Mục Lục
Lúc đó, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói với bốn chúng rằng : ‘’Các con có thấy vua Diệu Trang Nghiêm đang chắp tay ở trước ta chăng ?Ông vua này ở trong pháp của ta xuất gia làm Tỳ Kheo, tinh tấn siêng năng tu tập Phật pháp, giúp Phật hoằng dương chánh pháp, tương lai sẽ chứng được quả vị Phật, hiệu là Sa La Thụ Vương Phật, cõi nước tên là Đại Quang, kiếp tên là Đại Cao Vương.
Đức Phật Sa La Thụ Vương đó, có vô lượng chúng Bồ Tát, và vô lượng hàng Thanh Văn, cõi nước đó bằng phẳng, công đức như thế.
Vị Phật Sa La Thụ Vương đó, có vô lượng đệ tử Bồ Tát, có vô lượng đệ tử Thanh Văn. Cõi nước Đại Quang đó bằng phẳng, chẳng có chỗ lồi lõm. Hết thảy công đức trang nghiêm như thế.
Vua Diệu Trang Nghiêm lập tức đem cõi nước giao cho người em, cùng với phu nhân, hai người con, và các quyến thuộc, ở trong Phật pháp xuất gia tu đạo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói : ‘’Vua Diệu Trang Nghiêm sau khi nghe Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói như thế rồi, thì lập tức xả bỏ ngôi vua, đem đất nước giao phó cho người em cai trị, cùng phu nhân, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, hai người con và các quyến thuộc, xuất gia tu đạo với Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.’’
Vua xuất gia rồi, ở trong tám vạn bốn ngàn năm, thường siêng năng tinh tấn, tu hành Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trải qua thời gian đó rồi, đắc được tam muội nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm, bèn thăng lên hư không, cao khoảng bảy cây đa la, mà bạch với đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Hai người con của con đây, đã làm việc Phật sự, dùng thần thông biến hóa chuyển hóa tâm tà của con, khiến cho con an trụ vào trong Phật pháp, được thấy đức Thế Tôn.
Sau khi Vua Diệu Trang Nghiêm xuất gia rồi, ở trong tám vạn bốn nghìn năm, thường siêng năng tinh tấn, chẳng giải đãi, dũng mãnh tinh tấn tu hành Kinh Pháp Hoa. Qua thời gian đó rồi, đắc được tam muội nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm, bèn vọt lên trong hư không cao khoảng bảy cây đa la (khoảng 49 trượng), bèn nói với Phật rằng : ‘’ Đức Thế Tôn ! Hai người con của con đây, trong quá khứ đã làm Phật sự, hai vị đó dùng sức thần thông chuyển hóa tâm tà của con, khiến cho con được an ổn trụ trong Phật pháp. Nhờ vậy mà con mới được thấy Đức Thế Tôn !’’
Hai người con đây là thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành trong quá khứ, lợi ích cho con, mà đến sinh vào nhà con.
Vua Diệu Trang Nghiêm nói với Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Hai người con đây là thiện tri thức của con. Hai vị đó vì muốn phát khởi căn lành của con trong quá khứ, vì lợi ích cho nên mới đến sinh vào nhà của con. Nếu chẳng có hai vị đó khuyên hóa, thì con vẫn còn tin pháp tà’’
Bây giờ, đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, bảo vua Diệu Trang Nghiêm rằng : Như thế, như thế ! Như lời ông nói. Nếu người thiện nam, người thiện nữ, gieo trồng căn lành, thì đời đời được gặp thiện tri thức. Thiện tri thức đó, hay làm Phật sự, khai thị giáo hóa, khiến cho được lợi ích, sinh tâm hoan hỉ, khiến cho được vào A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Lúc đó, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí bảo Vua Diệu Trang Nghiêm rằng : ‘’Như thế, như thế ! Đúng như lời ông nói. Nếu như có người thiện nam, người thiên nữ, vì gieo trồng căn lành, cho nên đời đời kiếp kiếp đều được gặp thiện tri thức. Bậc thiện tri thức đó, dều hay làm đại Phật sự, khai thị chúng sinh, giáo hoá chúng sinh, lợi ích chúng sinh, khiến cho chúng sinh, sinh tâm hoan hỉ, khiến cho vào A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.’’
Đại vương nên biết ! Bậc thiện tri thức là đại nhân duyên, hay giáo hóa khiến cho được gặp Phật, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ bề.
Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói : ‘’Đại Vương ! Ông nên biết, bậc thiện tri thức là đại nhân duyên.’’ Thiện tri thức là gì ? Nói đơn giản là giáo hóa chúng sinh, xa lìa tội lỗi mười điều ác, tu hành pháp thập thiện. Người học Phật pháp, phải có mắt chọn pháp, phàm là đại công vô tư, tất cả vì chúng sinh, đó là thiện tri thức. Nếu ích kỷ, chuyên nghĩ về lợi ích cho mình, đó tức là ác tri thức. Phải gần gũi thiện tri thức, xa lìa ác tri thức, nhận thức rõ ràng mới không bị họ hại mà được sự lợi ích.
Thiện tri thức hay giáo hóa dẫn dắt chúng sinh, thấy Phật nghe pháp, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Thiện Tài đồng tử đi tham vấn năm mươi ba vị thiện tri thức, đi khắp nơi cầu pháp, làm thế nào phát bồ đề tâm, làm thế nào hành Bồ Tát đạo, cuối cùng chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đại vương ! Ông có thấy hai người con này chăng ! Hai người con này đã từng cúng dường, sáu mươi lăm trăm ngàn vạn ức na do tha Hằng hà sa chư Phật, gần gũi cung kính, ở chỗ chư Phật thọ trì Kinh Pháp Hoa, thương xót những chúng sinh tà kiến, mà khiến cho họ trụ vào chánh kiến.
‘’Đại Vương ! Ông có thấy hai người con này của ông chăng ? Hai vị đó trong quá khứ, đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn vạn ức na do tha Hằng hà sa các Đức Phật, gần gũi chư Phật, cung kính chư Phật, ở trong đạo tràng của chư Phật, đời đời kiếp kiếp đều thọ trì Kinh Pháp Hoa, thương xót những chúng sinh có tư tưởng tà kiến, khiến cho họ trụ vào chánh kiến ở trong Phật pháp.’’
Vua Diệu Trang Nghiêm bèn từ hư không đi xuống, mà bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Như Lai rất ít có, do nhờ công đức trí huệ, nên nhục kế ở trên đỉnh phóng ra quang minh chiếu sang, mắt của Ngài dài và rộng, có màu sắc xanh biếc, tướng hào quang giữa chặng mày trắng như ngọc kha, răng trắng vừa đều vừa khít, thường có quang minh, môi màu đỏ tươi như quả tần bà.
Vua Diệu Trang Nghiêm bèn từ hư không đi xuống, đến trước Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, bạch rằng: ‘’Đức Thế Tôn ! Như Lai rất ít có. Vì có tất cả công đức và nhất thiết trí huệ, cho nên trên đỉnh của Như Lai có tướng nhục kế, phóng quang minh, chiếu khắp mười phương. Mắt của Như Lai vừa dài vừa rộng, màu sắc xanh biếc. Giữa chặng mày của Như Lai có tướng hào quang trắng như ngọc kha. Răng của Như Lai vừa trắng, vừa đều, vừa khít, thường phóng quang minh. Môi của Như Lai màu đỏ tươi như quả tần bà.’’
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm khen ngợi vô lượng trăm ngàn vạn ức công đức của Phật như thế rồi, ở trước Như Lai một lòng chắp tay lại, bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Chưa từng có vậy, pháp của Như Lai thành tựu đầy đủ công đức vi diệu không thể nghĩ bàn, giáo hóa chúng sinh, khiến cho được an ổn, vui sướng.
Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm khen ngợi Phật có vô lượng công đức như thế rồi, ở trước Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, một lòng chắp tay bạch Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Con chưa bao giờ thấy thân sắc đẹp trang nghiêm của Như Lai. Pháp của Như Lai nói rất viên mãn, thành tựu đầy đủ công đức vi diệu không thể nghĩ bàn. Giáo hóa chúng sinh, đừng làm các điều ác, làm các việc lành, khiến cho chúng sinh được an ổn, vui sướng.’’
Bắt đầu từ nay, con chẳng tùy thuận tâm hành của mình nữa, chẳng sinh tâm tà kiến, kiêu mạn sân hận điều ác. Nói như thế rồi, bèn lễ Phật lui ra.
Vua Diệu Trang Nghiêm nói : ‘’ Từ nay trở đi, con chẳng tùy thuận vọng tâm đi làm việc nữa, chẳng theo tâm điên đảo làm việc nữa. Từ nay về sau chẳng sinh tâm tà kiến, chẳng sinh tâm kiêu mạn, chẳng sinh tâm ngã mạn, chẳng sinh tâm sân hận. Tóm lại, chẳng sinh tâm ác.’’ Vua Diệu Trang Nghiêm nói như thế rồi, năm thể lễ Phật sát đất, lễ rồi lui đứng về một bên, đợi Phật khai thị.
Đức Phật bảo đại chúng ! Ý của các ông thế nào ? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải là ai khác, nay là Bồ Tát Hoa Đức, còn phu nhân Tịnh Đức, nay là Bồ Tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, đang ở trước đức Phật. Vì thương xót vua Diệu Trang Nghiêm và các quyến thuộc, nên sinh vào ở trong nước đó.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với đại chúng trong hội Pháp Hoa rằng : ‘’Trong tâm của đại chúng, các ông như thế nào ? Vua Diệu Trang Nghiêm mà ta nói đó, các ông có biết là ai chăng ? Tức hiện tại là Bồ Tát Hoa Đức này vậy. Còn Tịnh Đức phu nhân, tức hiện tại là Bồ Tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng đang ở trước Phật vậy, vì thương xót vua Diệu Trang Nghiêm và tất cả quyến thuộc, cho nên sinh vào ở trong nước đó, để làm vợ của vua, cảm hóa vua Diệu Trang Nghiêm cải tà quy chánh, tin sâu Phật pháp, thọ trì Kinh Pháp Hoa.’’
Hai người con Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn, nay là Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng, thành tựu các công đức lớn như thế. Đã từng ở chỗ vô lượng trăm ngàn vạn ức các đức Phật, trồng các gốc công đức, thành tựu các công đức lành không thể nghĩ bàn.
Hai người con của vua là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn, các ông có biết là ai chăng ? Tức là Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng này vậy. Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng thành tựu các công đức lớn như thế, thật là không thể nghĩ bàn. Hai vị đó đã từng ở chốn đạo tràng của vô lượng trăm ngàn vạn ức các Đức Phật, trồng các căn lành, trồng các gốc công đức, thành tựu các công đức lành không thể nghĩ bàn.
Nếu có ai biết được danh hiệu của hai vị Bồ Tát này, thì tất cả thế gian chư thiên, nhân dân, cũng nên lễ bái.
Nếu như có người nào, biết được hoặc nghe được danh hiệu của hai vị Bồ Tát đó, trì nơi tâm, nhớ mãi không quên, thì tấ cả chư thiên loài người, đều nên lễ bái Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng.
Khi đức Phật nói Phẩm Bổn Sự của Vua Diệu Trang Nghiêm, thì có tám vạn bốn ngàn người xa lìa trần cấu, ở trong các pháp đắc được pháp nhãn thanh tịnh.
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, thì có tám vạn bốn ngàn người đắc được pháp ích, xa lìa trần lao, thoát khỏi trần cấu, ở trong các pháp đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Quán sát được tất cả pháp thế gian là vô thường, khổ không, vô ngã. Biết được pháp xuất thế là thường, lạc, ngã, tịnh.
HT Tuyên Hóa