Mục Lục

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Nay con xin cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, bèn cởi chuỗi ngọc các châu báu nơi cổ, giá trị trăm ngàn lạng vàng, dâng lên nói rằng : Xin nhân giả hãy nhận sâu chuỗi ngọc châu báu pháp thí này.

Bồ Tát Vô Tận Ý nghe Đức Phật nói như thế rồi, cũng muốn cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, bèn bạch Đức Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Nay con nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm có công đức lớn như thế, sức oai thần không thể nghĩ bàn, cho nên tuy con đã thành Bồ Tát, nhưng con còn phải tài bồi phước báu ở trước Bồ Tát Quán Thế Âm, con nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm.’’ 

Sau khi nói xong rồi, thì Bồ Tát Vô Tận Ý lập tức cởi sâu chuổi ngọc châu báu nơi cổ, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng chẳng có tơ hào tư lự. Chuỗi ngọc là một loại châu báu rất có giá trị, thứ chuổi ngọc này bên trong rỗng không, nên có thể bỏ đồ vào, người xưa thường dùng nó làm đồ trang sức. Sâu chuỗi này giá trị trăm ngàn lạng vàng, đem dâng lên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm nói : ‘’Xin Nhân giả hãy nhận sâu chuỗi ngọc châu báu pháp thí này.’’ Nhân giả tức chỉ người nhân từ có đức, Bồ Tát xưng hô với Bồ Tát thường dùng ‘’nhân giả’’.

Sâu chuỗi ngọc châu báu này, vốn là thuộc về tài thí, tại sao trong kinh văn Bồ Tát Vô Tận Ý nói là pháp thí ? Trong sự bố thí có tài thí, pháp thí, và vô úy thí. Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì trong tâm của Ngài chẳng cho rằng, chuỗi ngọc đó là vật đắc tiền, Ngài hoan hỉ thành tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài chũng chẳng nghĩ là trị giá bao nhiêu tiền. Song, tại sao trong kinh văn lại nói là : ‘’Giá trị trăm ngàn lạng vàng?’’ Câu này là tôn giả A Nan thêm vào khi kết tập kinh điển. Đương thời, Bồ Tát Vô Tận Ý chẳng nói trị giá bao nhiêu tiền. Ngài dùng chân tâm để cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, giữa đó đây chẳng có quan niệm về ‘’tiền tài’’, cho nên thuộc về pháp thí. Tuy là tài thí, nhưng cũng biến thành pháp thí. Đây là mọi người dùng tâm ấn tâm. Do đó, Ngài yêu cầu Bồ Tát Quán Thế Âm nhận chuỗi ngọc châu báu pháp cúng dường này.

Lúc đó, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chịu thọ nhận. Bồ Tát Vô Tận Ý lại bạch với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng : Nhân giả ! Hãy thương xót chúng tôi, mà thọ nhận chuỗi ngọc này.

Bồ Tát Vô Tận Ý dùng sau chuỗi ngọc châu báu, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, mà Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chịu nhận. Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chịu nhận ? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm dưới tòa của Đức Phật Thích Ca, đang ở trong hội nghe Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Quán Thế Âm chưa được Đức Phật hứa khả, nên Ngài biểu thị khách sáo, chẳng chịu nhận sự cúng dường đó, hơn nữa Ngài cũng chẳng có tâm tham, chẳng giống như phàm phu bèn nghĩ ? ’’Ồ ! Sâu chuỗi châu báu này quá quý trọng, có người cho mình, sợ rằng thọ nhận trễ thì họ chẳng cúng dường nữa, thì biết làm sao ?’’ 

Là vì Ngài chẳng có tâm lý như thế, cho nên chẳng sợ người ta không cúng dường. Trong tâm của Ngài vốn chẳng có người thí, vật thí, cũng chẳng có người thọ nhận. Bạn cúng dàng cho tôi và không cúng dường cho tôi, xem đều rất bình thường. Đương nhiên trong sự yên lặng, Bồ Tát Vô Tận Ý là có công đức. Song, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chịu nhận sự cúng dường đó, do đó Bồ Tát Vô Tận Ý khẩn cầu. Ngài chẳng giống như một số người, thật sự chẳng muốn cúng dường : ‘’Bạn không nhận thì tôi chẳng cúng dường.’’ Cho nên, Bồ Tát Vô Tận Ý lại khẩn cầu Bồ Tát Quán Thế Âm nói : ‘’Nhân giả ! Hãy thương xót chúng tôi mà thọ nhận sâu chuỗi này.’’ 

Nghĩa là nói : ‘’Nhân giả ! Bồ Tát đại từ bi, hãy thương xót tôi, thương xót Vô Tận Ý tôi, và chúng sinh bốn chúng này. Tôi cúng dường Ngài sâu chuỗi này, chẳng phải vì cầu phước cho chính tôi, mà là vì bốn chúng đệ tử này, và hết thảy pháp giới chúng sinh, để cúng dường nhân giả. Tôi là đại biểu cho chúng sinh cúng dường Ngài, cho nên xin Ngài hãy thương xót chúng tôi thọ nhận sâu chuỗi này.’’ Bốn chúng là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. ‘’Chúng tôi’’, tức là hết thảy tất cả chúng sinh.

Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm, nên thương xót Bồ Tát Vô Tận Ý, và bốn chúng, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, và chẳng phải người, mà thọ nhận sâu chuỗi đó.

Bồ Tát Vô Tận Ý nhất định phải cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, còn Bồ Tát Quán Thế Âm quyết tâm chẳng thọ nhận sự cúng dường đó bèn nói : ‘’Vật tốt của Ngài, tôi không dám thọ nhận, tôi chẳng có đạo đức gì, Ngài hãy tự giữ lấy.’’ Bồ Tát Vô Tận Ý nghe Bồ Tát Quán Thế Âm nói như thế, càng khẩn trương, thậm chí cuối đầu đảnh lễ để khẩn nài Bồ Tát Quán Thế Âm. Một người chẳng chịu nhận, còn một người nhất định phải cúng dường, hai bên đều kiên trì. 

Lúc đó, Đức Phật Thích Ca điều giải vấn đề này, bèn nhìn Bồ Tát Quán Thế Âm, cười và nói : ‘’Bồ Tát Quán Thế Âm, ông nên thương xót Bồ Tát Vô Tận Ý và bốn chúng đệ tử, chẳng chỉ vì bốn chúng đệ tử này, mà còn có trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca Lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và chẳng phải người. Ông nên thương tất cả những chúng đó, mà thọ nhận sự cúng dường. Bồ Tát Vô Tận Ý rất thành tâm khẩn thiết bố thí pháp, thì ông đừng cự tuyệt hảo tâm của ông ấy !’’

Tức thời Bồ Tát Quán Thế Âm thương xót hàng bốn chúng, và các trời, rồng, người, và chẳng phải người, mà thọ nhận sâu chuỗi đó, chia làm hai phần. Một phần dâng lên đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một phần dâng cúng tháp của Phật Đa Bảo.

Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm có thần lực tự tại như thế, đi khắp thế giới Ta Bà.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Tận Ý dùng kệ hỏi rằng.
Lúc đó, Bồ Tát Quán Thế Âm thấy Đức Phật điều giải việc này, Ngài cũng nghe lời Đức Phật, thương xót bốn chúng đệ tử và trời rồng tám bộ, thọ nhận sâu chuỗi ngọc châu báu đó. Song, Ngài nhận rồi lại chia ra làm hai phần để cúng dường. Sâu chuỗi có giá trị đắc tiền mà Ngài cũng chẳng cần, Ngài dâng một phần lên cúng dường Đức Phật Thích Ca, một phần dâng cúng tháp của Đức Phật Đa Bảo.

Sau đó Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’Vô Tận Ý ! Vị Bồ Quán Thế Âm đó, có các thứ thần thông diệu dụng, thần lực tự tại như đã nói ở trên, hết thảy chúng sinh đều nên cúng dường ông ta, cung kính ông ta, niệm danh hiệu ông ta. Vị Bồ Tát Quán Thế Âm hay đi khắp thế giới Ta Bà này, để cứu độ tất cả chúng sinh’’. Đức Phật nói xong, thì Bồ Tát Vô Tận Ý lại dùng kệ hỏi Đức Phật.
Câu kệ là vì văn trường hàng ở trên, có chỗ nói rất tỉ mỉ, lại có chỗ nói chẳng tỉ mỉ, cho nên dùng kệ để tường thuật lại. Kệ giống như thơ, phải có cách thức nhất định, hoặc là một câu sáu chữ, hoặc một câu năm chữ, một câu bốn chữ, chẳng nhất định, song phải có số chữ nhất định.

Thế Tôn đủ tướng tốt
Nay con xin hỏi Ngài
Vị kia do duyên gì
Tên là Quán Thế Âm ?
Bồ Tát Vô Tận Ý gọi một tiếng : ‘’Đức Thế Tôn đầy đủ tướng tốt ! Hôm nay con xin hỏi Bồ Tát Quán Thế Âm, bởi nhân duyên gì mà tên gọi là Quán Thế Âm ?’’ Vì tướng mạo của Phật viên mãn nhất, đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, cho nên gọi là Thế Tôn đủ tướng tốt, tức là đầy đủ chẳng thiếu chẳng dư. Lại có thể giải thích là phước đầy huệ đủ, nên gọi là Lưỡng Túc Tôn. Nghĩa là có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, tướng tốt này vi diệu không thể nghĩ bàn.

Đấng đầy đủ tướng tốt
Đáp kệ Vô Tận Ý :
Ông nghe hạnh Quan Âm
Khéo ứng khắp mọi nơi.
Vì Bồ Tát Vô Tận Ý dùng kệ hỏi Đức Phật, cho nên Phật cũng dùng kệ để trả lời.
Đức Phật nói : ‘’Vô Tận Ý ! Ông có biết việc làm và nhân duyên của Bồ Tát Quán Thế Âm chăng ? Ông nên chú ý lắng nghe, nay ta sẽ vì ông giải thích nói. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng thiện xảo phương tiện, quán căn cơ mà vì họ nói pháp, theo bệnh cho thuốc.’’

‘’Quán căn cơ’’ tức là nhìn xem chúng sinh đó căn tính thế nào ? Thích cái gì ? Thì Ngài vì họ mà nói pháp. Giống như ở trước đã nói : ‘’Người đáng dùng thân Phật độ được, thì liền hiện thân Phật để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Đế Thích độ được, thì liền hiện thân Đế Thích để vì họ nói pháp .v.v...’’ Đây gọi là ‘’khéo ứng khắp mọi nơi’’. Bất cứ căn tính như thế nào, Ngài liền dùng phương pháp phương tiên khéo léo để độ bạn, phương pháp này chẳng nhất định. Chẳng nhất định cho nên trong Kinh Kim Cang có nói :

‘’Là pháp bình đẳng
Chẳng có cao thấp
Chẳng có pháp nhất định’’.

Tức là làm vị pháp sư muốn đi giáo hóa người, cũng phải hiểu nhiều đạo lý và pháp thế gian, thấy loại người nào thì nói thứ pháp đó. Ví như gặp người buôn bán thì nói : ‘’Hiện nay bạn buôn bán như thế nào ? Gần đây buôn bán có đắc không !’’ Gặp người làm công thì nói : ‘’Anh thật là vất vả ! Hôm nay có ngày nghỉ chăng?’’ Nên vì họ nói đạo lý làm công, họ nghe thì tâm nghĩ : ‘’Thật tế cũng có người biết mình vất vả, bận rộn !’’ Sau đó mới vì họ giảng chút Phật pháp, thì họ cảm thấy : ‘’Thật không sai, nguyên lai Phật pháp là như thế.’’ Gặp người đi học thì hỏi họ : ‘’Anh học về ngành gì ? Khoa học ? Hóa học, hay văn học .... ?’’ Giống như hôm nay có một số học sinh đến, Quả tôn giảng cho họ nghe về Phật pháp này, họ nghe rồi rất cao hứng, và bắt đầu có ấn tượng đối với Phật pháp, ở trong não hải của họ bèn có ‘’Phật’’. Một khi chữ Phật vào trong não hải của họ, thì ngày càng sẽ tăng trưởng, tương lai cũng sẽ thành Phật. Đó là khéo ứng khắp mọi nơi, theo bệnh cho thuốc, vì người nói pháp. Do đó có câu :

‘’Phương tiện khéo léo độ chúng sinh,
Khéo ở trong trần lao làm Phật sự.’’

Khéo biến tất cả sự việc trong thế gian thành Phật sự.

Hoằng nguyện sâu như biển
Kiếp số không nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn đức Phật
Phát nguyện lớn thanh tịnh.
Vị Bồ Tát Quán Thế Âm đó, trước kia khi Ngài chưa thành Phật, thì có phát hoằng nguyện đại từ bi. Hoằng thệ đó lớn cỡ nào ? Sâu rộng như biển cả. Ngài trải qua đại kiếp không thể nghĩ bàn, tạo công đức không thể nghĩ bàn, phát nguyện lực không thể nghĩ bàn, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm tất cả hết thảy, đều vi diệu không thể nghĩ bàn. Ngài đã từng hầu cận rất nhiều hàng ngàn ức vị Phật, có thể là hàng vạn ức, mặc dù kinh văn chỉ nói là ngàn ức. Ngài phát nguyện đại từ đại bi như thế, cho nên cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm cao sâu khó dò. Bồ Tát Quán Thế Âm phát nguyên thanh tịnh. Nguyện thanh tịnh là gì ? Thanh tịnh là chẳng có tư tưởng ích kỷ, là một người đại công vô tư. Ngài vì chúng sinh mà phát nguyện, hoàn toàn là phát xuất từ tâm từ bi chân chánh, tâm từ thương chúng sinh.

Ta vì ông lược nói
Nghe tên và thấy thân
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi.

Đức Phật nói : ‘’Hiện tại ta vì ông nói sơ lược về công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm, người có căn lành mới nghe được danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm.’’ Nếu người chẳng có căn lành, thì cho đến tên của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chẳng nghe được, huống chi nói đến thấy thân. Thấy thân chẳng nhất định nói là thấy được nhục thân của Ngài, tức là thấy được hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc dùng bùn nắn, hoặc dùng gỗ chạm trỗ, hoặc dùng đá tạo, cho đến vàng, bạc, đồng, thiết, đúc thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu bạn thấy những tượng nói trên, thì cũng giống như thấy được nhục thân của Ngài. Chỉ cần trong tâm chúng ta niệm danh hiẹu Bồ Tát Quán Thế Âm, đừng khởi vọng tưởng, thì sẽ tiêu diệt được tất cả sự khổ trong các cõi. Các cõi tức là hai mươi lăm cõi trong dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.

Nếu người khởi tâm hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Nhờ sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Giả sử có người khởi tâm hãm hại bạn, ví như bạn bè hợp tác làm ăn với bạn, khi cùng đi với bạn đến đỉnh núi cao ngàn trượng. Vì anh ta muốn một mình chiếm đoạt số tiền của bạn, bèn sinh tâm cướp tiền hại mạng xô bạn rớt xuống chân núi. Lúc đó, chỉ cần bạn thành tâm niệm : ‘’Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát’’, thì có thể bình an vô sự. Nếu như xô bạn rớt suống hầm lửa lớn, thì hầm lửa sẽ biến thành ao nước. Bạn bất tất phải dùng phương pháp khác, cũng chẳng cần niệm chú gì, chỉ một lòng chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì sẽ có cảm ứng cứu hộ bạn, sự cảm ứng đó không thể nghĩ bàn. Cho nên chúng ta bất cứ lúc nào, đều nên niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tương lai sẽ được Bồ Tát Quán Thế Âm bảo hộ, cảnh giới cảm ứng đó nói chẳng hết được.

Hoặc trôi dạt biển cả
Rồng cá các nạn quỷ
Nhờ sức niệm Quan Âm
Sóng lớn chẳng ngập chết.
Nếu như bị trôi dạt ở trong biển cả, chẳng thấy bờ bến đâu cả, lúc đó rất là nguy hiểm. Trong biển lớn thường có rồng độc, cũng có quỷ la sát, hoặc cá ăn thịt người, lúc đó rất là nguy hiểm. Nếu bạn gặp những nạn đó, thì nên niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, tức sóng to cách mấy, cũng chẳng ngập chết bạn được, trong sự bất tri bất giác, sẽ đưa bạn vào bờ, hoặc tự nhiên trôi dạt vào chỗ cạn, hoặc gặp thuyền đến vớt lên. Đó là Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện cứu nạn nước. Ở trên là nạn lửa. Song, nếu bạn chẳng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì rất là nguy hiểm.

Giảng đến đây, tôi nhớ lại lúc ở Hồng Kông, có một người đệ tử quy y chẳng tốt. Chẳng tốt như thế nào ? Ông ta là người đã từng hại người khác, tên của ông ta là Trương Ngọc Giai, nhà mở tiệm thuốc tây, kiếm được chẳng biết bao nhiêu là tiền. Tiền của ông ta là từ hại người mà có. Lúc đó, sau khi Nhật đầu hàng rồi, vì trải qua chiến tranh, nên có bệnh truyền nhiễm phát sinh, cho nên lúc đó khắp nước Trung Quốc đều có bệnh ôn dịch lưu hành. Do đó, ông ta và một người giàu khác hợp tác làm ăn, hai người cùng đi trên một chiếc thuyền ra ngoại quốc, mua thuốc tây về Hồng Kông bán lại. Thuyền đến giữa biển, thì ông ta xô người bạn xuống biển, người bạn của ông ta vì chẳng biết niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên bị chết. Do đó, ông ta một mình chiếm đoạt hết số tiền vốn.

Trở về kiếm được rất nhiều tiền. Sau ông ta lại làm thuốc giả để kiếm tiền, do đó mà phát tài. Phát tài rồi sau đó ông ta như thế nào? Đại khái là quan hệ oan tương báo, ông ta mắc chứng bệnh ưng thư. Đương thời, sáu ông bác sĩ nổi tiếng ở Hồng Kông đều nói rằng, chỉ trong vòng một trăm ngày, thì ông ta sẽ chết. Do đó, ông ta đăng báo xin cứu mạng nói: "Nếu ai chữa được bệnh của ông ta, bảo trì được sinh mạng của ông ta, thì ông ta sẽ bỏ ra hai chục vạn Mỹ Kim". Lúc đó, hai chục vạn Mỹ Kim ở Hồng Kông rất lớn vô cùng, song cũng chẳng có ai có phương pháp cứu mạng ông ta. Do đó, ông ta đến chùa lễ Phật.

Một ngày nọ ông ta đến chùa Tây Lạc Viên hỏi tôi làm thế nào mới chữa được bệnh. Tôi nói với ông ta : ‘’Ông mắc chứng bệnh này, thì nên làm nhiều việc thiện, cúng dường Tam Bảo gieo trồng công đức. Trước hết ông phải quy Tam Bảo, như thế thì có thể chứng bệnh của ông sẽ hết.’’ Do đó, vào ngày 18 tháng 9 âm lịch ông ta quy y với tôi. Quy y rồi, tôi bèn khuyên ông ta phát tâm làm việc thiện. Đương thời, người xuất gia từ Trung Quốc trốn nạn đến Hồng Kông khoảng hai ba ngàn người, nhưng các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, chẳng có đủ quần áo để mặc, cũng chẳng có chỗ đủ để ở. 

Cho nên tôi kêu ông ta cúng dường mỗi người xuất gia một xấp vải, và hai chục đồng Hồng Kông, ông ta chịu đáp ứng. Song, ở Hồng Kông có nhiều vị Hòa Thượng, nhất là những vị pháp sư già nghe ông Trương Ngọc Giai quy y với tôi, thì ai nấy đều hiện đại thần thông. Hiện thần thông gì ? Bạn cũng tìm bạn bè, họ cũng tìm người quen đến nói với ông Trương Ngọc Giai, kêu ông ta làm công đức ở chùa của họ. Những vị lão pháp sư đó, đều là người có danh vọng, vì có quyền thế trong Phật giáo, cho nên đi phan duyên với ông Trương Ngọc Giai, do đó ông ta đến những chùa đó làm công đức, còn tôi từng kêu ông ta cho mỗi vị pháp sư, đến từ Trung Quốc hai chục đồng Hồng Kông, nhưng ông ta không cho, chỉ cho có năm đồng và một xấp vải. Vì tôi đã nói với những người xuất gia đó, là cho hai chục đòng, bây giờ ông ta chỉ cho mỗi người có năm đồng, biết làm sao ? Do đó, tôi tự đi mượn tiền rất bí mật, cũng chẳng nói cho ai biết. Mượn được tiền rồi, tôi lại tự cầm phân phát cho mỗi người thêm mười lăm đồng nữa, cộng lại là hai chục đồng, đó cũng là để kết duyên với những người xuất gia đó.

Lúc đó, chẳng có vị xuất gia nào biết trong đó có tiền của tôi mượn để cho họ, cho đến hiện tại cũng chẳng biết. Đến khi ông Trương Ngọc Giai nuốt lời, chẳng giữ lời hứa, là vì bị những vị lão pháp sư đó phan duyên, song tôi cũng chẳng trách ông ta, việc này qua rồi thì thôi. Bổn lai các bác sĩ đều đoán chắc là ông ta trong vòng một trăm ngày sẽ chết, chẳng nghi ngờ gì nữa. Trải qua một trăm ngày cũng chẳng chết, do đó những vị lão pháp sư phan duyên ông ta đều nói : ‘’Đó là nhờ chúng tôi vì ông mà sám hối’’! Người khác lại nói : ‘’Đó là nhờ chúng tôi vì ông mà tụng kinh.’’ Vị pháp sư khác lại nói : ‘’Đó là nhờ chúng tôi cầu cho ông ở trước bàn Phật !’’ Mỗi vị pháp sư đều có công.

Lúc đó tôi chẳng có chút công lao nào, tôi cũng chẳng nói với ông ta lời nào. Trải qua sáu năm, ông ta cũng chẳng chết. Lúc đó, tôi đang làm chùa ở tại núi Đại Tự ở Hồng Kông, xây chùa Từ Hưng. Ngôi chùa này đại khái có thể ở trên hai trăm người. Ông ta nghe tôi làm chùa, tức nhiên là đệ tử quy y với tôi, nên sai một người cầm một bao tiền đến cúng cho tôi làm chùa. Số tiền đó tôi chẳng nhìn qua, cũng chẳng mở ra xem, tôi bèn vứt nó ra ngoài cửa, tôi nói với người đó rằng : ‘’Số tiền này kiếm được chẳng chánh đáng, chẳng thanh tịnh, tôi chẳng cần tiền của ông ta như thế, ông hãy mang về trả lại cho ông ta.’’ Người đó đem tiền về đưa lại cho ông ta, lần này ông ta kêu vị pháp sư phan duyên ông ta, tên là Định Tây đến nói lời ngon ngọt và mang tiền đến. 

Tôi nói : ‘’Bây giờ công trình làm chùa đã xong, tôi chẳng cần dùng tiền. Ông ta có tiền thì có thể làm công đức chỗ khác, có rất nhiều chùa, nhiều pháp sư, ông ta muốn làm gì cũng được.’’ Vị pháp sư đó cũng chẳng vui vẻ trở về. Qua hai năm sau, vào giữa tháng giêng, tôi tuyên bố với mọi người : ‘’Ông Trương Ngọc Giai đã quy y với tôi tám năm, tôi vốn đợi ông ta thực hiện lời hứa. Vì ông ta đã từng phát nguyện cúng hai chục vạn Mỹ Kim để làm chùa, nhưng cho đến bây giờ ông ta cũng chẳng làm. Tôi chẳng đợi nữa, về sau ông Trương Ngọc Giai bất cứ có vấn đề gì, tôi cũng chẳng lo nữa.’’ Nói ra chưa đầy nửa năm, chúng bệnh ung thư của ông ta lại tái phát, về sau khi gần chết, thì sai người của ông ta đến cầu tôi, vì ông ta đến chùa khác cầu lạy, làm công đức Phật sự cũng chẳng linh, chẳng có cảm ứng, cho nên lại đến tìm tôi. 

Nhưng tôi cũng chẳng lo, tôi nói tôi đã tuyên bố chẳng lo bất cứ việc gì của ông ta nữa, chẳng được mấy ngày thì ông ta chết. Điều lạ lùng là vị pháp sư Định Tây, trước kia phan duyên với ông ta cũng sinh bệnh ung thư, đại khái bệnh hơn một năm thì chết, còn có một vị cư sĩ theo vị pháp sư đó, giúp cho pháp sư Định Tây liên lạc với ông Trương Ngọc Giai, cũng sinh bệnh ung thư mà chết, cho nên ba người họ có thể nói là một thể, sống thì sống chung với nhau, chết thì cũng cùng một chứng bệnh. Tại sao ông Trương Ngọc Giai lại chết như thế ? Vì ông ta xô người bạn của mình xuống biển chết, chắc chắn chết rồi làm oan hồn, cho nên đến khiến cho ông Trương Ngọc Giai sinh bệnh ung thư.
Bổn lai, ông Trương Ngọc Giai đã quy y Tam Bảo, nếu ông ta chân chánh có niềm tin, thì ông ta chẳng bị chết, do niềm tin chẳng vững chắc.

Hoặc trên đỉnh Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Nhờ sức niệm Quan Âm
Như mặt trời trên không.
Tu Di là tiếng phạn, dịch là núi Diệu cao, là núi cao nhất trong vũ trụ. Ở đây nói là trên đỉnh núi Tu Di, chẳng nhất định là chỉ ở trên đỉnh núi Tu Di, mà là ví dụ sự cao như đỉnh núi Tu Di. Hoặc là bạn đang ở trên đỉnh núi cao như núi Tu Di, bị người xô rớt xuống, lúc đó nếu bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì ‘’Như mặt trời trên không’’, giống như mặt trời lơ lửng ở trong hư không, chẳng gây tổn thương cho bạn. Chẳng chỉ nói ở trên đỉnh núi xô rớt bạn xuống tan xương nát thịt, mà cũng có thể nói là có người ở trên chỗ cao, khiến bạn trèo lên cây thang, đợi khi bạn đến chỗ cao nhất, thì họ xô cây thang, lúc đó muốn lên cũng chẳng được, muốn xuống cũng chẳng xong, đó cũng là việc rất nguy hiểm. Tức cũng là mọi người đối sử tốt với bạn, sau đó chẳng đối tốt với bạn nữa, để cho bạn từ trên cao rớt xuống. Lúc đó, nếu bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chẳng có vấn đề gì, giống như mặt trời ở trong hư không chiếu khắp vạn dặm, một chút phiền não cũng chẳng có, ngược lại rất an nhiên tự tại, rất có định lực, cho nên khen chê đều chẳng động tâm, đó cũng là biểu thị ‘’Như mặt trời trên không’’ một ý nghĩa riêng khác.

Hoặc bị người ác đuổi
Ngã xuống núi kim cang
Nhờ sức niệm Quan Âm
Chẳng tổn hại mảy lông.
Người ác là gì ? Tức là người chẳng nói về đạo lý, chuyên môn làm chuyện giết người, phóng lửa, người man rợ chẳng nói đạo lý : ‘’Anh là tôi, tôi cũng là tôi. Tiền của anh là của tôi, tiền của tôi thì càng của tôi.’’ Bạn xem đây có đạo lý chăng ? Đây gọi là người ác, có quyền lực mà chẳng có công lý, chỉ dùng thế lực để bức bách người khác, chẳng nói đến công lý, đó tức là người ác.

Truy đuổi là bạn chạy đến đâu, thì họ cũng đuổi theo bạn đến đó, luôn luôn xem giữ bạn. Nếu bạn bị người ác truy đuỗi, vì nhất thời bôn ba chẳng cẩn thận mà rớt xuống núi kim cang sâu vạn dặm, nếu bạn chẳng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chắc chắn sẽ mất mạng, thậm chí tan thân nát xương chẳng tìm được thi thể. Song, nếu bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dù cho một sợi lông cũng chẳng tổn thương. Bạn nói có kỳ lạ chăng ! ‘’Núi kim cang’’ ở đây, là biểu thị vực thẳm vạn trượng, rất cứng chắc như kim cang. Song nếu bạn gặp trường hợp nguy hiểm như thế, mà niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chắc chắn sẽ có cảm ứng. Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ đến cứu hộ bạn, khiến cho bạn gặp hung hóa cát tường, gặp nạn được bình an, nguy hiểm mà chẳng nguy hiểm.

Hoặc gặp oán tặc vây
Đều cầm đao làm hại
Nhờ sức niệm Quan Âm
Thảy đều khởi tâm từ.
Ở trên nói về người ác, bây giờ nói về ‘’oán tặc’’, tức là bọn cướp, giết người phóng lửa, chẳng có việc ác nào mà chẳng làm. Tất cả mọi người mà chúng ta gặp, đều có quan hệ tiền nhân hậu quả. ‘’Oán tặc’’ tức là người có oán hận với chúng ta, hoặc là kiếp trước chúng ta ăn cắp đồ vật của người, hoặc là đã giết người, hoặc đối với người chẳng tốt, cho nên đời này lại gặp nhau, mới biến thành oán tặc. Do đó, có câu :

‘’Giết người phải đền mạng,
Mắc nợ thì trả tiền’’.

Bạn giết mạng người ta, thì người ta cũng muốn lấy mạng của bạn; bạn cướp đoạt tài vật của người ta, cho nên phải đền tiền cho người ta. Hết thảy tất cả đều có mối liên quan với nhau.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi từng nói cho mọi người biết rằng : ‘’Tôi đời đời kiếp kiếp chưa từng ăn trộm đồ vật của người khác, luôn giữ giới trộm cắp. Có gì để chứng minh ? Tôi đem châu báu giá trị nhất, để ở ngã tư đường, chẳng nhìn xem đến nó, trải qua ba ngày cũng chẳng bị ai trộm lấy đi. Do đó, có thể chứng minh lời của tôi nói là chân thật’’. Nhưng vẫn có người không tin, do đó Ngài đi thử nghiệm, đem châu báu để ở ngã tư đường, nơi mà mọi người đi qua lại tấp nập. Quả nhiên ba ngày sau, cũng chẳng có ai trộm lấy.
Do đời đời kiếp kiếp Ngài đều giữ giới trộm cắp thanh tịnh, cho nên có quả báo như thế. Do đó, nếu bây giờ chúng ta gặp kẻ oán tặc đều phải chấp nhận, tức là mất vật gì, chịu tổn thất gì cũng đừng buồn rầu, nên chấp nhận, đừng có oán trời trách người.

Lúc tôi ở chùa Nam Hoa, thì từng gặp việc như vầy : Vào ngày nọ có rất nhiều kẻ trộm đến cướp chùa Nam Hoa. Bọn chúng đập cửa rất mạnh muốn tiến vào, nhưng tôi chẳng mở cửa. Bọn cướp phá cửa tung vào, ai nấy đều cầm thương vây chung quanh tôi, có người còn muốn đánh tôi. Song, lúc đó tôi chẳng cảm thấy sợ hãi gì cả, rất tự nhiên nói với bọn chúng rằng : ‘’Tại sao anh muốn đánh tôi ?’’
- Anh ta nói : ‘’Vì ông chẳng mở cửa’’

- Tôi nói : ‘’Nếu anh là tôi, tôi là anh, thì anh có mở cửa không ? Tại sao ? Vì anh đến đây muốn trộm đồ của tôi, chẳng phải đến tặng đồ cho tôi.’’
- Tôi nói như thế thì anh ta nói : ‘’Hãy mau đem tiền ra !’’
- Lúc đó tôi mặc chiếc y rách có nhiều chỗ vá víu, tôi nói : ‘’Anh nhìn xem, tôi mặc chiếc y này, có giống như người có tiền chăng ?’’
- Anh ta nhìn rồi hỏi : ‘’Vậy ai có tiền ?’’

- Tôi nói : ‘’Trong chùa này tôi là ông thầy, còn những người khác là đệ tử, tôi làm ông thầy chẳng có tiền, thì làm đệ tử làm gì có tiền ? Nếu anh không tin tôi thì có thể vào phòng của tôi xem, nếu anh thấy vật gì đáng giá, là đồ quý, thì tùy ý anh lấy !’’ Lúc đó ở trong phòng của tôi có hai bửu bối, hai bửu bối này là hai bửu bối sống, bửu bối sống gì ? Tức là chú Sa di và vị pháp sư. Hai vị này nghe thấy bọn cướp đến, lúc gõ cửa thì họ đã cuống lên, thậm chí chẳng đi được nữa, bò dưới đất, bò vào chỗ tôi nói : ‘’Thầy ơi ! Bây giờ biết làm sao ? Tôi sợ quá !’’ Tôi nói : ‘’Không sao, các vị hãy đi vào trong phòng của tôi, chun xuống giường cây của tôi để trốn.’’ Bây giờ tôi lại kêu bọn cướp vào phòng của tôi, xem muốn lấy gì thì lấy. Lúc này hai vị này run lên lập cập, cuối cùng bọn cướp cũng chẳng vào. Lúc đó, có vị pháp sư thấy tôi và bọn cướp nói chuyện tựa như là bạn bè, cũng từ trong phòng chạy ra.

Khi ông ta xuất hiện, thì bọn cướp lập tức dùng thương vây ông ta lại muốn đánh, ông ta sợ quá bèn khóc lên, giống như trẻ con. Lúc đó, trong tâm tôi cảm thấy buồn bã bèn nói : ‘’Ông ta cũng chẳng có tiền, các ông muốn tiền thì nói với tôi.’’ Song bọn cướp chẳng đếm xỉa gì đến tôi, mà hướng về ông ta muốn tiền, ông ta nói : ‘’Vào trong phòng của tôi lấy.’’ Bèn dẫn bọn cướp vào lấy hơn hai trăm đồng, đó là tiền mà ông ta dành dụm mấy năm nay, bèn để cho bọn cướp lấy đi. Sang ngày thứ hai ông ta nói với đồ đệ rằng : ‘’Chùa Nam Hoa có hơn hai trăm người, mà chỉ có vị Pháp sư này chẳng sợ hãi.’’

- Tôi mới nói với họ rằng : ‘’Chẳng phải chỉ mình tôi, mà trong chùa có bốn vị Hòa Thượng chẳng sợ hãi.’’ Thứ nhất là ai ? Là Lục Tổ Huệ Năng, ngồi tại đó như như bất động, lão Tăng nhập định như thế. Thứ hai là Đại Sư Hám Sơn, ngồi nhập định tựa như tướng của Lão Tăng, chẳng động đậy. Thứ ba là tổ sư Đan Điền, Ngài chẳng đủ đại định lực như Lục Tổ, và đại sư Hám Sơn, còn quay đầu lại nhìn bọn cướp. Thứ tư mới đến tôi, cho nên khi bạn gặp oán tặc, thì cũng đừng sinh tâm sợ hãi. Kết quả bọn cướp đó cũng chẳng đánh tôi, hoặc phóng thương. Tại sao ? Đại khái là vì tôi niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, ban đầu họ đối với tôi rất hung hăng, khi nhìn thấy tôi mặc y phục rách rưới thì họ nghĩ : ‘’Ông thầy này thật đáng thương’’, tức cũng khởi tâm từ bi chẳng gây phiền não đến tôi.

Hoặc gặp nạn khổ vua
Muốn hành hình sắp chết
Nhờ sức niệm Quan Âm
Đao bèn gãy từng đoạn.

Luật vua chẳng nói đến nhân tình. Nếu phạm vào vương pháp, thì phải bị chém đầu. Song, cũng có kẻ chẳng phạm pháp mà bị dẫn đi chém đầu, là vì bị người vu cáo, cho nên luật pháp quốc gia có chỗ lợi ích, mà cũng có chỗ hại. Chỗ lợi ích là nó trừng phạt những kẻ phạm tội, chỗ hại là chẳng phạm pháp nhưng bị người khác vu cáo, ví như người làm chứng nói : ‘’Ông ta làm xấu việc đó, chính mắt tôi thấy !’’ Luật sư cũng chẳng màng việc đó ra sao, bèn xử ông ta phạm tội đem đi chém đầu, nhưng thật ra người đó chẳng phạm pháp, luật sư chẳng có chánh nghĩa, có người rõ ràng là phạm pháp, mà có thể biện hộ cho họ vô tội.

 Có người rõ ràng là vô tội, mà lại chứng minh là có tội. Bạn nói đi tìm chân lý ở đâu trên thế gian này ? Ở trên thế gian vốn chẳng có chân lý, chỉ có quyền thế. Vậy muốn tìm chân lý, thì phải vào trong Phật pháp mà tìm. Cho nên, hoặc có tội, hay không có tội, bị chịu nạn khổ vua, lúc phải bị chém đầu, mạng sống sắp chấm dứt, lúc đó e rằng bạn đã ngất xỉu, sợ quá nên quên hết mọi việc. Song nếu bạn nhớ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì cái đao chém đầu bạn đó, sẽ tự nhiên gãy ra từng đoạn, đó là chứng minh cái cổ của bạn cứng hơn là kim cang, cho nên đao mới gãy ra từng đoạn. Nhưng nếu bạn ôm lòng hoài nghi, thì đầu của bạn sẽ rơi. Vì bạn vốn chẳng có niềm tin đối với Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên mới muốn thử nghiệm, nên chẳng có cảm ứng. Nếu có niềm tin thì mọi việc đều có cảm ứng.

Hoặc gông cùm bỏ tù
Tay chân bị xiềng xích
Nhờ sức niệm Quan Âm
Tự nhiên được giải thoát.
Ở tù tức là bắt giam vào ngục, chẳng được tự do. Gông, chẳng những nhốt bạn vào ngục tù, mà còn gông cùm bạn lại, để cho bạn khỏi trốn đi. Cùm, tức là cùm hai chân bạn lại, và còn trói tay bạn.
Lúc trước tôi đã có nói, phàm là người có gia đình, thì nên sớm giác ngộ, đừng để cho ba điều này vây hãm như bị nhốt trong tù. Ba điều gì ? Cha mẹ như là gông cùm cổ, con cái như là cái cần cần tay, đừng cho rằng có con cái là đắc ý, một khi bị cần vào tay thì buông xả chẳng đặng. Có vợ thì như là cái cùm cùm chân, cũng chẳng được tự do giải thoát.

Hôm nay tôi thế một vị đệ tử của tôi, nói chuyện này cho quý vị biết, anh ta nói : ‘’Con có vay của chính phủ hơn hai ngàn đồng, bây giờ muốn xuất gia mà hai ngàn đồng này không thể trả, cho nên trước hết phải đi làm công, để trả hết số tiền này, rồi sau đó mới đi xuất gia.’’ Anh ta nói thật hay giả ? Tôi chẳng màng đến anh ta, bất quá nói cho mọi người biết, có thể tiền trả xong rồi, hoặc là có cái cùm cùm chân (cưới vợ) này cũng chẳng nhất định, song tôi hy vọng chẳng bị cùm vào, có thể làm một vị sư biểu của trời người cho nước Mỹ. Tôi đem ý này ra nói cho mọi người biết, để mọi người đều phát tâm chú nguyện cho anh ta thành công, làm lãnh tụ tốt cho Phật giáo nước Mỹ. Vì nước Mỹ hiện tại rất cần người xuất gia, nếu tất cả mọi người muốn xuất gia, tôi chẳng màng trước kia họ là người như thế nào, tôi đều rất hoan hỉ tán thán, chỉ cần sau khi xuất gia rồi, giữ giới luật quy cụ là được. Tôi tận sức ở tại nước Mỹ này, đào tạo bậc trưởng lão, chính họ trưởng chẳng nổi, vì chẳng có cơ sở, gốc rễ chưa đâm sâu xuống, song tôi nguyện sẽ tài bồi, Phật giáo tại nước Mỹ, mỗi người xuất gia đều là một phần của bậc trưởng lão, thậm chí làm tổ sư của nước Mỹ.

Khi tay chân bị gông cùm mất đi tự do, thì phải làm sao ? Chỉ cần bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên sẽ được giải thoát. Trước kia ở Trung Quốc, có một vị hòa thượng bị dân mọi rợ bắt đem đi nhốt vào trong phòng trói cột lại. Thứ dân mọi rợ này rất dã man, chuyên môn bắt người Hán làm thịt để ăn. Vị Hòa thượng đó, bình thường rất tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên lúc đó Ngài cũng chẳng sợ hãi, chỉ một lòng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài niệm tới niệm lui, kết quả niệm đến một con cọp. Con cọp này lại đến phòng giam ông ta, phá tan cái phòng giam, do đó ông ta tự do chạy đi. Gặp hoàn cảnh nguy hiểm như thế, mà có thể hóa hiểm thành bình an. Cho nên sự linh cảm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm nói chẳng hết được.

Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn làm hại thân người
Nhờ sức niệm Quan Âm
Trở lại hại người đó.

Nguyền rủa ở đây là nói về sự niệm chú để trù rủa. Chú cũng có rất nhiều loại, nhất là chú của bàng môn tả đạo, họ chỉ cần niệm bảy ngày, thì có thể người kia sẽ chết. Chú có loại chú hại người, cũng có loại chú lợi người. Chú bây giờ nói là chú hại người. Các thuốc độc cũng bao quát tất cả các thuốc độc. Nếu bạn gặp sự trì chú nguyền rủa các thuốc độc, thì nên một lòng niệm: ‘’Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm’’, tức thì lời nguyền rủa và các thuốc độc đó, chẳng những không thể hại bạn, mà còn trở lại hại người đó.

Trước kia, có một nơi nọ tại Trung Quốc, có người chuyên môn bói toán rất linh nghiệm. Tại sao mà họ bói toán linh nghiệm như thế? Vì bên trong của họ có yêu quái, ma quỷ giúp đở họ. Thứ ma quỷ đó, mỗi năm chỉ cần ăn một đồng nam và một đồng nữ. Cho nên ông thầy bói đó, mỗi năm đều trộm bắt một cặp đồng nam và đồng nữ, để cúng tế cho ma quỷ đó. Song, năm đó ông ta bắt người đồng nữ của gia đình nọ, thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi cô ta bị bắt nhốt vào phòng để chờ ma quỷ đến bắt ăn, thì cô ta ở đó luôn luôn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. 

Một lúc sau, ma quỷ đến gian phòng đó, từ cửa sổ thấy cô ta, thì cặp mắt của ma quỷ phóng ra hai luồng ánh sáng chiếu đến thân cô ta, song vì miệng cô ta niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên từ trong miệng của cô ta, cũng phóng ra ánh sáng. Đột nhiên cô ta cảm thấy có vật gì rất to lớn, từ trên phòng rớt xuống, cô ta còn cho rằng là yêu quái muốn đến ăn thịt cô ta, cô ta sợ quá kêu lên, ngay lúc ấy bên ngoài có lính đi tuần ban đêm nghe tiếng kêu, bèn chạy đến gần thì nghe tiếng cô gái từ trong phòng kêu lên, bèn phá cửa xông vào, đến cửa phòng thì thấy thi thể của con mãng xà rất lớn. Con mãng xà to lớn đó tức là Ma hầu la già.

Kết qủa người bói toán đó, bị cảnh sát bắt đi tra hỏi: "Tại sao ông lại bắt cô gái này đến đây"?
- Ông ta mới nói : "Tôi có một vị tiên giúp đỡ tôi bói toán cho mọi người, vị tiên này mỗi năm phải ăn thịt một cặp đồng nam đồng nữ, đã mấy năm qua tôi đều cúng cho vị tiên đó, cho nên vị tiên đó giúp đỡ tôi bói toán rất linh, kiếm được rất nhiều tiền". Nói xong cảnh sát bắt ông ta giam vào ngục. Ông ta bói toán rất linh, song chẳng bói toán được cho mình, kết quả bị luật pháp trừng phạt chém đầu thị chúng. Câu chuyện như thế, tức là thật sự chứng minh "Nguyền rủa các thuốc độc, muốn làm hại thân người, nhờ sức niệm Quán Âm, trở lại hại người đó". Cho nên hại người tức là hại mình.

Câu "Trở lại hại người đó", đương thời ông Tô Đông Pha từng sửa thành câu "Hai nhà đều vô hại". Ý của ông ta cho rằng, người trù ẻo và người bị trù ẻo đều bình an vô sự. Kỳ thật là sai lầm. Tại sao? Trong Phật giáo có nói về giới sát sinh, phóng sinh, song nếu không trừ khử kẻ ác, thì họ sẽ hại kẻ lương thiện. Tuy họ trù ẻo dùng thuốc độc muốn hại người, kết quả khiến cho họ vô sự, đó chẳng phải là cổ lệ chăng? Họ hại chẳng được người này, lại muốn hại người khác, mà nếu người đó không niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ bị hại chết. Người hay niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đương nhiên họ hại chẳng được, nhưng nhiều người chẳng biết niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên "Hai nhà đều vô sự" là không đúng, "Trở lại hại người đó" là không sai lầm, khiến cho người ác chịu khổ, họ thọ quả báu là đáng, như thế về sau, họ chẳng dám hại người nữa.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “59. Phẩm Bồ Tát Quán Thế Âm Thứ Hai Mươi Lăm - Phần 4”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com