Mục Lục
Người đó trong trăm ngàn
Vạn ức vô số kiếp
Tu các công đức đó
Như ở trên vừa nói.
Có thiện nam tín nữ
Nghe ta nói thọ mạng
Cho đến một niệm tin
Phước đây lại hơn kia.
Nếu có người chẳng có
Tất cả các nghi hoặc
Sinh tâm tin chốc lát
Phước đây đồng phước kia.
Người tu hành đó, trong trăm ngàn vạn ức kiếp tu hành pháp môn năm Ba la mật, công đức đắc được rất là thù thắng. Nếu như, có người thiện nam, người thiện nữ, nghe ta nói thọ mạng dài lâu, cho đến sinh một tâm niệm tin hiểu, thì phước đức này thù thắng hơn công đức tu năm Ba la mật vừa nói ở trên. Nếu như có người chẳng có tất cả nghi hoặc, trong khoảnh khắc sinh tâm tin sâu, thì đắc được phước báu, đồng với công đức tám mươi vạn ức kiếp tu năm Ba la mật.
Hết thảy các Bồ Tát
Vô lượng kiếp hành đạo
Nghe ta nói thọ mạng
Thì tâm sẽ tin nhận.
Những người như thế thảy
Tin thọ kinh điển này
Nguyện con đời vị lai
Sống lâu độ chúng sinh.
Hết thảy các Bồ Tát trong vô lượng kiếp đến nay, tu hành Bồ Tát đạo, gieo trồng các căn lành. Các vị đó, nghe ta nói thọ mạng của Như Lai, thì sẽ tin hiểu thọ trì, chẳng sinh tâm hoài nghi. Những người như thế thảy, đều tin thọ bộ kinh điển này, phát nguyện hy vọng Phật thọ mạng vô lượng, ở đời vị lai độ tất cả chúng sinh, lìa khổ được vui, đồng lên bờ kia.
Như Thế Tôn hôm nay
Vua trong dòng họ Thích
Đạo tràng sư tử hống
Thuyết pháp vô sở úy.
Chúng con đời vị lai
Được tất cả tôn kính
Khi ngồi nơi đạo tràng
Cũng nói thọ như thế.
Giống như Đức Thế Tôn hôm nay, là bậc Pháp Vương vô thượng ở trong dòng họ Thích. Ngồi ở nơi đạo tràng thuyết pháp như sư tử hống, chẳng có sợ hãi. Trong Chứng Đạo Ca có nói :
‘’Sư tử hống, vô úy thuyết.
Bách thú văn chi giai lão liệt,
Hương tượng bôn ba thất cước uy,
Thiên long tịch thính sinh hân duyệt.’’
Lúc Phật còn ở đời, thì Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế liên kết hại Phật, lợi dụng uy lực của voi say để đạp chết Phật. Khi Phật đến thành Vương Xá khất thực, thì thả bầy voi say ra, để thực hành quỷ kế của họ. Voi say đó xông đến ở trước Phật, lúc đó thập phần nguy hiểm, Phật bèn dùng định lực, cũng chẳng tránh né, duỗi tay hướng ra ngoài, năm ngón tay lập tức biến thành năm con sư tử, hống lên một tiếng, thì bầy voi nghe tiếng bèn quỳ xuống. Cảnh giới này cảm động đến các dân chúng, bèn quy y với Đức Phật.
Đức Phật lại nói : ‘’Chúng con ở đời vị lai, được tất cả chúng sinh tôn kính, tương lai thành Phật sẽ ngồi ở tại đạo tràng, nói thọ lượng của Như Lai, cũng như Đức Thế Tôn nói pháp.’’
Nếu có người thâm tâm
Thanh tịnh lại chất trực
Đa văn hay tổng trì
Tùy nghĩa giải lời Phật.
Hết thảy người như thế
Nơi kinh này chẳng nghi.
Nếu như có người thâm tâm, một lòng thanh tịnh chẳng cấu nhiễm, chất trực thật thà, bác học đa văn, nghiên cứu kinh điển, tổng trì chẳng quên. Tùy theo nghĩa lý mà giải thích lời lẽ của Phật nói. Người đắc được đa văn tam muội, và tổng trì tam muội như thế, thì đối với Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chẳng có hoài nghi, một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ấn tống, truyền bá kinh này.
Lại nữa, A Dật Đa ! Nếu có người nghe được thọ mạng lâu dài của Phật, mà hiểu rõ nghĩa lý của lời nói, thì người đó được công đức chẳng có hạn lượng, hay sinh ra trí huệ vô thượng của Như Lai, hà huống là rộng nghe kinh này.
Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Đa ! Nếu có chúng sinh nghe được thọ mạng lâu dài của Phật, mà thấu hiểu nghĩa lý bên trong của lời nói, thì người đó được công đức chẳng có hạn lượng, hay trợ giúp họ sinh ra trí huệ vô thượng của Như Lai. Hà huống rộng nghe được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ! Công đức đắc được không thể nói được.’’
Hoặc dạy người đến nghe, hoặc tự mình thọ trì, hoặc dạy người thọ trì, hoặc tự mình biên chép, hoặc dạy người biên chép, hoặc dùng hương hoa, anh lạc, tràng phan, lọng lụa, dầu thơm, đèn, để cúng dường kinh quyển. Công đức của người đó, vô lượng vô biên, hay sinh ra nhất thiết chủng trí.
Hoặc dạy bảo người thân, bạn bè đến nghe Kinh Pháp Hoa, hoặc tự mình thọ trì Kinh Pháp Hoa, hoặc dạy người thọ trì Kinh Pháp Hoa, hoặc tự mình biên chép Kinh Pháp Hoa, hoặc dạy bảo người biên chép Kinh Pháp Hoa. Hoặc dùng hoa tươi, hương thơm, anh lạc, tràng báu, phan báu, lọng báu, dầu thơm, đèn .v.v... để cúng dường Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Công đức của người đó, vô lượng vô biên, sẽ thành tựu nhất thiết chủng trí của Như Lai.
A Dật Đa ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, nghe ta nói thọ mạng dài lâu, mà thâm tâm tin hiểu, tức là thấy Phật thường ở tại núi Kỳ Xà Quật, cùng với các chúng đại Bồ Tát, Thanh Văn, vây quanh nói pháp.
A Dật Đa ! Nếu như có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe ta nói thọ mạng lâu dài của Như Lai, mà phát tâm tin hiểu, lại hay thấu rõ nghĩa lý bên trong, tức là thấy được pháp thân của Phật. Tại sao ? Vì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tức là chân thân của Phật, tức cũng là pháp thân của Phật. Thấy được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì giống như gặp được Phật, đừng cho rằng Phật vào Niết Bàn thì không thuyết pháp. Phật luôn luôn đều đang nói Kinh Diệu pháp Liên Hoa. Phật nói Kinh Pháp Hoa trong khoảng thời gian tám năm, từ khi Phật bảy mươi hai tuổi thì bắt đầu nói Kinh Pháp Hoa. Sau này, đem kinh văn biên trên lá bối, liên kết lá bối lại dài khoảng tám dặm. Do đó, kinh này là đại biểu cho chân thân của Phật.
Người này thường thấy Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật (Linh Thứu) và các chúng đại Bồ Tát Thanh Văn vây quanh Phật, nghe Phật nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Lại thấy thế giới Ta Bà này, đất bằng lưu ly, mặt đất bằng phẳng, vàng diêm phù đàn dùng làm tám đường, cây báu thẳng hàng, các đền đài lầu các, đều dùng bảy báu tạo thành, các chúng Bồ Tát đều ở trong đó. Nếu có người hay quán như thế, thì nên biết người đó tin sâu hiểu kinh này.
Lại thấy thế giới Ta Bà này, đất bằng chất lưu ly, mặt đất bằng phẳng, chẳng có núi cao, chẳng có biển sâu. Tại sao thế giới có núi cao biển sâu, cao thấp chẳng bằng phẳng ? Vì tâm người chẳng bằng phẳng, do nghiệp báo cảm ứng hiện ra. Người chứng quả, tuy nhiên ở tại thế giới này, nhưng thấy những cảnh giới khác nhau. Họ thấy mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, chúng ta phàm phu thấy mặt đất lồi lõm chẳng bằng phẳng.
Tại châu Diêm Phù Đề có con sông lớn, bờ sông có cây đàn kim, khi lá cây này rớt xuống sông, thì làm cho cát dưới sông biến thành vàng, ánh sáng rất sáng đặc biệt, có thể nói là rực rỡ chóa mắt. Dùng vàng này để làm tám con đường (biểu thị cho bát chánh đạo). Lại có cây bằng bảy báu, thẳng tắp thành hàng. Hết thảy đền đài lầu gác, đều dùng bảy báu tạo thành. Các chúng Bồ Tát đều ở trong đó. Nếu như có người quán tưởng như thế, thọ trì kinh này, đọc tụng kinh này, thì nên biết người đó tin hiểu sâu xa kinh này.
Lại nữa, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh này, mà chẳng hủy báng, phát tâm tùy hỷ, thì nên biết người đó, đã tin hiểu sâu kinh này, hà huống là người đọc tụng thọ trì, tức là người đó đầu đội đức Như Lai.
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu như có người nghe được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà tin sâu chẳng nghi ngờ, chẳng hủy báng, phát khởi tâm tùy hỷ, thì nên biết người đó, đã tin hiểu sâu xa. Hà huống, là người hay đọc tụng lại hay thọ trì, người đó cung kính như đầu đội Đức Như Lai.
A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ đó, chẳng cần vì ta mà tạo dựng chùa tháp, và làm phòng ốc cho Tăng, dùng tứ sự cúng dường chúng Tăng. Sở dĩ vì sao ? Vì người thiện nam, người thiện nữ đó, thọ trì đọc tụng kinh điển này, là đã xây dựng tháp, tạo lập phòng ốc cho Tăng, cúng dường chúng Tăng.
A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ đó, nếu hay thọ trì, đọc tụng giải nói, biên chép ấn tống kinh này, thì chẳng cần vì ta tạo dựng chùa tháp. Tại sao ? Vì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tức là chùa tháp của Phật. Có người nói : ‘’Vậy kinh điển là chùa tháp thì chẳng cần làm chùa nữa.’’ Tuy nhiên Phật nói như thế, song phát tâm làm chùa tháp thì rất tốt. Vì tạo tháp để cúng dường xá lợi của Phật; tạo chùa để cúng dường tượng Phật vàng, biểu thị cung kính, khiến cho chúng sinh thấy trang nghiêm mà sinh tâm tín ngưỡng, mới phát tâm bồ đề, do đó mà trồng xuống căn lành.
Cũng chẳng cần vì Tăng mà tạo phòng ốc, cũng chẳng cần cúng dường Tăng, tứ sự (quần áo, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc thang). Lời có thể nói lại, nếu chẳng cúng dường tứ sự lên chư Tăng, thì chẳng thể gieo trồng căn lành, chẳng đắc được công đức, chẳng có công đức thì chẳng có phước báo. Tại sao nói như thế ? Vì người thiện nam thiện nữ đó thọ trì, đọc tụng kinh này, thì đồng như đã tạo chùa tháp, tạo phòng xá cho Tăng, cúng dường chúng Tăng. Đây là nói về công đức thọ trì kinh điển, so với công đức cúng dường còn muốn lớn hơn. Nếu không thể thọ trì kinh điển, thì vẫn phải cúng dường Tam Bảo, nhờ phước lực này mà tăng trưởng căn lành.
Tức là đem Phật xá lợi tạo dựng tháp bảy báu, cao rộng nhỏ dần đến cõi trời Phạm Thiên. Lại treo các phan lọng, và các linh báu, hoa hương, anh lạc, hương bột, hương thoa, hương đốt, các thứ âm nhạc, ống tiêu, ống địch, đàn không hầu, đủ thứ kịch múa, dùng âm thanh vi diệu ca ngâm khen ngợi, tức là ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp, đã từng cúng dường như thế.
Tức là đồng như đem xá lợi của Phật, tạo dựng tháp bằng bảy báu. Tháp đó dọc cao tam giới, ngang khắp mười phương, nền tháp cao rộng lên trên nhỏ dần, cao đến cõi trời Phạm Thiên thuộc cõi sắc. Lại treo các phan báu, lọng báu, linh báu, hoa tươi, hương quý, anh lạc, hương bột, hương thoa, hương đốt, ống tiêu, ống địch, đàn không hầu, các loại trống, các thứ âm nhạc, đủ thứ kịch múa, âm thanh ca rất hay, ngâm nga tán thán khen ngợi. Tức là ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp, đã từng cúng dường xá lợi như thế.
A Dật Đa ! Nếu sau khi ta diệt độ, có người nghe được kinh điển này, có người hay thọ trì, hoặc tự mình biên chép, hoặc bảo người biên chép, tức là tạo dụng phòng ốc cho chúng Tăng. Dùng gỗ chiên đàn đỏ, làm các điện đường ba mươi hai sở, cao khoảng tám cây đa la, cao rộng trang nghiêm tốt đẹp, có trăm ngàn vị Tỳ Kheo trụ ở trong đó.
A Dật Đa ! Nếu sau khi ta diệt độ, có người nào nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hoặc tự mình biên chép, hoặc bảo người biên chép, thì đồng như tạo lập phòng ốc cho chư Tăng, dùng gỗ chiên đàn đỏ, làm các điện đường ba mươi hai sở (tạo lập điện đường trong tự tánh). Điện đường cao khoảng tám cây đa la, chẳng những cao rộng mà còn trang nghiêm tốt đẹp, có trăm ngàn vị Tỳ Kheo trụ ở trong đó.
Lại có vườn rừng ao tắm, lại có chỗ đi kinh hành, hang động ngồi thiền, y phục thức ăn uống, giường nệm thuốc thang, tất cả dụng cụ âm nhạc đầy dẫy trong đó. Nhà Tăng lầu các như thế, hàng trăm ngàn vạn ức nhiều vô số. Dùng những thứ đó, hiện tiền cúng dường nơi ta và Tỳ Kheo Tăng.
Lại có vườn rừng, lại có ao tắm, lại có chỗ đi kinh hành, lại có hang động ngồi thiền rất là đẹp đẽ. Lại có y phục, thức ăn uống, giường nệm, thuốc thang, muốn gì có nấy. Lại có đủ thứ dụng cụ âm nhạc đầy dẫy trong đó. Nhà Tăng lầu các như thế, nhiều hàng trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên. Dùng cảnh giới hiện tiền đó, cúng dường cho ta, và tất cả chúng Tỳ Kheo.
Vì lẽ đó mà ta nói, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người thọ trì đọc tụng, vì người khác nói, hoặc tự biên chép, hoặc bảo người khác biên chép, cúng dường kinh quyển, không cần tạo lập chùa tháp, và tạo phòng ốc chư Tăng, cúng dường chúng Tăng.
Đức Phật lại nói, bởi nhân duyên đó, cho nên ta mới nói : ‘’Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người hay thọ trì đọc tụng bộ Kinh Pháp Hoa này, hoặc vì người khác giải nói, hoặc tự mình biên chép, cúng dường bộ kinh này, thì không cần tạo lập chùa tháp, phòng chư Tăng, cúng dường chư Tăng. Vì công đức thọ trì kinh quyển đã vượt hơn công đức cúng dàng.’’
Huống lại có người hay thọ trì kinh này, và thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, được công đức tối thắng vô lượng vô biên. Ví như hư không, đông tây nam bắc, bốn hướng trên dưới, vô lượng vô biên, công đức của người đó, cũng lại như thế, vô lượng vô biên, sớm đắc được nhất thiết chủng trí.
Hà huống lại có người, chẳng những thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dũng mãnh tinh tấn, mà còn hay thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, sáu pháp môn Ba la mật, công đức này rất là thù thắng vô lượng vô biên, chẳng có biện pháp có thể tính toán là bao nhiêu. Ví như hư không, chẳng tìm được bờ mé của nó. Đông tây nam bắc, bốn hướng trên dưới, mười phương vô lượng vô biên. Công đức của người đó, cũng vô lượng vô biên như thế, sớm sẽ đắc được quả vị Nhất thiết chủng trí, tức cũng là quả vị Phật.
Nếu có người đọc tụng thọ trì kinh này, vì người khác nói, hoặc tự biên chép, hoặc bảo người khác biên chép, lại hay tạo dựng tháp, và tạo lập phòng ốc chư Tăng, cúng dường khen ngợi chúng Tăng Thanh Văn, cũng dùng trăm ngàn vạn ức bài pháp khen ngợi, để khen ngợi công đức của Bồ Tát. Lại vì người khác đủ thứ nhân duyên, tùy nghĩa mà giải nói Kinh Pháp Hoa này.
Nếu như có người, chẳng những đọc tụng kinh này, thọ trì kinh này, mà còn vì người khác giải nói kinh này, hoặc tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người khác biên chép kinh này. Lại hay tạo lập chùa tháp và phòng Tăng, cúng dàng và khen ngợi đại chúng Thanh Văn, cũng dùng trăm ngàn vạn ức pháp khen ngợi, để khen ngợi công đức của Bồ Tát. Lại vì người khác đủ thứ nhân duyên tùy nghĩa lý của kinh, mà giải thích nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đây là pháp môn bố thí.
Nói đến đây tôi nhớ lại một câu chuyện. Thuở xưa, có một vị quan lớn, ông ta là Phật giáo đồ, rất kiền thành đọc tụng Kinh Pháp Hoa. Kinh này có bảy quyển, ông ta tụng ba quyển đầu thuộc lòng rất nhanh, chẳng quên một chữ. Song, đọc tụng bốn quyển sau thì chẳng nhớ, chính ông ta cảm thấy rất kỳ lạ, suy nghĩ mãi chẳng hiểu. Do đó, bèn đi hỏi thiện tri thức, nguyên nhân như thế nào ? Vị thiện tri thức đó chứng được túc mạng thông, biết nhân quả trong quá khứ. Ông ta quán sát nhân duyên ở trong thiền định, biết rõ nhân duyên của ông quan. Bèn nói với ông quan rằng : ‘’Nhân duyên của ông rất là đặc biệt, nói ra xin ông đừng sinh phiền não.’’
- Ông quan nói : ‘’Xin Ngài cứ nói thẳng, tốt xấu cũng chẳng sao.’’
- Vị thiện tri thức nói : ‘’Đời trước của ông là một con bò, do người ta đem đến chùa phóng sinh, tập tục ở trong chùa đó vào ngày mồng 6 tháng 6, thì đem đại tạng kinh, và tất cả các kinh khác ra ngoài sân phơi nắng, để cho kinh khỏi bị mọt ăn. Lúc ấy, con bò phóng sinh đó đi đến chỗ phơi kinh, dùng lưỡi liếm tới ba quyển đầu của Kinh Pháp Hoa, còn bốn quyển sau chẳng liếm tới.’’ Bởi nhân duyên đó, mà ông nhớ được ba quyển đầu của Kinh Pháp Hoa, còn bốn quyển sau chẳng nhớ được. Ông quan nghe rồi thì chẳng vui, đòi vị thiện tri thức đưa ra bằng chứng. Chẳng có bằng cớ khó khiến cho người tin.
- Vị thiện tri thức nói : ‘’Ở sau ngôi chùa nọ có ngôi mộ con bò, tức là con bò phóng sinh đó. Đương thời, vị hoà thượng trụ trì chùa đó là vị cao Tăng, biết rõ con bò đó, vì chùa cày ruộng có công đùc, nên được tái sinh làm người như thế nào, ở tại đâu, đều biên rõ ra giấy chôn đi theo với con bò. Nếu ông không tin thì hãy đào mộ con bò đó lên thì sẽ biết.’’
Vị quan đó nửa tin nửa ngờ, bèn đến đào mộ con bò đó lên, thì quả nhiên có tờ giấy trắng, biên rõ hết mọi chi tiết.
- Vị quan đó lại hỏi : ‘’Cứu kính thì nhân duyên gì mà được chuyển sinh làm người ?
- Vị thiện tri thức nói : ‘’Kiếp trước ông làm bò, có công lao cày ruộng cho chùa, và có công đức liếm Kinh Pháp Hoa, cho nên đời này được sinh làm người, còn được làm quan.’’ Vị quan đó mới khoát nhiên đại ngộ tiền nhân hậu quả tơ hào chẳng sai. Từ đó về sau, trở thành vị đại hộ pháp, cúng dường Tam Bảo hộ trì Phật giáo.
Do đó đủ thấy, phàm là người làm công quả cho chùa, cống hiến sức lực, thì đời sau phần đông được chuyển sinh làm người giàu có, có thể làm quan làm tướng. Các bạn hãy xem ! Một con bò vì chùa mà cày ruộng, đời này được làm quan, hà huống là người, hiến thân cho Phật, đời sau chẳng cần nói cũng biết, tuyệt đối chẳng đọa vào ba đường ác.
Lại hay giữ giới thanh tịnh, và nhu hòa ở chung với nhau, nhẫn nhục chẳng sân hận, ý chí kiên cố, thường thích ngồi thiền, được các thiền định thâm sâu, dũng mãnh tinh tấn, nhiếp các pháp lành, lợi căn trí huệ, khéo đáp các vấn nạn.
Lại hay giữ giới thanh tịnh, tức là thanh tịnh cả thân lẫn tâm. Tâm thanh tịnh tức là trong tâm chẳng có phiền não, sân hận, nhiễm ô. Thân thanh tịnh tức là chẳng làm những việc phi lý, nhu nhuyến hòa thuận, nhẫn nhục ở với nhau, chẳng sinh tâm sân hận, ý chí đặc biệt vững chắc, vĩnh viễn chẳng sinh tâm thối chuyển. Thời gian ngồi thiền rất quý báu, dù một phút một giây cũng chẳng để trôi qua lãng phí. Tại sao ? Vì chẳng biết giây nào phút nào sẽ khai ngộ. Nếu không, thì bỏ qua cơ hội khai ngộ. Thường ngồi thiền thì hay vào cảnh định thâm diệu. Thường tinh tấn thì hay khắc phục mọi khó khăn. Dũng mãnh tinh tấn tuyệt đối không giải đãi, thì hay nhiếp thọ tất cả pháp lành. Người lợi căn thì có đại trí huệ, khéo giải đáp các vấn nạn mà đáp trôi chảy, thì khiến cho người hỏi vừa ý mà sinh tâm hoan hỷ.
A Dật Đa ! Nếu sau khi ta diệt độ, các thiện nam tử, thiện nữ nhân, hay thọ trì đọc tụng kinh này, lại có các ông đức lành như thế, thì nên biết người đó, đã hướng về đạo tràng, gần Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ngồi dưới bồ đề đạo tràng.
A Dật Đa ! Nếu như sau khi ta diệt độ, tất cả các thiện nam, thiện nữ, hay thọ trì kinh này, đọc tụng kinh này. Lại có công đức lành như thế, thì nên biết người đó đã hướng về đạo tràng, gần quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ngồi dưới bồ đề đạo tràng, chuyển đại pháp luân, giáo hóa chúng sinh.
A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ đó, chỗ của họ ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, đều nên xây tháp, tất cả trời người, đều nên cúng dường như tháp của Phật.
A Dật Đa ! Người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì chỗ của họ ngồi, hoặc chỗ của họ đứng, hoặc chỗ của họ đi kinh hành, đều nên xây bảo tháp. Trời người đều nên cúng dường tháp đó, đồng như cúng dường cung kính tháp của Phật, đều đắc được công đức.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:
Lúc đó, Đức Phật muốn thuật lại nghĩa lý trường hàng ở trên, cho nên nói ra bài kệ dưới đây.
Nếu sau ta diệt độ
Hay phụng trì kinh này
Người đó phước vô lượng
Như đã nói ở trên.
Tức là được đầy đủ
Tất cả sự cúng dường
Vì xá lợi xây tháp
Bảy báu rất trang nghiêm.
Nền tháp rất cao rộng
Nhỏ dần đến Phạm Thiên
Linh báu ngàn vạn ức
Gió động vang diệu âm.
Nếu như, sau khi ta diệt độ, có người hay phụng trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì người đó đắc được công đức vô lượng vô biên, đồng như công đức đã nói ở trên.
Hay phụng trì Kinh Pháp Hoa, thì đầy đủ tất cả sự cúng dường. Vì cúng dường xá lợi của Phật, mà xây dựng tháp báu trang nghiêm, đắc được công đức nhiều chẳng bằng phụng trì Kinh Pháp Hoa.
Nền tháp xây vừa rộng vừa cao, dần dần nhỏ đến cõi trời Phạm Thiên. Các góc tháp có treo linh báu nhiều hàng nghìn vạn ức, gió thổi làm vang ra âm thanh vi diệu rất êm tai, khiến cho người nghe sinh chánh niệm, khởi tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.
Lại trong vô lượng kiếp
Cúng dường nơi tháp đó
Hoa hương các chuỗi ngọc
Y trời các âm nhạc.
Hương đốt dầu thơm đèn
Thường chiếu sáng quanh tháp
Vào đời ác mạt pháp
Người hay trì kinh này.
Tức như trên đã nói
Đầy đủ sự cúng dường.
Lại ở trong vô lượng kiếp về trước, cúng dường tháp đó, dùng đủ thứ hoa tươi, hương thơm, chuỗi ngọc, y trời, âm nhạc, dầu thơm, đèn .v.v... thường chiếu sáng chung quanh tháp.
Vào đời ác năm trược thời mạt pháp, người hay thọ trì Kinh Pháp Hoa, tức đầy đủ tất cả mọi sự cúng dường như đã nói ở trên, đắc được tất cả công đức như trên đã nói.
Nếu hay trì kinh này
Tức như Phật tại thế
Dùng ngưu đầu chiên đàn
Làm nhà Tăng cúng dường.
Gồm ba mươi hai sở
Cao tám cây đa la
Thức ăn ngon y đẹp
Giường nằm đều đầy đủ.
Trăm ngàn chúng ở đó
Vườn rừng các ao tắm
Kinh hành động ngồi thiền
Các thứ đều trang nghiêm.
Nếu như hay thọ trì Kinh Pháp Hoa, thì công đức giống như công đức Phật ở tại thế. Dùng gỗ ngưu đầu chiên đàn để làm nhà Tăng, nhà gồm có ba mươi hai sở (biểu thị cho ba mươi hai tướng). Tháp cao khoảng tám cây đa la (biểu thị cho tám mươi vẻ đẹp). Cúng dường thức ăn uống thượng hảo hạng, quần áo đẹp nhất, giường nệm thuốc thang đều đầy đủ. Có thể cúng dường cho ngàn vạn ức chúng ở trong đó. Lại có vườn rừng và ao tắm, lại có chỗ đi kinh hành và có hang động ngồi thiền, hết thảy các thứ trang bị đều thập toàn thập mỹ, thù thắng trang nghiêm, thật là đạo tràng lý tưởng nhất.
Nếu người tâm tin hiểu
Thọ trì đọc tụng biên
Và cúng dường kinh quyển
Rải hoa thơm hương bột.
Hoa tu mạn chiêm bặc
A đề mục đa già
Đốt đèn dầu cháy mãi
Người cúng dường như thế.
Được công đức vô lượng
Như hư không vô bờ
Phước đó cũng như thế.
Nếu có người đối với Phẩm Thọ Lượng của Như Lai, mà phát tâm tin hiểu, hoặc tự mình thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ấn tống, hoặc dạy người khác biên chép và cúng dường kinh quyển. Rải hoa tươi, hương thơm, hương bột, dùng hoa duyệt ý, hoa kim sắc, hạt cây vừng chế thành dầu, xông đốt chỗ có Kinh Pháp Hoa, chiếu sáng bốn phía. Cúng dường như thế, sẽ được vô lượng công đức, giống như hư không chẳng có bờ bến.
Huống lại trì kinh này
Và bố thí trì giới
Nhẫn nhục thích thiền định
Chẳng sân chẳng chưởi mắng.
Cung kính nơi chùa tháp
Khiêm nhường các Tỳ Kheo
Xa lìa tâm kiêu ngạo
Thường suy gẫm trí huệ.
Có vấn nạn chẳng sân
Tùy thuận làm giải thoát
Nếu làm được hạnh đó
Công đức không thể lường.
Hà huống lại thọ trì Kinh Pháp Hoa, lại hay bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, năm Ba la mật này. Đối với tất cả chúng sinh chẳng sanh tâm sân hận, chẳng mắng chưởi chúng sinh, dùng tâm từ bi đối đãi với chúng sinh.
Gặp chùa cũng cung kính, thấy tháp cũng cung kính, đối với hàng Tỳ Kheo cũng cung kính khiêm nhường, chẳng có tâm tăng thượng mạn, xa lìa hành vi cống cao ngã mạn. Luôn luôn suy gẫm trí huệ, không thể suy gẫm ngu si. Tu hành tức là tu trí huệ, có trí huệ thì tất cả phiền não đều tiêu trừ, đoạn sạch phiền não thì sẽ được giải thoát.
Nếu có người đến vấn nạn, thì phải hòa nhan duyệt sắc mà vì họ giải đáp, không được sinh tâm sân hận. Tùy thuận mọi nhân duyên lấy làm giải thoát, khiến cho họ minh bạch mới thôi. Nếu hay tu hành hạnh môn như thế, thì công đức đắc được không thể lường được.
Nếu thấy pháp sư đó
Thành tựu đức như thế
Nên dùng hoa trời rải
Y trời che thân họ.
Cúi đầu cung kính lễ
Tâm sinh nghĩ như Phật
Lại nên nghĩ như vầy:
Chẳng lâu đến đạo tràng.
Nếu như thấy vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp, tu hành lục độ, vị đó thành tựu công đức như thế, thì nên rải hoa trời để cúng dường, dùng y trời che trên thân của vị pháp sư đó. Đối với vị pháp sư đó, phải đảnh lễ sát đất, sinh tâm cung kính nghĩ như Phật. Lại nên nghĩ như vầy : Vị pháp sư đó, chẳng bao lâu sẽ đến dưới cội bồ đề chuyển bánh xe pháp, giáo hóa chúng sinh.
Được vô lậu vô vi
Rộng lợi các trời người
Chỗ của người đó ở
Hoặc kinh hành ngồi thiền.
Cho đến nói bài kệ
Đều nên xây dựng tháp
Trang nghiêm khiến tốt đẹp
Dùng các thứ cúng dường.
Phật tử trụ nơi đó
Tức là Phật thọ dụng
Thường ở tại trong đó
Kinh hành và ngồi nằm.
Vị pháp sư đó đã chứng được vô lậu tam muội, diệu pháp vô vi. Vị đó rộng làm lợi ích cho hàng trời người. Chỗ của vị đó ở, chỗ đi kinh hành, chỗ ngồi nằm, cho đến chỗ vị đó nói một bài kệ, đều nên xây dựng tháp báu, dùng bảy báu để trang nghiêm khiến cho tốt đẹp. Dùng đủ thứ đồ cúng, để cúng dường tháp đó, biểu thị cung kính.
Chỗ của Phật tử đó ở thọ dụng giống như Phật, luôn đi kinh hành và ngồi nằm ở trong đó, chẳng lìa khỏi đạo tràng.
HT Tuyên Hóa