Mục Lục

Tịnh Đức phu nhân lại nói với hai người con rằng : ‘’Các con nên có tâm hiếu thuận, thương nghĩ đến cha của các con, trong quá khứ ông ta là hộ pháp của các con. Bây giờ các con đến độ ông ta thành Phật, ông ta mê tín ngoại đạo, chẳng chịu tin chánh đạo. Các con nên vì ông ta mà hiện các thứ thần thông biến hóa, nếu ông ta thấy được chắc tâm của ông ta sẽ thanh tịnh, sẽ giác ngộ hoặc sẽ nghe tin lời của chúng ta nói, và cùng nhau đi đến chốn Phật, nghe Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí diễn nói Kinh Pháp Hoa.’’

Lúc đó, hai người con vì thương nghĩ đến người cha, mà vọt lên hư không cao khoảng bảy cây đa la, hiện các thứ thần thông biến hóa. Ở trong hư không đi đứng nằm ngồi, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa; dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn đầy khắp hư không, rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, biến mất trong hư không, hốt nhiên ở dưới đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất. Hiện các thứ thần thông biến hóa như thế, khiến cho vua cha tâm được thanh tịnh tin hiểu.

Hai người con của vua Diệu Trang Nghiêm vì nghĩ nhớ đến người cha, muốn độ cho cha cải tà quy chánh, mới đến chỗ người cha vọt thân lên hư không, cao khoảng bảy cây đa la (khoảng bốn mươi chín trượng), hiện ra đủ thứ thần thông biến hóa. Ở trong hư không đi đứng nằm ngồi rất tự tại. Trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, hoặc dưới thân ra nước, trên thân ra lửa. Nước lửa cùng nhau hòa hợp, chẳng có xung đột. Hoặc hiện ra thân lớn đầy khắp hư không. Hoặc thân lớn lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, biến hóa khó dò, khiến cho người thấy lấy làm hoan hỉ, được chưa từng có. Thân ở trong hư không lại biến mất, hốt nhiên lại hiện ra ở dưới đất. Vào đất dễ như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, có thể nói nhậm vận tự tại, tùy theo ý muốn. Hai vị vương tử hiện ra đủ thứ biến hóa như thế, mục đích là khiến cho tâm của vua cha được thanh tịnh, sinh tâm hiểu Phật pháp, xả bỏ pháp ngoại đạo.

Khi ấy, người cha thấy thần lực của các người con như thế, thì tâm đại hoan hỉ, được chưa từng có, chắp tay lại hướng về các người con nói rằng : Thầy của các con là ai ? Các con là đệ tử của ai ?
Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm thấy hai người con có thần lực như thế, biến hóa vô cùng, tâm sinh đại hoan hỉ, đắc được cảnh giới áo diệu chưa từng có. Do đó, bèn chắp hai tay lại hướng về hai người con hỏi : ‘’Thầy của các con là ai ? Các con là đệ tử của ai.’’

Hai người con bạch rằng : Thưa đại vương ! Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, nay ở dưới cội bồ đề bảy báu, ngồi ở trên pháp tòa, ở trong tất cả thế gian chúng trời người, diễn nói Kinh Pháp Hoa, là thầy của chúng con, chúng con là đệ tử.

Hai vị Bồ Tát Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn bèn nói với vua Diệu Trang Nghiêm rằng : ‘’Thưa Đại Vương ! Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí đó, hiện nay đang ngồi ở trên pháp tòa, dưới cội bồ đề bảy báu, vì tất cả thế gian chúng trời người diễn nói Kinh Pháp Hoa, Ngài là thầy của chúng con, chúng con là đệ tử của Ngài.’’

Người cha nói với con rằng, nay cha cũng muốn gặp thầy của các con, chúng ta cùng đi với nhau.
Vua Diệu Tang Nghiêm nói với hai người con rằng : ‘’Hiện nay cha cũng muốn đi đến gặp thầy của các con. Các con có thần thông như thế, thì thầy của các con chắc chắn thần thông không thể nghĩ bàn, cha và các con cùng nhau đi đến chốn Phật, để nghe Kinh Pháp Hoa.’’

Hai người con bèn từ hư không xuống, đến chỗ người mẹ chắp tay thưa với mẹ rằng : Thưa mẹ ! Phụ vương nay đã tin hiểu, đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Chúng con đã vì cha mà làm Phật sự, xin mẹ cho phép chúng con ở nơi đức Phật đó, xuất gia tu đạo.

Hai người con của vua Diệu Trang Nghiêm ở trong hư không hiện mười tám biến rồi, từ hư không đi xuống đến chỗ Tịnh Đức phu nhân ở, chắp tay thưa với người mẹ rằng : ‘’Thưa mẹ ! Cha của chúng con, hiện nay chẳng còn tin pháp tà tri tà kiến của ngoại đạo nữa, mà tin Phật pháp, hiểu Phật pháp. Hiện tại cha đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Chúng con đã vì cha làm đại Phật sự. Hy vọng mẹ thấy và nghe rồi, cho phép chúng con anh em hai người đến chỗ Đức Phật, theo Phật xuất gia, tu vô thượng đạo.’’

Bấy giờ, hai người con muốn thuật lại nghĩa trên, bèn nói bài kệ rằng :
Lúc đó, Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn muốn thuật lại ý nghĩa vừa nói ở trên, bèn dùng kệ để nói.

Xin mẹ cho chúng con
Xuất gia làm Sa môn
Chư Phật rất khó gặp
Chúng con theo Phật tu.
Như hoa ưu đàm bát
Gặp Phật càng khó hơn
Khỏi các nạn cũng khó
Xin cho con xuất gia.

‘’Chúng con anh em hai người, xin mẹ từ bi thương xót, cho chúng con xuất gia tu đạo làm Sa môn, sau đó sẽ thành Phật đạo. Sa Môn dịch là siêng tức, tức là siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si. Chư Phật ra đời chẳng dễ gì gặp được. Hiện tại có Phật ra đời, chúng con xin đi theo Phật tu học Phật pháp.
Giống như hoa ưu đàm bát la, ba ngàn năm hoa mới nở một lần, rất khó được gặp. Gặp được Phật cũng khó như thế. Thoát khỏi các hoạn nạn cũng rất khó, hy vọng mẹ đáp ứng yêu cầu của các con, cho phép các con xuất gia tu đạo.’’

Người mẹ nói rằng : Cho các con xuất gia, tại sao ? Vì Phật khó được gặp.
Tịnh Đức phu nhân nói với hai người con rằng : ‘’Tốt lắm ! Mẹ cho phép các con xuất gia tu đạo. Tại sao ? Vì Phật chẳng dễ gì gặp được. Mong rằng sau khi các con xuất gia rồi, ngày đêm tinh tấn tu Bồ Tát đạo.’’

Hai người con bèn thưa với cha mẹ rằng : Lành thay cha mẹ ! Xin cha mẹ đi đến chỗ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, để gần gũi cúng dường. Tại sao ? Vì Phật rất khó gặp được.
Hai người con của vua Diệu Trang Nghiêm nói với cha mẹ rằng : ‘’Lành thay ! Cha mẹ thương yêu chúng con, cho phép chúng con xuất gia tu đạo. Vì không thể báo ân dưỡng dục của cha mẹ, xin cha mẹ tha thứ tội chưa làm tròn bổn phận thiếu thảo. Hy vọng cha mẹ đi đến chỗ đạo tràng của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, để gần gũi, cúng dường Phật. Tại sao ? Vì Phật ra đời, nếu người chẳng có căn lành, thì chẳng dễ gì được gặp.’’

Như hoa ưu đàm bát la, như rùa một mắt gặp lỗ khúc gỗ nổi, mà chúng con phước báu đời trước sâu dày, nên sinh ra được gặp Phật pháp, do đó mà cha mẹ cho chúng con xuất gia tu đạo. Tại sao ? Vì chư Phật rất khó gặp, thời cơ cũng khó gặp.

Giống như hoa ưu đàm bát la, chẳng dễ gì gặp được lúc nở. Hoa này nở ra là tàn liền, thời gian rất ngắn, trong chốc lát thì tàn rụng. Lại giống như con rùa một mắt, ở trong biển cả, muốn tìm lỗ khúc gỗ nổi để nương náu, thật chẳng dễ gì, khó như mò kim dưới đáy biển. Muốn gặp Phật cũng khó khăn như thế.Vì chúng con gieo trồng phước báu trong kiếp trước đặc biệt sâu dày, cho nên sinh vào thời có Phật ra đời, gặp được Phật, nghe được pháp, may mắn thay ! Vì vậy, nên cha mẹ cho phép chúng con xuất gia tu đạo. Vì sao ? Vì chư Phật rất khó gặp, thời cơ khó thấy, đừng để mất cơ hội tốt, phải nắm lấy cơ hội xuất gia tu hành.

Khi đó, tám vạn bốn ngàn người đi theo vua Diệu Trang Nghiêm, thảy đều thọ trì Kinh Pháp Hoa này. Bồ Tát Tịnh Nhãn từ lâu đã thông đạt tam muội pháp hoa, Bồ Tát Tịnh Tạng thì ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, đã thông đạt tam muội ly chư ác thú. Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh, lìa khỏi các đường ác.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói : ‘’Lúc đó, tám vạn người cung nga thể nữ, đi theo vua Diệu Trang Nghiêm thảy đều thọ trì Kinh Pháp Hoa.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: Lúc đó tám vạn bốn ngàn người cung nga thể nữ đi theo vua Diệu Trang Nghiêm, thảy đều thọ trì Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Tịnh Nhãn từ lâu đã thông đạt vô ngại tam muội pháp hoa (pháp quyền thật không hai). Bồ Tát Tịnh Tạng ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, đã thông đạt tam muội ly chư ác thú (bốn đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la). Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi các đường ác.


Phu nhân của vua đắc được chư Phật tập tam muội, biết được tạng bí mật của chư Phật. Hai người con khéo dùng sức phương tiện như thế, để giáo hóa người cha, khiến cho sinh tâm tin hiểu, ưa thích Phật pháp.
Phu nhân của vua đắc được chư Phật tập tam muội, tức là chư Phật ở trong định thuyết pháp, phu nhân cũng thấu hiểu được bảo tàng diệu pháp bí mật không truyền cuả chư Phật nói. Hai vị Bồ Tát Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn dùng phương tiện thiện xảo như thế, để độ hoá người cha cuả các Ngài, khiến cho chúng sinh tín ngưỡng Phật pháp, hiểu rõ ý của Phật pháp, ưa thích Phật pháp và nghiên cứu Phật pháp.

Vua Diệu Trang Nghiêm với quần thần quyến thuộc, Tịnh Đức phu nhân với tùy tùng thể nữ, và hai người con của vua, cùng với bốn vạn hai nghìn người, đều tụ lại cùng nhau, đi đến chỗ đức Phật. Đến rồi, đầu mặt lễ dưới chân Phật, và nhiễu đức Phật ba vòng, rồi đứng qua một bên.
Vua Diệu Trang Nghiêm với quần thần quyến thuộc cùng nhau đi đến chốn Phật. Tịnh Đức phu nhân và cung nga thể nữ cùng quyến thuộc cùng nhau đi đến chốn Phật. Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn và bốn vạn hai ngàn người cùng nhau đi đến chốn Phật. Sau khi đến chỗ Đức Phật rồi, đều năm thể sát đất đảnh lễ Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, sau đó đi nhiễu Phật ba vòng, biểu thị cung kính, rồi lui về một bên, lắng nghe Phật chỉ dạy.

Bấy giờ, đức Phật đó vì vua Diệu Trang Nghiêm nói pháp, chỉ thị giáo hóa, khiến cho vua được lợi ích hoan hỉ, vua rất vui mừng.

Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm và phu nhân cởi chuỗi ngọc châu báu nơi cổ, giá trị trăm ngàn lạng vàng, rải lên trên đức Phật, ở trong hư không hóa thành đài báu bốn trụ. Trong đài có giường báu lớn, giăng bày hàng trăm ngàn vạn thứ y trời. Trên đó, có đức Phật ngồi kiết già, phóng đại quang minh.
Lúc đó, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, vì vua Diệu Trang Nghiêm nói pháp, chỉ thị giáo hoá, khiến cho vua đắc được lợi ích, sinh tâm hoan hỉ và rất vui mừng.

Lúc đó, Vua Diệu Trang Nghiêm và phu nhân Tịnh Đức cởi xâu chuỗi ngọc châu báu đang đeo nơi cổ giá trị trăm ngàn lạng vàng rải lên cúng dường Đức Phật. Chuỗi ngọc châu báu đó, ở trong hư không hóa thành đài báu bốn trụ (biểu thị cho tứ hoằng thệ nguyện), ở trong đài báu có giường báu lớn, trên giường báu bày hàng trăm ngàn vạn thứ y trời, ở trên đó có Phật ngồi kiết già phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương thế giới.

Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ như vầy : Thân Phật rất ít có, đoan chánh trang nghiêm đặc thù, thành tựu sắc thân vi diệu bậc nhất.

Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ như vầy: Thân Phật phóng quang ít có trong thế gian. Dung mạo của Phật đoan chánh trang nghiêm, vừa thù thắng vừa tốt đẹp, thành tựu sắc thân vi diệu bậc nhất. Phật có ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp. Những tướng trang nghiêm thân đó, do sự tu hành mà có được, do đó có câu:
"Ba tăng kỳ tu phước huệ,
Trăm kiếp trồng tướng tốt".

Lúc đó, đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, bảo bốn chúng rằng : Các ông có thấy vua Diệu Trang Nghiêm, đang chắp tay đứng ở trước ta chăng! Ông vua này, ở trong pháp của ta xuất gia làm Tỳ Kheo, siêng năng tu tập, giúp Phật hoằng dương Phật pháp, sẽ được thành Phật hiệu là Sa La Thụ Vương, cõi nước tên là Đại Quang, kiếp tên là Đại Cao Vương.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “66. Phẩm Bổn Sự Của Bồ Tát Vua Diệu Trang Nghiêm Thứ Hai Mươi Bảy - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com