhiều người góp ý bỏ đi, thì Sư xin thưa vì pháp kệ đã làm cho mình tu hành tinh tấn “không bỏ Phật, bỏ đạo” từ trên năm mươi năm qua rồi, mỗi khi đọc lên cảm thấy mình đang ở thế giới thật gần gũi với Ðức Bồ tát nơi Phổ đà sơn!

Ðến nay thì nhiều người thưa thỉnh nói về pháp kệ và nguồn gốc bài pháp kệ, nên Sư sẽ vì các Phật tử mà thuyết giảng một số việc có ảnh hưởng đến pháp kệ.

Pháp kệ thứ nhứt: trong những năm 1960 đến 1963, tại tổ đình Linh Sơn núi Dinh, Sư thường nghe quý Trưởng lão Ðại Ðức Thích Từ Ân, Trụ trì Trường Sanh Phật tự, Thành phố Mỷ tho, Trưởng lão Thượng Trang Thanh, núi Thị vải (tu sĩ Cao đài nương về tu Phật với Tôn sư), cư sĩ Hùng Dũng, Hốc môn, cư sĩ Bạch Thủy, cư sĩ Nhứt Thiện và đạo tràng ở Gò công…trước khi về cầu pháp với Tôn sư, các vị tu hành theo giáo phái đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Giáo chủ Ngọc Thanh, ở vùng núi Tượng Văn liên Bảy núi.

Ngòai ra, theo lời quý Sư Thiện Thành, Sư Thiện Nhàn ở Bắc Mỹ thuận xưa ở miền Tây thuật lại thì chùa Thành Hoa, cù lao Ven, An giang của Ðức Phật Nằm (nơi đây rất quý trọng quý Sư chư Tôn Ðức giáo phẩm Tăng Ni, khi quý sư đến phát nguyện nhập thất tu hành thì chùa sẽ cung cấp vật chất, am thất và thị giả để hộ trì trong quá trình nhập thất), quý tu sĩ xuất gia cũng như tại gia cũng có tụng pháp kệ Phổ đà. Có một lần, vào năm 1970 khi cầm được quyển kinh “Linh sơn Hội thượng” của Ðức Bổn Sư núi Tượng, xuất bản lần thứ nhứt, trong đó cũng có in bài tụng pháp kệ Phổ đà.

Cuối năm 1963 Sư cùng với giáo đòan Khất sĩ Non bồng về Am Ðại Quang Minh, núi Trà sư thăm viếng Ðức Sư Ông thượng Bửu hạ Ðức, cũng nghe quý vị tu sĩ bên Phật giáo Tứ Ân, Ðức Cô Hai Diệu Nguyệt, Bà Cô Mười Hương, huynh đệ ở gần Sư Ông; sau nầy còn có Ông Tư Tăng đạo hiệu Bửu Tường, đệ tử Bà Cô Mười Hương, thuộc tịnh xá Ngọc Hồng tụng niệm bài pháp kệ Phổ đà, nay xin lưu lại bài pháp kệ Phổ đà thứ nhứt, các tu sĩ ở miền Tây nam phần Việt nam thường tụng như sau:

Nam mô Ðại đế phụng vương tây trước

Phổ Ðà đạt đạo ngự non châu.

Cửu khúc trùng trùng thủy vang tân.

Cúc nở nhị bông ve véo vắt.

Ðờn ngâm suối đá

Trên Quán Âm Phật ngự long cung giá.

Dưới Phổ Ðà cảnh hảo vô biên.

Trên thông reo gió thổi tự nhiên.

Dưới rồng chầu phụng múa.

Mây áng hồng lồ lộ.

Mấy thứ lá nhụy nở hây hây.

Ðào đơm bông cúc nở thơm cây.

Nghe vắng vẻ tiếng người gìn giữ.

Trên Ðức Phật Từ Bi quảng đại.

Dưới rồng chầu phụng múa tiêu thiều.

Cảnh Thiên Thai vàng chuộng báu yêu.

Cõi Tây trước văn ly chầu-chực.

Nam mô lấy san hô làm cột.

Lấy hổ phách làm sườn.

Lược đồi mồi làm ngói che sương.

Bông sen nở làm thuyền Bát Nhã.

Bình tịnh thủy rưới qua Tây Hớn.

Nước cam lồ dành để cứu dân.

Máy thiên địa có giao lân.

Trời có sanh có diệt.

Chuông Nam tào khởi động thành tây.

Trống Bắc đẩu tiền đồ phóng xả.

Ðiểm điểm thất tinh như càn long mã.

Hổn độn sơ khai Ðẩu xuất tam cung.

Lấy bát quái lập làm tứ trụ.

Án đà ra đế dạ bà ha.

Thỉnh Quán Âm Phật thông tra.

Án hồng rị hồng rị thông hồng tá ha.

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.

Pháp kệ Phổ đà (bài thứ hai): là bài pháp kệ do Trang website diễn đàn Văn hóa phương Ðông, tác giả ký hiệu phoquang đăng tải, nhưng không nói xuất xứ bài pháp kệ, mà chỉ nói đến những ý nghĩa của xứ sở, môi trường Phổ đà sơn (núi Phổ đà lạc ca). Tác giả có công tìm kiếm, giảng giải các từ Phật học trong bài pháp kệ, nói chung tác giả đã làm một việc hữu ích đạo đời, biến hóa bài pháp kệ thành một tác phẩm văn học, trong văn đàn “Văn hóa Phương Ðông”, bài thứ hai như sau:

Nam mô Ðại đế phụng vương tây trước

Phổ Ðà Lạc đạo ngự non châu.

Cửu khúc trùng trùng thủy vạn tận.

Cúc nở nhị bông ve véo-vắt.

Ðờn ngâm suối đá

Trên Quán Âm Phật ngự long cung giá.

Dưới Phổ Ðà cảnh hảo vô-biên.

Trên thông reo gió thổi tự nhiên.

Dưới rồng chầu phụng múa.

Mây áng hồng lồ lộ.

Mấy thứ lá nhụy nở hây hây.

Ðào đơm bông cúc nở thơm cây.

Nghe vắng vẻ tiếng người gìn giữ.

Trên Ðức Phật Từ Bi quảng đại.

Dưới rồng chầu phụng múa tiêu thiều.

Cảnh Thiên Thai vàng chuộng báu yêu.

Cõi Tây Trước vang ly chầu-chực.

Nam mô lấy san hô làm cột.

Lấy hổ phách làm sườn.

Lược đồi mồi làm ngói che sương.

Bông sen nở làm thuyền Bát Nhã.

Bình tịnh thủy rưới qua Tây Hớn.

Nước cam lồ dành để cứu dân.

Máy thiên địa có giao lân.

Trời có sanh có dưỡng ( tiếng chuông ).

Chuông Nam tào khởi động thành tây.

Trống Bắc đẩu tiền đồ phóng xả.

Ðiểm thất tin như càng long mã.

Hổn-độn sơ khai Ðẩu xuất tam cung.

Lấy bát quái lập làm tứ trụ.

Ấn đà ra đế dạ bà ha.

Thỉnh Quán Âm Phật ngự thông tra.

Án hồng rị hồng rị thông hồng tá ha.

Nam mô Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Uy Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nam mô Phổ Ðà Sơn Lưu Ly Thế Gíới, Ðại Từ Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nam mô Nhất Niệm Tâm Vô Quái Ngại, Quán Âm Như Lai, Thường Cư Nam Hải Nguyện.

Tháng giêng năm 1958, khi còn là Phật tử thì Sư cũng đã tụng bài pháp kệ Phổ đà, do Cô Ba Diệu Hòa vâng lịnh Ðức Tôn sư đem về Mỷ tho đến nhà của Sư khuyên tụng pháp kệ nầy; Sư tu được một phần cũng nhờ bài pháp kệ đã từng làm cho lòng mình “thanh tâm mát dạ”. Cho đến ngày 30 tháng 7 năm Canh tý (1960) về núi xuất gia, tiếp tục đọc tụng bài pháp kệ Phổ đà (thứ ba) là bài được Ðức Tôn sư tiếp nhận từ Thầy Tổ bên miền Tây nam phần Việt nam đem về miền Ðông núi Dinh cho Tăng Ni, Phật tử tụng niệm. Theo nghi thức tụng niệm của Ðạo Phật Non bồng thì khi hành giả tụng kinh Tịnh độ, vào chuông mõ xong, tụng bài tán Dương chi, tiếp đến tụng pháp kệ Phổ đà rồi mới tụng chú Ðại bi, Khai kinh …bài pháp kệ Phổ đà thứ ba như sau:

Nam mô Ðại đế phụng vương tây trước

Phổ Ðà Lạc đạo ngự non châu.

Cửu khúc trùng trùng thủy vang tân.

Cúc nở nhị bông ve véo-vắt.

Ðờn ngâm suối đá

Trên Quan Âm Phật ngự long cung giá.

Dưới Phổ đà cảnh hảo vô biên.

Trên thông reo gió thổi tự nhiên.

Dưới rồng chầu phụng múa.

Mây áng hồng lồ lộ.

Mấy thứ lá nhị nở hay hay.

Ðào đơm bông cúc nở thơm cây.

Nghe vắng vẻ tiếng người gìn giữ.

Trên Ðức Phật Từ bi quảng đại.

Dưới rồng chầu phụng múa tiêu thiều.

Cảnh Thiên thai vàng chuộng báu yêu.

Cõi Tây trước văn ly chầu chực.

Nam mô lấy san hô làm cột.

Lấy hổ phách làm sườn.

Lược đồi mồi làm ngói che sương.

Bông sen nở làm thuyền Bát nhã.

Bình tịnh thủy rưới hoa Tâyhớn.

Nước cam lồ dành để cứu dân.

Máy thiên địa có giao lân.

Trời có sanh có dưỡng.

Chuông Nam tào khởi động thành tây.

Trống Bắc đẩu tiền đồ phóng xả.

Ðiểm điểm thất tinh như càn long mã.

Hổn độn sơ khai Ðẩu xuất tam cung.

Lấy bát quái lập làm tứ trụ.

Án dà ra đế dạ bà ha.

Thỉnh Quán Âm Phật ngự thông tra.

Án hồng rị hồng rị thông hồng tá ha.

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (ba lần)

Tiếp đến hành giả tu Tịnh độ Non bồng tụng chú đại bi. Bài thứ ba là bài pháp kệ mà Ðức Tôn sư phổ biến cho chư Tăng Ni, Phật tử trong tông phong Non bồng tụng đọc từ trên 50 năm qua, hiện nay thì 150 chùa của môn phong trên tòan quốc đều tụng niệm như vậy.

Sư đưa ra ba bài pháp kệ để Phật tử tiện đối chiếu:

- Bài thứ nhứt là bài pháp kệ chính, những người tu ở chùa Thành Hoa (cù lao Ven), các chùa thuộc hệ thống đức Bổn Sư núi Tượng miền Tây Nam phần Việt nam tụng niệm .

- Bài thứ hai là bài pháp kệ được tác giả phoquang, đăng trên trang website Văn hóa phương đông, có nhiều câu không giống bài pháp kệ chính, ví dụ câu:”…điểm thất tin như càng long mã…”, đọc lại:”…điểm điểm thất tinh nhà càng long mã…”

- Bài thứ ba, tụng niệm thường xuyên tại Tịnh độ Non bồng, Ðức tôn sư có sữa chữa một số từ ngữ Phật học, so với bài pháp kệ chính, ví dụ câu:

”…trời có danh có diệt…”, đọc lại:”…trời có sanh có dưỡng…”

“…điểm điểm thất tinh như càng long mã…”, đọc lại:”… điểm điểm thất tinh như càn long mã…”

“…thỉnh Quan âm Phật thông tra…”, đọc lại:”…thỉnh quan âm Phật ngự thông tra…”

Phổ Ðà sơn, Phổ Ðà Lạc già, Phổ Ðà Lạc ca, tức núi Phổ Ðà, dịch là Quang Minh sơn tên một tòa núi hình bát giác là một danh sơn ném về hải đảo phía nam xứ Ấn Ðộ. Phổ Ðà sơn còn là một trong “tứ đại danh sơn” (Phổ Ðà ở tỉnh Triết Giang, Ngũ Ðài ở Sơn Tây, Nga Mi ở Tứ Xuyên và Cửu Hoa ở An Huy). Ðược mệnh danh là Hải Thiên Phật Quốc (Nước Phật Biển Trời), nằm cạnh biển Ðông, là một đạo tràng Phật Giáo được khai sáng từ đời Ðường, cách đây hơn 1000 năm trước, thuộc huyện Ðịnh Hải, thành phố Ðan Sơn tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, là nơi đức Quán Thế Âm hiển thánh tùy cơ ứng hiện độ đời:

Ngàn chổ cầu xin, ngàn chổ hiện

Biển khổ thường làm người đưa đò.

Núi cao nằm ở giữa hải đão, rừng núi thanh u cô tịch, thật là thánh cảnh nước reo pháp Phật, gió khua nhạc trời; rất xứng đáng với danh xưng, cũng là nơi để cho người lánh xa thế giới phàm phu, thiền định bát nhã giai không, lánh tục tầm tiên học đạo.

Xưa chư vị Tổ sư Thiền tông, Tịnh độ tông của Phật giáo, như ngài Ấn Quang đại sư, ngài Hoằng Nhứt đại sư, ngài Hư Vân đại lão Hòa thượng, ngài Pháp sư Khoan Tịnh thường vãng lai hành đạo. Ðặc biệt nơi đây còn có nhiều cảnh trí thiên thai, non bồng, a luyện nhã, nhiều chùa chiền dành cho chư Tăng Ni đến tĩnh tu. Có bài thơ:

Trong núi Phổ đà thường nhập định

Tùy duyên cứu độ khắp hằng sa

Nghe tiếng kêu cầu liền ứng hiện

Sáng cả hồng danh Quán Thế Âm

Núi Phổ Ðà lớn nhỏ hơn ba trăm ngôi chùa, mười hai tháp Phật. Trong số ấy thì chùa Phổ Tế, chùa Pháp Vũ, Tuệ Tế Thiền Viền là trứ danh hơn cả. Những Am Viện lợp tranh kết cỏ khác thì phân biệt do chùa Phổ Tế núi trước, chùa Pháp Vũ núi sau, Tuệ Tế Thiền Viện núi Phật Ðỉnh quản hạt, đó đây liền nhau mạch lạc, trông nom tương trợ, hợp lực trong phạm vi phòng bị, trật tự rành mạch. Du khách quyên góp, hiến dâng được thống nhất phân phối, tuyệt không có ý tranh nhau.

Mỗi năm thuyền khách hành hương đông đúc vào tháng Hai âm lịch, khí trời lúc ấy tạnh ráo ôn hòa, du khách kéo đến như vậy, thật là nước triều dâng tràn núi, các chùa đều phải gặp nạn đầy khách. Người đi Nam hải dâng hương, hơn một nửa là từ Thượng Hải hoặc Ninh Ba thuyền đi qua Thẩm Gia Môn, từ đây đi về phái Ðông đến thẳng Phổ Ðà, ở trên thuyền đã có thể trông thấy từ xa núi xanh chập chùng trùng điệp, hơi biếc vây quanh như giải lụa xanh điểm hồng, núi báu lập rừng chùa viện.

Phổ Ðà sơn, tiếng Trung hoa gọi là Tiểu Bạch hoa. Vì trên núi có nở một loài hoa Tiểu Bạch. Trong vùng này có một điện thờ được kiến tạo trong hang đá gọi là điện Từ Ái, tôn thờ Ðức Quán Thế Âm hiển thánh, bên trong giống như Thiên cung của Diệu Trang Nghiêm vậy, được làm bằng thất bảo, người phàm mắt thịt rất khó đến được nơi này.

Năm 1958, khi trùng tu di tích Tổ đình Linh sơn, Ðức Tôn sư tạo cảnh trí Ðại hùng bửu điện, đặt danh hiệu là Ðạo tràng Tây phương Bồng đão, núi Bồng lai, suối Bồng lai hay Non bồng, đức hiệu nầy đến nay đã nói lên tâm niệm Ðức tôn sư vừa kết hợp với thiên nhiên, tạo dựng cảnh trí núi Bồng lai Tây phương bồng đão, vừa song đối với cảnh trí nên thơ của núi Thiên thai Thiên bửu tháp, đến nay đã trên năm mưoi năm rồi, cảnh trí vẫn còn nguyên vẹn, vang vọng trong hàng triệu tấm lòng ngưỡng mộ của Tăng Ni, Phật tử. Sau đó Ðức tôn sư dùng đức hiệu của núi non mà lập thành môn phái “Liên tông Tịnh độ Non bồng” cho Tăng Ni, Phật tử tâm niệm tu hành.

Người Phật tử Tây phương Bồng đão xưa tu pháp “lễ bái niệm Phật”, thường hay hướng về cảnh núi non thanh lãnh, thắng tích non xanh hùng vĩ, thiêng liêng mầu nhiệm, siêu xuất trần gian vừa đảnh lễ đức Bồ tát vừa đảnh lễ biệt hiệu Ðức tôn sư, các vị niệm:”…chí tâm đảnh lễ Nam mô Phổ Ðà Sơn Nam Hải (Bồ tát Quan âm) Mẫu Trầu (Ðức tôn sư) tác đại chứng minh…”

Núi Phổ đà cũng là nơi ứng tích Thiện Tài Ðồng Tử nghe Ðức Quán Âm thuyết pháp. Cũng gọi là rừng Chiên Ðàn trúc tía ở phía Tây biển Ðông; hiện nay cảnh trí thiên nhiên là sự thật có ở phía đông huyện Ðịnh hải và cách huyện lỵ hơn một trăm dặm, sừng sững giữa biển trời bao la.

Lời ca tụng cảnh trí núi Phổ Ðà bên Tây trước (Ấn độ), cảnh trí núi Phổ Ðà bên Ðông độ (Trung quốc) trở thành bài pháp kệ Phổ đà; chư Tăng Ni, Phật tử trân trọng dùng làm bài pháp kệ tụng. Khi tụng pháp kệ làm cho tâm hành giả mát mẻ, nhẹ nhàng khinh xuất, tự tánh tâm linh ảnh hiện, mọi phiền trược tiêu vong, cấu nhiễm không còn, nội lực đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, tịnh chúng nghiêm trang tĩnh lự. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tìm hiểu nhiều về xuất xứ bài kinh, tác giả là vị ẩn sĩ hay tu sĩ sáng tác?

Tại Việt nam hiện nay chỉ có chùa Thành Hoa (cù lao Ven) miền Tây; các Tự Viện, chư Tăng Ni, Phật tử Liên tông Tịnh độ Non bồng miền Ðông, nhất là tại Tổ đình Linh Sơn, Quan âm Tu viện, ở miền Trung như Bình thuận, Ðà nẳng, Hà tĩnh, Lâm đồng và trên 150 Tự Viện của tông phong tụng niệm pháp kệ nầy trên năm mươi năm rồi. Những người tu trên non núi, những vùng năm non bảy núi, núi Văn liên, núi Sập…rất trân trọng và vẫn còn tụng niệm.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 69 – Pháp Kệ Phổ Đà Sơn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com