Mục Lục

Trong núi sông hang hiểm
Tiếng ca lăng tần già
Cộng mệnh các thứ chim
Đều nghe rõ các tiếng.
Ở trong núi sông hang cốc, có tiếng của chim ca lăng tần già, tiếng hót rất là êm tai, còn gọi là tiên điểu (tiên của loài chim) phát ra âm thanh rất hay, chẳng phải một số người có thể nghe được. Chim cộng mệnh có hai cái đầu, hai cái mỏ, đồng thời ăn uống, đồng thời hót. Tất cả tiếng hót của mọi loài chim, vị pháp sư đó hoàn toàn nghe được hết.

Các thống khổ địa ngục
Đủ thứ tiếng rên la
Quỷ đói khát bức bách
Tiếng tìm cầu ăn uống.

Địa ngục có địa ngục bát nhiệt, địa ngục bát hàn, mười tám địa ngục .v.v... Trong địa ngục đủ thứ tiếng khổ sở, vị pháp sư đó đều nghe được. Tiếng ngạ quỷ đói khát bức bách, tiếng đi khắp nơi tìm cầu ăn uống, vị pháp sư đó đều nghe được. Ngạ quỷ vì nghiệp lực chiêu cảm, cổ nhỏ như kim, bụng to như trống, chẳng khi nào ăn no. Tại sao ? Vì thức ăn vào miệng, thì biến thành lửa than, thấy nước là máu, chẳng uống đặng, cho nên gọi là ngạ quỷ (quỷ đói). Nguyên nhân gì mà làm quỷ đói ? 

Vì người đó lúc còn sống, phỉ báng Tam Bảo, phá hoại Tam Bảo, cho nên chết rồi đọa làm quỷ đói. Tôn giả Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất. Một ngày nọ, Ngài đi tìm mẹ của Ngài sau khi chết sinh về đâu ? Thì phát hiện mẹ của Ngài đọa làm ngạ quỷ, thân gầy như cây củi, rất đáng thương xót. Tôn giả mới mang bát cơm đến cho mẹ của Ngài dùng, bất hạnh cơm lại biến thành lửa than, chẳng cách chi nuốt xuống được. Tôn giả thấy như vậy đau đớn rơi lệ, đến hỏi Đức Phật : ‘’Đó là nhân duyên gì ?‘’ Phật bảo rằng : ‘’Vì mẹ của ông lúc còng sống, thì chẳng những chẳng tin Phật pháp, mà còn hủy báng, cho nên phải thọ khổ treo ngược.’’ Phật lại nói : ‘’Vào ngày rằm tháng bảy, ngày chư Tăng tự tứ, ông nên sắm trăm thứ vật để cúng dường chư Tăng, thỉnh chư Tăng tụng kinh trì chú. Nhờ công đức đó, chẳng những mẹ của ông được cứu, mà cha mẹ bảy đời quá khứ cũng được cứu.’’ Do đó, hàng năm mỗi chùa đều cử hành lễ Vu Lan (dịch là giải đảo huyền, mở trói treo ngược), siêu độ cha mẹ bảy đời, lìa khổ được vui.

Các A tu la thảy
Ở ven cạnh bờ biển
Khi chúng cùng nhau nói
Vang ra âm thanh lớn.
Hết thảy A tu la, tính nóng giận rất lớn, chẳng có công phu hàm dưỡng; cho nên thích đấu tranh. Chúng ở ven cạnh bờ biển, khi cùng nhau nói chuyện, thì phát ra âm thanh rất lớn. Vì chẳng có tâm từ bi, chỉ có tâm cừu hận.

Người giải nói kinh này
An trụ vào nơi nghe
Nghe xa các tiếng đó
Mà chẳng hư căn tai.
Vị pháp sư giải nói Kinh Pháp Hoa, an trụ nơi từ bi, hay nghe được tất cả các thứ tiếng rất xa, mà chẳng hư căn tai, vì nhờ công đức thuyết pháp gia trì.

Trong mười phương thế giới
Tiếng cầm thú kêu la
Người đó hay nói pháp
Hoàn toàn nghe được hết.
Trong mười phương tất cả thế giới, hết thảy loài phi cầm, và tẩu thú tranh nhau kêu la, vị pháp sư đó nói pháp, đều hoàn toàn nghe được hết mọi thứ tiếng rất rõ ràng.

Trên các trời Phạm Thiên
Quang Âm và Biến Tịnh
Cho đến trời Hữu Đỉnh
Lời nói và âm thanh.
Pháp sư ở tại đây
Thảy đều nghe được hết.
Sắc giới trời Đại Phạm, đã lìa khỏi tâm dâm dục của dục giới, ở đó rất yên tĩnh lại thanh tịnh. Thiên chủ tên Thi Khí tin sâu chánh pháp. Mỗi khi có Phật ra đời, thì ông ta đầu tiên đến thỉnh Phật chuyển bánh xe pháp. Bà la môn giáo sùng bái trời Phạm Thiên, cho rằng Bà la môn là từ miệng của trời Phạm Thiên sinh ra, là người tôn quý nhất, xưng là quý tộc. Sát đế lợi (vua chúa) là từ vai của trời Phạm Thiên sinh ra, cho nên thống trị nhân dân toàn quốc. Phệ xá (công thương nông) là từ ngực của trời Phạm Thiên sinh ra, hay sinh sản tất cả vật ứng dụng. Thủ đà (nô lệ) là người hạ tiện nhất, xưng là tiện tộc, chẳng có tự do tín ngưỡng tôn giáo, chẳng có quyền lực về chính trị, giáo dục, kinh tế, đối đãi đều bất bình đẳng.

Trời Quang Âm là trời thứ ba của nhị thiền, cõi trời này chẳng những thân tâm phóng quang thay thế cho lời nói, mà còn phóng trí huệ quang để giáo hóa chúng sinh. Truyền thuyết nói rằng, tổ tiên của địa cầu là từ Trời Quang Âm đến. Người ở cõi này thích đi du hành, đến khắp nơi tham quan. Một lần nọ, đến quả địa cầu (thời kiếp thành) phát hiện một thứ nước như sữa bò rất ngon ngọt thơm mát, giống như nước cam lồ. Nhất thời, khởi tâm tham mà uống quá lượng, do đó mà mất đi thần túc thông, không thể trở về trời Quang Âm, bèn ở lại quả địa cầu trở thành tổ tiên của nhân loại.

Trời Biến Tịnh là trời thứ ba của tam thiền. Cõi trời này, đã đắc được khoái lạc phổ biến thanh tịnh, tuy nhiên diệu lạc vô cùng nhưng là sự vui hữu lậu. Một số hành giả cho rằng đó là nơi an thân lập mạng, tham đồ khoái lạc, mà quên đi ngôi nhà thanh tịnh, dễ bị đọa lạc. Người chân chánh tu hành thì chẳng ở cõi trời này hưởng thụ, cấp tốc ra khỏi cõi trời này đến trời tứ thiền.

Đến cõi Trời Hữu Đỉnh có hai lối, một là con đường chánh : Người tu định vô lậu thì có thể chẳng đến Trời Quảng Quả mà tiến vào Trời Ngũ Bất Hoàn. Một lối nữa là đường tà : Người tu định vô tưởng thì có thể đến Trời Vô Tưởng (Trời Trường Thọ), đây là chỗ của ngoại đạo ở, chẳng phải là chỗ cứu kính. Tạm thời tịch nhiên bất động, khi định lực nhiếp trì chẳng đủ, thì tự nhiên sẽ đọa vào trong luân hồi thọ sinh tử. Giống như đạo lý "đá đè cỏ, băng phủ lên cá".

Chư Phật đấng Đại Thánh
Giáo hóa các chúng sinh
Ở trong các đại hội
Diễn nói vi diệu pháp.
Người trì Kinh Pháp Hoa
Hoàn toàn đều nghe được.
Mười phương chư Phật là đấng Đại Thánh, giáo hóa tất cả chúng sinh. Ở trong tất cả pháp hội diễn nói vi diệu pháp, vì thật thí quyền, khai quyền hiển thật. Vị pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đều hoàn toàn nghe được.

Ba ngàn đại thiên giới
Trong ngoài các thứ tiếng
Dưới đến ngục A Tỳ
Trên đến trời Hữu Đỉnh
Đều nghe được tiếng đó
Mà chẳng hư căn tai.
Trong ba ngàn đại thiên thế giới trong và ngoài, hết thảy tất cả thứ tiếng, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh. Vị pháp sư đó, đều nghe được các thứ tiếng đó, mà chẳng hư hoại căn tai.

Vì căn tai thông lợi
Đều phân biệt biết được
Người trì Pháp Hoa này
Tuy chưa được thiên nhĩ
Dùng tai cha mẹ sinh
Công đức đã như thế.
Vì căn tai của vị pháp sư đó rất thông lợi, cho nên phân biệt biết được. Vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, tuy chưa chứng được thiên nhãn thông, nhưng dùng tai thịt cha mẹ sinh ra, có thể nghe được tất cả thứ tiếng. Tại sao ? Do công đức thọ trì Kinh Pháp Hoa.
Ngũ nhãn là: Nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Do đó có câu :

‘’Thiên nhãn thông phi ngại,
Nhục nhãn ngại phi thông,
Pháp nhãn duy quán tục,
Huệ nhãn liễu chân không,
Phật nhãn như thiên nhật,
Chiếu dị thể hoàn đồng,
Viên minh pháp giới nội,
Vô xứ bất hàm dung.’’

Trời Hữu Đỉnh là vô sắc giới, cõi trời cao nhất, tức cũng là Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Lúc Đức Phật tu ở tại núi Tuyết, thì vị thầy hướng dẫn Ngài tu, tu đến cảnh giới cõi trời này, Phật nhận rằng chẳng phải là pháp thoát khỏi sinh tử, bèn bỏ ông ta ra đi. Tự mình tu khổ hạnh sáu năm, vẫn chẳng đắc được pháp liễu sinh thoát tử, do đó bỏ tu khổ hạnh đến dưới cội bồ đề, tĩnh tọa tư duy, đến đêm thứ bốn mươi chín, Ngài nhìn thấy sao mai mọc mà ngộ đạo, chứng được lý mười hai nhân duyên, là bánh xe của sinh mạng.
Lời nói âm thanh của chư thiên, vị pháp sư ở tại đây hoàn toàn nghe được, thậm chí vị trời nói tiếng gì cũng phân biệt được rõ ràng.

Tất cả chúng Tỳ Kheo
Và chúng Tỳ Kheo ni
Hoặc đọc tụng kinh điển
Hoặc vì người khác nói.
Pháp sư ở tại đây
Hoàn toàn đều nghe được.
Tất cả Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni xuất gia, hoặc đọc tụng kinh điển, hoặc cung kính biên chép kinh điển. Vị pháp sư đó ở nơi đây, đều hoàn toàn nghe được họ tu trì pháp môn đó.

Lại có các Bồ Tát
Đọc tụng kinh pháp này
Hoặc vì người khác nói
Tuyển tập giải nghĩa kinh.
Các âm thanh như thế
Hoàn toàn đều nghe được.
Lại có tất cả Bồ Tát, hoặc đọc kinh này, hoặc tụng kinh này, hoặc vì người khác giải nói kinh này, hoặc tuyển chọn kinh này, hoặc tập giải nghĩa của kinh này. Các thứ âm thanh như thế, vị pháp sư đó hoàn toàn đều nghe được rất rõ ràng.
Tai cũng có căn tai. Vị pháp sư đó dùng tai thường của cha mẹ sinh ra. Vì giải nói Kinh Pháp Hoa có công đức, chẳng những nghe được tất cả các thứ tiếng, mà còn biết được tất cả các thứ tiếng.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc tụng giải nói, hoặc biên chép, thì thành tựu tám trăm công đức nơi mũi. Dùng căn mũi thanh tịnh đó, ngửi được các thứ mùi hương trong ngoài, trên dưới trong ba ngàn đại thiên thế giới.
Đức Phật gọi một tiếng Bồ Tát Thường Tinh Tấn ! Nếu như có người thiện nam, người thiên nữ, thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dù là đọc, là tụng, là giải nói, là biên chép, đều thành tựu tám trăm công đức nơi mũi. Dùng căn mũi thanh tịnh này, có thể ngửi được tất cả mùi hương trên dưới, trong ngoài ba ngàn đại thiên thế giới.

Hương thơm của hoa tu mạn na, hương thơm hoa xà đề, hương thơm hoa mặc lợi, hương thơm hoa thiềm bặc, hương thơm hoa ba la la, hương thơm hoa sen đỏ, hương thơm hoa sen xanh, hương thơm hoa sen trắng, hương thơm cây có hoa, hương thơm cây có quả, hương chiên đàn, hương trầm thủy, hương đa ma la bạt, hương đa già la, và hàng ngàn vạn thứ hương hòa hợp, hoặc hương bột, hoặc hương viên tròn, hoặc hương xoa. Người trì kinh này, trụ ở nơi này, đều phân biệt được.

Hương thơm hoa tu mạn na, dịch là "hoa duyệt ý". Hoa này vừa thơm lại vừa đẹp, hình sắc rất là mỹ lệ, khiến cho tâm người hoan hỷ thích thú, cho nên được tên này. Lại có mùi hương của hoa xà đề, dịch là "hoa kim tiền", hoa này màu vàng như là tiền vàng, cho nên được tên này. Lại có mùi hương của hoa mặc lợi, dịch là "hoa tóc mượt", hoa này có thể chế biến thành hoa tóc mang trên thân, dùng để trang nghiêm. Hiện tại còn lưu hành ở vườn hoa, để tặng cho khách, biểu thị sự hoan nghênh; tặng cho người chết là biểu thị phúng điếu. Lại có mùi hương hoa thiềm bặc, dịch là "hoa kim sắc", hoa nhỏ mà thơm, theo gió bay đi xa mà hương thơm chẳng tan. Lại có mùi hương ba la la, dịch là "hoa trọng sinh", vì loài hoa này khi nở qua một lần rồi, thì lại nở qua một lần nữa, cho nên được tên này. Mùi hương hoa sen đỏ tức là hoa ba đầu ma. Mùi hương hoa sen xanh tức là hoa ưu bát la. Mùi hương hoa sen trắng tức là hoa phân đà lợi. Mùi hương của cây có hoa, mùi hương của cây có quả. Lại có mùi hương của ngưu đầu chiên đàn, mọc ở núi Ngưu Đầu bên Ấn Độ, cho nên được tên này. Mùi hương như xạ hương, cách bốn mươi dặm mà có thể ngửi được mùi hương. Tính của nó rất mát mẻ, có thể trị bệnh, dùng làm thuốc. Lại có mùi hương trầm thủy chiên đàn, vì chất cây cứng mà nặng như sắc thuộc về kim loại, bỏ vào trong nước thì lập tức chìm xuống, cho nên được tên này. Lại có mùi hương Đa ma la bạt, dịch là "hoắc hương", rất thơm có thể dùng làm thuốc. Lại có mùi hương Đa già la, dịch là "căn hương", rễ của nó rất thơm lạ thường, tụ lâu chẳng tan. Và hàng ngàn vạn mùi hương hòa hợp, hoặc là hương bột, hoặc hương viên tròn, hoặc hương xoa. Vị pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đều hoàn toàn ngửi được và phân biệt được là mùi hương gì.
Lại phân biệt biết được mùi hương của chúng sinh, mùi hương của voi, mùi hương của ngựa, mùi hương của bò dê, mùi hương của con trai, mùi hương của con gái, mùi hương của đồng tử, mùi hương của đồng nữ và mùi hương của cỏ cây lùm rừng, hết thảy các mùi hương, hoặc gần hoặc xa, đều ngửi được, phân biệt chẳng sai lầm.

Lại có thể phân biệt biết được tất cả mùi hương của chúng sinh. Như mùi hương của voi, mùi hương của ngựa, mùi hương của bò, mùi hương của dê. Mùi hương của con trai, mùi hương của con gái, mùi hương của đồng tử, mùi hương của đồng nữ. Và mùi hương của cỏ, mùi hương của cây, mùi hương của lùm rừng. Bất cứ là gần hay xa, hết thảy tất cả các mùi hương đều hoàn toàn ngửi được, phân biệt được là mùi hương gì chẳng có sai lầm.

Người trì kinh này, tuy ở nơi đây, mà cũng ngửi được mùi hương của chư Thiên ở trên trời, mùi hương cây ba lợi chất đa la, mùi hương cây câu tì đà la, và mùi hương hoa mạn đà la, mùi hương hoa ma ha mạn đà la, mùi hương hoa mạn thù sa, mùi hương hoa ma ha mạn thù sa, các thứ hương bột chiên đàn trầm thủy, các thứ hương của các loại hoa. Các mùi hương trời hòa hợp tỏa ra như thế, chẳng có mùi hương nào mà chẳng ngửi biết được.
Pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tuy nhiên ở tại nhân gian, nhưng cũng ngửi được mùi hương của chư Thiên. Mùi hương cây ba lợi chất đa la, dịch là "thiên thụ vương". Ở ngoài thành Hỷ Kiến trời Đao Lợi, các thiên chúng nghỉ ở dưới cây này, vì mùi hương thơm ngát mũi, có công hiệu mát mẻ cho phổi. Mùi hương cây câu tì đà la, dịch là "cây đại du hí", chư thiên chúng du hí vui đùa ở dưới cây này. Lại có mùi hương hoa mạn đà la, dịch là "hoa tiểu bạch". Lại có mùi hương hoa ma ha mạn đà la, dịch là "hoa đại bạch". Lại có mùi hương hoa mạn thù sa, dịch là "hoa tiểu hồng". Lại có mùi hương hoa ma ha mạn thù sa, dịch là "hoa đại hồng". Lại có mùi hương ngưu đầu chiên đàn, lại có mùi hương trầm thủy chiên đàn, đủ thứ các hương bột, đủ thứ mùi hương của các loài hoa. Các thứ hương trời đó hòa hợp lại, tỏa ra mùi hương. Vị pháp sư đó, chẳng có mùi hương nào mà chẳng ngửi biết được là mùi hương gì.

Lại ngửi được mùi hương thân của chư Thiên, mùi hương khi Thích Đề Hoàn Nhân ở trong Thắng Điện, đùa giỡn vui chơi hưởng thụ năm dục, hoặc mùi hương khi ở trong Diệu Pháp Đường, vì chư Thiên trời Đao Lợi thuyết pháp, hoặc mùi hương khi ở trong vườn dạo chơi, và mùi hương người nam, người nữ, của các vị trời khác, thảy đều ngửi biết được.

Vị pháp sư thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, lại ngửi được mùi hương thân của chư thiên. Chư thiên vì trì giới rất tinh nghiêm, tơ hào chẳng phạm, cho nên thân tỏa ra mùi hương. Chúng ta người xuất gia tu đạo, nhất định phải giữ gìn giới luật, thì thân thể tự nhiên sẽ tỏa hương thơm, bằng không thì sẽ tỏa ra mùi hôi. Mùi hương đại biểu cho điều thiện, mùi hôi đại biểu cho điều ác. Muốn biết người nào đó có giữ giới không, ngửi mùi thân của họ thì sẽ biết. Nếu làm việc thiện nhiều thì thơm, còn nếu làm việc ác nhiều thì hôi, tơ hào chẳng sai lầm. Phàm là người thân thể hôi thì phải mau giữ giới, làm nhiều công đức, từ từ thân sẽ biến thành thơm, tuyệt đối chẳng dọa người. Trong quá khứ, có vị Tỳ Kheo Ni tụng đọc chẳng biết bao nhiêu bộ Kinh Pháp Hoa, về sau miệng của vị đó tỏa ra hương thơm. Đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Tóm lại, kiếp trước là người tu hành thì đời này thân thể chẳng có mùi hôi.

Thích Đề Hoàn Nhân là thiên chúa trên cõi trời Đao Lợi, ông ta quản hạt trời Tam Thập Tam. Mùi hương khi vui chơi đùa giỡn hưởng thụ năm dục ở tại Thắng Điện, hoặc mùi hương khi vì chư thiên nói pháp ở tại Diệu Pháp Đường, hoặc mùi hương khi dạo chơi ở trong tất cả vườn hoa, hoặc mùi hương của tất cả người nam người nữ chư thiên khác. Vị pháp sư đó, đều ngửi được các mùi hương đó, và còn phân biệt biết được là mùi hương gì.

Chúng sinh ở cõi dục giới đều có tâm dâm dục, dù lục dục thiên cũng thế, bất quá tâm dâm dục giảm bớt hơn ở nhân gian mà thôi. Khi đến cõi sắc giới thì chẳng còn ăn và dâm hai thứ. Cho nên, sắc giới tuy có hình thể mà chẳng có phân biệt nam nữ, nhưng vẫn có dục niệm về vật chất, cho nên vẫn có lầu gác cung điện. Khi đến cõi vô sắc giới thì chẳng những chẳng có ăn uống và dâm dục, tức là hình thể cũng chẳng có, chỉ có tâm thức mà thôi. Do đó, có thể chứng minh người tu đạo nhất định phải đoạn dục khử ái, mới có thể ra khỏi tam giới. Chư thiên chưa đoạn dục niệm, cho nên vẫn còn sinh tử.


Như thế, lần lượt đến trời Đại Phạm. Trên đến trời Hữu Đỉnh, mùi hương nơi thân của chư thiên cũng đều ngửi được, mùi hương đốt của chư thiên, và mùi hương của Thanh Văn, mùi hương của Bích Chi Phật, mùi hương của Bồ Tát, mùi hương thân của chư Phật, cũng đều ngửi được, và biết ở đâu. Tuy ngửi được những mùi hương đó, mà căn mũi chẳng hư, chẳng sai lầm. Nếu muốn phân biệt giải nói cho người khác, thì nhớ nghĩ chẳng quên.

Lần lượt như thế, đến sắc giới trời Đại Phạm, trên đến trời Hữu Đỉnh, mùi hương nơi thân của chư thiên cũng ngửi được. Chẳng những ngửi được, mà còn phân biệt được rất rõ ràng. Và cũng ngửi được mùi hương xông đốt của chư thiên. Và mùi hương đốt của Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật. Bậc Thanh Văn đốt hương Tứ Diệu Đế, Bích Chi Phật đốt hương mười hai nhân duyên, Bồ Tát đốt hương lục độ vạn hạnh, chư Phật đốt hương giải thoát bồ đề. Những mùi hương đó, tuy ở xa (cõi Thường Tịch Quang), nhưng pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, đều ngửi được mùi hương của bốn bậc Thánh vừa nói ở trên, và cũng biết được mùi hương đó ở đâu. Tuy ngửi được mùi hương đó, cũng chẳng tổn hại căn mũi, cũng chẳng phán đoán sai lầm. Nếu như đem cảnh giới của mình thấy, phân biệt vì người khác nói, thì sẽ nhớ chẳng quên, nhớ rõ ràng ở trong đầu óc, chẳng có sai lầm.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “44. Phẩm Công Đức Pháp Sư Thứ Mười Chín - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com