Mục Lục

‘’Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý’’: Câu này tôn giả A Nan y chiếu theo văn pháp, mà ghi vào khi kết tạp kinh điển.
‘’Thiện nam tử’’ : Là Đức Phật gọi Bồ Tát Vô Tận Ý nói : ‘’Thiện nam tử ! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh’’. ‘’Nếu có’’ là từ giả thiết, tức là sẽ có mà chưa có, hiện tại thì chưa có, nhưng tương lai sẽ có. Những chúng sinh đó bao quát : Thai, noãn, thấp, hóa, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có sắc, chẳng không sắc, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng, mười hai loài chúng sinh, đều bao quát ở trong đó. ‘’Chịu các khổ não’’ : ‘’Chịu’’ là gặp, gánh lấy. ‘’Các’’ là số nhiều. ‘’Khổ não’’ là sự thống khổ, có bao nhiêu ?

Đại khái có bốn thứ :
1). Một người thọ một thứ khổ.
2). Một người thọ nhiều thứ khổ.
3). Nhiều người thọ một thứ khổ.
4). Nhiều người thọ nhiều thứ khổ.

Một người thọ một thứ khổ như câm ngọng, chính người đó có khổ sở người đó biết, cũng không thể nói với họ, do đó có câu : ‘’Câm ngọng ăn huỳnh liên’’ (người câm khổ sở như ăn quả đắng huỳnh liên).
Một người thọ nhiều thứ khổ, ví như người nọ, bất cứ đi đến đâu cũng gặp khổ não, chẳng phải thiên tai thì là nhân họa, chẳng phải trộm cướp thì là nạn lửa. Hết thảy khổ não trên thế gian anh ta đều nếm hết. Một người mà nếm hết các thứ khổ, đây gọi là một người thọ nhiều thứ khổ.

Nhiều người chịu một thứ khổ, ví như chiến tranh hiện tại ở Việt Nam, khi tác chiến thì mưa bom đạn lạc, sinh linh lầm than, chết chẳng biết bao nhiêu người, thật là bi ai. Nhiều người ở trong một nước này, cùng chịu một thứ khổ, thứ khổ não này gọi là nhiều người thọ một thứ khổ. Còn một thứ nữa, như bệnh ôn dịch lưu hành, rất nhiều người đều chịu thứ bịnh truyền nhiễm đó, bệnh như chết sống lại, thứ khổ não đó tuy chưa đến chết, nhưng bệnh tật rất thống khổ, đó cũng là nhiều người chịu một thứ khổ, còn có rất nhiều khổ não khác nữa, nói cũng nói chẳng hết. Thế giới này là thế giới khổ não. Chúng sinh cũng nhiều, khổ não cũng nhiều, cứu kính có bao nhiêu thứ khổ não ? Căn bản chẳng có số lượng để tính. Tổng quát lại thì có tám vạn bốn ngàn thứ khổ.

Vậy khi chịu các thứ khổ não thì làm thế nào ? Ai cũng đều có khổ não. Khi chúng ta chịu khổ não, thì chúng ta đừng quên Bồ Tát Quán Thế Âm.

‘’Nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm’’. ‘’Nghe’’: Là mình vốn chẳng biết, giống như người Mỹ, cứu kính có bao nhiêu người nghe được danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm ? Tôi tin rằng, toàn nước Mỹ nghe được Quán Thế Âm Bồ Tát dù một phần trăm cũng chẳng có ! Bạn hãy nghĩ xem, nhiều người như thế chẳng nghe được danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, mà bạn bây giờ nghe được, nghe cũng tức là minh bạch, biết Bồ Tát Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông, có ba mươi hai ứng thân, thần thông tự tại, đó là ‘’Nghe Bồ Tát Quán Thế Âm’’.

‘’Một lòng niệm danh hiệu của Ngài’’: Quan trọng nhất là ‘’một lòng’’, đừng có hai lòng, cũng đừng có ba lòng, càng đừng có bốn lòng, nếu tâm của bạn càng nhiều, thì tựa như bạn chẳng làm công đức. Nếu tâm mà nhiều quá thì chẳng tốt. Tại sao ? Vì nhiều tâm thì phân tán, mà phân tán thì chẳng chuyên nhất, chẳng chuyên nhất thì chẳng linh, chẳng có công hiệu. Nếu bạn ‘’hai lòng niệm danh hiệu’’ thì cũng chẳng linh, ‘’ba lòng xưng danh’’ thì càng chẳng ích gì.

‘’Bồ Tát Quán Thế Âm’’ : Quán, tức là quán xem. Thế tức là thế gian. Âm là âm thanh. Bồ Tát quán xem tất cả âm thanh của thế gian. ‘’Lập tức Quán Âm thanh kia’’ : Lập tức quán sát âm thanh của chúng sinh đó. ‘’Đều được giải thoát’’ : Hết thảy tất cả khổ não đều được giải thoát. Giải thoát tức là khổ não chẳng còn nữa, khổ não chẳng còn nữa thì được an vui. Giải thoát ở đây tức cũng là đắc được tự tại thật sự, vô câu vô thúc, vô quái vô ngại.

Nếu có người trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, dù vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, do nhờ sức oai thần của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, mà xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì liền được vào chỗ cạn.
Đoạn văn này nói về Bồ Tát Quán Thế Âm cứu nạn lửa và nạn nước hai nạn trong bảy nạn. ‘’Nếu có người trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm’’ : Trì tức là niệm. Nếu có, là hiện tại chẳng có, tương lai sẽ có. Nếu như có người trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Trì là nghĩ nhớ luôn luôn, tức cũng là tâm niệm đều chấp trì : ‘’Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát’’. Bất cứ người nào muốn giải trừ thống khổ bảy nạn, thì trước hết phải luôn luôn cung kính xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

‘’Dù vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được’’ : Đây là nói lúc bình thường bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, chứ chẳng phải nói đến lúc bị khốn ở trong lửa lớn, thì mới niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Chẳng phải nói hôm nay mình có tai nạn, thì hôm nay mới niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là :

‘’Khi bình an thì chẳng thắp hương,
Đến lúc lâm chung thì ôm chân Phật’’.

Lúc nhàn thì một cây hương cũng chẳng đốt, đến lúc sắp chết, thì đến ôm chân Phật cầu cứu. Lúc đó, tuy bạn đến ôm chân Phật, nhưng Phật cũng chẳng lý tới bạn. Tại sao ? Vì lúc bình thường bạn chẳng tu hành, đợi khi có nạn thì đến cầu Phật, đó gọi là vừa đốt hương vừa niệm Phật. Song, còn có hạng người lúc bình thường họ cũng chẳng đốt hương, cũng chẳng niệm Phật. Nhưng khi họ có tai nạn, thì Bồ Tát cũng đến cứu họ, cũng khiến cho họ lìa khổ được vui. Đây là đạo lý gì ? Bạn nên biết, mỗi người chúng ta đều có tiền nhân hậu quả, có thể kiếp trước họ đã từng dũng mãnh tinh tấn tu đạo, siêng năng dụng công niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Thậm chí họ đã từng tạo đủ thứ công đức, cho nên đời này tuy họ chẳng niệm, là vì họ kiếp trước đã niệm rồi, đã từng trồng xuống căn lành đó, cho nên đời này họ chẳng niệm, mà Bồ Tát Quán Thế Âm cũng đến cứu họ, đó là vì sự quan hệ nhân xa. Nhân, có nhân xa, cũng có nhân gần. Nhân xa là nhân trồng kiếp trước; nhân gần là nhân trồng đời này.

Hoặc có người nói : ‘’Kiếp trước tôi đã trồng nhân xuống rồi, nên bây giờ tôi chẳng cần niệm, tương lai tôi có nạn thì Bồ Tát Quán Thế Âm cũng sẽ đến cứu tôi.’’ Song chẳng bảo đảm, dù bạn hướng về tôi mua bảo hiểm, tôi cũng chẳng bán. Nếu bạn ngay đời này bắt đầu thành tâm thành ý niệm, thì tôi có thể làm chứng cho bạn, chắc chắn sẽ được cảm ứng, tương lai bạn có tai nạn gì, thì Bồ Tát Quán Thế Âm nhất định sẽ đến cứu bạn. Vì bạn chẳng phải vừa đốt hương vừa niệm Phật, thì tuyệt đối có cảm ứng.

Trước kia có người nọ, một lòng muốn đến Nam Hải núi Phổ Đà lạy Bồ Tát Quán Thế Âm. Đến ngày anh ta quyết định đến núi Phổ Đà, để lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, vừa mới lên thuyền, thì nhà kế bên cạnh bỗng bị lửa cháy. Người nhà của anh ta chạy đến báo cáo với anh ta : ‘’Chẳng may rồi ! Anh phải trở về nhà gấp, đừng đi đến núi Phổ Đà, nhà bên cạnh đã bị lửa cháy, anh phải về nhà lo liệu.’’

- Anh ta nói : ‘’Tôi vì muốn lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, nên đã ăn chay ba năm rồi, bây giờ tôi cũng lên thuyền đi. Nếu nhà bị lửa cháy, thì tôi có xuống thuyền nó cũng vẫn cháy. Nếu không cháy, thì Bồ Tát Quán Thế Âm đã bảo hộ tôi, dù tôi không trở về, nó cũng không cháy. Tôi thành tâm như thế, thì dù nhà có bị lửa cháy, tôi cũng phải đến lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm!’’ Anh ta quyết định một lòng đến lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, sau khi lễ lạy xong trở về nhà, thấy những nhà bên cạnh phải trái đều bị cháy sạch, mà một mình nhà của anh ta chẳng bị lửa cháy. Do đó, một số người bèn hỏi anh ta : ‘’Sao những nhà bên cạnh nhà anh đều cháy sạch, mà nhà của anh chẳng bị lửa cháy.’’ Anh ta nói : ‘’Vì lần này tôi thành tâm lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm nhất, khi tôi đi thì gì cũng chẳng màng đến, nó phải cháy thì để nó cháy, cái gì tôi cũng buông xả hết. Đó là Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho tôi, nên khiến cho nhà của tôi chẳng bị lửa cháy.’’ Đó là : ‘’Bằng chứng thật dù vào trong lửa lớn, lửa không cháy được.’’
‘’Do nhờ sức oai thần của Bồ Tát’’ : Tại sao lửa chẳng cháy được ? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần, cho nên lửa không cháy được.

‘’Nếu bị nước lớn cuốn trôi’’ : Nếu lúc bình thường bạn cũng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì trong sự vô ý, chẳng phải cố ý muốn thử Bồ Tát Quán Thế Âm, đi nhảy xuống biển coi thử có linh nghiệm, không chết chìm chăng ? Nếu bạn còn có tâm thử nghiệm, thì chẳng phải là tin chân thật, thì tuyệt đối chẳng linh, bạn đi nhảy xuống biển tơ hào chẳng nghi vấn là muốn ngập chìm chết. Tại sao ? Vì bạn còn tâm thử nghiệm Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng phải là học sinh, còn bạn cũng chẳng phải là thầy giáo, thì tại sao bạn phải thử Bồ Tát Quán Thế Âm ? Vì bạn chẳng tin Bồ Tát Quán Thế Âm có đại thần thông như thế, cho nên mới muốn thử nghiệm. Bạn thử nghiệm thì chẳng quan trọng, song sinh mạng của bạn phải hy sinh, đừng đem mạng sống ra làm trò đùa. ‘’Xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì liền được vào chỗ cạn’’: Bạn xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, trong sự bất tri bất giác, thì sẽ được vào chỗ cạn. Trong biển cả chẳng biết làm thế nào được vào bờ, đó đều là thần lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên mới có cảm ứng như thế.

Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh, vì đi tìm cầu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ châu báu, vào trong biển lớn. Giả sử, có gió đen thổi thuyền của họ, trôi dạt vào nước quỷ La sát. Trong đó, dù chỉ có một người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì hết thảy những người kia, đều được thoát khỏi nạn quỷ La sát, bởi nhân duyên đó, mà có tên là Quán Thế Âm.

Đoạn văn này nói về quỷ La sát trong bảy nạn, cũng có thể nói là nạn gió đen. Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh, vì muốn tìm cầu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu bảy báu. Người thế gian đi tìm cầu khắp nơi, bạn tranh giành, cho rằng đó là quý báu, kỳ thật đều là vật ngoài thân. Bạn chẳng minh bạch châu báu chân thật của tự tánh, mà tham trước châu báu bên ngoài, dù đắc được cũng chẳng có đại tác dụng gì, đối với trong tự tánh của bạn. Song, một số người đều muốn tìm cầu ‘’vàng’’.

 Mỗi quốc gia đều hoan hỉ vàng, cho nên người dân cũng cho rằng đó là một vật quý báu ít có, nên ngày đêm nghĩ phương pháp để tìm cầu. Cho đến đất nước xảy ra giao tranh cũng vì vàng. Tại sao con người lại cho rằng vàng quý trọng như thế ? Là vì nó rất hiếm hoi, vì ít cho nên trân quý. Nếu vàng mà nhiều như đất, thì con người coi nó cũng chẳng có giá trị gì. Do đó : ‘’Vật hiếm hoi thì quý.’’ Vì ít cho nên ai ai cũng đều hoan hỉ, thậm chí nằm mộng cũng mộng thấy vàng, có người đến phi châu tìm vàng, có người đến nước Mỹ để tìm vàng. Trước kia, nghe nói ở Cựu Kim Sơn rất là nhiều vàng, cho nên chạy đến nước Mỹ, nhất là người Hoa đến nước Mỹ chuyên môn tìm vàng. Khi vàng ở nước Mỹ khai quật rồi, thì chạy về Á Châu. Nước Mỹ có Cựu Kim Sơn, còn Á Châu thì có Tân Kim Sơn, rất nhiều người chuyên môn tìm vàng.

 Vì người đến Mỹ để tìm vàng, nên bị chết ở trong biển cũng chẳng biết bao nhiêu người, có thể chết rất nhiều, vì trước kia giao thông chẳng phương tiện như bây giờ, tin tức cũng chẳng linh thông cho lắm, cho nên chết rất nhiều người cũng chẳng biết, đó đều là gặp phải nạn gió đen. Vàng là vật quý báu nhất, bạc là vật quý báu thứ hai. Ngoài ra còn lưu ly, người Trung Quốc gọi lưu ly là ‘’thanh sắc bảo’’, vật quý màu xanh. Xa cừ là một loại đá quý, mã não là một loại đá ngọc, thứ đá này giống như não ngựa, bên trong có đường gân đỏ như huyết, nên gọi là mã não. San hô là cây san hô, có loại cao hơn ba thước, tôi đã thấy qua loại cao hơn một thước. San hô là do một loại trùng trong biển biến thành, đó cũng là một thứ hóa thạch, do trùng biến thành thực vật, giống như cây, chất liệu của nó giống như đá ngọc, nên rất quý giá.

Ở Trung Quốc có một nhà giàu có, gọi là Thạch Sùng, rất thích so sánh sự giàu có với người khác. Một ngày nọ, ông ta đến nhà của hoàng thân để phó yến, nhà này là bà con của hoàng đế. Đương thời hoàng đế tặng cho một cây san hô, cao khoảng hơn hai thước. Vì là vật của hoàng đế tặng nên đặc biệt quý giá. Hoàng thân mời Thạch Sùng đến nhà dùng cơm rồi, bèn đem cây san hô ra cho thạch Sùng ngắm, ai biết Thạch Sùng dùng tay cầm lên rồi ném xuống đất vỡ nát. Khiến cho hoàng thân buồn rầu vô cùng mới nói : ‘’Đó là vật hoàng đế tặng cho tôi, sao anh lại đập vỡ nó, bây giờ tiền bạc đâu có giá trị gì.’’ Thạch Sùng nói : ’’Anh đừng có buồn, tôi sẽ tặng anh một cây san hô, ngày mai mời anh đến nhà tôi tùy ý anh lựa, muốn lấy cây nào thì lấy.’’

Ngày kế tiếp hoàng thân đến nhà Thạch Sùng tham quan, thì ngay phòng khách chưng đầy cây san hô cao hơn ba thước, hoàng thân thấy tâm bèn nghĩ : ‘’Ta tuy là hoàng thân, mà chẳng giàu bằng anh Thạch Sùng.’’ Do đó, bèn lựa một cây san hô rồi từ giã ra về. Kết quả Thạch Sùng cũng vì giàu có mà bị đấu tranh đến chết. Do đó :

‘’Người vì tài mà chết.
Chim vì ăn mà bỏ mạng’’.

Chúng sinh là điên đảo như thế. Tại sao mà chết ? là vì ‘’ tiền tài’’. Hổ phách là một thứ khoáng vật trong suốt màu vàng, do mỡ của cây hệ tùng biến thành. Trân châu là một loại vật chất hình tròn ở trong ngọc trai, trong suốt óng ánh rất đẹp, gọi là trân châu.

‘’Vào trong biển lớn’’ : Con người vì muốn tìm cầu những báu vật đó, bèn vào trong biển tìm những châu báu. Ở trong biển nhiều châu báu nhất, nên vào trong biển mà tìm cầu. ‘’Giả sử có gió đen’’ : Gió đen là gì ? Tức là gió màu đen, song thứ gió màu đen này, mỗi người cũng đều có. Gì gọi là ‘’gió màu đen’’? Tức là khi bạn nổi giận, thì sắc mặt của bạn phát đen. Vì con người nổi giận nên có gió đen, nếu không nổi giận thì chẳng có gió đen.

‘’Biển’’ là gì ? Tức là ‘’biển tánh’’ của chúng ta, biển tánh của tự tánh. ‘’Gió đen’’ dụ cho vô minh của chúng sinh, ‘’vô minh’’ còn gọi là ‘’phiền não’’. Nếu bạn sinh phiền não tức là có gió đen. Nếu chẳng có phiền não, thì trong ‘’biển tự tánh’’ của bạn gió yên sóng lặng. Làm thế nào mới tìm cầu được châu báu ? Là đi vào trong tự tánh phát quật chân báu tự tánh. Khi bạn muốn phát quật châu báu tự tánh, thì lúc đó sẽ gặp chướng ngại. Vì sao có chướng ngại ? Là vì đức hạnh của mình chẳng đủ, đức tính chẳng đủ, đạo đức chẳng đủ, công đức chẳng đủ. Vì chẳng làm công đức, nên đức hạnh cũng chẳng viên mãn. Đức hạnh chẳng viên mãn, cho nên mới có gió đen, mới có ma chướng. Nếu đức của bạn lớn, thì gió đen sẽ biến hóa thành mây cát tường. Do đó có câu rằng :

‘’Đạo cao long hổ phục,
Đức trọng quỷ thần khâm’’.

Nếu người đạo hạnh cao, thì dù rồng thấy bạn cũng khoanh lại. Rồng vốn rất là lợi hại, nó có thể dời núi lấp biển, nếu rồng dụng thần thông thì núi cũng sẽ dời đi, biển cũng dời đi, do đó thế lực của rồng rất là lợi hại. Song, nếu bạn có đạo thì tuy rồng có thần thông quảng đại, cũng chẳng dám thị uy ở trước mặt bạn, mà lão lão thật thật khoanh lại. Cọp tuy hung dữ nhất, song nếu bạn thật sự chẳng có nóng giận, thì cọp thấy bạn sẽ thuần phục bạn, cuối đầu vẫy đuôi, tỏ vẻ hoan nghênh, chẳng làm dữ cắn bạn. Song, bạn phải có đức hạnh thì mới có cảnh giới này. Nếu chẳng có đạo đức, thì rồng cũng chẳng khoanh, cọp cũng chẳng nằm.

‘’Đức trọng quỷ thần khâm’’. Nếu bạn đủ đức hạnh viên mãn, thì dù quỷ thần gặp bạn, cũng đều cung kính bạn, tôn trọng bạn, hướng về bạn cuối đầu đảnh lễ. Cho nên quan trọng nhất của con người, là phải có đức hạnh.
‘’Gió đen thổi thuyền của họ trôi dạt vào nước quỷ la sát’’ : Quỷ la sát là loài quỷ ăn tinh khí, đa số nữ tính, chuyên môn ăn tinh khí của người. Nếu thuyền bị gió đen trôi dạt vào nước quỷ la sát, nếu trong đó chỉ có một người phát tâm xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thé Âm, thì tất cả mọi người đó, thậm chí trăm ngàn vạn ức chúng sinh, đều được thoát khỏi nặn quỷ la sát. Bởi nhân duyên đó, nên tên của Bồ Tát đó, gọi là Bồ Tát Quán Thế Âm.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “56. Phẩm Bồ Tát Quán Thế Âm Thứ Hai Mươi Lăm - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com