Mục Lục
Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm có những sức đại oai thần như thế, làm nhiều sự lợi ích, cho nên chúng sinh thường hay niệm. Nếu có người nữ muốn cầu con trai, mà lễ lạy cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ sinh được con trai phúc đức trí huệ. Nếu muốn cầu con gái, thì sẽ sinh được con gái đoan chánh xinh đẹp, thuở xưa đã từng trồng gốc công đức, được mọi người kính mến.
Đức Phật giảng đoạn kinh ở trên xong rồi, lại gọi một tiếng Bồ Tát Vô Tận Ý nói :’’Bồ Tát Quán Thế Âm như ở trước có nói, có các thứ sức oai thần cứu bảy nạn, giải ba độc, Ngài còn có thần thông diệu dụng lợi ích chúng sinh, cho nên trong tâm chúng sinh thường hay niệm Bồ Tát Quán Thế Âm’’. Chỗ này mọi người đều phải đặc biệt chú ý ! ‘’Tâm thường hay niệm’’ : Chẳng phải miệng niệm mà tâm không niệm. Nếu tâm niệm mà miệng không niệm cũng được. Tóm lại, phải từ từ, vĩnh viễn nhớ danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. ‘’Nếu có người nữ muốn cầu con trai’’. Nếu như có người phụ nữ muốn cầu sinh được một cậu con trai, thì hãy chiếu theo pháp môn đã nói ở trong Kinh Pháp Hoa, tức là phải lễ lạy và dùng hương hoa trái cây, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên sẽ được con trai đầy đủ phước đức trí huệ. Nếu cầu con gái thì sẽ sinh được con gái tướng mạo xinh đẹp. ‘’Trước đã trồng gốc công đức, được mọi người kính mến. Tại sao lại có tướng đoan chánh xinh đẹp ? Đó đều là do đời trước, hoặc đã từng mua hương hoa, dùng các thứ đồ trang nghiêm, cúng dường chư Phật Bồ Tát, do công đức cúng dường tích tụ trong quá khứ, cho nên cảm ứng đời đời được tướng mạo viên mãn trang nghiêm, ai thấy cũng ưa mến.
Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần như thế. Nếu có chúng sinh cung kính lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước chẳng tổn giảm, cho nên chúng sinh đều hay thọ trì, danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
Vô Tận Ý ! Nếu có người thọ trì, sáu mươi hai ức Hằng hà sa danh hiệu các Bồ Tát, lại suốt đời cúng dường thức ăn uống, quần áo, đồ nằm, thuốc thang. Ý ông như thế nào ? Người thiện nam, thiện nữ đó, công đức có nhiều chăng ?
Vô Tận Ý nói : Rất nhiều, bạch đức Thế Tôn !
Đức Phật nói : Nếu lại có người, thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến một thời lễ lạy cúng dường, thì phước của hai người đó, bằng nhau không khác, ở trong trăm ngàn vạn ức kiếp không thể hết được.
Đức Phật nói xong cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai cầu ở trên rồi, bây giờ lại nói : ‘’Vô Tận Ý ! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này, có sức oai thần như đã nói ở trên. Nếu có chúng sinh hay cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, phát tâm lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước của họ chắc chắn tồn tại, chẳng luống qua. Vì vậy cho nên, có những chúng sinh hay thọ trì tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.’’ Nếu trong tâm của bạn thường trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì được hết thảy phước báo không thể nghĩ bàn, vi diệu khó dò.
Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’Vô Tận Ý ! Nếu như có người, thọ trì sáu mươi hai ức Hằng hà sa số danh hiệu các Bồ Tát. Chẳng những chỉ niệm và còn suốt đời dùng hương, hoa, đèn, trái cây, hoặc dùng thức ăn uống, quần áo, đồ nằm, thuốc thang, bốn thứ cúng dường Tam Bảo. Ý của ông Vô Tận Ý nghĩ như thế nào ? Vị thiện nam tử, thiện nữ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?’’
Phật hỏi xong rồi, thì Bồ Tát Vô Tận Ý trả lời rằng: ‘’Công đức đó rất nhiều.’’ Phật nghe Bồ Tát Vô Tận Ý nói rồi bèn nói : ’’Nếu như có người khác hay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, đừng nói người đó suốt đời cúng dường, mà dù trong khoảng thời gian rất ngắn, lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước báu của hai người này đồng nhau, trong trăm ngàn vạn ức kiếp, phước báu đó cũng không hết được.
Vô Tận Ý ! Thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, được lợi ích phước đức vô lượng vô biên như thế.
Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Bồ Tát Quán Thế Âm vân du thế giới Ta Bà này như thế nào ? Vì chúng sinh thuyết pháp như thế nào ? Sức phương tiện việc đó thế nào ?
Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý : Thiện nam tử ! Nếu có những chúng sinh trong cõi nước, đáng dùng thân Phật độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì liền hiện thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Thanh Văn độ được, thì liền hiện thân Thanh Văn, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Phạm Vương độ được, thì liền hiện thân Phạm Vương, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Đế Thích độ được, thì liền hiện thân Đế Thích, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân trời Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Tự Tại, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân trời Đại Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Đại Tự Tại, để vì họ nói pháp.
Đức Phật lại gọi một tiếng Bồ Tát Vô Tận Ý nói : ‘’Thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, sẽ đắc được phước đức lợi ích chẳng có số lượng, chẳng có bờ bến như ở trên đã nói.’’
Bồ Tát Vô Tạn Ý nghe Phật nói như thế bèn hỏi Đức Phật : ‘’Đức Thế Tôn ! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm đó giáo hóa chúng sinh ở thế giới Ta Bà như thế nào ? Làm thế nào để vì chúng sinh nói pháp? Phương tiện nhân duyên Ngài giáo hóa việc đó thế nào ?’’
‘’Thế giới Ta Bà’’ là gì ? ‘’Ta Bà’’ là tiếng Phạn, dịch là ‘’kham nhẫn’’, tức cũng là hay nhẫn nhục, nghĩa là nói thế giới này rất khổ, chẳng dễ gì nhẫn thọ.
Đức Phật nghe Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi như thế, bèn trả lời : ‘’Thiện nam tử ! Nếu như có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đáng dùng thân Phật độ được họ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm bèn thị hiện thân Phật, để vì chúng sinh đó nói pháp.’’
Giảng đến đây có người hỏi : ‘’Bồ Tát Quán Thế Âm là Bồ Tát chẳng thành Phật, sao có thể hiện thân Phật để vì chúng sinh nói pháp ? Có phải là mạo xưng Phật chăng ?’’ Chẳng phải. Vì Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong vô lượng kiếp quá khứ, sớm đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Sau khi thành Phật, vì chẳng quên chúng sinh, cho nên Ngài lại đến thế giới này ẩn thân Phật, mà hiện ra thân Bồ Tát để cứu hộ chúng sinh, đây gọi là ẩn lớn hiện nhỏ. A la Hán là hồi tiểu hướng đại, Bồ Tát Quán Thế Âm là hồi đại hướng tiểu. Ngài từ thân Phật mà đảo giá từ thuyền, mục đích vì tiếp dẫn chúng ta tất cả chúng sinh khổ não. Cho nên, Bồ Tát Quán Thế Âm tuy bên ngoài hiện thân Bồ Tát, nhưng kỳ thật bên trong ẩn hạnh chư Phật, ở bên trong là hạnh nguyện của chư Phật, hành vi của chư Phật. Sở dĩ Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện thân Phật, là để vì chúng sinh nói pháp, chứ chẳng phải là mạo xưng Phật để lừa gạt chúng sinh.
Tiếp theo Phật lại nói : ‘’Người đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì Ngài liền hiện thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp.’’ Bích Chi Phật nguyên tiếng Phạn là ‘’Bích Chi Ca La’’, dịch ra là ‘’Duyên giác’’. ‘’Duyên Giác’’ lại phân ra có hai : Khi sinh vào thời có Phật ra đời, thì gọi là Duyên Giác, khi sinh vào thời chẳng có Phật ra đời, gọi là Độc giác. Khi có Phật ra đời thì tu mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, Ngài quán sát làm sao lại có vô minh ? Vô minh rồi sao lại có hành ? Sao lại có thức ? Sao lại có danh sắc ? Có lục nhập ? Sao lại có xúc ? Sau đó có thọ ? Thọ rồi lại có ái ? Có ái thì có thủ ? Vì có ‘’hữu’’, tức cũng có ‘’sinh’’ ? Có đời sau, tức cũng có lão tử ? Suốt ngày quán sát mười hai nhân duyên như thế, biết tất cả đều là khổ, không, vô thường, vô ngã, cho nên buông xả tất cả, thì sẽ khai ngộ. Do quán mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, cho nên gọi là ‘’Duyên giác’’. Lúc sinh ra vào thời không có Phật ra đời, cũng tu mười hai nhân duyên này, và còn quán mùa xuân trăm hoa đua nở, mùa thu quán lá vàng rơi, quán sát đủ thứ trạng thái biến hóa tự nhiên, cho nên giác ngộ được sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không, đủ thứ tình hình chẳng phải một, chẳng phải vô thường, cũng do đó mà giác ngộ, đây gọi là ‘’Độc Giác’’, sự khác biệt giữa Duyên Giác và Độc Giác là, có và không có Phật ra đời, cho nên tên gọi khác.
Bồ Tát Quán Thế Âm vì có ngàn mắt chiếu thấy, ngàn tai nghe được, biết chúng sinh nào đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì hiện ra thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp : ‘’Bạn có biết vô minh từ đâu đến chăng ? Tức là từ một niệm không giác của bạn mà đến. Vì một niệm không giác, cho nên trong tính Như Lai tạng của bạn sinh ra vô minh. Có vô minh rồi, tiếp theo sinh ra ‘’hành’’, .v.v... Đó là đáng dùng thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp, khiến cho họ khai ngộ, sau dó họ mới phát tâm bồ đề, hồi tiểu hướng đại
‘’Người đáng dùng thân Thanh Văn độ được, thì liền hiện thân Thanh Văn để vì họ nói pháp’’. Thanh Văn gọi là gì ? Thanh Văn cũng là A la hán, Duyên Giác cũng là A la hán, đây là người nhị thừa. Thanh là âm thanh, văn là nghe, tức là nghe được âm thanh của Phật mà ngộ đạo. Phật nói âm thanh gì ? Nói pháp bốn đế, nghe âm thanh này mà ngộ đạo, nên gọi là ‘’Thanh Văn’’. Pháp bốn đế là khổ, tập, diệt, đạo. Đức Phật ban đầu vì năm vị Tỳ Kheo, ba lần chuyển bánh xe pháp bốn đế :
‘’Đây là khổ, tính bức bách
Đây là tập, tính chiêu cảm
Đây là diệt, tính khả chứng
Đây là đạo, tính khả tu’’.
‘’Đây là khổ, tính bức bách’’ : Nói sự khổ có tính bức bách mãnh liệt, khiến cho người thọ chẳng thấu. Khổ: Có khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ, còn có khổ về sinh, già, bệnh chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh, tám thứ khổ. Hết thảy những thứ khổ này, bức bách con người; khiến cho con người suốt ngày phiền não khó chịu. Tất cả mọi vấn đề đều do khổ mà sinh ra, cho nên nói khổ là tính bức bách.
‘’Đây là tập tính chiêu cảm’’ : Tập là tập tụ tích lũy, tập tụ những gì lại với nhau ? Tập tụ phiền não lại với nhau. Tại sao lại có phiền não ? Vì có ‘’khổ’’. Trước hết có khổ, bị khổ đè nén thọ chẳng thấu, thì sinh ra phiền não, thì sinh nóng giận. Cho nên nói, phiền não là tính chiêu cảm, do tụ tập mà thành, tức cũng từ ‘’khổ’’ mà có ‘’tập’’.
‘’Đây là diệt tính khả chứng’’ : Diệt tức là tịch diệt, tịch diệt phiền não vô minh. Tịch diệt an vui, Niết Bàn diệu quả có thể chứng đắc.
‘’Đây là đạo tính khả tu’’ : Đạo này ai ai cũng có thể tu, chẳng có người nào không thể tu đạo được. Bất cứ ai cũng có thể tu đạo, bất cứ ai cũng có thể chứng được lý thể Niết Bàn. Đây là chuyển bánh xe pháp lần thứ nhất.
Đức Phật chỉ là hiện thân thuyết pháp, vì năm vị Tỳ Kheo nói pháp bốn diệu đế này, tiếp theo lại nói :
‘’Đây là khổ, ông nên biết,
Đây là tập, ông nên đoạn,
Đây là diệt, ông nên chứng,
Đây là đạo, ông nên tu.’’
Nghĩa là: ‘’Sự khổ này, chẳng phải chỉ mình ta thành Phật mới biết, ông cũng nên biết sự khổ này. Ông cũng nên đoạn trừ tập đế, nên cầu chứng Niết Bàn diệu quả, cũng nên tu hành bồ đề giác đạo này.’’ Đây là lần thứ hai chuyển bánh xe pháp.
Phật nói lần thứ ba chuyển bánh xe pháp :
‘’Đây là khổ, ta đã biết
Đây là tập, ta đã đoạn
Đây là diệt, ta đã chứng
Đây là đạo, ta đã tu.’’
Sự khổ này ta đã biết, tập này ta đã đoạn. Ta biết khổ thì chẳng còn bị khổ làm mê hoặc, ta đoạn sạch phiền não, tức cũng chẳng còn tập đế. Đây là diệt ta đã chứng đắc, ta đã đắc được sự vui tịch diệt thật sự. Đây là đạo ta đã tu hành rồi.
Năm vị Tỳ Kheo nghe Phật ba lần diễn nói chuyển bánh xe pháp bốn đế rồi, lúc đó lập tức khai ngộ. Vì nghe tiếng của Phật mà ngộ đạo, nên gọi là ‘’Thanh Văn’’. Thanh Văn và Duyên Giác lại gọi là ‘’Nhị thừa’’, cũng gọi là tiểu thừa. Có đại thừa, cũng có tiểu thừa. Đại là gì ? tiểu là gì ? Vốn chẳng có đại, cũng chẳng có tiểu, chỉ vì trong tâm chúng sinh có đại, có tiểu. Tâm lượng vốn tận cùng hư không khắp pháp giới, bất quả phàm phu chúng ta chẳng thể dùng tính Như Lai tạng của mình vốn có. Có người chỉ dùng một phần nhỏ, có người dùng một phần lớn, có người dùng toàn bộ. Chư Phật thì dùng toàn bộ, vì đã trở về cội nguồn cội. Bồ Tát thì dùng một phần lớn, vì Bồ Tát có đại trí huệ, cho nên xử dụng một phần lớn tính Như Lai tạng vốn có. Tiểu thừa biết ít nên cũng dùng ít. Do đó, Bồ Tát Quán Thế Âm gặp cơ duyên, người đáng dùng thân Thanh Văn được độ, thì cũng hiện ra thân Thanh Văn để vì họ nói pháp bốn Thánh Đế.
‘’Người đáng dùng thân Phạm Vương độ được họ, thì liền hiện thân Phạm Vương để vì họ nói pháp’’. Phạm Vương tức là Đại Phạm Thiên Vương, ông ta là hoàng đế ở trên trời Đại Phạm. ‘’Phạm’’ nghĩa là thanh tịnh. Ông ta làm vua ở trên trời cảm thấy rất tự tại, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân Đại Phạm Thiên Vương để vì họ nói pháp.
‘’Người đáng dùng thân Đế Thích độ được, thì liền hiện thân Đế Thích, để vì họ nói pháp’’. Đế Thích, trong Kinh A Di Đà gọi là Thích Đề Hoàn Nhân, ở trong đạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Đế Thích không chỉ là một, mà có rất nhiều vị. Cõi trời này mà chúng ta thấy biết gọi là trời Đao Lợi. Đế Thích của trời Đao Lợi tức cũng là Thiên Chúa mà một số người tín ngưỡng. Trong chú Lăng Nghiêm có một câu là : Nam Mô Nhân Đà La Gia, ‘’Nhân Đà La Gia’’ cũng là một tên gọi khác của Thiên Chúa. Hết thảy mọi việc trên trời, đều do vị Đế Thích này thống lãnh và cai quản, năng lực của ông ta rất là quảng đại, quyền lực cũng lớn mà thần thông cũng lớn, song ông ta chỉ ở trên trời, mà tuổi thọ của người trời tương lai cũng có lúc hết. Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn thấy chúng sinh, đáng dùng thân trời Đế Thích độ được, thì hóa hiện ra thân Đế Thích để vì họ nói pháp. Tại sao phải hiện thân Đế Thích để nói pháp ? Vì đồng loại thì dễ dàng tiếp thọ sự dạy bảo, giống như loài người chúng ta cũng thế. Bất cứ hạng người nào, thì dễ làm bạn với hạng người đó.
Người làm ăn thì làm bạn với người làm ăn, người đi học thì làm bạn với người đi học, người học Phật thì làm bạn với người học Phật, người đánh bạc thì tìm người đánh bạc làm bạn, kẻ ăn trộm thì làm bạn với người ăn trộm. Vì quan hệ như thế, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm thường hóa hiện ra thân đồng loại với chúng sinh, thị hiện phương tiện khiến cho chúng sinh, dễ dàng tiếp thọ độ hóa. Song, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chỉ dùng thần thông biến hóa, để hiện thân thuyết pháp, và chẳng nhất định tầm thanh cứu khổ mới ứng hóa, thậm chí Ngài phân linh để đến thế giới này làm người, cũng tu học Phật pháp, sau đó mới giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh. Ví như đối với hạng học sĩ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân làm một vị giáo thọ, để vì họ diễn nói Phật pháp khéo dụ, dần dần khiến cho một số học giả cảm thấy hứng thú đối với Phật pháp, tăng thêm niềm tin, mà phát tâm quy y, thọ trì một giới, hai giới, năm giới, cho đến mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của Bồ Tát, sau đó y chiếu theo pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âm mà tu hành, lại biến ra một Bồ Tát Quán Thế Âm, lại thêm một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Làm sao có thể có ‘’Ngàn trăm ức hóa thân’’? Tức là bạn mô phỏng Ngài, học tập theo Ngài, thì biến thành hóa thân của Ngài. Do đó, ‘’Pháp chẳng có pháp cố định’’, pháp này chẳng cố định, chẳng chấp trước. Nếu bạn nghĩ chấp trước cố định, thử hỏi chính bạn xem cố định có thể không chết chăng ? Nếu bạn nhất định không chết, thì việc đó cũng đều cố định. Cho nên đạo lý ‘’trăm ngàn ức hóa thân’’, chẳng khó khăn gì, chỉ cần bạn có tâm hằng thường, có nghị lực học tập Bồ Tát Quán Thế Âm, hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh, thì bạn cũng là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Có trăm người học Ngài, thì có trăm hóa thân, chỉ cần có người chịu phỏng theo Ngài hoằng dương Phật pháp, thì sẽ có vô lượng vô biên hóa thân, đây là nói về sự, nếu nói về lý tính thì, nếu bạn thành Phật cũng có đầy đủ trăm ngàn ức hoá thân.
‘’Người đáng dùng thân trời Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Tự Tại, để vì họ nói pháp. Đáng dùng thân trời Đại Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Đại Tự Tại, để vì họ nói pháp.’’ Thân trời Tự Tại là gì ? Tức là thiên ma ngoại đạo. Tôi nói toạt ra cho mọi người biết, thân trời Tự Tại này tức là Thiên Chúa Giáo, Thiên Chúa cơ đốc giáo. Đại Tự Tại Thiên Vương cũng thuộc về loại tôn giáo này. Họ rất cống cao ngã mạn, họ nói chẳng có Phật, chẳng có Pháp, chẳng có Tăng, hủy báng Tam Bảo, tự cho mình là tối cao vô thượng. Tại sao lại như thế ? Vì họ quá tự tại, quá khoái lạc, thật là thân trời Tự Tại ! Song, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng trách loài chúng sinh này, khi cơ duyên của họ thành thục, thì Ngài cũng giảng giải Phật pháp cho họ nghe, khiến cho họ chuyển mê thành ngộ, trở về nguồn cội.
Người đáng dùng thân thiên đại tướng quân độ được, thì liền hiện thân thiên đại tướng quân, để vì họ nói pháp.
‘’Thiên Đại Tướng Quân’’ này, có hai lối giải thích, một là làm đại tướng quân ở trên trời, và thứ hai là thiên thần ở trên trời.
Khi họ hưởng hết phước trời, thì chuyển xuống nhân gian làm đại tướng quân. Bồ Tát Quán Thế Âm biết nhân duyên của họ có thể độ được, thì liền hiện thân thiên đại tướng quân, để vì họ nói pháp, phá trừ mê hoặc, giác ngộ vô thường, buông xả tất cả khoái lạc thế gian, phát tâm tu hành, cầu chứng khoái lạc chân chánh vô thượng.
Người đáng dùng thân Tỳ Sa Môn độ được, thì liền hiện thân Tỳ Sa Môn, để vì họ nói pháp.
Tỳ Sa Môn tức là tên của một trong bốn vị Thiên Vương, tức cũng là Thiên Vương phương bắc Câu Lưu Châu. Bốn đại bộ châu đều có một vị Thiên Vương, tức là Đông Thiên Vương, Tây Thiên Vương, Nam Thiên Vương và Bắc Thiên Vương. Đáng dùng thân Tỳ Sa Môn độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra thân Bắc Phương Thiên Vương để vì họ nói pháp.
Người đáng dùng thân ông vua nhỏ độ được, thì liền hiện thân ông vua nhỏ, để vì họ nói pháp.
Thân ông vua nhỏ là chỉ ông vua quản lý một nước, chỉ xưng vua trong một nước. Người đáng dùng thân ông vua nhỏ độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân ông vua nhỏ, để vì họ nói pháp.
Người đáng dùng thân trưởng giả độ được, thì liền hiện thân trưởng giả, để vì nọ nói pháp.
‘’Trưởng giả là gì ?’’ Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, phàm là người có đạo đức, có trí huệ, có danh vọng, quý tộc, niên cao, người trưởng bối, không có ai mà chẳng mến họ, người vãn bối không có ai mà chẳng cung kính họ. Tại sao ai ai cũng đều đối tốt với họ ? Vì họ có tâm từ bi, bình đẳng, nhiệt tâm giúp đỡ mọi người, hết thảy mọi người đều công nhận họ là ‘’trưởng giả’’. Nếu có người đáng dùng thân trưởng giả độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân trưởng giả giàu có, để vì họ nói pháp. Trong Chú Đại Bi có hình tướng đại trượng phu, của Bồ Tát Quán Thế Âm hiện tướng trưởng giả, có râu dài mấy thước, đoan nhiên chánh tọa, oai phong lẫm liệt, đó tức là tướng trưởng giả giàu có.
Người đáng dùng thân cư sĩ độ được, thì liền hiện thân cư sĩ, mà vì họ nói pháp.
‘’Người đáng dùng thân cư sĩ độ được’’, thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân cư sĩ, để vì người đó nói pháp. Cư sĩ tức là người cư sĩ tại gia, tức cũng là người tại gia tin Phật, giữ gìn năm giới, tu mười điều thiện. Năm giới là gì ? Tức là không sát sinh, không trộm cắp, không ta dâm, không nói dối, không uống rượu. Mười điều lành là gì ? Tức là ngược lại với mười điều ác : Sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Ý có ba điều ác : Tham, sân, si. Miệng có bốn điều ác : Nói dối, nói hai chiều, nói thêu dệt, chưởi mắng. Thân có ba điều ác, ý có ba điều ác, miệng có bốn điều ác, hợp lại là mười điều ác. Chuyển mười điều ác này thì thành mười điều thiện. Mười điều thiện tức là chẳng sát sinh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, chẳng nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói hai chiều, chẳng chười mắng.
Bạn chẳng làm ác cũng tức là thiện. Làm cư sĩ thì một mặt phải phụng trì năm giới mười điều lành, một mặt hộ trì Tam Bảo, hộ trì Phật pháp, đề xướng Phật giáo, khiến cho Phật giáo ngày càng hưng thạnh, đó là trách nhiệm của mỗi cư sĩ chúng ta, trách nhiệm của người xuất gia là hoằng dương Phật pháp.
Người đáng dùng thân tể quan độ được, thì liền hiện thân tể quan, để vì họ nói pháp.
Tể tức là tể hạt vạn hóa, nghĩa là làm tể tướng, hoặc là chức quan lớn khác. Người đáng dùng thân làm quan độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân làm quan, hoặc thân tể tướng, để vì họ nói pháp.
Người đáng dùng thân Bà la môn độ được, thì liền hiện thân Bà la môn, để vì họ nói pháp.
Đáng dùng thân bàng môn tả đạo ở Ấn Độ, chí tu phạm hạnh thanh tịnh Bà la môn độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm bèn hiện thân ngoại đạo Bà la môn, để vì chúng sinh nói pháp, khiến cho họ minh bạch Phật pháp, y giáo phụng hành, tương lai sẽ thành Phật đạo.
Người đáng dùng thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, độ được, thì liền hiện thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, để vì họ nói pháp.
Tỳ Kheo là tiếng phạn, dịch ra gồm có ba nghĩa :
1). Bố ma : Vì có người xuất gia tu đạo, thọ giới cụ túc, nên quyến thuộc của ma giảm bới, cho nên khiến cho ma vương sợ hãi.
2). Khất sỉ : Người Tăng sĩ xuất gia, trên khất (xin) pháp của chư Phật để nuôi pháp thân; dưới khất (xin) thức ăn của chúng sinh, để nuôi dưỡng sắc thân.
3). Phá phiền não : Xuất gia tu đạo, y giáo phụng hành, sẽ phá trừ vô minh phiền não, thấy tánh thành Phật, nên gọi là phá phiền não. Tỳ Kheo ni tức là người nữ xuất gia thọ giới cụ túc. Cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Tiếng Phạn gọi là ưu bà tắc, ưu bà di, nghĩa là cư sĩ nam, cư sĩ nữ gần gũi Tam Bảo, thường đến chùa lễ Phật, tụng kinh, quét dọn, cúng dường Tam Bảo, làm công đức, làm phước. Bồ Tát Quán Thế Âm thấy tất cả chúng sinh này, đáng dùng thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, độ được, thì liền hiện thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, để vì những chúng sinh đó nói pháp.
Người đáng dùng thân phụ nữ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà la môn, độ được, thì liền hiện thân phụ nữ, để vì họ nói pháp.
Trưởng giả cũng bao quát vợ của trưởng giả, cư sĩ cũng bao quát vợ của cư sĩ, tể quan cũng bao quát vợ của tể quan, Bà la môn cũng bao quát vợ của Bà la môn. Trưởng giả cũng có nữ trưởng giả, cư sĩ cũng có nữ cư sĩ, tể quan cũng có nữ tể quan, Bà la môn cũng có nữ Bà la môn. Do đó, nếu có người đáng dùng đủ thứ thân phụ nữ độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm bèn hiện ra thân phụ nữ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà la môn, để vì họ nói pháp.
Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ, độ được, thì liền hiện thân đồng nam, đồng nữ, để vì họ nói pháp.
Bồ Tát Vi Đà trong quá khứ phát nguyện, đời đời kiếp kiếp muốn làm đồng nam, còn Long Nữ Bồ Tát trong quá khứ, cũng phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm đồng nữ, chẳng muốn kết hôn.
Nói về sinh lý của con người thì, đồng nam đồng nữ tức là chẳng phá hoại thân thể. Một khi nam nữ khác tính tiếp xúc với nhau, thì thân thể chẳng còn nguyên vẹn, trên văn pháp Trung Quốc gọi đó là ‘’phá thân’’, tức là thân thể phá hoại. Nếu không trải qua hành vi tính nam nữ đó, tức là thân thể còn nguyên vẹn. Ở Trung Quốc, có một thứ công phu đánh chưởng gọi là đồng tử công, đồng tử công tức cũng là thân thể của họ nhất định phải nguyên vẹn, chẳng bị phá hoại. Thứ công phu này, một khi luyện thành công, thì đao chém chẳng đứt, thương đâm chẳng lủng, đao thương chẳng làm gì được. Tại sao vậy ? Tức là ‘’Nội luyện nhất khẩu khí’’ : Vì bên trong họ nhờ một luồng chánh khí, chẳng bị sự phá hoại, ‘’Ngoại luyện cân cốt bì’’ : Bên ngoài thì luyện gân cốt và da thịt. Cho nên hay sinh ra tát dụng lớn như thế.
Trong Phật giáo, thân đồng nam, đồng nữ là thanh tịnh nhất, chẳng có ô nhiễm, nếu tu đạo hoặc tham thiền, thì sớm sẽ thành tựu, mau khai ngộ, đắc được thiên nhãn. Do đó, đồng trinh nhập đạo là quý báu nhất. Đồng nam thuộc về (quẻ) càn. Càn tức là thuần dương. Đồng nữ thuộc về (quẻ) khôn, tức thuộc về thuần âm. Một thuần dương, một thuần âm, cho nên ở trong đạo giáo mà nói, thì đây là thân thể thanh tịnh nhất. Bồ Tát Quán Thế Âm quán nhân duyên, nếu người nào đó đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ, tu hành đắc đạo, thì Bồ Tát Quán Thế Âm bèn hiện thân đồng nam, đồng nữ, để vì họ nói pháp, khiến cho họ phát bồ đề tâm, sớm thành tựu Phật đạo.
Người đáng dùng thân trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, độ được, thì liền hiện ra các thân đó, để vì họ nói pháp.
Rồng có rất nhiều loại, có rồng ở trên trời, có rồng ở trong biển, có rồng giữ kho tàng. Rồng trên trời làm hộ pháp ở trên trời, rồng trong biển là ở trong cung rồng làm thủ lãnh cá, rùa, tôm, cua; còn gọi là rồng làm mưa. Rồng giữ kho tàng, tức là rồng bảo vệ châu báu. Thời xưa có rất nhiều rồng, bây giờ một số người chẳng nhìn thấy, bèn nói là không có. Kỳ thật, rồng rất nhiều. Vào thời Lục Tổ Huệ Năng, có một con rồng độc, chuyên môn phun hơi độc. Ai mà trúng chất độc này, thì sẽ sinh bệnh, thậm chí chẳng trị được mà chết. Đương thời, nền đất thiền đường Chùa Nam Hoa, vốn là một đầm rồng độc, diện tích cái đầm này lớn khoảng một mẫu, chẳng có ai biết đầm rộng đó sâu bao nhiêu, trong đó lại có một con rồng, con rồng này, chẳng phải là rồng tốt mà là rồng độc, chuyên môn hại người, nhất là làm cho những người tu hành ở chùa Nam Hoa thường thường sinh bệnh, không thể tu hành.
Một lần nọ, Lục Tổ Huệ Năng đến đầm đó thì nó hiện thân lớn, chật đầy cái đầm rộng một mẫu. Lục Tổ nhìn thấy bèn cười nói : ‘’Ê ! Ngươi chỉ có bản lãnh hiện thân lớn, mà không thể hiện thân nhỏ, nếu chỉ hiện thân lớn, thì chẳng có bản lãnh bao nhiêu.’’ Con rồng nghe rồi bèn ẩn thân lớn hiện ra thân nhỏ, dài khoảng một tất, ở trong nước bơi tới bơi lui. Lục Tổ nói : ‘’Ê ! Ngươi có chút bản lãnh, có thể hiện lớn, có thể hiện nhỏ, nhưng không dám nhảy vào trong bình bát của ta.’’ Lúc đó, con rồng nghe rồi, bèn nhảy vào trong bình bát của Lục Tổ. Lục Tổ nói : ‘’ Đây là ngươi tự động vào, nhưng ra không được’’! Con rồng dùng mọi cách nhảy ra ngoài, nhưng chẳng cách chi nhảy ra đuợc. Lục Tổ bèn nói với nó : ‘’Ngươi hà tất phải vùng vẫy, sao đời này ngươi lại biến thành thân rồng ?
Vì đời trước ngươi vốn là người tu hành, cũng có căn lành, từng nghe Phật pháp, bất quá tâm sân của ngươi quá nặng, tính nóng giận quá lớn, đây là thừa cấp giới hoãn (tu theo đại thừa mà chẳng giữ giới), cho nên hiện nay ngươi mới đọa làm thân rồng. Ngươi đừng cho rằng bản lãnh của mình là lớn, có thể biến lớn biến nhỏ, biến có biến không ! Nhưng bây giờ ngươi đã ở trong bình bát của ta, thì không thể ra được.’’ Rồng nghe những lời đó rồi, tức cũng bị hàng phục, chẳng thể ra ngoài được nữa. Do đó, Lục Tổ nói pháp cho nó nghe, nó nghe pháp hiểu rõ rồi, lập tức thoát khỏi thân rồng. Tro cốt con rồng này, được giữ ở chùa Nam Hoa rất lâu, về sau vì chiến tranh binh lửa, nên cốt con rồng cũng mất đi. Đó là một đoạn nhân duyên Lục Tổ Huệ Năng hàng phục rồng độc ở chùa Nam Hoa.
Vào đời Đường ở Trung Quốc, có một thừa tướng tên Ngụy Chưng, ông ta tuy làm thừa tướng ở nhân gian, mà cũng có thể lên trời làm quan. Đương thời, có Tiểu Bạch Long, vì làm mưa sai trật, Ngọc Hoàng kêu y mưa xuống lượng nước một thốn ba tấc, song y mưa xuống lượng nước một thước ba thốn, cho nên ruộng nương đều bị ngập lụt, đây là phạm pháp luật trên trời, trên trời phái Ngụy Chưng đi chém Tiểu Bạch Long. Song, Tiểu Bạch Long biết tin tức đó, nên trước hết y đi báo mộng cho vua Đường Thái Tông, nói với Đường Thái Tông rằng : ‘’Ngày mai ông hãy cứu tôi, ông cũng là rồng, mà tôi cũng là rồng, do đó ông hãy cứu mạng rồng này.’’ Đường Thái Tông nói : ‘’Ông và tôi đều là rồng, vậy chúng ta là anh em, ông có việc gì tôi nhất định phải giúp đỡ, tôi nên làm thế nào mới có thể cứu ông ?’’ Rồng nói : ‘’Hôm nay tôi phạm pháp luật ở trên trời, vì mưa xuống sai, ngày mai phải chịu quả báu chém đầu, mà người chém tôi, chính là thừa tướng Ngụy Chưng.
Ngày mai chỉ cần ông lưu giữ ông ta lại, cần ông ta hầu ông, đừng sai ông ta làm việc gì cả, như thế thì ông ta chẳng giết được tôi.’’ Vua Đường Thái Tông nói : ‘’Cái đó thì dễ ! Ta là hoàng đế, ông ta làm quan cho tôi, thì ông ta nhất định nghe lời của ta, ông đừng có lo lắng.’’ Do đó, ngày thứ hai vua Đường Thái Tông bèn kêu Ngụy Chưng đến đánh cờ. Vua Thái tông nghĩ : ‘’Ta và ông ấy đánh cờ, thì ông ta không thể lìa khỏi mình được, chắc chắn chẳng đi chém Tiểu Bạch Long kia’’. Do đó, hai người đánh cờ với nhau, đánh đến trưa thì thừa tướng Ngụy Chưng bèn ngủ gục.
Đường Thái Tông rất vui mừng nghĩ : ‘’Ông ta đã ngủ, thì chắc chắn chẳng đi chém đầu Tiểu Bạch Long, bây giờ chẳng còn lo lắng nữa.’’ Không ngời thừa tướng Ngụy Chưng ngủ, mà thần thức của ông ta xuất ra đi lên trời, dùng thượng phương bảo kiếm chém đầu Tiểu Bạch Long. Sau đó lại trở về tiép tục đánh cờ với vua Đường Thái Tông, khi đã quá ngọ thì kết thúc ván cờ đó. Vua Đường Thái Tông tự nghĩ rằng Tiểu Bạch Long đã nói với mình, chỉ cần quá ngọ thì thừa tướng Ngụy Chưng chẳng giết y nữa. Do đó, cho rằng : ‘’Mình đã cứu được anh em của mình, đây là việc công đức không nhỏ.’’
Không ngờ đêm hôm đó, Tiểu Bạch Long đến đòi mạng ông ta nói : ‘’Tôi đã nói chúng ta là anh em, phải cứu tôi mà tại sao ông không cứu tôi ? Để cho tên quan đó giết tôi. Bây giờ tôi phải giết ông để đền mạng cho tôi.’’ Vua Đường Thái Tông tỉnh dậy biết Tiểu Bạch Long đến đòi mạng. Ngày thứ hai bèn thảo luận việc này với Từ Mậu Công, Từ Mậu công nói : ‘’Không quan trọng, chúng ta đây có hai người Tần Quỳnh và Kính Đức có thể cản được nó. Ngài nên dùng hai người này gát bên ngoài cửa, thì Tiểu Bạch Long chẳng dám đến, Tần Quỳnh là thần tướng mặt vàng, còn Kính Đức là thần tướng mặt đen, sắc mặt của y so với dầu hắc bây giờ còn đen hơn, đen đến nỗi phát quang. Do đó, bèn dùng hai người này giữ cửa, quả nhiên Tiểu Bạch Long tối chẳng dám đến. Về sau, chẳng cần hai người này gát cửa nữa, mà chỉ vẽ hình của hai người này dán lên cửa, để gát cửa cho vua Đường Thái Tông, thì Tiểu Bạch Long vĩnh viễn chẳng dám đến nữa. Cho nên người Trung Quốc mỗi lần qua năm thì vẽ hình của Tần Quỳnh và Kính Đức dán lên cửa, khiến cho yêu ma quỷ quái chẳng dám vào làm loạn.
Nhân quả của loài rồng là vì chúng ‘’thừa cấp giới hoãn’’ (tu đại thừa mà chẳng giữ giới), tu hành rất dụng công, nhưng chẳng giữ gìn giới luật. Vì chúng thừa cấp, cho nên có thần thông biến hóa, lại vì giới hoãn, nên đọa làm súc sinh. Đây là lược nói về rồng.
Dạ xoa cũng gọi là Dược Xoa đề, là tiếng phạn, nghĩa là ‘’tiệp tật’’, tức là chạy nhanh, thậm chí còn nhanh hơn hỏa tiển bây giờ. Loài quỷ này trong một niệm, có thể đến bất cứ nơi nào chúng nghĩ muốn đến.
Càn thát bà, dịch là hương thần, dùng hương làm thức ăn, thân tỏa ra mùi hương. Lại dịch là nhạc thần, là thần tấu nhạc của vua Đế Thích, đội mũ ba góc, tay cầm ống tiêu, ống sáo, thân màu đỏ, búi tóc phóng ánh sáng màu lửa ngọn. Ở Tây Vực gọi là người ca xướng là Càn Thác Bà.
A tu la là tiếng phạn, dịch là ‘’phi thiên’’. Vì chúng có phước trời, mà chẳng có đức trời, tựa như trời mà chẳng phải trời. Lại dịch là ‘’Vô đoan chánh’’, vì dung mạo của chúng rất xấu xí. Chẳng phải chỉ chúng sinh sinh vào loài A tu la, thì mới là A tu la, mà trong sáu đường cũng có rất nhiều loài, A tu la của ngựa rất nặng, do đó có câu ‘’ngựa hại bầy’’. Thứ ngưạ này, sống ở trong bầy ngựa không đá con này, thì cũng cắn con kia. Tóm lại, y khiến cho bầy ngựa đồng loại đều chẳng được bình an, có hại cho bầy ngựa, nên gọi là ngựa hại bầy. Đó cũng là một loài A tu la. Và bò cũng là A tu la, bạn thấy trên đầu bò có hai cái sừng dài, hai cái sừng đó dự bị đánh lộn với người.
Vì thuở xưa khi làm A tu la, thì trên đầu thường đội cái mũ che đạn, thân cũng mặc giáp, cho nên khi chuyển sinh làm bò, thì cũng chẳng quên được tính A tu la. Chẳng những bò A tu la, mà gà trống cũng là A tu la biến thành. Gà trống mỗi khi gặp gà trống khác thì muốn đá. Chăng những gà A tu la mà con dế mèn cũng là A tu la, chúng đá với nhau, cho đến khi có một con chết mới thôi. Ngoài ra như rắn, chuột, mèo .v.v... phàm là động vật tính tình thích đấu, thích giết, đều thuộc về A tu la. Chúng sinh chuyển sinh làm A tu la tướng mạo rất là xấu xí, bất đoan chánh nhất, mỏ dài như là mỏ heo, lỗ mũi dài như lỗ mũi voi, mắt như mắt bò, tai như tai chuột. Hoặc là thân người mà đầu heo, hoặc là thân người đầu bò, hoặc thân người đầu ngựa, hoặc thân người đầu cọp, rất là hung ác.
Tuy tướng mạo của nam A tu la rất xấu xí, nhưng nữ A tu la rất xinh đẹp. Nữ A tu la có thể nói, ai thấy cũng ưa, cho nên trời Đế Thích một lần nọ, thấy nữ A tu la xinh đẽp, bèn nói với vua A tu la cầu hôn, vua A tu la cũng đáp ứng, gả con gái cho trời Đế Thích.
Tóm lại, A tu la thì thích nóng giận, thích đấu tranh. Người nào thường nóng giận, thì tương lai đều có thể sinh làm A tu la, cũng có thể hiện tại là A tu la. Nếu sửa đổi tính nóng giận, tu hạnh nhẫn nhục, thì sẽ thoát khỏi quan hệ với đường A tu la.
Ca lâu la tức là đại bàng kim sí điểu, chuyên bắt rồng để ăn. Loài chim này lớn cỡ nào ? Hai cánh của nó xoè ra rộng ba trăm do tuần. Do tuần là số mục ở Ấn Độ dùng để đo lường, phân làm đại do tuần, trung do tuần, và tiểu do tuần. Tiểu do tuần có bốn mươi dặm, trung do tuần sáu mươi dặm, đại do tuần tám mươi dặm. Hai cánh chim đại bàng xoè ra, là ba trăm do tuần, tức cũng là hai vạn bốn ngàn dặm. Mỗi khi nó xoè cánh ra, thì quạt nước biển rẽ làm hai, bắt rồng trong biển ăn. Chúng lấy rồng làm thức ăn, lâu dần rồng con rồng cháu gần như bị tuyệt nòi. Vua rồng chẳng có cách nào khác, bèn đến gặp Phật để cầu cứu. Phật bèn cho vua rồng tấm y cà sa, mang về chia cho mỗi con rồng một sợi tơ cột lên thân, thì chim đại bàng chẳng cách chi ăn được rồng nữa.
Vì tấm y cà sa của Phật diệu dụng vô cùng, nên giúp cho loài rồng thoát khỏi hoạn nạn. Song, lần này chim đại bàng kim sí đến tìm Đức Phật nói : ‘’Ngài cứu loài rồng cố nhiên là việc tốt, song loài chim của tôi đều bị chết đói ! Chúng tôi chỉ có thể ăn rồng, bây giời chẳng có rồng ăn, chúng tôi biết làm thế nào ?’’ Phật bèn vì chim đại bàng kim sí nói pháp thọ năm giới. Chim đại bàng nói : ‘’Tôi không sát sinh có thể được, nhưng tôi chẳng có gì để ăn, chẳng phải là bị chết đói chăng ?’’ Phật nói : ‘’Ngươi không có chết đói, từ nay về sau mỗi ngày vào giờ ngọ, hết thảy đệ tử của ta khi ăn cơm, thì đem chút cơm cho nhà ngươi ăn.’’ Cho nên sau này, phàm là đệ tử của Phật khi ăm cơm trưa, đều có đem chút cơm cúng cho đại bàng kim sí điểu ăn. Từ đó, chim đại bàng thọ trì năm giới, chẳng sát sinh nữa và trở thành hộ pháp ở trong Phật giáo, là một bộ trong Thiên Long Bát Bộ.
Về phương diện ăn uống trong Phật giáo, thì sáng sớm là chư thiên ăn, buổi trưa là Phật dùng, buổi chiều là súc sinh ăn, buổi tối là quỷ ăn. Ngạ quỷ vốn chẳng tìm được thức ăn, chúng nhìn thấy chúng ta ăn, chúng cũng nghĩ tưởng ăn, một khi chúng ta ăn vang ra tiếng động khua chén đũa, thì chúng cướp lấy để ăn, song thức ăn đến miệng chúng thì liền biến thành lửa, đó là nghiệp báo quá nặng. Song, trong tâm của loài quỷ thì cho rằng, con người dùng pháp thuật, biến thức ăn thành lửa do chúng cướp được, chẳng cho chúng ăn, do đó chúng sinh tâm sân hận đánh người, hoặc khiến cho người sinh bệnh. Cho nên buổi tối người xuất gia không ăn, vì là giờ của loài quỷ ăn. Sáng sớm là giờ chư thiên ăn, nếu người xuất gia sáng có dùng cháo, hoặc bánh nướng, thì đem một chút thí cho chư thiên dùng, hoặc cho quỷ mẹ quỷ con.
La sát quỷ mẹ quỷ con, vốn chuyên môn ăn con nít. Tại sao lại gọi chúng là quỷ mẹ quỷ con ? Vì chúng thống lãnh một ngàn người con của chúng, đi khắp nơi tìm bắt con nít để ăn. Có một nhà nọ, vừa mới sinh ra một đứa bé thì bị chúng bắt đi ăn, cứ như thế dần dần biến thành rất nhiều nhà chẳng còn con nít. Do đó, có người đến cầu Đức Phật, hỏi Phật tại sao con nít đều mất hết chẳng thấy. Phải làm cách nào ? Đức Phật biết số con nít đều bị chúng bắt trộm ăn.
Một ngày nọ, Đức Phật bèn bắt con quỷ út nhất, trong số một ngàn con quỷ bỏ vào trong bình bát đậy lại. Khi chúng về nhà thì thấy mất đứa con út của mình, bèn đi khắp nơi tìm cũng chẳng thấy, mới tìm đến chỗ Đức Phật, thì nghe tiếng khóc con của chúng ở trong bình bát vang ra. Chúng bèn đến chỗ bình bát, tìm cách cứu con của chúng ra, song chúng di động bình bát chẳng nổi, bèn về nhà kêu hết chín trăm chín mươi chín con quỷ con đến, để dùng sức di động cái bình bát, song cũng di động chẳng nổi, tơ hào cũng chẳng động đậy, do đó chúng bèn đến cầu Đức Phật nói : ‘’Tại sao Ngài bắt trộm con của tôi bỏ vào trong bình bát, mà không trả lại con của tôi ?’’ Đức Phật hỏi : ‘’Nhà người có bao nhiêu người con ?’’
Chúng đáp : ‘’Có một ngàn người con’’. Phật nói : ‘’Ngươi có một ngàn người con, mà bây giờ chỉ mất đi có một đứa, mà sao ngươi lại cấp tốc như thế ?’’ Chúng nói : ‘’Tuy chỉ mất một, nhưng tôi cũng chẳng muốn thiếu.’’ Phật nói : ‘’Vậy chứ ngươi bắt trộm hết thảy những đứa con nít của người ta đem đi ăn, thì ngươi tính sao ?’’ Quỷ nói : ‘’Tôi chẳng phải muốn ăn con nít, nhưng tôi chẳng có gì để ăn ! Nếu tôi không đi bắt trộm con nít để ăn, thì một ngàn đứa con của tôi đây sẽ bị chết đói.’’ Phật nói : ‘’Từ nay về sau, ngươi đừng bắt trộm con nít để ăn nữa, ngươi nên quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, đừng sát sinh nữa !
Ngươi nghĩ xem, ngươi có một ngàn người con, mà một người con cũng xả bỏ chẳng đặng, ta chỉ bắt nhốt một người con của ngươi, mà ngươi buồn rầu như thế ! Vậy con của mọi người trên thế gian, ngươi bắt trộm ăn, cha mẹ của họ không buồn rầu chăng ? Ngươi đừng có ích kỷ như thế.’’ Do đó, quỷ mẹ quỷ con bèn đáp ứng Đức Phật, quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới. Đức Phật bèn kêu hết thảy đệ tử, khi dùng cơm vào giờ trưa, thì đem ít hạt cơm hoặc chút thức ăn, thí cho quỷ mẹ quỷ con. Cho nên, khi tống thực thì niệm bài kệ rằng :
‘’Đại bàng kim sí điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La sát quỷ tử mẫu
Cam lồ tất sung mãn.’’
Nghĩa là :
Chim đại bàng cánh vàng
Quỷ thần nơi hoang dã
Quỷ mẹ con la sát
Cam lồ đều no đủ.
Cam lồ là ví dụ ăn bất cứ vật gì, đều ngon ngọt như cam lồ, vô luận có bao nhiêu thì thảy đều no, đó là kệ cúng thí buổi trưa.
Khẩn na la cũng là một trong tám bộ quỷ thần. Chúng cũng là thần âm nhạc của trời Đế Thích; trên đầu của chúng có một cái sừng, nên còn có tên gọi là nghi thần.
Ma hầu la già là gì ? Tức là đại mãng xà, chúng rất hung ác, còn gọi là địa long. Ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc chuyên môn ăn thịt mãng xà, loài mãng xà này béo mập như heo, song có khi chúng cũng ăn người. Vì người ăn chúng, nên chúng cũng ăn người.
Vào thời vua Lương Võ Đế, ông ta là Phật giáo đồ, cung kính phụng sự Tam Bảo, song hoàng hậu Hi Thị vợ của vua thì ngược lại, chẳng kính Phật, chẳng kính pháp, chẳng kính tăng. Vì bà ta chẳng tin Tam Bảo, cho nên khi bà ta chết đi rồi, thì đọa làm đại mãng xà, mà mãng xà đó lại nói được tiếng người. Do đó, bèn trở về nhờ vua Lương Võ Đế siêu độ bà ta bèn nói : ‘’Ông có biết tôi là ai không ? Tôi là vợ của ông hoàng hậu Hi Thị, vì tôi chẳng kính tin Tam Bảo, cho nên phải đọa làm thân mãng xà.’’ Vua nghe rồi bèn thỉnh thiền sư Chí Công đến siêu độ bà ta. Bổn lai vị thiền sư này, là người mà bà ta phản đối nhất khi bà ta còn sống, khi bà ta chết rồi làm thân mãng xà, thì lại đến đảnh lễ sám hối với thiền sư Chí Công. Do đó, thiền sư Chí Công bèn tạo bộ ‘’Lương Hoàng Sám’’. ‘’Lương Hoàng’’ tức cũng là Lương Võ Đế, ‘’sám’’ là sám hối, để cho vua Lương Võ Đế lạy bộ sám này, siêu độ cho vợ của ông ta. Nhờ công đức lạy bộ Lương Hoàng Sám này, mà vợ của vua Lương Võ Đế thoát khỏi thân mãng xà, được sinh về cõi trời.
Khi Phật còn tại thế thì Ma hầu la già quy y Tam Bảo, cho nên chúng cũng là Phật giáo đồ, là hộ pháp.
‘’Người và chẳng phải người’’ : Người là tất cả loài người chúng ta, chẳng phải người là chỉ tất cả súc sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn xem chúng sinh đáng dùng thân trời rồng bát bộ độ được, thì liền hiện ra thân rồng, hoặc thân Dạ xoa, hoặc thân La sát, hoặc Càn thát bà, hoặc A tu la, hoặc Ca lâu la, hoặc Khẩn na la, hoặc Ma hầu la già các thứ thân hình, hoặc hiện thân người, và tất cả thân súc sinh chẳng phải người, để vì chúng sinh đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thần chấp kim cang độ được, thì liền hiện thân Thần chấp kim cang, để vì họ nói pháp.
‘’Thần chấp kim cang’’ là hộ pháp của Phật giáo. Lai lịch của Thần Kim Cang, là một vị chuyển luân thánh vương trong quá khứ lâu xa về trước. Ngài sinh được một ngàn người con. Làm sao một bà phu nhân mà có thể sinh được ngàn người con ? Vì tuổi thọ của họ rất lâu dài, tuổi thọ lâu dài, cho nên có một ngàn người con cũng chẳng lấy làm nhiều, song ông vua chuyển luân còn cảm thấy chưa đủ, lại cưới thêm một bà thiếp. Bà vợ thứ hai này sinh được hai người con, do đó tổng cộng có một ngàn lẻ hai người con. Một ngàn lẻ hai người con này, cùng nhau phát nguyện rằng : ‘’Tương lai chúng ta tu hành thành tựu, thì chúng ta một ngàn anh em phải theo thứ tự mà thành Phật, cho dù Chuyển Luân Thánh Vương cũng chẳng làm, mọi người chúng ta hãy cùng nhau bắt thăm.’’ Đức Phật Thích Ca bắt trúng thăm thứ tư. Ngài là vị Phật thứ tư, tương lai vị Phật thứ năm, thứ sáu, đều sẽ lần lượt ra đời ngàn vị Phật trong kiếp hiền. Một ngàn anh em này đều phát nguyện thành Phật.
Và hai người con của bà phu nhân thứ hai cũng phát nguyện. Phát nguyện gì ? Một người phát nguyện : ‘’Một ngàn người anh của chúng tôi đây, bất cứ người anh nào lúc thành Phật, thì tôi sẽ là người đầu tiên đến thỉnh Ngài thuyết pháp, cung kính cúng dường Tam Bảo’’. Còn người kia phát nguyện: ‘’Tôi phát nguyện tương lai làm hộ pháp, khi mỗi người anh của tôi thành Phật, thì tôi sẽ bảo hộ Ngài, hộ pháp của Ngài.’’ Do đó, Ngài thành vị Kim Cang Hộ Pháp, trong tay thường cầm chày kim cang để bảo hộ Phật giáo. Mỗi khi có vị Phật ra đời, thì Ngài đến ủng hộ Phật pháp. Ngoài ra, có một vị Đại Phạm Thiên Vương, mỗi lần có vị Phật mới ra đời, thì ông ta là người đầu tiên thỉnh Phật thuyết pháp.
Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm đó, thành tựu công đức như thế, dùng đủ thứ thân hình đi khắp trong các cõi nước, để độ thoát tất cả chúng sinh. Bởi thế các ông nên một lòng cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Đại Bồ Tát Quán Thế Âm đó, ở trong nạn khẩn cấp sợ hãi, Ngài hay ban cho sự không sợ hãi. Vì thế mà thế giới Ta Bà đều gọi Ngài là bậc thí vô uý.
Khi Đức Phật nói Bồ Tát Quán Thế Âm dùng đủ thứ hóa thân rồi, lại gọi một tiếng : ‘’Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm thành tựu đủ thứ công đức như ở trên đã nói, Ngài dùng đủ thứ thân hình, đi đến mỗi cõi nước, để độ thoát hết thảy tất cả chúng sinh; vì nhân duyên đó, cho nên các ông tất cả chúng sinh, nên một lòng cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm’’, đừng có hai lòng. Nếu có hai lòng, tức là có tâm hoài nghi. ‘’Một lòng’’ tức là chỉ dùng một niềm tin, nếu bạn có hai lòng thì chẳng có cảm ứng, chẳng có công đức, cho nên mới nói : ‘’Nên một lòng cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm.’’ Đại Bồ Tát Quán Thế Âm là vị đại Bồ Tát, hay ở trong sự sợ hãi nạn khẩn cấp, bố thí cho bạn sự không sợ hãi, khiến cho bạn không sinh tâm sợ hãi, vì thế cho nên thế giới Ta Bà này đều gọi Ngài là Bồ Tát bố thí vô úy.
HT Tuyên Hóa