Mục Lục

Nay trong đại hội này
Vô lượng trăm ngàn ức.
Các Bồ Tát này thảy
Đều muốn biết việc này
Nhân duyên và gốc ngọn
Các chúng Bồ Tát đó.
Vô lượng đức Thế Tôn
Xin nguyện giải chúng nghi.
Hiện tại ở trong đại hội này, có vô lượng trăm ngàn ức vị Bồ Tát đều muốn biết việc này. Những vị đại Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, nhân duyên cứu kính như thế nào ? Hy vọng vô lượng đức Thế Tôn, xin nguyện các Ngài vì đại chúng mà giải quyết sự nghi vấn này.

Bấy giờ, các phân thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đến từ vô lượng ngàn vạn ức cõi nước phương khác, ở dưới các cây báu trong tám phương, đều ngồi kiết già trên tòa sư tử. Thị giả của các đức Phật đó, đều thấy đại chúng Bồ Tát đó, trong ba ngàn đại thiên thế giới bốn phương, từ dưới đất vọt lên trụ ở trong hư không. Các vị thị giả đều bạch với Phật của mình rằng : Đức Thế Tôn ! Vô lượng vô biên A tăng kỳ đại chúng Bồ Tát đó, từ đâu đến đây ?
Lúc ấy, vô số vô lượng phân thân hóa Phật Thích Ca Mâu Ni, từ vô lượng ngàn vạn ức cõi nước khác đến, đều ngồi kiết già trên tòa sư tử dưới các cây báu. Ngồi kiết già là pháp ngồi tôn quý nhất của Phật Giáo, có thể hàng ma, có thể nhiếp tâm. Mỗi vị thị giả của Phật, thấy vô lượng chúng đại Bồ Tát đó, từ bốn phương ba ngàn đại thiên thế giới, từ dưới đất vọt lên, trụ ở trong hư không, cảm thấy rất kỳ lạ, do đó mỗi vị thị giả đều hỏi với mỗi vị Phật của mình rằng : ‘’Thế Tôn ! Vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng đại Bồ Tát đó, từ nơi nào đến đây ?‘’ Chẳng những Bồ Tát Di Lặc và đại chúng trong pháp hội khởi nghi vấn, mà thị giả của Phật, cũng khởi tâm hoài nghi, cho nên mới hỏi như thế.

Bấy giờ, các đức Phật đều bảo thị giả rằng : Các thiện nam tử ! Hãy đợi giây lát, có đại Bồ Tát tên là Di Lặc, được đức Phật Thích Ca thọ ký sau này sẽ thành Phật, đã hỏi việc đó. Đức Phật sẽ trả lời, các ông sẽ nhờ đó mà được nghe.
Lúc đó, các hóa Phật phân thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, đều bảo thị giả của mình rằng : ‘’Các thiện nam tử !Dừng gấp vội, hãy đợi một chút nữa, có vị đại Bồ Tát Di Lặc. Đức Phật Thích Ca đã thọ ký cho Ngài tương lai sẽ hạ sinh xuống thành Phật hiệu là Di Lặc. Ngài cũng đã hỏi Phật về việc này, Phật Thích Ca sẽ đáp. Các ông sẽ minh bạch về việc này.’’

Bấy giờ, đức Phật Thích Ca bảo Bồ Tát Di Lặc : Lành thay ! Lành thay ! A Dật Đa mới có thể hỏi Phật việc lớn như thế. Các ông nên cùng một lòng mặc áo giáp tinh tấn, phát tâm kiên cố, nay Như Lai muốn hiển phát, diễn nói mở bày trí tuệ của chư Phật, sức thần thông tự tại của chư Phật, sức sư tử phấn tấn của chư Phật, sức oai mãnh đại thế của chư Phật.

Lúc ấy, đức Phật Thích Ca bảo Bồ Tát Di Lặc nói : ‘’Lành thay (trên khế với ý của Phật) ! Lành thay (dưới hợp với tâm chúng sinh) ! A Dật Đa (Vô Năng Thắng là tên của Bồ Tát Di Lặc) ! Phật gọi một tiếng A Dật Đa ! Ông có thể hỏi Phật việc lớn như thế, các ông mọi người nên cùng đồng một lòng, mặc giáp tinh tấn, đừng giải đãi tán loạn, phải phát tâm kiên cố, đừng thối chuyển.’’
Sao lại nói là việc lớn ? Vì đây là pháp môn khai cận hiển viễn (mở gần hiểu xa). Thời Hoa Nghiêm chẳng nói về pháp môn này, thời A Hàm, thời Phương Đẳng, thời Bát Nhã, cũng chẳng nói về pháp môn này. Chỉ duy nhất thời Pháp Hoa, mới nói pháp môn khai quyền hiển thật (mở bày phương tiện để hiển lộ chân thật). Đây là pháp môn vi diệu không thể nghĩ bàn, cho nên nói là việc lớn.
Đức Phật Thích Ca lại nói : ‘’Hôm nay Như Lai muốn hiển phát diễn nói mở bày trí huệ của chư Phật.’’ Gì là trí huệ của chư Phật, tức là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Hôm nay Như Lai muốn hiển phát, diễn nói mở bày sức thần thông tự tại của chư Phật, sức sư tử phấn tấn của chư Phật, sức oai mãnh đại thế của chư Phật. Trí huệ là ngã đức, thần thông là lạc đức, sư tử phấn tấn là tịnh đức, oai mãnh đại thế là thường đức. Vì bốn đức Niết Bàn viên mãn, cho nên ở trong đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, đều có lợi ích đối với tất cả chúng sinh, cho nên gọi là lực.

Sức thần thông tự tại là vào nhà từ bi cứu kính, sức sư tử phấn tấn là ngồi tòa pháp vương cứu kính; sức oai mãnh đại thế là mặc y nhẫn nhục cứu kính. Đây là cảnh giới vào nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, mặc y Như Lai.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Hãy một lòng tinh tấn
Ta muốn nói việc đó
Chớ đừng có nghi hối
Trí Phật không nghĩ bàn.
Nay ông sinh đức tin
Trụ ở trong nhẫn nhục
Pháp chỗ xưa chưa nghe
Nay đều sẽ được nghe.
Lúc đó, Phật Thích Ca nói xong trường hàng rồi, e rằng đại chúng ở trong pháp hội có chỗ chưa minh bạch, cho nên không ngại nói lại rõ ràng đạo lý này, bèn dùng kệ để nói lại.

Đức Phật Thích Ca nói : ‘’Đại chúng ở trong pháp hội và đại chúng đến từ mười phương ! Các ông mọi người hãy dũng mãnh tinh tấn, chuyên tâm nhất ý. Ta sẽ nói việc đó.’’ Việc gì ? Là đại nhân duyên ta thị hiện ra đời, do đó các ông đại chúng đừng sinh tâm hoài nghi. Trí huệ của ta và mười phương chư Phật đều không thể nghĩ bàn. Hàng phàm phu tục tử không thể tưởng tượng được trí huệ của Phật. Trí huệ của Phật chẳng có gì mà không biết, chẳng có gì mà không rõ. Trí huệ là gì ? Tức là thông suốt các pháp là trí, đoạn hoặc chứng lý là huệ; cũng có thể nói thông đạt sự tướng hữu vi là trí, thông đạt lý không vô vi là huệ.
Bây giờ, các ông phải đem tín tâm và sức lực ra, trụ ở trong nhẫn nhục Ba la mật, tu hành việc lành :

‘’Đừng làm các việc ác,
Hãy làm các việc lành.’’

Diệu pháp của Kinh Pháp Hoa trước kia các ông chưa nghe qua, chỉ có bây giờ mới được nghe. Pháp mà ta nói trước kia, đều là pháp môn thiện xảo phương tiện. Pháp mà hôm nay nói mới là pháp chân thật. Diệu pháp này: ‘’Có thể tị hung hóa cát, có thể lìa khổ được vui.’’

Nay ta an ủi ông
Chớ đừng hoài nghi sợ
Lời Phật nói chẳng sai
Trí huệ không thể lường.
Đắc được pháp bậc nhất
Thâm sâu không phân biệt
Như vậy nay sẽ nói
Các ông một lòng nghe.
Bây giờ, ta an ủi các ông, đừng sinh tâm hoài nghi sợ sệt. Pháp của ta nói chân thật không hư. Bây giờ nói về pháp khai quyền hiển thật, khai cận hiển viễn. Các ông phải sinh tín tâm:

‘’Tín là nguồn đạo mẹ công đức,
Nuôi lớn tất cả các pháp lành.’’

Phật nói lời chân thật, chẳng nói lời hư dối. Trí huệ của Phật không thể nghĩ bàn. Phật đắc được diệu pháp bậc nhất, như biển cả, sâu không thể dò. Bây giờ là lúc nên nói, các ông phải tụ tinh hội thần, chuyên tâm nhất ý để nghe.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rồi, bảo Bồ Tát Di Lặc : Hôm nay ta ở trong chúng này nói với các ông : A Dật Đa ! Các chúng đại Bồ Tát đó, vô lượng vô số A tăng kỳ từ dưới đất vọt lên. Thuở xưa các ông chưa từng thấy, ta ở tại thế giới Ta Bà này, chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi, bèn giáo hóa chỉ đạo cho các Bồ Tát đó, điều phục tâm của họ, khiến cho họ phát đạo tâm. Những vị Bồ Tát đó, đều ở dưới thế giới Ta Bà này, trụ ở trong hư không. Nơi các kinh điển, họ đều đọc tụng thông thuộc, suy gẫm phân biệt, nghĩ nhớ chân chánh.
Ta ở tại thế giới Ta Bà này, chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi, ta bèn đến giáo hóa chỉ đạo những vị đại Bồ Tát đó, điều phục tâm của họ, khiến cho họ chẳng còn phiền não, chẳng còn vô minh, chẳng còn kiến tư hoặc, chẳng còn trần sa hoặc, chẳng còn tập khí, chẳng còn nóng giận, khiến cho họ đều phát bồ đề tâm, tu Bồ Tát đạo, đó là sở thành tựu của ta trong quá khứ, họ đều là đệ tử của ta ở trong quá khứ.

Những vị Bồ Tát đó, từ dưới đất vọt lên, họ đều ở dưới cõi Ta Bà, tức cũng là cõi phương dưới, ở trong hư không cõi nước đó. Cảnh giới này, phàm phu tục tử chẳng cách chi biết được. Nếu người đắc được ngũ nhãn lục thông, thì nhìn thấy ở trong hư không có đủ thứ cung điện, đủ thứ lầu các, đều dùng bảy báu tạo thành. Mỗi tòa cung điện, mỗi tòa lầu các, đều trở thành đạo tràng thuyết pháp của chư Phật, có các vị đại Bồ Tát ở tại đó nghe pháp, tu hành, cho nên gọi là pháp giới.

Đầy khắp hư không đều là nơi đầy dẫy Phật pháp. Ở dưới cõi Ta Bà cách mười sáu vạn tám ngàn do tuần, là nơi chốn trụ xứ của các vị đại Bồ Tát đó ở. Đối với tất cả kinh điển, họ đều đọc tụng thông thuộc, chẳng có gì chướng ngại, dù một câu một chữ, cũng không thiếu sót được, hoặc quên mất, còn có thể suy gẫm và phân biệt diệu nghĩa của kinh văn.

A Dật Đa ! Hết thảy các vị thiện nam tử đó, chẳng ưa thích ở nơi chúng nói nhiều, thường thích ở chỗ yên tĩnh, siêng hành tinh tấn, chưa từng nghỉ ngơi, cũng chẳng ở tại nhân gian, cũng chẳng ở trên trời, thường thích trí huệ thâm sâu, chẳng có chướng ngại, cũng thường ưa thích pháp của chư Phật, một lòng tinh tấn cầu trí huệ vô thượng.
Đức Phật Thích Ca lại gọi một tiếng A Dật Đa ! Những vị thiện nam tử đó thảy, họ chẳng hoan hỷ ở trong chúng (tam giới). Có năm ấm tức là ở tại chúng. Bồ Tát chiếu thấy năm uẩn đều không, tức là chẳng thích ở tại chúng. Tuy nhiên họ vượt ra ngoài tam giới, thấu rõ các pháp, song vẫn nói nhiều. Họ thích ở chỗ thanh tịnh, tức cũng là đệ nhất nghĩa đế. Họ đối với pháp đệ nhất nghĩa đế không nói không lời, rất siêng hành tinh tấn, thời khắc đều tu hành, một chút cũng chẳng giải đãi. Họ nghiên cứu Phật pháp, tu trì Phật pháp, chẳng khi nào nghỉ ngơi ; ‘’Vì pháp quên mình,’’ vì Phật pháp mà quên hết tất cả, đó mới là bản sắc học Phật pháp.

Họ cũng chẳng ở tại nhân gian, cũng chẳng ở trên trời, mà ở trong hư không. Họ thích trí huệ thâm sâu, chẳng có gì chướng ngại, cũng luôn luôn thích tu hành pháp của chư Phật nói, đối với Phật pháp một lòng tinh tấn, chẳng có hai niệm, chuyên tâm cầu trí huệ vô thượng của Phật.

Tại sao chúng ta gặp sự việc thì nhìn chẳng thấu, buông chẳng đặng ? Vì có sự chướng ngại. Chướng ngại có phiền não chướng và sở tri chướng.
Phiền não chướng là gì ? Chấp trước năm uẩn là ta, do vọng kiến ngã chấp này, dẫn đến sinh ra tất cả phiền não, hay chướng ngại chứng Niết Bàn.
Sở tri chướng là gì ? Chấp trước vào năm uẩn là thật có, sự vọng kiến chấp pháp này, hay che đậy chướng ngại sự hiểu biết, khiến cho con người chẳng biết, làm chướng ngại chứng bồ đề.

Lại có bốn thứ chướng :
1). Hoặc chướng : Tham dục, sân hận, ngu si, đó là tư hoặc.
2). Nghiệp chướng : Nghiệp ác tạo ra bởi thân khẩu ý.
3). Báo chướng : Khổ báo, điạ ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường ác.
4). Kiến chướng : Các tà tri tà kiến chướng ngại chánh đạo.
Sáu thứ chướng ở trên, thì sở tri chướng là lợi hại nhất. Nếu không biết thì chẳng có chướng ngại; nếu biết nhiều thì ngược lại sinh ra chướng ngại, sinh ra tư tưởng cống cao ngã mạn. Giống như trước kia chưa học Phật pháp, thì chẳng có chướng ngại, sau khi học Phật pháp được mấy năm, thì cảm thấy rằng mình hiểu nhiều hơn bất cứ ai, đó là bị sự hiểu biết làm chướng ngại. Mục đích học Phật pháp là học vô chướng ngại, song ngược lại học ra sự chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể chứng nhập bồ đề chánh đạo. Vì tự tánh chân như bị che đậy. Người có đại trí huệ thì chẳng có chướng ngại gì cả. Bất cứ như thế nào cũng đều hoan hỷ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Lúc đó, đức Phật từ bi, sợ đại chúng chẳng minh bạch đạo lý này, cho nên dùng kệ để thuật lại.

A Dật Đa nên biết !
Các đại Bồ Tát đó
Từ số kiếp đến nay
Tu tập trí của Phật.
Đều do ta giáo hóa
Khiến phát đại đạo tâm
Họ đều là con ta
Nương trụ thế giới đó.
Thường tu hạnh đầu đà
Ý thích nơi chỗ vắng
Bỏ đại chúng ồn náo
Chẳng ưa thích nói nhiều.
Đức Phật thuật lại nghĩa lý kinh trường hàng ở trên, gọi một tiếng A Dật Đa ! Các ông nên biết, các đại Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, họ từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp, đều tu học trí huệ của Phật, dũng mãnh tinh tấn, chẳng khi nào giải đãi.

Các đại Bồ Tát đó, từ ban đầu phát tâm cho đến bây giờ thành đại Bồ Tát, đều do ta giáo hóa, khiến cho họ phát tâm tu Phật đạo vô thượng. Đó đều là những đệ tử thuở xưa ta giáo hóa, hiện tại họ nương trụ trong hư không, ở dưới cõi Ta Bà. Hiện tại từ dưới đất vọt lên, đến pháp hội làm ảnh hưởng chúng, ảnh hưởng đại chúng phát bồ đề tâm, tức cũng là trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh.
Những vị đại Bồ Tát đó, đều tu hạnh đầu đà, tức là tu khổ hạnh. Chí nguyện của họ thích nơi vắng lặng, xa lìa đại chúng ồn náo, tức cũng là xả bỏ phiền não. Tóm lại, đều bỏ lìa phiền não kiến tư (thấy nghĩ), phiền não trần sa, phiền não vô minh, họ chẳng thích nói nhiều, giữ sự yên lặng.

Hạnh đầu đà có quy định mười hai hạnh :
1). Y phấn tảo : Lượm vải cũ rách mà người ta bỏ ở đống rác, giặt sạch rồi may thành y.
2). Chỉ có ba y : Tức là tổ y (25 điều), y bảy điều, y năm điều. Ngoài ba y này ra, chẳng dùng y nào khác nữa. Hai điều trên là quy định thuộc về y phục.
3). Thường đi khất thực : Không nhận người khác thỉnh mời, chẳng ăn đồ vật của Tăng đoàn. Ôm bát đi khất thực, khiến cho chúng sinh gieo trồng vào ruộng phước.
4). Khất thực có thứ tự : Theo thứ tự từng nhà mà khất thực, chẳng lựa giàu nghèo, giới hạn là bảy nhà, chẳng khất thực nhiều hơn nữa.
5). Ngày ăn một bữa : Mỗi ngày chỉ dùng một bữa, quá giờ ngọ không ăn.
6). Ăn uống có tiết lượng : Chỉ ăn một bát cơm, chẳng ăn quá no. Ăn ít thì dục niệm ít, duy trì được sinh mạng là được.
7). Quá ngọ không uống nước có chất bổ : Tuyệt đối không uống sữa bò và mật đường .v.v...tức là nước trái cây và cà phê cũng cấm luôn. Năm thứ ở trên là thuộc về sự ăn uống.
8). Ở chỗ A lan nhã : Tức là ở trong thâm sơn cùng cốc, xa lìa sự náo nhiệt, khiến cho thân tâm thanh tịnh, an tâm mà tu đạo.
9). Ở nghĩa địa : Ở ngoài nghĩa địa, tu quán xương trắng, xa lìa năm dục, chẳng sinh tâm tham dục.
10). Ở dưới gốc cây : Đêm ngủ ở dưới gốc cây, song chẳng quá ba đêm, quá ba đêm thì dọn đi đến nơi khác, để tránh sanh tâm phan duyên.
11). Ở ngoài trời : Ở dưới gốc cây còn có sự che đậy. Nay vì trừ khử tâm tham nên ở ngoài trời.
12). Thường ngồi không nằm : Bất cứ ở đâu cũng đều ngồi thiền tư thế kiết già, lưng không đụng chiếu. Năm điều ở trên là thuộc về chỗ ở.

Người tu khổ hạnh thì giữ gìn mười hai điều quy định này, bằng không thì sẽ sinh tâm tham đối với ăn mặc và chỗ ở, sẽ chướng ngại sự tu đạo. Song, pháp chẳng nhất định, trước hết phải giữ điều nào trong mười hai điều để tu hành, song phải triệt để, có trước có sau, từ từ tập quán sẽ thành tự nhiên, sẽ hoàn thành quy tắc hạnh đầu đà.

Các con như vậy thảy
Tu học đạo pháp ta
Ngày đêm thường tinh tấn
Chỉ vì cầu Phật đạo.
Trụ ở trong hư không
Phương dưới cõi Ta Bà
Sức chí niệm kiên cố
Thường siêng cầu trí huệ.
Nói đủ thứ diệu pháp
Tâm họ chẳng sợ sệt.
Những vị đệ tử này, y giáo phụng hành tu học Phật đạo và Phật pháp do ta giáo hóa. Họ chỉ vì cầu Phật đạo, cho nên ngày đêm sáu thời dũng mãnh dụng công, chẳng giải đãi.

Chúng sinh đều có xí đồ cầu tài sắc danh thực thùy năm dục. Cầu chẳng được thì sinh phiền não, nên dùng ngũ đình tâm quán để khống chế. Đối với chúng sinh nhiều tham, thì khiến cho họ tu quán bất tịnh. Quán sát thân này là túi da hôi thối, chín lỗ thường bài tiết đồ bất tịnh, chẳng có chỗ nào thanh tịnh. Đối với chúng sinh nhiều sân hận, thì dạy họ tu quán từ bi. Người có tâm từ bi thì đối với bất cứ ai cũng chẳng nóng giận. Xem tất cả chúng sinh như con cái, quán như thế thì sẽ sinh tâm từ bi. Đối với chúng sinh nhiều si mê, thì dạy họ tu quán nhân duyên. Quán mười hai nhân duyên thì sẽ ngộ lý sinh tử lưu chuyển. Đối với chúng sinh nhiều chướng, thì dạy họ tu quán niệm Phật, đừng tu pháp môn quán không, quán giả, quán trung, chỉ cần niệm danh hiệu ‘’Nam Mô A Di Đà Phật‘’ thì có thể sẽ vãng sinh thế giới Cực Lạc. Đối với chúng sinh tán loan, thì dạy họ tu quán sổ tức, đếm hơi thở, lâu dần thì sẽ khống chế được vọng tưởng tâm viên ý mã, hết tâm tán loạn. Đây là quá trình người tu đạo phải tu trì.
Các vị đại Bồ Tát đó, trụ ở phương dưới của cõi Ta Bà, trụ ở trong hư không. Sức chí niệm của họ rất kiên cố, tuyệt đối chẳng thối chuyển. Tinh thần tập trung, mặc giáp tinh tấn, cầm kiếm trí huệ, dũng mãnh hướng về trước. Luôn siêng cầu trí huệ của Phật, nói đủ thứ các diệu pháp không thể nghĩ bàn. Họ thường hiện sư tử hống, khi nói pháp thì tâm chẳng sợ hãi.

Ta ở thành Già Gia
Ngồi dưới cội bồ đề
Đắc được tối chánh giác
Chuyển pháp luân vô thượng.
Giáo hóa các Bồ Tát
Khiến họ sơ phát tâm
Nay đều trụ bất thối
Đều sẽ được thành Phật.
Nay ta nói lời thật
Các ông một lòng tin
Ta từ lâu đến nay
Giáo hóa đại chúng đó.
Đức Phật Thích Ca nói : ‘’Ta ở nước Ma Kiệt Đề ngoài thành Già Gia, bên bờ sông Ni Liên, ngồi dưới cội bồ đề, khi bắt đầu thì ta phát nguyện : "Nếu ta không khai ngộ, thì vĩnh viễn chẳng đứng dậy khỏi chỗ này". Ngồi đến đêm thứ bốn mươi chín, thì thấy sao mai mọc ở hướng đông mà ngộ đạo, chứng được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức cũng là thành tựu Phật đạo.’’

Đức Phật thấy ngôi sao mai mọc mà ngộ đạo, bèn nói rằng : ‘’Lành thay ! Lành thay ! Lành Thay ! Hết thảy chúng sinh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, song vì vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng đắc.’’ Tại sao chúng ta chẳng thành Phật ? Vì có vọng tưởng. Tại sao chúng ta chẳng thành Phật ? Vì có sự chấp trước. Vọng tưởng chấp trước này, che đậy chúng sinh làm cho chẳng đặng thành Phật. Làm thế nào mà Đức Phật được thành Phật ? Vì Ngài buông xả vọng tưởng chấp trước. Ngài vốn là Thái tử, ở trong cung hưởng thụ vinh hoa phú quý, tương lai sẽ làm chuyển luân thánh vương, thống trị bốn thiên hạ, song Ngài bỏ ngôi vua, mà còn bỏ vợ đẹp con xinh. Ngài cảm thấy sinh già bệnh chết quá khổ, cho nên xuất gia tu đạo, tìm cầu pháp chấm dứt sinh tử.

Sau khi Phật chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi, trong thời gian hai mươi mốt ngày ở trong định, Ngài vì pháp thân Đại sĩ mà nói bộ Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật. Đáng tiếc, hàng tiểu thừa căn lành chẳng đủ, chẳng minh bạch đạo lý nhất chân pháp giới, do đó : ‘’Có mắt chẳng thấy Lô Xá Na, có tai chẳng nghe giáo viên đốn.’’ Phật vì lòng từ bi đến vườn Lộc Uyển, vì năm vị Tỳ Kheo nói pháp tứ diệu đế, về sau lại nói pháp mười hai nhân duyên, sau đó nói pháp lục độ vạn hạnh.

Ban đầu nói Kinh Hoa Nghiêm, song một số người chẳng tiếp thọ được. Phật lại nói Kinh A Hàm, rồi nói Kinh Phương Đẳng, rồi nói Kinh Bát Nhã, cuối cùng nói Kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa là bổn hoài của Phật, vốn muốn bắt đầu nói Kinh Pháp Hoa, nhưng vì quán sát căn cơ của chúng sinh chưa được chín mùi, cho nên trước hết nói về quyền giáo (pháp phương tiện), sau đó nói pháp thật giáo. Hiện tại căn cơ đã thành thục cho nên nói diệu pháp vô thượng.
Đương lúc đó, ta giáo hóa vô lượng vị đại Bồ Tát này, khiến cho họ sơ phát bồ đề đạo tâm. Bây giờ, họ đều trụ ở vị bất thối, hạnh bất thối, niệm bất thối, họ hoàn toàn sẽ chứng được quả vị Phật.

Trước kia, ta nói pháp phương tiện. Bây giờ ta nói pháp chân thật. Các ông đại chúng nên chuyên tâm nhất chí để tin nhận pháp của ta nói. Trong vô lượng kiếp về trước ta đã thành Phật đạo, do đó :

‘’Chẳng sinh mà thị hiện sinh,
Chẳng diệt mà thị hiện diệt.’’

Vốn chẳng sinh mà thị hiện sinh ra, vốn chẳng diệt mà thị hiện diệt độ. Trong Kinh Phạm Võng có nói : ‘’Ta đến thế giới Ta Bà đã tám nghìn lần.’’ Những vị Bồ Tát này, đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, đều do ta giáo hóa khi ta thành Phật trong quá khứ.
A Dật Đa ! Ông hỏi những vị Bồ Tát này từ dưới đất vọt lên, họ phát tâm với vị Phật nào ? Ai giáo hóa họ ? Họ tu trì pháp gì ? Họ đọc tụng kinh gì ? Họ tu pháp môn Pháp Hoa, họ tụng Kinh Pháp Hoa, họ đến hộ trì Kinh Pháp Hoa, họ đến cúng dường Kinh Pháp Hoa.

Bấy giờ, đại Bồ Tát Di Lặc và vô số các vị Bồ Tát khác, đều sinh tâm nghi hoặc, lạ chưa từng có, bèn nghĩ như vầy : Sao đức Thế Tôn ở trong thời gian ngắn, mà có thể giáo hóa vô lượng vô biên A tăng kỳ các đại Bồ Tát như thế, khiến cho họ trụ Vô thượng chánh đẳng chánh giác ? Bèn bạch đức Phật rằng :
Lúc đó, đại Bồ Tát Di Lặc và vô số vô lượng các Bồ Tát, thảy đều sinh tâm nghi hoặc, tại sao lại có việc như thế ? Vì việc này rất là kỳ lạ, chưa từng thấy qua việc như vầy. Các Ngài đều nghĩ rằng : ‘’Sao lại có chuyện như vậy ? Đức Thế Tôn trẻ như thế, còn các vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên đều già nua, sao có thể ở trong thời gian ngắn mà giáo hóa nhiều vị Bồ Tát như thế, khiến cho họ đều trụ quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.’’ Đây là nghe việc lạ chưa từng nghe, do đó mới hướng về đức Phật xin khai thị, bèn bạch Phật nói.

Đức Thế Tôn ! Khi Như Lai làm thái tử, ra khỏi cung dòng họ Thích, cách thành Già Gia chẳng bao xa, ngồi nơi Đạo tràng, đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm.
Di Lặc Bồ Tát hỏi Đức Phật : Đức Thế Tôn ! Như Lai trước kia làm thái tử, vì cầu đạo giải thoát mới ra khỏi hoàng cung, đến thành Già Gia chẳng bao xa, ngồi dưới cội bồ đề, chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Từ khi Ngài thành Phật đến nay, bất quá chỉ hơn bốn mươi năm mà thôi.
Đức Phật mười chín tuổi xuất gia tu đạo. Sáu năm đầu tiên đi khắp nơi tìm thiện tri thức (ngoại đạo đương thời), chẳng được pháp giải thoát sinh tử. Đến núi Tuyết tu khổ hạnh sáu năm, tự tìm pháp giải thoát, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè để duy trì mạng sống. Lúc đó, cùng tu với Ngài có năm người, bà con phía mẹ của Ngài hai người, bà con bên phía cha của Ngài ba người. Trong đó, có ba người chịu không nổi sự tu khổ hạnh, mới bỏ Đức Phật ra đi, đến vườn Lộc Uyển tu hành. Vườn này là Thánh địa của ngoại đạo tu hành đương thời. Còn lại hai người phát tâm cùng tu khổ hạnh với thái tử ở tại núi Tuyết, cho rằng tu hành thì phải chịu khổ, do đó :

‘’Thọ khổ thì hết khổ,
Hưởng phước thì hết phước.’’

Ôm chặt lấy tông chỉ, chẳng nghĩ gì khác. Chuyên tâm nhất chí để cầu giải thoát. Giải hoặc nghiệp trói buộc, thoát quả khổ ba cõi.
Sáu năm sau, thân thể của Phật gầy như cây củi. Một ngày nọ, thiên nữ dâng cúng bát sữa, Đức Phật thọ cúng dường. Hai vị đồng tu này bèn sinh tâm nghi, cho rằng Đức Phật đã sinh tâm thối chuyển, do đó hai người cũng bỏ Phật ra đi đến vườn Lộc Uyển.

Lúc đó, sau khi Đức Phật uống bát sữa xong, thì thân thể khôi phục khoẻ mạnh, mới xuống giòng sông Ni Liên tắm rửa. Sau đó, đến dưới gốc cây bồ đề tĩnh tọa bốn mươi chín ngày. Vào ngày mồng tám tháng mười hai, khi sao mai vừa mọc, thì Ngài ngộ đạo, lúc đó Phật vừa đúng ba mươi tuổi.

Sau khi Phật thành đạo, Ngài bèn quán sát nhân duyên, trước hết đến vườn Lộc Uyển độ năm người cùng tu, tức là năm anh em Kiều Trần Như. Ngài nói pháp tứ diệu đế, sau khi nghe xong họ lập tức chứng quả A La Hán. Có bài thơ rằng :

‘’Thập cửu du thành lục khổ hạnh,
Ngũ tuế du lịch tam thập thành,
Thuyết pháp độ sinh ngũ thập tuế,
Thị bát cộng thọ bát thập niên.’’

Nghĩa là :

Mười chín tuổi xuất gia sáu năm khổ hạnh,
Năm năm tầm đạo ba mươi tuổi thành đạo,
Năm mươi năm thuyết pháp độ sinh,
Cả thảy công lại tám mươi năm.

Đức Thế Tôn ! Sao trong thời gian ngắn mà làm đại Phật sự, dùng thế lực của Phật, dùng công đức của Phật, để giáo hóa vô lượng đại Bồ Tát như thế, sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác ?
Bồ Tát Di Lặc lại gọi một tiếng Đức Thế Tôn ! Ngài thành Phật đến bây giờ, bất quá chỉ hơn bốn mươi năm, trong thời gian ngắn sao có thể làm đại Phật sự ? Độ rất nhiều Bồ Tát như thế ? Nhờ thế lực của Phật, nhờ công đức của Phật, mà giáo hóa đại Bồ Tát như thế, họ đều sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đó là đại giáo khai cận hiển viễn (chỉ gần để hiển xa). Đạo lý này chẳng phải là cảnh giới của phàm phu thấu hiểu được.

Đức Phật nói pháp khoảng năm mươi năm, có bài kệ nói rằng :

‘’Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.’’

Nghĩa là:

Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày
A Hàm mười hai Phương Đẳng tám
Hai mươi hai năm nói Bát Nhã
Pháp Hoa Niết Bàn chỉ tám năm.

Ban đầu khi Phật chứng quả dưới cội bồ đề, trong hai mươi mốt ngày, nói bộ Kinh Hoa Nghiêm. Khi Phật ba mươi mốt tuổi, thì nói Kinh A Hàm khoảng mười hai năm. Bốn mươi ba tuổi thì bắt đầu nói Kinh Phương Đẳng, trong vòng tám năm. Khi Phật năm mươi mốt tuổi, thì bắt đầu nói Kinh Bát Nhã khoảng hai mươi hai năm. Lúc Phật bảy mươi hai tuổi, thì bắt đầu nói Kinh Pháp Hoa. Lúc Phật tám mươi tuổi vào ngày rằm tháng hai, trong một ngày một đêm nói bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn.

Đức Thế Tôn ! Chúng đại Bồ Tát đó, nếu như có người ở trong ngàn vạn ức kiếp tính đếm, cũng chẳng hết được, chẳng biết được bờ mé. Những vị Bồ Tát đó, từ lâu xa đến nay, ở trong vô lượng vô biên chỗ chư Phật, gieo trồng các căn lành, thành tựu đạo bồ đề, thường tu phạm hạnh.
Bồ Tát Di Lặc lại gọi một tiếng Đức Thế Tôn ! Nếu như có người ở trong ngàn vạn ức kiếp, tính đếm số Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, cũng chẳng biết được cứu kính có bao nhiêu vị Bồ Tát. Những vị đại Bồ Tát đó, từ lâu xa đến nay, ở chỗ vô lượng vô biên các Đức Phật, gieo trồng rất nhiều căn lành, cho nên thành tựu Bồ Tát đạo. Các vị đó thường tu phạm hạnh, tức cũng là thanh tịnh hạnh.

Đức Thế Tôn ! Việc như thế, người thế gian khó tin. Ví như có người sắc đẹp tóc đen, mới hai mươi lăm tuổi, mà chỉ người trăm tuổi, nói đó là con ta, người trăm tuổi cũng chỉ người trẻ tuổi đó, nói là cha ta, sinh đẻ nuôi dưỡng chúng ta, việc đó khó tin.
Đại Bồ Tát lại gọi một tiếng Đức Thế Tôn ! Việc như thế, người thế gian không thể tin được. Ví như người mặt mũi xinh đẹp tóc đen, tuổi khoảng hai mươi lăm, chỉ người già trăm tuổi nói : Người này là con của ta sinh ra. Người già trăm tuổi đó nhận là sự thật, bèn chỉ người trẻ đó nói : Người này là cha sinh ra ta, việc như thế làm sao khiến cho người tin ? Thật là khó tin.

Đức Phật cũng như thế, từ khi đắc đạo đến nay chưa được bao lâu, mà các đại chúng Bồ Tát đó, đã ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp, vì Phật đạo mà siêng tu hành tinh tấn, khéo nhập, xuất, trụ, ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức tam muội, được đại thần thông, từ lâu tu phạm hạnh, khéo tu tập các pháp lành theo thứ tự, khéo về vấn đáp, là báu trong loài người, tất cả thế gian rất là ít có.
Đức Phật cũng như thế, giống như người thanh niên chỉ người già. Từ khi Phật thành đạo đến nay, chưa quá hơn bốn mươi năm, những vị đại Bồ Tát đó, đã ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp về trước, vì cầu Phật đạo mà siêng tu hành dũng mãnh tinh tấn, thân cũng tinh tấn, tâm cũng tinh tấn, chẳng giải đãi. Các Ngài khéo nhập định, khéo xuất định, khéo trụ định. Có thể nhập chín thứ lớp định, tức bốn thiền định, bốn không định và diệt thọ tưởng định. Có thể xuất sư tử phấn tấn tam muội, có thể trụ siêu việt tam muội. Đó là nói theo giáo lý của tạng giáo và thông giáo. Nếu nói theo giáo lý của biệt giáo, thì từ sơ địa đến thập địa gọi là khéo nhập. Từ thập địa trở lại bằng con thuyền từ bi, nhập vào tu việc của hàng phàm phu thì đây gọi là khéo xuất. Từ diệu giác viên mãn thì gọi là khéo trụ. Nếu nói theo giáo lý viên giáo thì nhập pháp tánh tam muội gọi là khéo xuất. Vô duyên tam muội gọi là khéo trụ. Đó là chiếu theo tạng, thông, biệt, viên, bốn giáo mà nói về tam muội. Kỳ thật, tam muội có rất nhiều hàng trăm, nghìn, vạn, ức.

Những vị đại Bồ Tát này, đều đắc được đại thần thông, nhậm vận tự tại. Thần thông có lớn nhỏ khác nhau. Đại thần thông là thần thông của Bồ Tát, tiểu thần thông là thần thông của A La Hán, chỉ có mười tám thứ biến hóa. Trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, hoặc trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, hoặc vào đất như vào nước, vào nước như vào đất, có thể đi đứng nằm ngồi ở trong hư không biến hóa mà thôi.
Những vị đại Bồ Tát này, từ lâu xa về trước tu hành pháp môn thanh tịnh hạnh, khéo tu tất cả pháp lành từ cạn vào sâu. Lại khéo léo trả lời những vấn đề. Đó là Bồ Tát ở trong người tôn quý nhất, rất ít có ở trong tất cả thế gian.

Hôm nay, đức Thế Tôn mới nói, khi đắc được Phật đạo, thì đầu tiên khiến cho các Bồ Tát đó phát tâm, giáo hóa chỉ bày, khiến cho họ hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Hiện tại Đức Thế Tôn mới nói, khi chứng được Phật đạo, thì trước hết khiến cho những vị Bồ Tát đó phát bồ đề tâm, giáo hóa chỉ bày dẫn đạo, khiến cho họ đều hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác bồ đề đại đạo.

Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu, mà có thể làm được việc công đức lớn. Tuy chúng con tin đức Phật tùy nghi nói pháp, những lời Phật nói ra chưa từng hư vọng. Những gì Phật biết thảy đều thông đạt, nhưng những vị mới phát tâm Bồ Tát, sau khi Phật diệt độ, nếu họ nghe lời này thì họ chẳng tin nhận, mà khởi tâm hủy báng pháp tạo tội nghiệp.
Đức Thế Tôn ! Ngài thành Phật chưa được bao lâu mà có thể làm được việc công đức lớn đó. Chúng con mọi người tuy nhiên tin pháp của Phật nói, là tùy thuận tâm của chúng sinh mà nói tất cả các pháp. Do đó :

‘’Phật nói tất cả pháp
Vì độ tất cả tâm
Nếu chẳng có tất cả tâm
Đâu dùng tất cả pháp.’’

Lời của Phật nói ra chẳng bao giờ hư vọng. Những gì Phật biết, những gì Phật giác ngộ, đều thông đạt vô ngại. Song chúng con e rằng, tương lai hàng Bồ Tát mới phát tâm, sau khi Phật diệt độ, nếu họ nghe đạo lý này thì họ sẽ chẳng tin. Tại sao ? Vì Bồ Tát mới phát tâm cho rằng, Đức Phật tuổi trẻ không thể độ được Bồ Tát tuổi già. Họ sẽ không tin việc này, bèn sinh tâm hủy báng pháp, tạo tội nghiệp, tương lai sẽ đọa vào ba đường ác, do đó : ‘’Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo.’’

Tuy vậy, xin đức Thế Tôn hãy giải thích nói, để trừ nghi hoặc của chúng con, và các thiện nam tử ở đời vị lai, nghe việc này rồi, cũng không còn nghi hoặc nữa.
Bởi nhân duyên đó, chúng con đại chúng thỉnh cầu Đức Thế Tôn, xin hãy giải thích nói, để giải trừ sự nghi hoặc của đại chúng trong pháp hội. Chẳng những giải trừ sự nghi hoặc của chúng con đại chúng, mà cũng giải trừ sự nghi hoặc của thiện nam tín nữ ở đời vị lai. Họ nghe được việc này rồi, thì họ không còn sinh tâm nghi hoặc nữa.

Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Lúc đó, Bồ Tát Di Lặc muốn tường thuật lại đạo lý này, bèn dùng kệ để nói lại.

Xưa Phật từ dòng thích
Xuất gia gần Già Gia
Ngồi dưới cội bồ đề
Đến nay chẳng bao lâu.
Các Phật tử đó thảy
Số đông không thể lường
Lâu đã tu Phật đạo
Trụ nơi sức thần thông.
Khéo học Bồ Tát đạo
Chẳng nhiễm pháp thế gian
Như hoa sen trong nước
Từ dưới đất mọc lên.
Bồ Tát Di Lặc nói : Đức Phật Thích Ca sinh ra từ dòng dõi Thích Ca, sau đó xuất gia, ngồi dưới cội bồ đề gần thành Già Gia. Ban đêm thấy sao mai mọc mà ngộ đạo thành Phật. Từ khi Đức Thế Tôn thành Phật đến nay, thời gian rất ngắn, không quá hơn bốn mươi năm.

Vô lượng vị Bồ Tát đó, từ dưới đất vọt lên, đều là con của Phật, số đông vô lượng, không thể nào dò lường được. Dù trí huệ của Bồ Tát, cũng chẳng cách chi thấu triệt được cứu kính có bao nhiêu ? Các Ngài từ thuở xa xưa đã tu hành Phật đạo, cho nên có đại thần thông, biến hóa vô cùng.

Các vị Bồ Tát đó, khéo tu tập lục độ vạn hạnh Bồ Tát đạo, chẳng ô nhiễm pháp thế gian. Các vị đó tu pháp thanh tịnh xuất thế, giống như hoa sen ở dưới nước thanh tịnh, ra khỏi bùn mà chẳng nhiễm. Hiện tại, các vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, đến pháp hội Linh Sơn, nghe Phật diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đây là cơ hội ngàn vạn ức kiếp khó gặp được.

Đều khởi tâm cung kính
Trụ ở trước Thế Tôn
Việc đó khó nghĩ bàn
Làm sao khiến người tin ?
Phật đắc đạo gần đây
Mà thành tựu rất nhiều
Xin vì trừ chúng nghi
Như thật phân biệt nói.
Các vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, thảy đều sinh tâm cung kính đối với Phật, trụ ở trước Phật. Việc này thật là không thể nghĩ bàn, làm sao có thể khiến cho người tin ?
Vì sao khiến cho người không tin ? Vì thời gian Phật đắc được đạo rất gần đây, mà thành tựu lại nhiều như thế, giáo hóa vô lượng vô biên chúng Bồ Tát. Hy vọng Đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con đại chúng giải thích nói để trừ tâm nghi hoặc của đại chúng. Khẩn cầu Đức Thế Tôn thật thà phân biệt nói rõ cho chúng con biết.

Ví như người thiếu niên
Tuổi mới hai mươi lăm
Chỉ người già là con
Tóc bạc và mặt nhăn.
Nói họ là ta sinh
Con cũng nói người đó
Chính là cha của ta
Cha trẻ mà con già
Khiến đời không thể tin.
Ví như người thiếu niên, mới khoảng hai mươi lăm tuổi, song lại chỉ người trăm tuổi nói họ là con. Người già đó, tóc thì bạc mặt thì nhăn nhó.
Người thiếu niên đó nói : Người già này là con, do ta sinh ra; người già đó cũng nói : Người thiếu niên này là cha đẻ của ta. Việc cha trẻ mà con già, khiến cho tất cả mọi người thế gian không thể tin được.

Thế Tôn cũng như thế
Đắc đạo chẳng bao lâu
Các Bồ Tát đó thảy
Chí bền chẳng suy nhược.
Vô lượng kiếp đến nay
Luôn hành Bồ Tát đạo
Khéo về nạn vấn đáp
Tâm họ chẳng sợ hãi.
Đức Thế Tôn cũng như thế, từ khi thành Phật đến nay, thời gian chẳng bao lâu, mà có thể giáo hóa Bồ Tát, chí hướng rất vững bền như kim cang, phát thệ nguyện rất rộng lớn như biển cả. Tâm các vị đó chẳng có chút sợ hãi, ý chẳng suy nhược.

Các vị Bồ Tát đó từ vô lượng kiếp đến nay, phát tâm Bồ Tát, hành Bồ Tát đạo, khéo về giải đáp vấn nạn, biện tài vô ngại. Tâm của các vị đó chẳng sợ hãi, chẳng thọ uy hiếp, đều thành tựu bốn vô sở uý, đó là :
1). Tổng trì vô úy.
2). Tri căn vô úy.
3). Quyết nghi vô úy.
4). Đáp nạn vô úy.

Tâm nhẫn nhục quyết định
Đoan chánh có uy đức
Được mười phương Phật khen
Khéo hay phân biệt nói.
Chẳng thích ở trong chúng
Thường thích nhập thiền định
Do vì cầu Phật đạo
Trụ hư không phương dưới.
Các Ngài dùng tâm nhẫn nhục để quyết định, dung mạo của các Ngài rất đoan chánh, đầy đủ ba mươi hai tướng. Uy đức của các Ngài rất trang nghiêm, khiến cho người cung kính. Mười phương chư Phật cũng khen ngợi công đức của các Ngài. Các Ngài khéo phân biệt nói tất cả Phật pháp.
Các vị học Phật pháp, phải dùng Phật pháp mới đắc được lợi ích của pháp. Nếu không, khi cảnh giới đến khảo nghiệm thì hồ đồ. Nếu không nhận thức được cảnh giới, thì sẽ bị cảnh giới chuyển. Do đó có câu :

‘’Tất cả là khảo nghiệm,
Xem bạn làm thế nào ?
Trước mắt chẳng nhận ra,
Phải luyện lại từ đầu.’’

Bất cứ là cảnh giới thuận, hoặc cảnh giới nghịch, bạn không cần chấp trước nó. Nếu tâm không động thì có công phu, đã đến trình độ hỏa hầu.
Cảnh giới thuận là gì ? Tức là có người khen ngợi bạn rằng: Vị pháp sư này giữ gìn giới luật, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi, lại chẳng giữ tiền bạc, ngoài ba y bình bát ra, chẳng có vật gì khác. Bạn nghe những lời khen như thế, trong tâm rất hân hoan, còn ngọt hơn là ăn mật, đó là bị cảnh giới chuyển.

Cảnh giới nghịch là gì ? Tức là có người phỉ báng bạn rằng: Vị pháp sư này ham ăn lười làm chẳng tu hành, ngủ suốt ngày chẳng làm việc, nói một cách khác là nương Phật ăn bám, nương Phật mặc y áo để qua ngày tháng. Bạn nghe rồi, trong tâm rất khó chịu, còn đắng hơn là ăn hoàng liên, đó là bị cảnh giới chuyển.
Chướng ngại lớn nhất của việc tu đạo là chẳng nhận thức được cảnh giới, chẳng có định lực, rất dễ bị cảnh giới chuyển, làm mất đi đạo nghiệp.
Vô lượng đại Bồ Tát từ dưới đất vọt lên chẳng thích ở chỗ náo nhiệt, thích ở nơi yên tĩnh. Các Ngài luôn luôn ở trong thiền định, đắc được cảnh giới khinh an, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn. Vì cầu Phật đạo, cho nên trụ ở phương dưới ở trong hư không.

Chúng con từ Phật nghe
Việc này nên hết nghi
Xin Phật vì vị lai
Diễn nói khiến họ hiểu.
Nếu ở nơi kinh này
Có người nghi không tin
Tức sẽ đọa đường ác
Nay xin Phật giải nói.
Vô lượng Bồ Tát đó
Sao trong thời gian ngắn
Giáo hóa khiến phát tâm
Trụ vào bậc bất thối ?

Bồ Tát Di Lặc lại nói : Chúng con đại chúng nghe Phật nói diệu pháp Kinh Pháp Hoa, lại thấy những vị đại Bồ Tát từ dưới đất vọt lên. Vì được thấy được nghe, cho nên đối với việc này chẳng còn hoài nghi nữa. Xin Đức Phật vì Bồ Tát sơ phát tâm ở đời vị lai, mà diễn nói đạo lý này. Vì tín căn của họ chẳng kiên cố, căn lành chẳng sâu dày.

Nếu như có người đối với Kinh Pháp Hoa không hiểu, mà sinh tâm hoài nghi, chẳng sinh tâm tín ngưỡng, thì tương lai sẽ đọa vào ba đường ác. Xin nguyện Đức Thế Tôn từ bi thương xót chúng sinh ở đời vị lai, mà giải thích nói nhân duyên này.
Vô lượng vô biên Bồ Tát đó, sao trong thời gian ngắn, mà giáo hóa họ phát tâm bồ đề, trụ vào bậc bất thối, hạnh bất thối, niệm bất thối.

Vị bất thối : Tức là bậc tu đạo chẳng thối thất, tức cũng là nhập bậc Bồ Tát, chẳng thối lùi về bậc nhị thừa. Nhập vào bậc thập trụ thì chẳng còn thối lùi bậc sinh tử.

Hạnh bất thối : Đối với hạnh pháp tu chẳng thối thất. Tu sáu pháp Ba la mật, chẳng thối lùi về pháp tứ đế. Nhập vào sơ địa thì hạnh bất thối lợi tha.

Niệm bất thối : Đối với chánh niệm chẳng thối thất. Từ bát địa trở đi được vô công dụng trí, niệm niệm nhập vào biển tánh chân như.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “36. Phẩm Từ Dưới Đất Vọt Lên Thứ Mười Lăm - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com