Mục Lục

Vấn: Chúng con xin được học về thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt nam; những tông môn pháp phái như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Thiên thai tông, Nam tông, các hiệp hội lớn nhỏ góp phần công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt nam; các đạo giáo dân tộc mang đậm ý tưởng Phật giáo?

Ðáp: Sau triều đại nhà Trần, đến triều đại nhà hậu Lê Phật giáo phải chịu nhiều ảnh hưởng chiến tranh, tương tàn tương sát, người trong nước chia giang sơn thiên hạ, dành quyền trị quốc chăn dân, sát phạt lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến sinh họat tôn giáo, trong đó nhất là Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo cũng từ đây mà phân hóa. Thêm vào đó người Tây dương đến lấn chiếm đất đai đòi khai hóa dân Việt, đem đạo Kitô vào đất Việt, truyền giáo bằng con đường chiến tranh, hủy diệt Phật giáo và các Tôn giáo dân tộc yêu nước. Phật giáo Việt nam phải bị lu mờ trải trên một thế kỷ.

Ðến đầu thế kỷ 20, từ những năm 1920 – 1930 các bậc tôn túc, trưởng lão, các nhà trí thức Phật giáo, những nhà Phật học cao cấp, các bậc tu hành có đẳng cấp, các cư sĩ có học thức, các bậc siêu nhân kiệt xuất mới bắt đầu gầy dựng lại các tổ chức Phật giáo trong nước theo chiều hướng phát triển của Phật giáo các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Myanmar và Tích Lan.

Nương theo tinh thần nầy, Phật Giáo Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, đến những nơi rừng núi, thâm sơn cùng cốc các tổ chức phong trào chấn hưng, báo chí Phật, chùa chiền lớn, các tổ chức giáo hội, tổ chức môn phong pháp phái được thành lập.

1/. Tại miền Bắc:

Năm 1934 thành lập “Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội”, tại Hà Nội – Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ – Hội xuất bản Báo Phật Giáo cổ xúy phong trào chấn hưng, phát hành Tạp chí Ðuốc Tuệ (10.12.1935), Báo Bồ Ðề Tân Thanh và Tiếng Chuông Sớm để hoằng dương chánh pháp. Hội mở Trường Phật Học tiếp nhận chư Tăng tham vấn học đạo tại chùa Quán Sứ, Trường Phật Học dành cho Ni tại chùa Bồ Ðề và chùa Bút Tháp.

Hội “Bắc Kỳ Phật Giáo Tổng Hội” do Tổ Vĩnh Nghiêm được suy tôn làm Pháp Chủ.

Tổ Tuệ Tạng được cử làm Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc nhiệm kỳ thứ nhất .

Ðại lão Hòa Thượng Mật Ứng, được suy tôn làm Pháp Chủ Phật Giáo Bắc Việt .

Những vị hữu công trong thời kỳ chấn hưng, thống nhất một số các tập đoàn Phật Giáo tại miền Bắc lúc bấy giờ là :

Hòa Thượng Thanh Ất, Trụ trì chùa Trung Hậu, Phúc Yên – HT Trung Thứ, Trụ trì chùa Bằng Sở, Hà Ðông – HT Doãn Hà, Trụ trì chùa Tế Cát, Hà Nam – HT Trụ trì chùa Hương Tích, Hà Ðông – HT Quang Nghiêm, Trụ trì chùa Phú Ninh, Nam Ðịnh – HT Trụ trì chùa Quế Phương, Nam Ðịnh – HT Trụ trì chùa Bộ La, Thái Bình – HT Thanh Thiệu, Trụ trì chùa Ðồng Ðắc, Ninh Bình – TT Tố Liên, Chủ tịch Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt – TT Trí Hải – TT Giải Ngạn – TT Tuệ Chiếu .

Những vị Cư sĩ trí thức Phật Giáo :

Cụ Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Năng Quốc, Thiều Chửu, Cụ Bùi Kỹ, Dương Bá Trạc, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Văn Quang Thùy, tức Tuệ Nhuận làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo Tạp Chí Bồ Ðề.

2/. Tại miền Trung:

Cũng trong năm 1932, quý Cụ Tổ thành lập Hội An Nam Phật học, Trụ sở đặt tại Chùa Từ Ðàm (do Tổ Minh Hoằng – Tử Dung sáng lập năm 1683, vào đời nhà Lê, năm Quí Vì) – xuất bản Tạp chí Viên Âm (1934), do Tổ Giác Tiên, Viện chủ chùa Trúc Lâm và Cụ Bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Hậu thân của Hội An Nam Phật Học, cũng chính là Hội Phật Học Trung Việt

Hội còn khai mở Phật Học Ðường Báo Quốc (1935), năm 1945 dời về Tòng Lâm Tu Viện Kim Sơn, chính nơi đây đào tạo những vị lãnh tụ Phật Giáo như: HT Thiện Minh, HT Trí Quang, HT Thiện Siêu, HT Trí Tịnh, TT Trí Thành…

Hội An Nam Phật Học thành lập thêm Gia Ðình Phật Hóa Phổ, chính là tiền thân của Gia Ðình Phật tử ngày nay, Ðoàn Thanh Niên Phật học Ðức Dục, Ðồng Ấu Phật Tử, nơi đây đào tạo những vị sau nầy lãnh đạo Phật Giáo như : HT Thích Minh Châu, Giáo sư Võ Ðình Cường… Trường Bồ Ðề đầu tiên cũng do Hội sáng lập tại Huế.

Phật Học Ðường Trúc Lâm, Tây Thiên: Tổ Phước Huệ, Tổ Phổ Huệ hằng năm được quý Sư cụ vào chùa Thập Tháp – Bình Ðịnh thỉnh ra Huế giảng Phật Pháp, Tổ Phước Huệ thường vào Hoàng cung giảng Phật Pháp cho vua Thành Thái, vua Bảo Ðại nên được suy tôn là Quốc sư (quý Cụ HT Thiện Hoa, HT Thiện Hòa, Cụ Lê Ðình Thám, Pháp Sư Trí Ðộ đều là học trò Tổ Phước Huệ).

Nhờ những công đức cao cả trên mà quý Sư Cụ ở Huế hợp nhau mở Trường Trung học Phật Giáo tại Chùa Trúc Lâm, sau dời về chùa Tây Thiên. Còn Trường của Ni thì mở tại chùa Diệu Ðức .

Những vị có công chấn hưng Phật Giáo Miền Trung, tập hợp thành một tổ chức duy nhất như Quốc sư Phước Huệ, Pháp sư Phổ Huệ, HT Thích Tịnh Khiết, HT Thiền Tôn, Trúc Lâm, Tây Thiên, Từ Hiếu, Tra Am. Quý HT Mật Khế, Quy Thiện, Ðôn Hậu, Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Thủ, Mật Thể.

Phật giáo Bình Ðịnh và Ðà Nẵng: Tại tỉnh Bình Ðịnh có Hội Phật Học Tỉnh Bình Ðịnh (1932-1945), có Quốc sư Phước Huệ (1920-1945) Pháp sư Phổ Huệ (1920-1935) Pháp sư Bích Liên, Liên Tôn, Trí Ðộ (1930-1950) .

Tại Ðà Nẳng có Hội Phật Học Ðà Thành, xuất bản Tạp chí Tam Bảo do HT Bích Liên làm Chủ nhiệm .

3/. Tại miền Nam:

Năm 1920, quý cụ Tổ Khánh Hòa, Tổ Chí Thiền vận động thành lập Hội Lục Hòa, xuất bản tờ báo Phật Giáo hiệu “Pháp Âm” – Sư Thiện Chiếu cho xuất bản Tờ “Phật Hóa Tân Thanh Niên”, “Phật Học Tòng Thơ”.

Ông Comis Chấn thành lập Hội Linh Sơn Nghiên Cứu Phật Học, Trụ sở đặt tại Chùa Linh Sơn, đường Cô Bắc – Cô Giang, Quận I, Saigon – Xuất bản Tờ Tạp Chí “Từ Bi Âm”, rất có giá trị trong làng Phật học.

Năm 1931, Tổ Huệ Ðăng thành lập Thiên Thai Giáo Quán Tông – Chủ xướng thành lập và xuất bản tờ “Bát Nhã Âm”.

Năm 1933, Liên Ðoàn Học Xã ra đời, do Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Tổ Khánh Anh (là vị Tổ có những đệ tử vào năm 1960 có về tại Tổ Ðình Linh Sơn nơi HT Thiện Phước khai Ðạo, truyền bá pháp môn Niệm Phật, giảng dạy giáo lý Phật Học tại Phật Học Ðường Tây Phương Bồng Ðảo, nơi xuất thân của HT Giác Quang), Tổ Pháp Hải giảng dạy .

Năm 1934, Quý cụ Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Tổ Khánh Anh kết hợp quý Cụ Giác Hãi, Liên Trì, Viên Giác, Kim Huê, Vạn An, Bửu Chung thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học, những vị xuất thân từ trường nầy hiện nay như: HT Thiện Hòa, HT Thiện Hoa, HT Huyền Quang, HT Hành Trụ, HT Quảng Liên…

Cũng trong thời gian nầy tại Saigon, có nhà trí thức Phật Giáo Sư Cụ Hồng Tại Ðoàn Trung Còn, thành lập Phật Học Tòng Thơ, chủ trương phiên dịch kinh sách Phật, thành lập Phật Học Thơ Xã xuất bản sách Tịnh Ðộ, sách Lão giáo và Khổng giáo, có khoảng trên 100 đầu sách được Sư Cụ phiên dịch cho chư Tăng Ni, Phật tử nghiên cứu tu học. (Trang 42, sách 50 chấn hưng Phật giáo của HT Thích Thiện Hoa)

Năm 1951 thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, gồm có 6 tập đoàn : 03 Tập đoàn Tăng Già và 03 Tập đoàn Cư sĩ do HT Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ – chủ trương xuất bản tờ “Phật giáo Việt Nam”.

4/. Tổ chức hội Phật giáo Tịnh độ tông:

Năm 1955, Hội Phật Giáo Tịnh Ðộ Tông thành lập do Sư Cụ Hồng Tại Ðoàn Trung Còn làm Hội Trưởng – Trụ sở đặt tại Liên Tông Tự, đường Ðề Thám, quận Nhất, Saigon.

Hội Phật Giáo Tịnh Ðộ Tông Việt Nam, mới đầu nghe ai cũng suy nghĩ là một Hội hữu tu hành của giới Cư sĩ. Tuy nhiên Hội Phật Giáo Tịnh Ðộ Tông Việt Nam của Sư Cụ Hồng Tại Ðoàn Trung Còn, (không phải Hội Tịnh Ðộ Cư Sĩ của Ngài Minh Trí) là một Giáo Hội có quy chế tổ chức nhân sự Ban Chấp Sự Trung Ương, có quy chế lãnh đạo hai giới Xuất gia và Cư sĩ. Tại mỗi Tỉnh, Quận, Thị xã, Phường Xã đều có tổ chức nhân sự Ban Chấp hành Giáo hội của từng cấp lãnh đạo Tăng Ni, Phật Tử tại địa phương.

Năm 1957, môn phái Liên Tông Tịnh Ðộ Non Bồng của Hòa Thượng Thích Thiện Phước hoạt động trong tổ chức nầy. Hòa Thượng Thích Thiện Phước khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Ðộ Non Bồng, thành lập Phật Giáo Từ Thiện miền Ðông Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, Cô nhi viện Từ Ái, Phật học Ðường Tây Phương Bồng Ðảo, Trường Gia giáo Phật học tại Long Sơn cổ tự, Trường Trung Tiểu Học núi Dinh và Lâm Tỳ Ni, Bửu hòa.

Hiện nay nói riêng cho hệ phái Tịnh Ðộ Tông tại tỉnh Ðồng Nai (Liên tông Tịnh độ Non bồng) có 33 cơ sở Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Ðường… sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt nam; cơ sở chính đặt tại Quan Âm Tu Viện và một Ban Quản trị để điều hành hệ phái thuộc khu phố 3, đường Nguyễn Ái Quốc, Phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa.

5/. Tổ chức Phật giáo Nam tông:

Phật Giáo Nam Tông Việt Nam có hai phái :

1/. Một phái người Việt gốc Miên. Phái nầy đã có từ lâu đời, nhưng không rõ du nhập Việt Nam vào năm nào? Và bắt nguồn từ đâu? Có lẽ đồng thời với Phật Giáo Việt Nam và bắt nguồn từ Camboge. Phái nầy gọi là Theravada, ngày nay gọi là Phật Giáo Nam Tông Khmer. (Trích 50 năm chấn hưng Phật Giáo của HT Thiện Hoa)

Phật Giáo Nam Tông Khmer có Tăng Tín đồ rất đông, không có Nữ giới xuất gia. Chư Tăng có 17.661 vị, gồm Tỳ kheo 11.964, Sa di 5.697 vị. Tín đồ Phật Giáo chiếm 99%, toàn là người Miên (Việt gốc Miên). Chùa rất nhiều và chỉ ở miền Nam, nhất là miền lục tỉnh, như ở các tỉnh Châu Ðốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Bình…

Theo thống kê trước ngày hòa bình thì dân số người Việt gốc Miên là 2 triệu người, đều theo Phật Giáo. Chư Tăng được 20 ngàn vị, 500 ngôi chùa có mặt ở khắp 12 Tỉnh, Thành ở miền Nam.

Phật Giáo Nam Tông Khmer hành đạo rất ít tại Tỉnh Ðồng Nai, chỉ có 01 ngôi Chùa hiệu là Hoa Sơn do giới Cư sĩ người Việt gốc Miên hoạt động tín ngưỡng tại Thị xã Long Khánh.

2/. Một phái nữa thuộc về người Việt Nam, do Ðức Tăng Thống Thiện Luật và Ðức Tăng Thống Hộ Tông sáng lập.

Ðức Tăng Thống Thiện Luật và Hộ Tông du học giáo lý Nam tông Phật giáo tại Camboge. Sau thời gian tu học đạo ở xứ người, quý Ngài trở về Việt Nam vào khoảng năm 1940 thành lập Giáo Hội, với danh xưng Giáo Hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, niên khóa đầu tiên do Ðại Ðức Bửu Chơn làm Tăng Thống, Trụ sở đặt tại Chùa Kỳ Viên, Bàn Cờ, Saigon – Riêng về Phật Học Viện đặt tại chùa Pháp Quang, cầu Băng Ky, Gia Ðịnh (1958) do Ðại Ðức Hộ Giác làm Giám Ðốc .

Giáo Hội nầy có công đức kiến thiết Thích Ca Phật Ðài ở Thành phố Vũng Tàu vào năm 1962.

Về bên cư sĩ hữu công với Giáo Hội nầy có các Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ông Hồ Ðắc Thắng, Bà Lưu Giang Hà.

Pháp nạn năm 1963, Phật giáo Việt Nam bị chế độ gia đình trị Ngô Ðình Diệm bắt bớ tù đày, dự định hủy diệt Phật Giáo, đưa Thiên Chúa giáo trở thành Tôn giáo của Nhà Nước, nên gọi danh xưng là Công giáo. Ðồng thời Ông Diệm còn liên lạc với Vatican đề nghị tôn vinh Ông (Ðức Cha) Nguyễn Ðình Thục làm Ðức Hồng Y Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, để có cơ sở hủy diệt Phật giáo .

Trong khoảng thời gian nầy, Phật giáo Nam Tông Việt Nam rất tích cực đấu tranh chống áp bức của gia đình Ông Ngô Ðình Diệm, Ông Ngô Ðình Nhu và Bà Trần Lệ Xuân… Chư Tăng cùng đứng lên đòi trả tự do cho các Nhà Sư bị bắt, yêu cầu cho tự do hoạt động Phật Giáo, được treo cờ Phật giáo Quốc tế trong các ngày lễ Phật Giáo…

6/. Các giáo phái khác tại Ðồng nai:

1/. THIỀN TÔNG :

Do HT Thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập, hiện nay xiển dương pháp phái thiền Trúc Lâm Yên Tử của Tổ Sư Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn.

Thiền tông tại Ðồng Nai rất phát triển tại Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu; hiện nay có đến 33 ngôi Thiền Viện, Thiền Tự, Thiền Thất trực thuộc Thiền Viện Thường Chiếu dành cho các Thiền Sinh thực tập tu hành. Tông phái Thiền Trúc Lâm có mặt khắp 3 miền Bắc Trung Nam.

2/. TỊNH ÐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI :

Người sáng lập là thiền sư Minh Trí, thế danh Nguyễn Văn Bồng, sinh năm 1885 tại ấp Mương Ðiều, xã Tân Mỹ, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Ðéc (Ðồng Tháp ngày nay) .

Năm 33 tuổi vân du tìm thuốc cứu dân độ thế; đến năm 48 tuổi (1933) thành lập Hội Tịnh Ðộ Cư Sĩ, Trụ sở đặt tại Tân Hưng Long Tự, Phú định, Chợ Lớn.

Hội nầy có xuất bản tạp chí “Pháp Âm”, ra khoảng 14 số rồi đình bản . Hiện nay Hội được phép họat động trên diện rộng tòan quốc, mỗi tỉnh đều có Tỉnh hội, có huyện hội, chi hội.

3/. PHẬT GIÁO HÒA HẢO :

Phật giáo Hòa Hảo do Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập, chủ trương tu tại gia, phụng thờ tứ trọng ân, yêu nước.

Ðức Huỳnh Phú Sổ, sinh năm 1919, tại thôn Hòa Hảo (gần Vàm Nao), quận Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc. Con của Cụ Huỳnh Công Bộ và Bà Lê Thị Nhậm. Trong cuộc đời hành đạo của Ðức Huỳnh Phú Sổ có thuyết giảng 6 tác phẩm chủ yếu khuyên người đời tu hành, không tranh danh đoạt lợi, kêu gọi tín đồ phải có lòng yêu nước, yêu dân tộc, bảo vệ tổ quốc và dân tộc.

Người tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh Ðức Thầy của mình lên ngôi Giáo Chủ. Ở các Tỉnh miền Tây Nam Bộ thường gọi là Huỳnh Giáo Chủ, không gọi tên tộc ngoài đời của Người .

Phật Giáo Hòa Hảo tôn thờ ngôi Tam Bảo bằng tấm vải sắc “màu nâu”; biểu hiện cho việc “không chạy theo hình thức thờ phượng, thờ tượng cốt”.

Hiện nay tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có khoảng 2.000.000 người có mặt trên khắp các Tỉnh miền Tây Nam Bộ và một ít ở miền Ðông. Tại tỉnh Ðồng Nai mới vừa được UBND Tỉnh Ðồng Nai cho phép thành lập Ban Trị sự Tỉnh Hội PG Hòa Hảo, đã tổ chức Ðại hội lần thứ nhất, làm lễ ra mắt Ban Trị sự Tỉnh Hội tại một căn nhà tạm mượn của 01 tín đồ ở Thị trấn Ðịnh Quán.

4/. HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT :

Hội Phật Học Nam Việt có trụ sở chính tại chùa Xá Lợi, đường Bà huyện Thanh Quan, Sư Thiện Chiếu. Hội là một hệ phái trong chín hệ phái thành lập Giáo hội Phật giáo Việt nam.

5/. PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG : của Ðức Phật Thầy Tây an, Tổ đình Trung ương chùa Tây An, núi Sam, Châu đốc. Các chùa của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương không thờ Phật mà thờ tấm trần điều. Các tín đồ đều là cư sĩ học Phật tu nhơn. Trong đạo, có ý hướng tôn vinh Ðức Phật Thầy Tây An là hậu thân của Phật Hòang Trần Nhân Tông.

6/. PHẬT GIÁO TỨ ÂN HIẾU NGHĨA: Là một tôn giáo dân tộc yêu nước, phát triển mạnh hiện có khõang trên 2.000.000 tín đồ, được Nhà nước cấp phép họat động, có trụ sở Trung ương, đặt tại chùa lớn Tam Bảo Phi Lai, địa chỉ thị trấn Ba chúc, huyện Tri tôn, tỉnh An giang.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo


Có phản hồi đến “Ngày 77 – Thời Kỳ Chấn Hưng Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com