Mục Lục

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng.
Lúc đó, Đức Phật muốn thuật lại nghĩa lý vừa nói ở trên, bèn dùng kệ để nói.

Người đó mũi thanh tịnh
Ở trong thế giới này
Hoặc vật thơm hay hôi
Các thứ đều ngửi được.

Vị pháp sư đó thọ trì Kinh Pháp Hoa, có căn mũi rất thanh tịnh. Ở trong thế giới này, hoặc là vật thơm, hay là vật hôi thối, các thứ mùi vị đều hoàn toàn ngửi được, chẳng có sai lầm.
Căn mũi chẳng bị hương trần làm ô nhiễm, thì sẽ có cảnh giới sáu căn hổ dụng với nhau. Sáu căn dụng với nhau như thế nào ? Tức là con mắt có thể nghe được, lỗ tai thấy được, lỗ mũi nếm được, lưỡi ngửi được mùi hương, thân thể biết các pháp, ý thức xúc giác. Đó là cảnh giới sáu căn dụng với nhau. Mỗi một căn đều có tác dụng sáu căn, bạn nói có diệu chăng ? Kỳ thật, một chút cũng chẳng diệu, người tu đạo tu đến hỏa hầu, thì đều sinh ra tác dụng như thế, chẳng có thần bí gì cả, chỉ bất quá phương diện sinh lý khởi biến hóa mà thôi.

Một số người chỉ biết mắt thấy hình sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp. Nếu nói với họ cảnh giới sáu căn hổ dụng với nhau, thì họ cho rằng là người ngu nói mộng, việc chẳng thể nào có. Đến khi họ tu đến cảnh giới này, thì chẳng nói họ cũng biết; cho nên Phật pháp chẳng phải ở lời nói, mà ở tại thực hành. Đến lúc đó, thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, ngửi mà chẳng ngửi, nếm mà chẳng nếm, xúc mà chẳng xúc, duyên mà chẳng duyên. Chẳng bị cảnh giới chuyển, mới có sự sáu căn hổ tương dụng với nhau.

Tu mạn na xa đề
Đa ma la chiên đàn
Trầm thủy và hương quế
Các thứ hương hoa quả.
Hương hoa tu mạn na, hương hoa xà đề, hương đa ma la, mùi hương chiên đàn, mùi hương trầm thủy, mùi hương cây quế, các thứ hương của hoa, các thứ mùi hương của trái cây. Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa ngửi, thì sẽ biết được là mùi hương cây cỏ gì.

Và hương các chúng sinh
Hương người nam người nữ
Người thuyết pháp ở xa
Ngửi hương biết chỗ nào.
Lại biết được mùi hương của chúng sinh, như mùi hương của ngựa, trâu, dê .v.v... lại biết được mùi hương của người nam người nữ. Vị pháp sư diễn nói Kinh Pháp Hoa, tuy ở nơi xa mà khi ngửi đến mùi hương, thì biết được mùi hương ở đâu.

Đại thế chuyển luân vương
Tiểu chuyển luân và con
Quần thần các cung nhân
Ngửi hương biết chỗ nào.
Chuyển Luân Thánh Vương phân làm bốn loại : Kim luân vương cai trị bốn thiên hạ, Ngân luân vương cai trị ba thiên hạ, Đồng luân vương cai trị hai thiên hạ, Thiết luân vương cai trị một thiên hạ. Kim Luân Vương là đại thế chuyển luân vương, có một ngàn thái tử, lại có bảy báu :
1). Bánh xe báu.
2). Voi báu.
3). Ngựa báu.
4). Châu báu.
5). Nữ báu.
6). Kho tàng báu.
7). Binh báu.

Còn ba luân kia đều là tiểu chuyển luân vương. Đại chuyển luân vương, tiểu chuyển luân vương, ngàn người con, quần thần, cung nhân .v.v... Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi thì biết được chỗ nào. Do đó, có thể chứng minh lỗ mũi cũng có công năng của mắt.

Thân mang các châu báu
Và tạng báu trong đất
Chuyển luân vương nữ báu
Ngửi hương biết ở đâu.
Trên thân mang tất cả châu báu, tất cả kho tàng châu báu ẩn tàng dưới đất và hành tung của chuyển luân thánh vương và nữ báu ở đâu, khi vị pháp sư đó ngửi mùi hương thì sẽ biết rõ.

Mọi người thân trang sức
Quần áo và chuỗi ngọc
Và các thứ hương xoa
Ngửi hương đều biết rõ.
Những người ở trên trời và ở tại nhân gian, dùng đồ vật để trang sức, như quần áo, chuỗi ngọc, và các thứ hương xoa. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi thì sẽ biết thân họ trang sức đồ gì.

Chư thiên đi hoặc ngồi
Đùa giỡn và thần biến
Người trì kinh pháp này
Ngửi hương đều biết được.
Chư thiên trong ba cõi, hoặc đi, hoặc ngồi thiền, hoặc đùa giỡn, hoặc thân biến. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì sẽ biết được họ đang làm gì.

Các cây hoa quả thật
Và dầu tô hương vị
Người trì kinh ở đây
Biết rõ ở chỗ nào.
Hết thảy tất cả cây, hoa, quả thật và mùi hương dầu tô thắp đèn. Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa ở nơi đây, một khi ngửi mùi hương thì hoàn toàn biết được ở chỗ nào.

Nơi núi sâu nguy hiểm
Cây chiên đàn nở hoa
Chúng sinh ở trong đó
Ngửi hương đều biết được.
Ở chỗ thâm sơn cùng cốc rất nguy hiểm, có cây chiên đàn nở hoa rất sum sê rất thơm tho. Tất cả chúng sinh ở trong thâm sơn làm gì, vị pháp sư đó ngửi mùi hương thì hoàn toàn biết rõ.

Núi Thiết Vi biển cả
Các chúng sinh trong đất
Người trì kinh ngửi hương
Đều biết ở chỗ nào.
Núi Thiết Vi và biển cả, và tất cả chúng sinh ở trong đất. Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, một khi ngửi mùi hương thì hoàn toàn biết họ đang ở đâu, chẳng sai lầm.

Nam nữ A tu la
Và quyến thuộc của họ
Khi đấu tranh vui đùa
Ngửi hương đều biết được.
Nam nữ A tu la đều có tâm thích đấu tranh. Nếu có việc bất như ý thì họ nổi giận, như phu nhân của Đế Thích là con gái của vua A tu la, cô ta rất đố kỵ, thường nổi giận với Đế Thích, thậm chí phát sinh chiến tranh. Nam nữ A tu la và quyến thuộc khi đùa giỡn, tranh đấu để làm trò chơi, nổi giận để làm tiêu khiển, vẫn làm thường xuyên chẳng thấy có gì quái lạ. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì biết được tình hình của họ.

Nơi khoáng dã nguy hiểm
Sư tử voi hổ lang
Bò hoang trâu nước thảy
Ngửi mùi biết chỗ ở.
Ở nơi khoáng dã không có người, hoặc ở nơi nguy hiểm. Hoặc có sư tử, voi, cọp, sài lang, hoặc bò hoang, trâu nước .v.v... Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì biết nơi của chúng ở.

Nếu có người mang thai
Chưa biết trai hay gái
Vô căn và phi nhân
Ngửi hương đều biết được.
Nếu như có người nữ đã mang thai, mà chẳng biết được là trai hay gái, hoặc là quỷ thai hoặc là quái thai. Vị pháp sư đó vì thọ trì Kinh Pháp Hoa, một khi ngửi mùi hương thì sẽ biết được rõ ràng, chẳng phán đoán sai lầm.

Bởi nhờ sức ngửi hương
Biết được sự mang thai
Thành tựu chẳng thành tựu
An lạc sinh quý tử.
Vì nhờ sức ngửi hương mà biết được tình hình khi mang thai, thành tựu hay chẳng thành tựu, ngửi mùi hương thì sẽ biết. Giống như trái cây, chín thì sẽ rụng xuống, chưa chín thì không thể rụng xuống. Đây là hiện tượng tự nhiên, không thể ép buộc để sinh ra thì rất nguy hiểm cho mẹ và con. Hiện tại sự phá thai rất là nhiều, đây là việc bất nhân đạo nhất. Những người đó đã gieo trồng xuống nhân quả rất là ác độc.
Thai nhi ở trong bụng mẹ mười tháng mới thành tựu, có thể sinh ra, mẹ con nhất định bình an. Nếu bảy tháng mà sinh ra thì chẳng thành tựu, đứa bé khó mà nuôi sống, người mẹ khi sinh con thì rất nguy hiểm. Nếu quy y Tam Bảo, đọc tụng kinh điển, thì sẽ an lạc sinh ra con có phước báu.

Bởi nhờ sức ngửi hương
Biết nam nữ nghĩ gì
Tâm nhiễm dục si sân
Cũng biết người tu thiện.
Bởi nhờ sức ngửi mùi hương, nên biết được người nam nghĩ gì ? Và biết được người nữ nghĩ gì ? Chẳng ngoài những sự nghĩ tưởng là nhiễm dục. Vì ngu si mới nghĩ việc trai gái hoặc sân hận. Các tâm lý như thế, vị pháp sư đó hoàn toàn biết rõ và cũng biết người nào tu pháp lành.

Trong đất có kho tàng
Vàng bạc các châu báu
Đồ đồng dùng đựng chứa
Ngửi hương đều biết được.
Lại biết kho tàng châu báu ẩn tàng dưới lòng đất, hoặc là mỏ vàng, mỏ bạc, hoặc các châu báu. Trong đồ đồng đựng chứa những gì ? Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì đều biết được.

Đủ thứ các chuỗi ngọc
Không biết được giá cả
Ngửi hương biết tốt xấu
Xuất xứ và ở đâu.
Đủ các thứ chuổi ngọc, chuỗi ngọc dùng bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não) chế thành, thường đeo ở trên cổ, là đồ trang sức. Lúc Phật còn tại thế, ở Ấn Độ nhà quý tộc đều mang, đó là biểu thị sự trang nghiêm. Các vị thấy đó ! Các vị Bồ Tát trên thân đều có chuỗi ngọc. Trong Phẩm Phổ Môn có nói : ‘’Bồ Tát Vô Tận Ý, cởi sâu chuỗi quý báu trên cổ, giá trị trăm ngàn lượng vàng, cúng dường cho Bồ Tát Quán Thế Âm !‘’
Giá trị của chuỗi ngọc, phàm phu chẳng biết được giá cả, chẳng biết là quý, cũng chẳng biết là chẳng quý, chẳng cách chi biết được giá là bao nhiêu. Nhưng vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì biết được là quý báu, hay tầm thường, hạt châu báu sinh sản ở đâu, và bây giờ ở đâu ?

Các thứ hoa trên trời
Mạn đà mạn thù sa
Cây ba lợi chất đa
Ngửi hương đều biết được.
Trên cõi trời Đao Lợi có rất nhiều cây hoa, như hoa tiểu bạch và hoa tiểu hồng, hoặc cây thiên thụ vương .v.v... Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì hoàn toàn biết được.

Các cung điện trên trời
Thượng trung hạ khác nhau
Các hoa báu trang nghiêm
Ngửi hương đều biết được.

Trên cõi trời Đao Lợi có rất nhiều cung điện, nhưng phân ra ba hạng, thượng trung và hạ khác nhau. Bất cứ cung điện gì, dùng thứ báu gì, và các thứ hoa gì để trang nghiêm. Vị pháp sư đó ngửi mùi hương thì sẽ biết được.
Vườn rừng Thắng Điện trời
Các quán Diệu Pháp Đường
Vui đùa ở trong đó
Ngửi hương đều biết được.
Trong vườn hoa trên trời Đao Lợi, tất cả cây lớn đều dùng bảy báu trang nghiêm. Gốc cây dùng ngọc làm thành, lá dùng vàng bạc làm thành, hoa dùng trân châu làm thành, quả dùng mã não làm thành. Thắng Điện trong vườn là nơi vui đùa của người trời. Các quán và Diệu Pháp Đường là nơi luận sự của người trời. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi, thì biết tình hình người trời đang vui đùa trong đó.

Hoặc chư thiên nghe pháp
Hoặc khi thọ năm dục
Lai vãng đi ngồi nằm
Ngửi hương đều biết được.
Chư thiên thường đến Diệu Pháp Đường, nghe Thích Đề Hoàn Nhân giảng Phật pháp, hoặc khi ở tại Thắng Điện hưởng thọ năm dục, hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi thiền, hoặc nằm, các thứ tư thế. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi thì đều biết rõ.

Y phục thiên nữ mặc
Hương hoa quý trang nghiêm
Khi đi dạo du hí
Ngửi hương đều biết được.
Y phục của thiên nữ mặc, vừa nhẹ lại rất đẹp, đều dùng hoa hương quý để trang nghiêm, hương thơm tỏa khắp, họ chẳng những xinh đẹp mà còn duyên dáng. Khi họ đi dạo, du hí nhảy múa, khoái lạc vô cùng. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương, thì hoàn toàn biết được tình hình khi họ du hí.

Như vậy lần lượt lên
Cho đến trời Phạm Thế
Người nhập thiền xuất thiền
Ngửi hương đều biết được.
Như vậy, lần lượt lên cho đến sắc giới trời Phạm Thế, hoặc người nhập thiền định, hoặc người xuất thiền định. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương, thì hoàn toàn biết được. Người trên cõi trời đều tu thiền định. Án chiếu theo sự thô tế sâu cạn của thiền định để quyết định, hoặc thăng đi lên, hoặc đi xuống. Trời sơ thiền gọi là Ly sinh hỷ lạc địa, tức là lìa khỏi sự khoái lạc của chúng sinh cõi dục giới, mà sinh ra khoái lạc đặc biệt. Trời nhị thiền gọi là Định sinh hỷ lạc địa, ở trong định đắc được sự hỷ lạc không gì sánh bằng. Đây là thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn, chẳng đói chẳng khát. Trời tam thiền là Ly hỷ diệu lạc địa, lìa khỏi cảnh giới nhị thiền, đắc được sự khoái lạc không thể tả. Trời tứ thiền gọi là Xả niệm thanh tịnh địa, xả bỏ tâm niệm khoái lạc, đạt đến chỗ vô vi mà vô bất vi, trong tâm rất thanh tịnh, chẳng có tạp nhiễm. Đây là cảnh giới sơ bộ của thiền định, vẫn còn là cảnh giới của phàm phu, chứ chẳng phải là cảnh giới của Thánh nhân. Nếu tiếp tục nỗ lực dụng công, thì khi đạt đến trời Ngũ Bất Hoàn, mới nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính, ngược dòng phàm phu lục trần.

Trời Quang Âm Biến Tịnh
Cho đến trời Hữu Đỉnh
Sơ sinh và đến chết
Ngửi hương đều biết được.
Một số người chỉ biết trời ở trên đầu, mà chẳng biết ngoài cõi trời, lại có cõi trời khác, trong vũ trụ có vô lượng cõi trời. Trong kinh Phật có nói, tại dục giới có sáu cõi trời, tại sắc giới có mười tám cõi trời, tại vô sắc giới có bốn cõi trời, tổng cộng có hai mươi tám cõi trời, đó là nói theo nghĩa hẹp. Nếu nói theo nghĩa rộng, thì có vô lượng cõi trời. Trong mỗi cõi trời có một Thiên chúa. Ngoại đạo chỉ biết một Thiên chúa, kỳ thật có vô lượng Thiên chúa.

Thiên chúa ở trong Phật giáo, bất quá là một vị thần hộ pháp mà thôi, địa vị rất thấp, thân phận ở trước Phật chỉ có đứng, chứ chẳng có tư cách ngồi. Tại sao ? Vì ông ta là thần hộ pháp ! Giống như Bồ Tát Vi Đà, Bồ Tát Già Lam, tay cầm chùy báu kim cang, đứng ở trước Phật để bảo hộ Phật.

Trời Quang Âm là từng trời thứ sáu của sắc giới. Người trời ở đây dùng ánh sáng (hào quang) để nói chuyện, đại biểu cho tiếng nói. Trời Biến Tịnh là từng trời thứ chín của sắc giới, người trời ở cõi này, biến khắp đắc được an lạc thanh tịnh. Trời Hữu Đỉnh là từng trời thứ tư của vô sắc giới, cũng là từng trời thứ hai mươi tám của tam giới, là từng trời cao nhất, gọi là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Tuổi thọ của cõi trời là tám vạn đại kiếp, song đến lúc đọa lạc thì chiếu theo sự thọ khổ luân hồi. Ngoại đạo cho rằng đây là cảnh giới cao nhất. Ra khỏi cõi trời này, mới có thể chấm dứt phân đoạn sinh tử, đến bực vô học thì chứng được tứ quả A La Hán, đoạn sạch kiến tư (thấy, nghĩ) hai hoặc. Do đó, có câu : ‘’Các lậu đã sạch, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân sau nữa.’’ Đây là cảnh giới A La Hán.

Cõi trời mà chúng ta thấy là trời Tứ Thiên Vương. Hướng đông là Trì Quốc Thiên Vương, hướng tây là Quảng Mục Thiên Vương, hướng nam là Tăng Trưởng Thiên Vương, hướng bắc là Đa Văn Thiên Vương. Mỗi vị Thiên vương có tám đại tướng quân, trấn giữ bốn hướng cõi trời Đao Lợi, phòng giữ binh A tu la xâm phạm. Bồ Tát hộ pháp Vi Đà, là một trong ba mươi hai đại tướng, Ngài ở trong một ngàn vị Phật ở Hiền kiếp, sẽ là vị Phật cuối cùng, danh hiệu là Lâu Chí Phật.

Thời gian một ngày đêm ở cõi trời Tứ Thiên Vương, thì đồng ở nhân gian năm mươi năm, tuổi thọ ở cõi trời này là năm trăm tuổi, như vậy tính theo ở nhân gian, tức là chín trăm hai mươi hai vạn năm ngàn năm. Còn tuổi thọ của các cõi trời khác cứ theo số này mà nhân lên.
Từ sơ sinh ban đầu đến cõi trời và đến lúc chết, năm tướng suy phát hiện là ngừng. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi hương thì hoàn toàn biết được rất rõ ràng chẳng có sai lầm.

Các chúng Tỳ Kheo thảy
Với pháp thường tinh tấn
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Và đọc tụng kinh điển.
Tất cả Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni .v.v... đối với Phật pháp rất dũng mãnh tinh tấn, tu trì học tập, chẳng có giải đãi, hoặc ngồi thiền, hoặc đi kinh hành, hoặc đọc tụng kinh điển, rất dụng công chẳng có lười biếng giải đãi, do đó :

‘’Siêng tu giới định huệ,
Diệt trừ tham sân si.’’

Hoặc dưới cây trong rừng
Chuyên tinh tấn ngồi thiền
Người trì kinh ngửi hương
Đều biết họ ở đâu.
Họ ở dưới cây lớn trong rừng, chuyên nhất tinh tấn ngồi thiền. Vì trong rừng thanh tịnh, không khí mát mẻ, dễ đắc được tam muội khinh an. Có người hỏi : ‘’Nhập định và ngủ có gì khác nhau ?‘’ Khi nhập định thì trong tâm biết, ngồi ngay ngắn, thân chẳng lay động, đầu chẳng cúi chẳng nghiêng. Đó là cảnh giới tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch. Khi ngủ thì gì cũng chẳng biết, thậm chí còn ngáy như sấm, tư thế ngược lại. Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, một khi ngửi mùi hương, thì biết họ đang ở đâu, tu trì pháp môn gì.

Bồ Tát chí vững chắc
Ngồi thiền hoặc đọc tụng
Hoặc vì người nói pháp
Ngửi hương đều biết được.
Bồ Tát phát bồ đề tâm hành Bồ Tát đạo, chí nguyện rất vững chắc, bất cứ gặp chướng ngại gì cũng chẳng sinh tâm thối chuyển. Bất cứ là ngồi thiền, hoặc đọc tụng kinh điển, hoặc vì người nói pháp. Vị pháp sư đó một khi ngửi mùi hương thì biết rõ.

Thế Tôn trong mười phương
Được tất cả cung kính
Thương chúng mà nói pháp
Ngửi hương đều biết được.
Trong thế giới mười phương, bất cứ Đức Thế Tôn ở phương nào, đều được tất cả chúng sinh cung kính. Vì thương xót chúng sinh, nên Phật vì chúng sinh mà diễn nói diệu pháp liễu sinh thoát tử, lìa khổ được vui. Vị pháp sư đó một khi ngửi mùi hương, thì biết được Đức Phật đó ở phương nào.

Chúng sinh ở trước Phật
Nghe kinh đều hoan hỷ
Như pháp mà tu hành
Ngửi hương đều biết được.
Hết thảy chúng sinh ở trước Phật, nghe Phật diễn nói kinh điển, đều hoan hỷ nhảy nhót vui mừng. Sau khi nghe kinh rồi, y theo pháp mà tu hành. Vị pháp sư đó, một khi ngửi mùi đều biết được người nào y theo pháp tu hành. Lỗ mũi thì có công năng của mắt và tai, thấy được nghe được. Bạn nói có diệu chăng ? Kinh Diệu Pháp Liên Hoa diệu không thể tả !

Tuy chưa được vô lậu
Pháp sinh tỷ Bồ Tát
Mà người trì kinh này
Trước được tướng mũi này.
Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, tuy chưa chứng được Bồ Tát vô lậu pháp sinh tỷ. Vì thọ trì kinh này nên trước hết đắc được tướng mũi này.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi. Hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc dở, và các đồ đắng cay, khi đến căn lưỡi, thì đều biến thành vị thượng diệu như là cam lồ, chẳng có gì mà không ngon.
Đức Phật gọi một tiếng Thường Tinh Tấn Bồ Tát ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì bộ Kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng kinh này, hoặc giải nói kinh này, hoặc biên chép kinh này. Y chiếu theo đạo lý của Kinh Pháp Hoa mà tu hành, thì sẽ chứng được một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi. Lưỡi chẳng những nói pháp được, mà còn nói diệu pháp viên dung vô ngại, cho nên công đức của lưỡi rất lớn, đầy đủ viên mãn.

Lưỡi có công đức nói pháp, cũng nói chuyện thị phi tạo tội nghiệp. Nếu không nói pháp mà nói thị phi, thì có một vạn hai ngàn tội lỗi. Tại sao ? Vì lưỡi có thể nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, chưởi mắng, càng tạo càng nhiều, tạo thành vô lượng vô biên tội lỗi. Lưỡi tạo nghiệp ác, thì ăn đồ vật chẳng biết mùi vị, chẳng phân biệt được đắng cay chua mặn ngọt năm vị. Bất cứ hương vị đồ ăn như thế nào cũng chẳng biết. Nếu lưỡi tạo công đức lành, thì biết mùi vị của vật ăn ngon hay là dở. Bất cứ là tốt hoặc là xấu, chẳng màng là vị đắng, hay vị cay, một khi đến căn lưỡi, thì thức ăn thức uống đều biến thành vị ngon thượng diệu, hương thơm ngon ngọt như là cam lồ, chẳng có mùi vị không ngon.
Chữ đắng và chữ khổ tuy khác, song nghĩa vẫn là một, do đó có câu :

‘’Ăn khổ trong sự khổ,
Mới là người hơn mọi người khác.’’

Có hai câu thơ hình dung người siêng năng khổ sở học hành :

‘’Thọ tận thập niên hàn song khổ
Nhất cử thành danh thiên hạ tri.’’

Nghĩa là :

Mười năm khổ cực để học hành,
Một khi đỗ đạt thiên hạ đều biết.

Người thời xưa học hành là một người khổ học tại thư phòng, học Tứ Thư, Ngũ Kinh; ngày cũng học đêm cũng học, chẳng có nghỉ ngơi, chẳng có chơi lêu lổng với bạn bè, cũng chẳng vui đùa tiêu khiển, do đó có câu :

‘’Tam canh đăng hỏa ngũ canh kê,
Chánh thị nam nhi lập chí thời.’’

Dụng công như thế trải qua mười năm khổ sở lạnh lẽo, học vấn phong phú. Đến khi thi cử thì tam nguyên cập đệ, bảng vàng đề danh tiếng trạng nguyên. Lúc đó, thiên hạ ai ai cũng biết người đó trúng trạng nguyên, sáng lạng tổ tông. Trước kia chẳng có ai biết là khổ, bây giờ thiên hạ biết là ngọt, do đó ‘’khổ tận cam lai.’’ Nghĩa là hết khổ đến sướng. Trước kia người nghèo thì học văn, người giàu thì học võ, cho nên mới nói hàn song khổ.

Hoặc dùng căn lưỡi ở trong đại chúng diễn nói pháp thâm sâu vi diệu, khiến cho tâm của người nghe, đều hoan hỷ sung sướng.
Hoặc dùng căn lưỡi ở trong đại chúng diễn nói pháp thâm sâu vi diệu, tiếng âm thanh vi diệu đó, nhập vào tâm của người nghe, khiến cho họ sinh tâm hoan hỷ, sung sướng đến cực điểm, tình chẳng tự chủ được bèn nhảy nhót lên.

Lại có các Thiên tử Thiên nữ, các vị trời Đế Thích Phạm Thiên .v.v... nghe được âm thanh diễn nói pháp vi diệu như thế, lời nói có thứ lớp thì đều đến nghe.
Lại có tất cả Thiên tử Thiên nữ, lại có trời Đế Thích, trời Đại Phạm và các thiên chủ của các cõi trời khác, họ nghe được âm thanh thâm diệu đó, thì tâm sinh hoan hỷ. Phàm là vị pháp sư đó, diễn nói trước sau đều có thứ lớp, phân môn biệt loại, chẳng phải tạp loạn lộn xộn, cho nên họ đều đến nghe giảng.

Và các rồng, rồng nữ, Dạ Xoa, Dạ Xoa nữ, Càn Thát Bà, Càn Thát Bà nữ, A Tu La, A Tu La nữ, Ca Lâu Na, Ca Lâu Na nữ, Khẩn Na La, Khẩn Na La nữ, Ma Hầu La Già, Ma Hầu La Già nữ, vì nghe pháp mà đến gần gũi cung kính cúng dường.
Lại có rồng và rồng nữ, lại có Dạ Xoa và Dạ Xoa nữ, lại có Càn Thát Bà và Càn Thát Bà nữ, lại có A tu la và A tu la nữ, lại có Ca Lâu Na và Ca Lâu Na nữ, lại có Khẩn Na La và Khẩn Na La nữ, lại có Ma Hầu La Già và Ma Hầu La Già nữ. Những vị trời rồng tám bộ đó, vì nghe vị pháp sư đó diễn nói Kinh Pháp Hoa, mà đến gần gũi cúng dường vị pháp sư đó.

Và Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, quốc vương, thái tử, quần thần quyến thuộc, tiểu chuyển luân vương, đại chuyển luân vương, bảy báu, ngàn người con, quyến thuộc nội ngoại, đều ngồi cung điện đến để nghe pháp.
Lại có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam cư sĩ nữ, ông vua, thái tử, quần thần quyến thuộc, tiểu chuyển luân vương, đại chuyển luân vương, bảy báu, ngàn người con, quyến thuộc nội ngoại, thảy đều ngồi cung điện đến để nghe pháp. Nghe pháp gì ? Nghe diệu pháp của Kinh Pháp Hoa.

Bởi Bồ Tát đó khéo nói pháp, cho nên các Bà la môn, cư sĩ nhân dân trong nước, suốt đời theo hầu hạ cúng dường.
Vì vị pháp sư đó là Bồ Tát pháp sư, do khéo giải nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cho nên các Bà la môn (tu hạnh thanh tịnh) và cư sĩ (người tại gia tu đạo), cùng với nhân dân trong nước, họ suốt đời lúc nào cũng hầu hạ và cúng dường vị Bồ Tát pháp sư đó.

Lại nữa, các vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật, thường ưa thấy vị pháp sư đó. Vị đó ở đâu, thì chư Phật đều hướng về vị đó nói pháp, vị đó đều thọ trì tất cả Phật pháp, lại có thể nói ra pháp âm thâm sâu vi diệu.
Lại tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Chư Phật bốn bậc Thánh đều hoan hỷ thấy vị pháp sư đó, bất cứ ở đâu, mười phương chư Phật đều hướng về chỗ của vị đó nói pháp. Vị pháp sư đó hoàn toàn thọ trì tất cả Phật pháp của chư Phật nói. Lại có thể nói ra pháp âm thâm sâu vi diệu.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng.
Lúc đó, Đức Phật bi tâm thiết thiết, muốn tường thuật lại nghĩa lý ở trên, bèn nói ra bài kệ rằng:

Căn lưỡi người đó tịnh
Trọn chẳng thọ vị dở
Người đó ăn những gì
Đều biến thành cam lồ.
Vị pháp sư đó, căn lưỡi đắc được thanh tịnh, tự tánh cũng thanh tịnh, chẳng bao giờ thọ vị dở, còn chuyển được vị dở thành vị thượng diệu. Bất luận là ăn vật gì, một khi vào căn lưỡi thì đều biến thành diệu vị cam lồ, tức cũng là diệu vị đề hồ vô thượng.

Dùng tiếng diệu thâm tịnh
Trong đại chúng nói pháp
Dùng nhân duyên ví dụ
Dẫn dắt tâm chúng sinh.
Người nghe đều hoan hỷ
Sắm các thứ cúng dường.
Vị pháp sư đó, dùng lời nói thâm sâu thanh tịnh vi diệu, ở trong đại chúng diễn nói diệu pháp. Dùng đủ thứ nhân duyên và đủ thứ ví dụ dẫn dắt chúng sinh, khiến cho họ phát bồ đề tâm thành tựu quả vị Phật. Chúng sinh nghe pháp đều hoan hỷ, chúng sinh sắm tất cả đồ cúng dường tối thượng, để cúng dường vị pháp sư đó.

Các trời rồng Dạ Xoa
Và A tu la thảy
Đều dùng tâm cung kính
Cùng đến để nghe pháp.
Trời rồng tám bộ chúng vốn có tâm đấu tranh, nhưng sau khi quy y Phật rồi, thì tâm sân hận biến thành tâm từ bi, phát nguyện làm thiện thần hộ pháp. Họ đều dùng tâm cung kính để nghe vị pháp sư đó nói pháp.

Người đó diễn nói pháp
Hoặc muốn dùng diệu âm
Vang khắp ba ngàn cõi
Tùy ý bèn đến được.
Vị pháp sư đó giải nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, muốn dùng pháp âm thâm sâu vi diệu, thì sẽ vang khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Chỉ cần quán tưởng như thế, thì diệu âm sẽ tùy ý đến lỗ tai của hết thảy chúng sinh, trong ba ngàn đại thiên thế giới.

Vua luân vương lớn nhỏ
Và ngàn con quyến thuộc
Chắp tay tâm cung kính
Thường đến nghe thọ pháp.
Vua đại chuyển luân và vua tiểu chuyển luân, cùng với ngàn người con và quyến thuộc, đều chắp tay cung kính đến pháp hội để nghe thọ Phật pháp của vị pháp sư đó giảng. Những người đó nghe vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp, thì cảm thấy hơn là đọc kinh điển, do đó có câu:

‘’Thính quân nhất tịch thoại,
Thắng độc thập niên thư.’’

Nghĩa là :

Nghe một buổi giảng pháp,
Hơn mười năm đọc sách.

Các trời rồng Dạ Xoa
La sát Tỳ xá xà
Cũng dùng tâm hoan hỷ
Thường thích đến cúng dường.
Chư thiên trong tam giới, Long vương trong bốn biển và Dạ Xoa, La sát, Tỳ xá xà .v.v... Loài quỷ vốn chẳng sinh tâm hoan hỷ, nhưng hiện tại cũng sinh tâm hoan hỷ, luôn luôn thích muốn đến cúng dường vị pháp sư đó.

Trời Phạm Thiên ma vương
Tự Tại Đại Tự Tại
Hết thảy các Thiên chúng
Thường đến chỗ người đó.
Trời Đại Phạm Thiên (Thi Khí) và Ma vương (Ba Tuần) cùng với trời Tự Tại (trời Tha Hoá Tự Tại), trời Đại Tự Tại (trời Cứu Kính), hết thảy các Thiên chúng thường đến chỗ vị pháp sư đó, nghe Phật pháp và cúng dường pháp sư.

Chư Phật và đệ tử
Nghe người đó nói pháp
Thường nhớ mà bảo hộ
Hoặc có khi hiện thân.
Mười phương chư Phật và hàng đệ tử (Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát), nghe âm thanh của vị pháp sư đó diễn nói diệu pháp, thì thường nghĩ nhớ vị pháp sư đó mà bảo vệ đạo tràng, hoặc có khi mười phương chư Phật, và chúng đệ tử hiện thân để cho vị đó thấy. Đó là cảm ứng của sự thọ trì Kinh Pháp Hoa.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được tám trăm công đức nơi thân, được thân thanh tịnh như lưu ly, chúng sinh đều thích thấy.
Đức Phật lại gọi một tiếng Bồ Tát Thường Tinh Tấn ! Nếu như có người nam tu hành, và người nữ tu hành, hoặc thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hoặc đọc kinh này, hoặc tụng kinh này, hoặc giải nói kinh này, hoặc biên chép kinh này, thì đắc được tám trăm công đức nơi thân, được thân thể thanh tịnh như lưu ly. Hết thảy chúng sinh đều hoan hỷ thấy vị pháp sư đó.

Vì thân người đó thanh tịnh, cho nên chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, khi sinh, khi chết, trên trời, dưới địa ngục, tốt xấu, sinh về chỗ lành, sinh về chỗ dữ, thảy đều hiện ra trong thân người đó.
Vì thân thể vị pháp sư đó thanh tịnh, cho nên chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, hoặc khi sinh, hoặc khi chết, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới địa ngục, tướng mạo tốt hay xấu, sinh về chỗ lành hay chỗ ác, thảy đều hiện ra trong thân thể thanh tịnh, rõ ràng chẳng tạp loạn. Thân thanh tịnh này là một tấm gương tròn lớn, hiện ra tất cả hình bóng.

Và núi Thiết Vi, núi đại Thiết Vi, núi Di Lâu, núi đại Di Lâu, hết thảy các núi, và chúng sinh ở trong đó, đều hiện ra trong đó.
Và núi Thiết Vi (ngoài bốn đại châu có núi bao quanh), núi đại Thiết Vi (ngoài ba ngàn đại thiên thế giới có núi bao quanh), núi Di Lâu và núi đại Di Lâu, hết thảy các núi, chúng sinh ở trong đó hoàn toàn hiện ra ở trong thân thanh tịnh. Thân thanh tịnh đó lại giống như máy lôi đạt (radar), bất cứ máy bay ở đâu bay đến, đều nhìn thấy rất rõ ràng.

Dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh, hết thảy cảnh giới và tất cả chúng sinh, đều hiện ra ở trong đó.
Dưới đến địa ngục vô gián, trên đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, hết thảy cảnh giới và hết thảy chúng sinh, hoàn toàn hiện ra ở trong thân thanh tịnh. Lại giống như máy truyền hình, chỉ cần bấm nút thì hình ảnh sẽ xuất hiện, người tu đạo mà nghiên cứu minh bạch Phật pháp, thì sẽ có cảnh giới như thế xuất hiện.

Hoặc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật thuyết pháp, đều hiện ra hình bóng ở trong thân người đó.
Hoặc là hàng Thanh Văn, hoặc là Bích Chi Phật, hoặc là Bồ Tát, hoặc là chư Phật, ở trong mười phương thế giới thuyết pháp, đều hiện ra hình bóng ở trong thân thanh tịnh của vị pháp sư đó.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Lúc đó, Đức Phật muốn tường thuật lại nghĩa ở trên vừa nói, bèn dùng kệ nói ra.

Nếu người trì Pháp Hoa
Được thân rất thanh tịnh
Tịnh như là lưu ly
Chúng sinh đều ưa thấy.
Nếu như vị pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì sẽ được thân thể rất thanh tịnh, chẳng có nhiễm ô, giống như lưu ly thanh tịnh sáng chói. Hết thảy chúng sinh đều hoan hỷ thấy vị pháp sư đó nói pháp.

Lại tịnh như gương sáng
Đều thấy các hình bóng
Bồ Tát nơi thân tịnh
Đều thấy toàn thế giới.
Chỉ riêng mình thấy rõ
Người khác chẳng thấy được.
Thân thanh tịnh đó, lại giống như gương sáng, hoàn toàn thấy được tất cả hình bóng. Hình bóng đến thì hiện, đi thì chẳng có, chẳng lưu ảnh lại. Ở trong thân thanh tịnh của Bồ Tát, nhìn thấy được hình bóng toàn thế giới. Cảnh giới đó, chỉ riêng Bồ Tát tự mình thấy rõ, ngoài ra người khác chẳng thấy đặng.

Trong ba ngàn thế giới
Tất cả hữu vô tình
Trời người A tu la
Địa ngục quỷ súc sinh.
Các hình bóng như thế
Đều hiện ra trong thân.
Ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, hết thảy tất cả chúng sinh và tất cả cảnh giới như người ở trên trời, người ở nhân gian và A tu la (đây là ba đường lành), và địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh (đây là ba đường ác). Tất cả hình bóng trong sáu đường như thế, đều hiện ra ở trong thân thanh tịnh lưu ly của Bồ Tát, chẳng những rõ ràng mà còn chẳng tạp loạn.

Cung điện của chư Thiên
Cho đến trời Hữu Đỉnh
Núi Thiết và Di Lâu
Các biển cả sông ngòi
Đều hiện ra trong thân.
Cung điện của chư Thiên trong ba cõi, cho đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, núi Thiết Vi và núi Di Lâu, núi đại Du Lâu. Hết thảy tất cả biển cả sông ngòi, đều hiện ra trong thân thanh tịnh của vị pháp sư trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Chư Phật và Thanh Văn
Phật tử Bồ Tát thảy
Hoặc riêng hoặc trong chúng
Nói pháp đều hiện ra.
Mười phương chư Phật và hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát thảy, hoặc độc thân một người, hoặc ở trong đại chúng, nói pháp giáo hóa chúng sinh, đều hoàn toàn hiện ra trong thân thanh tịnh như lưu ly. Cảnh giới đó thật là không thể nghĩ bàn; diệu không thể tả.

Tuy chưa được vô lậu
Và pháp tánh diệu thân
Dùng thân thanh tịnh thường
Tất cả hiện trong đó.
Người đó thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tuy chưa chứng được Thánh quả vô lậu, và diệu thân pháp tánh. Song, thân thường của cha mẹ sinh ra, mà hết thảy tất cả đều hiện ra ở trong thân thanh tịnh. Cảnh giới đó chỉ có vị đó mới biết được, còn người khác chẳng thấu được.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, mà thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi ý. Nhờ ý căn thanh tịnh đó, cho đến nghe một bài kệ, một câu, mà thông đạt được nghĩa lý vô lượng vô biên.
Đức Phật lại gọi một tiếng Bồ Tát Thường Tinh Tấn ! Nếu như người nam, người nữ tu hành, sau khi Phật diệt độ, có ai thọ trì bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, hoặc đọc, học tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi ý. Nhờ căn ý thanh tịnh đó, cho đến nghe được dù một bài kệ, hoặc nghe được một câu kinh văn, thì có thể thông đạt được toàn bộ nghĩa lý kinh văn.

Hiểu nghĩa lý đó rồi, mà có thể diễn nói một câu kinh, một bài kệ, thậm chí giảng đến một tháng, bốn tháng, cho đến một năm. Các pháp nói ra, tùy theo nghĩa lý đều hợp với thật tướng, chứ chẳng trái ngược với thật tướng, hoặc nói kinh sách thế gian, lời lẽ trị thế, nghề nghiệp làm ăn, thảy đều hợp với chánh pháp.
Thấu hiểu minh bạch nghĩa lý đó rồi, lại vì chúng sinh diễn nói diệu pháp, giải thích diệu lý dù một bài kệ, hoặc một câu kinh, mà phát huy được vô lượng vô biên đạo lý. Một câu kinh văn, một bài kệ, thậm chí giảng đến một tháng (đại biểu cho pháp một thừa thật tướng), hoặc giảng đến bốn tháng (đại biểu cho pháp tứ đế tiểu thừa), hoặc giảng đến một năm (đại biểu cho pháp mười hai nhân duyên). Tuy là một câu pháp, mà khiến cho hợp với tất cả các pháp. Tất cả pháp nói ra, đều tùy thuận nghĩa lý thú hướng. Đạo lý nói ra đều hợp với thật tướng, hợp với đệ nhất nghĩa đế, tuyệt đối chẳng đi ngược lại nghĩa lý thật tướng.
Hoặc là giảng nói tất cả kinh sách của thế gian, như Tứ Thư Ngũ Kinh, hoặc lời lẽ trị thế, hoặc sinh sống làm ăn, thảy đều thuận với chánh pháp, chẳng trái ngược. Tất cả đều chiếu theo bát chánh đạo mà thực hành, dùng bát chánh đạo làm mô phạm.

Sáu đường chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, tâm nghĩ gì, tâm khởi làm những gì, và tâm hí luận, thảy đều biết rõ. Tuy chưa được trí huệ vô lậu, mà căn ý của người đó thanh tịnh như thế. Người đó có suy nghĩ tính toán nói năng, đều là Phật pháp, chẳng có gì mà chẳng chân thật, cũng là đạo lý ở trong kinh trước kia Phật đã nói.
Hết thảy sáu đường chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, trong tâm của họ nghĩ làm gì, khởi lên việc gì, vọng niệm sinh ra, hết thảy mọi hí luận, vị pháp sư đó đều biết rõ. Vị đó tuy chưa chứng được trí huệ vô lậu, nhưng thắng ý căn của vị đó đắc được thanh tịnh. Vị pháp sư đó nghĩ gì, tính toán, nói năng, đều là Phật pháp, diệu pháp, pháp không nghĩ bàn. Tại sao ? Vì vị đó thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có nghĩ gì và làm gì, đều là chân thật không hư. Pháp nói ra và sự tu đạo, đều là pháp môn chân thật, đều là đạo lý trước kia Phật nói. Tuy toàn bộ kinh Phật chưa đọc hết, nhưng đã thấu rõ đại ý trong kinh. Vì đắc được cảnh giới diệu tam muội.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Lúc đó, Đức Phật muốn tường thuật lại nghĩa lý kinh văn ở trên vừa nói, cho nên dùng kệ để diễn nói lại.

Người đó ý thanh tịnh
Sáng suốt chẳng vẩn đục
Nhờ căn diệu ý đó
Biết pháp thượng trung hạ.
Căn thắng ý của vị pháp sư đó rất thanh tịnh, chẳng những sáng mà còn suốt thấu, chẳng có vẩn đục ô uế. Nhờ thắng ý căn vi diệu đó, nên biết Phật pháp thượng trung hạ, do đó có câu : ‘’Vào sâu tạng kinh, trí huệ như biển.’’

Cho đến nghe bài kệ
Thông đạt vô lượng nghĩa
Thứ lớp như pháp nói
Tháng bốn tháng một năm.
Dù chỉ nghe được một bài kệ, mà thông đạt được vô lượng nghĩa lý. Thứ lớp như pháp mà giải nói, tuyệt đối chẳng nói pháp lộn xộn, chẳng có đầu đuôi. Giải nói một bài kệ, hoặc giảng đến một tháng, hoặc giảng đến bốn tháng, hoặc giảng một năm, đắc được cảnh giới nhạo thuyết vô ngại.

Trong ngoài thế giới đó
Tất cả các chúng sinh
Hoặc trời rồng và người
Chúng Dạ Xoa quỷ thần.
Trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, hết thảy tất cả chúng sinh, hoặc người ở trên trời, hoặc người ở nhân gian, hoặc các loài rồng, Dạ Xoa, quỷ thần .v.v...

Tất cả trong sáu đường
Khởi suy nghĩ những gì
Nhờ trì Kinh Pháp Hoa
Đồng thời đều biết rõ.
Tất cả chúng sinh luân hồi trong sáu đường, nghĩ nhớ những gì. Nhờ thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên biết rõ tất cả chúng sinh khởi tâm động niệm. Chúng sinh nào phải làm bò, làm ngựa, chúng sinh nào phải làm cọp, sư tử, chúng sinh nào phải làm cá, rùa, tôm, cua, chúng sinh nào phải làm gà, vịt, ngỗng, chim, thì đều biết được, một khi nghĩ, thì biết tiền nhân hậu quả.

Vô số Phật mười phương
Trăm phước tướng trang nghiêm
Vì chúng sinh nói pháp
Khiến họ nghe thọ trì.
Mười phương thế giới có vô số ức chư Phật, vì thuở xưa các Ngài đã từng trải qua ba A tăng kỳ tu phước huệ, trăm kiếp gieo trồng tướng tốt, cho nên có tướng trăm phước trang nghiêm thân. Vì hết thảy chúng sinh diễn nói diệu pháp, khiến cho họ nghe rồi, thì thọ trì và y theo pháp mà tu hành.

Suy gẫm vô lượng nghĩa
Thuyết pháp cũng vô lượng
Trọn chẳng quên hoặc sai
Do nhờ trì Pháp Hoa.
Có thể từ một đạo lý, mà liên tưởng đến vô lượng đạo lý; từ vô lượng đạo lý, mà quy về viên ngộ một đạo lý, do đó có câu :

‘’Một gốc tán làm vạn thù,
Vạn thù quy về một gốc.’’

Thuyết pháp cũng vô lượng vô biên, thủy chung chẳng quên Phật pháp, hoặc giảng sai lầm, tuyệt đối chẳng có chuyện đó xảy ra. Bởi do thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Đều biết tướng các pháp
Theo nghĩa nói thứ lớp
Rõ danh từ lời lẽ
Theo sự biết diễn nói.
Vì có đại trí huệ, nên thông đạt liễu ngộ đạo lý thật tướng của các pháp. Thật tướng là gì ? Tức là vô tướng : Chẳng có tướng ta, chẳng có tướng người, chẳng có tướng chúng sinh, chẳng có tướng thọ mạng. Có bốn tướng đó là phàm phu; chẳng có bốn tướng tức là Thánh nhân. Chẳng có bốn tướng này, cũng chẳng phải là chẳng có tướng như thật thanh tịnh, chỗ này phải hiểu cho rõ.
Tùy theo nghĩa kinh mà giảng pháp có thứ lớp, trước sau đều có thứ tự, khiến cho người nghe dễ hiểu. Thông đạt danh từ giải thích, lời lẽ khéo léo, đắc được văn tự Bát Nhã, ngôn ngữ tam muội, chiếu theo đạo lý mà mình liễu ngộ hiểu biết, để vì chúng sinh diễn nói diệu pháp.

Người đó nói những gì
Đều là pháp Phật nói
Bởi nhờ nói pháp đó
Nên trước chúng chẳng sợ.
Pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói những pháp gì, đều là diệu pháp trước kia Đức Phật đã nói, bất quá vị đó nói lại nữa mà thôi. Vì vị đó diễn nói diệu pháp, cho nên ở trước đại chúng chẳng có sợ sệt, mà thao thao bất tuyệt, vì chúng sinh nói pháp, đầu đầu thị đạo, phân tích rõ ràng, có cảnh giới hoa trời rải xuống, hoa sen từ dưới đất vọt lên.

Người trì Kinh Pháp Hoa
Được căn ý thanh tịnh
Tuy chưa được vô lậu
Trước có tướng như thế.
Pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa được căn ý thanh tịnh. Tuy nhiên chưa chứng được trí huệ vô lậu, nhưng trước hết đắc được tình hình như thế.

Người đó trì kinh này
An trụ nơi hi hữu
Được tất cả chúng sinh
Hoan hỷ và thương kính.
Pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, an trụ ở nơi hy hữu nhất, được tất cả chúng sinh hoan hỷ thương mến và cung kính.

Hay dùng ngàn vạn thứ
Lời lẽ rất khéo léo
Để phân biệt diễn nói
Bởi trì Kinh Pháp Hoa.

Hay dùng hàng ngàn vạn thứ lời lẽ, ví dụ phương tiện khéo léo, phân tích rõ ràng để vì chúng sinh giải nói diệu pháp. Tại sao lại có trí huệ như thế ? Vì thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “45. Phẩm Công Đức Pháp Sư Thứ Mười Chín - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com