Mục Lục

Dược là thuốc trị bệnh, thảo là thảo mộc (cỏ), cũng dụ cho chúng sinh thế tục. Nếu có bệnh thì giáo pháp của Như Lai là thuốc, quán sát căn cơ nói pháp, tùy theo bệnh mà cho thuốc. Cần phảicó căn cơ và giáo pháp tương ưng, thì thuốc chữa trị mới hay. Cho nên phẩm nầy, Đức Phật dùng cỏ thuốc làm ví dụ, chữa trị bệnh thân và tâm của chúng sinh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ngài Ma Ha Ca Diếp, và các vị đại đệ tử : Lành thay, lành thay ! Ca Diếp khéo nói công đứcchân thật của Như Lai, đúng như lời các ông vừa nói. Như Lai còn có vô lượng vô biên A tăng kỳ công đức, dù các ôngtrải qua vô lượng ức kiếp, nói cũng không hết được.
Lúc đó, Đức Phật bảo Ngài Ca Diếp và các vị đệ tử trong pháp hội : Lành thay, lành thay ! Ca Diếp nói thật là hay, ông thật lãnh hội được tâm ý của Như Lai, pháp của Như Lai nói, đạo lý của ông nói, tơ hào chẳng sai. Như Lai chẳng có bờ mé, A tăng kỳ, vô lượng số mà công đức của Phật cũng vô lương vô biên. Dù các ông có trải qua vô lượng ức kiếp, nói cũng chẳng bao giờ hết được, các ông hằng ngày giảng nói, cũng không nói hết được công đức nầy.

Ca Diếp nên biết ! Như Lai là vua của các pháp, nếu có nói ra lời gì, đều không hư vọng, trong tất cả các pháp, Phật đều dùng trí huệ phương tiện mà diễn nói, pháp của Phật nói ra, thảy đều đến nơi Nhất thiết trí.
Ca Diếp ông nên biết, Như Lai là vua của tất cả các pháp, pháp của Như Lai nói, đều là pháp chân thật không hư. Tất cả pháp bao quát đại thừa, nhị thừa, và tam thừa. Đại thừa là Phật thừa, nhị thừa là Thanh Văn Duyên Giác thừa, tam thừa là Bồ Tát thừa. Như Lai đều khéo léo, dùng phương tiện diễn nói diệu pháp, đều dùng (trí huệ) Bát nhã ba la mật đa, Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí để nói pháp.

Như Lai quán sát, biết được chỗ quy về của tất cả các pháp, cũng biết được tâm lý trong thâm tâm của tất cả chúng sinh, thông đạt vô ngại, và thấu rõ rốt ráo hết các pháp, mở bày Nhất thiết trí huệ cho chúng sinh.
Phật có ba thân, bốn trí, năm nhãn, sáu thông. Ba thân là :

Pháp thân
Hóa thân
Báo thân.

Bốn trí là :

Đại viên cảnh trí
Diệu quán sát trí
Bình đẳng tính trí
Thành sở tác trí.

Năm nhãn là :

1. Phật nhãn
2. Pháp nhãn

3. Huệ nhãn

4. Thiên nhãn
5. Nhục nhãn.

Sáu thông là :

1. Thiên nhãn thông
2. Thiên nhĩ thông
3. Tha tâm thông
4. Túc mạng thông
5. Thần túc thông
6. Lậu tận thông.

Như Lai dùng trí huệ quán sát, mà biết được tất cả các pháp. Pháp có tám muôn bốn ngàn thứ, nếu dùng mỗi một pháp để nói, thì phí thời gian lâu dài, cho nên nói tất cả các pháp. Các pháp quy về đâu ? Phật nói tất cả các pháp chẳng lìa tất cả tâm, tất cả pháp sinh ra, cũng vì sở hiện của tâm vậy, do đó, Phật mới biết được tâm lý của tất cả chúng sinh. Như trong Kinh Kim Cang có nói:

‘’Chúng sinh có bao nhiêu thứ tâm,
Như Lai đều biết đều thấy‘’.

Chúng sinh khởi tâm động niệm, Phật đều thấy rõ như chỉ bàn tay, chẳng có gì mà không biết, chẳng có gì mà không thấy, thông đạt vô ngại, mới có thể mở bày Nhất thiết trí huệ cho tất cả chúng sinh.

Ca Diếp ! Ví như núi sông, khe suối, đất đai, trong ba ngàn đại thiên thế giới, sinh ra cây cối lùm rừng, và các cỏ thuốc, bao nhiêu thứ, loại, tên gọi, màu sắc, đều khác nhau. Mây dày phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới, đồng thời đều mưa xuống như nhau, thấm nhuần hết thảy cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc. Cây nhỏ rễ nhỏ, nhánh nhỏ lá nhỏ; cây vừa rễ vừa, nhánh vừa lá vừa; cây lớn rễ lớn, nhánh lớn lá lớn. Các cây lớn nhỏ, tùy theo sự lớn, vừa, nhỏ, mà hấp thụ khác nhau. Một đám mây mưa xuống, mà tùy theo giống loại cây cỏ, mà được sinh trưởng, đơm hoa kết trái, tuy là một mảnh đất sinh ra, một trận mưa thấm nhuần, mà các cây cỏ mỗi thứ, đều có sự khác nhau.
Ca Diếp ! Ví như ba ngàn đại thiên thế giới, một mặt trời mặt trăng, một núi Tu Di, một bốn châu thiên hạ, cộng lại làm một thế giới. Một ngàn mặt trời mặt trăng, một ngàn núi Tu Di, và một ngàn bốn thiên hạlàm một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới, làm một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới, làm một đại thiên thế giới, vì ba lần một ngàn, cho nên gọi là ba ngàn đại thiên thế giới.

Ở trong sơn, hà, đại địa, khe suối, sinh ra các thứ cây cối, hoa, cỏ, lùm rừng, đều có tên gọi và màu sắc khác nhau. Trên bầu trời phủ đầy mây dày đặc, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới đều như nhau, mưa xuống cũng đều như nhau. Tất cả thân, rễ, cành, lá, của cây cối hoa cỏ, đều tùy theo giống loại lớn, vừa, nhỏ, mà hấp thụ lượng nước khác nhau. Thân rễ cành lá lớn, thì hấp thụ nhiều, thân rễ cành lá vừa, thì hấp thụ ít hơn, thân rễ cành lá nhỏ, thì hấp thụ càng ít hơn. Đây cũng là phẩm ví dụ phân biệtlớn, vừa, nhỏ. Tất cả cây cỏ vốn từ một mảnh đất sinh ra lớn lên, mà mưa xuống cũng một lượng nước giống nhau, song vì thân rễ cây lớn, cây vừa, cây nhỏ, nên sức hấp thụ lượng nước đều khác nhau. Song, vẫn lớn lên đơm hoa kết quả như nhau. Đó là Phật ví dụ căn cơ của chúng sinh, tất cả cây cối hoa cỏ lùm rừng, có phân ra lớn, vừa và nhỏ.

Ca Diếp nên biết ! Như Lai cũng lại như thế, xuất hiện ra đời như vầng mây lớn, dùng âm thanhlớn, vang khắp thế giới trời, người, A tu la. Như vầng mây lớn kia, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới, ở trong đại chúng mà xướng lời nầy : Ta là Như Lai, ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Người chưa được độ, thì khiến cho được độ, người chưa hiểu, thì khiến cho được hiểu, người chưa an, thì khiến cho được an, người chưa được Niết bàn, thì khiến cho được Niết bàn. Đời nầy đời sau, Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc Nhất thiết trí, bậc thấy tất cả, bậc biết đạo, bậc khai mở đạo, bậc thuyết đạo. Các ông : Trời, người, A tu la, đều nên đến đây để nghe pháp.
Ca Diếp ! Ông nên biết, Như Lai cũng như thế. Ta xuất hiện ra đời giống như vầng mây lớn hiện ra đời, vì đại sự nhân duyên giáo hóa chúng sinh, mới xuất hiện ra đời. Do đó, dùng tiếng pháp âm lớn nhất vang khắp, nói với thế gian trời, người, A tu la, pháp của ta nói như vầng mây lớn, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới, ở trước mọi người nói : Ta là Như Lai.

Tại sao Phật vẫn còn có cái ‘’Ta‘’? Kỳ thật, nếu minh bạch được ‘’Như Lai‘’ thì chẳng có cái ‘’ta‘’; Như Laitức là ngồi đạo như thật, lai thành chánh giác. Ví như lúc giảng Kinh, người thông minh thì nhớ nhiều nhất, người trung bình thì nhớ ít hơn một chút, người ngu si thì nhớ rất ít. Cũng như trời mưa xuống, tùy theo cây cối hoa cỏ lớn nhỏ khác nhau, nên hấp thụ lượng nước cũng khác nhau. Đồng lý ấy, bậc trí huệ cao thì được huệ nhiều một chút, kẻ trí huệ ít thì được ít huệ. Mọi người đều đang nghe Kinh, song trình độ hiểu biết đạo lý chẳng giống nhau. Có người nghe rồi, thì biết những cây cối hoa cỏ nầy là ví dụ cho người, hoặc có người biết mưa xuống hoặc mây dày phủ giăng, là chỉ Phật đang nói pháp. Nếu chẳng hiểu thì sẽ nói : ‘’Tôi chẳng hiểu chút nào, sao cứ nói nào là cây cối hoa cỏ‘’ ! Nếu biết mình một chút cũng chẳng minh bạch, tức là có một sự biết mình chẳng minh bạch, tức cũng là đang bắt đầu đi trên con đường minh bạch. Nhất là người chưa nghe qua Phật pháp, khi nghe lần đầu tiên, thì chắt chắn chẳng hiểu. Song, nếu biết mình không minh bạch, đó là đã minh bạch một chút. Hôm nay một chút, ngày mai một chút, từng chút từng chút tích lũy dần dần, sẽ tụ ít thành nhiều.

‘’Như Lai‘’ còn có mười ý nghĩa khác :
1. Ứng Cúng: Đáng tiếp nhận sự cúng dường.
2. Chánh Biến Tri: Biết vạn pháp duy tâm là chánh tri, biết tâm sinh vạn pháp là biến tri.
3. Minh Hạnh Túc: Có trí huệ quang minh, tu hành đến quả vị viên mãn.
4. Thiện Thệ: Đã đi đến nơi tốt lành.
5. Thế Gian Giải: Trên thế gian chẳng có ai hiểu biết hơn Ngài.
6. Vô Thượng Sĩ: Chẳng có ai cao hơn Ngài.
7. Điều Ngự Trượng Phu: Bậc đại trượng phu điều phục và chế ngự được tất cả chúng sinh.
8. Thiên nhân sư: Thầy của chư thiên và loài người.
9. Phật.
10. Thế Tôn: Là bậc tôn kính ở thế gian và xuất thế gian.

Cho nên, Phật có đủ thứ nhân duyên công đức, hay khiến cho người chưa được độ thì được độ, độ họ đến chỗ chẳng còn thị phi tốt xấu, thiện ác sinh tử. Đồng thời cũng khiến cho người không an lạc thì được an lạc, khiến cho người chưa được Niết Bàn thì được: Thường, lạc, ngã, tịnh, vui tịch diệt. Đối với đời này, đời sau và tất cả, ta đều thấu rõ biết được chân thật, thấy được, mà còn biết khai ngộ tu đạo, giảng kinh thuyết pháp, khai diễn đủ thứ pháp môn tu hành. Các ông trời, người, A tu la đều nên đến đây để nghe kinh nghe pháp.
Đồng lý ấy, tại pháp hội nghe kinh nầy, ngoài các vị ra, còn có thiên long bát bộ. Nếu bạn đã khai mở ngũ nhãn lục thông thì sẽ nhìn thấy rất rõ ràng.

Bấy giờ, có vô số ngàn vạn ức loại chúng sinh, đều đến chỗ đức Phật để nghe pháp. Lúc đó, đức Như Lai quán sát các căn lợi độn, tinh tấn, hay giải đãi, của các chúng sinh đó. Tùy theo sự kham nhận của họ, mà vì họ nói pháp, đủ thứ vô lượng, đều khiến cho họ vui mừng, mau được lợi lành. Các chúng sinh đó, nghe pháp đó rồi, hiện đời được yên ổn, đời sau sinh vào chỗ tốt lành, được thọ hưởng niềm vui trong đạo, cũng được nghe pháp. Nghe pháp rồi, lìa được các chướng ngại, ở trong các pháp, tùy theo sức của mình kham được, dần dần được vào đạo.
Lúc đó, có vô số ngàn vạn ức loài chúng sinh, đến pháp hội nầy, nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đức Như Lai quán sát tỉ mỉ nhân duyên của chúng sinh, biết họ có rất nhiều căn cơ, có người lợi căn rất thông minh, cũng có những người ngu si ám độn, có những người dũng mãnh tinh tấn, cũng có người lười biếng giải đãi. Do đó, Phật vì người tinh tấn nói pháp tinh tấn, vì người giải đãi nói pháp giải đãi, khiến cho họ nỗ lực tiến tới, tùy thuận căn tính của họ, đáng tiếp thọ pháp gì thì nói pháp đó, nếu khôngthể tiếp thọ thì chẳng vì họ nói pháp nầy. Cho nên, ban đầu Phật chẳng nói thật pháp, chỉ nói quyền pháp, dùng đủ thứ vô lượng pháp môn, vì vô lượng loài chúng sinh mà nói, mục đích khiến cho chúng sinh vui mừng tin nhận thọ trì. Do sự thích nghe pháp, mà dần dần sẽ đi trên con đường của Phật tu học, sẽ nhanh chóng đắc được lợi ích. Chúng sinh nghe pháp rồi, hiện đời được yên ổn, đời sau được sinh về cõi trời, hoặc sinh vào chỗ giàu sang ở nhân gian, đời đời kiếp kiếp có thể nghe pháp. Tu Phậtđạo đắc được đủ thứ khoái lạc, cũng chỉ có nghe Phật pháp mới thấu rõ lý, mới lìa được đủ thứ phiền não chướng ngại. Như vậy, rất dễ dàng tùy sức của mỗi người mà vào đạo. ‘’Đạo‘’ là giai đoạn khai ngộ, dần dần đạt đến được quả vị liễu sinh thoát tử.

Như vầng mây lớn đó, mưa xuống khắp tất cả cây cối lùm rừng, và các cỏ thuốc, tùy theo giống loài mà thấm nhuần đầy đủ, đều được lớn lên. Như Lai nói pháp, một tướng một vị, đó là tướng giải thoát, tướng lìa khổ, tướng sinh diệt, rốt ráo đến nơi Nhất thiết chủng trí. Nếu có chúng sinhnào, nghe được pháp của Như Lai nói, hoặc thọ trì đọc tụng, theo lời nói mà tu hành, thì sẽ được công đức, tự mình chẳng hay biết. Tại sao ? Vì chỉ có Như Lai mới biết được, chủng tử sắc tướng thể tính của chúng sinh đó, nghĩ việc gì, niệm việc gì, tu việc gì, nghĩ thế nào, nhớ thế nào, tu thế nào ? Dùng pháp gì để nghĩ, dùng pháp gì để nhớ, dùng pháp gì để tu ? Dùng pháp gì được pháp gì ? Chúng sinh trụ đủ thứ các bậc, chỉ có Như Lai thấy được như thật, thấu rõ chẳng có chướng ngại.
Phật nói pháp giống như vầng mây mưa xuống, cây cối hoa cỏ lùm rừng, là chỉ tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh gồm có: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Tùy theo chủng tính khác nhau của họ mà thuyết pháp, khiến cho họ được sinh trưởng. Giống như trời mưa xuống thấm nhuần đầy đủ, cây cối cỏ thuốc đều được lớn lên. Phật nói pháp là một tướng một vị: Một tướng là chân như thật tướng của tất cả chúng sinh. Chân tướng tức là nhất địa. Đã chứng được chân lý nhất thừa gọi là nhất vị. Tất cả chúng sinh chưa giải thoát, đều khiến cho họ được giải thoát; chúng sinh chưa sinh trưởng thì khiến cho họ sinh trưởng; chúng sinh đã được sinh trưởng thì khiến cho được giải thoát, lìa khỏi tướng khổ não, tướng sinh diệt. Đắc được trí huệ của Phật, tức cũng là Nhất thiết chủng trí. Giả như, có loại chúng sinh nghe Phật pháp rồi, bèn y theo pháp tu hành, thì Phật dạy họ tu như thế nào. Phật pháp là đại đồng tiểu dị, giống như chúng ta hiện nay nghe pháp, công đứcvà quả báo đắc được không thể nghĩ bàn, song chính mình chẳng biết ! Tại sao ? Chỉ có Đức Như Laimới biết bốn pháp của loại chúng sinh nầy: Chủng tướng thể tính. ‘’Chủng‘’ là chủng tử bổn thân của chúng sinh, chủng tử nầy có thể gieo trồng vào một trong mười pháp giới nào bất cứ, hoặc hạt giốngPhật, hạt giống bồ đề, hạt giống Duyên Giác, hạt giống Thanh Văn, hạt giống chư thiên, hạt giống loài người, hạt giống địa ngục, hạt giống ngạ quỷ, hạt giống súc sinh. ‘’Tướng‘’ là pháp bên ngoài, cũng là sắc. ‘’Thể‘’ là chủ thể, trong thân thể có chủ tể. ‘’Tính‘’ là đối bên trong mà nói, tức là bốn pháp nầy.

Ba pháp là pháp nghe, pháp suy nghĩ, pháp tu (văn, tư, tu). Văn huệ tức là nghe kinh nghe pháp nhiều lần, thì sau đó trong sự bất tri bất giác sinh ra trí huệ. Nếu chẳng nghe pháp, thì dù người thông minhthế nào cũng chẳng hiểu, đừng nói đến khai mở trí huệ. Tư huệ tức là đả tọa tham thiền, dùng tư duyhuệ tu tập. ‘’Thiền na‘’ dịch là tĩnh lự, tẩy sạch niệm lự cho thanh tịnh thì sẽ phát huệ. Con người trước hết phải có văn huệ, sau đó mới phát tư huệ; phải đạo thì tiến, trái đạo thì lùi. Tư tưởng sáng suốt thì phải dụng công tu hành, sớm cũng suy gẫm, tối cũng suy gẫm, sớm tối đều phải dũng mãnh tinh tấn tu hành, song phải dùng trí huệ để tu, đừng có tu đuôi luyện mù, mọi người tiến tới con đường Phật đạo, còn bạn thì ngược lại chạy hướng khác.

Hai pháp là nhân quả. Một pháp là pháp Nhất thiết đạo chủng trí, là chân thật trí, tức cũng là một thật tướng. ‘’Niệm việc gì’’ ? Dùng tâm niệm, niệm việc Phật. ‘’Nghĩ việc gì’’ ? Nghĩ việc pháp. ‘’Tu việc gì’’ ? Tu việc Tăng. Thế thì làm thế nào để nhớ nghĩ tu Phật, pháp, Tăng ? Tức là từ từ, mỗi phút mỗi giây cũng không sao quên được Phật pháp tăng. Trên phương diện tư tưởng phải bình tâm tĩnh khí, không khởi vọng tưởng, suy gẫm đạo lý Phật pháp tăng, tinh tấn tu hành. ‘’Dùng pháp gì niệm’’ ? Dùng chánh pháp niệm. ‘’Dùng pháp gì nghĩ’’ ? Dùng chánh pháp nghĩ. Ai dùng pháp gì tu thì được pháp đó. Dùng Phật pháp thì được pháp của Phật, dùng ma pháp thì được pháp của ma. Trồng nhân gì thì được quả đó, nhân như vầy, quả như vầy. Thế mà chúng sinh gặp đủ thứ cảnh giới mà không tự biết được, chỉ có Phật thấy như thật, triệt để thấu hiểu chúng sinh bậc thượng trung hạ, thấu suốt thủy chung trong ngoài tất cả sinh tử. Thế mà, chúng ta chúng sinh minh bạch sinh, mà chẳng hiểu rõ tử; minh bạch tử, mà chẳng minh bạch sinh. Chẳng biết bắt đầu cũng chẳng biết điểm cuối, vì chẳng thấu suốt mới có chướng ngại. Chỉ có Phật mới chân chánh thấu suốt chẳng có gì chướng ngại. Do đó, có bài kệ rằng:

‘’Nguyện tiêu ba chướng dứt phiền não
Nguyện được trí huệ hiểu chơn thật
Nguyện khắp tai chướng đều tiêu trừ
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo‘’.

Ba chướng là: Nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng. Ý của bài kệ nầy là nguyện tất cả tai chướng khắp thế giới như động đất, nạn gió, nạn nước, nạn hạn hán, nạn lửa .v.v., đều tiêu trừ, lại nguyện đời đời kiếp kiếp đều tu Bồ Tát đạo.

Như các cây cối lùm rừng cỏ thuốc kia, chẳng tự biết tính thượng trung hạ. Như Lai biết pháp một tướng, một vị, đó là tướng giải thoát, tướng lìa khổ, tướng sinh diệt, tướng rốt ráo Niết bànthường tịch diệt. Cuối cùng trở về không. Phật biết vậy rồi, bèn quán tâm mong muốn của chúng sinh, mà dìu dắt họ, cho nên chẳng vì họ vội nói Nhất thiết chủng trí.

Ca Diếp ! Các ông rất là hi hữu, biết Như Lai tùy nghi nói pháp, hay tin nhận thọ trì. Tại sao ? Vì chư Phật Thế Tôn tùy nghi nói pháp, khó hiểu khó biết. Lúc đó, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng:
Tất cả chúng sinh, đắc được sự thấm nhuần mưa pháp của Phật mà chẳng tự biết, đây cũng giống như cây cối lùm rừng, hoa, cỏ, cỏ thuốc, chẳng biết tính chất của mình có phân ra thượng trung hạ. Đức Như Lai biết tâm tính của chúng sinh vốn đầy đủ tướng chân như. Pháp một vị, cùng tu hành chứng được diệu lý, gọi là pháp một vị.

‘’Tướng giải thoát‘’, bổn lai cũng chẳng có tướng giải thoát, chẳng lìa tướng, chẳng diệt tướng, chỉ vì chúng sinh có chấp trước, mới nói có tướng giải thoát. Tức nhiên ‘’lìa tướng‘’ sao còn có ‘’tướng‘’? Tóm lại, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, một pháp cũng chẳng tồn tại, mới được rốt ráo Niết Bàn thường lạc ngã tịnh, tức là tướng thường tịch diệt, cho đến một cái diệt cũng chẳng có; cũng là tướng không, cho đến không cũng chẳng có. Phật biết tất cả tướng nầy, vốn chẳng có pháp có thể nói, vô tướng khả đắc, song trong tâm chúng sinh còn có tham dục, nếu ban đầu đối với họ nói gì cũng chẳng có, ‘’một pháp chẳng lập, vạn pháp đều không‘’, thì chúng sinh sẽ không tin, mà còn phỉ báng Phật pháp. Phật quán sát tâm của chúng sinh, họ có rất nhiều tập khí mao bệnh, muốn cho họ từ từ trừ khử tập khí thì họ mới tin; nếu muốn họ một phen trừ khử đi nhiều mao bệnh tập khí, để trở về không, thì không thể nào được. Cho nên, một mặt vì hộ trì Phật pháp, mặt kia cũng không để cho họ sinh tâm phỉ báng, do đó Phật chẳng vội vàng nói liền pháp Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là thật tướng Bát Nhã, Phật thấy căn tính của chúng sinh chưa thành thục, nên chẳng nói thật tướng Bát Nhã.
Phật nói: ‘’Ca Diếp ! Các ông hàng Thanh Văn rất là hi hữu. Tại sao ? Vì các ông hiểu được Phật tùy theo cơ nghi, căn tính, nhân quả của chúng sinh, mà vì họ nói pháp, khiến cho tất cả chúng sinh tin nhận lãnh thọ, vì pháp của Phật nói là diệu pháp thù thắng vô thượng, song chẳng dễ gì minh bạch, cũng chẳng dễ gì hiểu được, cho nên Phật dùng tâm đại từ bi thuật lại nghĩa lý ở trên, bèn dùng kệ để nói.

Pháp Vương phá các cõi
Xuất hiện ra nơi đời
Tùy sở thích chúng sinh
Nói đủ thứ diệu pháp.

Phá các cõi (hữu), ‘’hữu‘’ là gì ? Nhân quả chẳng mất là hữu. Phật có thể phá được nhân quả, trước kia nhân quả của bạn trồng, lúc bạn học Phật rồi, thì có thể dừng lại. Trồng nhân lành được quả lành, trồng nhân ác được quả ác. Tại cảnh giới của chúng sinh mà nói, thì nhân quả đều là hữu. Thành Phật quả rồi, thì siêu việt được nhân quả, song đây tuyệt đối chẳng phải bát vô nhân quả. Phật đã vượt ra ‘’phá các cõi‘’.
‘’Pháp vương‘’ là vua của các pháp, cũng là vua thuyết pháp. Tương lai các bạn xuất gia thuyết pháp, cũng phải giống như vua của các pháp. Học âm thanh "bát âm tứ biết" của Phật. Bây giờ, giảng kinhthuyết pháp, cũng là thay thế vua của các pháp thuyết pháp. Phật là vì phá ‘’ngã‘’ mà xuất hiện ra đời, song vẫn phải tùy sở thích của chúng sinh, trước hết phải khiến cho họ hoan hỉ, sau mới nói đủ thứ pháp. Pháp của Phật nói được phân ra năm thời tám giáo. Năm thời là:

1. Thời Hoa Nghiêm.
2. Thời A Hàm.
3. Thời Phương Đẳng.
4. Thời Bát Nhã.
5. Thời Pháp Hoa, Niết Bàn.

Tám giáo là: Tạng, thông, biệt, viên, đốn, tiệm, mật, bất định giáo.

Đức Như Lai tôn trọng
Trí huệ rất sâu xa
Lâu chẳng nói pháp nầy
Không vội vàng nói ra.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “18. Phẩm Dược Thảo Dụ Thứ Năm - Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com