Mục Lục
Pháp sư là gì ? Nói đơn giảPháp sư là gì ? Nói đơn giản là tinh thông Phật pháp, vì người làm thầy. Pháp sư có năm loại :1). Thọ trì pháp sư : Đối với Phật pháp, thọ nơi tâm trì nơi thân, nghiêm cách thực tiễn.
2). Đọc kinh pháp sư : Đối với kinh điển, hằng ngày lấy sự đọc kinh làm sự tu trì.
3). Tụng kinh pháp sư : Học thuộc kinh điển, hằng ngày lấy sự tụng kinh làm sự tu trì.
4). Giải nói pháp sư : Vì chúng sinh mà giải thích nghĩa kinh, nói rõ đạo lý, khiến cho chúng sinh y pháp tu hành.n là tinh thông Phật pháp, vì người làm thầy. Pháp sư có năm loại :1). Thọ trì pháp sư : Đối với Phật pháp, thọ nơi tâm trì nơi thân, nghiêm cách thực tiễn.
2). Đọc kinh pháp sư : Đối với kinh điển, hằng ngày lấy sự đọc kinh làm sự tu trì.
3). Tụng kinh pháp sư : Học thuộc kinh điển, hằng ngày lấy sự tụng kinh làm sự tu trì.
4). Giải nói pháp sư : Vì chúng sinh mà giải thích nghĩa kinh, nói rõ đạo lý, khiến cho chúng sinh y pháp tu hành.
5). Biên chép pháp sư : Cung kính biên chép kinh điển, hoặc cúng nơi tháp miếu, khiến cho chúng sinh lễ bái, gieo trồng căn lành, hoặc ấn tống kinh điển, truyền bá cho đời, khiến cho chúng sinh đọc tụng, chiếu theo nghĩa kinh mà tu hành. Tay tự biên chép kinh điển mới có công đức không thể nghĩ bàn.
Đầy đủ mười đức hạnh sau đây, thì là đại pháp sư :
1). Khéo biết nghĩa của pháp.
2). Rộng tuyên nói được.
3). Trong đại chúng chẳng sợ.
4). Biện tài vô ngại.
5). Khéo nói phương tiện.
6). Pháp tùy đức hạnh.
7). Oai nghi đầy đủ.
8). Dũng mãnh tinh tấn.
9). Thân tâm chẳng mệt.
10). Thành tựu nhẫn nhục.
Công đức là gì ? Hết việc ác là công, đầy việc lành là đức. Tức cũng là tu công đức có sở đắc. Lại có thể nói, công là chỉ hành vi thiện mà nói; đức là chỉ tâm lý thiện mà nói. Phẩm này nói rõ về công đức thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khiến cho sáu căn thanh tịnh, có công năng hổ dụng sáu căn.
Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì Kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó sẽ được tám trăm công đức nơi mắt, một ngàn hai trăm công đức nơi tai, tám trăm công đức nơi mũi, một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi, tám trăm công đức nơi thân, một ngàn hai trăm công đức nơi ý, nhờ công đức đó, trang nghiêm sáu căn đều khiến cho thanh tịnh.
Đức Phật nói xong Phẩm Tùy Hỷ Công Đức, thì lúc đó, bảo đại Bồ Tát Thường Tinh Tấn rằng : ‘’Nếu người thiện nam, người thiện nữ, hoặc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, thọ trì Kinh Pháp Hoa, hoặc là đọc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó được tám trăm công đức nơi mắt, một ngàn hai trăm công đức nơi tai, được tám trăm công đức nơi mũi, được một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi, được tám trăm công đức nơi thân, được một ngàn hai trăm công đức nơi ý.’’
Sáu căn của chúng ta, mỗi một căn, đều có một ngàn hai trăm công đức, ở trước có ba trăm công đức, ở sau có ba trăm công đức, ở bên trái có ba trăm công đức, ở bên phải có ba trăm công đức, hợp lại có một ngàn hai trăm công đức. Có người hỏi : ‘’Tức nhiên mỗi một căn có một ngàn hai trăm công đức, tại sao con mắt chỉ có tám trăm công đức ?‘’ Vì cái thấy của con mắt chẳng viên mãn, thấy trước mà chẳng thấy sau, thấy bên trái chẳng thấy bên phải, cho nên chỉ có tám trăm công đức. Lỗ tai có thể nghe được âm thanh trước sau, bên trái bên phải, chẳng có chướng ngại, đầy đủ viên mãn, cho nên có một ngàn hai trăm công đức. Lỗ mũi giữa sự hít vào thở ra có chỗ ngừng nghỉ, cho nên chỉ có tám trăm công đức. Lưỡi nếm mùi vị công đức đầy đủ viên mãn, cho nên có một ngàn hai trăm công đức. Thân thể có xúc giác thuận nghịch hai duyên, nghịch thì chẳng thích xúc trần, thuận thì thích xúc trần. Giữa thuận và nghịch thiếu bốn trăm công đức. Ý thức có tư tưởng, có phân biệt, đầy đủ viên mãn cho nên có một ngàn hai trăm công đức.
Pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa có sáu ngàn công đức, để trang nghiêm sáu căn, khiến cho sáu căn đều được thanh tịnh. Mắt thấy rõ, tai thính, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tốt đẹp, ý thông đạt, đắc được phước báu thù thắng.
Phẩm này, dùng Bồ Tát Thường Tinh Tấn làm đương cơ chúng. Nếu muốn có công đức, thì phải thường tinh tấn. Thân tinh tấn, tâm tinh tấn, ngày tinh tấn, đêm tinh tấn, thời thời siêng tinh tấn. Nếu chẳng tinh tấn thì chẳng có công đức, cho nên người tu đạo, phải ngày đêm sáu thời thường tinh tấn.
Người thiện nam, người thiện nữ đó, mắt thịt cha mẹ sinh ra, thấy ba ngàn đại thiên thế giới, trong ngoài hết thảy núi rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh, cũng thấy tất cả chúng sinh trong đó, và nghiệp nhân duyên quả báo, nơi sinh đều thấy đều biết.
Người thiện nam, hoặc người thiện nữ đó, nhờ mắt thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thấy trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, hết thảy núi rừng và sông biển. (Tứ quả A La Hán mới nhìn thấy được ba ngàn đại thiên thế giới. Một đại thiên thế giới là một cõi Phật. Sơ địa Bồ Tát thấy được một trăm cõi Phật).
Pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, có thể thấy dưới địa ngục A Tỳ. Địa ngục này, là ở tầng dưới nhất địa ngục bát nhiệt. Tại sao gọi là địa ngục vô gián ? Vì địa ngục này chẳng có không gian, một người cũng đầy chật ních, chẳng có lỗ trống; một vạn người cũng đầy chật ních.
Vô gián có năm thứ :
1). Thú quả vô gián.
2). Thọ khổ vô gián.
3). Thời vô gián.
4). Mạng vô gián.
5). Thân hình vô gián.
Tóm lại, đọa lạc vào địa ngục vô gián, thì thời gian thọ khổ chẳng có gián đoạn, trừ khi gặp hào quang của Phật chiếu đến, bằng không, thì chẳng cách chi có thể ra được.
Có người hỏi : ‘’Phạm tội nghiệp gì thì đọa lạc vào địa ngục này ?‘’ Chúng sinh phạm đại tội ngũ nghịch, thì sẽ đọa vào địa ngục này. Ngũ nghịch là gì ? Tức là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu (phá hoại tượng Phật), và phá hòa hợp Tăng. Phạm một tội nghịch, thì sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
Vị pháp sư đó, trên có thể nhìn thấy trời Hữu Đỉnh (từng trời cao nhất trong tam giới), tức cũng là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Dùng định lực để khống chế thức thứ tám. Tựa như hết gọi là phi tưởng, định lực giao động, thì thức thứ tám tựa như tồn tại, nên gọi là phi phi tưởng. Ngoại đạo cho rằng, cõi trời này là cảnh giới cao nhất, song chẳng cứu kính, vẫn còn sinh tử.
Vị pháp sư đó, có thể nhìn thấy địa ngục vô gián, và cõi trời Hữu Đỉnh, hết thảy chúng sinh ở trong đó hành động làm gì, nghiệp nhân duyên quả báo, nơi sinh đều thấy biết rõ ràng. Vị pháp sư đó, tuy chưa chứng được thiên nhãn thông, nhưng nhờ mắt thịt của cha mẹ sinh ra, mà có thể thấy tất cả cảnh giới. Đó là nguyên nhân gì ? Do thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:
Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa lý ở trên, bèn dùng kệ để nói ra.
Nếu ở trong đại chúng
Chẳng có tâm sợ sệt
Nói Kinh Pháp Hoa này
Ông lắng nghe công đức.
Nếu như ở trong đại chúng chẳng có tâm sợ sệt, mới có thể giảng giải Kinh Pháp Hoa cho đại chúng nghe. Nếu sinh tâm sợ sệt, thì không thể nào giảng được Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Thường Tinh Tấn ! Ông phải lắng nghe công đức của vị pháp sư đó, thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nay ta vì ông mà nói.
Người đó được tám trăm
Công đức mắt thù thắng
Nhờ vậy mà trang nghiêm
Con mắt rất thanh tịnh.
Vị pháp sư đó, đắc được tám trăm công đức nơi mắt, chứng được con mắt thù thắng, thấy được trong ngoài tất cả ba ngàn đại thiên thế giới, chẳng cần có thiên nhãn thông. Vì có công đức này trang nghiêm, cho nên con mắt của vị đó rất thanh tịnh.
Mắt cha mẹ sinh ra
Thấy được ba ngàn cõi
Trong ngoài núi Di Lâu
Tu Di và Thiết Vi.
Và các núi rừng khác
Nước biển cả sông ngòi.
Mắt thịt do cha mẹ sinh ra, có thể thấy được cảnh giới trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới. Giống như núi Di Lâu (núi Quang Minh), núi Tu Di (núi Diệu cao), núi Thiết Vi (núi Vi ở ngoài bốn đại châu) và các núi rừng khác, nước biển cả sông ngòi, thảy đều nhìn thấy rất rõ ràng.
Dưới đến ngục A Tỳ
Trên đến trời Hữu Đỉnh
Các chúng sinh trong đó
Hết thảy đều thấy rõ.
Tuy chưa được thiên nhãn
Sức nhục nhãn như thế.
Vì đắc được con mắt thanh tịnh, cho nên dưới có thể nhìn thấu địa ngục vô gián, trên có thể nhìn thấy cõi trời Hữu Đỉnh, tất cả chúng sinh trong đó, từng cử chỉ nói năng hành động, đều thấy rất rõ ràng. Tuy chưa chứng được thiên nhãn thông, nhưng sức mắt thịt của cha mẹ sinh ra cũng được như thế.
Lại nữa, Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi tai. Nhờ tai thanh tịnh, nên nghe được tất cả các thứ tiếng, trong ba ngàn đại thiên thế giới, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh, trong đó hết thảy các thứ lời nói âm thanh, đều nghe rõ hết.
Đức Phật lại gọi một tiếng Thường Tinh Tấn ! Nếu như có người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hoặc đọc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó đắc được một ngàn hai trăm công đức nơi tai, nhờ lỗ tai thanh tịnh, mà nghe được tất cả âm thanh, trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, dưới đến địa ngục vô gián, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh, trong đó hết thảy các thứ âm thanh lời nói, thảy đều nghe được, chẳng những rõ ràng, mà còn có thể phân biệt được là âm thanh gì.
Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng bò, tiếng xe, tiếng khóc lóc, tiếng vui buồn, tiếng pháp loa, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng người nam, tiếng người nữ, tiếng đồng tử, tiếng đồng nữ, tiếng pháp, tiếng phi pháp, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phàm phu, tiếng Thánh nhân, tiếng hoan hỷ, tiếng không hoan hỷ.
Giống như tiếng voi rống kêu, tiếng ngựa hí kêu, tiếng bò, tiếng xe, tiếng khóc lóc, tiếng buồn vui, tiếng pháp loa, tiếng trống pháp, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng người nam, tiếng người nữ, tiếng đồng nam, tiếng đồng nữ, tiếng như pháp, tiếng phi pháp, tiếng thống khổ, tiếng vui vẻ, tiếng phàm phu, tiếng Thánh nhân, tiếng hoan hỷ, tiếng bi ai. Những thứ tiếng như thế, vị pháp sư đó thụ trì Kinh Pháp Hoa, thảy đều nghe được, lại có thể phân biệt rõ ràng.
Tiếng trời, tiếng rồng, tiếng Dạ Xoa, tiếng Càn Thát Bà, tiếng A Tu La, tiếng Ca Lâu La, tiếng Khẩn Na La, tiếng Ma Hầu La Già, tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỷ.
Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, có thể nghe được tiếng ở trên trời. Người tu hành pháp năm giới và thập thiện, thì sau khi chết sẽ được sinh về cõi trời, hưởng thọ khoái lạc sung sướng, song phước trời hết, thì phát hiện năm tướng suy, vẫn phải đọa lạc thọ sinh tử trong luân hồi.
Năm hiện tượng suy là gì ? Tức là :
1). Mũ hoa trên đầu héo úa : Người trời đội cái mũ trên đầu được làm bằng hoa tươi, vĩnh viễn tươi tốt, thanh tịnh chẳng bụi bặm. Khi sắp hết tuổi thọ, thì mũ hoa tự nhiên héo úa.
2). Quần áo dơ bẩn : Quần áo của người trời mặc rất sạch sẽ, chẳng cần giặt. Vì ở trên trời sạch sẽ chẳng có bụi bặm. Khi tuổi thọ sắp hết, thì quần áo tự nhiên dơ bẩn.
3). Hai nách ra mồ hôi : Vì trên trời mát mẻ, người trời vĩnh viễn chẳng ra mồ hôi. Khi tuổi thọ sắp hết, thì dưới nách ra mồ hôi.
4). Thân thể tỏa mùi hôi : Thân của người trời thường tỏa mùi thơm, thiện nhiều thì tỏa mùi thơm nhiều, thiện ít thì tỏa mùi thơm ít, mùi thơm gấp mấy lần dầu thơm ở nhân gian. Khi tuổi thọ sắp hết thì tỏa ra mùi hôi, như mùi tử thi, khiến cho người trời khác không dám lại gần.
5). Ngồi chẳng yên : Người trời thường ngồi thiền, chẳng động chỗ ngồi, cơm áo một khi nghĩ đến là có liền, do đó có câu :
‘’Nghĩ quần áo thì quần áo đến
Nghĩ món ăn thì món ăn đến.’’
Quần áo chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng rộng chẳng chật, vừa với thân thể. Thức ăn chẳng nhiều chẳng ít, chẳng mặn chẳng lạt hợp với khẩu vị. Nghĩ muốn đi đến đâu thì sẽ đi đến đó. Vì người trời có thần túc thông, toại tâm sở dục, chẳng bị gì hạn chế. Nhưng khi tuổi thọ sắp hết, thì chẳng có định lực, biết đã phát sinh bốn thứ hiện tượng, tâm thần tán loạn, ngồi chẳng yên, ngồi xuống đứng dậy, bèn đọa lạc vào trong luân hồi, đi thọ sinh tử, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đầu thai làm người, chẳng nhất định mà tùy theo nghiệp lực quyết định.
Các bạn đừng cho rằng, sinh về cõi trời là có bảo hiểm, chẳng tu hành ngồi thiền, như thế thì rất dễ đọa lạc vào ba đường ác. Dù Thích Đề Hoàn Nhân (Ky tô giáo xưng là Thượng Đế, Đạo giáo xưng là Ngọc Hoàng Đại Đế, Thiên Chúa giáo xưng là Thiên Chúa) cũng không thể tránh khỏi, chiếu theo nghiệp lực mà đi đầu thai.
Hôm nay, tôi kể một câu chuyện về Thiên Chúa cõi trời Đao Lợi. Một ngày nọ phát hiện mình có năm tướng suy, buồn rầu vô hạn, đột nhiên nghĩ tới Đức Phật Thích Ca có thể có biện pháp giải cứu. Bèn đến chỗ Đức Phật nói rõ lai ý. Đức Phật nói với ông ta : ‘’Định nghiệp đã tạo, chẳng cách chi cải được. Con phải quy y Tam Bảo, rồi đi đầu thai để tiêu nghiệp chướng, rồi trở về Thiên cung làm Thiên Chúa.’’ Thiên Chúa bèn đến nhân gian đầu thai làm lừa. Lừa mẹ mang thai rồi sơ ý đạp bể đồ sứ của chủ nhân. Chủ nhân nổi giận dùng gậy đánh con lừa, do đó mà sẩy thai. Thiên Chúa trở về thiên cung làm Thiên Chúa. Từ đó về sau kính tin Phật pháp, trở thành thần hộ pháp của Phật giáo.
Vị pháp sư đó lại nghe được tiếng rồng. Trong quá khứ, rồng tu hành vì "thừa cấp giới hoãn", cho nên có thần thông, nhưng là súc sinh. Vị pháp sư đó, nghe đến tiếng người thì biết tiền nhân hậu quả, hoặc quá khứ là thân rồng, bây giờ là thân người, cũng có thể bây giờ là thân người, vị lai là thân rồng. Một khi nghe tiếng thì biết tiền nhân hậu quả.
Tiếng Dạ Xoa dịch là "Tiệp tật quỷ", loài quỷ này có ba loại :
1). Địa hành Dạ Xoa : Không bay được nhưng chạy rất nhanh.
2). Không hành Dạ Xoa : Bay được.
3). Thiên hành Dạ Xoa : Cũng bay được. Chúng thường làm nhiễu loạn người. Sau khi chúng quy y Phật rồi, bèn trở thành thần hộ pháp, bảo vệ an toàn những người tu đạo.
Tiếng Càn Thát Bà : Dịch là "thần ngửi hương", chúng chẳng ăn mặn mà ăn chay, thích ngửi mùi hương. Khi Trời Đế Thích có pháp hội lớn, thì đốt hương ngưu đầu chiên đàn, chúng ngửi hương mà đến Diệu Pháp Đường, để diễn tấu âm nhạc, biểu diễn ca múa, khiến cho chư thiên đều hoan hỷ.
Tiếng A tu la : Dịch là "vô đoan chánh". Tướng mạo người nam A tu la, xấu xí vô cùng, ngũ quan chẳng đoan chánh, cho gọi là vô đoan chánh. Song, người nữ A tu la rất đẹp, cho nên vợ của Thích Đề Hoàn Nhân, là con gái của vua A tu la. Do đó đủ thấy, người nữ A tu la rất đẹp, nếu không thì Thích Đề Hoàn Nhân tuyệt đối chẳng cưới người nữ A tu la làm vợ. Chúng có phước trời, mà chẳng có đức trời, tính tình thích đấu tranh. Vị pháp sư đó, một khi nghe tiếng thì biết quả báo ba đời.
Tiếng Ca Lâu La : Dịch là "chim cánh vàng". Vì cánh của nó màu vàng, chuyên ăn rồng.
Tiếng Khẩn Na La : Dịch là "nghi thần", vì trên đầu có một sừng, khiến cho người hoài nghi, nên gọi là nghi thần. Chúng là thần nhạc của trời Đế Thích, diễn tấu nhạc khúc trang nghiêm, khiến cho người nghe, sinh tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.
Tiếng Ma Hầu La Già : Dịch là "thần mãng xà", còn gọi là "đại phục hành". Trước khi chúng chưa quy y Phật, thì chuyên phóng khí độc để hại người, hại súc vật để làm thức ăn. Sau khi quy y Phật rồi, cải tà quy chánh, trở thành thần hộ pháp.
Ở trên là Thiên long bát bộ, ai nấy đều có nhân quả riêng. Các thứ tiếng đó, pháp sư giải nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đều biết đều thấy rõ ràng.
Tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, vị pháp sư đó nghe, thì biết được nhân quả ba đời. Hoặc ở trong quá khứ đã phát sinh tai nạn gì ? Hoặc hiện tại muốn phát sinh tai nạn gì ? Hoặc vị lai sẽ phát sinh tai nạn gì ? Biết rất rõ ràng. Vì đắc được công đức thọ trì Kinh Pháp Hoa gia trì, nên mới có sức thần thông như thế.
Tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỷ, vị pháp sư đó, khi nghe đến âm thanh của người đó, thì biết kiếp trước là gì ? Hoặc vị lai là gì ? Đều biết trước, tơ hào chẳng sai.
Trước khi chúng ta ăn cơm phải niệm :
‘’Phật chế Tỳ Kheo,
Thực tồn ngũ quán,
Tán tâm tạp thoại,
Tín thí nan tiêu.’’
Nghĩa là : ‘’Phật dạy hàng Tỳ Kheo, khi ăn phải quán năm điều, nếu phóng tâm nói bậy, thì thức ăn của đàn na thí chủ khó tiêu.’’
Năm điều quán tưởng là :
1). Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nghĩa là : Xem xét công lao bao nhiêu, thức ăn từ đâu đến !
2). Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. Nghĩa là : Tính xem đức hạnh của mình, có xứng đáng thọ dùng chăng !
3). Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Nghĩa là : Phòng ngừa tâm tạo tội, tham lam là gốc.
4). Chánh sự lương dược, vi liệu hình khô. Nghĩa là : Xem thức ăn như thuốc hay, để cho thân thể khỏi kiệt sức.
5). Vi thành đạo nghiệp, ứng thọ thử thực. Nghĩa là : Quyết thành đạo nghiệp, mới thọ cơm này. Nếu có sự quán tưởng năm điều này, thì thức ăn chắc chắn sẽ tiêu hóa. Nếu chẳng quán tưởng năm điều này, thì chắc khó mà tiêu hóa, do đó có câu :
‘’Tam tâm bất liễu thủy nan tiêu,
Ngũ quán nhược minh kim dịch hóa.’’
Nghĩa là : Nếu ba tâm chẳng rõ, thì dù uống một ly nước của thí chủ, cũng chẳng tiêu hóa đặng. Nếu minh bạch năm điều quán tưởng này, thì dù một bữa ăn đáng giá một cân vàng, cũng tiêu hóa dễ dàng. Cho nên người xuất gia khi ăn cơm trưa, thì phải niệm chú cúng dường.
Người xưa có câu rằng :
‘’Thí chủ nhất lạp mễ
Trọng như Tu Di sơn,
Thực hạ bất liễu đạo
Phi mao đãi giác hoàn.’’
Nghĩa là :
Hột gạo thí chủ cho,
Nặng như núi Tu Di,
Ăn xong chẳng tu đạo,
Mang sừng đội lông trả.
Các vị hãy xem ! Ăn cơm mà chẳng tu hành, thì tội lỗi lớn cỡ nào ! Tương lai phải biến làm trâu làm ngựa để trả nợ, thật là đáng sợ. Các vị phải nhận thức rõ ràng quả báo đó, không thể nương Phật mặc y, dựa Phật ăn cơm, tương lai tội lỗi không thể tưởng tượng được.
Tiếng Tỳ Kheo, tiếng Tỳ Kheo ni, tiếng Thanh Văn, tiếng Bích Chi Phật, tiếng Bồ Tát, tiếng Phật.
Tiếng Tỳ Kheo : Tỳ Kheo dịch là "khất sĩ", bên ngoài khất thực để (nuôi) dưỡng sắc thân, bên trong khất pháp để nuôi huệ mạng. Người Trung Quốc gọi Tỳ Kheo là hòa thượng. Đời sống của hòa thượng làm những việc mà người không làm được, nhẫn những việc mà người chẳng nhẫn được, tu nhẫn nhục Ba la mật, tuyệt đối chẳng nóng giận, thanh tâm quả dục, đời sống đạm bạc, đối với đời chẳng tranh, đối với người chẳng cầu. Chỉ cầu giải thoát tự tại, cho nên chẳng tham tiền tài, chẳng kết hôn, chẳng cầu danh lợi, chẳng ăn thịt, chẳng ngủ nhiều, chẳng luyến ái năm dục, chuyên tâm tu đạo, thì dễ dàng thành tựu. Do đó, mới nói người xuất gia là làm việc của bậc trượng phu, chẳng phải một số người làm được.
Tiếng Tỳ Kheo Ni : Người nữ xuất gia tu hành gọi là Ni sư. Tôn giả A Nan khẩn cầu Đức Phật cho phái nữ xuất gia tu đạo, nhưng phải giữ tám pháp kính. Vị pháp sư đó khi nghe tiếng của họ, thì biết nhân quả ba đời, hoặc trong quá khứ là người xuất gia, hoặc hiện tại là người xuất gia ? Hoặc vị lai muốn xuất gia ? Thấu rõ tỷ mỉ.
Tiếng Thanh Văn : Các Ngài nghe Phật nói pháp tứ diệu đế mà ngộ đạo, cho nên gọi là Thanh Văn. Song, các Ngài tự độ mà chẳng độ kẻ khác, tự giác mà chẳng giác ngộ kẻ khác, tự lợi mà chẳng lợi ích kẻ khác, cho nên làm tự liễu hán. Tư tưởng của tiểu thừa là chẳng lo việc của kẻ khác, do đó có câu :
‘’Ma ha tát bất quản tha,
Di Đà Phật các cố các.’’
Đó là tác phong của người thiểu thừa.
Tiếng Bích Chi Phật : Tức cũng là Duyên Giác, quán sát mười hai nhân duyên mà giác ngộ, nên gọi là Duyên Giác. Khi có Phật ra đời gọi là Duyên Giác, lúc Phật không ra đời gọi là Độc Giác. Các Ngài ở trong thâm sơn cùng cốc, nghiên cứu lý vạn vật sinh diệt, mùa xuân quán trăm hoa nở, mùa thu quán lá vàng rơi, giác ngộ tất cả là vô thường, chẳng có thầy dạy mà chứng được chân lý, liễu sinh thoát tử.
Tiếng Bồ Tát : Các Ngài tu lục độ vạn hạnh, hành Bồ Tát đạo, rộng cứu giúp chúng sinh lìa khổ được vui, mới đảo giá từ thuyền, từ cõi Thường Tịch Quang mà đến thế giới Ta Bà, để phổ độ chúng sinh, và còn phát đại nguyện :
"Chúng sinh độ hết mới chứng bồ đề".
Lại nói :
‘’Địa ngục chưa trống không,
Thề không thành Phật.’’
Lại nói :
‘’Ta chẳng vào địa ngục thì ai vào ?‘’
Thật là tinh thần vĩ đại biết bao ! Chúng ta là người xuất gia, phải học theo Bồ Tát Địa Tạng, phải có tâm từ bi. Trong Phật giáo có hai câu rằng :
‘’Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi.’’
Phải hướng theo con đường này tiến tới, dù gặp gian nan khó khăn, cũng chẳng hồi đầu, phải đạt đến mục đích, chẳng còn chúng sinh để độ thì ngừng. Tư tưởng đại thừa là vì người mà chẳng vì mình do đó :
‘’Xả mình cứu người.’’
Có hành vi như thế, thì mới chân chánh là Phật giáo đồ. Bằng không, thì từ bi là khẩu đầu thiền, nói mà làm chẳng được, đi ngược lại trách nhiệm và nghĩa vụ của người xuất gia.
Tiếng Phật : Phật là người giác ngộ, vì ba A tăng kỳ tu phước huệ, trăm kiếp trồng tướng tốt, cho nên đắc được ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân. Đức Phật đã viên mãn ba giác, đầy đủ vạn đức, được hết thảy trời người tôn kính, cho nên gọi là Thế Tôn.
Người xuất gia tu đạo, phải tu phước và tu huệ, không thể thiên lệch. Nếu chỉ chuyên tu một bên, thì công đức chẳng thể viên mãn, do đó có câu :
‘’Tu phước chẳng tu huệ,
Làm voi mang chuỗi hạt;
Tu huệ chẳng tu phước,
Khất thực ôm bát không.’’
Tu phước như thế nào ? Tức là làm nhiều công đức, cứu tế người khổ nạn. Tu huệ như thế nào ? Là giảng kinh thuyết pháp, ấn tống kinh điển lưu truyền.
Vị pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, một khi nghe được tiếng này, thì biết nhân quả ba đời. Hoặc là tiếng Thanh Văn, hoặc là tiếng Bích Chi Phật, hoặc là tiếng Bồ Tát, hoặc là tiếng Phật. Đây là tiếng của bốn bậc Thánh, hoàn toàn biết rõ và còn phân tích rất rõ ràng, tuyệt đối chẳng lầm.
Tóm lại, trong ba ngàn đại thiên thế giới, hết thảy tất cả các thứ tiếng trong ngoài, tuy chưa được thiên nhĩ, dùng tai thường thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thảy đều nghe biết. Phân biệt các thứ tiếng như vậy, mà chẳng hư nhĩ căn.
Tóm lại, hết thảy tất cả các thứ tiếng trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới. Vị pháp sư đó, tuy chưa chứng được thiên nhĩ thông, song dùng tai bình thường thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, đều hoàn toàn nghe biết. Phân biệt các thứ âm thanh như thế, mà chẳng phá hoại nhĩ căn. Vì chẳng bị thanh trần sở chuyển, cho nên chẳng hư nhĩ căn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:
Lúc đó, Đức Phật bi tâm thiết thiết, muốn dùng kệ nói lại nghĩa lý trường hàng ở trên.
Tai cha mẹ sinh ra
Thanh tịnh chẳng ô nhiễm
Dùng tai thường này nghe
Tiếng ba ngàn thế giới.
Pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dùng tai thịt của cha mẹ sinh ra rất thanh tịnh, chẳng ô trược cấu uế. Dùng tai bình thường này, nghe các thứ tiếng trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới rất rõ ràng.
Tiếng voi ngựa xe trâu
Tiếng chuông linh loa trống
Tiếng cầm sắt không hầu
Tiếng ống tiêu ống địch.
Hoặc là tiếng voi, hoặc tiếng ngựa, hoặc tiếng xe, hoặc tiếng trâu. Hết thảy tiếng chuông, tiếng linh, tiếng loa, tiếng trống, cũng phân biệt được dễ dàng. Và tiếng cầm (đờn năm dây hoặc bảy dây), tiếng không hầu (đờn hai mươi ba dây), tiếng ống tiêu (sáo thổi dọc trước có năm lỗ, sau có một lỗ), tiếng ống địch (sáo thổi ngang có bảy lỗ), đủ thứ tiếng nhạc khí. Vị pháp sư đó, hoàn toàn đều nghe được, lại phân biệt được rõ ràng là tiếng khí cụ gì.
Tiếng ca hay thanh tịnh
Nghe mà chẳng chấp trước
Tiếng vô số loại người
Nghe thảy đều hiểu rõ.
Tiếng ca thanh tịnh êm tai, nhưng sau khi nghe rồi, chẳng chấp vào tiếng ca. Bất cứ tiếng ca của loại người nào, vị pháp sư đó đều phân biệt hiểu rõ, chẳng có ngôn ngữ chướng ngại không thông.
Lại nghe tiếng chư Thiên
Âm thanh ca vi diệu
Và nghe tiếng nam nữ
Tiếng đồng tử đồng nữ.
Vị pháp sư đó, lại nghe được âm thanh của chư Thiên, lại nghe được tiếng ca vi diệu, lại nghe được tiếng của con trai con gái, lại nghe được tiếng của đồng nam đồng nữ. Tóm lại, bất cứ là tiếng gì đều nghe được hết, và còn phân biệt được rất rõ ràng.
HT Tuyên Hóa