Mục Lục

Vua A Xà Thế con của bà Vi Đề Hi, và bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Hết thảy đều lễ dưới chân Đức Phật, rồi lui về ngồi một bên.

Vua A Xà Thế là con của Bà Vi Đề Hi và Vua Tần Bà Sa La, cũng là ông vua hung ác nhất trong các ông vua. Vì ông phạm tội ngũ nghịch : Giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hòa hợp Tăng chúng. Ông ta đại nghịch bất đạo như thế đều do Đề Bà Đạt Đa (em chu bác với Đức Phật) xúi giục. Vì Đề Bà Đạt Đa sớm đã muốn chiếm đoạt thay thế Đức Phật, cho nên xúi A Xà Thế giết cha, giết mẹ để đối phó với Đức Phật. Vua A Xà Thế chẳng còn tính người, bắt Vua cha giam vào ngục bảy lớp tường, để bỏ đói cho đến chết, chẳng cho ai vào thăm. Bà mẹ là Vi Đề Hi chỉ có cách lén lấy nước nho, đổ vào trong hột chuỗi mang vào cho vua Tần Bà Sa La dùng. Hai người khóc lóc với nhau, nỗi đau đớn chẳng còn muốn sống nữa, trong hoàn cảnh đau thương như thế, mới nghĩ nhớ đến Đức Phật, cầu Đức Phật giúp đỡ. Tâm vừa nghĩ như thế thì Đức Phật biết ngay, do đó đức Phật phái Ngài Mục Kiền Liên vào trong ngục, vì họ nói Kinh Thập Lục Quán, khiến cho họ y pháp tu hành, sau đó họ được vãng sinh về thế giới Cực Lạc.

Vi Đề Hi nghĩa là "suy nghĩ". A Xà Thế nghĩa là "sinh oán" (chưa sinh ra đã chẳng cát tường), hoặc nghĩa là "đoạn chỉ" (đứt ngón tay), khi ông ta sinh ra rồi, mẹ của ông ta rất chán ghét, mới cắn đứt ngón tay của ông ta, do đó mới gọi là "đứt ngón tay".
Tội của Vua A Xà Thế không thể tha thứ, đáng đọa vào địa ngục vô gián, nhưng về sau ông ta thật sự ăn năn hối cải, phát lồ sám hối, cải ác hướng thiện, quy y với Đức Phật, mang tất cả quyến thuộc đến pháp hội nghe Phật pháp, đảnh lễ Đức Phật rồi lui về một phía ngồi xuống.

Bấy giờ, tất cả bốn chúng đều vây quanh đức Thế Tôn, cung kính cúng dường tôn trọng tán thánca ngợi.
Lúc nầy, tất cả Thiên Long bát bộ đều hướng về Đức Phật đảnh lễ, mỗi người đều ngồi theo vị trí của mình. Bốn chúng là : Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Ngoài ra, bốn chúng còn có ý nghĩa là : Phát khởi chúng, đương cơ chúng, ảnh hưởng chúng và kết duyên chúng. Phát khởi chúng : Biết cơ duyên của chúng sinh thành thục mà hướng về Đức Phật phát ra vấn đề, có trí huệ phương tiện thiện xảo. Đương cơ chúng : Là nghe pháp từ Đức Phật, đắc đạo được thọ ký, như Kinh Kim Cang đương cơ chúng là Ngài Tu Bồ Đề. Trong Kinh Lăng Nghiêm đương cơ chúng là Ngài A Na và hai mươi lăm vị Thánh. Đương cơ chúng trong Kinh A Di Đà là Ngài Xá Lợi Phất và các đại A La Hán, Bồ Tát, .v.v… Ảnh hưởng chúng là các đại Bồ Tát, từ trước đã từng nghe nhiều Đức Phật thuyết pháp, đã hiểu rõ, nhưng vì muốn làm ảnh hưởng đến người khác, sinh tín tâm và tâm thành đối với pháp, cho nên cũng đến ủng hộ đạo tràng, khiến cho họ im lặng chú ý cung Kinh nghe pháp. Kết duyên chúng : Số còn lại tuy là dự nghe, tâm chưa thấu hiểu, nhưng kết nhân lâu xa, đó là kết duyên chúng, hoặc họ cũng dùng phẩm vật hoặc thức ăn đến cúng dường Tam Bảo và kết duyên với đại chúng ở trong pháp hội.

Lúc đó, bốn chúng đệ tử vây quanh đi nhiễu đức Phật ba vòng, từ bên phải nhiễu vòng bên trái. Sau khi nhiễu xong thì cung kính đảnh lễ đức Phật, cúng dường đức Phật, tán thán ca ngợi đức Phật. Trong bài xướng của chúng ta có câu :

"A Di Đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân."

Hoặc là :

"Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giới diệc vô tỉ,
Thế gian sở hữu ngã tận kiến,
Nhất thiết vô hữu như Phật giả."

Đó đều là kệ tán khi lễ Phật.
Bây giờ nói về tầm quan trọng của sự kết duyên. Nếu chẳng có duyên, thì dù bạn đối với họ tốt thế nào, họ đối với bạn cũng chẳng vừa ý. Trước kia, có một vị pháp sư biện tài vô ngại, người trời đều đến nghe vị nầy thuyết pháp, chỉ là chẳng có duyên với ai, cho nên không có ai đến nghe vị nầy thuyết pháp. Vị nầy hiểu rõ về nhân quả, cho nên đi mua rất nhiều gạo, đem vào rừng bố thí cho chim, lại niệm chú Đại Bi và chú Lăng Nghiêm gia trì vào gạo không ngừng, quán tưởng tất cả bầy chim ăn gạo rồi, sẽ có thể thoát khỏi thân phi cầm, mà chuyển làm thân người. Hai chục năm sau, vị pháp sư nầy vẫn còn là người xuất gia, diễn nói pháp thì tự nhiên có rất nhiều người, mà đều là người trẻ đến nghe pháp, đều cung kính năm thể sát đất. Những người trẻ nầy, quá khứ đều là chim, đắc được pháp thí cho nên mới sinh làm người. Vì bái ân đức mà đến ủng hộ đạo tràng. Cho nên, phải thường kết duyên lành với người, đừng lấy tâm sân đối đãi với người, nếu không thì chẳng có duyên với người, ai ai cũng đều lánh xa.

Cúng dường thì phải dùng tâm thành khẩn và chân thật để cúng dường. Tâm chân thật tức là tâm xả đặng, xả bỏ những gì tâm còn ái chấp. Tâm thành khẩn tức là chẳng có tâm tạp loạn, làm việc phải thật lòng, chuyên tâm nhất chí.

Trước kia có vị ăn mày, vì thấy người cúng dường Tam Bảo tu công đức, mà khiến cho ông ta cũng phát tâm cúng dường, nhưng vì tiền chỉ đủ mua bình dầu đến cúng dường Tam Bảo. Lúc đó, vị Hòa Thượngtrụ trì trong chùa (có thiên nhãn thông) ra nghinh tiếp ông ta, và mời ông ta dùng cơm. Trong lúc ấy, lại có một người nhà giàu, cũng mang đến một phi dầu để cúng dường Tam Bảo, nhưng Hòa Thượng trụ trì không đích thân ra tiếp, chỉ kêu vị Tăng tri khách ra tiếp. Nhiều vị Tăng trong chùa không hiểu tại sao Hòa Thượng trụ trì hậu đãi người nghèo đó, dù chỉ cúng Tam Bảo có một bình dầu, còn người giàu kia cúng một phi dầu, mà Hòa Thượng lại lạnh nhạc. Khi mọi người bàn tán thì Hòa Thượng đến giải thíchnói : "Một người giàu có mua hai ba trăm lít dầu chẳng khó khăn gì, song một người ăn mày nghèo sơ, chỉ có mấy đồng tiền mà đem hết ra để mua dầu cúng Tam Bảo, dù chỉ một bình nhỏ, nhưng công đứcthật vô lượng hơn người giàu kia. Đó gọi là khó xả mà xả được, ông ta mới là người dùng chân tâm để cúng dường Tam Bảo, ông ta là một vị đại hộ pháp ! Người trong hoàn cảnh khốn khó mà còn nghĩ đến cúng dường Tam Bảo, công đức đó thật là vĩ đại ! Một người đời nầy giàu có cũng vì trong quá khứ, họ tu tích tập phước báu khó xả mà xả được, khó hành mà hành được."
Nghe những lời nầy rồi đồ chúng mới minh bạch, cúng dường Tam Bảo cần có chân tâm và thành tâm.

Vì các Bồ Tát nói Kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộniệm.
Khi Đức Phật thuyết pháp thí có sáu điềm lành :
1. Điềm lành về thuyết pháp.
2. Điềm lành về nhập định.
3. Điềm lành về mưa hoa.
4. Điềm lành về đất chấn động.
5. Điềm lành về chúng hoan hỉ.
6. Điềm lành về phóng quang.

Lần nầy, Đức Phất thuyết pháp chẳng giống trước kia, vì lần nầy thì thuyết pháp trước, sau mới nhập định. Đức Phật vì tất cả Bồ Tát ở trong đại hội Pháp Hoa nói Kinh điển đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa. Kinh đại thừa có bảy nghĩa :
1. Pháp đại : Tức là bao quát tất cả Tam Tạng mười hai bộ Kinh, cũng bao quát tất cả pháp tiểu thừa.
2. Phát đại bồ đề tâm : Từ phàm phu, tu cho đến khi thành Phật, tâm nầy vĩnh viễn không thối chuyển.
3. Hiểu đại Tạng : Minh bạch giáo pháp đại tạng, y giáo phụng hành.
4. Tịnh đại : Thấy được đạo thì tịnh tâm đại.
5. Trang nghiêm đại : Tức là phước trí đại.
6. Thời đại : Đức Phật trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp để tu trì, là thời gian lâu dài, cũng có thể gọi là nhân đại.
7. Cụ túc đại : Là lục độ vạn hạnh đều viên mãn, dùng tướng tốt tự trang nghiêm, mà đắc được quả Bồ Tát, cũng có thể gọi là quả đại.

Vì có bảy ý nghĩa nầy cho nên gọi là đại tạng, Ma Ha Tát có bảy thứ đại nhưng chẳng giống như ở trên vừa nói.
"Nói Kinh đại thừa", trên thì khế với Kinh của Phật, dưới thì hợp với căn cơ của chúng sinh, cho nên gọi là khế Kinh. Trước khi nói Kinh Pháp Hoa, thì Đức Phật nói Kinh Vô Lượng Nghĩa. Vô Lượng Nghĩa tức là nghĩa vô số lượng. Vô lượng là từ hữu lượng mà ra, hữu lượng là từ một mà ra, một từ vô tướng mà ra, vô tướng từ thật tướng mà ra, cho nên vô lượng nghĩa cũng là Kinh thật tướng nghĩa. Do đó, thật tướng vô tướng, tướng vô sinh tử, vô vô tướng, vô Niết Bàn tướng, mà vô sở bất tướng. Vô lượng làm một, một làm vô lượng, tức cũng là thật tướng. Thậm chí, một cũng chẳng có, chỉ là người đầu lại thêm đầu, bày vẽ ra một, đó là tự tìm phiền não mà thôi. 

"Kinh Vô Lượng Nghĩa" là phương pháp giáo hóa Bồ Tát đại thừa, được Phật hộ niệm, Kinh Vô Lượng Nghĩa là chỗ Phật tự chứng đắc, đoạn văn dưới đây nói rằng : Phật tự trụ đại thừa vậy, tuy muốn khai thị mà căn tính của chúng sinh chậm chạp, yên lặng lâu là cốt yếu đó, chẳng cần nói mau, cho nên gọi là hộ niệm.

Đức Phật nói Kinh nầy rồi, bèn ngồi kiết già, nhập Tam muội Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm đều bất động.
Đức Phật nói Kinh Vô Lượng Nghĩa xong rồi, thì ngồi kiết già, cũng gọi là ngồi theo tư thế hoa sen, tư thế kim cang. Ngồi kiết già trợ giúp rất nhiều cho việc tu đạo, không khiến cho người hôn trầm ngủ gục, mà dễ sinh ra định lực, có định thì tự nhiên sẽ phát huệ. Ai ngồi thẳng ngay ngắn được, thì giới thể vốn có sẽ hiện tiền, tất cả Thiên Long bát bộ đều đến ủng hộ, còn yêu ma quỷ quái tự nhiên sẽ xa lánh, cho nên ngồi kiết già là một pháp ngồi tu đạo viên mãn nhất. Bây giờ, lấy một công án để chứng minh tầm quan trọng của sự ngồi kiết già.

Quan Trung Hỉ là bạn của tôi. Vị nầy là người tu đạo có ba ngàn người đồ chúng, nhưng vị nầy hiểu rõchính mình chẳng có đạo nghiệp, chưa được liễu sinh thoát tử, do đó vị nầy cấp tốc cầu chánh đạo, đi khắp nơi tìm minh nhãn thiện tri thức, nhưng ba năm trôi qua cũng chưa tìm được. 

Một đêm nọ, cháu của vị nầy là Quan Chiêm Hải, chưa từng gặp tôi, mà ở trong mộng thấy tôi và còn cầu đạo nơi tôi, mà tôi dùng tay từ trên đầu của y lột xuống một tấm da heo, và nói tấm da nghiệt nầy khử sạch rồi thì có thể tu đạo. Ngày thứ hai, tôi đi thăm chú của y thì Quan Chiêm Hải ngó một cái thì nhận ra tôi, chú của y nhắc lại việc tôi thủ hiếu ba năm ở mộ phần mẹ của tôi, hai người mừng rỡ vạn phần, cho rằng đưa đạo vào cửa, lập tức hai chú cháu cùng quỳ xuống hướng tôi cầu đạo. Nhưng tôi nói tôi chẳng có đạo hạnh, không thể thu nhận họ làm đệ tử, song tôi sẽ mang họ đi tìm danh sư. Cuối cùng, vì Quan Trung Hỉ chẳng tìm được vị thầy vừa ý, do đó Quan Trung Hỉ trở lại cầu đạo với tôi. Tôi nói tôi chẳng có đạo, bất quá có thể dạy cho ông ta một phương pháp tu hành, nhưng ông ta trước hết phải học ngồi tư thế kiết già. Quả nhiên, ông ta y pháp tu hành, nhưng hai đầu gối của ông ta quá lớn kì lạ, muốn học ngồi kiết già thật là khó khăn vô cùng, bất cứ ngồi thế nào cũng chẳng được, song ông ta cũng chẳng sợ đau đớn khó khăn, vẫn kiên quyết tập ngồi cho bằng được, tập lên tập xuống thì hai đầu gối của ông ta sưng đỏ lên. Bảy mươi ngày trôi qua, tôi thấy ông ta vẫn đi chưa được ! Tôi khuyên ông ta đừng tập nữa, phương pháp ngồi kiết già rất khó khăn với ông ta, nhưng ông ta kiên quyết nói trừ khi tôi chết, bằng không tôi nhất định phải tập cho tốt. Nếu tập ngồi kiết già mà tập không xong thì còn nói gì về việc tu đạo ?

Qua một trăm ngày sau, tôi vẫn đến thăm ông ta thì đầu gồi của ông ta hết sưng cũng hết đau, chẳng những thế mà ông ta ngồi rất là đoan nghiêm, thật là có chí thì việc tất thành. Ông ta ngồi kiết già thành công rồi, tôi bèn chỉ ông ta phương pháp ngồi thiền.

Cháu của ông ta là Quan Chiêm Hải, cũng như người chú, tìm thầy năm năm trời, cũng chẳng tìm được thầy vừa ý. Cuối cùng cũng phải trở về tìm tôi quỳ xuống. Tôi hỏi y : "Anh làm gì thế ?" Y nói : "Con đi tìm minh sư đã nhiều năm, nay mới phát giác thầy mới là vị thầy chân thật nhất, mong thầy nhận con làm đệ tử !" Thấy y cầm tay áo của tôi giựt giựt, tôi giả dạng nóng giận, phất tay áo bỏ đi khoảng hơn nửa dặm đường thì quay lại xem, thấy y vẫn còn quỳ ở đó ! Tôi nói : "Anh còn làm gì ở đây ?" Y nói : "Nếu Ngài không nhận con làm đệ tử, thì con sẽ quỳ cho đến chết ở tại đây !" Vì muốn thử tâm thànhcủa y, tôi lại phất tay áo bỏ đi, lần nầy đi hơn một dặm đường, quay đầu lại nhìn vẫn thấy y quỳ bất độngở đó, đủ thấy y thành tâm, do đó tôi thu nhận y làm đệ tử. Y là đệ tử đầu tiên của tôi tại Đông Bắc Trung Quốc.

Quan Trung Hỉ y theo pháp tu hành được năm năm, thì có sở thành tựu, nghĩ muốn gặp tôi để nói lời cảm kích, vì ông ta biết trước ngày vãng sinh. Song, việc nầy ông ta chẳng được mãn nguyện, vì từ đầu đến cuối, tôi với anh ta mất liên lạc. Quả nhiên, như chính ông ta đã dự liệu ngày đó, ông ta ngồi ngay ngắn mà vãng sinh, ngày đó có rất nhiều người hành xóm, đều mộng thấy có hai vị đồng tử mặc y màu xanh, dẫn ông ta về Tây phương ! Cho nên ngồi kiết già trợ giúp không ít cho việc tu đạo.

Đức Phật nói xong Kinh Vô Lượng Nghĩa rồi, bèn ngồi kiết già, nhập Tam muội Vô lượng nghĩa xứ, tức cũng là nhập thật tướng định. Thân tâm đều bất động. Thân không động thì tâm chẳng động, tâm chẳng động thì thân không động, đó là chân tâm vốn không động. Đây là điềm lành sự nhập định của Đức Phật.

Lúc đó, trời mưa hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa mạn thù sa, hoa ma ha mạn thù sa, rải ở trên Đức Phật và các đại chúng.
Đoạn văn nầy nói về mưa hoa. Khi đức Phật nhập đînh, thân tâm đều chẳng động, thì hoa trời từ trên trời mưa xuống. Hoa Mạn đà la là hoa trắng nhỏ. Hoa Ma ha mạn đà la là hoa trắng lớn. Hoa Mạn thù sa là hoa đỏ nhỏ. Hoa Ma ha mạn thù sa là hoa đỏ lớn. Bốn thứ hoa nầy đều rải cúng dường ở trên thân của Đức Phật, và tất cả đại chúng trong pháp hội. Bốn thứ hoa nầy đại biểu cho bốn vị trí là : Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa, tức cũng là bốn tấn độ của Bồ Tát đạo, là giai đoạn tu hành phải trải qua.

Khắp hết thảy thế giới của chư Phật, đều có sáu thứ chấn động.
Đây là điềm lành về chấn động. Đức Phật vì biểu thị sư quan trọng của Kinh Pháp Hoa, mà hiện ra đủ thứ điềm tốt lành. Khắp hết thảy cõi Phật trong mười phương ba đời, đều có sáu thứ chấn động : Chấn, hống, kích (về âm thanh), động, dũng, khởi (về hình tượng). Sáu thứ chấn động nầy dụ chó sáu căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nếu nói rộng ra, thì trong sự chấn động, mỗi thứ lại phân ra ba thứ, cộng thành mười tám thứ, tức cũng dụ cho mười tám giới. Thế nào là một thứ phân ra làm ba thứ ? Ví như : Động, biến động, đẳng biến động. Chấn, biến chấn, đẳng biến chấn. Hống, biến hống, đẳng biến hống. Kích, biến kích, đẳng biến kích. Dũng, biến dũng, đẳng biến dũng. Khởi, biến khởi, đẳng biến khởi.
Động, chỉ là một nơi chấn động. Biến động, là một bốn thiên hạ (Nam Thiệm Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu và Bắc Câu Lưu Châu), đều chấn động. Đẳng biến động, tức ba ngàn đại thiên thế giới đều chấn động.

Sáu thứ chấn động đại biểu cho : Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác. Tức cũng biểu thị muốn phá vô minh, thì trước hết phải trải qua sáu giai đoạn biến động. Người tu tập thiền định, đều thân tự thể nghiệm qua những giai đoạn nầy. Đối với người chẳng tu thiền mà nói, đó chỉ là chấn động của sáu căn mà thôi.

Dũng, từ bên đông vọt ra thì bên tây lặng. Đông vọt thì tây chìm. Phương đông là mộc tức cũng là màu xanh ; màu xanh dụ cho gan thuộc về nhãn căn (mắt). Phương nam là màu đỏ cũng là lửa, dụ cho tim, thuộc về thiệt căn (lưỡi). Phương tây là màu trắng, thuộc về kim, chỉ cho phổi, thuộc tĩ căn (mũi). Đây là biểu thị công đức của mắt sinh, thì phiền não của mũi diệt. Phiền não của mắt diệt, thì công đức của mũi sinh. Sáu căn nầy đều có công đức của nó, công đức sinh thì phiền não diệt ; phiền não sinh thì công đức diệt, tức cũng là sáu thứ chấn động. Phương bắc là màu đen, thuộc thủy, dụ cho thận, thuộc về nhĩ căn (tai), cũng hổ tương giao lưu công đức và phiền não với năm căn kia. Thân thuộc về bốn phương (mắt, tai, mũi, lưỡi đều ở trong đó). Ý có công năng phan duyên với bốn phương nầy. Cho nên, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác là chấn động bên ngoài, còn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là chấn động bên trong.

Sáu thứ chấn động nầy, là điềm lành về chấn động, biểu thị sáu căn chấn động. Sáu căn nầy hổ tương trợ giúp, kết thành một đảng, dựa nhau làm bậy, có thể làm thiện, cũng có thể làm ác. Tạo điều ác thì sẽ khiến cho pháp thân đọa lạc vào ba đường ác. Song, người thành Phật cũng nương vào sự trợ giúp lẫn nhau của sáu căn nầy. Như công đức của lỗ mũi sinh ra, thì phiền não của con mắt diệt đi. Phiền nãocủa con mắt là gì ? Công đức của con mắt là gì ? Khi mắt thấy sắc (vật chất) cái mà mình yêu thích, nhưng không đắc được thì sẽ sinh phiền não, theo đó mà khởi tâm tham, tức cũng là nguồn gốc của phiền não. Sau đó, mắt cũng sẽ mang lại công đức không ít, nó giúp người xem Kinh điển, nghiên cứuPhật pháp, thâm nhập Kinh tạng. Hoặc thấy tượng Phật thì sinh tâm cung kính lễ bái. Do đó, sáu căn nầy đều có công năng trợ giúp hoặc phá hoại, hãy xem chúng ta vận dụng nó như thế nào ! Dùng làm thiện thì có công đức, dùng làm ác thì đọa lạc, chẳng nghi ngờ gì hết. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói rằng : "Thành Phật hoặc đọa địa ngục, đều do sáu căn nầy." Cho nên nói ngu si tức là trí huệ, đó là đạo lý sáu căn vận dụng một dạng với nhau. Nếu chúng ta khéo vận dụng nhĩ căn (căn tai) để nghe pháp, nghe Phật pháp nhiều rồi mà thông được một, thì tất cả đều thông, hiểu một thì tất cả đều hiểu, biết một thì tất cả đều biết, giác một thì tất cả đều giác.

"Tự tánh như hư không,
Chân vọng đều ở trong,
Ngộ triệt bổn lai thể,
Một thông tất cả thông."

Đồng đạo lý nầy, có thể đưa ra ví dụ về ăn, mặc, ở và hành động. Tại sao con người phải ăn cơm ? Vì để nuôi thân thể, mặc áo là để che lạnh. Cho nên ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ, là những thứ cần thiết cho sinh mạng không thể thiếu, mà tự tánh của chúng ta rất cần Phật pháp để nuôi dưỡng, nếu không thì xảy ra vấn đề. Do đó, lợi dụng sáu căn để thành vô thượng đạo, đây là sáu căn chấn động vậy. Người đã từng tập ngồi thiền, thì sẽ có kinh nghiệm sự chấn động nầy, hoặc tay, hoặc mắt, hoặc tai, mũi, lưỡi, thân, tình huống chấn động của sáu căn. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rằng : Tĩnh cực quang thông đạt, đó là công phu tu thiền đạt đến cực điểm, thì hiện ra một thứ cảnh giới, nếu không khởi tâm chấp trước, tức là cảnh giới tốt.

Trong pháp hội Lăng Nghiêm mùa hè đó, có người ngồi thiền thì tay hay tự động, đó là sự biến hóa của thân thể, động tắc biến, biến tắc hóa. Tự động của thân thể là người tu thiền đã từng trải qua một phen hạ thủ công phu, mới phát sinh hiện tượng nầy, nhưng phải qua sự chỉ điểm của minh nhãn thiện tri thức, mới không lầm đi vào đường tà, hoặc sinh tâm kinh hãi, hoặc do đó mà bỏ tu thiền. Thật ra, sư kinh hãi nầy là dư nhiều, tự động nầy không ngoài một trong sáu thứ chấn động. Đạo lý nói ở trong Kinh Phật tất định với tự tánh thân thể của chúng ta đều tương hợp, chẳng phải vì chúng ta tìm một con đường tương ưng, mà con đường nầy là tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Tám vạn bốn ngàn pháp mônlà dùng để đối trị tám vạn bốn ngàn tập khí xấu, bệnh tật của chúng ta. Rõ là người có đủ thứ tập khímao bệnh mà chẳng tự biết được, cho nên suốt ngày đều bị trần lao lay chuyển, lấy khổ làm vui, càng ngày càng đọa đi xuống, mà vẫn không tỉnh. Do đó, trong Kinh nầy, Phật dùng sáu thứ chấn động làm dụ, để đối trị sáu căn, làm phương pháp tiêu trừ tập khí ác. Chấn động tức là phá trừ vô minh : Phá vô minh sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả ; sau đó lại phá vô minh Thập địa và Đẳng giác, đây là sáu giai đoạn thành Phật, tức cũng là sáu quả vị lần lược thành Phật.

Bấy giờ, trong pháp hội các chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, và các ông vua nhỏ, Chuyển luân thánh vương, các đại chúng, được chưa từng có, vui mừng chắp tay một lòng nhìn Đức phật.
Đây là điềm lành chúng vui mừng.
Lúc đó, tức cũng là lúc sáu thứ chấn động, trong pháp hội có các chúng đại Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni .v.v. Tỳ Kheo có ba nghĩa :
1. Khất thực.
2. Bố ma.
3. Phá ác.

Tỳ Kheo ni, cũng giống như ở trên, đều có ba nghĩa, là nữ chúng xuất gia. Trước kia, có vị tu hành, vì xác định khai ngộ thật sự của mình mới đi gặp một vị cao Tăng đã khai ngũ nhãn lục thông. Khi vị cao Tăng biết được ý của vị tu hành, thì bắt đầu khảo vị tu hành rằng : "Ông có sở đắc gì ?" Vị tu hành đáp : "Tôi chẳng có sở đắc gì." Cao Tăng lại hỏi : "Ông khai ngộ gì ?" Vị tu hành đáp : "Tôi biết Ty Kheo Ni là người nữ !" Vị cao Tăng nghe rồi, lập tức ấn chứng cho vị tu hành, nói vị tu hành đã thật sự khai ngộ. Tại sao nói vị đó đã khai ngộ ? Vì vị cao Tăng biết vị đó đến, chẳng có tơ hào nói dối, vị đó rất khẳng định trả lời. Vậy nếu chúng ta cũng trả lời như thế, có phải cũng đã khai ngộ ? Chẳng phải vậy ! Khai ngộ chẳng phải lượm lặt những gì của người khác. Phàm là học theo người đã nói qua, đều chẳng phải thật khai ngộ, trừ khi tự mình ngộ ra, riêng có một lần gặp, mà câu nầy lại chưa có người nói qua.

Cư sĩ nam, cư sĩ nữ có hai nghĩa : 1. Cận sự nam hoặc cận sự nữ. 2. Cận trụ nam, cận trụ nữ. Tỳ Kheo, Ty Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ là bốn chúng đệ tử. Ngoài ra có trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, các ông vua nhỏ, Chuyển luân thánh vương .v.v. Dạ xoa là tốc tật quỷ, lại gọi là dũng kiện. Sức mạnh của quỷ thần nầy, có thể dời núi lấp biển, một tay đẩy quả núi ra ngoài một trăm dặm, một tay lại kéo quả núi trở về. Ma hầu la già là đại mãng xà. Chẳng phải người, là một trong tám bộ quỷ thần. Chuyển luân thánh vương có phước báu rất lớn, có ngàn vị vương tử, lại có bảy báu, trong đó có một báu là bảo châu như ý. Bảo châu nầy khiến cho chủ nhân tùy thời tùy lúc muốn gì có nấy, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, tùy tâm mãn nguyện. Ngoài ra, còn có xe kim luân, có thể trong nháy mắt thì đưa Chuyển luân thánh vương đi chu du tứ thiên hạ, lộ trình so với lên mặt trăng còn xa nhiều lắm. Có người sẽ thắc mắc : "Thời đại Đức Phật chẳng cóChuyển luân thánh vương, vậy Chuyển luân thánh vương đáo để từ đâu đến ?" Chuyển luân thánh vương từ phương khác đến, chẳng phải chúng ta có thể thấy hoặc nghe được. Người biết thì biết, không biết thì không biết. Đừng cho rằng những gì mình không thấy, thì nói là chẳng có việc đó. Ngoài chỗ ở của mình, còn có lân cư, có thành thị, thị trấn .v.v., do đó phải nhìn xa hiểu rộng, đừng dùng tầm mắt một làng nhỏ bé để nhìn thành thị. Là các đại chúng, được chưa từng có. Vì chưa từng nghe qua pháp nầy, cho nên vui mừng chắp tay, một lòng nhìn Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Phật phóng ra luồng hào quang trắng ở giữa chân mày, chiếu soi hết thảy một vạn tám ngàn thế giới ở phương đông.

Lúc đó, chúng sinh đều hoan hỉ chuyên tâm nhìn Đức Phật, đức Phật cũng hoan hỉ, cho nên giữa chân mày phóng ra luồng hào quang trắng. Đây là điềm lành về phóng quang. Bây giờ, người tạo tượng Phật đều gắn ở giữa chân mày của Đức Phật một hạt châu hoặc đá quý để đại biểu luồng hào quang trắng. "Chiếu soi hết thảy một vạn tám ngàn thế giới ở phương đông." Phương đông thuộc mộc, tượng trưngcho mùa xuân, vạn vật đều sinh trưởng. Đây dụ cho chúng sinh huệ mạng của một vạn tám ngàn thế giới, đều đắc được quang minh của Phật chiếu mà tăng trưởng.

Dưới thì chiếu đến địa ngục A Tỳ, trên thì chiếu đến cõi trời Sắc Cứu Kính. Ở thế giới nầy, đều thấy hết thảy chúng sinh trong sáu nẻo của các cõi kia.
Hiện tại điềm lành hiện ra là phương khác được độ. Đức Phật phóng quang minh, chẳng những điềm lành chiếu thấy thế giới nầy, mà thậm chí chiếu xuống đến địa ngục A Tỳ (địa ngục Vô Gián), địa ngụcnầy một người rớt xuống thì chật, nhiều người rớt xuống cũng chật đầy, thời gian chịu khổ chẳng gián đoạn. Chỉ cần tội nghiệp sâu nặng, thì đọa vào đó, vạn kiếp khó mà ra khỏi. Trời Sắc cứu kính tức là từng trời cao nhất của sắc giới. Từ phương đông của thế giới Ta Bà nhìn qua một vạn tám ngàn thế giới, đều thấy hết chúng sinh trong sáu đường của các cõi đó, đều thấy rõ quả báo của mỗi loài.

Sáu nẻo luân hồi là : Trời, A tu la, loài người, ba đường lành ; địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường ác. A tu la có khi liệt vào trong ba đường ác, thành bốn đường ác. Trời là do tu năm giới mười điều lành, mà được sinh về cõi trời. Làm người căn bản nhất là giữ gìn năm giới : 

1. Không sát sinh : Người giữ được giới nầy thì đắc được tuổi thọ sống lâu, được quả báo trường thọ. Ngược lại, kẻ sát sinh sẽ bị quả báo tuổi thọ ngắn ngủi hoặc chết yểu. Đó cũng nói rõ, tại sao có người sống lâu có người chết yểu.
2. Không trộm cắp : Trộm là làm tổn hại đến tài vật và phước mạng của kẻ khác, cắp là chưa được sự chấp thuận của người ta, mà mình tự lấy đồ vật hoặc tiền tài. Quả báo là trong đời nầy hoặc đời sau, tài sản của mình cũng sẽ bị người trộm cắp hoặc bị cướp đi. Nếu giữ được giới không trộm cắp, thì được giàu sang phú quý.
3. Không tà dâm : Ai dâm vợ con của người ta, thì tương lai quả báo bị người chơi lại, hoặc vợ mình chẳng trinh tiết, hôn nhân gặp nhiều sự trở ngại, gia đình ly tán, .v.v., đủ thứ chướng ngại phiền não.
4. Không nói dối : Tức là không nói láo gạt người. Có những người nói : tôi một đời đều thật thà, chưa từng lường gạt người, cũng chẳng hại người, tại sao tôi lại bị người gạt, bị người hại. Nên biết, quả báonầy chẳng phải một đời tạo ra, mà là thông cả ba đời, quá khứ hiện tại và vị lai. Xưa kia đã tạo ra nghiệpnói dối, khi nhân duyên thành thục thì nghiệp báo sẽ hiện tiền, phải thọ quả báu bị gạt, bị hại. Trong Kinh có câu rằng :

Trải qua trăm ngàn kiếp,
Nghiệp tạo ra chẳng mất,
Khi nhân duyên chín mùi,
Phải thọ lấy quả báo.

5. Không uống rượu : Cũng kể cả hút thuốc, hút cần sa, hút á phiện, ma tuý, khiến cho người mất đi lý tính. Uống rượu sẽ khiến cho người càng uống càng uống nhiều, uống càng nhiều thì càng hồ đồ, làm cho nhiễu loạn tính tình, mà làm ra đủ thứ tội lỗi thất thường, hồi đầu trở lại thì đã trăm năm. Hiện tạigiới y học rất lạm dụng đối với thuốc men, cho nên cũng liệt vào trong giới nầy. Vì xử dụng ma túy, hoặc thuốc kích thích quá độ khiến cho bệnh tình của bệnh nhân bỏ mạng, hoặc khiến cho tinh thần càng thêm hỗn loạn chẳng được yên.

Năm giới là gốc căn bản làm người, quan trọng là sửa đổi tập khí ác của : thân, khẩu, ý, ba nghiệp, tiến thêm một bước nữa thì chẳng khởi ý niệm : giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Phàm là chưa được sự hứa khả của người khác, mà tự trộm lấy đi xử dụng, là phạm giới trộm cắp. Ví như thấy người mua một bình rượu, trong tâm nghĩ : Ồ ! Rượu ngon, thôi thì uống trước một ly thử ! Khởi ý niệmnhư thế tức thì đã phạm giới trộm cắp và giới uống rượu. Có phải uống rượu của người thì không phạm giới uống rượu chăng ? Chẳng phải, tuy chẳng uống rượu của người, nhưng cũng uống sữa hoặc thức uống khác, nếu khởi ý niệm tham ái chấp trước cũng là phạm giới nầy. Ví như, thấy trong tủ lạnh có một chai sữa, bèn khởi lên một niệm tham cũng chẳng biết ba bảy hai mươi mốt, cầm lên uống, uống xong thì chẳng biết của ai mua. Sữa là việc nhỏ, nhưng chưa được sự đồng ý của người mà uống, tức cũng phạm giới ăn cắp. Nói đi cũng phải nói lại, người bị mất sữa cũng phải phản tỉnh, tại sao người ta lại ăn cắp đồ của tôi ? Ồ ! Đó là kiếp trước tôi đã từng ăn cắp tài vật của người, đó là nhân quả báo ứng. Lấy đó mà hồi quang phản chiếu, luôn luôn cảnh tỉnh mình, về sau đừng tái phạm nữa. Song, người ăn cắpsữa cũng đừng nói : hiện tại tôi ăn cắp của anh, đợi kiếp sau tôi sẽ hoàn lại. Nên biết kiếp sau có thể chẳng có vật để hoàn trả lại cho người. Tóm lại, một cây kim, sợi chỉ, cộng cỏ, khúc gỗ, chẳng phải sở hữu của mình, nếu chưa được chủ nhân đồng ý mà lấy đi, tức phạm giới ăn cắp. Đạo lý những giới cănbản khác cũng như thế.

Phước báo của trời vô cùng vô tận, nhưng cao tột đỉnh cũng có ngày sẽ đọa lạc. Hưởng hết phước báothì năm tướng suy hiện ra vẫn phải đọa lạc. Do đó, chỉ tu phước báu cõi trời mà không tu trí huệ, thì vĩnh viễ lưu chuyển ở trong sáu nẻo luân hồi. A tu la cũng tu năm giới mười điều lành, nhưng dở ở chỗ dùng tâm đấu tranh để làm công đức. Khi hành thiện bố thí thì đều thích nổi danh, tranh đệ nhất, ở trước mọi người thì tỏ thái độ nhà đại từ thiện xuất hiện, bỏ ra nhất định phải nhiều hơn bất cứ ai. Dùng phương thức huyền diệu tự ngã để làm bố thí, nói thẳng đó chẳng qua là dùng tiền bạc để mua danh, vốn chẳng phải thật tâm hành thiện, cho nên công đức đắc được cũng là hữu lậu. Còn có những kẻ hư ngụy, mặt ngoài hành thiện một cách yên lặng, nhưng trong bóng tối lại cố ý để cho mọi người biết họ đang bố thí, hành động như thế tự mình tuyên truyền ngụy quân tử, so với công đức của những người ở trên tuyên truyền tự ngã càng âm hiểm dối trá, thuộc về âm tính A tu la. Nhân mà không thẳng thì quả cong vạy. Tại nhân địa mà tâm không thẳng, thì tương lai quả báo đắc được cũng sẽ biến thành quả ác. Nếu tâm của họ bất chánh, thích đấu tranh, tâm sân quá nặng, thì đời sau sẽ thành A tu la. Do đó, khi bố thí thì đừng sai nhân quả, nên dùng tâm chân thật và tâm vui thích để hành sự, mới được quả lành. Người cũng tu năm giới mười điều lành mà ra, thuộc về năm giới mười điều lành bậc hạ. A tu la là năm giới mười điều lành bậc trung, còn chư thiên thì năm giới mười điều lành bậc thượng, đó là ba đường lành.

Quả báo của ba đường ác, đều do khởi tâm tham, sân, si. Tham quá nhiều thì sẽ thành ngạ quỷ. Người còn sống quá tham ăn, thì kết quả chết rồi, vật gì cũng ăn chẳng được, chẳng có sở hữu gì hết. Người tâm sân quá nặng, thì khi chết rồi sẽ đọa vào địa ngục, chịu đủ thứ khổ hình, như vào trong chảo dầu sôi, lên núi đao, hoặc kiếm thụ .v.v. Do đó, người có tập khí sân hận phải sửa đổi, người chẳng có sự nóng giận, thì đừng làm cho phát sinh. Học Phật có thể khiến cho con người rõ thị phi, thấu rõ sự lý, minh bạch nhân quả rồi, thì chẳng có hành vi ngu si, mà đắc được Bát nhã trí huệ. Người quá nhiều ngu si, thì tùy theo quả báo và nghiệp lực của họ, mà đọa làm súc sinh. Lời nói hành vi của kẻ ngu si, là phỉ báng Tam Bảo, bác vô nhân quả, chính mình không những không tin Phật, mà còn xúi giục người khác cũng đừng tin Phật, tự cho rằng mình rất thông minh, ương ngạnh nói học Phật là việc rất ngu rất mê tín, kết quả bị quả báo làm súc sinh.

Cho nên trong sáu nẻo luân hồi, trồng nhân lành thì được quả lành, trồng nhân ác thì được quả ác. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Trồng nhân thành Phật thì sẽ thành Phật, nhưng nếu trồng xuống nhân địa ngục, thì sẽ rơi vào địa ngục. Do đó, muốn thăng đi lên hoặc muốn đọa đi xuống, đều do mình lựa chọn. Đủ thứ tướng mạo của chúng sinh trong sáu nẻo, đều hiện ra ở trong luồng hào quangtrắng của Đức Phật. Đoạn nầy là sáu điềm lành của thế giới khác :
1. Điềm lành sáu nẻo.
2. Điềm lành thấy chư Phật.
3. Điềm lành nghe thuyết pháp.
4. Điềm lành thấy chúng đắc đạo (điềm chứng quả).
5. Điềm lành thấy Bồ Tát hạnh.
6. Điềm lành thấy chư Phật vào Niết Bàn.

Hào quang trắng, là biểu thị trung đạo liễu nghĩa, chẳng lệch bên trái, chẳng lệch bên phải, mà ở chính giữa chân mày, cũng biểu thị đạo lý pháp môn viên đốn, trung đạo thật tướng của Kinh Pháp Hoa.
Luồng hào quang trắng có thể co dãn, gần có thể chiếu xa giống như lưu ly, quang minh chiếu khắp. Tình hình nầy, cũng giống như trong bóng tối đột nhiên bậc đèn pin hoặc đèn pha, thì một luồng ánh sáng chiếu thẳng về trước phá tan bóng tối, có thể chiếu được xa. Mà luồng hào quang trắng nầy, chiếu khắp vũ trụ hư không, tùy ý chiếu phương nào cũng được, sở chiếu hiện tại là phương đông một vạn tám ngàn cõi. Trước kia, Đức Phật chẳng thị hiện phóng luồng hào quang trắng ở giữa chân mày, chỉ có trong hội Pháp Hoa mới hiện tướng điềm lành nầy. Trong pháp hội Kinh Lăng Nghiêm, khi Đức Phậtthuyết pháp, thì từ trong nhục kế vọt ra trăm luồng quang minh báu, trong quang minh vọt ra hoa senbáu ngàn cánh. Ý nghĩa của hai thứ quang minh nầy đều khác nhau. Người chỉ cần nghe được một câu, một bài kệ trong Kinh Pháp Hoa, thì đã trồng xuống nhân thành Phật. Song, phải bao lâu ? không nhất định. Người nghe được Kinh Pháp Hoa thì đều có căn lành nhân duyên. Cho nên Phật pháp và chúng tacó quan hện trọng đại. Có những người nghi ngờ, còn nói tôi không tin tôi có thể sẽ thành Phật. Thật tế, Phật pháp là tận hư không khắp pháp giới, chẳng có gì mà không dung nạp. Chúng sinh khắp pháp giời đều bao hàm ở trong Phật giáo. Dù hiện tại họ không tin nhưng tương lai họ sẽ tin, cũng có thể thành Phật, đó là chỗ vi diệu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Lại thấy chư Phật đang ở các cõi đó.
Đây là điềm lành thấy chư Phật, là Thánh và phàm tương đối. Thánh là Phật, phàm là người. Trong luồng hào quang trắng hiện ra cõi nước của chư Phật, và các Đức Phật đang giáo hóa chúng sinh. Dùng luồng hào quang trắng là có hai nghĩa :
1. Ứng cơ đầu giáo (theo căn cơ mà thuyết pháp).
2. Đoạn hoặc trừ nghi.

Giống như đức Phật A Di Đà, cũng có tướng luồng hào quang trắng, như bài kệ tán Phật A Di Đà rằng : "A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân." Biểu thị ba mươi hai tướng tốt, tám mươi hai vẻ đẹp, quang minh không thể sánh được. "Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di." Giữa chân mày phóng ra luồng hào quang trắng, chuyển động như rồng múa không ngừng, luồng quang minh rộng cỡ năm hòn núi Tu Di. "Hám mục trừng thanh tứ đại hải." Mắt trong suốt sáng ngời như nước bốn biển. "Quang trung hóa Phật vô số ức." Trong luồng quang minh trắng của Phật A Di Đà lại có hóa Phật vô sốức. "Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên." Có hóa Bồ Tát vô lượng vô biên. "Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh." Mỗi lời nguyện đếu khiến cho chúng sinh thành Phật. "Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn." Người có thể phân làm : thượng, trung và hạ phẩm, trong ba phẩm lại phân làm chín phẩm. Do đó, chín phẩm hoa sen tức là thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm ; trung thượng phẩm, trung trung phẩm, trung hạ phẩm ; hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm và hạ hạ phẩm. Chín phẩm chúng sinhnầy, khi Đức Phật A Di Đà gia bị đều lên bờ Niết Bàn bên kia.

Luồng hào quang trắng của Phật Thích Ca, cũng lớn như năm hòn núi Tu Di. Ở trong Kinh Quán Phật Tam Muội Hải có nói rằng : Khi Đức Phật Thích Ca ra đời, thì luồng hào quang trắng là năm thước, tu khổ hạnh thì mười bốn thước, thành Phật thì mười lăm thước. Ở trong không gian tướng luồng hào quang trắng, sắc trắng như lưu ly, biểu thị : thường, lạc, ngã, tịnh, tức là Niết Bàn bốn đức, trong không gian đại biểu trung đạo, cũng có nghĩa là thường, tướng nhu nhuyến là biểu thị lạc, thư thái tự tại, tùy ýcó thể dài hoặc ngắn là đại biểu chân ngã, màu trắng là thanh tịnh, cũng dụ cho Niết Bàn bốn đức : Thường đức, lạc đức, ngã đức, tịnh đức, là trung đạo bảo ấn thật tướng, ở trong luồng hào quang trắng lại thấy chư Phật ở các cõi đó, mà Đức Phật Thích Ca từ khi đản sinh cho đến nhập Niết Bàn, tu tất cả khổ hạnh, đủ thứ tướng mạo và công đức cũng hiển ở trong đó.

Và nghe chư Phật giảng Kinh thuyết pháp, cũng thấy các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, các vị tu hành đắc đạo. Lại thấy các vị đại Bồ Tát, đủ thứ nhân duyên, đủ thứ tin hiểu, đủ thứ tướng mạo, hành Bồ Tát đạo. Lại thấy chư Phật vào Niết Bàn, sau khi chư Phật vào Niết Nàn, đều đem xá lợi của Phật, đựng thờ trong tháp bằng bảy báu.
Đây là điềm lành nghe thuyết pháp. Chư Phật đều ở tại mỗi cõi thuyết pháp giáo hóa bốn chúng đệ tử(Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ), khiến cho họ y pháp tu hành mà chứng đắc A La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc đắc quả vị Phật. Đây là điềm lành về chứng quả, là người và pháp tương đối, tức cũng là điềm lành nghe pháp và chứng quả. "Lại thấy các vị đại Bồ Tát" : Lại thấy các vị Bố Tát và đại Bồ Tát. "Đủ thứ nhân duyên" : Dùng đủ thứ nhân duyên để tu đủ thứ pháp môn và giáo hóa đủ thứ chúng sinh. "Đủ thứ tin hiểu" : Là chỉ pháp bốn Diệu Đế, mười hai Nhân Duyên, lục độ Vạn Hạnh .v.v., đủ thứ sự tin hiểu. "Đủ thứ tướng mạo" : Dùng đủ thứ hạnh môn tu đủ thứ pháp. "Hành Bồ Tát đạo" : Luồng hào quang trắng của Đức Phật từ cõi nầy phóng đến cõi kia, là biểu thị tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, tức hành Bồ Tát đạo.
"Lại thấy chư Phật nhập Niết Bàn", "sau khi chư Phật nhập Niết Bàn" : Niết Bàn là không sinh không diệt, nghĩa là viên tịch. Công viên đức tịnh, công đức viên mãn. Đó là thị hiện việc chư Phật giáo hóa chúng sinh đã hoàn mãn, thu vô lượng pháp trở về một pháp, thị hiện chấm dứt việc giáo hóa. Sau đó xây tháp mà làm Phật sự, là biểu thị ban đầu ra đời, cuối cùng là tượng pháp. "Đều đem Phật xá lợi mà dựng thờ trong tháp bằng bảy báu." Xá lợi là linh cốt, sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, dùng lửa thiêu, nhặt được xá lợi rất nhiều, cho nên xây tháp mà cúng dường. Tháp có hai nghĩa : 1. Phương mộ. 2. Cao hiển. Tháp bảy báu cúng dường xá lợi, là biểu thị pháp thân của Phật sở tại, đó là điềm Phật thị hiện Niết Bàn. Những gì ở trên vừa giảng đều là điềm cõi nước phương khác.
Niết Bàn có bốn :
1. Tự tính thanh tịnh Niết Bàn.
2. Hữu dư Niết Bàn.
3. Vô dư Niết Bàn.
4. Vô trụ xứ Niết Bàn.

Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc khởi ý nghĩ như vầy : Nay Đức Thế Tôn hiện tướng thần thông biến hóa, vì nhân duyên gì mà hiện điềm lành nầy ? Nay Đức Phật Thế Tôn đang nhập tam muội, là việc ít có không thể nghĩ bàn. Bây giờ nên hỏi ai, ai là người đáp được ? Lại nghĩ thế nầy : Ngài Văn Thù Sư Lợi là con của đấng Pháp Vương, đã từng gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật trong quá khứ, chắc đã thấy tướng ít có nầy, nay tôi nên hỏi Ngài.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “5. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải - Phẩm Tựa Thứ Nhất - Phần 4”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com