Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con có một đôi lần chứng kiến Sư tác pháp lễ quy y cho tập thể tín đồ Phật tử, nhất là ở Quan Âm Tu Viện, mỗi lần tác lễ có đến 400 đến 500 Phật tử xin đăng ký quy y do Sư thay Sư Bà thuyết giảng và truyền giới. Chúng con nhận thấy sự lý quy y quá ư là kỹ. Xin Sư chỉ dạy cho chúng con? Chúng con xin quy Tam Bảo?

Quy y là sinh họat linh động nhất chốn thiền môn đối với người Phật tử, vì khi chưa quy y người Phật tử được gọi là Phật tử tín đồ; nhưng sau tác pháp lễ quy y người tín đồ Phật tử phát tâm thọ pháp Tam quy rồi họ sẽ trở thành người Phật tử bổn đạo của Chùa ấy, suốt đời gắn bó với chùa mình đã quy y, kể cả con cháu, hậu duệ của người Phật tử đó từ đời nầy sang đời khác cũng đều là Phật tử bổn đạo của chùa.

Có sáu thứ bậc Phật tử:

* Thứ nhất: Phật tử bổn đạo là những người Phật tử đã có thọ pháp quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm (không sát sanh – không trộm đạo – không tà tịnh hạnh – không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả – không uống rượu tham lam sân giận, si mê) từ đời nầy sang đời khác, cả dòng họ luôn gắn bó hộ trì nơi chùa đã quy y. Trường hợp có đi lễ nơi chùa khác là do người Phật tử ngày nay thường phát tâm đi hành hương nhiều chùa, gọi là đi cúng thập tự, cúng thập nhị tự cầu an cho ông bà cha mẹ tại tiền, cầu siêu cho cửu huyền thất tổ quá thế nhiều đời siêu sanh lạc quốc. Nhất là ngày nay người Phật tử còn hướng dẫn cha mẹ, vợ chồng con cái đi chùa cúng dường Tam Bảo, cúng dường tịnh tài tịnh vật xây chùa, in kinh, ấn tống kinh, ủng hộ in kinh sách của quý Thầy, quý Sư sáng tác, biên sọan, dịch thuật, giảng dạy; đi chùa xin quy y, đi chùa nghe thuyết pháp, đi chùa học giáo lý Phật học, nhưng không bỏ quên Thầy bổn sư của mình, nơi quy y buổi ban đầu.

* Thứ hai: Phật tử tín đồ là người Phật tử phát tín tâm đi theo Đức Phật, phát tâm học giáo lý Đức Phật, biết ăn chay, biết tham dự niệm Phật… nhưng chưa thọ pháp quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm.

* Thứ ba: Phật tử tín đồ cũng có khi là những người thường xuyên đi lễ các chùa, nhiều chùa trong nước và ngòai nước, chùa nào họ cũng tín tâm lễ lạy ngôi Tam Bảo, chỉ có điều họ chưa quy y.

* Thứ tư: Phật tử phát tín tâm tu một pháp nào của Đạo Phật, như: tu Thiền, tu Tịnh độ, tu Mật tông… nhưng chưa tác pháp lễ quy y.

*Thứ năm: Phật tử chuyên nghiên cứu kinh điễn của Phật, nghiên tầm giáo lý Phật đà, ấn tống kinh, dịch kinh, sáng tác sách Phật… nhưng chưa thọ pháp quy y.

* Thứ sáu: những người có thiện cảm, có tình cảm thân quen với đạo Phật hay một ngôi chùa Phật mà họ có nhân duyên.

Những thứ bậc Phật tử đại để được kể như trên cho chúng ta thấy, khi làm người đệ tử của Đức Phật thật rất quan trọng, và rất ấn tượng với lễ quy y, cho thấy việc tác pháp làm lễ quy y quan trọng đến bậc nào.

Để trở thành người Phật tử chính thức, trước đó người Phật tử được Thầy bổn sư ban cho một pháp danh (tên được đặt trong đạo Phật), giữ gìn pháp danh đó từ ba tháng đến sáu tháng, thậm chí cả năm, gọi là “sơ quy y”. Tuy nhiên không nhất thiết về thời gian đối với người Phật tử, có khi vừa được ban pháp danh thì đã có lễ quy y nên người Phật tử được thọ pháp quy y; sau khi được thọ pháp Tam quy và ngũ giới cấm, tức đã “quy y chính thức”, người đó được gọi là Phật tử “Bổn đạo”, là người “Con” của Phật, hay người “đệ tử” của Đức Phật “Bổn sư” Thích Ca.

Theo Hội Phật giáo Tịnh độ tông Việt nam xưa, thì mỗi khi tiếp nhận người tín đồ Phật tử, phải có hai người Phật tử Bổn đạo của Hội giới thiệu mới được chấp nhận trở thành người tín đồ Phật tử của Hội, đấy là do có tổ chức Hội tu niệm Phật, nên có điều lệ nội quy, quy định về tín đồ Phật tử hay bổn đạo Phật tử khi đến quy y. Ngày nay việc giới thiệu chẳng qua là hình thức, vì Đạo Phật là Đạo giác ngộ, chúng sanh giác ngộ quy y, Phật tử giác ngộ quy y, người có căn lành quy y, người có nhân duyên với Phật, với Sư Thầy phát tâm quy y, người có gia đình thuộc truyền thống đạo Phật… thì được chấp nhận ngay.

Xưa nay, sở dĩ khi quy y bắt buộc có người giới thiệu là để thanh lọc người xấu, người phạm pháp luật trên mọi phương diện, người ngọai đạo… bước vào hàng ngũ Đức Phật rắp tâm phá Phật, phá giáo pháp Phật, làm mất thanh danh Đạo Phật, nên mới có việc khi người phát tâm quy y Phật phải có sự giới thiệu với Nhà chùa.

Theo quan niệm của những bậc xuất thế, mỗi lần quy y là một lần được Đức Phật xoa đầu thọ ký, người đã được Phật xoa đầu thọ ký thì tương lai người ấy cũng thành Phật. Căn lành trong muôn vạn kiếp ảnh hiện, sự an lạc đến với người, sự thành đạt sẽ xuất hiện trong trái tim trí tuệ của người con Phật, họ như người đi trong đêm tối mà có ánh trăng rằm sáng soi. Thậm chí họ còn trở thành những ngọn đuốc sáng khi đêm dài trăng lặn, như câu thơ của vị thiền sư khuyết danh đã nói:

Cuộc sống cần vui, xin nguyện làm chim hót

Sõi đá khô cằn xin chuyển hóa màu xanh

Nguyện làm hoa khi vườn lá trơ cành

Làm đuốc sáng khi đêm dài trăng lặn

Bốn câu thơ trên như là hạnh nguyện ngàn đời của người con Phật. Những ai phát nguyện làm con Phật, làm con Phật vĩnh viễn trong muôn vạn kiếp, làm con Phật cũng chính là làm lợi lạc cho chúng sanh.

Người khởi tâm quy y, phát một lòng thành tín trở thành người có nhiệm mệnh cao cả. Khi quy y nên quỳ thẳng chắp tay hướng về ngôi Tam Bảo, tỏ tấm lòng chân thật, lắng tâm trong sách nói lời:”đệ tử chúng con tên…… pháp danh……………xin nguyện một đời quy y Phật – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y pháp – Đệ tử chúng con tên……pháp danh………. xin nguyện suốt đời quy y Tăng”

Sau khi đã nói theo giới sư, lời xin quy Tam Bảo rồi, Phật tử tiếp tục nói theo giới sư như sau:”Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Phật rồi – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Pháp rồi – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Tăng rồi”

Sau khi đã quy y, không bị sa vào tam ác đạo, Phật tử tiếp tục nói theo vị giới sư như sau:” Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Phật rồi khỏi đọa vào địa ngục – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Pháp rồi khỏi đọa vào ngạ quỷ – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Tăng rồi khỏi đọa vào súc sanh”.

Người Phật tử khi đã quy y thọ pháp rồi, suốt đời sống trong rừng công đức “đại bửu lâm”, trí tuệ sáng suốt tuyệt vời, lòng từ trải rộng như trời đất, lòng bi thương xót muôn lòai như muốn ra tay tế khổ độ mê.

Đồng thời, người Phật tử khi đã quy y thọ pháp rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn không quy thiên thần quỷ vật. Vì thiên thần quỷ vật còn luân hồi sinh tử, không phải là bậc thánh nhân ra khỏi thế gian, họ cũng có những sinh họat gần giống như sinh họat trong Đạo Phật, nhưng không tu hành chi cả, họ có cuộc sinh họat tâm linh, sự sinh tồn giả tạm như “ốc mượn hồn”, như “chùm gởi”, mượn thân cây để đeo bám cuộc sống”.

Quý vị đã quy y pháp rồi, thà bỏ thân mạng chớ không quy y theo kinh điễn, lời nói của ngọai đạo tà giáo, không quy y theo các triết lý, tư tưởng, học thuyết của thế gian, những việc thờ cúng ở thế gian. Vì sao, vì kinh điển ngọai đạo tà giáo ở thế gian không phải là pháp môn tu vô lậu giải thóat.

Quý vị đã quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng, chớ suốt đời không quy y đồ chúng ngọai đạo. Vì đồ chúng ngọai đạo không phải là người giải thóat chứng quả Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, họ sẽ dẫn dắt quý vị vào con đường tối tăm nguy hiểm. Nghĩa là suốt đời làm con Phật mà chẳng biết giới luật Phật là gì, chẳng biết câu kinh, giáo lý Phật ra sao, vào chùa chẳng biết kính Phật trọng Tăng, chẳng biết giáo pháp Phật là gì, tu hành ra sao?

Ôi đúng là thời mạt pháp, có người làm xằng bậy, không học Phật pháp mà đi nói Phật pháp thật là tu hành thiếu nền nếp, ứng khẩu không lề lối, không đúng chánh pháp, không học đạo mà nói nói đạo, nói năng không ra gì lại bảo là soi căn, đoán mò, chẳng đúng đâu vào đâu, mà bảo là biết quá khứ vị lai của Phật tử, những sinh họat tín ngưỡng ấy dành cho một vài người nhẹ dạ thuộc diện thích “mê tín”… vậy mà vẫn ung dung sống trong Đạo Phật làm bẩn mắt Đức Thế Tôn.

Mặc khác, có người nói:”đến xin phép làm ăn, trong đời người có giàu mới sanh lễ nghĩa”, nhưng khi có tiền, họ sinh ngã mạn, đi nghinh, đi ngang trong chùa, gặp quý Sư không chắp tay xá bái, còn cho rằng ta đây đã có cúng tiền cho chùa; trong khi chùa không mong cầu sự cúng kiến đó, cúng theo cung cách “có tiền thảy vào chùa”, gọi là trả lễ, trả xong muốn làm gì thì làm. Nhưng họ không biết chùa ngày nay, nhất là những trung tâm có truyền bá pháp môn tu “biệt truyền”, có tông chỉ… không cần có sự cúng kiến ấy. Họ không biết quý trọng Sư Trụ trì; quý Sư có bao giờ chấp nhận họ là Phật tử đâu?

Người Phật tử khi đã biết đi chùa lễ Phật và có phát tâm quy y Tam Bảo rồi, khi gặp chư Tăng bất cứ ở chùa nào, xứ sở nào, hay quốc gia nào cũng đều quý kính, đừng nên chỉ quý trọng chư Tăng ở chùa mình cầu quy y Tam Bảo mà thôi, hoặc thích ai thì kính nấy, vô lề lối thiếu đạo đức lắm các bạn ạ… đi chùa không nên thiếu lễ nghi khuôn phép như thế mới đúng là một người Phật tử hiểu biết chân chánh. Đừng nên gặp quý Sư, gặp Đại sa môn, Sa môn mà không quý kính, như vậy thì thật là uổng công đức đi chùa, phí công đi chùa, cũng như không hiểu biết gì về Phật Pháp. Cung phước đức của các bạn sẽ dần dần mất hẳn nơi các bạn và gia đình, các bạn ạ!

Ở Việt Nam, đại đa số ngày nay chỉ còn có Phật tử của phái Thiền hay phái Tịnh đều có quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm; các vị tu hành nghiêm túc lắm, các vị lánh xa đường tà, chăm chỉ học giáo lý Phật học, học Phật pháp, giữ giới để tu. Vì họ đã hiểu “Giới” là giáo pháp Đức Phật, “Giới” là hàng rào ngăn cấm không cho con người bước đến vùng nguy hiểm của cuộc đời, giúp cho con người và gia đình hạnh phúc; “Giới là biên cương hòa bình, ngăn cách giữa Đời và Đạo; “Giới” giúp cho con người làm chủ vận mệnh, làn chủ gia đình, thay đổi môi trường từ môi trường xấu trở nên tốt, môi trường không trong lành êm ấm, trở thành môi trường trong lành êm ấm, hạnh phúc. Giới làm cho chúng sanh vượt khỏi khổ đau phiền não, ra khỏi biển sanh tử, không còn luôn hồi trong sáu nẽo (thiên, nhơn, attula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…).

Một ngày nọ, Đức Thế Tôn khi đã lớn tuổi nên dẫn môn đệ hành đạo lần về kinh thành Câu Thi Na; lúc ấy thân Đức Phật đã 80 tuổi, bệnh yếu đau nhức, Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, như thế giới đều tối tăm, các cung trời chư Tiên đều rũ rượi, chư đệ tử trong đó có Đức A Nan vật vã than khóc:”Đức Thế Tôn nhập diệt! Đức Thế Tôn nhập diệt! Chúng con không còn biết hỏi giáo lý với ai nữa để tu hành! Ôi sao mà đau đớn thay! Mặt trời chánh pháp sắp tắt hẳn!

Lúc bấy giờ Đức Phật kêu đại chúng và Ông A Nan dạy:”A Nan, các ông không nên cho rằng Đức Thế Tôn nhập diệt là chánh pháp không còn trụ thế; sau khi Ta nhập diệt các Ông hãy lấy giới luật làm Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất!

Xem trên chúng ta thấy, người con Phật có thọ quy giới, có giữ giới thì chánh pháp còn, chánh pháp còn là Đức Phật còn. Thế nên người con Phật dù xuất gia hay tại gia không nên không thọ giới pháp để tu hành.

Phước lành của người Phật tử

…Ngày xưa, tại nước Xá Vệ có một gia đình Trưởng Giả, Bà vợ của Ông năm đó sinh được cháu trai, khôi ngô tuấn tú. Giữa lúc sinh, trên trời tự nhiên hoa rơi xuống đầy sân, nhân hảo tướng nầy Ông Bà đặt tên cho con là “Hoa Thiên”.

Dân làng ai cũng khen Trưởng Giả nhiều phước đức, sinh được con quý, Trưởng Giả rất vui, nuôi con một cách đường hoàng trân quý, hy vọng sau nầy làm nên danh giá cho vọng tộc. Ông Bà lúc nào cũng không rời lòng yêu thương triều mến con, luôn luôn làm những việc lành để hồi hướng cho con. Song tính nết của Hoa Thiên cũng rất ngoan, hiếu kính mẹ cha, lại có óc thông minh và hiền hậu. Đối với mọi người trong nhà cũng như hàng xóm, không làm mất lòng ai bao giờ, lại hay có tâm giúp đỡ người, nhất là những người cô bần, nghèo khó, nên được nhiều người kính mến, cảm phục.

Sau khi lớn tuổi học hành tiến đạt, một hôm theo người thân đi cúng dường Phật. Tới chốn Phật, nhìn thấy Ngài có oai đức phi thường đầy đủ tướng từ bi, quang minh xáng lạng, tự phát tâm ngưỡng mộ, vui mừng hớn hở rồi thầm nghĩ rằng :

“…Người ta sinh trên đời, được gặp Phật là một sự khó, những người được hạnh ngộ là có túc duyên lắm vậy…”

Nghĩ xong Hoa Thiên tới trước Phật, sụp lạy thưa rằng :

“Kính lạy Đức Thế Tôn ! chúng con không biết có phước lành gì mà hôm nay được tới đây chiêm ngưỡng Ngài, cúi xin Ngài từ bi giáo hóa cho chúng con được biết đường hướng tu hành, thoát khổ, đời đời được an lạc…”

Phật dạy, hay lắm ! Ngươi có duyên lành, muốn được an vui, hãy ghi nhớ những lời ta nói :

“Con người phú quý hoặc bần tiện cũng do tự mình tạo tác, giữ gìn ngũ giới được sinh làm người, tạo mười điều lành được sinh thiên, tham lam bỏn xẻn đọa thành ngạ quỷ, sát nhân hại vật, sân si phải đoạ địa ngục, tà kiến vô nhân đạo làm loài súc sinh…”

Hoa Thiên nghe xong như người đói được ăn, khát được uống, quỳ lên bạch Phật rằng :

“Kính lạy Thế Tôn, ngày mai chúng con thành kính sắm sữa trai nghi, cúi xin Ngài và quý Sư dời gót ngọc tới tới nhà con chứng trai, thọ thực và sau đó ban bố bài pháp lành để cho cha mẹ con, lục thân quyến thuộc được ân triêm công đức…”

Phật dạy : “Hoa Thiên có lòng thành kính Ta và quý chư Tăng sẽ chứng minh công đức”

Hoa Thiên lễ tạ lui ra, về nhà trình bày cùng cha mẹ công việc thỉnh Phật và quý Sư ngày mai, thì Ông Bà rất vui lòng. Đêm ấy cả nhà đều tấp nập bày biện kim tòa, trải chiếu tới sáng mới xong. Tuy nhiên, trong nhà chưa sửa soạn các món ăn, Ông Bà liền hỏi con :

“ Hoa Thiên đáp :” Thưa Cha Mẹ, việc ấy để con lo liệu, Cha Mẹ không phải lo…”

Khi Phật và quý Sư quang lâm, do phước báo của Hoa Thiên, trên trời hóa hiện ra những tòa ngồi, bằng thất bảo, nơi nằm, nơi nghỉ, trang nghiêm, vô cùng rực rỡ. Phật và quý Sư thăng tòa ngồi yên lặng, lúc bấy giờ các món ăn tự nhiên hiện ra.

Dùng cơm xong, Phật thuyết pháp nói về “Tứ Diệu Đế”; Hoa Thiên và đại chúng nghe xong, được chứng quả Nhập Lưu (được bước vào dòng nước Thánh)

Sau khi Phật và quý Sư về Tịnh xá, Hoa Thiên xin cha mẹ theo Phật xuất gia cầu học đạo giải thoát, vì Ông Bà đã hiểu đạo, nên hoan hỷ cho Hoa Thiên xuất gia theo Phật tu hành. Hoa Thiên lạy Cha Mẹ rồi đến tịnh xá cúi đầu lễ Phật xong thưa rằng :

“ Kính lạy Đức Thế Tôn ! Xin Ngài từ bi hoan hỷ cho con được xuất gia nhập đạo tu hành, vì đã được sự đồng ý của Cha Mẹ con”

Phật dạy :”Thiện lai Tỳ kheo !

Ngài nói dứt lời, tóc trên đầu Hoa Thiên tự nhiên rụng hết, áo mặc trong thân biến thành áo Ca sa, thành hình tướng Sa môn, tu hành thật tinh tiến, chẳng bao lâu chứng quả Vô sanh A La Hán.

Thấy việc Hoa Thiên tu hành và chứng quả một cách mau lẹ như vậy, ngài A Nan lấy làm lạ, nên tới trước Phật làm lễ bạch rằng :

“Kính lạy Thế Tôn, Hoa Thiên Tỳ Kheo, thuở trước làm phước đức gì mà lúc sơ sinh có hoa sen trên trời bay xuống, khi cúng dường Phật tự nhiên lại có giường tòa và các món ăn thịnh soạn, kính xin Ngài chỉ dạy cho chúng con được am tường”

Phật dạy :”Ở trang nghiêm kiếp của Ta, thuở đó có Đức Phật hiệu là Tỳ Bà Thi. Phật ứng thế độ sanh, thường thường cùng chư Tăng đi vào các làng ấp để giáo hóa, những nhà tôn quý và nhân dân không phân biệt giàu nghèo sang hèn đem các món ăn và vật dụng cúng dường.

Lúc ấy có một người Phật Tử nhà nghèo thấy mọi người sùng kính cúng dường Phật và quý Sư, trong lòng rất hoan hỷ, nhưng hận vì mình nghèo, không có tiền bạc, tài sản dâng cúng để lập phước duyên cho tương lai. Vị Phật Tử kia đi tới đi lui suy nghĩ mãi, không biết làm gì để có phẩm vật dâng cúng Phật. Ngồi lại bên đường, cạnh chổ ngồi có một mớ hoa cỏ, Ông liền hái số hoa cỏ bên lề đường, một lòng thành kính lễ lạy, tung hoa cúng Phật và quý Sư. Lúc bấy giờ được Đức Phật chứng minh, Ông rất hoan hỷ và xin được phép ngồi xuống nghe Phật thuyết pháp.

Nầy A Nan, người nghèo khó cúng hoa cỏ thuở đó, nay là Hoa Thiên Tỳ Kheo, đấy cũng do đời quá khứ có lòng tin kính cúng hoa dâng lên Phật, chí tâm cầu nguyện, từ đó đến nay đã trải qua chín mươi mốt kiếp, Hoa Thiên được phước báo sanh vào thế giới nào thân thể cũng tốt đẹp, ý muốn dùng gì cũng được đầy đủ, thức ăn uống giường tòa các dụng cụ, trang trí nội thất, vừa nghĩ đến tự nhiên có, và lúc sơ sinh có hoa trên trời bay xuống do phước duyên đó mà nay gia đình thật hạnh phúc và Hoa Thiên tu hành được đắc đạo.

Thật mầu nhiệm thay ! quý hóa thay, làm con Phật bạn ạ !

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 5 : Tín Đồ Phật Tử Quy Y Tam Bảo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com