Mục Lục

Tú Vương Hoa ! Ví như nước trong sông ngòi, kinh rạch, thì biển là bậc nhất. Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong các kinh của Như Lai nói, là sâu rộng lớn nhất.
Phật lại nói :‘’Bồ Tát Tú Vương Hoa ! Ví như nước ở trong tất cả sông ngòi, kinh rạch, thì biển cả là bậc nhất. Bộ kinh này cũng như thế, trong các kinh điển mười phương chư Phật nói, thì thâm diệu rộng lớn bậc nhất.’’

Lại như : Núi đất, núi đen, núi Thiết Vi nhỏ, núi Thiết Vi lớn, và núi mười báu, ở trong các núi, thì núi Tu Di là bậc nhất. Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong các kinh là trên hết.
Lại như : Núi đất, núi đen, núi Thiết Vi nhỏ, núi Thiết Vi lớn, và núi mười báu, ở trong các núi, thì núi Tu Di là bậc nhất. Bộ Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong tất cả kinh điển, là trên hơn hết, chẳng có bộ kinh nào cao hơn. Bộ kinh này là kinh thành Phật, chỉ cần y pháp tu hành, thì có hy vọng thành Phật.

Lại như ở trong các ngôi sao, thì mặt trăng là bậc nhất. Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong ngàn vạn ức các kinh pháp, thì kinh này chiếu sáng nhất.
Lại giống như ở trong các ngôi sao, thì mặt trăng chiếu sáng nhất. Bộ Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong ngàn vạn ức các kinh điển, thì kinh này chiếu sáng nhất.

Lại như mặt trời chiếu phá mọi sự tối tăm, kinh này cũng lại như thế, hay phá trừ tất cả sự tối tăm bất thiện.
Lại giống như mặt trời hay phá trừ tất cả đen tối, Kinh Pháp Hoa cũng như thế, hay phá trừ tất cả sự đen tối bất thiện. Tóm lại, thọ trì Kinh Pháp Hoa sẽ đắc được đại trí huệ, quang minh này hay phá trừ đen tối vô minh.

Lại như trong các ông vua, thì vua chuyển luân thánh vương là bậc nhất. Kinh này cũng lại như thế, ở trong các kinh là tôn quý hơn hết.
Lại giống như trong các ông vua, thì địa vị của vua chuyển luân thánh vương là bậc nhất, chẳng ai có thể sánh. Kinh Pháp Hoa cũng lại như thế, ở trong các kinh điển là tôn quý hơn hết.

Lại như trời Đế Thích, là vua cõi trời Ba Mươi Ba. Kinh này cũng lại như thế, là vua trong các kinh.
Giống như trời Đế Thích, là vua cõi trời Ba Mươi Ba, quản hạt ba mươi hai cõi trời, Kinh Pháp Hoa cũng như thế, là vua ở trong tất cả kinh điển.

Lại như vua Đại Phạm Thiên, là cha của tất cả chúng sinh. Kinh này cũng lại như thế, là cha của tất cả các bậc hiền Thánh học vô học, và những người phát tâm Bồ Tát.
Lại như vua Đại Phạm Thiên, là cha của tất cả chúng sinh. Vì sao xưng là cha của tất cả chúng sinh ? Vì thế giới có thành trụ hoại không bốn trung kiếp (mỗi trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp). Đến thời kỳ kiếp không, thì Thiên chúng của cõi Sơ thiền, tự nhiên tỵ nạn đến cõi trời Nhị thiền. Đến thời kỳ kiếp thành lập, thì Thiên chúng tỵ nạn ở cõi Nhị thiền lại trở về cõi trời Sơ thiền. Người đầu tiên trở lại là vua Đại Phạm Thiên. Vì người sau này càng ngày càng đến nhiều, cho nên vua Đại Phạm Thiên đối với đại chúng tuyên bố :‘’Ta là cha của các ngươi, các ngươi phải tôn kính ta, phải nghe lời ta, không thể làm trái ngược ý chỉ của ta.’’

Bà la môn ở Ấn Độ cho rằng : Tổ tiên của họ là từ miệng trời Phạm Thiên sinh ra, cho nên có thần Thánh ưu việt không thể xâm phạm, đáng hưởng thọ đặc quyền, cho đó là việc thiên kinh địa nghĩa. Do đó, ở Ấn Độ tạo ra hiện tượng giai cấp chẳng bình đẳng, đến nay vẫn còn như thế, khiến cho kẻ nô lệ vĩnh viễn không được đối đãi bình đẳng.
Kinh Pháp Hoa cũng lại như thế, là cha của tất cả bậc hiền Thánh, bậc hữu học (sơ, nhị, tam quả A La Hán), bậc vô học (tứ quả A La Hán), và những người phát tâm Bồ Tát tu đạo Bồ Tát.

Lại như, trong tất cả những người phàm phu, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, thì Bích Chi Phật là bậc nhất. Kinh này cũng lại như thế, ở trong các kinh của Phật nói, hoặc Bồ Tát nói, hoặc Thanh Văn nói, thì kinh này là bậc nhất.
Lại giống như ở trong tất cả phàm phu, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, thì Bích Chi Phật là bậc nhất. Kinh Pháp Hoa cũng như thế. Ở trong tất cả kinh pháp của chư Phật nói, hoặc kinh điển của Bồ Tát nói, hoặc kinh điển của hàng Thanh Văn nói, thì kinh này là bậc nhất.

Có người hay thọ trì kinh này cũng lại như thế, ở trong tất cả chúng sinh cũng là bậc nhất.
Nếu như có người hay thọ trì Kinh Pháp Hoa cũng như thế, ở trong tất cả chúng sinh là bậc nhất. Bộ kinh này là pháp môn ai ai cũng có thể tu, ai kiền thành tu trì, thì người đó là bậc nhất. Tu hành phải cước đạp thật địa, cung hành thực tiễn, không nên cứ tìm tiện nghi, phải thấu rõ việc thiên hạ, không thể nào không làm mà có thu hoạch. Người xưa nói :

‘’Trồng trọt một phần,
Thì thu hoạch một phần.’’

Dụng công một ngày, thì tiếp cận gần cảnh giới của Phật một dặm đường.

Ở trong tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, thì Bồ Tát là bậc nhất. Kinh này cũng lại như thế, là bậc nhất ở trong tất cả kinh pháp.
Ở trong tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, thì Bồ Tát là bậc nhất. Kinh Pháp Hoa cũng lại như thế, ở trong tất cả các kinh pháp, thì kinh này là bậc nhất, cho nên gọi là vua trong các kinh.

Như Phật là vua của các pháp, kinh này cũng lại như thế, là vua trong các kinh.
Lại giống như Phật là vua của tất cả các pháp, Kinh Pháp Hoa là vua của tất cả các kinh. Đức Phật cử ra những ví dụ đó, để nói rõ tính quan trọng của Kinh Pháp Hoa, khiến cho người thọ trì Kinh Pháp Hoa, biết được công đức rộng lớn của Kinh Pháp Hoa, chẳng gì sánh bằng.

Tú Vương Hoa ! Kinh này hay cứu hộ tất cả chúng sinh, kinh này hay khiến cho tất cả chúng sinh lìa các khổ não, kinh này làm lợi ích rất lớn cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ đều được mãn nguyện.
Phật lại gọi một tiếng : ‘’Bồ Tát Tú Vương Hoa ! Bộ Kinh Pháp Hoa này dụng đồ rất rộng lớn, hay cứu độ tất cả chúng sinh lìa khỏi phiền não, hay khiến cho tất cả chúng sinh lìa khổ được vui, lại hay lợi ích cho tất cả chúng sinh được mãn nguyện. Tóm lại, phàm là người thọ trì Kinh Pháp Hoa, bất cứ cầu gì cũng được mãn nguyện.’’ Song, phải chánh nguyện chứ chẳng phải tà nguyện, điểm này phải rõ ràng. Dưới đây sẽ cử ra mười hai điều lợi ích.

Như hồ nước mát mẻ, hay khiến cho tất cả những người khát khao được hết khát, như người lạnh được lửa, như người trần truồng được quần áo, như người buôn bán gặp chủ, như con gặp mẹ, như người qua sông gặp thuyền, như người bệnh gặp được thuốc, như tối gặp được đèn, như người nghèo gặp của báu, như dân gặp được vua, như khách buôn gặp được biển, như đuốc sáng trừ tối tăm.
Công dụng của Kinh Pháp Hoa giống như hồ nước trong sạch mát mẻ, hay khiến cho người khát giải trừ sự khát uy hiếp. Giống như người lạnh lẽo gặp được lửa để sưởi ấm. Giống như người trần truồng gặp được quần áo. Trước khi chưa thọ trì Kinh Pháp Hoa, thì như là trần truồng; sau khi kiền thành thọ trì kinh này, thì đồng như được quần áo. Giống như người buôn bán làm ăn gặp chủ nhân, giống như đứa con mất mẹ đã lâu, bây giờ gặp được mẹ thì vui mừng không thể tả được, tức cũng là gặp được pháp thân người mẹ. Giống như muốn đi qua sông mà gặp được thuyền. Kinh Pháp Hoa là thuyền pháp lớn, đưa chúng sinh qua biển sinh tử, giống như người bệnh tật gặp thầy thuốc, thuốc vào thì hết bệnh. Chúng ta là người mắc bệnh ba độc, Kinh Pháp Hoa là thầy thuốc giỏi, hay cứu bệnh khổ phiền não của chúng ta.

Kinh Pháp Hoa giống như chỗ tối tăm có đèn chiếu sáng, chiếu phá vô minh ở trong tâm, khiến cho trí huệ quang minh hiện tiền. Giống như người nghèo được bảy báu vô giá; giống như dân gặp được ông vua anh minh nhân từ, giống như khách buôn được châu báu ở trong biển, giống như đuốc lớn hay phá trừ tất cả đen tối.

Kinh Pháp Hoa cũng lại như thế, hay khiến cho chúng sinh lìa tất cả sự khổ, tất cả bệnh khổ, giải thoát tất cả sự trói buộc sinh tử.
Bộ Kinh Pháp Hoa này, có mười hai thứ diệu dụng này, hay khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi tất cả sự khổ não, và tất cả mọi bệnh tật, lại hay giải trừ tất cả sự trói buộc sinh tử của chúng sinh, khiến cho được tự tại.

Nếu người nào được nghe Kinh Pháp Hoa này, hoặc tự biên chép, hoặc khiến cho người biên chép, thì công đức đắc được, dùng trí huệ của Phật suy lường, cũng chẳng biết được bờ mé là bao nhiêu.

Nếu như người có căn lành được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa rồi, mà phát tâm biên chép kinh này, hoặc là tự mình biên chép, hoặc nhờ người khác biên chép, thì công đức đắc được đều đồng nhau. Công đức này dù dùng trí huệ của Phật để suy lường là bao nhiêu, cũng chẳng cách chi biết được bờ mé của công đức.
Nếu biên chép quyển kinh này, mà dùng hương hoa, chuỗi ngọc, hương đốt, hương bột, hương xoa, phan lọng, y phục, các thứ đèn, đèn tô, đèn dầu, các đèn dầu thơm, đèn dầu thiềm bặc, đèn dầu tu mạn na, đèn dầu ba la la, đèn dầu bà lợi sư ca, đèn dầu ba ma lợi, để cúng dường, thì công đức đắc được cũng vô lượng.
Nếu như có người khi biên chép bộ kinh điển này, mà dùng đủ thứ hoa tươi, hương quý, chuỗi ngọc, để cúng dường kinh này, hoặc dùng các thứ hương đốt, hương bột, hương xoa, để cúng dường kinh này, hoặc dùng các thứ phan báu, hoa báu, y phục báu, để cúng dường kinh này. Hoặc dùng các thứ đèn để cúng dường, nào là đèn dầu tô, đèn dầu, đèn dầu thơm, đèn dầu thiềm bặc, đèn dầu tu mạn na, đèn dầu ba la la, đèn dầu bà lợi sư ca, đèn dầu na bà ma lợi, công đức đắc được cũng vô lượng vô biên, không thể biết được.

Tú Vương Hoa ! Nếu có người nghe được Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương này, thì cũng đắc được vô lượng vô biên công đức.
Đức Phật gọi một tiếng :‘’Bồ Tát Tú Vương Hoa ! Nếu người có căn lành, dù chỉ nghe được Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, thì cũng đắc được vô lượng vô biên công đức.’’

Nếu có người nữ, nghe được phẩm bổn sự của Bồ Tát Dược Vương, mà hay thọ trì, thì khi hết thân nữ này, về sau chẳng thọ lại nữa.
Nếu có người nữ, nghe được Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, mà hay thọ trì phẩm này, thì đời vị lai chẳng làm thân người nữ. Song, nếu thích làm thân nữ thì chẳng có gì để nói.

Nếu sau khi Như Lai diệt độ, trong năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe được kinh này, theo như trong kinh nói mà tu hành, thì sau khi mạng chung, sẽ được vãng sinh về thế giới An Lạc, cõi của đức Phật A Di Đà, được chúng đại Bồ Tát vây quanh chỗ ở.
Sau khi Phật vào Niết Bàn, trong năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe được Kinh Pháp Hoa, mà phát tâm y theo đạo lý trong kinh nói để tu hành, tức là tu nhẫn nhục, từ bi, pháp không, ba pháp môn. Sau khi mạng chung, thì sẽ vãng sinh về thế giới An Lạc, tức cũng là thế giới Cực Lạc, được gặp Phật A Di Đà, ‘’hoa nở thấy Phật‘’ có Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát vây quanh chỗ ở.

Sinh trên đài báu trong hoa sen, chẳng bị tham dục làm phiền não, cũng chẳng bị sân hận ngu si làm phiền não, cũng chẳng bị sự kiêu mạn, đố kỵ, các cấu, làm phiền não, được thần thông của Bồ Tát, và vô sinh pháp nhẫn.
Người hóa sinh trên đài báu trong hoa sen, chẳng còn bị tham dục làm phiền não, chẳng còn bị sân hận ngu si làm phiền não, chẳng còn bị ngu si làm phiền não. Giải trừ ba độc thanh tịnh, tức là thân tâm khinh an. Ba độc này có mối quan hệ với nhau. Sinh tâm tham dục mà chẳng đắc được, thì bèn khởi nóng giận. Khi nóng giận thì sẽ mất đi lý trí, tức là ngu si. Trí huệ chẳng hiện tiền thì chẳng rõ thị phi, chẳng biết thiện ác. Vô minh hiện tiền thì làm việc điên đảo, tạo thành nghiệp thân khẩu ý chẳng thanh tịnh. Phạm mười điều ác rồi, thì vĩnh viễn đọa vào ba đường ác trong luân hồi, chẳng có kỳ hạn thoát khỏi.

Khống chế tham sân si như thế nào ? Thì phải siêng tu giới định huệ, hay giữ giới luật thì chẳng có tâm tham, hay giữ định lực thì chẳng có tâm sân, hay học trí huệ thì chẳng ngu si. Ví như một bồn nước đục (vô minh) muốn cho nó thanh tịnh lắng trong, thì cho vào một chút phèn trắng (giới pháp), đừng quấy động (định lực), từ từ sẽ lắng xuống và hiện ra thanh tịnh (trí huệ), hay phản chiếu vạn vật.

Nếu minh bạch nghĩa lý Kinh Pháp Hoa, thì cũng chẳng bị kiêu mạn, đố kỵ, các cấu bẩn gây phiền não. Nếu người nào có hai thứ tâm lý biến thái này, thì vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ, chẳng thể được trí huệ. Tu đạo trước hết phải đừng có tâm cống cao ngã mạn, chẳng có tâm đố kỵ chướng ngại, học tinh thần từ bi hỷ xả của Bồ Tát.

Trong tâm chẳng có dơ bẩn, thì sẽ đắc được thần thông của Bồ Tát và vô sinh pháp nhẫn. Vô sinh pháp nhẫn là gì ? Nói đơn giản là chẳng thấy có chút pháp sinh, chẳng thấy có chút pháp diệt, nhẫn ở nơi tâm.

Nhẫn tức là nhẫn nại, đối diện với cảnh nghịch mà chẳng sinh tâm sân hận. An trụ trên lý pháp mà chẳng động tâm. An trụ tâm vào chân như thật tướng, thì cảm thấy chẳng có tơ hào tình niệm của phàm phu, có thể xả bỏ, cũng chẳng có kiến giải của Thánh nhân, có thể thủ lấy. Lúc đó, cảm thấy mười pháp giới chẳng có chút pháp sinh, cũng chẳng có chút pháp diệt, chẳng có sinh diệt, song trên pháp lý đều là như như bất động. Vì như như bất động, cho nên chẳng có sinh diệt, từ đó thấy tất cả các pháp đều chẳng có sinh diệt. Thật sự thấy được chân như thật tướng, mới đắc được sự nhẫn đó, mà vĩnh viễn chẳng bị cảnh bên ngoài làm mê hoặc, giao động tâm.

Tóm lại, buông bỏ được tất cả, chẳng có chấp trước tức là vô sinh pháp nhẫn. Chứng được vô sinh pháp nhẫn, tức là pháp thân Bồ Tát. Phàm là người thượng phẩm thượng sinh về thế giới Cực Lạc, một khi đến Tịnh Độ thì lập tức hoa nở thấy Phật, lập tức được vô sinh pháp nhẫn, có đại trí huệ, có đại thần thông, trợ giúp Phật giáo hóa chúng sinh, khiến cho sớm được lìa khổ được vui, sinh về Tịnh Độ.

Đắc được nhẫn đó rồi, thì căn mắt thanh tịnh, nhờ căn mắt thanh tịnh, nên thấy được bảy trăm vạn hai ngàn ức Na do tha, Hằng hà sa các đức Phật Như Lai.
Đắc được vô sinh pháp nhẫn rồi, thì căn mắt thanh tịnh, tức cũng là đắc được pháp nhẫn. Dùng pháp nhãn thanh tịnh, có thể thấy được bảy trăm vạn hai ngàn ức Na do tha, Hằng hà sa các Đức Phật.

Lúc đó, các đức Phật cùng nhau khen ngợi nói : Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Ông ở trong pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, hay thọ trì đọc tụng suy gẫm kinh này, vì người khác nói, phước đức đắc được vô lượng vô biên, lửa không thể thiêu đặng, nước không thể ngập chết đặng, công đức của ông ngàn đức Phật cùng nói, cũng không hết được.
Lúc đó, chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở trong mười phương cõi nước, đều cùng nhau khen rằng :‘’Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Ông ở trong pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, hay thọ trì kinh này, đọc tụng kinh này, tư duy kinh này. Lại vì người khác giải nói kinh này, công đức đắc được vô lượng vô biên. Lửa lớn không thể thiêu đặng, nước lớn không thể ngập chết. Công đức của ông dù ngàn vị Phật cùng nhau nói, cũng nói không hết được.’’

Ông nay đã phá được các ma tặc, dẹp tan quân sinh tử, các oán địch khác cũng đều tiêu diệt.
Hiện tại ông đã phá trừ được tất cả ma tặc. Ma hay chướng ngại chánh đạo, hay hại huệ mạng, tặc là sáu tên tặc, tức là sáu căn cướp đi pháp tài. Lại phá hoại được quân sinh tử, chẳng còn thọ khổ trong luân hồi, còn các oán địch khác thì thảy đều tiêu diệt, chẳng còn đến nhiễu hại nữa.

Thiện nam tử ! Trăm ngàn các đức Phật dùng sức thần thông cùng bảo hộ ông. Ở trong tất cả thế gian trời người chẳng có ai bằng ông, ngoài Như Lai ra, các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cho đến Bồ Tát, trí huệ thiền định, cũng chẳng có ai bằng ông.
‘’Thiện nam tử ! Trăm ngàn các Đức Phật, cùng dùng sức đại thần thông, cùng bảo hộ ông. Ở trong tất cả thế gian trời người chẳng có ai cao hơn ông. Trừ Như Lai ra, dù tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, cho đến trí huệ và thần thông của Bồ Tát, cũng chẳng bằng ông được.’’ Tóm lại, địa vị của Bồ Tát đó đã gần bậc Diệu Giác.

Tú Vương Hoa ! Bồ Tát đó thành tựu sức công đức trí huệ như thế.
Phật lại gọi một tiếng :‘’Tú Vương Hoa Bồ Tát ! Vị Bồ Tát nghe kinh tu trì đó, vãng sinh Tịnh Độ thành tựu sức công đức trí huệ như thế.’’ Do đó, có thể biết, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép bộ Kinh Pháp Hoa này, thì có cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Nếu có người nghe Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, mà tùy hỷ khen ngợi, thì người đó, hiện đời trong miệng thường tỏa ra hương thơm hoa sen xanh, lỗ lông nơi thân thường tỏa ra hương thơm ngưu đầu chiên đàn, công đức đắc được như trên đã nói.
Nếu có người nghe Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, mà tùy hỷ tán thán :‘’Lành thay !’’ Thì người đó hiện đời trong miệng thường tỏa ra hương thơm hoa sen xanh, lỗ lông nơi thân thường tỏa ra hương thơm ngưu đầu chiên đàn, công đức đắc được như trên đã nói.

Bởi thế, Tú Vương Hoa ! Ta đem Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương này, phó chúc cho ông. Sau khi ta diệt độ, trong năm trăm năm sau, hãy rộng truyền bá khắp cõi Diêm Phù Đề, đừng khiến cho đoạn tuyệt, đừng để ác ma, dân ma, chư Thiên, rồng, Dạ Xoa, Cưu Bàn Trà, hết thảy được phương tiện đó.
Phật nói :‘’Bởi vì thế, Tú Vương Hoa Bồ Tát ! Ta đem phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương này, phó chúc cho ông. Sau khi ta diệt độ, trong năm trăm năm sau, ông phải truyền bá phẩm này, lưu truyền ở cõi Diêm Phù Đề, đừng khiến cho đoạn tuyệt thất truyền, đừng khiến cho con ma, cháu ma, thần ma, dân ma, trời, rồng, tám bộ chùng, thảy được phương tiện đó.’’

Tú Vương Hoa ! Ông nên dùng sức thần thông giữ gìn kinh này. Vì sao ? Vì kinh này là thuốc hay cho những người bệnh ở cõi Diêm Phù Đề. Nếu người có bệnh mà được nghe kinh này, thì bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.
Phật lại gọi một tiếng :‘’Bồ Tát Tú Vương Hoa ! Ông nên dùng sức thần thông để giữ gìn bộ kinh này. Vì sao ? Vì bộ kinh này là thuốc hay, trị được bệnh của con người ở cõi Diêm Phù Đề. Người có bệnh si ái, thì kinh này trị được bệnh si ái. Nếu như có người mắc bệnh mà nghe được Kinh Pháp Hoa, thì liền tiêu trừ bệnh hoạn, thậm chí không già không chết.’’

Tú Vương Hoa ! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này, thì nên dùng hoa sen xanh, và đựng đầy hương bột cúng dường rải lên trên người đó. Rải lên rồi, bèn nghĩ rằng : Người này chẳng bao lâu sẽ lấy cỏ ngồi ở Đạo tràng, phá các quân ma, thổi pháp loa, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng sinh, lìa khỏi biển sanh già bệnh chết. Bởi thế, người cầu Phật đạo, thấy người thọ trì kinh điển này, thì nên sinh tâm cung kính như thế.
Phật lại gọi một tiếng :‘’Bồ Tát Tú Vương Hoa ! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này, thì nên dùng hoa sen xanh và đựng đầy hương bột cúng dường rải lên trên họ. Rải rồi thì nghĩ rằng : ‘’Người này chẳng bao lâu nữa sẽ lấy cỏ làm tòa, ngồi dưới cội bồ đề phá các quân ma, hàng phục ma nữ, thành Chánh Giác, thổi đại pháp loa, đánh trống pháp lớn, vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp, độ thoát tất cả chúng sinh, lìa khỏi biển khổ sanh già bệnh chết. Bởi thế phàm là người cầu Phật đạo, thấy người thọ trì kinh này, thì nên sinh tâm cung kính như thế.

Khi đức Phật nói Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, thì có tám vạn bốn ngàn vị Bồ Tát, đắc được Đà la ni tất cả ngôn ngữ của chúng sinh.
Khi Đức Phật nói Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương, thì có tám vạn bốn ngàn vị Bồ Tát, đắc được Đà la ni tất cả ngôn ngữ của chúng sinh.

Đức Đa Bảo Như Lai ở trong bảo tháp khen Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng : Lành thay ! Lành thay ! Tú Vương Hoa ! Ông thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, mới có thể hỏi đức Thích Ca Mâu Ni việc như thế, lợi ích vô lượng tất cả chúng sinh.
Đức Đa Bảo Như Lai ở trong bảo tháp, cũng khen ngợi Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng :‘’Lành thay ! Lành thay ! Tú Vương Hoa ! Ông thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, mới có thể hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni, về việc khổ hạnh khó hành của Bồ Tát Dược Vương đốt thân, đốt cánh tay, hay lợi ích vô lượng tất cả chúng sinh.’’

Hết tập 4

Hồi hướng công đức

Trong các sự bố thí, thì bố thí pháp là cao thượng nhất. Vì ấn tống kinh điển bố thí cho mọi người đọc, khiến cho họ hiểu rõ những lời đức Phật dạy, phát tâm tu học, thực hành hạnh Bồ Tát, tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác ta, tích tụ căn lành công đức, hồi hướng về quả Vô thượng bồ đề, cuối cùng sẽ chứng ngộ quả vị Phật. Nhờ giáo lý Pháp bảo mà chúng ta tin, hiểu, thực hành, và chứng ngộ.
Xin hồi hướng công đức pháp thí cao thượng nầy, đến các bậc Thầy Tổ, và toàn thể tất cả Phật tử đã phát tâm hùn phước ấn tống, hữu danh hoặc vô danh, và thân bằng quyến thuộc của tất cả quý vị còn sống hoặc đã quá vãng, cùng pháp giới chúng sinh, thảy đều được lợi lạc, căn lành tăng trưởng, tâm bồ đề kiên cố, luôn luôn an trụ ở trong chánh pháp, tu hành chánh pháp, rốt ráo được thoát khỏi sinh tử luân hồi, đến được bờ giác ngộ bên kia.

Nam Mô Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát

Kệ hồi hướng công đức

Nguyện đem công đức nầy
Trang Nghiêm cõi Phật tịnh
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai thấy nghe
Liền phát tâm bồ đề
Khi bỏ báo thân nầy
Sinh về cõi Cực Lạc.

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “52. Phẩm Bổn Sự Của Bồ Tát Dược Vương Thứ Hai Mươi Ba - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com