Mục Lục
Đề Bà Đạt Đa là anh em chú bác với Đức Phật, song ở đâu Ngài cũng làm ngược lại với Đức Phật. Có người nói Ngài có cừu hận với Đức Phật. Kỳ thật, Đức Phật thành đạo, Ngài thuộc về người nghịch tăng thượng duyên trợ đạo, mà đời đời kiếp kiếp Đề Bà Đạt Đa còn đến trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp. Do đó, Ngài dùng nhân vật phản diện để giúp thành Phật đạo, đó là người ‘’nghịch trợ giúp’’ vậy.
Đề Bà Đạt Đa là tiếng Phạn, dịch là ‘’thiên nhiệt’’, vì khi Ngài tại thế thì chuyên môn phản diện để trợ giúp người, khiến cho người cảm thấy rất nhiệt não, khí trời cũng biến thành nóng bức, do nhân duyên đó mà được tên. Tại sao Ngài phải phản diện để trợ giúp Đức Phật thành đạo ? Đó cũng có một nhân duyên.
Vào thuở xa xưa về quá khứ, có một vị trưởng giả giàu có tên là Tu Đàn. Ông ta có hai người con. Người con lớn tên là Tu Ma Đề, người con kế tên là Tu Tỳ Gia. Sau khi ông ta qua đời, thì hai người con tính toán thừa kế di sản của cha. Ông anh cả Tu Ma Đề bèn nghĩ : ‘’Nếu mình chia một nửa tài sản cho Tu Tỳ Gia, thì chẳng phải là mình bớt đi một nửa tài sản chăng ?’’ Do đó, anh ta hẹn với người em Tu Tỳ Gia, đến núi Linh Thứu để du ngoạn. Khi đến tới đỉnh núi, thì Tu Ma Đề xô người em xuống hang núi, người em tan thân nát xương qua đời, sau đó người anh còn lấy đá đập thi thể, vì sợ người em bị thương tích không chết. Một người anh dùng phương pháp tàn ác để giết em mình, chỉ vì đoạt lấy tài sản của cha để lại. Tu Ma Đề thuở đó, tức là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tu Tỳ Gia tức là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa, người cha Tu Đàn tức là Vua A Xà Kỳ. Mà phẩm nầy Phật nói nhân duyên Đề Bà Đạt Đa, trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp.
Bấy giờ, Phật bảo các vị Bồ Tát và trời người bốn chúng : Ta ở trong vô lượng kiếp quá khứ, cầu Kinh Pháp Hoa chẳng khi nào lười mỏi. Ở trong nhiều kiếp thường làm vua, phát nguyện cầu vô thượng bồ đề, tâm chẳng thối chuyển, vì muốn đầy đủ sáu Ba la mật, tâm chẳng xan tham, nên siêng thực hành bố thí : Voi ngựa bảy báu, đất nước vợ con, nô tì tôi tớ, đầu mắt tủy não, thân thịt tay chân, chẳng tiếc thân mạng.
Đoạn văn nầy nói về Đức Phật trong đời quá khứ, vì cầu vô thượng bồ đề. Bố thí ngoại tài, nội tài, hết thảy tất cả đều vì cấu pháp mà bố thí. Sau khi nói xong phẩm Hiện Bảo Tháp, thì Phật lại không hỏi mà nói, bảo các vị Bồ Tát và trời, người, Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ : Ta ở trong vô lượng kiếp quá khứ, vì cầu diệu lý Kinh Pháp Hoa, mà luôn luôn chưa từng sinh một niệm lười mỏi giải đãi. Ở trong nhiều kiếp ta thường làm vua, ta phát nguyện cầu vô thượng bồ đề, tâm chẳng thối chuyển, muốn đầy đủ pháp môn sáu Ba la mật :
1. Bố thí : Siêng tu pháp môn bố thí, thì tâm chẳng tham lam. Phật đem hết thảy châu báu như : Ngựa báu, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, trân châu, mã não, đất nước, thành ấp, thê thiếp, con cái, nô tì, tôi tớ, những gì kẻ khác cần, Phật đều bố thí hết. Ở trên là thuộc về ngoại tài. Còn có nội tài bố thí tức là : Đầu, mắt, tủy, não, xương thịt, tay chân, chẳng có tơ hào thương tiếc thân thể và tính mạng của mình, vì cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi biển khổ mà hành bố thí .
Đức Phật vì viên mãn sáu Ba la mật, cho nên y báo, chánh báo đều cùng xả bỏ, không ngoài mục đích cầu sớm chứng quả vị Phật, đó là hành vi thực hành Bồ Tát đạo chân chánh.
2. Trì giới : Tức là không làm ác ngừa điều quấy, tức cũng là ba điều ác nơi thân : Sát hại, trộm cắp, tà dâm. Bốn điều ác nơi miệng : Nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chưởi mắng.
3. Nhẫn nhục : Khó nhẫn mà nhãn được, dù bị người đánh đập, mắng chưởi cũng nhẫn được.
4. Tinh tấn : Bất cứ làm gì cũng đều có trước có sau, thân tâm chẳng lười mới là tinh tấn.
5. Thiền định : Tứ thiền bát định, tức là : Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Đến cảnh giới sơ thiền, thì hơi thở chẳng còn. Cảnh giới nhị thiền, thì các mạch máu ngưng lại. Cảnh giới tam thiền, thì niệm cũng ngừng. Cảnh giới tứ thiền, thì niệm đã dứt. Sơ thiền còn gọi là Ly sinh hỷ lạc địa, cảnh giới lìa khỏi phiền não mà sinh ra khoái lạc. Nhị thiền là Định sinh hỷ lạc địa. Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc địa. Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh địa. Bát định là ngoài tứ thiền ra, còn có: Không vô biên định .v.v.
6. Bát nhã : Phát ra trí huệ chân chánh của tự tánh, đoạn trừ tham sân si ba độc, thì trí huệ sẽ hiện tiền.
Nghĩa lý sáu Ba la mật rất nhiều. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, tức là một thứ bố thí Ba la mật. Không nói hai lưỡi, là trì giới Ba la mật, không chưởi mắng là nhẫn nhục Ba la mật, không nói thêu dệt là tinh tấn Ba la mật, không tham sân là thiền định Ba la mật, không tà kiến là Bát Nhã Ba la mật.
Sáu ba la mật còn có ba lối nói : A. Đối trị. B. Tương sinh. C. Quả báu.
A. Đối trị :
1. Bố thí đối trị với xan tham.
2. Trì giới đối trị hủy phạm.
3. Nhẫn nhục đối trị sân hận.
4. Tinh tấn đối trị giải đãi.
5. Thiền định đối trị tán loạn.
6. Bát nhã đối trị ngu si.
B. Tương sinh : Trì giới thì gặp chuyện nhục nhã, sẽ nhẫn được, nhẫn được sẽ tinh tấn được, tinh tấn sẽ điều phục được năm căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, năm căn điều phục rồi, thì nhiếp được vào nơi pháp giới, nhiếp được vào pháp giới, tức là Bát nhã.
C. Quả báo : Bố thí sẽ được quả báo giàu sang, trì giới sẽ được quả báo các căn đầy đủ, nhẫn nhục sẽ được quả báo tướng mạo đoan chánh, tinh tấn sẽ được quả báo thế lực lớn, thiền định sẽ được quả báo sống lâu, Bát nhã sẽ được quả báo biện tài vô ngại.
Mỗi thứ Ba La Mật lại có mười điều lợi ích : Bố thí Ba la mật :
1. Hàng phục được phiền não xan tham.
2. Xả niệm tương tục, chân chánh hành bố thí.
3. Bình đẳng với tất cả chúng sinh, chẳng khởi tâm phân biệt.
4. Sinh vào nhà giàu sang.
5. Đời đời kiếp kiếp khởi tâm bố thí.
6. Bốn chúng kính mến.
7. Vào trong chúng không khiếp sợ, người thiện ác chẳng sinh tâm sợ hãi.
8. Danh tốt đồn khắp.
9. Tay chân mềm mại.
10. Gặp được thiện tri thức chân chánh.
‘’Trì giới là không làm ác ngừa việc quấy‘’. Không làm ác là không làm điều ác nào, ‘’ngừa việc quấy‘’ là làm các điều lành. Đừng cho rằng việc lành nhỏ mà không làm, đừng cho rằng điều ác nhỏ mà làm. Phải biết việc lành to lớn, là do việc lành nhỏ tích lũy mà thành. Do đó, trì giới thanh tịnh thì được mười điều lợi ích :
1. Viên mãn nhất thiết trí.
2. Vào sở học của Phật lấy giới làm thầy, vì kim cang quang minh bảo giới là bổn thể của chư Phật.
3. Chẳng hủy báng bậc trí, chẳng những chẳng huỷ báng người có trí huệ, mà còn khen ngợi, trước hết đừng tranh đệ nhất, phải lão lạo thật thật cung hành thực tiễn, tâm chân thì việc thật, thì tự nhiên bạn sẽ đệ nhất.
4. Thệ nguyện chẳng thối lùi, phát tâm cầu Phật đạo. Đầu mắt tủy não, thân thịt tay chân, cho đến tính mạng vĩnh viễn không thối chuyển nơi bồ đề tâm.
5. An trụ chánh hạnh, chẳng sinh tâm phan duyên, thường lợi ích kẻ khác.
6. Xả bỏ sanh tử : Xả bỏ tất cả để nhận chân tu hành.
7. Mộ niệm Niết Bàn bốn đức.
8. Tâm chẳng hà tiện, tâm chẳng bị tham sân si mạn nghi làm hại.
9. Được tam muội thù tháng.
10. Chẳng thiếu tín tài, có tín tâm là một thứ tài báu, mới sinh ra tâm bồ đề.
Nhẫn nhục chẳng dễ gì làm được, cho nên trên chữ nhẫn có cái đao cắm ở trên chữ tâm (忍), mà đao lại nhọn, đao nhọn đè trên tim (tâm), ‘’nhẫn‘’ giống như đao đâm ở trong tim, đủ thấy chẳng dễ gì nhẫn được. Nếu không dễ gì nhẫn mà nhẫn được, thì phá được quan ải nhẫn. Lúc đó, sẽ đắc được nhẫn nhục Ba la mật. Từ bờ sinh tử qua dòng phiền não, đến được bờ Niết Bàn bên kia. ‘’Nhẫn là báu vô giá, mọi người xử không tốt, nếu hay nhẫn nhục được, thì mọi việc đều tốt đẹp‘’. Bồ Tát Di Lặc lại có một bài kệ rằng :
‘’Lão quê mặc áo vá
Cơm hẩm no đầy bụng
Áo vá che rét lạnh
Vạn sự hãy tùy duyên.
Có ai mắng lão quê
Lão quê chỉ nói tốt
Có ai đánh lão quê
Lão quê nằm lăn ra.
Khạc nhổ vào mặt lão
Để nó tự khô lấy
Ta cũng chẳng nhọc sức
Họ cũng chẳng phiền não.
Đây là Ba la mật
Tức là báu trong diệu
Nếu làm được như thế
Lo gì đạo chẳng thành‘’.
Nhẫn nhục Ba la mật có mười điều lợi ích :
1. Lửa chẳng thiêu được, vì trong tâm chẳng có lửa sân, lửa bên ngoài chẳng cách gì làm hại được.
2. Đao chẳng hại được, vì bên trong chẳng có đao thương vũ khí, và tâm thương hại, nên đao thương bên ngoài cũng không làm hại được.
3. Độc không hại được, do đó có câu :
‘’Dù gặp đao nhọn vẫn ung dung,
Hoặc uống thuốc độc cũng an nhàn‘’.
Cho nên Tổ Bồ Đề Đạt Ma bị ngoại đạo hạ độc sáu lần, mà Ngài chẳng trúng độc, cũng không chết. Vì trong vô lượng kiếp về trước, Ngài tu hạnh nhẫn nhục viên mãn. Bên trong chẳng có tâm độc, bên ngoài chẳng hại được.
4. Nước ngập chẳng chết.
5. Tất cả Thiên Long bát bộ, người, chẳng phải người, đều ủng hộ. Thân tướng thanh tịnh trang nghiêm, mọi người thấy, tâm đều sinh kính mến.
7. Vĩnh viễn chẳng đọa vào ba đường ác.
8. Được sinh cõi Trời Phạm Thiên.
9. Ngày đêm an lạc.
10. Thân tâm thường sinh vui mừng.
Tinh tấn tức chẳng lười biếng giải đãi, ví như khi nghe kinh thì ngủ, khởi vọng tưởng, hoặc nói chuyện với người khác, đó đều là chẳng tinh tấn. Vậy thế nào mới là tinh tấn ? Tức là chẳng tham ngủ, chẳng khởi vọng tưởng, chẳng nói chuyện với kẻ khác, tất cung tất kính, chú ý nghe kinh, mới là tinh tấn. Hơn nữa ngày đêm sáu thời chẳng có mệt mỏi, luôn luôn niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, đó là thân tâm tinh tấn. Tinh tấn có mười điều lợi ích :
1. Họ không triết phục được, vì định lực kiên cố, biện luận với bất cứ ai, chắc chắn sẽ trăm chiến trăm thắng.
2. Được Phật nhiếp hộ.
3. Được phi nhân (chẳng phải người) hộ trì, Thiên Long bát bộ, người, chẳng phải người, đều đến hộ trì.
4. Nghe pháp không quên, một khi lọt qua tai chẳng bao giờ quên.
5. Chưa nghe được nghe, chẳng có cơ hội được nghe pháp thì có thể sẽ được nghe.
6. Tăng trưởng biện tài, đắc được biện tài vô ngại, hay khiến cho người nghe pháp hỷ sung mãn.
7. Được tánh tam muội.
8. Ít bệnh ít não.
9. Tâm được khinh an.
10. Hoa Lộ Ưu Ba và Hoa Ưu Đàm Bát (những thứ hoa nầy ba ngàn năm mới nở một lần), ngày ngày tăng dần. Cho nên người tu phải dũng mãnh tinh tấn, tinh tấn hóa trùng biến thành rồng.
Thiền na Ba la mật. Thiền na là tiếng Phạn, dịch là "Tư duy tu", tiếng tàu gọi tắc là thiền. Thông thường tham câu ‘’Niệm Phật là ai ?’’ Gọi là tham thiền, như dùng máy khoan để khoan lỗ, lại như mèo rình chuột. Chuột đại biểu cho vô minh của chúng ta. Tham thiền là kéo chân tâm lại, lại như là rồng giữ hạt châu, thời khắc luôn luôn tự tại tức là quán tự tại, nếu không thể quán tự tại, tức là đang khởi vọng tưởng. Do đó :
‘’Niệm dấy lên, trăm việc đều có,
Ý niệm ngừng, vạn sự đều không
Tâm ngừng niệm bặc, giàu sang thật
Lòng dục đoạn sạch, là ruộng phước‘’.
Tại sao con người bần cùng ? Vì trong tâm có tham sân si, như hố không đáy, nếu buông bỏ đặng, không phan duyên bên ngoài, không chấp trước sắc trần, đó mới là một người giàu sang thật sự.
Nếu đoạn sạch lòng tư dục, thì mới là phước báo thật sự, tham thiền cũng có mười điều lợi ích :
1. An trụ oai nghi : Tham thiền đến cảnh giới :
"Trên chẳng biết có trời
Dưới chẳng biết có đất".
‘’Không người, không ta, quán tự tại,
Chẳng không, chẳng sắc, thấy Như Lai‘’.
2. Hành từ cảnh giới : Hay từ bi nhiếp thọ giáo hoá tất cả chúng sinh.
3. Chẳng có phiền não.
4. Giữ gìn sáu căn, mắt chẳng chạy theo sắc trần, tai chẳng chạy theo thanh trần, mũi chẳng chạy theo hương trần, lưỡi chẳng chạy theo vị trần, thân chẳng chạy theo xúc trần, ý chẳng chạy theo pháp trần. Sáu căn phóng quang chấn động trời đất, trí huệ quang minh chiếu khắp ba nghìn đại thiên thế giới.
5. Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn. Nghĩa là lấy niềm vui của thiền làm thức ăn, niềm vui của pháp hỷ tràn trề.
6. Lìa khỏi ái dục, tại sao con người có sinh tử ? Vì ái dục chưa đoạn, cho nên luân hồi ở trong sáu nẻo. Nếu đoạn dục khử ái, thì cửa địa ngục cũng đóng bít, chẳng đọa vào đường ác nữa. Do đó, có câu:
‘’Nghiệp không nặng không sinh Ta Bà
Ái không dứt không sinh tịnh độ‘’.
7. Tu thiền bất không : Thời khắc luôn luôn tham thiền, thì nhất định sẽ tăng trưởng huệ mạng, khai mở đại trí huệ.
8. Giải thoát ma nghiệp : Ma chẳng cách gì chướng ngại đạo nghiệp của bạn.
9. An trụ cảnh Phật, an trụ ở cảnh giới của Phật.
10. Giải thoát thành thục, chẳng quái chẳng ngại, được pháp thân thanh tịnh.
Bát Nhã Ba La Mật, ‘’Bát Nhã‘’ là tiếng Phạn, dịch là "Trí huệ". Tại sao hai chữ không đọc là ‘’Trí huệ‘’? Vì hai chữ ‘’Bát Nhã‘’ nầy, hay hình dung trí huệ siêu nhiên của Phật, khác với trí huệ mà phàm phu nói, cho nên không dịch. ‘’Bát Nhã‘’ còn bao hàm ba ý nghĩa:
A. Văn tự Bát nhã : Tất cả kinh điển của Phật nói, đều thuộc về văn tự Bát nhã.
B. Quán chiếu Bát nhã : Do văn tự Bát nhã, mà khởi quán chiếu Bát nhã, thâm nhập kinh điển Phật giáo, sau đó sinh ra quán chiếu trí huệ.
C. Do quán chiếu Bát nhã, mà đạt được thật tướng Bát nhã. Thật tướng vốn là vô tướng, song vô tướng bất tướng, nên gọi là thật tướng, tức cũng là phi không phi hữu (chẳng không chẳng có).
Văn tự bát nhã tức là có, quán chiếu bát nhã tức là không, nếu từ có mà đạt đến không, thì từ không đạt đến phi không phi hữu, được như thế thì ngộ được cảnh giới chân không diệu hữu, cho nên gọi là thật tướng Bát nhã.
Ai có trí huệ tức là Bát nhã, ai không có trí huệ thì ngu si. Nếu ai biết mình ngu si, thì bắt đầu có trí huệ. Vì tự biết mình ngu si, thì trí huệ quang minh tất nhiên hiện tiền. Nếu mình tự cho rằng mình đúng, chẳng chịu sửa đổi, thì đó chẳng có Bát nhã trí huệ.
Bát nhã tức cũng chẳng chấp trước, do đó ‘’Trí quang thường sáng‘’, nếu chúng ta tu trì Bát nhã, thì chắc chắn cũng đắc được mười điều lợi ích của Bát nhã:
1. Bố thí chẳng giữ tướng bố thí, chẳng giữ lấy tướng thọ bố thí, chẳng chấp trước, tức cũng là tam luân thể không. Nghĩa là: Người thí, kẻ nhận, vật bố thí, đều không. Nếu chẳng chấp trước về người thí và kẻ nhận, thì gọi là chẳng thủ lấy tướng bố thí. Chúng ta đừng học theo Vua Lương Võ Đế, ông ta từng hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma : ‘’Tôi tạo dựng nhiều chùa, làm nhiều cầu, bố thí cho nhiều tăng chúng, vậy Ngài nói tôi có công đức nhiều bao nhiêu ?’’ Tổ Bồ Đề Đạt Ma vì chẳng thuận nhân tình, nói thật với ông ta rằng : ‘’Chẳng có công đức‘’. Kỳ thật, chẳng có công đức, tức là chẳng có chấp trước, chẳng chấp trước tức là công đức. Công đức như hư không, không thể dò lường được.
2. Chẳng y vào giới : Nếu có người cho rằng mình giữ gìn giới luật là giỏi nhất, mà còn chấp trước thì đó là sai. Vì còn chấp trước vào ngã tướng (tướng ta). Nếu không chấp trước vào trì giới, có thể không trì mà trì, trì mà vô tâm, đó mới là chân chánh trì giới.
3. Không trụ vào sức nhẫn : Chẳng chấp trước mình có sức nhẫn nhục, mới là thật nhẫn. Thật nhẫn thì thì chẳng có tâm hay nhẫn, hay nhẫn mà chẳng nhẫn, căn bản chẳng cho rằng như thế. Nếu nói ta đang nhẫn nhục, thì giống như đầu lại thêm đầu. Cho nên chân chánh tu đạo nhẫn nhục, thì phải minh bạch tướng không của các pháp, đó mới là chân chánh tu đạo.
4. Chẳng lìa thân tâm mà tinh tấn : Thân tâm đều tinh tấn, song cũng đừng chấp trước mình suốt ngày tinh tấn. Nếu có sự chấp trước, thì chẳng phải là Bát Nhã tinh tấn. Bát nhã tinh tấn là tinh tấn, mà chẳng chấp vào sự tinh tấn, chẳng vì tinh tấn mà tinh tấn, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, hàng phục được tâm, vẫn phải lìa tướng hàng phục.
5. Thiền vô sở trụ : Tham thiền đến cảnh giới chẳng chấp trước vào đâu, thì phá được ngã (cái ta), pháp hai chấp, được đại giải thoát, cho nên gọi là Bát nhã thiền.
6. Ma không thể nhiễu loạn : Ma đến nhiễu loạn, song tâm chẳng giao động, chẳng mất chánh tri chánh kiến.
7. Lời bàn luận của kẻ khác chẳng động tâm : Ví như người chẳng có trí huệ, niệm ba ngày danh hiệu A Di Đà Phật, nghe người khác nói tu mật tông là tốt nhất, y bèn chạy theo. Nếu tâm không định, thì rất dễ chạy theo lời lẽ của kẻ khác. Tôi xin kể một câu chuyện : Xưa kia, Ngài Ngưỡng Sơn ở tại một túp lều tranh dột nát, túp lều tranh dột nát không thể che gió che mưa được. Lúc bấy giờ, tướng quốc Bùi Hưu nhìn thấy vị tu hành nầy, ở trong một túp lều tranh dột nát chẳng đành lòng. Do đó, bèn phát tâm đại bồ đề, cúng dường ba trăm lạng bạc, để tạo dựng một ngôi chùa mới. Tướng quốc Bùi Hưu đem ba trăm lạng bạc để ở trên đống cỏ ở trước cửa lều tranh rồi bỏ đi. Ba năm sau, ông ta lại trở lại xem Ngài Ngưỡng Sơn, thì phát giác Ngài Nhưỡng Sơn vẫn ở túp lều tranh dột nát đó, ông ta nghĩ : ‘’Đáo để vị Hòa Thượng nầy dùng ba trăm lạng bạc để làm gì ? Sao chẳng thấy chùa đâu cả?‘’ Do đó, bèn hỏi Ngài : ‘’Lão Hoà Thượng ! Trước kia tôi cúng cho Ngài ba trăm lạng bạc, Ngài làm việc gì mà chẳng thấy đem ra làm chùa : ‘’Ngài Ngưỡng Sơn nói : ‘’Trước kia ông để ba trăm lạng bạc ở đâu, thì đến đó tìm ! ‘’Do đó, tướng quốc Bùi Hưu bèn đến đống cỏ xem lại, thì quả nhiên ba trăm lạng bạc vẫn còn nằm đó, mới biết lão hòa thượng nầy là một vị chân tu, kính ngưỡng vô cùng, đích thân thế Ngài làm chùa. Sau đó, đem con (Hàn Lâm) cho vào chùa xuất gia, có pháp hiệu là Pháp Hải thiền sư.
Còn có câu chuyện nữa : Thuở xưa, có hai vị sư huynh đệ phát tâm cùng tu hành với nhau, ngày ăn một bữa, chịu khổ chịu cực. Một ngày nọ, hai người đến núi Ngũ Đài, lúc đó trời đổ tuyết lớn, nên hai vị tá túc trong một túp lều dột nát. Vì chẳng có lương thực, cho nên phải chịu đói ba ngày. Lúc đó, vị sư đệ khởi vọng tưởng : ’’Sư huynh là người xuất thân từ gia đình giàu có, chưa bao giờ chịu nhịn đói, lần nầy chịu đói với mình ở đây đã ba ngày, thật đáng thương ! Phải chi có ai đến cúng dường một tô mì nóng, thì tốt biết bao‘’. Vị đó khởi vọng tưởng như thế, thì thần thổ địa biết được cũng lo lắng. Vì thấy huynh đệ hai vị chân chánh tu hành nhịn đói đã ba ngày, nếu không phát tâm đến trợ giúp, thì hai vị có thể sẽ chết đói. Do đó, thần thổ địa báo mộng cho một cặp vợ chồng ở sau núi, kêu họ đến cúng dường hai vị tu hành. Sáng sớm ngày thứ hai, thì cặp vợ chồng đó đem hai tô mì lớn đến cúng cho hai vị. Vị sư đệ gặp cặp vợ chồng đó đến, vui mừng cười lớn tiếng. Lúc đó, vị sư huynh biết chắt là vị sư đệ khởi vọng tưởng ăn mì, nên bèn mổi giận nói : "Bây giờ đường ai nấy đi". Tu đạo, nếu đầy đủ công phu, thì chẳng hướng tâm bên ngoài phan duyên, mọi lời lẽ cũng chẳng làm cho tâm giao động định lực, mà vị sư huynh đó khống chế được vọng tâm hướng cầu bên ngoài.
8. Vượt qua dòng sinh tử : Đạt đến cảnh giới Niết Bàn, lìa bờ sinh tử bên nầy, mà chứng được thường lạc ngã tịnh, bốn đức Niết Bàn bời bên kia.
9. Tăng trưởng tâm từ bi.
10. Không ưa trụ ở bậc nhị thừa : Chẳng ưa thích trụ ở quả vị hàng nhị thừa, nguyện đi trên đường đại thừa, hồi tiểu hướng đại, tu pháp đại thừa Bát nhã.
Thuở đó, nhân dân sống lâu vô lượng. Vì cầu pháp mà xả bỏ ngôi vua, giao phó lại cho thái tử, đánh trống tuyên cáo, cầu pháp khắp bốn phương rằng : Ai có thể vì ta nói pháp đại thừa, thì ta sẽ suốt đời hầu hạ cung phụng người đó.
Trong vô lượng kiếp về trước, Đức Phật làm vua, lúc ấy Ngài hay xả bỏ sinh mạng tu sáu độ vạn hạnh. Thuở đó nhân dân sống rất lâu. Vì vị vua đó muốn cầu pháp, cho nên xả bỏ ngôi vua, giao phó ngôi vua lại cho thái tử. Sau đó đánh trống tuyên bố với nhân dân : ‘’Ta muốn đi khắp bốn phương cầu pháp, vị nào có đạo đức vì ta nói pháp đại thừa, thì ta suốt đời đem thân nầy hầu hạ, phụng dưỡng làm tôi tớ cho người đó‘’.
Bấy giờ, có vị tiên nhân đến bạch với vua rằng : Ta có pháp đại thừa tên là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nếu không làm trái ý của ta, thì ta sẽ vì nhà ngươi mà nói. Vua nghe vị tiên nói rất vui mừng hớn hở, bèn đi theo vị tiên nhân, cung phụng hái quả, gánh nước, nhặt củi, nấu cơm cho đến dùng thân mà làm giường tòa, thân tâm chẳng biết mệt mỏi, phụng sự như thế trải qua một ngàn năm, vì cầu pháp nên siêng năng cung cấp hầu hạ, khiến cho vị thiên nhân chẳng thiếu thốn gì cả.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:
Lúc đó, có vị tiên nhân đến bạch với vua rằng : ‘’Ta có bộ kinh đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, nếu nhà vua không trái lời ta dạy, thì ta sẽ vì nhà vua mà nói.’’ Nhà vua nghe vị tiên Trường Thọ nói rồi, tâm rất vui mừng hớn hở, lập tức đi theo vị tiên nhân, cung phụng những gì ông ta cần, lại đến núi hái quả, gánh nước, nhặt củi, nấu cơm, cho đến dùng thân thể của Ngài để làm giường tòa cho vị tiên, làm như thế mà thân tâm chẳng sinh chút mệt mỏi nào, cứ làm như vậy trải qua suốt một ngàn năm. Vì kiên thành cầu pháp, nên chẳng khi nào giải đãi, khiến cho vị tiên nhân chẳng thiếu thốn gì ! Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa lý ở trên, nên dùng kệ để nói.
Ta nhớ kiếp quá khứ
Vì cầu pháp đại thừa
Tuy làm vua trong đời
Chẳng tham vui năm dục.
Đánh trống khắp bốn phương
Ai có pháp đại thừa
Nếu vì ta giải nói
Ta sẽ làm tôi tớ.
Bèn có tiên A Tư
Đến bạch với đại vương:
Ta có pháp vi diệu
Hiếm có ở trong đời.
Nếu mà tu hành được
Ta sẽ vì ngươi nói.
Ta nhớ lại vô lượng kiếp trong quá khứ, vì cầu pháp đại thừa, tuy làm vua của một nước lớn trong thế gian, song chẳng tham luyến sự vui của năm dục. Do đó, ta bèn đánh trống khắp bốn phương tuyên bố rằng : ‘’Ai hiểu pháp đại thừa, nếu vì ta giải thích nói, tuy ta là ông vua, song ta nguyện làm tôi tớ cho người đó. ‘’Vì Ngài cầu pháp vô thượng, lúc đó có vị thiên A Tư (tiên trường thọ) đến bạch với vua rằng : ‘’Ta có pháp vi diệu cao thượng nhất, pháp nầy rất hiếm có trong đời, nếu như Ngài muốn y pháp tu hành, chẳng trái lời dạy của ta, thì ta sẽ vì ngươi nói diệu pháp đó.’’
Khi vua nghe tiên nói
Trong tâm rất vui mừng.
Lập tức theo tiên nhân
Cung cấp thứ cần dùng
Nhặt củi và hái quả
Theo lời cung kính dâng.
Vì muốn cầu diệu pháp
Thân tâm chẳng mệt mỏi
Khắp vì các chúng sinh
Siêng cầu pháp đại thừa.
Cũng chẳng vì thân mình
Và cầu vui năm dục
Nên làm đại quốc vương
Siêng cầu được pháp này.
Cuối cùng được thành Phật
Nên nay vì ông nói.
Lúc đó, ông vua nghe vị tiên nói, trong tấm rất vui vẻ mừng rỡ, lập tức theo vị tiên nhân, cung cấp những thứ cần dùng của vị tiên, lên núi hái củi, hái trái cây, theo thời mà cung kính hầu hạ vị tiên, tại sao phải làm như thế ? Vì ông vua muốn cầu vô thượng diệu pháp, cho nên thân tâm chẳng giải đãi để hầu hạ vị tiên. Đó chẳng phải vì lợi ích cho chính mình, mà là vì muốn minh bạch tất cả các pháp, sau đó phổ độ tất cả chúng sinh. Cho nên ông vua rất tinh tấn để cầu pháp đại thừa. Ông vua chẳng vì lợi ích thân tâm của chính mình, hoặc cầu sự vui của năm dục. Tuy là một ông vua lớn, song vì siêng cầu pháp mà cuối cùng được diệu pháp vô thượng, cho đến viên mãn vô thượng bồ đề. Hiện tại ta đem nhân duyên hành Bồ Tát đạo của ta trong quá khứ, nói ra cho các ông nghe.
Phật bảo các Tỳ Kheo ! Ông vua thuở đó, chính là thân ta, còn vị tiên đó, nay là Đề Bà Đạt Đa vậy.
Sau khi Phật nói xong bài kệ, bảo đại chúng Tỳ Kheo Tỳ kheo Ni, cư sĩ nam cư sĩ nữ rằng: Ông vua xả bỏ ngôi vua trong vô lượng kiếp quá khứ, để hầu hạ cung phụng vị tiên A Tư, tức là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị tiên A Tư thuở đó, tức là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa là tiếng Phạn. ‘’Đề Bà‘’ dịch là "Thiên", ‘’Đạt Đa‘’ dịch là ‘’Nhiệt‘’, tức là ‘’Thiện nhiệt‘’. Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức của Đức Phật trong đời quá khứ, cũng từng làm thầy của Đức Phật. Đức Phật từng làm tôi tớ cho Đề Bà Đạt Đa, cuối cùng đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đề Bà Đạt Đa chuyên môn phản đối Đức Phật, phá hoại tăng đoàn, lập riêng ra năm pháp:
1. Suốt đời đi khất thực.
2. Suốt đời mặc y phấn tảo.
3. Suốt đời ngồi ngoài trời.
4. Suốt đời không ăn muối.
5. Suốt đời không ăn cá thịt.
Chuyên môn làm ngược lại với Đức Phật, muốn cao hơn Đức Phật một bậc. Có những Tỳ Kheo tham danh háo lợi theo Đề Bà Đạt Đa học tập. Đề Bà Đạt Đa cũng từng làm thân Phật chảy máu. Một ngày nọ, Phật đi ngang qua núi Linh Thứu, Đề Bà Đạt Đa ở trên đỉnh núi dùng một tảng đá lớn lăn xuống núi. Lúc đó, thần hộ pháp cấp tốc đứng dậy dùng bảo chùy đập nát tảng đá, song có một mảnh đá nhỏ rớt trúng chân Đức Phật. Đề Bà Đạt Đa đã giết Tỳ Kheo ni Liên Hoa Sắc, một vị đã chứng quả A La Hán, ông ta dùng bàn tay chưởng một cái làm cho Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc phải qua đời. Ông ta còn phá hòa hợp tăng, khiến cho chúng Tỳ Kheo bất hòa. Lại xúi vua A Xà Thế giết cha giết mẹ, cho nên ông ta phạm đủ năm tội nặng. Tuy ông ta là một vị ác tri thức, chuyên môn phá hoại Đức Phật, song tương lai ông ta cũng sẽ thành Phật. Trên thật tế thì, ông ta đã thành Phật trong vô lượng kiếp.
Do thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa, mà khiến cho ta đầy đủ sáu Ba la mật, từ bi hỉ xả, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, được thân màu vàng tía, mười lực, bốn vô sở úy, bốn pháp nhiếp, mười tám pháp bất cộng, thần thông, thành Đẳng chánh giác, rộng độ chúng sinh, đều do thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa vậy.
Đức Phật nói : ‘’Do thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa đến dạy tôi, cho nên khiến cho tôi viên mãn sáu Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Bây giờ giải thích về sáu Ba la mật :
Bố thí Ba la mật :
1. Tu bố thí Ba la mật thì giải trừ san tham của mình.
2. Trang nghiêm tự tính bồ đề.
3. Tự lợi lợi tha.
4. Đời sau được quả lớn, tôn quý giàu có.
Trì giới Ba la mật :
1. Tu các việc thiện, diệt các nghiệp ác.
2. Trang nghiêm bồ đề nhiếp thọ chúng sinh.
3. Thân tâm an lạc.
4. Đời sau hưởng sự vui Niết Bàn.
Nhẫn nhục Ba la mật :
1. Trang nghiêm bồ đề nhiếp thọ chúng sinh.
2. Đó đây lìa sợ hãi.
3. Đời sau chẳng có tâm sân hận, được quyến thuộc hòa thuận, chẳng thọ phiền não, được vui Niết Bàn.
Tinh tấn Ba la mật :
1. Phá được tâm giải đãi.
2. Trang nghiêm bồ đề nhiếp thọ chúng sinh.
3. Tăng trưởng pháp lành nên lợi mình, chẳng não hại người nên lợi người.
4. Dùng đại lực, được bồ đề.
Thiền định Ba la mật :
1. Trừ tâm tán loạn.
2. Trang nghiêm bồ đề nhiếp thọ chúng sinh.
3. Thân tâm tịch tĩnh nên lợi mình, chẳng não hại chúng sinh nên lợi người.
4. An ổn đắc được rốt ráo Niết bàn.
Bát nhã Ba la mật :
1. Phá vô minh.
2. Trang nghiêm bồ đề nhiếp thọ chúng sinh.
3. Có trí huệ, nên lợi mình. Lại hay giáo hóa chúng sinh nên lợi người.
4. Được chân chánh đại trí huệ, trừ trí huệ chướng ngại.
Đức Phật viên mãn sáu Ba la mật, lại được từ bi hỷ xả, bốn tâm vô lượng. Từ hay ban vui cho chúng sinh, bi hay cứu khổ chúng sinh, hỷ khiến cho chúng sinh sinh vui mừng. Xả, khó xả bỏ mà xả bỏ đặng. Phật dùng bốn tâm vô lượng viên mãn bồ đề. Thành Phật rồi lại dùng bốn tâm vô lượng để giáo hóa chúng sinh. Phật lại được ba mươi hai tướng đại trượng phu. Tạng giáo nói rằng do tu giữ giới mà được ba mươi hai tướng, thông giáo nói rằng do tu bố thí nhẫn nhục mà được ba mươi hai tướng, biệt giáo nói rằng do tu các pháp không mà thành tựu ba mươi hai tướng, viên giáo nói rằng do thọ ký mà thành tựu ba mươi hai tướng.
Ở trên là do tạng, thông, biệt, viên giáo, nói về ba mươi hai tướng. Phật lại được tám mươi vẻ đẹp. Viên mãn báo thân của Phật hiện ra một thứ màu sắc vàng tía rất thù thắng. Phật có mười lực, bốn vô sở úy. Khi Phật thuyết pháp thì như tiếng hống của sư tử, chẳng sợ hãi.
Lại có bốn vô sở úy của Bồ Tát :
1. Tổng trì chẳng quên : Nhớ rất rõ ràng hết thảy các pháp, cho nên được khéo thuyết pháp yếu vô sở úy.
2. Biết hết các pháp : Biết thuốc nào chữa bệnh gì của chúng sinh.
3. Hỏi đáp về pháp vô sở úy.
4. Giải được sự nghi ngờ của chúng sinh, thuyết pháp vô sở úy.
Phật lại dùng bốn nhiếp pháp để nhiếp thọ chúng sinh :
1. Bố thí.
2. Ái ngữ.
3. Lợi hành: Thân khẩu ý làm việc lành.
4. Đồng sự : Cùng với chúng sinh làm cùng một việc.
Phật lại đắc được mười tám pháp bất cộng :
1. Thân chẳng lỗi : Từ vô lượng khiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp Phật đều giữ gìn pháp thân huệ mạng, chẳng có lỗi lầm, thân chẳng phạm giới giết hại, trộm cắp, tà dâm.
2. Miệng chẳng lỗi : Những gì miệng nói ra đều là diệu pháp thâm sâu vô thượng.
3. Không quên : Gọi là niệm không lỗi.
4. Chẳng có nghĩ tưởng khác : Chỉ có Phật đời đời kiếp kiếp cầu vô thượng giác đạo, chẳng có vọng tưởng và dục niệm khác.
5. Vô bất định tâm : Phật chẳng những chẳng có vọng tưởng khác, mà đời đời kiếp kiếp còn tu thiền định, cho nên có diệu định thâm sâu, tâm chẳng tán loạn.
6. Vô bất tri kỷ xả tâm : Phật biết hết thảy tất cả các pháp, song chẳng chấp trước đối với tất cả các pháp, xả bỏ tất cả các pháp, cho nên bất khả đắc.
7. Ý chẳng giảm : Phật đời đời kiếp kiếp nguyện giáo hóa chúng sinh, tiếp dẫn hữu tình, tâm chẳng thối chuyển.
8. Tinh tấn chẳng giảm : Chỉ có tinh tấn, chẳng khi nào thối lùi.
9. Niệm chẳng giảm : Nhớ pháp của tất cả chư Phật tu ba đời mà chẳng gián đoạn, luôn luôn chẳng giảm thiểu.
10. Huệ chẳng giảm : Trí huệ càng ngày càng tăng thêm.
11. Giải thoát chẳng giảm : Dần dần đắc được giải thoát, càng ngày càng tự tại.
12. Giải thoát tri kiến chẳng giảm.
13. Tất cả thân nghiệp tùy trí huệ hành.
14. Tất cả khẩu nghiệp tùy trí huệ hành.
15. Tất cả ý nghiệp tùy trí huệ hành.
16. Trí huệ quá khứ vô chướng.
17. Trí huệ vị lai vô chướng.
18. Trí huệ hiện tại vô chướng.
Mười tám pháp nầy chỉ có Phật mới có. Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn ba thừa, chẳng có cùng mười tám pháp nầy, nên gọi là mười tám pháp bất cộng.
HT Tuyên Hóa