Mục Lục
Phẩm thứ mười một gọi là Phẩm Thấy Bảo Tháp. Thấy là nhìn thấy, thấy bảo tháp. Một số người dùng mắt để thấy. Kỳ thật, những gì chúng ta thấy, chẳng riêng gì dùng mắt để thấy, mà còn phải dùng tâm để thấy; chẳng những tâm nhìn thấy đặng, mà bổn tánh cũng nhìn thấy đặng. Vì Đa Bảo Như Lai cũng ở trong bổn tánh của chúng sinh. Hiện là hiện bổn tánh Như Lai, thấy là thấy bổn tánh Như Lai, cũng đều là thấy bảo tháp.
Đạo lý tâm thấy và tánh thấy, có người sẽ không tin. Vì một số người chỉ biết dùng mắt mà chẳng biết con mắt vốn chẳng thấy được. Nếu con mắt thấy được, tại sao người chết rồi, con mắt vẫn còn mà sao không thấy ? Do đó, có thể chứng minh chẳng phải con mắt thấy, mà là tánh thấy. Có người nói: ‘’Hiện tại khoa học phát triển, có thể lấy con mắt của người nầy, gắn vào con mắt của người khác, vẫn có thể nhìn thấy mọi vật‘’. Đó chẳng phải là mắt thấy, mà là sự thấy của tánh thấy. Vì mắt có tánh thấy, cho nên thấy được. Nếu chẳng có tánh thấy, thì sẽ không thấy được. Vậy tánh thấy là gì ? Bạn nhìn chẳng thấy được.Trong Kinh Lăng Nghiêm nói:
‘’Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập‘’.
Nghĩa là :
Thấy do lìa thấy, không thể thấy được.
Thấy cũng phải lìa sự thấy nầy, tại sao bạn nhìn chẳng thấy ? Vì sự thấy là chẳng có. Nếu chiếu theo đạo lý nầy mà nói, thì bạn nhìn thấy mọi vật, cũng chẳng tồn tại. Có người nói: ‘’Đạo lý nầy tôi không tin‘’, vì bạn không tin, nên chẳng hiểu đạo lý Kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa là phá tất cả mọi sự chấp trước của bạn, sự thấy mọi vật chất của bạn, là từ phần tướng của tám thức hiện ra, kỳ thật cũng là giả, cái mà nhìn không thấy mới là thật. Cái đó là gì ? Tức là tự tánh của bạn, tròn trịa, sáng suốt, viên dung vô ngại. Nếu buông xả được cái giả, thì biết được cái thật.
Tóm lại, bạn nhìn không thấy, thì đó mới là thật thấy; bạn nhìn thấy được, đó là tướng phần của tám thức, chẳng phải phần thấy. Đạo lý nầy càng nghiên cứu thì càng diệu, hôm nay nói về sự thấy đến đây thì ngừng. Trong Kinh Kim Cang nói:
‘’Phàm tất cả các tướng,
Đều là hư vọng,
Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng,
Tức thấy Như Lai’’.
Bảo là thất bảo (bảy báo): Tức là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, trân châu, mai khôi.
1. Vàng : Tính của vàng là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, đại biểu cho trí huệ kiên cố.
2. Màu của bạc sạch trắng, đại biểu cho hạnh môn thanh tịnh.
3. Lưu ly là thể sáng suốt thấu triệt, biểu thị cho trí huệ sáng suốt.
4. Xa cừ có tướng chuyển động, biểu thị cho tâm ủy khúc, người tu đạo phải có tâm nhẫn và nhường nhịn.
5. Mã não là tạp sắc, bên trong có màu đỏ, màu vàng, màu trắng, vì có nhiều màu, biểu thị cho trí huệ vạn hạnh, do đó có câu ‘’Vạn đức trang nghiêm‘’.
6. Trân châu là tròn sáng, biểu thị cho trí huệ viên dung vô ngại.
7. Mai khôi là ngọc thạch, có tính ôn nhuận, biểu thị cho trí huệ ôn nhuận. Dùng bảy báu nầy để tạo tháp, cho nên gọi là bảo tháp (tháp báu) .
Tháp là phương mộ, nơi cúng dường chân thân của Phật và Tổ Sư, tức cũng là nơi thờ Phật xá lợi. Tháp có hình bốn góc, hình sáu góc, hình tam giác, và hình tròn. Có tháp làm bằng gạch, bằng đá, bằng gỗ. Tháp cao nhất có mười ba từng, thấp nhất là hai từng. Tám từng trở lên là tháp Phật, bảy từng là tháp Bồ Tát, sáu từng là tháp Bích Chi Phật, năm từng là tháp tứ quả A La Hán, bốn từng là tháp tam quả A La Hán, ba từng là tháp nhị quả A La Hán, hai từng là tháp sơ quả A La Hán. Tóm lại, phàm là nơi đáng kỷ niệm, người sau đều xây tháp để biểu thị tôn kính không quên. Giống như Đức Phật :
1. Nơi ra đời, ở ngoài thành Ca Tì La Vệ, lập tháp tại vườn Lâm Tì Ni.
2. Nơi thành đạo, xây tháp tại nước Ma Già Đà, phía nam dòng sông Ni Liên.
3. Nơi chuyển pháp luân, tạo tháp tại vườn nai ngoài thành Ba La Nại nước Ca Thi.
4. Nơi hiện thần thông, xây tháp tại vườn Kỳ Đà phía đông nam thành Xá Vệ.
5. Nơi từ trên trời xuống, xây tháp tại thành Khúc Nữ nước Tang Già Thi.
6. Nơi hóa độ phân biệt tăng, xây tháp tại thành Vương Xá.
7. Nơi suy niệm thọ lượng, xây tháp tại thành Tì Gia Ly.
8. Nơi vào Niết Bàn, xây tháp tại thành Câu Thi Na. Nay đều trở thành thánh địa lễ bái của Phật giáo đồ.
Phẩm là phẩm loại, tụ lại nghĩa lý tương đồng làm một đoạn. Kinh Pháp Hoa có bảy quyển phân làm hai mươi tám phẩm. Mỗi phẩm thành một đề mục, phẩm nầy là Phẩm Thấy Bảo Tháp.
Bảo tháp nầy được tất cả chúng sinh xây dựng, sau khi Đa Bảo Như Lai nhập diệt. Trước khi Đa Bảo Như Lai chưa thành Phật, đã từng phát nguyện: ‘’Ta ở đời vị lai, phàm là có Phật ra đời, khi muốn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì bảo tháp của ta từ dưới đất sẽ vọt lên, hiện ra ở trước, trụ trong hư không, khiến cho đại chúng đều nhìn thấy được, chứng minh nói cảnh giới của Kinh Pháp Hoa là không thể nghĩ bàn‘’. Cho nên, có thể biết bảo tháp hiện ra là có tác dụng chứng tín.
Do đó, khi Đức Phật muốn nói Kinh Pháp Hoa, thì nguyện lực của đức Đa Bảo Như Lai xuất hiện ở trong hư không. Do đó, đủ thấy Kinh Pháp Hoa rất là quan trọng. Trong một đời của đức Phật, trước hết nói Kinh Hoa Nghiêm, cuối cùng nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Song, khi nói Kinh Hoa Nghiêm thì hàng nhị thừa chẳng tiếp thọ được. Phật từ bi đổi nói Kinh A Hàm, kế tiếp nói Kinh Phương Đẳng, rồi nói Kinh Bát Nhã. Hàng đệ tử hồi tiểu hướng đại, cơ duyên thành thục, mới khai quyền hiển thật, nói bộ Kinh Pháp Hoa nầy.
Mùa hè năm 1968, chúng ta thành lập ban giảng tập, trước khi khai giảng Kinh Lăng Nghiêm, năm sau ban giảng tập giảng Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Kim Cang .v.v. Năm nay giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bây giờ giảng đến Phẩm Bảo Tháp. Đại chúng tại Giảng Đường Phật Giáo, cùng nhau nghiên cứu Phật pháp, đây chẳng phải là nhân duyên nhỏ, có thể nói là cơ hội ngàn năm mới gặp, bất quá bạn chưa được túc mạng thông, nên chẳng thấu được nhân duyên nầy. Chưa chứng được thiên nhãn thông, nên nhìn chẳng thấy được cảnh giới nầy. Song, các bạn ở đây được nghe Phẩm Thấy Bảo Tháp, mới là cảnh giới hiện tiền không thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, ở trước đức Phật, có tháp bảy báu cao năm trăm do tuần, bề ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần, từ dưới đất vọt lên, trụ ở trong hư không, đủ thứ các báu vật nghiêm sức rất trang nghiêm. Có năm ngàn lan can, ngàn vạn phòng ốc, vô số tràng phan, dùng để nghiêm sức, chuỗi báu rũ xuống, hàng vạn ức linh báu treo trên tháp, bốn mặt đều tỏa ra hương thơm đa ma la bạt chiên đàn, xông khắp thế giới.
Khi nói xong Phẩm Pháp Sư, thì ở trước đức Phật Thích Ca có tháp bảy báu hiện ra. Tháp bảy báu nầy cao năm trăm do tuần, bề ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần (đại do tuần dài 80 dặm, trung do tuần dài 60 dặm, tiểu do tuần dài 40 dặm). Tháp bảy báu nầy từ dưới đất vọt lên từ từ thăng đi lên, cuối cùng ngừng lại ở trong hư không. Trên tháp báu có các thứ báu vật nghiêm sức, bốn mặt tháp báu có năm nghìn lan can, ngàn vạn phòng ốc và vô số tràng phang trang nghiêm. Lại treo chuỗi báu rũ xuống, và linh báu tòng ten có đến hàng vạn ức. Bốn mặt tháp báu tỏa ra hương thơm đa ma la bạt (tính vô cấu) chiên đàn. Thứ hương thơm nầy xông khắp đại thiên thế giới.
Năm trăm do tuần, biểu thị chúng sinh thọ khổ ở trong năm đường luân hồi. Hiện tại làm cho năm đường luân hồi dừng lại, khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui. Hai trăm năm mươi do tuần, biểu thị cho hai trăm năm mươi giới điều. Người tu hành phải chiếu theo giới luật mà tu hành, mới thành tựu đạo nghiệp. Đi đứng nằm ngồi bốn oai nghi, mỗi oai nghi có hai trăm năm mươi giới điều, hợp lại là một nghìn. Lại thêm quá khứ một nghìn, hiện tại một nghìn, vị lai một nghìn, hợp lại thành ba nghìn. Do đó, có câu: ‘’Ba nghìn oai nghi, tám vạn tế hạnh‘’.
Dùng các thứ báu vật nghiêm sức, là biểu thị đủ thứ hạnh môn, trang nghiêm đạo nghiệp. Năm nghìn lan can, nghìn vạn phòng khám, biểu thị một thứ công đức của vạn điều lành. Vô số tràng phan, biểu thị định huệ. Tràng biểu thị cho định, phan biểu thị cho huệ. Định tức là tĩnh, huệ tức là động. Định huệ đồng đều thì trí huệ hiện tiền, đây là một thứ biểu pháp mà thôi.
Chuỗi là dùng bảy báu tạo thành đồ trang sức, treo ở trước ngực, biểu thị trang nghiêm. Giảng đến chuỗi, tôi bèn nhớ đến một câu chuyện : Lúc Phật còn tại thế, vua thành Vương Xá là Tần Bà Sa La, là đệ tử của Phật, cũng là đại hộ Pháp. Con trai của ông ta là vua A Xà Thế, nghe lời Đề Bà Đạt Đa xúi giục, nhốt vua cha vào ngục tù bảy lớp cửa, cấm không cho ai vào thăm, chỉ có mẹ của ông ta được vào. Tại sao xảy ra sự việc nầy ? Vì Đề Ba Đạt Đa muốn làm Phật mới, tuyên truyền bên ngoài rằng Phật Thích Ca là Phật cũ. Đề Bà Đạt Đa muốn khởi cách mạng trong Phật giáo, nếu chẳng có ai trợ giúp, thì sẽ không thành công. Cho nên liên hợp với vua A Xà Thế, xúi vua A Xà Thế giết vua cha đoạt ngôi, khẩu hiệu là ‘’Vua mới Phật mới, cùng trị thiên hạ‘’. Ý niệm xấu nầy, khiến cho vua A Xà Thế động tâm, muốn làm vua mới, thì phải phế trừ vua già. Do đó, bèn ra tay đoạt quyền lợi của vua cha, tự lên làm vua mới. Hai con lang bái làm bậy, đi khắp nơi tìm Phật nhiễu hại.
Mẹ của vua A Xà Thế là bà Vi Đề Hi, mỗi lần gặp vua già, thì lợi dụng xâu chuỗi (trống không ở giữa) đổ đầy nước nho, để cho vua già uống giữ gìn tánh mạng. Hai người ở trong ngục than thở nói : ‘’Vì sao lại sinh ra đứa con ngỗ nghịch nầy, chắc là nghiệp báo kiếp trước ? Đức Phật có thần thông, hãy đến cứu chúng con‘’! Bèn hướng về núi Linh Sơn cầu : ‘’Đức Thế Tôn ! Xin ngài phát lòng đại từ bi, cứu chúng con khỏi biển khổ‘’! Lúc đó, tôn giả Mục Kiền Liên và tôn giả A Nan từ hư không đến. Thân của Đức Phật phóng ra quang minh màu vàng tía, ngồi trên trăm hoa sen báu vì họ nói Kinh Thập Lục Quán .
Linh báu dùng để làm cho chim sợ, cho nên nơi góc chùa tháp đều treo các linh báu. Gió thổi vang ra tiếng linh, có thể làm cho chim bay khỏi chỗ nầy. Nếu có người phát tâm cúng dường linh báu treo ở góc tháp, thì âm thanh đời sau chắc chắn to hay, là có sự cảm ứng thù diệu nầy.
Các phan lọng đều làm bằng vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, mai khôi, bảy báu, cao đến cung trời Tứ Thiên Vương. Trời Đao Lợi mưa xuống hoa trời mạn đà la, để cúng dường bảo tháp.
Hết thảy tất cả phan báu và lọng báu, đều dùng : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, mai khôi, bảy báu, hợp thành, cao đến cung trời Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là từng trời thứ nhất của sáu cõi trời dục giới, nằm ở giữa núi Tu Di. Bốn hướng mỗi hướng đều có một Thiên Vương trấn thủ. Phương đông là Trì Quốc Thiên Vương, phương nam là Tăng Trưởng Thiên Vương, phương tây là Quảng Mục Thiên Vương, phương bắc là Đa Văn Thiên Vương. Mỗi vị Thiên Vương có tám vị đại tướng, trấn thủ bốn phía Trời Đao Lợi, chống giữ binh A Tu La xâm lược. Bồ Tát Vi Đà là một trong ba mươi hai vị đại tướng.
Trời Đao Lợi (Trời Tam Thập Tam) mưa hoa mạn đà la (màu trắng) cúng dường tháp báu. Trời Đao Lợi ở trên đỉnh núi Tu Di, vì bốn phương mỗi phương có tám trời, thêm một trời ở giữa, cộng thành Trời Ba Mươi Ba (Trời Tam Thập Tam). Đây là địa cư thiên, tại mỗi trời có một vị Thiên chủ quản lý, chúa trời ở giữa là trời Đế Thích. Ở trong đạo giáo gọi ông ta là Ngọc Hoàng đại đế, ngoại đạo gọi ông ta là Thiên Chúa, trong Phật giáo gọi ông ta là Thích Đề Hoàn Nhân.
Hôm nay (25/9/1970) nói về lai lịch của Thiên Chúa trời Tam Thập Tam cho mọi người nghe, khiến cho mọi người minh bạch chân tướng của Thiên Chúa.
Ngoại đạo cho rằng Thiên Chúa là chủ tể tối cao vô thượng, thật tế Chúa trên trời là hộ pháp của Phật giáo. Ở trong Phật đường, Thiên Chúa chẳng có tư cách ngồi, chỉ có thể đứng, thậm chí phải đứng ở ngoài cửa. Vì sao ? Vì ông ta là hộ pháp.
Trong vô lượng kiếp về trước, có ba mươi ba người nữ, cùng nhau phát tâm tu sửa lại ngôi chùa và tượng Phật. Trong đó có một vị lãnh tụ, lãnh đạo ba mươi hai người nữ kia làm việc thiện. Vị lãnh tụ nầy, vốn là người nữ rất nghèo, song có tâm từ thiện. Một ngày nọ, đi ngang qua ngôi chùa cổ, thấy tượng Phật bị gió thổi mưa rơi, vàng dán tượng Phật đã tróc ra, lại thấy nóc điện Phật đã lâu năm chẳng tu sửa lại, ngói bễ rơi rớt. Cô ta mới phát tâm trùng tu, song cô ta rất nghèo, do đó có câu : ‘’Tâm thì dư mà sức không đủ‘’, bèn đi các nơi hóa duyên. Trời cao không phụ lòng người, tâm kiền thành của cô ta cảm động ba mươi hai người nữ, phát tâm tùy hỷ công đức, thành tựu tâm nguyện của cô ta. Mọi người cùng nhau làm, có tiền góp tiền, có sức góp sức. Do đó, có câu : ‘’Người có chí, việc tất thành‘’, chẳng lâu, điện Phật hư dột, vàng dán tượng Phật tróc ra đều làm mới lại hết. Công đức viên mãn rồi, đời người vô thường, ba mươi ba người nữ lần lược qua đời, được sinh lên Trời Đao Lợi, làm Thiên Chúa Trời Tam Thập Tam. Vì công đức sửa chùa mà được quả báu đó.
Tôi nhớ lại, khi làm Chùa Tam Duyên tại Hợp Nhĩ Tân, thì tôi đến hoá duyên ở nhà thí chủ nọ. Khi vào cửa tôi bèn nói : ‘’Hôm nay tôi đến nhà các vị, các vị nên sinh tâm hoan hỉ, tôi là người mang phước đức đến, các vị nên tạo cơ hội trồng phước đức. Hiện nay Chùa Tam Duyên đang xây đại hùng bảo điện, nếu bố thí vàng bạc, thì công đức không thể nghĩ bàn, các vị đừng bỏ qua cơ hội gieo trồng phước đức‘’. Tôi chẳng phải là người hay nói, song tôi nói như thế, thì những người đó đều phát tâm lạc quyên. Có người nói : ‘’Tôi để dành tiền được mười năm, đều đem ra hết để làm chùa‘’.
Tụ cát thành tháp, tôi vận động được rất nhiều tiền, đây là sự hóa duyên của tôi đã trải qua.
Ngoài ra các trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, cả thảy ngàn vạn ức chúng, đều đem tất cả hoa, hương, anh lạc, phan lọng, âm nhạc, cúng dường bảo tháp, cung kính tôn trọng khen ngợi.
Ngoài ra tất cả trời rồng tám bộ chúng và người chẳng phải người .v.v., có rất nhiều hàng ngàn ức chúng. Họ đều dùng tất cả hoa quý, hương quý, chuỗi, phan báu, lọng báu, và các thứ âm nhạc để cúng dường Bảo Tháp, còn cung kính, tôn trọng, khen ngợi Bảo tháp.
Bây giờ giải thích về tám bộ chúng. Trời và rồng thuộc về tâm thiện, ngoài ra sáu bộ chúng kia thuộc về tâm ác. Song, vì được Phật cảm hóa, nên đều biến thành thiện thần hộ pháp. Phàm là nơi nào có giảng kinh thuyết pháp, họ đều đến hộ trì đạo tràng.
1. Trời : Tức Tứ Thiên Vương trời dục giới, họ chẳng những trấn giữ thiên cung, mà còn bảo vệ nhân gian. Bồ Tát Vi Đà là một vị đại tướng trong ba mươi hai đại tướng. Ngài được Phật ký thác hộ trì an toàn cho người tu đạo, khiến cho ma không thể nhiễu loạn thân tâm người tu đạo.
2. Rồng : Rồng có thần thông, biến hóa khó dò. Khi thuở xưa tu đạo, thì do ‘’Thừa cấp giới hoãn’’ nên đọa làm súc sinh, song có thần thông. Tóm lại, rồng tu pháp đại thừa, dũng mãnh tinh tấn, cho nên có thần thông. Song chẳng giữ giới luật, do đó bị đọa làm thân rồng.
3. Dạ Xoa : Dịch là "Tiệp tật quỷ". Có ba loại dạ xoa.
A. Địa hành Dạ xoa.
B. Không hành Dạ xoa.
C. Phi hành Dạ xoa.
Có loài Dạ xoa hút khí của người, uống máu người, hoặc ăn tinh người, tác quái khắp nơi, khiến cho người chẳng bình an.
4. Càn Thát Bà : Dịch là "Hương thần", dùng hương làm thức ăn, thân tỏa mùi thơm, là thần nhạc của thượng đế. Khi Thượng đế muốn nghe âm nhạc, đốt hương trầm thủy chiên đàn lên, thì chúng ngửi hương mà đến Thiện Pháp Đường của Thượng đế, để diễn tấu âm nhạc, khiến cho Thượng đế hoan hỉ.
5. A tu La : Dịch là "Vô đoan chánh". Ngũ quan của nam A tu la chẳng đoan chánh, song tướng mạo của nữ A tu la rất đẹp (Thượng đế cưới con gái của vua A tu la làm vợ). Lại dịch là "Vô tửu". A tu la ở trên trời có phước trời, mà chẳng có quyền lực trời, vì chẳng có rượu để uống, thường phát sinh chiến tranh, muốn đoạt địa vị Thiên Chúa.
6. Ca Lâu La : Dịch là "Kim sí điểu", cánh của nó triển khai ra dài ba trăm sáu mươi do tuần, có thể quạt nước biển rẽ làm hai, bắt rồng nuốt vào bụng, một ngày ăn rất nhiều rồng. Vua rồng thấy loài rồng gần như tuyệt giống, tâm nghĩ chỉ có Phật mới có biện pháp cứu rồng con rồng cháu. Do đó, bèn đến chỗ Đức Phật nhờ Phật trợ giúp. Phật ban cho một tấm y cà sa, bảo cứ lấy một sợi chỉ của tấm y nầy cột lên mỗi con rồng, thì tính mạng của rồng sẽ được an toàn, không còn bị kim sí điểu uy hiếp nữa.
Kim sí điểu ăn rồng chẳng được nữa, đói quá cũng đến chỗ Đức Phật nói : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng tôi lấy rồng làm thức ăn, chẳng có rồng để ăn, chắt phải chết đói, bây giờ Ngài tính sao đây‘’? Phật nói : ‘’Các ngươi sẽ không chết đói, ta sai đệ tử của ta, khi ăn cơm thì bố thí cho các ngươi một phần cơm‘’.
Từ đó về sau, chư Tăng trước khi dùng cơm, đều lấy bảy hạt cơm cúng cho Đại bàng kim sí điểu.
7. Khẩn Na La : Dịch là "Nghi Thần". Vì tựa như người, song có một cái sừng, khiến cho người thấy sinh nghi. Khéo về âm nhạc, cũng là Thần nhạc của Ngọc Đế, chuyên tấu trang nghiêm pháp nhạc, khi Ngọc Đế cử hành yến tiệc, hoặc pháp hội, thì dưới nách của chúng ra mồ hôi, bay thẳng lên trên trời biểu diễn ca khúc trang nghiêm và nhảy múa, khiến cho người thưởng thức sinh tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.
8. Ma Hầu La Già : Dịch là "Đại phục hành", tức là đại mãng xà. Chúng có tâm sân hận, thường phun khí độc hại người. Nếu có tâm sân hận, sau khi chết sẽ đọa làm mãng xà. Vợ của Vua Lương Võ Đế, lúc sinh tiền đố kị với các mỹ nữ, vào lúc ba mươi hai tuổi thì chết, đọa làm đại mãn xà. Vua Lương Võ Đế mới thỉnh Thiền Sư Bảo Chí, soạn một bộ Lương Hoàng Bảo Sám, để siêu độ bà vợ khỏi thân mãn sà được thăng lên trời.
Bấy giờ, trong bảo tháp vang ra âm thanh lớn khen rằng : Lành thay, lành thay ! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, hay dùng pháp đại trí huệ bình đẳng, để giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà vì đại chúng nói. Như thế, như thế ! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, như lời của Ngài nói, đều là chân thật.
Sau khi trời rồng tám bộ chúng cúng dường rồi. Lúc đó, bảo tháp ở trong hư không phát ra âm thanh lớn, khen ngợi nói : ‘’Tốt lắm, tốt lắm ! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, hay dùng pháp đại trí huệ bình đẳng, để giáo hoá Bồ Tát. Mười phương chư Phật đều đến hộ niệm Ngài, dùng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, vì đại chúng giảng nói. Tức là như thế ! Như thế ! Pháp của Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn nói, đều là diệu pháp chân thật không hư‘’. Khi Phật nói bộ kinh nầy, thì Đa Bảo Như Lai đến trước làm chứng, khiến cho đại chúng tin mà chẳng sinh tâm hoài nghi.
Thích Ca dịch là "Năng nhân", Mâu Ni dịch là "Tịch mặc". Thế Tôn là bậc tôn kính của thế và xuất thế. Năng nhân là từ bi độ chúng sinh. Tịch mặc là thanh tịnh tu thành đức. Năng nhân là động, tịch mặc là tĩnh. Trong động có tĩnh, trong tĩnh có động; động chẳng ngại tĩnh, tĩnh chẳng ngại động, gọi là pháp môn không hai.
Phật Thích Ca Mâu Ni tuy nhiên ở trong tĩnh, song vẫn giáo hóa chúng sinh. Tuy nhiên phổ hóa chúng sinh, song vẫn ở trong định, cảnh giới nầy diệu không thể tả. Bây giờ đưa ra ví dụ dễ hiểu để thuyết minh, tức là khi ngủ và khi tỉnh đều như nhau, khi tỉnh và khi ngủ cũng giống nhau. Tức là đạo lý nầy, các bạn hiểu rõ chứ !
Nếu các bạn cảm thấy tỉnh tức là ngủ, vậy tức là không ngủ, cũng không quan trọng. Vì bạn ngủ không cảm thấy là tỉnh, cho nên phải ngủ. Ví dụ về sự tỉnh tức là giác, ngủ tức là mê. Khi ngủ tuyệt đối sẽ không biết sự việc làm lúc tỉnh, cũng chẳng biết sự việc làm hôm qua, hôm nay và ngày mai. Có người nói : ‘’Cảnh giới mà tôi thấy ở trong mộng, ngày thứ hai quả nhiên sự thật‘’. Đây là linh cảm, chứ chẳng phải thật biết, cũng có thể là Phật Bồ Tát giúp bạn, báo cho bạn biết trước sự việc.
Việc hôm qua làm, việc ngày mai làm, ở trong mộng đều không biết, huống chi biết được sự việc đời trước và đời sau ? Mọi người đừng vì không thấy, mà phủ nhận nhân quả tồn tại ba đời.
Bấy giờ, bốn chúng đều thấy bảo tháp lớn trụ ở trong hư không, lại nghe trong tháp vang ra âm thanh, thảy đều được pháp hỉ, lạ chưa từng có, từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính chắp tay, rồi đứng về một bên.
Lúc đó, bốn chúng đệ tử đều nhìn thấy bảo tháp lớn trụ ở trong hư không. Giảng đến đây có người sinh tâm hoài nghi : ‘’Bảo tháp chẳng có đụng đất, làm sao có thể trụ ở trong hư không được‘’? Vấn đề nầy rất dễ giải đáp, bây giờ có chứng minh rất tốt. Mọi người đều biết có trạm thái không (MIR), trụ ở trong không gian để nối liền vệ tinh và nghỉ ngơi, sau đó lại bay đến thế giới thứ hai.
Các bạn thử nghĩ, sức người còn có thể làm được cảnh giới vi diệu như thế, huống gì Phật pháp vi diệu hơn không thể nghĩ bàn. Bảo tháp nầy dừng ở trong hư không, giống như trạm thái không, chẳng có gì kỳ lạ. Khoa học càng phát đạt, thì chứng minh chân lý Phật pháp càng chánh quyết, do đó có câu :
‘’Sự thật thắng hùng biện‘’.
Bảo tháp trụ ở trong hư không, đây là biểu pháp, biểu thị vô sở trụ. Tuy bảo tháp trụ ở trong hư không, song làm sao trụ ? Đây là khiến cho người đừng chấp trước. Nếu có sự chấp ngã (cái ta), và chấp pháp, thì trở thành đá buộc chân mà tu đạo.
Bốn chúng đệ tử lại nghe âm thanh phát ra từ trong bảo tháp lớn, đều đắc được pháp hỷ sung mãn, quên hẳn phiền não, cảm thấy rất kỳ lạ. Chưa từng thấy qua cảnh giới bảo tháp trụ ở trong hư không. Do đó, bốn chúng đệ tử đều từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính chắp tay lại, lui về một bên, để chờ giải thích vấn đề nầy.
Bốn chúng đệ tử là: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ.
A. Tỳ kheo : Dịch là "Khất sĩ, bố ma, phá ác", ba ý nghĩa.
1. Khất sĩ : Tức là trên thì xin pháp của chư Phật, để nuôi dưỡng pháp thân, dưới thì xin cơm của đàn na tín thí, để nuôi dưỡng huệ mạng. Người xin của thế gian chỉ xin cơm áo, chẳng xin pháp, chẳng phải là khất sĩ. Khất thực có gì tốt ? Khất thực là cho chúng sinh có cơ hội trồng phước. Chúng sinh cúng dường Tam Bảo, mới đắc được phước đức. Nếu chẳng cúng dường Tam Bảo, thì phước đức sẽ cạn mỏng đi. Một số người chẳng hiểu trồng phước đức, cho nên Tỳ Kheo đi khất thực, khiến cho họ trồng phước đức, sinh tâm bố thí cúng dường, đây là đối với thí chủ mà nói. Đối với bổn thân Tỳ Kheo mà nói, thì có thể diệt trừ tâm tham của mình. Mỗi ngày xin được gì thì ăn cái đó, tuyệt đối chẳng có tâm phân biệt. Khất thực phải thứ lớp mà khất, không thể bỏ nghèo tìm giàu, càng không thể bỏ hèn tìm sang, đều xem như nhau, bình đẳng để cho chúng sinh đến gieo phước điền. Phật giáo chủ trương bình đẳng, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, đây là tinh thần bình đẳng.
2. Bố ma : Có người xuất gia tu đạo, thì thiên ma chẳng vui. Tại sao ? Vì chúng bớt đi một quyến thuộc. Khi vị Tỳ Kheo thọ giới cụ túc, thì có tam sư thất chứng. Tam sư tức là Đắc Giới Hòa Thượng, Yết Ma Hòa Thượng, Giáo Thọ Hòa Thượng. Thất chứng là bảy vị luật sư đến làm chứng minh. Mười vị đại biểu cho mười phương chư Phật, truyền thọ giới pháp của Phật.
- Lúc đó, Yết Ma Hòa Thượng hỏi giới tử: ‘’Ông đã phát bồ đề tâm chưa’’?
- Giới tử đáp: ‘’Đã phát bồ đề tâm‘’.
- Lại hỏi: ‘’Có phải là đại trượng phu không‘’?
- Đáp: ‘’Là đại trượng phu‘’.
Sau khi vấn đáp, thì Địa hành dạ xoa truyền báo cho Không hành dạ xoa, Không hành dạ xoa đem tin nầy về báo cáo cho Ma Vương nói : ‘’Hiện tại ở nhân gian lại có một chúng sinh xuất gia làm Tỳ Kheo‘’. Nói lời nầy xong, thì cung điện của ma vương chấn động, ma vương sinh tâm sợ hãi.
3. Phá ác : Tức là phá trừ tất cả phiền não. Phá được phiền não thì bồ đề mới hiện.
Vì Tỳ kheo có ba nghĩa cho nên không dịch. Thời xưa dịch kinh có năm quy định không phiên dịch :
1. Bí mật không dịch, như Chú ngữ.
2. Tôn trọng không dịch, như Bát nhã, bồ đề.
3. Thuận cổ không dịch, như A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
4. Đa hàm không dịch, như Tỳ kheo.
5. Thử phương vô bất dịch, như quả Án Ma La.
B. Tỳ kheo ni : Tức là người nữ xuất gia tu đạo, người đã thọ giới cụ túc làm Tỳ kheo ni, chưa thọ giới cụ túc là Sa di ni. Tỳ kheo ni thọ ba trăm bốn mươi tám giới điều. Sa di ni thọ mười giới điều. Dì của Đức Phật là Ba Xà Bà Đề phu nhân, là vị Tỳ kheo ni đầu tiên. Vợ của Đức Phật là Gia Du Đà La phu nhân, cũng theo Ba Xà Bà Đề phu nhân, cùng xuất gia làm Tỳ kheo ni.
C. Cư sĩ nam : Tức là người nam gần gũi Tam Bảo. Phàm là người tại gia tu đạo thọ Tam quy ngũ giới, gọi là cư sĩ.
D. Cư sĩ nữ : Tức là người nữ gần gũi Tam bảo, hộ trì tam bảo, cúng dường Tam Bảo, đây là trách nhiệm của cư sĩ tại gia. Bốn thứ cần dùng của người xuất gia là : Thức ăn uống, y phục, giường mền chiếu gối, thuốc thang, đều do cư sĩ cúng dường, đây là cơ sở gieo trồng phước đức.
Bấy giờ, có đại Bồ Tát tên là Đại Nhạo Thuyết, biết được chỗ nghi ngờ ở trong tâm của tất cả thế gian, trời, người, A tu la, bèn bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì, mà có bảo tháp này từ dưới đất vọt lên, và ở trong đó lại phát ra âm thanh ?
Lúc đó, có vị đại Bồ Tát, hiệu là Đại Nhạo Thuyết. Ngài có trí huệ tha tâm thông, biết được chỗ nghi vấn ở trong tâm của chư Thiên, loài người, và A tu la .v.v., mới đại biểu bốn chúng đệ tử thỉnh pháp với Đức Phật, bèn nói rằng: ‘’Đức Thế Tôn ! Đây là nhân duyên gì, mà có bảo tháp từ dưới đất vọt lên, hiện ở trong hư không ? Lại từ ở trong bảo tháp phát ra âm thanh lớn, đây là đạo lý gì ? Nguyện cầu đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con mà khai thị nhân duyên nầy‘’.
Bồ Tát là gì ? Nói đủ là Bồ đề tát đỏa. Bồ đề dịch là "giác", Tát đỏa dịch là "hữu tình", tức là "giác hữu tình", giác ngộ tất cả hữu tình. Lại có thể nói là hữu tình giác, trong hữu tình có kẻ giác ngộ. Tóm lại, Ngài là bậc khai ngộ ở trong chúng sinh. Chẳng những là bậc giác ngộ, mà còn hay thực hành Bồ Tát đạo, chỉ cần có ích lợi đối với chúng sinh, thì Ngài đều đi làm, chẳng màng là mình như thế nào, chỉ một lòng một dạ độ thoát chúng sinh.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói :
‘’Chẳng vì mình cầu an lạc,
Chỉ nguyện chúng sinh được lìa khổ‘’.
Đây là tinh thần thật là vĩ đại. Đức Phật Thích Ca ở trong quá khứ hành Bồ Tát đạo, từng xả bỏ thân mạng một nghìn lần, đại thiên thế giới chẳng có chỗ nào, mà chẳng phải là nơi xả bỏ thân mạng của Phật trong quá khứ.
Hành Bồ Tát đạo chẳng phải là việc dễ dàng, xem ra rất là giản đơn, song thực hành rất là khó. Giống như Ngài Xá Lợi Phất, nghe Phật khen ngợi Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, bèn phát tâm hành Bồ Tát đạo. Một ngày nọ, tôn giả Xá Lợi Phất ra bên ngoài, trên đường đi trong tâm nghĩ : ‘’Bất cứ gặp việc khó thực hành đến đâu, nhất định phải làm cho thành công, không thể giữa đường phế bỏ, mình phải học tinh thần xả thân của Phật‘’.
Vọng tưởng đó vừa sinh ra, thì có cảnh giới đến khảo nghiệm. Tôn giả đang đi bên lề đường, gặp một người nam khóc lóc, thấy rất thương tâm nghĩ rằng:
- ‘’Người nầy chắc chắn có vấn đề khó khăn, không giải quyết được, mình hành Bồ Tát đạo nên giúp đỡ mới đúng‘’.
- Bèn hỏi : ‘’Anh bạn ! Tại sao anh khóc‘’ ?
- Anh ta đáp : ‘’Chuyện của tôi khó khăn lắm, chẳng có ai có thể giúp đỡ giải quyết được đâu.’’
- Tôn giả lại nói : ‘’Tôi có thể giúp đỡ anh, xin anh hãy nói vấn đề của anh‘’.
- Anh ta nói : ‘’Tôi tin rằng Ngài giúp đỡ không được đâu, nói ra cũng vô ích‘’.
- Tôn giả lại nói : ‘’Bất cứ việc khó đến đâu, tôi cũng sẽ giúp đỡ anh hết mình, tuyệt đối chẳng nói đùa‘’.
- Anh ta chuyển khóc thành cười nói : ‘’Thật chăng ? Vì mẹ của tôi bệnh nặng, bác sĩ bảo cần con mắt của người sống, bằng không chẳng có cách gì chữa lành. Tôi đi các nơi mua con mắt của người sống, song mua chẳng được, mà tôi xả bỏ chẳng được con mắt của mình. Do đó, bệnh của mẹ tôi không lành được, cho nên tôi rất bi thương‘’.
Tôn giả Xá Lợi Phất nghe nói, bèn nói với anh ta : ‘’Việc nầy quá giản đơn, chẳng có gì khó, tôi tặng con mắt của tôi, để anh đem về trị bệnh cho mẹ anh‘’. Do đó, bèn dùng sức móc con mắt phải ra đưa cho anh ta, anh ta cầm lấy xem, chẳng khách sáo gì nói : ‘’Tôi cần con mắt trái, đây là con mắt phải, chẳng dùng được’’. Nói xong, lại ngửi con mắt rồi nói : ‘’Con mắt nầy hôi quá, mùi rất khó chịu‘’. Bèn vứt con mắt xuống đất, lấy chân chà đạp lên. Lúc đó, tôn giả Xá Lợi Phất tâm ý thất vọng nghĩ : ‘’Bồ Tát đạo thật khó thực hành. Thôi, ta chẳng hành Bồ Tát đạo nữa, vẫn tu pháp tiểu thừa, làm tự liễu hán thôi‘’.
Tôn giả Xá Lợi Phất khởi vọng tưởng nầy xong, thì người hóa duyên kia lập tức đằng thân lên hư không, hiện ra thân người trời, vốn đến để khảo nghiệm tôn giả Xá Lợi Phất, thực hành Bồ Tát đạo là giả hay là thật ? Tôn giả Xá Lợi Phất chẳng chịu đựng được sự khảo nghiệm, sinh tâm thối chuyển, con mắt bên phải của Ngài Xá Lợi Phất lại sinh ra, khôi phục lại như cũ, khiến cho tôn giả lấy làm kỳ diệu, rõ ràng là con mắt đã móc ra, sao lại ở trong con mắt của mình. Do đó, có thể biết người hành Bồ Tát đạo, tuyệt đối không thể thối chuyển .
Tôn giả xá Lợi Phất là người trí huệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn, song hành Bồ Tát đạo chẳng xong. Do đó, có thể thấy Bồ Tát đạo rất khó thực hành.
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : Trong bảo tháp này, có toàn thân của Như Lai, thuở quá khứ về phương đông, qua vô lượng ngàn vạn ức A tăng kỳ thế giới, có cõi nước tên là Bảo Tịnh. Trong cõi nước đó, có đức Phật hiệu là Đa Bảo. Đức Phật đó, khi hành Bồ Tát đạo, có phát thệ nguyện lớn rằng : Nếu ta thành Phật, sau khi diệt độ, trong cõi nước mười phương, nơi nào có nói Kinh Pháp Hoa, thì tháp miếu của ta vì nghe kinh này, mà vọt lên hiện ra ở trước, để làm chứng minh, khen ngợi nói : Lành thay !
Lúc đó, đức Phật Thích Ca bảo Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : ‘’Đại Nhạo thuyết ! Trong bảo tháp nầy, có toàn thân xá lợi của Như Lai. Vị Như Lai nầy, ở trong đời quá khứ, cách đây về phương đông trải qua vô lượng ngàn vạn ức A Tăng kỳ thế giới, có thế giới dùng bảy báu tạo thành, thanh tịnh chẳng dơ bẩn, cho nên gọi là thế giới Bảo Tịnh. Trong thế giới đó có một vị Phật, hiệu là Đa Bảo Như Lai. Khi vị Phật đó tại nhân địa hành Bồ Tát đạo, thì đã từng phát thệ nguyện lớn : ‘’Nếu tôi thành Phật, sau khi diệt độ, ở trong cõi nước chư Phật mười phương, chỉ cần nơi nào có Phật diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, vì nghe bộ kinh nầy, mà tháp miếu của ta từ dưới đất vọt lên, hiện ở trước đạo tràng của chư Phật mười phương, làm chứng minh vị Phật đó nói Kinh Pháp Hoa‘’, lại khen ngợi nói : ‘’Lành thay‘’.
Đức Phật đó thành đạo rồi, khi diệt độ, ở trong đại chúng trời người, bảo các Tỳ Kheo rằng : Sau khi ta diệt độ, ai muốn cúng dường toàn thân của ta, thì nên xây một ngôi tháp lớn. Phật sẽ dùng thần thông nguyện lực, khắp nơi trong mười phương thế giới, nếu chỗ nào có nói Kinh Pháp Hoa, thì bảo tháp đó đều vọt lên ở trước. Toàn thân ở trong bảo tháp khen ngợi nói : Lành thay, lành thay !
Đức Phật Thích Ca lại bảo Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : ‘’Đức Đa Bảo Như Lai đó, sau khi thành Phật, khi muốn vào Niết Bàn, thì ở trong chúng trời người, nói với tất cả hàng Tỳ Kheo rằng : ‘’Sau khi ta diệt độ, nếu có đệ tử cúng dường toàn thân của ta, thì nên xây dựng một ngôi tháp lớn. Đức Đa Bảo Như Lai dùng thần thông và nguyện lực không thể nghĩ bàn của Ngài, khắp trong mười phương thế giới, nếu nơi nào có Phật ra đời nói Kinh Pháp Hoa, thì bảo tháp của Đức Đa Bảo Như Lai, sẽ từ dưới đất vọt lên, hiện ra ở trước vị Phật đó. Đức Đa Bảo Như Lai tuy đã diệt độ rất lâu, song toàn thân của Ngài vẫn còn ở trong bảo tháp, thọ trời người cúng dường. Lại ở trong tháp phát ra âm thanh lớn, khen ngợi vị Phật đang nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa rằng : ‘’Tốt lắm, Tốt lắm‘’ !
Đại Nhạo Thuyết ! Nay tháp của đức Đa Bảo Như Lai, vì nghe nói Kinh Pháp Hoa, nên từ dưới đất vọt lên, khen ngợi nói : Lành thay, lành thay !
Đức Phật Thích Ca lại nói : ‘’Đại Nhạo Thuyết ! Hiện tại tháp của đức Đa Bảo Như Lai, vì nghe Kinh Pháp Hoa, nên từ dưới đất vọt lên, phát ra âm thanh lớn để khen ngợi : ‘’Hay thay, hay thay‘’ !
Bấy giờ, Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết nhờ thần lực của Như Lai, nên bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Chúng con xin muốn được thấy thân của đức Phật đó.
Lúc đó, Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết đại biểu cho đại chúng thỉnh pháp với Đức Phật. Vì nhờ thần lực của Như Lai gia trì, cho nên mới có trí huệ như thế để thưa hỏi. Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết nghe trong bảo tháp khen ngợi đức Phật Thích Ca, chỉ nghe tiếng chứ chưa thấy người, bèn sinh tâm háo kỳ, nói với Phật : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con đại chúng, đều mong muốn được chiêm ngưỡng ba mươi hai tướng tốt, và tám mươi vẻ đẹp của đức Đa Bảo Như Lai, cứu kính trang nghiêm như thế nào‘’ ?
Đức Phật bảo đại Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : Đức Phật Đa Bảo đó, có nguyện sâu nặng rằng : Nếu bảo tháp của ta, vì nghe Kinh Pháp Hoa, mà hiện ra ở trước các đức Phật. Nếu có bốn chúng muốn thấy thân của ta, thì đức Phật đó, phân thân các đức Phật thuyết pháp trong mười phương thế giới, phải tụ hết lại một chỗ, sau đó thân của ta mới xuất hiện vậy.
Đức Phật Thích Ca bảo đại Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : ‘’Vị Đa Bảo Như Lai đó, thuở xưa trước khi chưa thành Phật, có phát một lời nguyện sâu nặng rằng : ‘’Nếu như bảo tháp của ta vì nghe Kinh Pháp Hoa, xuất hiện ở trước các đức Phật. Nếu bốn chúng muốn thấy thân của ta, thì vị Phật nói Kinh Pháp Hoa đó, phải tụ hết lại một chỗ, tất cả phân thân của Phật thuyết pháp trong mười phương (đây là cảnh giới một gốc tán làm vạn thù, vạn thụ lại trở về một gốc). Khi nào phân thân các vị Phật của vị Phật đó, tụ hết lại một chỗ, thì sau đó toàn thân của ta mới hiện ra trước bốn chúng‘’.
Đại Nhạo Thuyết ! Phân thân các đức Phật của ta, đang thuyết pháp trong mười phương thế giới, nay sẽ tụ lại hết.
Đức Phật Thích Ca lại nói : ‘’Đại Nhạo Thuyết ! Phân thân các đức Phật của ta đang thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh trong mười phương thế giới, hiện nay sẽ tụ tập lại, để cùng chiêm ngưỡng thân của đức Đa Bảo Như Lai. Như thế thì Đa Bảo Như Lai mới hiện toàn thân‘’.
Đại Nhạo Thuyết bạch đức Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con cũng muốn thấy, phân thân các đức Phật của đức Thế Tôn, để lễ lạy cúng dường.
Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết bạch với đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con chẳng những muốn thấy toàn thân của đức Đa Bảo Như Lai, mà còn muốn thấy phân thân các đức Phật của đức Thế Tôn, để thừa cơ hội nầy lễ lạy các đức Phật, cúng dường các Đức Phật‘’.
Có người nói : ‘’Lạy Phật là mê tín, tượng Phật làm bằng gỗ, đất, đá, hoặc dùng vàng, bạc, đồng, thiết, để tạo, lạy Ngài có ích gì ? Đó chẳng phải là mê tín chăng‘’ ? Đây chẳng phải là mê tín, lạy Phật có công dụng trị liệu bằng tâm lý, hay tiêu trừ tâm cống cao ngã mạn, hay sinh tâm nhu hòa, sinh tâm cung kính, cải biến tính cang cường thành tính hòa mục. Lạy Phật còn có công dụng trị bệnh sinh lý, lại hay khiến cho bụng nhỏ lại, khiến cho người chẳng có chứng huyết áp cao.
Trước kia, Phật chưa thành Phật, cũng lễ lạy các vị Phật khác. Cho nên, sau khi thành Phật, thì có người lạy Ngài lại. Như đức Phật trong quá khứ làm Bồ Tát Thường Bất Khinh, thấy người thì lễ lạy, còn nói : ‘’Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật‘’. Do đó, sau khi đức Phật thành Phật, thì có rất nhiều người lễ lạy Ngài. Trừ khi có người chẳng muốn thành Phật, đó thì chẳng cần nói đến. Nếu muốn làm Phật, thì nhất định phải lạy Phật, đo đó có câu :
"Phật tiền đảnh lễ, tội diệt hà sa".
Nghĩa là :
‘’Đảnh lễ ở trước Phật,
Diệt được vô lượng tội‘’.
Lạy Phật sẽ tiêu diệt được tội nghiệp vô lượng kiếp, công đức lễ Phật tiêu diệt được trọng tội sinh tử. Lạy Phật là lạy tự tánh Phật, tương lai sẽ thành Phật, cũng thành tự tánh Phật.
Cúng dường là gì ? Phật giáo quang trọng nhất là cúng dường, cúng dường Tam Bảo, dùng hương, hoa, quả, đèn, để cúng dường Phật; dùng sự khen ngợi, cung kính, thọ trì, tu hành, để cúng dường pháp; dùng ẩm thực, y phục, giường nệm, thuốc men, để cúng dường Tăng. Tại sao phải cúng dường Tam Bảo ? Vì cầu cát tường, mọi sự thuận lợi. Tại sao bạn chẳng có y phục tốt mặc ? Chẳng có nhà tốt để ở ? Chẳng có vật ngon ăn ? Đều vì trong quá khứ bạn chẳng cúng dường Tam Bảo. Bạn thấy người thế gian giàu sang, vì họ đã từng cúng dường Tam Bảo, cho nên đời nầy được phước báu lớn. Bài văn khuyên đời nhân quả ba đời có nói rất rõ là :
‘’Đời nầy giàu sang là nhân gì ?
- Đời trước bỏ tiền làm tượng Phật vàng.
Đời nầy nghèo khổ là nhân gì ?
- Kiếp trước chẳng chịu giúp người nghèo.
Đời nầy sống lâu là nhân gì ?
- Đời trước giữ giới sát, thường phóng sinh.
Đời nầy chết yểu là nhân gì ?
- Đời trước giết hại chúng sinh linh.
Đời nầy xinh đẹp là nhân gì ?
- Kiếp trước mua hương hoa đèn cúng Phật.
Đời nầy xấu xí là nhân gì ?
- Kiếp trước làm nhơ uế thân Phật‘’.
Tam Bảo là ruộng phước tốt của thế gian, tức cũng là ruộng trồng phước, chẳng cúng dường Tam Bảo, thì chẳng có cơ hội trồng phước điền, đời sau cũng chẳng đắc được phước báu.
Bấy giờ, đức Phật phóng luồng hào quang trắng chiếu phương đông, năm trăm vạn ức Na do tha Hằng hà sa cõi nước chư Phật, các cõi nước đó, đều dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu, dùng để trang nghiêm. Có vô số ngàn vạn ức Bồ Tát đầy khắp trong cõi nước đó, màng báu lưới báu giăng che khắp ở phía trên.
Lúc đó, ở giữa chặng mày của Đức Phật Thích Ca, phóng ra một luồng hào quang trắng (Tướng hào quang trắng biểu thị một thừa trung đạo), lập tức chiếu thấy phương đông năm trăm vạn ức Na do tha Hằng hà sa số cõi nước chư Phật, các cõi nước đó, đều dùng pha lê làm đất, chẳng giống như thế giới Ta Bà, dùng ngói đá làm đất. Đức Phật dùng sức thần thông ba lần biến thế giới Ta Bà dùng pha lê làm đất. Pha lê biểu thị cho trí huệ quang minh.
Ta Bà dịch là "kham nhẫn". Chúng sinh ở thế giới nầy, hay kham thọ nhẫn nại mọi sự khổ, lấy khổ làm vui, chẳng biết thoát khỏi biển khổ.
Lại có cây báu, và y báu, để làm trang sức. Cây báu hay khiến cho chúng sinh đắc được mát mẻ, lìa khỏi nóng bứt. Y báu hay khiến cho chúng sinh tính tình ôn nhu, chẳng có lửa vô minh. Lại có vô số ngàn vạn ức Bồ Tát, đầy dẫy trong cõi nước đó, màn báu và lưới báu giăng che khắp ở trên, dùng để trang nghiêm.
Các đức Phật cõi nước đó, dùng âm thanh lớn vi diệu để nói các pháp, và thấy vô lượng ngàn vạn ức Bồ Tát, đầy khắp các cõi nước, vì chúng sinh mà nói pháp.
Phương nam tây bắc tứ duy thượng hạ, chỗ nào tướng hào quang trắng chiếu đến, cũng lại như thế.
Chư Phật các cõi nước phương đông, dùng âm thanh lớn vi diệu, để nói pháp thật tướng. Và còn thấy vô lượng nghìn vạn ức Bồ Tát, đầy khắp tất cả các cõi nước vì chúng sinh mà thuyết pháp. Chẳng những phương đông như thế, mà chín phương kia cũng giống như thế. Phàm là nơi nào, luồng hào quang trắng của đức Phật Thích Ca chiếu đến, đều như thế. Cảnh giới không thể nghĩ bàn đó, chẳng phải một số phàm phu tưởng tượng đến được.
Đức Phật phóng luồng hào quang trắng, tại sao trước hết chiếu phương đông ? Vì phương đông là phương bắt đầu tất cả, phương đông là Giáp ất mộc, là bắt đầu của Thiên can, phương đông thuộc về mùa xuân, là bắt đầu của bốn mùa, mặt trời mọc phương đông, là bắt đầu của một ngày, cho nên luồng hào quang trắng trước hết chiếu phương đông, sau đó mới chiếu chín phương kia.
Bấy giờ, mười phương chư Phật đều nói với chúng Bồ Tát rằng : Thiện nam tử ! Hôm nay ta đến thế giới Ta Bà, chỗ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cúng dường bảo tháp của đức Đa Bảo Như Lai.
Lúc đó, mười phương chư Phật (Phân thân hóa Phật của Phật Thích Ca), đều đối với Bồ Tát nước của mình rằng : ‘’Thiện nam tử ! Bây giờ ta đến thế giới Ta Bà, đến đạo tràng của Phật Thích Ca, và cúng dường Bảo Tháp xá lợi của đức Đa Bảo Như Lai‘’.
Bấy giờ, thế giới Ta Bà lập tức biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, dây bằng vàng giăng bày tám ngã đường, chẳng có các tụ lạc thôn xóm, thành ấp biển cả sông ngòi núi rừng ao đầm. Đốt hương báu lớn, dùng hoa mạn đà la rải khắp trên mặt đất, lại dùng lưới báu và màn lụa giăng che, phía trên treo các linh báu, chỉ vang ra ở trong chúng hội. Dời các trời người để ở cõi khác.
Lúc đó, Đức Phật Thích Ca dùng sức đại thần thông khiến cho đời ác năm trược (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược), biến thành thế giới thanh tịnh. Dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm, dùng vàng ròng làm dây giăng chia tám đường, đại biểu cho bát chánh đạo. Chẳng có biển cả, sông ngòi, núi rừng ao đầm, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, thanh tịnh như tấm gương. Lại đốt hương báu lớn (hương công đức). Dùng hoa mạn đà la rải khắp trên mặt đất (làm thảm, đại biểu cho sự cung kính). Lại dùng lưới báu và màn lụa báu giăng che phía trên. Lại treo các thứ linh báu, đại biểu cho âm nhạc, gió thổi linh báu thì vang ra âm nhạc hoan nghênh, chỉ vang ra ở trong đại chúng hội Pháp Hoa. Chư Thiên và loài người đều rời đi đến nước khác.
Đây là lần đầu biến cảnh giới đất đai. Tại sao phải như thế ? Vì hoan nghênh phân thân các hóa Phật của Phật Thích Ca và Đức Phật Đa Bảo, cho nên phải trang nghiêm. Bây giờ xin đưa ra một ví dụ dễ hiểu, giống như có người thỉnh mời khách quý, thì chắc chắn đồ không sạch sẽ ở trong nhà phải dọn đi, quét dọn sạch sẽ, sau đó rưới nước hoa, khiến cho phòng ốc phảng phất hương thơm, làm cho khách quý thoải mái vui vẻ.
Bấy giờ, các đức Phật, mỗi vị đều đem theo một vị đại Bồ Tát, dùng làm thị giả, đến thế giới Ta Bà, đều đến dưới cây báu. Mỗi cây báu cao năm trăm do tuần, cành lá hoa quả thứ lớp trang nghiêm. Dưới các cây báu, đều có toà sư tử cao năm do tuần, cũng dùng các thứ báu để nghiêm sức.
Lúc đó, các phân thân hóa Phật của đức Phật Thích Ca, mỗi vị Phật đều mang theo một vị đại Bồ Tát để làm thị giả, cùng nhau đến thế giới Ta Bà, ai nấy đều đến dưới cội bồ đề. Mỗi cây bồ đề cao khoảng năm trăm do tuần, cành lá và hoa quả của cây bồ đề rất sum sê, thứ lớp trang nghiêm, trông nhìn rất đẹp .
Dưới mỗi cây bồ đề đều có tòa sư tử, cao khoảng năm do tuần, dùng bảy báu để nghiêm sức, đó là biểu thị sự thành tâm hoan nghênh khách quý.
Có người hỏi : ‘’Tạo sao gọi là tòa sư tử‘’? Vì đó là tòa thuyét pháp của chư Phật. Vì chư Phật thuyết pháp có uy đức giống như sư tử hống, khiến cho thiên ma ngoại đạo kinh hãi, chẳng dám nổi gió nổi sóng, có tác dụng điều phục. Sư tử là vua các loài thú, khi nó hống thì các loài thú nghe đều sợ hãi. Ngài Vĩnh Gia từng nói :
‘’Sư tử hống, vô úy thuyết.
Bách thú văn chi giai não liệt,
Hương tượng bôn ba thất cước uy,
Thiên long tịch thính sinh hân duyệt’’.
Nghĩa là:
Thuyết pháp không sợ hãi như sư tử hống
Trăm thú nghe tiếng đều kinh sợ
Voi lớn bỏ chạy mất oai nghi
Trời rồng nghe được sinh vui mừng.
Vì quan hệ như vậy cho nên gọi là tòa sư tử.
Bấy giờ, các đức Phật đều ngồi kiết già trên tòa sư tử đó, triển chuyển như thế đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, mà phân thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một phương, vẫn còn chưa hết.
Lúc đó, mười phương chư Phật đều ngồi kiết già trên tòa sư tử. Từng vị Phật, từng vị Phật, ngồi từng hàng từng hàng, đã đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, song phân thân hóa Phật ở phương đông, vẫn chưa ngồi lên tòa hết, huống chi các đức Phật ở chín phương kia ?
Có người hỏi : ‘’Ngồi kiết già là gì‘’? Bạn hãy xem tư thế ngồi của Phật, trước hết đem chân trái để lên đùi chân phải, rồi đem chân phải để lên đùi chân trái, đó gọi là ngồi kiết già. Còn có ngồi bán già, tức là tùy ý đem chân phải để lên đùi chân trái. Ngồi kiết già gọi là kim cang toạ, đây là tư thế ngồi hàng ma. Người ngồi thiền nên ngồi kiết già, dễ nhập định. Ngồi như thế hay hàng phục được tâm, khiến cho chẳng tán loạn, tinh thần tập trung, chẳng sinh vọng tưởng.
Tại sao chúng ta không khai ngộ ? Vì vọng tưởng lăn xăn, tâm viên ý mã chẳng buộc được, theo đuổi bên ngoài. Khi đức Phật chứng đạo dưới cội bồ đề, thì Ngài nói câu đầu tiên rằng : ‘’Lành thay ! Lành thay ! Lành thay ! Chúng sinh trong đại địa, ai cũng đều có đủ đức tướng của Như Lai, song vì vọng tưởng chấp trước, nên không chứng đắc‘’. Tham thiền tức là khắc kỳ cầu chứng, tham thoại đầu là khống chế vọng tưởng, do đó đủ biết, vọng tưởng là đá cột chân của sự tu đạo.
Phật giáo trung Quốc có câu rằng :
‘’Kim Sơn thối tử, Cao Mân hương‘’.
Người ngồi thiền ở Trấn Giang Kim Sơn Tự chẳng được đổi chân, bất cứ chân đau như thế nào, vẫn cắn răng chịu đựng, nếu nhúc nhích thì sẽ bị đánh hương bản. Lâu dần thì chân sẽ hết đau, do đó có câu :
‘’Kim Sơn thiền hòa tử,
Thối tối thủ quy cụ‘’.
Nghĩa là :
Người ngồi thiền ở chùa Kim Sơn
Giữ quy cụ bậc nhất về chân.
Người ngồi thiền ở Chùa Cao Mân tại Dương Châu, thì giữ quy cụ bậc nhất về thời gian. Dùng cây nhang làm quy định thời gian ngồi, khi nào chỉ tĩnh thì chỉ tĩnh, khi nào khai tĩnh thì khai tĩnh, một giây cũng không sai, cho nên gọi là "Cao Mân hương". Phàm là người đã từng tham thiền, đả tọa ở hai chùa trên, thì đều đã trải qua lò đúc luyện ra kim cang. Hòa Thượng Hư Vân tham thiền ở Chùa Cao Mân mà khai ngộ.
Công đức ngồi kiết già hay sinh giới lực, định lực và huệ lực, đầy đủ ba lực. Hết thảy Thần Kim Cang hộ pháp đều đến bảo hộ bạn, tất cả thiên ma biết đều lìa xa bạn. Hết thảy ác ma hướng về bạn mà đảnh lễ. Nay xin kể câu chuyện.
Xưa kia có vị hòa thượng, chuyên đi tụng kinh đám ma, để duy trì sự sống, cho nên gọi là Cản Kinh Sám (sống nhờ kinh sám). Một ngày nọ, sau khi độ đám xong thì vào lúc nửa đêm, vị hòa thượng trở về chùa, đi đến bờ sông thì trời đổ mưa, ông ta núp dưới cầu. Trong khi đợi tạnh mưa thì ngồi kiết già. Lúc đó, có hai con quỷ đến, thấy ông ta là tháp vàng, vì trong tháp có an trí Phật xá lợi mới đảnh lễ lạy, chẳng bao lâu, vị hòa thượng cảm thấy chân đau, mới bỏ chân xuống ngồi bán già. Hai con quỷ ngước đầu nhìn, thì thấy tháp vàng biến thành tháp bạc, song hai con quỷ vẫn lạy. Chưa được bao lâu thì vị hòa thượng cảm thấy chân quá đau, chịu hết nổi, bèn đổi thành ngồi theo ý muốn (duỗi chân ra). Hai con quỷ nhìn lên thì thấy tháp bạc đã biến thành đống bùn. Hai con quỷ nổi giận muốn đá đống bùn. Vị Hòa Thượng thấy như vậy, lập tức ngồi lại kiết già. Hai con quỷ nhìn lên lại thấy tháp vàng, bèn lạy cho đến gà gáy rồi bỏ đi. Từ đó về sau, Hòa Thượng bỏ việc tụng kinh đám, chuyên tâm tu thiền, chẳng bao lâu được khai ngộ, tự xưng là ‘’Quỷ Bức Thiền Sư‘’.
Khi tôi ở tại Đông Bắc bên Tàu, có vị ngoại đạo tên là Quan Trung Hỉ. Lúc đó, anh ta có hơn ba ngàn đệ tử theo anh ta học đạo. Học đạo gì ? Chỉ cần dùng tiền mua bảo bối của anh ta, khi đến lúc gặp đại nạn thì có thể chuyển hung hóa cát. Mọi người đều tin anh ta chẳng hoài nghi gì cả, ngoại đạo có thứ pháp thuật gạt người như thế.
Kỳ thật, anh ta chẳng có bảo bối gì hết, chỉ là trò chơi đùa, song những kẻ ngu tin cho là thật, rất sùng bái anh ta. Anh ta nói với đệ tử : ‘’Bây giờ thời cơ chưa đến, không thể đem bảo bối đưa cho các con, đến khi nào thế giới đại loạn, thì mới đưa bảo bối cho các con sử dụng, có thể sẽ không chết, qua khỏi tai nạn‘’.
Về sau, anh ta cảm thấy thời kỳ chết sắp đến, không thể gạt người được nữa, bèn dẫn người cháu bỏ đi tìm thầy học đạo. Trải qua ba năm cũng chẳng tìm được thiện tri thức, cũng chẳng học được chân đạo. Do đó, hằng ngày lo buồn rũ rượi, chẳng biết thế nào là tốt.
Một ngày nọ, tôi đến nhà của anh ta (lúc đó tôi còn là Sa di). Người cháu khi nhìn thấy tôi, thì bèn nói với anh ta rằng : Thúc thúc ! Vị Hoà thượng nầy, con đã gặp qua ở trong mộng, vị nầy lột da heo ở trên thân của con xuống, làm cho con sợ mà tỉnh dậy. Nguyên lai là một giấc mộng‘’. Anh ta nói với người cháu : ‘’Vị đó là người có đức hạnh, hôm nay đạo đã vào cửa, chúng ta không thể bỏ qua‘’. Do đó, chú cháu hai người thương lượng rồi lập tức quỳ xuống trước mặt tôi cầu đạo. Lúc đó, tôi nói với họ : ‘’Tôi chẳng có đạo để truyền cho các vị. Nếu các vị thật tâm cầu đạo, thì tôi giới thiệu vị thiện tri thức và tôi đưa các vị đi‘’.
Trải qua hai năm, đi học hỏi mấy vị thiện tri thức đều chẳng lý tưởng. Do đó, hai người trở về lạy tôi làm thầy, tôi thấy họ thành tâm mà cảm động, đáp ứng truyền thọ tư thế ngồi kiết già, song chẳng nhận làm đệ tử.
Chú cháu hai người tinh tấn tập ngồi kiết già. Người cháu trẻ tuổi tập rất mau, song người chú lớn tuổi xương cứng phải một phen khổ công phu. Bảy mươi ngày sau, tôi lại đến nhà anh ta, thấy đầu gối của anh ta sưng to lên, đi đứng bất tiện, mới khuyên anh ta bỏ ngồi kiết gia đi. Anh ta kiên quyết nói : ‘’Con sắp chết đến nơi, nếu không luyện, đến khi chết, tay chân loạn sạ thì làm sao ? Con nhất định quyết tâm, trừ khi chết đi thi thôi, chỉ cần không chết thì nhất định luyện ngồi kiết già‘’. Thành tâm cầu đạo như thế, khiến cho người bội phục.
Trăm ngày sau, tôi lại đến anh ta, thấy anh ta đi đứng như thường, tôi lấy làm lạ hỏi : ‘’Anh không luyện ngồi kiết già chăng‘’? Anh ta đáp : ‘’Mỗi ngày đều ngồi, chẳng những sáng sớm ngồi, mà tối cũng ngồi, bất luận là ngồi bao lâu cũng chẳng cảm thấy đau chân.’’ Do đó:
‘’Người có chí, việc sẽ thành‘’.
Vài ngày trước khi anh ta qua đời, bèn nói với mọi người : ‘’Vào ngày đó, giờ đó, tôi phải đi, tất cả mọi việc trong nhà chẳng quái ngại. Chỉ có một điều là không thể gặp được pháp sư An Từ (pháp danh của hoà thượng Tuyên Hoá), rất đáng tiếc‘’.
Đến ngày anh ta ra đi, anh ta tắm rửa sạch sẽ, ngồi kiết già, chẳng bệnh tật gì mà qua đời. Ngày anh ta chết, nhiều người trong thôn nằm mộng, thấy anh ta theo hai vị đồng tử mặc y màu xanh đi về hướng tây, về sau cháu của anh ta theo tôi học đạo, là đệ tử đầu tiên của tôi.
Bấy giờ, đức Phật Thích Ca vì muốn dung chứa hết thảy phân thân các hóa Phật, nên tám phương kia, mỗi phương đều biến ra hai trăm vạn ức Na do tha cõi nước, thảy đều thanh tịnh, chẳng có địa ngục ngã quỷ súc sinh và A tu la, lại dời các trời người để ở cõi khác.
Lúc đó, đức Phật Thích Ca thấy chư Phật đã ngồi đầy trong ba ngàn đại thiên thế giới, mà phân thân hóa Phật ở phương đông chẳng còn tòa để ngồi. Vì dung chứa phân thân hóa Phật ở tám phương kia đều có tòa ngồi, nên mới vận dụng sức đại thần thông, tám phương mỗi phương biến ra hai trăm vạn ức Na do tha cõi nước, đều khiến cho thanh tịnh, trong các cõi nước đó, chẳng có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A tu la. Và dời các hàng trời người để ở cõi khác .
Đây cũng giống như mời khách dự yến tiệc, sau khi trong nhà ngoài nhà thu dọn sạch sẽ rồi, lại đem chó mèo .v.v., gia súc để vào một phòng, tránh sự phá hoại phiền toái. Ý nghĩa cũng gần giống nhau.
Những cõi nước biến hóa ra, cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm. Cây cao năm trăm do tuần, cành lá hoa quả, thứ lớp trang nghiêm, dưới cây đều có tòa báu sư tử, cao năm do tuần, đủ các thứ báu dùng làm nghiêm sức.
Những cõi nước biến hóa ra, cũng dùng lưu ly làm đất, và có cây bồ đề để trang nghiêm cõi nước. Cây cao khoảng năm trăm do tuần, cành lá hoa quả đều thứ lớp trang nghiêm. Dưới cội bồ đề có tòa báu sư tử, cao năm do tuần, đều dùng bảy báu để trang sức tòa báu, khiến cho đẹp đẽ.
Cũng không có biển cả sông ngòi, và núi Mục chân lân đà, núi Đại mục chân lân đà, núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, núi Tu di, các núi chúa .v.v... thảy đều làm một cõi nước Phật, đất báu bằng phẳng, các báu xen nhau làm màn giăng che khắp ở phía trên, lại treo các phan lọng, đốt hương báu lớn. Các hoa báu cõi trời rải khắp trên mặt đất.
Những cõi nước biến hóa ra cũng chẳng có biển cả, sông ngòi, núi đá, núi đá lớn, núi thiết vi (núi chu vi bốn đại châu), núi đại thiết vi (núi chu vi đại thiên thế giới), núi tu di (núi diệu cao), các núi chúa .v.v. Những sự biến hóa trong cõi nước, đều làm thành một cõi Phật, đất báu bằng phẳng, các thứ báu xen nhau làm thành màn giăng che phủ khắp ở phía trên. Lại treo các phan báu và lọng báu. Đốt hương báu lớn, chư Thiên rải các thứ hoa báu đầy khắp mặt đất, rất trang nghiêm đẹp đẽ, đây là cảnh giới kế tiếp biến cõi nước.
HT Tuyên Hóa