Mục Lục

Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói bài kệ ở trên rồi, lại nói với vua Tịnh Đức rằng : ‘’Phụ vương ! Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức hiện nay, vẫn còn ở trong thế giới này. Trước hết, con cúng dường Đức Phật đó, bèn đắc được Đà la ni hiểu tất cả ngôn ngữ của chúng sinh. Tức cũng là pháp môn bất cứ ngôn ngữ nào chẳng học mà tự hiểu, chẳng thấy mà tự biết. Con còn nghe Kinh Pháp Hoa, kinh đó gồm có tám ngàn vạn ức Na do tha (ức số) bài kệ, lại có Chân ca la (số mục thứ mười sáu), Tần bà la (số mục thứ mười tám), A môn bà (số mục thứ mười hai, tức có khoảng năm mươi hai thứ đại số mục) bài kệ.’’

Đại vương ! Nay con sẽ trở lại cúng dường đức Phật đó. Nói rồi bèn ngồi trên đài bảy báu, thăng lên hư không cao bảy cây đa la, đến chỗ đức Phật rồi, cúi đầu đảnh lễ, chắp tay lại dùng kệ để khen ngợi đức Phật.
‘’Đại vương ! Hiện nay con sẽ trở lại chỗ Đức Phật, để tiếp tục cúng dường vị Phật đó.’’ Nói xong rồi bèn ngồi lên đài làm bằng bảy báu, từ từ thăng lên hư không, cao khoảng bảy cây đa la (mỗi cây cao hơn 60 thước). Hướng về chỗ Đức Phật, sau khi đến nơi rồi, lập tức năm thể sát đất đảnh lễ Phật, chắp tay lại dùng kệ để khen ngợi Phật.

Dung nhan rất xinh đẹp
Quang minh chiếu mười phương
Trước con từng cúng dường
Nay trở lại gặp Phật.
Dung nhan của Phật rất xinh đẹp lạ thường, có ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp. Quang minh của Phật chiếu sáng khắp mười phương thế giới. Đời trước con đã từng cúng dường Phật, hiện tại con lại đến gần gũi Phật.

Bấy giờ, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói kệ đó rồi, bèn bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Đức Thế Tôn ! Ngài vẫn còn ở đời ư !
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói bài kệ ở trên xong rồi, lại nói với Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Đức Thế Tôn ! Ngài vẫn còn ở đời ư ? Kiếp trước con đã gặp Ngài, đời này lại gặp Ngài nữa, con và Đức Thế Tôn còn nhân duyên.’’

Bấy giờ, đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức bảo Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến : Thiện nam tử ! Giờ ta vào Niết Bàn đã đến, giờ diệt tận đã đến, ông nên xếp đặt giường tòa, trong đêm nay ta sẽ vào Niết Bàn.
Lúc đó, Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức bảo Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng : ‘’Thiện nam tử ! Giờ ta vào Niết Bàn đã đến, giờ diệt tận đã đến ! Bây giờ ông có thể xếp đặt giường tòa, chuẩn bị sẵn sàng, vào nửa đêm nay, ta sẽ vào đại bát Niết Bàn.’’
Khi Phật ra đời thì đều vào ban ngày, biểu thị ánh sáng mặt trời chiếu sáng thế giới. Khi Phật vào Niết Bàn thì đều vào nửa đêm, biểu thị thế giới sẽ phải đen tối. Chẳng phải nói là, sau khi Phật vào Niết Bàn thì thế giới sẽ đen tối, mà là nói vào thời mạt pháp, khi Phật pháp diệt rồi, thì tâm con người bị vô minh che đậy, chẳng có trí huệ quang minh.

Lại bảo Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng : Thiện nam tử ! Ta đem Phật pháp phó chúc cho ông, và các Bồ Tát đại đệ tử, cùng với pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng đem ba ngàn đại thiên thế giới bảy báu, các cây báu, đài báu, và cung cấp chư Thiên hầu hạ, thảy đều giao phó cho ông. Sau khi ta diệt độ, hết thảy xá lợi cũng phó chúc cho ông, nên truyền bá, rộng thiết lập cúng dường, nên xây hàng ngàn ngôi tháp. Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức dạy Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến như thế rồi, vào khoảng cuối đêm bèn vào Niết Bàn.

Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức lại bảo Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng : ‘’Thiện nam tử ! Hết thảy Phật pháp của ta, đều giao phó chúc cho ông và các vị Bồ Tát đại đệ tử, cùng với pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại đem ba ngàn đại thiên thế giới bằng bảy báu, lại có cây báu và đài báu, lại có chư Thiên cung cấp hầu hạ, đều hoàn toàn phó chúc cho ông. Ông phải hạnh khổ, sau khi ta diệt độ, thiêu hóa được xá lợi, cũng đều phó chúc cho ông, ông vì ta mà xử lý hậu sự. Nên truyền bá Phật pháp, lưu rộng xá lợi xây tháp cúng dường, nên xây hàng ngàn bảo tháp làm nơi cúng dường xá lợi.’’ Phật phó chúc rồi, vào khoảng cuối đêm bèn vào Niết Bàn.

Bấy giờ, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến thấy đức Phật diệt độ, thì rất buồn rầu, thảm não luyến mộ đức Phật, bèn dùng gỗ hải thử ngạn chiên đàn cúng dường thân Phật, để hỏa thiêu thân của Ngài. Sau khi lửa tắt, thu lấy xá lợi, phân chia ra tám vạn bốn ngàn bình báu, xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp, cao ba thế giới, biểu sát trang nghiêm, thòng rũ các phan lọng, và treo các linh báu.
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến thấy Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức vào Niết Bàn, thì rất buồn thảm áo não nghĩ rằng : ‘’Tại sao mình không giữ Phật ở lại đời ? Nếu thỉnh Phật ở lại đời, thì Phật hứa sẽ không vào Niết Bàn.’’ Ngài luyến mộ nhớ Đức Phật, không đành lìa khỏi Phật. Sau khi Phật vào Niết Bàn, bèn dùng gỗ hải thử ngạn chiên đàn, loại gỗ quý nhất để làm giàn thiêu hoá di thể của Phật. Sau khi thiêu hóa xong di thể của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, thu được rất nhiều xá lợi, phân ra đựng trong tám vạn bốn ngàn bình báu, lại xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi tháp báu, cúng dường xá lợi ở trong bình báu. Tháp đó cao ba thế giới. Ở trước bảo tháp có biểu sát rất trang nghiêm, treo tất cả phan lọng và các linh báu, vang ra âm thanh vi diệu xa gần đều nghe.

Nói đến đây, tôi nhớ tới chuyện của Ngài Ấn Quang đại sư, Ngài ngồi niệm Phật rồi thị tịch tại núi Linh Nham ở Tô Châu, khi hỏa thiêu thì dùng gỗ chiên đàn để thiêu di thể. Lúc đó, người tham dự chẳng biết là bao nhiêu. Từ trên núi xuống dưới chân núi khoảng ba dặm, mà đầy dẫy mọi người đều đến đưa đám. Sau khi thiêu xong thì lượm được rất nhiều xá lợi năm màu.

Ngài Ấn Quang chẳng những dụng công tu hành, mà còn tinh thông kinh điển. Ngài tu ở trên núi Phổ Đà mười tám năm. Trong thời gian đó, Ngài chuyên tâm duyệt đọc Đại Tạng Kinh. Khi duyệt đọc thì ngồi ngay thẳng, cung kính cầm quyển kinh. Khi vào nhà cầu thời cởi y áo giày dép, thay đổi áo khác giày khác để vào. Trở ra thì mặc vào lại. Vì cung kính như thế, cho nên đã khai ngộ. Sau khi khai ngộ thì chuyên môn niệm ‘’Nam Mô A Di Đà Phật,’’ sáu chữ hồng danh.
Về sau thành lập đạo tràng ở trên núi Linh Nham ở Tô Châu, đề xướng pháp môn niệm Phật, pháp môn này rất dễ tu trì. Ngài Ấn Quang về mặt học vấn và đạo đức đều là thượng thừa, chẳng hổ là một bậc cao Tăng. Đáng tiếc giọng nói quá nặng (người ở Xiểm Tây Cáp Dương), một số người chẳng hiểu lời của Ngài nói. Cho nên, Ngài rất ít giảng kinh thuyết pháp. Song, Ngài dùng văn tự để tuyên dương Phật pháp. Do đó, có câu :

‘’Lời nói khuyên người một thời,
Sách vở khuyên người trăm đời.’’

Do đó, lưu lại văn sao của Ngài Ấn Quang, người sau được ích lợi không ít.
Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Nam Kinh giảng kinh, cũng có thể người tin Phật rất ít, mấy ngày đầu còn có người nghe kinh, về sau dần dần giảm bớt. Cuối cùng chỉ còn một người ngồi ở đó nghe. Ngài Ấn Quang từ pháp tòa nhìn xuống đạo tràng rộng lớn, mà chỉ có một người nghe kinh, tâm nghĩ, "một người nghe kinh cũng phải giảng kinh".
Sau khi giảng xong, rời khỏi pháp toà đến trước người đó bèn hỏi : ‘’Cư sĩ ! Ông có hiểu tôi giảng kinh chăng ?‘’
- Người đó đáp : ‘’Tôi chẳng hiểu Ngài giảng cái gì ?‘’
- Ngài Ấn Quang trả lời :‘’Nếu ông không hiểu, sao lại đến nghe kinh ?‘’
- Người đó đáp :‘’Tôi là người quản lý ở đây, đợi khi thầy giảng xong, thì tôi thu xếp bàn ghế lại.’’
Từ đó, Ngài Ấn Quang phát nguyện, chẳng giảng kinh ở Nam Kinh nữa.

Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Thượng Hải giảng Kinh A Di Đà, có đăng tin tức trên báo, khiến cho người có duyên đến nghe kinh gieo trồng căn lành, tích tụ công đức. Lần pháp hội đó, rất long trọng trang nghiêm, rất nhiều người đến nghe kinh đều là tín đồ kiền thành.

Đương thời, có một nữ cư sĩ (chẳng phải là Phật tử) ở trong mộng thấy có người mặc áo giáp màu vàng, bảo với cô ta rằng :‘’Con hãy đến Thượng Hải để nghe Bồ Tát Đại Thế Chí giảng Kinh A Di Đà.’’ Cô ta nhớ rất rõ ràng. Ngày thứ hai sáng sớm xem báo, thì thấy tin tức họ cung thỉnh Ngài Ấn Quang giảng Kinh A Di Đà. Cô ta vì tâm háo kỳ, mà đến chỗ đó để cầu kiến Ngài Ấn Quang. Khi thấy Ngài Ấn Quang thì tự động đảnh lễ, bèn nói với Ngài Ấn Quang rằng :‘’Con chẳng phải là Phật giáo đồ, vì đêm hôm qua con nằm mộng thấy, có người bảo con đến chỗ này nghe Bồ Tát Đại Thế Chí giảng Kinh A Di Đà. Xin hỏi Ngài ! Không chừng Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí.’’
- Lúc đó, Ngài Ấn Quang dơ tay thị ý :‘’Việc này, con biết, ta biết, đừng nói cho ai biết.’’ Vị nữ cư sĩ đó, bèn quy y Tam Bảo, cuối cùng vẫn giữ tin này bí mật, chẳng thố lộ với bất cứ ai. Ba năm sau, khi Ngài Ấn Quang viên tịch trên núi Linh Nham, thì vị cư sĩ này, mới tuyên bố cảnh giới này ở trước công chúng. Lúc đó, mọi người mới biết Ngài Ấn Quang là hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát thừa nguyện trở lại. Đời sau, tôn xưng là Tổ Sư thứ mười ba phái Liên Tông. Tuy nhiên, đệ tử quy y với Ngài khắp thiên hạ, nhưng chẳng có đệ tử truyền pháp. Tại sao ? Vì Ngài thệ nguyện chẳng lập chùa, chẳng thu đệ tử xuất gia.

Bấy giờ, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến lại tự nghĩ rằng : Tuy ta cúng dường như thế, tâm vẫn cảm thấy chưa đủ. Nay ta nên cúng dường xá lợi, bèn nói với các Bồ Tát đại đệ tử, và trời rồng Dạ Xoa, hết thảy tất cả đại chúng, các ông nên một lòng nghĩ nhớ, nay ta cúng dường xá lợi của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức.
Lúc đó, vị Bồ Tát đó lại nghĩ rằng :‘’Tuy kiếp trước ta đốt thân cúng dường Phật, mà tâm vẫn cảm thấy chưa đủ chân thành. Hôm nay phải cúng dường xá lợi của Phật.’’ Bèn nói với các vị Bồ Tát đại đệ tử và trời rồng tám bộ chúng rằng :‘’Các ông đại chúng nên một lòng nghĩ nhớ, nay ta phải cúng dường xá lợi của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức.’’

Nói lời đó rồi, bèn ở trước tám vạn bốn ngàn bảo tháp, đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm, trải qua bảy vạn hai ngàn năm, dùng để cúng dường, khiến cho vô số chúng cầu Thanh Văn, vô lượng A tăng kỳ người phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều khiến cho trụ vào tam muội hiện tất cả sắc thân.
Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói xong lời đó rồi, lập tức ở trước tám vạn bốn ngàn bảo tháp, đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm của mình, trải qua bảy vạn hai ngàn năm để cúng dường.

Có người hỏi : ‘’Kỳ lạ ! Vị Bồ Tát đó, kiếp trước đốt thân cúng dường trải qua một ngàn hai trăm năm. Tại sao lần này đốt tay phải trải qua bảy vạn hai ngàn năm ? Tôi chẳng hiểu đạo lý bên trong, xin Thầy từ bi khai thị.’’
- Nói cho bạn biết ! Vị Bồ Tát đó, kiếp trước dùng sắc thân để cúng Phật, lần này dùng hóa thân để cúng Phật, muốn thiêu bao lâu cũng được, chẳng có hạn chế thời gian, bạn hiểu chứ !






Tại sao vị Bồ Tát đó lại đốt cánh tay, để cúng dường Phật xá lợi ? Vì muốn cảm hóa những chúng sinh chẳng có tâm chân thành, phát khởi tâm chân thành để cúng dường Phật xá lợi, vì muốn khiến cho vô lượng A tăng kỳ người phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, do đó mà đốt cánh tay để làm ảnh hưởng chúng sinh phát tâm bồ đề, đều khiến cho chúng sinh trụ tại cảnh giới tất cả sắc thân tam muội.

Bấy giờ, các vị Bồ Tát, trời, người, A tu la thảy, đều thấy vị Bồ Tát đó chẳng còn cánh tay, thì rất buồn rầu bi ai, bèn nói rằng : Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến này, là thầy của chúng ta, giáo hóa chúng ta, mà nay đốt đi cánh tay, thân chẳng còn đầy đủ.
Lúc đó, các vị đại Bồ Tát, hàng trời người và A tu la, quỷ thần thảy, đều thấy vị Bồ Tát đó chẳng còn hai cánh tay, thì mọi người đều buồn rầu bi ai, khác miệng cùng lời nói :‘’Vị Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến là thầy của chúng ta, giáo hóa chúng ta, khiến cho chúng ta hiểu Phật pháp, khiến cho chúng ta tu trì Phật pháp, nhưng Ngài phát nguyện đốt cánh tay cúng Phật, hiện nay thân tướng chẳng còn đầy đủ.’’

Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến ở trong đại chúng lập thệ nguyện rằng : Ta xả bỏ cánh tay, tất sẽ được thân sắc vàng của Phật, nếu thật không hư, thì khiến cho cánh tay của ta hoàn lại như cũ, thệ nguyện vừa xong, thì cánh tay tự nhiên hoàn lại. Bởi do Bồ Tát đó phước đức trí huệ sâu dày, nên được như thế.
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến ở trong đại chúng lập thệ nguyện rằng :‘’Ta đốt cánh tay cúng Phật, thì tương lai nhất định được thân sắc vàng tía của Phật. Nếu như là chân thật không hư, thì khiến cho cánh tay của tôi đót, lập tức khôi phục lại như cũ. Phát nguyện như thế rồi, thì tự nhiên sinh ra cánh tay mới như ban đầu, chẳng có gì khác biệt. Đó là nhờ duyên gì ? Vì Bồ Tát đó có phước đức lớn, trí huệ lớn sâu dày, lại thành thật, cho nên mới có cảnh giới cảm ứng không thể nghĩ bàn như thế.’’

Bấy giờ, ba ngàn đại thiên thế giới sáu thứ chấn động, trời mưa xuống hoa báu, tất cả trời người được chưa từng có.
Lúc đó, ba ngàn đại thiên thế giới đều có sáu thứ chấn động. Trời mưa hoa báu xuống, tất cả trời người đều cho là việc ít có, từ khi sinh ra chưa từng gặp qua cảnh giới này.

Đức Phật bảo Bồ Tát Tú Vương Hoa : Ý của ông thế nào ? Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đâu phải là ai xa lạ, nay là Bồ Tát Dược Vương này vậy, vị đó xả thân bố thí như thế, vô lượng trăm ngàn vạn ức Na do tha số lần.
Đức Phật bảo Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng :‘’Ông cảm thấy khổ hạnh đó như thế nào ? Ông có biết vị Bồ Tát đó là ai chăng ? Là Bồ Tát Dược Vương này vậy. Vị Bồ Tát đó xả thân cho Phật, bố thí cho chúng sinh, nhiều vô lượng trăm ngàn vạn ức Na do tha, số lượng này không thể nói hết được, bất quá, nay ta chỉ nói vị đó đốt thân và đốt cánh tay cúng dường Phật mà thôi.’’

Tú Vương Hoa ! Nếu có người phát tâm muốn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà có thể đốt một ngón tay, cho đến một ngón chân, cúng dường tháp Phật, còn hơn là người dùng đất nước vợ con, và ba ngàn đại thiên thế giới, núi rừng sông ngòi, các châu báu, mà cúng dường.
Đức Phật lại gọi một tiếng :‘’Tú Vương Hoa ! Nếu như có chúng sinh, phát tâm muốn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, hoặc phát tâm đốt một ngón tay, hoặc phát tâm đốt một ngón chân, để cúng dường Phật, để cúng dường tháp của Phật, thì công đức cúng dường đó, hơn là công đức của người đem đất nước vợ con ra bố thí, cũng hơn công đức dùng ba ngàn đại thiên thế giới, núi rừng sông ngòi, và các châu báu vật quý đem cúng dường Phật.’’

Hoặc lại có người, dùng bảy báu đầy ba ngàn đại thiên thế giới, để cúng dường Phật và đại Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán, công đức của người đó đắc được, chẳng bằng thọ trì Kinh Pháp Hoa này, cho đến một bài kệ bốn câu, thì phước này thắng hơn phước kia.

Đức Phật lại nói :‘’Nếu như có người dùng bảy báu đầy dẫy ba ngàn đại thiên thế giới, để cúng dường chư Phật, chư Bồ Tát, chư Bích Chi Phật, các vị A La Hán, công đức cúng dường bốn bậc Thánh như thế, chẳng bằng thọ trì một bài kệ bốn câu trong Kinh Pháp Hoa, công đức được thù thắng hơn. Tóm lại, bất cứ cúng dường bốn bậc Thánh như thế nào, cũng chẳng bằng công đức thọ trì Kinh Pháp Hoa, đọc tụng Kinh Pháp Hoa.’’

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “51. Phẩm Bổn Sự Của Bồ Tát Dược Vương Thứ Hai Mươi Ba - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com