Mục Lục

Lúc đó trưởng giả
Tại tòa sư tử.
Xa thấy con mình
Yên lặng nhớ biết
Bèn sai sứ giả
Đuổi theo bắt lại.
Cùng tử sợ la
Xỉu ngã xuống đất
Người nầy bắt tôi
Chắt sẽ phải chết.
Cũng vì cơm áo
Khiến tôi đến đây
Trưởng giả biết con
Ngu si hèn hạ.
Chẳng tin lời ta
Chẳng tin là cha.
Lúc đó, đức Phật ngự trên tòa sư tử, nhìn xem thì nhận ra gã cùng tử đứng ở xa, song chưa từng nói với ai về việc nầy, bèn ra lệnh cho Bồ Tát theo đuổi bắt lại, mang đến trước Đức Phật. Nhưng gã cùng tử căn tính hạ liệt, nghe được pháp đại thừa bèn sinh lòng sợ hãi, lại sợ sinh tử, như là trí nhỏ chẳng hiểu giáo lý đại thừa, cho nên nói là "xỉu ngã xuống đất".

Ông trưởng giả biết con mình ngu độn, kiến thức hẹp nhỏ, tất không tin lời thật nói thẳng, cho nên vì thật thí quyền, khai diễn pháp nhị thừa. Có người nói, đứa con bỏ trốn lúc đó còn nhỏ, mà thời gian xa cách mấy mươi năm, cho đến ngày hôm nay cha con mới gặp lại, lẽ ra thấy mà chẳng biết, thế mà cha lại nhận ra được người con, đó là lý đương nhiên. Đây là lời chẳng hư, song những gì nói ở trong Kinh Pháp Hoa, chẳng phải cha với con ở thế tục, đây là pháp xuất thế gian. Nói về thế gian, bậc làm cha, tuy rất thương yêu đối với con cái, song vẫn còn có quan niệm nuôi con để nhờ về tuổi già, đó là tâm ích kỷdù ít hay nhiều. Đức Phật mới là cha lành chân chánh, chẳng có chút quan niệm nào ích kỷ, thương xóttất cả chúng sinh, đem hết sức lực để giáo hóa tất cả chúng sinh, mong muốn cho họ sớm thành Phậtđạo.

‘’Gã cùng tử là ai" ? Tức là tất cả chúng sinh, cũng là hàng nhị thừa. Các Ngài tuy có mắt mà chẳng biết Đức Phật, ngược lại bỏ Phật ma đi, cuối cùng chìm đắm ở trong biển khổ, sinh sinh tử tử, tử tử sinhsinh. Đến chẳng rõ, mà đi cũng chẳng biết, cầu danh cầu lợi, khổ cầu được bằng tiến sĩ, thạc sĩ, song sau khi chết đi, học vấn cũng chẳng mang theo được, sau khi đầu thai kiếp khác làm người, thì tất cả đều học lại từ đầu, cứ như thế cầu rồi lại mất, mất rồi lại cầu, đời đời kiếp kiếp, bị dính mắc ở trong sự được mất.

Phật giáo chúng ta phải làm thế nào để liễu sinh thoát tử, biết từ đầu đến và đi về đâu ? Đức Phật còn dùng đủ thứ pháp phương tiện, khiến cho chúng ta ngộ biết nhân duyên đời quá khứ, mà hiểu rõ được vì sao con người có giàu có nghèo, hoặc đẹp hoặc xấu, và thấy được tất cả vạn sự vạn vật.

Vô minh duyên hành,
Hành duyên thức,
Thức duyên sắc,
Danh sắc duyên lục nhập,
Lục nhập duyên xúc,
Xúc duyên thọ,
Thọ duyên ái,
Ái duyên thủ,
Thủ duyên hữu,
Hữu duyên sinh,
Sinh duyên lão tử.

Như vòng tròn mười hai khoen, là nhân duyên sinh tử của chúng sinh, song đáng thương xót cho chúng sinh, đều bỏ cha đi, đều bỏ giác hợp trần, không muốn trở về nhà đó, là cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

Bèn dùng phương tiện
Sai khiến người khác.
Mắt chột lùn xấu
Chẳng có uy đức
Các ngươi bảo nó
Rằng thuê làm mướn.
Hốt các phân dơ
Trả giá gấp bội
Cùng tử nghe rồi
Vui mừng theo về.
Hốt dọn phân dơ
Làm sạch phòng nhà.
Ông trưởng giả biết gã cùng tử rất hèn hạ, cho nên mới mở bày pháp phương tiện, sai khiến Bồ Tátngụy trang làm người một mắt, chẳng có uy đức, đi đến để khuyên nói. ‘’Chột mắt‘’ dụ cho tiểu trí thiên về không. ‘’Lùn‘’ dụ cho nguồn bất cùng thật tướng, ‘’sấu‘’ dụ cho chẳng đủ đức hạnh, chẳng có bốn vô sở úy, nên gọi là ‘’chẳng có uy‘’, chẳng có thường lạc ngã tịnh, nên chẳng có đức. ‘’Làm sạch phòng nhà‘’, tức là tịnh nhà lục căn và phòng năm uẩn. Lục căn tức nhãn nhĩ tĩ thiệt thân ý. Lục căn vì lục thứcmà tạp nhiễm với sáu trần : Sắc thinh hương vị xúc pháp, bỏ giác hợp trần, nhiễm trước sáu trần, không thể liễu ngộ tự tâm, mà nơi nơi bị trần cảnh sở chuyển. Tịnh sáu căn tức chuyển được thức thành trí, tịnh hóa sáu căn thì trở về nguồn cội, thấy cảnh rõ tâm, chẳng còn bị sáu trần sở chuyển, đồng thờicũng tịnh hóa năm uẩn độ tất cả khổ ách.

Trưởng giả trong cửa
Thường thấy con mình.
Nghĩ con ngu dại
Thích làm việc hèn
Do đó trưởng giả
Mặc đồ cũ rách.
Cầm đồ hốt phân
Đi đến chỗ con
Phương tiện gần gũi
Khuyên nhủ siêng làm.
Trả giá gấp bội
Cho dầu thoa chân
Ăn uống đầy đủ
Nệm chiếu dày ấm.
Khuyên răng như vầy:
Ngươi gắng siêng làm
Lại dùng lời dụ
Ngươi như con ta.
Ông trưởng giả biết con bỏ pháp lớn tu pháp nhỏ, ví như Đức Phật đầu tiên, vì các đại Bồ Tát diễn nói Kinh Hoa Nghiêm, mà người nhị thừa đều ‘’có mắt chẳng thấy pháp thân Lô Xá Na, có tai chẳng nghe giáo pháp viên đốn‘’. Cho nên, Phật dùng sức phương tiện, ẩn lớn hiện nhỏ, chẳng hiện thân tướng tốt ngàn trượng, nhưng hiện tướng là Tỳ kheo một trượng sáu, mặc đồ cũ rách, cầm đồ hốt phân, người đáng dùng thân nhị thừa được độ, thì hiện thân nhị thừa mà vì họ thuyết pháp.

‘’Phương tiện gần gũi‘’: Dùng pháp phương tiện để được gần gũi giáo hóa hàng nhị thừa. ‘’Khuyên nhủ siêng làm‘’: ‘’Khuyên‘’ là biểu thị bốn niệm xứ, ‘’nhủ‘’ là biểu thị bốn chánh cần. ‘’Trả giá gấp bội‘’: Dụ cho bốn như ý túc. Dầu thoa chân, dầu trừ gió, biểu thị thiền định; lại hay đi nước, dụ cho thần thông. ‘’Ăn uống đầy đủ‘’: ‘’Ăn uống‘’ tức là gạo, bột, dấm, muối. ‘’Gạo‘’ biểu thị nhân không, ‘’bột‘’ biểu thị pháp không. Gạo bột hợp lại biểu thị cho chánh đạo. ‘’Dấm‘’ biểu thị cho vô thường, ‘’muối‘’ biểu thị cho khổ không. Ví như người ăn gạo bột, thì phải dùng muối dấm và các vị khác, mới có thể ăn được, con đường tu hành cũng lại như thế. ‘’Nệm chiếu dày ấm‘’: Dụ cho quán luyện huân tu các thiền định. ‘’Khuyên răn như vầy, ngươi gắng siêng làm‘’: Khuyên nhủ siêng tu bốn chánh cần, bốn niệm xứ và bốn như ý túc các pháp, lại dùng lời êm dịu khuyên nhủ, xem gã cùng tử như con đẻ.

Trưởng giả có trí
Lần cho ra vào
Suốt hai mươi năm
Trông coi việc nhà.
Chỉ chỗ vàng bạc
Trân châu lưu ly
Các đồ xuất nhập
Đều khiến cho biết.
Vẫn ở ngoài cửa
Trong một am tranh
Tự nghĩ phận nghèo
Ta chẳng có gì.
Đức Phật dùng đại trí huệ, dần dần khiến cho ra vào, tức là giáo hóa tất cả chúng sinh, hồi tiểu hướng đại khiến cho vào trí huệ của Phật. ‘’Suốt hai mươi năm, trông coi việc nhà‘’: Phật dạy Bồ Tát đoạn trừ kiến tư hai hoặc, với kinh văn ở trước nói hai mươi năm hốt phân, đều chẳng giống nhau.
Gã cùng tử tuy trông coi gia nghiệp của Như Lai, được Phật truyền cho pháp tạng, mà tự giữ căn cơnhỏ nhoi, chẳng có phương tiện giáo hóa chúng sinh, và tịnh hóa quốc độ con đường của Bồ Tát thực hành, ở trong am tranh hàng nhị thừa.

Cha biết tâm con
Lần đã rộng lớn
Muốn giao của cải
Bèn nhóm thân tộc.
Quốc vương đại thần
Sát lợi cư sĩ
Trong đại chúng nầy
Nói là con ta.
Bỏ ta ra đi
Suốt năm mươi năm
Từ khi gặp con
Đã hai mươi năm.
Xưa nơi thành nọ
Mất đứa con nầy
Tìm kiếm khắp nơi
Mới đến nơi đây.
Của cải ta có
Nhà cửa nhân dân
Đều giao cho nó
Để nó sử dụng.
Đức Phật biết gã cùng tử dần dần trừ ngã mạn, tâm lượng rộng lớn, cho nên muốn truyền cho pháp tạng của Như Lai, bèn nhóm họp thân tộc, quốc vương đại thần, biểu thị chúng đại Bồ Tát, Sát đế lợi cư sĩ, ở trong các chúng hội, tuyên bố đây là con của ta, từng bỏ ta trốn đi. ‘’Suốt năm mươi năm‘’: Biểu thịtrầm luân biển khổ sinh tử ở trong tam giới, ở trong năm đường chúng sinh. ‘’Từ khi gặp con, đã hai mươi năm‘’: Biểu thị người nhị thừa bỏ tiểu hướng đại, tự làm hốt phân rồi mới gọi là con, tức là chuyển sang pháp Bồ Tát mà chấp tác gia nghiệp của Như Lai, gọi là hai mươi năm.

Xưa kia, ở tại thành nọ mất đứa con nầy, tìm kiếm đứa con nầy khắp trong năm đường, mới đến ở nơi nầy, mà bày ra hóa thành, phàm những gì ta có, gia nghiệp pháp tạng của Như Lai, đều giao phó cho nó, để cho nó tiếp tục thắp lên ngọn đèn sáng của Phật.

Con nhớ xưa nghèo
Ý chí kém hèn
Nay ở chỗ cha
Được nhiều của báu.
Cùng với nhà cửa
Tất cả của cải
Rất đỗi vui mừng
Được chưa từng có.
Phật cũng như thế
Biết con thích nhỏ
Chưa từng nói ra
Các ngươi thành Phật.
Chỉ nói chúng con
Được pháp vô lậu
Thành tựu tiểu thừa
Thanh Văn đệ tử.
Hàng tiểu thừa ý chí hạ liệt, thủ lợi tứ quả, nay nghe được diệu pháp thâm sâu vô thượng, thọ ký sẽ thành Phật, được chưa từng có, vui mừng hớn hở. Phật biết tâm ý của chúng con, ưa thích pháp nhỏ, chưa từng nói các ngươi sẽ thành Phật, mà nói được các pháp trí giải thoát vô lậu, thành tựu hữu dư Niết Bàn, quả vị Thanh Văn La Hán.

Phật bảo chúng con
Nói đạo tối thượng
Ai tu pháp nầy
Sẽ được thành Phật.
Con nghe Phật dạy
Vì đại Bồ Tát
Dùng các nhân duyên
Đủ thứ ví dụ.
Bao nhiêu lời lẽ
Nói đạo vô thượng
Hết thảy Phật tử
Theo ta nghe pháp.
Ngày đêm suy gẫm
Tinh tấn tu tập
Khi đó chư Phật
Thọ ký cho họ.
Ông ở đời sau
Sẽ được thành Phật
Các pháp bí tàng
Của tất cả Phật.
Chỉ vì Bồ Tát
Diễn nói việc thật
Mà chẳng vì con
Nói đạo chân yếu.
Phật vì đại chúng nói pháp vô thượng, ai tu tập pháp nầy đều sẽ thành tựu Phật quả. Con nghe Phật dạy Bồ Tát, Phật dùng đủ thứ phương tiện ví dụ để giáo hóa, khiến cho chúng con tu chứng, và trong thời gian đó, chư Phật đồng âm ấn chứng thọ ký bồ đề nói rằng: Các ngươi vô lượng kiếp đời vị lai sẽ được thành Phật. Tàng bí mật của tất cả mười chư Phật Như Lai, chỉ vì căn cơ của đại Bồ Tát, diễn nói việc vi diệu như thật, mà chẳng phải vì hàng nhị thừa nói đạo chân thật chí yếu nầy.

Như cùng tử kia
Được gần người cha
Tuy biết mọi thứ
Tâm chẳng mong cầu.
Chúng con tuy nói
Bảo tàng Phật pháp
Tự chẳng chí nguyện
Cũng lại như thế.
Gã cùng tử được gần gũi Đức Phật, nghe pháp đại thừa, song nơi pháp chẳng tu hành, dừng nơi nhị thừa, dù có bảo tàng Phật pháp trước mắt, cũng không đắc được tơ hào pháp ích. Như nay gã cùng tửdần dần hiểu rõ pháp đại thừa, thâm nhập tạng pháp của Phật.

Chúng con nội diệt
Tự cho là đủ
Chỉ rõ việc nầy
Chẳng biết việc khác.
Nếu chúng con nghe
Tịnh cõi nước Phật
Giáo hóa chúng sinh
Đều chẳng vui thích.
Đó là tại sao ?
Vì tất cả pháp
Thảy đều không tịch
Không sinh không diệt.
Không lớn không nhỏ
Vô lậu vô vi
Suy gẫm như thế
Chẳng sinh vui thích.
Chúng con từ lâu
Nơi trí huệ Phật
Không tham không chấp
Chẳng có chí nguyện.
Nơi pháp của mình
Cho là cứu kính
Chúng con từ lâu
Tu tập pháp không.
Thoát được hoạn nạn
Khổ não ba cõi
Ở thân cuối cùng
Hữu dư Niết Bàn.
Pháp Phật giáo hóa
Đắc đạo chẳng sai
Tức đã báo đáp
Ân đức của Phật.
Đại Ca Diếp bạch Phật rằng: ‘’Chúng con nội diệt‘’: Đã diệt tư hoặc, tự cho đã đủ. Thường ở trong định diệt trừ phiền não, phá trừ vô minh. Ngừng nơi trí nhỏ mà chẳng ưa thích trí lớn, tịnh cõi nước Phật, hồi tiểu hướng đại và việc giáo hóa chúng sinh. Vì sao hàng nhị thừa chẳng tu tập pháp lớn ? Vì họ chấp nơi pháp không, tự cho rằng mình đắc được các pháp không tịch, thì không cần giáo hóa chúng sinh, đây là hành vi ích kỷ, chỉ biết lợi mình mà chẳng biết lợi kẻ khác. Tất cả các pháp, tính tuy là không tịch, vẫn cứu độ chúng sinh. Sự thật thì chư Phật và chúng sinh hợp hai làm một, Phật tức chúng sinh, chúng sinh tức Phật. Hàng nhị thừa ngừng ở nơi hóa thành, ví như những người nầy, trước khi chưa xuất giathì tinh tấn tu đạo; sau khi xuất gia rồi, dần dần thối bồ đề tâm, và còn thường biện hộ cho mình: ‘’Tôi đã thọ giới cụ túc, chẳng tu hành cũng chẳng quan hệ gì, mao bệnh chẳng cần lo, giải đãi lại có ngại gì’’ ? Đây là hành vi của hàng nhị thừa, được ít cho là đủ, tức chẳng lợi mình cũng chẳng lợi kẻ khác.

Chúng con ở trong mê mờ, đêm dài tối tăm, chỉ biết vui nhỏ, sợ khổ cầu không, phá trừ vô minh phiền não, thoát khỏi ba cõi, trụ nơi hữu dư Niết Bàn, cho là cứu kính, vì báo ân Phật, song nơi trí huệ của Phật, chẳng biết trên cầu Phật quả, dưới độ chúng sinh, chỉ cầu sự vui thích của riêng mình, các vị phải thấy rõ, vì sao Đức Phật thường trách hành nhị thừa tiêu nhạ bại chủng, chẳng hành Phật đạo.

Chúng con tuy là
Các hàng Phật tử
Nói pháp Bồ Tát
Để cầu Phật đạo.
Mà nơi pháp đó
Tâm chẳng ưa thích
Đạo sư thấy bỏ
Vì thấy tâm con.
Ban đầu chẳng siêng
Nói có lợi thật
Như trưởng giả giàu
Biết con chí hèn.
Dùng sức phương tiện
Hòa phục tâm con
Sau đó mới giao
Tất cả của cải.
Phật cũng như thế
Hiện việc ít có
Biết thích tiểu thừa
Dùng sức phương tiện.
Điều phục tâm con
Mới dạy trí lớn.
Chúng con tuy là đệ tử của Phật, ở trong hội Bát Nhã, mong Phật gia bị, vì Bồ Tát nói kinh đại thừa, song đối với pháp lớn, chẳng có một tâm niệm ưa thích, Đức Như Lai thấy vậy, bèn tạm bỏ pháp lớn, chỉ nói tu tứ diệu đế, mười hai nhân duyên, thì có thể chứng tứ quả La Hán, chẳng cổ lệ chúng con tu lục độ vạn hạnh, đạo Bồ Tát, mới có thể thành quả vị Phật, vì Phật thấy tâm của chúng con chẳng mong cầu pháp lớn vậy.
Phật dùng sức phương tiện, thị hiện làm một vị Tỳ Kheo bình thường để độ hàng nhị thừa, bày pháp quyền xảo phương tiện, để điều phục tâm của họ, rồi sau mới khiến cho họ vào trí huệ của Phật.

Chúng con hôm nay
Được chưa từng có.
Chẳng phải trước mong
Mà nay tự được
Như gã cùng tử
Được vô lượng báu.
Thế Tôn con nay
Đắc đạo chứng quả
Nơi pháp vô lậu
Được mắt thanh tịnh.
Chúng con từ lâu
Giữ giới trong sạch
Mới ngày hôm nay
Được quả báo đó.
Pháp của Pháp Vương
Lâu tu phạm hạnh
Nay được vô lậu
Đại quả vô thượng.
Chúng con hôm nay
Thật là Thanh Văn
Dùng tiếng Phật đạo
Khiến thảy đều nghe.
Chúng con hôm nay
Thật là La Hán
Nơi các thế gian
Trời người ma Phạm.
Khắp trong chúng đó
Đáng thọ cúng dường.
Chúng con may mắn được truyền thọ mật ý, chỗ xưa kia chưa có, chẳng phải bổn tâm trước kia mong muốn, mà ngày hôm nay được Phật khai thị, tự nhiên mà được, thanh tịnh Phật nhãn mà khai tri kiếncủa Phật. ‘’Đắc đạo‘’ tức là được đạo thật tướng. Đắc quả tức là đắc Vô thượng bồ đề đại thừa Thánh quả. Pháp vô lậu trung đạo bất lậu hai bên .
Chúng con xưa kia lâu dài ở nơi vô minh, tu trì giới hạnh thanh tịnh của Như Lai, hôm nay mới được nghe Đức Phật khai quyền hiển thật, chúng con nghe pháp của Phật như vầy, ngộ biết quả báo thành Phật chân thật. Tóm lại, giữ gìn giới thanh tịnh mới thành chân thật nhân duyên, cho nên được diệu báo. Phạm hạnh là thành chân thật liễu nhân, cho nên được diệu quả. Sở tri sở kiến tức là chánh nhânlý tính pháp thân đức vậy.

Thật là Thanh Văn, thật là A La Hán, xưa kia chúng con nghe tiếng nhập đạo, tên tiểu thừa Thanh Văn, nay là đại thừa Thanh Văn A La Hán. Viên mãn sơ trụ vị, một phần chân, tất cả phần chân, tức là phân chứng thập giới tam đức, song đó là khai quyền hiển thật, cho nên gọi là Thanh Văn A La Hán. Ở trong tam giới, chư thiên loài người ma vương Phạm vương, ở trong khắp đại chúng trời người, vì tu trí huệcủa Như Lai, đều đáng thọ nhận sự cung kính cúng dường.
Thân làm người xuất gia, không được vì lợi dưỡng, mà tùy tiện tiếp thọ sự cúng dường của thí chủ, phải biết nếu như ba tâm chưa đoạn, thì một giọt nước cũng khó tiêu. Trong kinh có nói: ‘’Tam tâm bất khả đắc‘’. Tam tâm là tâm quá khứ bất kả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc. Quá khứ, đã thành quá khứ, cho nên bất khả đắc. Tâm hiện tại, trong sát na thành ra quá khứ, vô thường. Vị lai thì chưa đến, cho nên nói là bất khả đắc.

Người xuất gia nếu ba tâm chưa thấu rõ, mà thiếp thọ sự cúng dường của thí chủ, đừng nói đến cơm ăn khó tiêu, dù chỉ một ly nước sạch cũng khó tiêu. Khi ăn thì quán tưởng ngũ quán. Người chân tu thì dù thép cũng tiêu hóa được. Ngũ quán là:

1. Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ: Nghĩa là tính xem công đức của mình nhiều hay ít, thức ăn đó từ đâu đến.
2. Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng: Nghĩa là xem đức hạnh của mình đủ hay thiếu, có đáng thọ lãnh sự cúng dường chăng !
3. Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông: Nghĩa là phòng ngừa tâm tạo tội lỗi, tham lam là gốc.
4. Chánh sự lương dược, vi liệu hình khô: Nghĩa là thức ăn như thuốc hay, chữa trị sự khô héo.
5. Vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực: Vì thành đạo nghiệp mới thọ thức ăn nầy.

‘’Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông‘’: Biểu thị bất cứ là thức ăn ngon dở, chẳng phân biệt, không tham trước, một luật bình đẳng đều thọ dụng. ‘’Chánh sự lương dược, vi liệu hình khô‘’: Vì trừ tham dục cho nên quán tưởng thức ăn như uống thuốc để thân thể nầy khỏi khô gầy.

Ân lớn Thế Tôn
Là việc ít có.
Thương xót giáo hóa
Lợi ích chúng sinh
Vô lượng ức kiếp
Ai báo đáp được.
Tay chân cung cấp
Cuối đầu đảnh lễ
Cúng dường tất cả
Đều chẳng báo được.
Nếu dùng đầu đội
Hai vai mang vác
Trải Hằng sa kiếp
Hết lòng cung kính.
Lại dùng vật ngon
Vô lượng y báu
Và các ngọa cụ
Đủ thứ thuốc thang.
Ngưu đầu chiên đàn
Và các châu báu
Tạo lập chùa tháp
Y báu trải đất.
Những việc như thế
Đem cúng dường Phật
Trải Hằng sa kiếp
Cũng chẳng báo được.
Chư Phật ít có
Vô lượng vô biên
Không thể nghĩ bàn
Sức đại thần thông.
Vô lậu vô vi
Vua của các pháp
Hay vì hạ liệt
Nhẫn nơi việc đó.
Hiện tướng phàm phu
Tùy họ mà nói
Phật nơi các pháp
Được tự tại nhất.
Biết các chúng sinh
Đủ thứ ưa muốn
Và những chí lực
Tùy sự kham thọ.
Dùng vô lượng dụ
Vì họ nói pháp
Tùy các chúng sinh
Căn lành đời trước.
Biết đã thành thục
Hoặc chưa thành thục
Đủ thứ suy lường
Phân biệt biết rõ.
Nơi đạo nhất thừa
Tùy nghi nói ra.

Phật dùng đại từ bi, thí đại ân đức, cứu vớt sáu nẻo tội khổ chúng sinh, khiến cho các Ngài, trước hết tu tứ Diệu đế, được quả vui lìa biển khổ, kế tiếp phổ độ mười pháp giới chúng sinh, khiến cho họ phát bồ đề tâm, nhập vào tứ hoằng thệ nguyện, đó là ân lớn của Như Lai.
Vô lượng kiếp đến nay, Phật đều hành Bồ Tát đạo, từng giáo hóa chúng con pháp đại thừa, tuy tạm thời không thể tự cứu tự độ, song chí nguyện chưa mất. Nay được nghe lục đô vạn hạnh pháp Bồ Tát, đức hạnh tự lợi lợi tha, mới là chánh nhân thành Phật. Như việc ít có nầy, chúng con làm sao báo được ân đức lớn của Phật ?

Nhà lửa ba cõi, đủ thứ khổ thiêu đốt bức bách, Phật hiện ra đời phổ độ chúng sinh, lợi ích quần sinh, khiến cho chúng con có chỗ về nương tựa.
Sau khi Phật thành đạo, đáng thọ sự vui tịch diệt vô vi, song vì thương xót chúng sinh, chẳng sợ sinh tử, vào đời ác năm trược nầy để cứu độ, dùng pháp quyền xảo phương tiện dạy năm giới, mười điều lành, rưới nước lạnh vào mặt, khiến cho tỉnh ngộ, trừ khử đi tham dục.

Phật dùng tâm đại bi, muốn cho chúng sinh sớm thành Phật đạo, mà diễn nói Kinh Hoa Nghiêm, song chúng sinh căn cơ còn nông cạn, cơ duyên chưa chín mùi, chưa hiểu pháp lớn, vì lẽ đó cho nên Phật ẩn lớn hiện nhỏ, hiện tướng Tỳ Kheo cao một trượng sáu, mới được gần gũi chúng sinh, xem căn cơ của họ mà tuỳ nghi hoá độ. Phương tiện gần gũi, với giá một ngày, đây là Phật trợ giúp chúng sinh đoạn trừ kiến hoặc.

Hàng nhị thừa trừ kiến, tư, hai hoặc rồi, thì dần dần tâm thể tương ưng với Phật, cho nên Phật quở trách, khiến cho họ hổ thẹn pháp nhỏ mà hâm mộ pháp lớn, đây là Phật khiến cho họ trông coi gia nhiệp của Như Lai, vàng bạc kho tàng đều phải biết hết, đây là ân trang nghiêm do Phật ban tặng. Như vậy rồi, Phật thấy cơ duyên thành thục, bèn nhóm họp thân tộc, ở trong chúng hội, tuyên nói họ là con của Phật, và giao phó cho gia nghiệp, chẳng cầu mà tự được, nghĩa là hàng nhị thừa tương lai cũng sẽ thành Phật, ngồi ở trên tòa báu Pháp vương, đây là Như Lai ban tặng tòa ân vậy.

Ngồi trên Phật tòa, thân ý thơ thới, khoái lạc yên ổn, dùng tiếng Phật đạo khiến cho tất cả chúng sinhđược nghe, rộng khắp trong trời người, đáng thọ nhận sự cúng dường, khiến cho chúng con đầy đủ ân đức tự lợi lợi tha, đó là thâm ân do Phật ban tặng cho, dù chúng con dùng chân tay cung cấp, cuối đầu đảnh lễ cung kính, cho đến đầu đội hoặc hai vai mang vác, cũng không thể báo đáp được ân đức của Phật.
Ngưu đầu chiên đàn, trong Kinh Hoa Nghiêm nói, lìa khỏi núi cấu, nếu dùng để đốt thân, lửa không thể cháy.
Vô lượng thần thông việc không thể nghĩ bàn của Phật, vô lậu vô vi, vua của các pháp, vì dùng từ bi, hay vì kẻ căn cơ hạ liệt hèn kém, nhẫn nại điều hoà, tùy theo loài đáng giáo hóa mà hiện tướng phàm phu. Phẩm tính của chúng sinh hèn kém, song Phật dùng đại trí huệ biết được căn tính của họ thành thục, lại dùng đại bi trải qua ngàn kiếp, chẳng từ khổ nhọc cứu vớt tất cả tội khổ chúng sinh.

Đời người như một tuồng hí kịch, đời nầy đóng vai cha, đời sau đóng vai con. Cha con, con cha, quan hệ như thế, nên đời đời tiếp nối không ngừng, hoặc chẳng làm con với cha, mà làm thân tộc bạn bè .v.v. Tóm lại, đời người ở trên sân khấu, ai ai cũng đều đóng vai của mình, vỡ kịch chấm dứt thì người lìa tan, lại đi diễn vỡ tuồng khác, cứ như thế mà trải qua vô lượng kiếp đến nay chúng sinh đều diễn kịch, luân hồi trong sáu nẻo. Chúng ta hãy sớm tỉnh giác, biết đường mê mà quay về !
Phật khéo dùng pháp môn đốn tiệm, nhậm vận tự tại, giáo hóa chúng sinh, tùy theo các căn cơ hạnh nghiệp của mỗi loài đáng giáo hóa, thì hiển thị phân biệt nói pháp tối hy hữu nhất, nơi một Phật thừađạo vô thượng, mà phương tiện tùy nghi nói làm ba thừa.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “17. Phẩm Tin Hiểu Thứ Tư - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com