Mục Lục

Sư sẽ tiếp tục giảng về giáo lý nghiệp báo?

Nguồn gốc của nghiệp :
Vấn đề khởi thủy của con người, của vạn vật hay của sự sống nói chung là một vấn đề mà tôn giáo và khoa học từ xưa tới nay, chưa giải quyết dứt khoát với những lý lẽ hay những chứng minh cụ thể khả dĩ thỏa mãn tánh hiếu kỳ của chúng ta. Trong cuộc phiêu lưu vô tận mà ta cùng vô lượng chúng sanh đang lang thang cơ cực đây, ta phải làm thế nào cho phiền muộn này biến thành an vui và bước lần đến siêu thoát.

Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo: Như Lai nói tát ý là nghiệp” tát ý bắt nguồn sâu xa trong vô minh và ái dục. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham muốn, thì mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều là nghiệp.

Tuy nhiên, Phật giáo không lấy sự giải thích hay giải quyết vấn đề siêu thực như là vấn đề khai tịch và căn nguyên của vũ trụ làm trọng tâm, cũng không đòi hỏi hoặc bắt buộc những người theo giáo lý của Đức Phật phải hiểu như thế nào? Về nguồn gốc của nghiệp. Giáo lý nhà Phật là một giáo lý thực dụng, căn cứ trên mục tiêu thực tế. Nhận định nhân sinh hữu khổ, thì Phật chỉ dẫn cho con đường đi đến sự diệt khổ.

Khổ là thực tại, phương châm diệt khổ phải là thực tế, thoát ly khổ cũng là cứu cánh thực tiễn. Ngoài ra, chỉ là những câu chuyện vui trí mà thôi, không bổ ích chi cho đời sống đạo hạnh cả. Theo giáo lý của Đức Phật, thì mọi vật trong vũ trụ đều thuộc vào trong bốn loại sau đây:
1. Loại hữu thỉ thì hữu chung: Như khi ta đóng xong một cái bàn là bắt đầu có cái bàn, và hai là cái bàn hư nát có sự chấm dứt cái bàn.

2. Loại hữu thỉ vô chung: Như con số 1 là bắt đầu của những con số, sau con số 1 ta có thể đếm mãi mãi không cùng tột bao giờ cũng như khi ta chia con số 10 cho 3, ta chia mãi không cùng tột bao giờ.
3. Loại vô thỉ hữu chung: Nghĩa là không có chỗ bắt đầu mà lại có chỗ chấm dứt như hột xoài chẳng hạn. Hột xoài là do cây xoài sanh ra, cây xoài này là do cây xoài trước sanh ra. Cây xoài trước này là do cây xoài trước sanh ra nữa, cứ như thế phăng lần lên mãi không cùng tức là vô thỉ. Nhưng nếu ta đập nát hột xoài đi thì sẽ không còn cây xoài nữa, như vậy là hữu chung.
4. Loại vô thỉ vô chung: Không chỗ bắt nguồn mà cũng không có chỗ cùng cùng tận như là không gian, thời gian ấy là Niết Bàn.
Trong vũ trụ, mọi vật đều thuộc về một trong bốn loại kể trên, vậy ta không lạ gì nếu cái nghiệp thuộc về loại vô thỉ hữu chung.

Nghiệp báo là gì?
Nghiệp báo là lý nhân quả – Nghiệp báo và tái sinh là hai giáo lý căn bản của Phật giáo.
Nếu phải giải thích rộng rãi thì nghiệp là hành động mà trước hết và là điều quan trọng, nghiệp là do tâm, tức là ý muốn tốt hay xấu, thiện hay ác, trong hay đục, chính tâm tạo ra nghiệp, nếu không có tâm trong việc làm thì không có nghiệp. Nghiệp của ta ngày nay là tổng hợp nghiệp quá khứ với hiện tại mà ta đã và đang tạo ra trong kiếp này nữa. Cái tiền nghiệp từ bao kiếp trước đưa lại cho ta ta phải lãnh trọn, dù muốn, dù không lành như một di sản bắt buộc để cộng vào với gia tài hiện nghiệp.
Nhưng cái hiện nghiệp trong kiếp người của ta, ngày nay khác hơn là cái tiền nghiệp là ở chỗ ta hoàn toàn làm chủ nó, nghĩa là ta có trọn quyền chuyển nó về đâu tùy ý muốn của ta tùy tâm ta.

Cái mà ta gọi là Ngã, chắc chắn không phải chỉ là cái thân xác cao, thấp, mập, ốm, này thôi, mà bên trong lại còn có cái tâm. Vậy ta là sắc và tâm kết thành, bị chi phối bởi lực kích thích nội giới và bị ảnh hưởng ngoại cảnh. Phần làm chỗ tác động cho kích thích tức là đã thọ cầm rồi. Thì do đó cái vô minh bao bọc làm cho chúng ta không thể nhận chân sự vật được. Đó là miếng đất dọn sẵn để cho nghiệp thức mỗi ngày mỗi mọc rậm thêm. Dĩ nhiên, có thức là có phân biệt đúng hay sai, tốt hay xấu, cao hay thấp…v.v thế là thức biến thành vô lượng hiện tượng. Vậy vô minh là điều kiện đầu tiên cho sự gia tăng chồng chất nghiệp chướng.
Bao giờ chúng ta còn quanh quẩn trong vô minh tức là không nhận thức được chân tướng của cái ngã, của sự vật, thì hẳn là chúng ta còn gây giống cho nghiệp.

Nói đến nghiệp, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nghiệp chướng trú ngụ ở đâu? Không thể nói: Nghiệp chướng được lưu trữ ở một nơi nào trong cái thức biến dịch hay trong nội bộ phận nào của thể xác. Tùy thuộc tâm và sắc, cái nghiệp chướng phát hiện khi DUYÊN đến, cũng như những trái xoài kia không thể nói là chúng được chứa đựng ở một chỗ nào nhứt định trong thân cây xoài, mà phải nói là chúng tùy thuộc cây xoài, khi mùa đến là chúng hiện ra.

Định luật của nghiệp báo:
Trong “Đối Pháp Luận” có phân biệt 5 định luật chi phối sự tiến triển của vật chất và tâm linh.
1. Định luật liên quan đến sự tiến triển của vật chất không có cơ thể, như là hiện tượng gió mưa, thời tiết.
2. Định luật chi phối sự tiến triển của vật chất hữu cơ như là cây cỏ và của những vật chất có tế bào tức là những luật về âm dương, trống mái.
3. Định luật của quý phạm như là hấp dẫn lực, di chất phản ứng…
4. Định luật tâm lý như là lịch trình diễn tiến của tâm thức sự sanh, sự diệt của tâm niệm, những cơ cấu tác động của tâm linh.
5. Định luật hành và quả, hay là định luật nhân quả, nhân gieo thì quả trổ, nhân lành đem lại quả tốt, nhân ác đem lại quả xấu. Đó là sự tự nhiên phải như vậy chớ không phải là do một vị thần linh nào thưởng hay phạt. Định luật nhân quả tự nhiên tác động không cần đến sự kích thích muốn hay không muốn ở bên ngoài, đó là luật chung của vạn vật trong vũ trụ. Cũng như bốn định luật trên, định luật nhân quả không phải là một định luật không thể cưỡng lại được bởi vì chúng ta có thể chuyển nhiều hướng cho nó tùy theo ý muốn của chúng ta.
Cũng như đối với định luật nói trên và trái với định luật này. Có hạng người nhờ công phu luyện tập, họ có thể tắm nước sôi hay vùi mình trong tuyết hoặc chôn đầu, chôn thân dưới đất hàng tuần, hàng tháng.

Trên thế gian này, cũng như trong ta bà thế giới, không có một nơi nào mà chúng ta tránh khỏi tác động của nghiệp báo. Nhưng mặc dù vậy, chúng ta không phải thọ lãnh trọn vẹn những cái gì mà chúng ta có thể mang theo trong nghiệp chướng của chúng ta. Nhờ sự luyện tập, tu tâm dưỡng tánh mà một người trước kia là đê hèn, độc ác nay có thể trở thành một người đạo hạnh thanh cao.
Luôn luôn ta đang trở thành một hiện thể nào đó và hiện thể này như thế nào là tùy tư tưởng và hành động của ta.

Tóm lại, luật nhơn quả hay luật nghiệp báo có tự nhiên nó có và tác động của nó cũng tự nhiên theo luật tuần hoàn tác động của nhân và quả. Điều mà ta cùng nhấn mạnh là: Ta có thể chuyển chiều hướng cho nó tùy hành động và tư tưởng của ta. Đó là điểm chính. Là điểm mà ở đó ta hoàn toàn tự do, tức là ta làm chủ hành động và tư tưởng của ta vậy.
Thuyết định mệnh và nhân quả:
Phật ngôn có ghi: “Trong sạch hay không trong sạch đều do nơi ta cả”. Khi ta đau ốm ta phải uống thuốc để lành bệnh, chớ ta không thể nói: Nếu cái nghiệp của tôi là mạnh thì tôi sẽ mạnh, nếu cái nghiệp của tôi phải bệnh là tôi phải bệnh, bác sĩ không làm gì được. Nếu nói như vậy tức là tin nơi tiền định.

Phật giáo nói: “Nghiệp không phải là định mạng cũng không phải tiền định, nghiệp là hành động, báo là cái quả, là cái phản ứng của hành động ấy không có định mạng do một thần linh nào đã phán ra rằng: “Phải như vậy, phải như vậy”, và bắt buộc chúng ta phải thọ lãnh mạng lệnh đó, đau khổ hay an vui. Chính hành động của ta đã gây ra phản ứng đó, và đó là một định luật tự nhiên: Luật nhân quả.
Như vậy, giáo điều, nghiệp báo của Nhà Phật khác hẳn với “Thuyết định mạng”, Thuyết này cho rằng trên đời mọi việc đều đã được định đoạt trước ở đâu đâu số mạng của mỗi người đều được ghi sẵn rồi, tuyệt đối không ai sửa đổi được. Thuyết tự do ngược lại, cho rằng trên đời, mọi việc ta được tự do hoàn toàn thao túng, làm hay không làm đều tùy nơi ta cả.

Phật giáo không chủ trương một ý niệm tiền định tuyệt đối, mà cũng không tin có tự do hoàn toàn, nghĩa là Phật giáo cho rằng: Ta vừa được tư do vừa bị chi phối nhưng không hoàn toàn bị chi phối cũng như không hoàn toàn được tự do. Vậy chỗ chủ yếu vẫn là: Cái tự do mà ta được tuyệt đối sử dụng thì nằm trong vấn đề gây nhân tạo nghiệp , và dứt nghiệp tránh nhân.
Còn cái định luật diễn ra ngoài sự tự do định đoạt của nó lại là cái quả phải trổ ra đúng thì giờ của nó ngoài ý muốn của ta. Quả tốt cũng như quả xấu, đều do nhân tốt hay xấu mà ta đã tự do gieo ra, nhân quả là lý nhứt định chi phối nghiệp ấy.

Sự chênh lệch giữa những cá nhân:
Phật giáo giải thích sự chênh lệch, sự sai biệt giữa người với người trong xã hội về thể xác, tính tình, trí huệ, nết na, địa vị… là đều do chỗ sai khác trong nghiệp tập của mọi người. Tuy nhiên, Phật giáo nói rằng nghiệp chướng là một trong những nguyên do chính của sự sai biệt chênh lệch ấy, chớ Phật giáo không nói nghiệp là do duy nhứt, do đó tất cả cái gì cũng do nghiệp mà ra.

Bao nhiêu khuynh hướng tích trữ trong cái nghiệp mà chúng sanh đã gây ra từ bao kiếp trước sẽ đóng một vai tuồng tối quan trọng về đặc tính thể chất và tinh thần của Bào Thai (Chánh Báo). Ngoài ra, còn có những yếu tố khác (Y Báo) tạo ra sự chênh lệch nói trên như là : Đất đai, nơi sanh, nơi sống, hoàn cảnh gia đình, học đường, xã hội v.v…

Tóm lại, lý nghiệp báo, cũng như định luật vật lý, là một định luật tự nhiên, Cũng như điện lực sẵn có trong vũ trụ, nếu có đủ điều kiện thì nó phát sanh liền. Từ kiếp xa xưa trong quá khứ, điện lực vẫn âm thầm chuyển vận tự nhiên, khi ta đã tạo ra nó, tùy ý người sử dụng, muốn thêm độ lên hay bớt độ xuống, muốn cho nó đi về đâu, muốn dùng nó vào công việc gì hoặc dứt hẳn luồng chảy của nó, thảy thảy đều tùy người sử dụng.

Ngược lại cũng có thể ví với một dòng sông trường lưu bất túc, mỗi hành động, mỗi tư tưởng của ta, dù muốn, dù không, đều như những phần tử nước mà ta rót vào sông ấy.

Lý nhân quả, Phật đã vạch rõ ràng: Dòng nghiệp nằm trong nhân quả. Phật là người chỉ đường cho ta. Đi cùng không đi, tiến cùng không thoái, bước ra cũng không bước ra khỏi chỗ âm u, đau khổ để đi đến chỗ sáng sủa, chỗ thoát ly tất cả những điều này là chuyện riêng của mỗi người vậy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 49 – Nghiệp Báo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com