Mục Lục

Hoặc gặp la sát dữ
Rồng độc các loài quỷ
Nhờ sức niệm Quán Âm
Thời chúng chẳng dám hại.

Hoặc là bạn đến rừng núi hoang dã, đi qua nơi chẳng có người ở, gặp quỷ la sát dữ, loài quỷ này rất hung ác, chúng chuyên môn ăn thịt người. Còn có rồng độc cũng hại người, chúng thường chiếm cứ một vùng, hoặc trong hồ, trong sông, trong kênh, phàm có ai đi qua chỗ cuả chúng, thì chúng phun khí độc, có thể độc chết người. Có loại rồng độc to lớn, có thể dùng hơi hút luôn cả người lẫn thuyền vào trong bụng, rất là lợi hại. Còn có rất nhiều loài quỷ. Quỷ chẳng phải chỉ có một loại, có quỷ giàu, quỷ nghèo. "Quỷ giàu" như thần thổ địa, thành hoàng, tuy chúng đều là quỷ nhưng đều làm thủ lãnh của quỷ, làm quỷ vương, đây gọi là "quỷ giàu". "Quỷ nghèo", chẳng có tiền, hoặc có rất ít, còn có loài quỷ chẳng có gì cả, vậy nói rằng quỷ vẫn dùng tiền chăng? quỷ vốn chẳng cần tiền, nhưng vì nguyên nhân tập quán ác, cho nên loài quỷ giàu cũng tham ô, quỷ nghèo cũng tựa như người, suốt ngày đến tối đều muốn kiếm chút ít tiền. Tuy nhiên bất tất phải dùng tiền, nhưng vì chúng chấp trước thành tính, biến thành một thứ mê, cho nên ham thích tiền. Chúng dùng tiền bằng giấy, tại Trung Quốc mọi người thường đốt tiền giấy cho loài quỷ.

Nếu bạn gặp những loài quỷ la sát, rồng độc, hoặc các quỷ thần, mà bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chúng tự nhiên sẽ bỏ chạy. Vì sao? Vì khi bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì trong miệng sẽ phóng quang, hết thảy tất cả loài quỷ đều sợ quang (ánh sáng), sẽ không gây thương hại bạn.

Nếu thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Nhờ sức niệm Quán Âm
Chúng vội bỏ chạy đi.
Thú dữ như lang, sói, hổ, báo, chúng là dã thú chuyên môn ăn thịt người. Núi rừng ở Mỹ chẳng có cọp, ở Trung Quốc, Ấn Độ cọp rất nhiều. Lúc còn nhỏ, có một lần tôi chạy vào trong núi, đi năm sáu ngày cũng chẳng thấy người, bèn gặp các thú dữ. Song, rất kỳ quái, cũng chẳng biết tại sao chúng chẳng ăn thịt tôi. Răng nanh của thú dữ sắc bén như dao, cũng cứng như thép. Khi bạn gặp những thú dữ bao vây, thì bạn hãy mau niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng chẳng những chẳng dám làm hại bạn, mà ngược lại vội vàng bỏ chạy. Tại sao phải chạy? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm có sự linh cảm như thế, khiến cho chúng nhìn bạn, thì tự nhiên sẽ sinh tâm sợ hãi, cho nên bỏ chạy xa lìa bạn.

Rắng độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Nhờ sức niệm Quán Âm
Nghe tiếng bỏ chạy đi.
Rắn độc đa số là màu đen. Bò cạp, nếu người nào bị nó cắn, thì lập tức trúng độc mà chết đi, đều là có "Khí độc khói lửa đốt", những thứ độc này rất lợi hại, thậm chí khiến cho người bỏ mạng. Tuy độc hại như thế, nếu bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng nghe bạn niệm : "Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát", thì chúng sẽ ẩn tàng, chạy về chỗ của chúng ở, chẳng dám tác quái nữa.

Mây sấm sét điện chớp
Tuôn mưa đá mưa rào
Nhờ sức niệm Quán Âm
Liền được trời quang tạnh.
Trên trời thường có mây, sấm sét, điện chớp, hoặc tuôn mưa đá, các thứ tai nạn. Có khi mưa đá, cục đá lớn gần bằng quả trứng gà, hoặc có cục đá lớn nặng mấy mươi gam, thậm chí xuống trúng trâu bò, thì trâu bò sẽ chết. Nếu rớt xuống trúng người, thì chẳng cần nói càng làm cho người chết. Hoặc tuôn mưa rào, nếu bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chẳng bao lâu những hiện tượng đó sẽ ngừng, chẳng còn nữa.

Chúng sinh bị khốn cùng
Vô lượng khổ bức bách
Nhờ diệu trí Quán Âm
Hay cứu khổ thế gian.
Chúng sinh tức là chúng duyên hòa hợp mà sinh, hơn nữa chúng sinh có trăm ngàn vạn thứ loài khác nhau, nên gọi là chúng sinh. Cũng có thể giải thích nói "chúng sinh" tức là sinh ra quá nhiều. Theo chữ chúng của Trung Quốc (众), ở trên là chữ tứ, (四bốn), ở dưới là ba chữ người (人), ba người tụ lại một chỗ nên gọi là "chúng". Ở trong các loài chúng sinh, phiền não nhất là loài gì? Tức là loài người : Lại phải mặc áo, lại phải ăn cơm, lại phải làm việc, vô số việc phiền não, song có đủ trí tuệ nhất vẫn là loài người, còn các loài chúng sinh kia, tuy chẳng có nhiều phiền não, song chúng cũng ngu si nhất, trí huệ chẳng như người, cho nên phải chịu người sai khiến, chi phối. Do đó, có câu: "Con người linh nhất của vạn vật", con người thông minh nhất trong vạn vật, song thông minh nhất có khi cũng làm việc ngu si nhất, tức là chính mình gây phiền não cho chính mình, chính mình vật lộn với chính mình, tức là khi bị khốn cùng, thì có vô lượng sự khổ, như chẳng có cơm ăn là khổ, chẳng có quần áo mặc là khổ, chẳng có nhà ở là khổ, đủ thứ sự khổ. Suốt ngày vì quần áo, cơm ăn, nhà ở, một đời bận rộn vì kiếm cơm ăn, thậm chí đi trộm cắp để duy trì mạng sống của mình. Tại sao phải duy trì mạng sống như thế? Là vì sự khổ bức bách, kết quả càng chiêu lại vô lượng sự khổ bức bách thân. Bồ Tát Quán Thế Âm có sức trí huệ vi diệu không thể nghĩ bàn, hay cứu hộ hết thảy sự khổ ở thế gian, cho nên chúng ta làm người, bất cứ có việc gì không được như ý, không nên ưu sầu khổ não. Bạn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tất cả mọi vấn đề đều từ từ sẽ giải quyết, chỉ cần bạn có tâm thành đối với Ngài, thì Bồ Tát sẽ đến trợ giúp bạn.

Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Chẳng cõi nào không hiện.
"Đầy đủ" là chẳng thiếu. "Sức thần thông" là gì? Thần thông có sáu thứ.

Thứ nhất là thiên nhãn thông. Thiên nhãn có thể nhìnu thấy động tác của chư thiên ở cõi trời Đao Lợi, đều nhìn thấy rõ ràng.

Thứ hai là thiên nhĩ thông, nghe được mọi thứ tiếng của người nhân gian, và chư thiên ở trên trời trong mười phương thế giới.

Thứ ba là tha tâm thông, trong tâm người khác nghĩ gì cũng đều biết hết.

Thứ tư là túc mạng thông, tức nhân quả quá khứ đều biết rõ.

Thứ năm là thần túc thông, còn gọi lày thần cảnh thông, tức có thể bay đi biến hóa tự tại.

Thứ sáu là lậu tận thông, thần thông này khó đắc được nhất. Tất cả quỷ thần đều có năm thứ thần thông ở trên, chỉ lậu tận thông là không có.

Bồ Tát Quán Thế Âm đều đầy đủ sáu thứ thần thông, cho nên gọi là đầy đủ sức thần thông. "Rộng tu trí phương tiện", do chữ "rộng" nên biết rằng Ngài chẳng những chỉ tu trì một pháp môn, mà còn tu đủ thứ các pháp môn. Giống như chúng ta bây giờ, chẳng phải chỉ có nghe kinh, mà cũng học Phật pháp, lại phải học Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi, còn phải lạy đại bi sám .v.v... phải học tập tinh thần rộng tu trí phương tiện, của Ngài Quán Thế Âm khi Ngài còn tu hành ở tại nhân điạ.

Trong các cõi nước trong mười phương, chẳng có một nước nào mà Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng đến, nơi nào Ngài cũng đến, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm đều có duyên với chúng ta tất cả chúng sinh. Chỉ cần ai niệm danh hiệu của Ngài, thì Ngài sẽ bảo hộ người đó. Còn nếu chẳng niệm danh hiệu của Ngài, thì đương nhiên Ngài chẳng đếm xỉa tới. Lý do gì? Vì bạn chẳng quan hệ gì với Ngài. Cho đến danh hiệu của Ngài cũng chẳng biết, cũng chẳng niệm, Ngài bèn nói: "Họ chẳng muốn làm bạn với mình, mình cũng chẳng hơi đâu mà lo chuyện của họ". Nếu bạn muốn làm bạn với Ngài, thì phải niệm "Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm" cho nhiều. Một khi bạn niệm danh hiệu của Ngài, thì Ngài nói: "Ta lại có thêm một người bạn, tốt lắm, nếu người bạn mới này có chuyện gì, thì ta phải giúp đỡ họ".

Có người muốn biết làm thế nào để đắc được "thiên nhãn thông"? Có nhiều phương pháp, nếu bạn chuyên tâm niệm Chú Lăng Nghiêm, cũng sẽ đắc được thiên nhãn thông, hoặc học Chú Đại Bi, và bốn mươi hai tay và mắt của Chú Đại Bi, cũng sẽ được thiên nhãn, hoặc chẳng ngủ để học Phật pháp, cũng sẽ đắc được thiên nhãn thông, bất quá phương pháp này rất nguy hiểm, tôi chẳng muốn họ y chiếu học pháp môn này, taị sao? Chắc các bạn còn nhớ tôn giả A Na Luật ở trong Kinh Lăng Nghiêm, tôn giả chuyên môn ngủ, về sau bị Phật quở, từ đó tôn giả tinh tấn dụng công, chẳng ngủ nữa, trải qua bảy ngày, mắt của tôn giả bị mù. Phật thương xót tôn giả, bèn dạy Ngài tu tam muội kim cang chiếu minh, kết quả Ngài đắc được thiên nhãn đệ nhất.

A Na Luật là tiếng Phạn, dịch là "không nghèo". Nguyên lai được tên này như thế nào ? Trong vô lượng kiếp về trước, Ngài là người mới phát tâm bồ đề, tuy chưa làm Phật giáo đồ, nhưng đã hiểu rõ đạo lý bố thí, lúc đó Ngài chỉ là người nông phu làm ruộng, đời sống nghèo nàn khốn khổ. Trong núi gần nhà của Ngài, có một vị Tỳ Kheo già ở tu, đã chứng được quả Bích Chi Phật. Vị Tỳ Kheo già đó, mỗi bảy ngày mới xuống núi để đi khất thực một lần, mỗi lần chỉ khất thực bảy nhà, tuyệt đối không khất thực nhiều nhà, nếu bảy nhà đều bố thí, thì mới đủ ăn bảy ngày. Nếu một nhà không bố thí, thì một ngày không có gì ăn.

Một lần nọ, người nhà mang cơm đến cho người nông phu đó vào buổi trưa, vốn để cho người nông phu làm rồi thì ăn, song thấy vị Tỳ Kheo già nghèo xuống núi hóa duyên, mà cũng chẳng được vật gì, người nông phu sinh tâm bố thí nghĩ : Hôm nay ta không ăn cơm, để đem phần cơm này dâng cho vị Tỳ Kheo già đó đã chứng quả Bích Chi Phật. Vị Tỳ Kheo nhận phần cơm xong, rất đặc biết hoan hỉ và khen ngợi nói : ''Như thị, như thị ! Ngươi rất thành tâm cúng dường, công đức này thật là không thể nghĩ bàn''. Sau đó đi trở về núi.

Sau đó, người nông dân nhìn thấy con thỏ chạy đến chỗ ông ta, đột nhiên trèo lên lưng của ông ta, và dính trên thân của ông ta, làm thế nào cũng chẳng rớt xuống. Ông ta lập tức trở về nhà để tìm cách lấy con thỏ xuống. Nhìn rõ ràng thì vốn là con thỏ bằng vàng. Ông ta chặt một cái chân con thỏ đi đổi tiền, trở về nhìn thì cái chân bị chặt lại mọc ra như cũ, cho nên từ đó ông ta giàu có lên. Từ đó về sau, đời đời kiếp kiếp đều giàu có, vĩnh viễn chẳng nghèo thiếu. Do ông ta cúng dường bữa cơm cho vị Bích Chi Phật, với tấm lòng thành mà được quả báo như thế, đời đời kiếp kiếp đều "không nghèo", đó là nguồn gốc tên của Ngài A Na Luật.

Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương có nói : "Cúng dường cho một trăm người ác, chẳng bằng cúng cho một người thiện. Cúng dường cho một ngàn người thiện, chẳng bằng cúng cho một người cư sĩ giữ gìn năm giới. Cúng dường cho một vạn người cư sĩ giữ năm giới, chẳng bằng cúng cho một vị Sa Di giữ mười giới. Cúng dường cho mười vạn vị Sa Di, chẳng bằng cúng cho một Tỳ Kheo. Cúng dường cho một trăm vạn vị Tỳ Kheo, cũng chẳng bằng cúng cho một vị chứng sơ quả Tu Đà Hoàn. Cúng dường một ngàn vạn vị Tu Đà Hoàn, chẳng bằng cúng cho một vị chứng nhị quả Tư Đà Hàm. Cúng dường cho một vạn vạn vị Tư Đà Hàm, chẳng bằng cúng cho một vị chứng quả A Na Hàm. Cúng dường trăm ngàn vạn vạn vị A Na Hàm, chẳng bằng cúng dường cho một vị chứng tứ quả A La Hán. Song, bạn lại cúng dường vô số chẳng cách chi đếm được số vị A La Hán, cũng chẳng bằng cúng dường một vị 'vô tu vô chứng'. Vô tu vô chứng là gì ? Tức là Phật, tức cũng là chẳng bằng cúng dường cho một vị Phật. Nhưng cúng dường Hằng hà sa số chư Phật vẫn không bằng cúng dường cho một vị vô niệm. Vô trụ, vô tu, vô chứng".

Hôm nay, nói về tôn giả A Na Luật cúng dường một vị Bích Chi Phật, mà đời đời kiếp kiếp không nghèo và còn rất giàu có, không làm thái tử con vua, thì cũng làm con trong gia đình giàu có. Cho nên chúng ta muốn đời đời kiếp kiếp đều không nghèo, thì phải cúng dường Tam Bảo, thì tương lai sẽ có cơ hội giàu có. Song, khi bạn giàu có, thì lại có vấn đề. Vấn đề gì ? đó là :

"Bần cùng bố thí khó,
Giàu sang học đạo khó".

Tôn giả A Na Luật làm sao mà được giàu có ? Vì Ngài nghèo khổ mà biết bố thí, hy sinh bữa cơm trưa của mình, đem cúng dường Tam Bảo, do một niệm chân tâm mà được vô lượng phước báu. Người nghèo chính họ đã không no, mà còn đem đi bố thí, thì chẳng còn gì để ăn, cho nên nói "bố thí khó". Còn giàu có thì sao? thì "học đạo khó". Những người giàu có, bạn kêu họ đến học Phật pháp, thì họ chẳng chịu đến. Đây là hai điều khó trong hai mươi điều.

Đủ thứ các đường ác
Địa ngục quỷ súc sinh
Khổ sinh già bệnh chết
Dần dần đều dứt hết.
Các đường ác, tức là tất cả những nơi không lành. Đủ thứ là biểu thị nhiều thứ, chẳng riêng gì một đường ác, mà có rất nhiều. Tổng cộng lại thì có bốn: A tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, đây là bốn đường ác. A tu la ở trước đã giải thích rõ ràng, chúng rất thích đấu tranh, phàm loài chúng sinh nào thích đấu tranh, đều thuộc về A tu la. Địa ngục tạo ra như thế nào? là do nghiệp chướng của mỗi người chúng ta hình thành. Bạn tạo nghiệp ác gì thì có địa ngục đó. Địa ngục lại phân ra rất nhiều loại, trong kinh Điạ Tạng có nói: "Điạ ngục lớn có mười tám, ngoài ra có năm trăm địa ngục nhỏ, và còn có trăm ngàn vô lượng vô biên điạ ngục khác". Địa ngục có phải giống như ngục tù ở nhân gian chăng? Do người xây nhà tù kiên cố, để có ai phạm tội thì nhốt vào tù chăng? Chẳng phải, điạ ngục là do nghiệp ác của mỗi người tạo ra mà hiện ra. Bạn tạo nghiệp ác giết người, thì có điạ ngục giết người hiện ra; tạo tội ác phóng lửa, thì có địa ngục phóng lửa hiện ra; tạo nghiệp gì thì có điạ ngục đó, cho nên loại địa ngục cũng chẳng nhất định. Khi nào bạn trả hết nghiệp, thì điạ ngục chẳng còn nữa, nếu nghiệp chẳng hết thì điạ ngục vẫn tồn tại.

Lúc tôi còn ở đông bắc bên Trung Quốc, thì có "Ông họ Lưu tay heo", ông ta có thể nhớ được việc nhân quả ba đời: Ban đầu ông ta là người con có hiếu, đối xử rất tốt với cha mẹ, về sau thì đầu thai vào trong gia đình giàu có. Cha của ông ta bốn mươi tuổi mới sinh ông ra, khi ông ta mươì ba tuổi thì cưới vợ, cô vợ lớn hơn ông ta một hai tuổi. Cha của ông ta tuy đã hơn năm mươi tuổi, mà dâm dục vẫn chưa dứt, lại hỏi thêm một bà vợ bé, bà vợ bé này với cô dâu tuổi xấp xỉ nhau. Ông Lưu có vợ chưa đến một hai năm thì sinh con, và con của ông ta lớn lên được mười ba tuổi, thì ông ta lại hỏi vợ cho người con. Vợ của người con cũng lớn hơn người con của ông ta vài tuổi. Trong thời gian đó, cha mẹ của ông đều đã qua đời, chỉ còn lại bà vợ bé của người cha.

Ông ta thấy bà vợ bé của người cha xinh đẽp, thì coi như là vợ của mình, và lúc đó đứa con của ông ta lại chết, ông ta thấy cô vợ của con mình tướng mạo cũng đẹp. Do đó, cô vợ của người con cũng làm vợ của mình. Lúc đó ông ta chỉ mới khoảng hai mươi tám tuổi. Khi ông ta được bốn mươi tuổi, thì mới bắt đầu giác ngộ, tự nghĩ rằng: "Ôi ta một đời tạo quá nhiều nghiệp ác, lấy mẹ của mình làm vợ, lấy con dâu cuả mình làm vợ, tội nghiệp này chẳng ít". Do đó, ông ta bắt đầu tu, chuyên trì Kinh Kim Cang.

Tụng Kinh Kim Cang hơn mười năm, ông ta vào khoảng hơn năm mươi tuổi thì chết. Chết rồi đến trước vua Diêm Vương. Vua Diêm Vương là ông vua quản lý tất cả lũ quỷ trong địa ngục, rất là lợi hại, mặt mày đen sì, chẳng đếm xỉa gì đến nhân tình, ông ta bị vua Diêm Vương hỏi : ‘’Tại sao ông cứ tạo những nghiệp ác ? Bây giờ sẽ bỏ ông vào địa ngục chảo dầu sôi, dùng chảo dầu để chiên ông.’’ Do đó, kêu hai con quỷ đến bắt ông ta bỏ vào chảo dầu sôi.

Lúc đó, bên cạnh có ông quan tòa nói : ‘’Không thể được.’’ Vua Diêm vương hỏi : ‘’Tại sao không được?’’ Quan tòa đáp : ‘’Vì ông ta đọc tụng Kinh Kim Cang, trước hết phải xả Kinh Kim Cang ở trong bụng của ông ta ra hết, rồi sau đó mới dùng chảo dầu sôi chiên.’’

Do đó, lại kêu ông ta đầu thai làm người, ông ta đầu thai vào một gia đình nghèo khổ, cha mẹ bán đồ điểm tâm. Đứa trẻ này từ nhỏ rất tham ăn, nên bụng trương lên quá to mà chết, chết rồi cha mẹ của anh ta cùng nói rằng: ‘’Tại sao bụng của nó lại to như thế ? Đáo để trong bụng có vật gì thế ? Chúng ta hãy mỗ bụng nó ra xem thử’’. Bèn mỗ bụng ra, thì có một vật rất cứng chắc tựa như đá kim cương, lũ quỷ bèn nói : ‘’Ê ! Bây giờ có thể kêu ông ta vào cạnh chảo dầu sôi là vừa.’’ Bèn mang ông ta đến gặp vua Diêm Vương nói : ‘’Bây giờ có thể kêu ông ta đầu thai làm heo.’’ Ông ta lại đầu thai làm heo, bị người nuôi heo cho ăn mập mạp rồi làm thịt. Sau đó lại trở về địa ngục để bỏ vào chảo dầu sôi, thì ông ta nói với vua Diêm Vương: ‘’Ông bất tất phải bỏ tôi vào chảo dầu sôi, hãy cho tôi đầu thai đến nhân gian làm người, ông chừa cho tôi một tay heo để làm chứng minh, tôi sẽ khuyên người đời đừng tạo tội nghiệp.’’ Vua Diêm Vương nói : ‘’Như thế cũng tốt.’’ Do đó, để cho ông ta đầu thai làm người họ Lưu. Vì ông ta có dấu tích heo, cho nên mọi người kêu ông ta là ‘’ông Lưu tay heo.’’ Người đó tôi đã gặp qua, và còn nói chuyện rất nhiều với ông ta, cho nên mới biết ông ta nhớ việc của mình rất rõ ràng. Đây tức là do nhân duyên tạo thành đường ác. Địa ngục là nơi rất nguy hiẻm, hy vọng mọi người đừng tạo nghiệp ác, bằng không thì quả báo khổ khó tránh khỏi.

Còn có một vị pháp sư tại Hợp Nhĩ Tân, một lần nọ, ông ta mắc một chứng bịnh trầm kha, cảm thấy mình chết đi, chết rồi thần thức hướng về phía ngã tư đường chạy, chạy đến cách chùa chẳng bao xa thì đi đầu thai. Đầu thai làm gì? Làm heo. Nhìn thấy mình biến thành thân heo, nhưng chẳng chịu bú sữa nên bị chết đói, chết đói rồi thần thức của ông ta lại trở lại nơi thân của vị pháp sư đó, bèn tỉnh dậy nói: ‘’Ôi , tôi vừa mới đi đầu thai làm heo!’’
- Người bên cạnh hỏi ông ta rằng: ‘’Ông đến đâu đầu thai làm heo?’’
- Ông ta nói: ‘’Bây giờ bệnh của tôi đã khỏi, tôi sẽ dẫn anh tới nơi đó xem, nơi đó vừa mới sinh bảy con heo con, tôi là một trong số đó, cố ý không bú sữa nên mới chết.’’ Bèn dẫn anh ta và các vị pháp sư khác, cùng đi đến chỗ đó, quả nhiên có gia đình nọ có con heo vừa sinh bảy con heo con, đã chết đi một con.
Đó là chính vị pháp sư đó đã trải qua, và tôi cũng đã gặp ông ta. Do đó có thể thấy, được sinh làm người chẳng phải dễ, chúng ta được thân người rất khó. Do đó có câu:

‘’Thân người khó được,
Phật pháp khó nghe
Thiện tri thức khó gặp’’.

Bạn thử tính xem, tại nước Mỹ này có bao nhiêu triệu người, song có bao nhiêu người được nghe Phật pháp? ‘’Thiện tri thức khó gặp’’: Bạn muốn gặp một vị thiện tri thức chân chánh hiểu Phật pháp, một vị thầy tốt cũng chẳng dễ dàng. Có những người làm sư phụ, mà ngay cả chính mình cũng chẳng hiểu đạo lý, họ giảng đạo lý cũng giảng chẳng đúng.
Ngạ quỷ cũng do nghiệp lực sở cảm, mới bị quả báu làm ngạ quỷ. Về ngạ quỷ tôi đã từng giải thích rất nhiều lần. Bụng của chúng to như trống, cổ họng nhỏ như kim, những vật mà chúng ta ăn, khi vào trong miệng chúng, thì cũng biến thành lửa. Cảnh giới mỗi loài mỗi khác, chư thiên nhìn thấy nước là lưu ly, chúng ta nhìn thấy nước là nước, cá nhìn thấy nước là nhà của chúng, là cung điện của chúng, quỷ nhìn thấy nước là lửa. Đó đều là nghiệp lực cảm nên, cho nê sự thấy cũng khác nhau. Súc sinh, tôi vừa mới nói vị pháp sư đó đầu thai làm heo, còn có người đầu thai làm gà, bò, ngựa .v.v... đó đều là do người làm thành. Những người nào chẳng hiếu thuận với cha mẹ, chẳng cung kính sư trưởng, thì những người đó tương lai đều có quan hệ với súc sinh. Và người nào thích ăn thịt, thì cũng rất nguy hiểm, cũng có mối quan hệ như trên. ‘’Đủ thứ các đường ác’’ tức cũng là bao quát bốn đường ác.

Khổ sinh già bệnh chết, nhân sinh có ba thứ khổ, tức là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Khổ khổ tức là khổ trong sự khổ, như người nghèo khốn khổ, tức chẳng có tiền, lại chẳng có cơm ăn, lại chẳng có nhà ở, muốn tìm việc làm lại tìm chẳng được, thật là khổ trong sự khổ. Khổ trong sự khổ này, khiến cho con người không thể chịu đựng được.

Vậy người có tiền thì chẳng khổ chăng? Khổ của người có tiền lại càng lớn, có người nói: ‘’Pháp sư thầy nói đạo lý này tôi chẳng tin’’. Bạn không tin tôi cũng nói như thế, bạn tin tôi cũng nói như thế. Tại sao? Bạn thấy tiền nhiều, thì suốt ngày đến tối đều nghĩ rằng:’’Số tiền này bỏ vào ngân hàng nào? Số tiền kia tôi phải đem đi làm ăn, còn số tiền nọ phải .v.v...’’ Đếm tới đếm lui, đếm tới đầu bạc, răng rụng, mắt hoa, tai điết, lúc đó vẫn chưa đếm xong. Chưa đếm xong thì bạn nói sẽ thế nào? Có vấn đề xảy đến, vì quá nhiều tiền, suốt ngày đến tối cứ lo đếm tiền, đếm tới đếm lui, bị kẻ trộm biết, tối đến phá cửa xông vào, ăn cắp hết mang đi, đây gọi là hoại khổ. Thứ khổ này, so với khổ bần cùng thì lợi hại hơn, vì khổ người nghèo là khổ tập quán, chẳng cảm thấy khổ như thế nào. Song, người giàu có đột nhiên mất mát đi, thứ khổ này mới là khó chịu đựng. Nhất là người già, chẳng có tiền, tất cả mọi sự đều bất như ý, đây gọi là hoại khổ.
Nói như thế thì, người không giàu cũng không nghèo thì chẳng khổ? Vẫn khổ. Khổ gì? Tức là hành khổ, do từ nhỏ lớn lên rồi già nua, già rồi chết đi, niệm niệm thay đổi, niệm niệm không ngừng. Tức nhiên chẳng có khổ về bần cùng, chẳng có khổ về giàu sang, mà có hành khổ. Ba thứ khổ này chẳng có ai tránh khỏi.

Lại có tám thứ khổ. Ba thứ khổ đã không ít, lại còn thêm tám thứ khổ. Kỳ thật là thế nào? Tám thứ khổ vẫn chưa nhiều. Sự khổ chẳng phải chỉ có tám, mà là có hàng ngàn hàng vạn vô lượng sự khổ. Khổ nhất là làm người, làm súc sinh còn sung sướng hơn làm người nhiều. Làm gì thì không khổ? Làm Phật thì chẳng khổ. Tại sao nói làm súc sinh thì sung sướng hơn làm người? Súc sinh thì chẳng lo về cái ăn, cái mặc, chỗ ở, chúng có điều kiện sinh hoạt thiên nhiên, chẳng lo lắng, bạn nói có phải chăng? Chỉ có làm người là khổ nhiều nhất. Bây giờ bất tất giảng tám vạn bốn ngàn thứ khổ, cho đến vô lượng thứ khổ, chỉ nói về tám thứ khổ, đó là: Khổ về sinh, già, bệnh, chết, thương yêu mà phải xa lìa, ghét mà gặp nhau, cầu mong chẳng được, năm ấm thiếu đốt. Trong tám thứ khổ này, bạn nói thứ khổ nào khổ nhất? Đó là khổ về sinh, nếu chẳng có sinh, thì chẳng có các thứ khổ kia.

Có người hỏi: ‘’Khổ về sinh là khổ như thé nào?’’ Tôi biết bạn chẳng còn nhớ, đã quên mất khổ về sinh. Do đó, bây giờ tôi nói cho bạn biết: ‘’Sự sinh này là do tinh cha huyết mẹ kết hợp thành, lại do thân trung ấm đến đầu thai mà có. Bào thai ở trong bụng mẹ vào tuần lễ thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, đều chẳng có cảm giác. Nếu lúc đó bà mẹ ăn đồ ăn lạnh, thì bạn cảm thấy như ở trong núi băng, cảm giác rất khó chịu, nếu bà mẹ ăn đồ ăn nóng, thì cảm giác như ở trong hầm lửa, nóng vô cùng. Ở trong bụng mẹ thì có những sự khổ như thế. Và nếu bà mẹ khom lưng, thì thai nhi cảm giác như bị núi đè rất khó chịu vô cùng. Đến lúc sinh ra thì mới là khổ nhất, đang lúc sinh thì giống như hai quả núi đè lên, cho nên khi đứa bé chào đời thì khóc oà lên, kỳ thật tiếng khóc là do khổ mà ra, cho nên mới kêu: ‘’Khổ quá, khổ quá, khổ quá’’!

Khi sinh ra thì thống khổ như rùa sống lột mai, song một khi lớn lên thì quên hết sư thống khổ đó, sau khi trưởng thành rồi bất tri bất giác thì già đi. Sự khổ của cảnh già nua cũng rất lợi hại. Tuổi già thì tai cũng điếc, họ mắng thì bạn cũng chẳng nghe. Mắt cũng mờ, nhìn vật gì cũng chẳng rõ ràng. Trước hết là lỗ tai và con mắt chẳng giúp đỡ bạn, tuy nhiên lưỡi chẳng rụng, nhưng răng thì rụng. Trước kia tôi gặp cụ già tám chín mươi tuổi, tôi hỏi ông ta: Ông đã gặp người nào rụng lưỡi chăng? Tại sao răng của ông đều rụng hết?
- Ông ta nói: Không, còn ông đã thấy chưa?
- Tôi nói: Tôi lại càng chẳng thấy qua, ông là người tuổi tác đã cao, mà còn chưa thấy người nào rụng lưỡi, tôi còn trẻ làm sao có thể gặp chuyện lạ như thế?
- Tôi lại hỏi ông ta: ‘’Ông có biết vì sao lưỡi chẳng rụng không? Trên thế gian chẳng có ai rụng lưỡi mà chỉ rụng răng.’’
- Ông ta nói: Đạo lý gì?
- Tôi nói: Vì răng quá cứng, cho nên rụng, còn lưỡi quá mềm, cho nên chẳng rụng.

Răng rụng có gì khổ? Răng rụng ăn gì cũng chẳng biết mùi vị, nhai chẳng nát cắn chẳng đứt, chỉ nuốt vào bụng lại khó tiêu hóa, bạn nói có khổ chăng? Lúc đó mặt mày nhăn nhó, do đó có câu: ‘’Da gà tóc bạc’’, da thịt rất là sù sì nhăn nhó, đầu tóc thì bạc phơ. ‘’Tóc trắng’’ này ở nước Mỹ mà nói, thì chẳng phải là người già, vì người tây phương còn nhỏ khi mới sinh ra, thì tóc đã màu trắng, đó chẳng phải là trắng bạc của người già, mà khi còn rất rẻ cũng có tóc trắng. Tóc bạc của người già là do tóc đen mà biến thành trắng, đen có thể biến thành trắng, trắng thì không thể biến thành đen, song có lúc cũng có thể. Lúc tôi ở tại Hồng Kông, thì tóc của tôi hoàn toàn bạc hết, vì tôi làm chùa, làm quá sức, suy nghĩ nhiều, nên đầu tóc bạc phơ. Về sau mọi việc gì cũng đều buông xả hết, nên tóc đen trở lại. Cho nên việc gì cũng chẳng có nhất định, bây giờ đầu tóc của tôi chỉ có chút tóc bạc.

Sự khổ về già cũng chẳng dễ gì chịu đụng, nếu bạn không tin thì hãy thử xem, đợi đến khi bạn già thì sẽ biết, bạn đừng ngại sống đến bảy, tám mươi tuổi, hoặc tám, chín mươi tuổi, thậm chí một trăm tuổi, thì lúc đó ăn vật gì cũng chẳng biết mùi vị, lúc đó bạn nghĩ lại: Trước kia có vị thầy nói về sự khổ của tuổi già, mà mình chẳng tin, bây giờ mình mới biết là thật không sai. Lúc bấy giờ bạn mới nghĩ đến việc tu đạo, thì đã quá muộn chẳng còn kịp nữa. Bình đẳng nhất là ‘’khổ về bệnh’’. Bất cứ ai cũng đều có khổ về bệnh, chẳng có bệnh nặng thì có bệnh nhẹ. Đau đầu thì đầu chẳng yên vui, đau chân thì chân chẳng yên ổn, thân đau thì thân chẳng khỏe. Bệnh có rất nhiều thứ, như có bệnh dạ dày, thì ăn vật gì cũng chẳng thoải mái, nếu bệnh phổi tì ho không ngừng. Tóm lại, ngũ tạng (tim, gan, tỳ, phổi, thận) này mà có bệnh thì khổ.

Còn có sự khổ nhất, đó là khổ về ‘’chết’’. Có người nói: ‘’Khổ về chết? Tôi chẳng biết mùi vị ra sao? Tôi muốn biết trước.’’ Vậy thì bạn hãy thử xem, chết trước một lần, song chẳng có ai bảo đảm bạn sẽ sống lại, cho nên đừng nên thử. Chết thì dễ lắm, chết rồi sẽ đi về đâu? Đây là vấn đề rất quan trọng. Chết rồi sẽ đọa vào địa ngục? Hay là súc sinh? Hoặc tái sinh làm người? Vấn đề này chẳng có ai bảo đảm.

Sinh, già, bệnh, chết, đều là khổ. Tại sao Đức Phật phải đi xuất gia? Cũng vì cảm thấy sinh, già, bệnh, chết chẳng dễ gì chịu được. Khi Ngài mười chín tuổi thì, một ngày nọ đi du ngoạn, đi đến cửa hướng đông thì thấy một người phụ nữ đang sinh đứa bé, bèn hỏi người tùy tùng rằng: Đó là việc gì?
- Người tùy tùng đáp: Đó là đang sinh đứa bé.

Thái tử thấy đứa bé đó lớn tiếng khóc la, mà người phụ nữ đó cũng đau khổ vô cùng, do đó tâm chẳng vui, bèn trở về hoàng cung.
Ngày thứ ba lại đến cửa hướng tây, thì thấy một người bệnh, do đó chẳng còn hứng thú đi nữa, bèn trở về. Ngày thứ tư đến cửa hướng bắc đi du ngoạn, thì thấy một người chết, Ngài lại hỏi tùy tùng: Đó là việc gì? - Tùy tùng đáp: Người đó đã chết!’’

Ngài lại cảm thấy rất buồn rầu, thấy cảnh sinh, già, bệnh, chết, ai cũng phải trải qua, thật là khổ, chẳng có ý nghĩa gì, bèn trở về hoàng cung.
Chính lúc đó lại xuất hiện một vị Sa môn, tức là người xuất gia. Thái tử lại hỏi: Người đó làm gì thế?
- Tùy tùng mới đến hỏi vị Sa môn: Ông làm gì vậy? - Vị Sa môn nói: Tôi là người xuất gia, tu Phật đạo, mới có thể lìa khỏi sự khổ sinh, già, bệnh, chết.
Thái tử nghe được sự tu đạo sẽ chấm dứt sinh tử, thì rất phấn khởi lại hỏi vị Sa môn: Tôi cũng có thể y theo ông tu đạo có được chăng?
- Vị Sa môn trả lời: Ai tu cũng được, bất cứ ai cũng có thể xa lìa sự khổ về sinh già bệnh chết.

Sau khi Thái tử trở lại hoàng cung, thì nửa đêm cùng với Xa Nặc vượt thành xuất gia tu hành. Đức Phật vì cảm thấy sinh già bệnh chết chẳng có ý nghĩa gì, cũng chẳng biết sinh từ đâu đến ? Cũng chẳng biết chết rồi sẽ đi về đâu. Cho nên bèn phát tâm xuất gia, đến núi Tuyết tu khổ hạnh sáu năm, vì muốn tránh khỏi sự khổ sinh già bệnh chết. Ai cũng đều có sinh, nhưng chẳng có ai tránh khỏi sự chết, mọi người tương lai đều phải chết, có người chết an lành, có người chết chẳng an lành, có đủ thứ sự chết khác nhau. Có người chết vì bệnh, có người chết vì đói, có người làm việc nhiều quá lao lực mà chết, có người chết vì tai nạn, có người bị đá trên núi lăn xuống đè chết, hoặc có người đánh lộn bị người đánh chết, hoặc chết ngoài chiến trường, hoặc bị thuốc độc mà chết, hoặc có người tự tử, hoặc có người chẳng muốn chết mà chết, có người muốn chết lại không chết, cho nên sự chết có đủ thứ sự khác nhau.

Tuy là chết khác nhau, nhưng quả báo tương lai cũng khác nhau. Ví như những người chết oan, tức là bị xe cán chết, hoặc bị nước ngập chết, hoặc bị lửa thiêu chết, ở trong sự vô ý phát sinh tai nạn mà chết đi, thì những người này thuộc về chết oan. Hồn quỷ của họ vua Diêm Vương chẳng quản, quỷ cũng chẳng quản. Vậy lúc đó họ rất tự do chăng ? Tuy nói là tự do, song là con quỷ tự do, chứ chẳng phải người tự do. Người tự do thì có khi cũng chẳng giữ quy cụ, hà huống là quỷ. Quỷ tự do cũng chẳng giữ quy cụ. Người chết oan thì muốn bắt quỷ khác thay thế họ. Ví như nơi nào đó trên đường lộ, từng xảy ra tai nạn chết người, thì nơi đó cứ mỗi năm, hoặc trong vòng ba năm, lại xảy ra tai nạn chết người nữa. Nguyên nhân gì ? Vì hồn oan quỷ ở tại nơi đó đợi, nhất định phải làm cho người khác chết để họ đi đầu thai, bằng không thì họ vĩnh viễn ở đó không thể đi đầu thai.

Nếu người tự tử uống thuốc độc chết, đến địa ngục chịu hình phạt rất là thống khổ. Hình phạt gì ? Lúc còn sống uống thuốc độ mà chết, thì ở trong địa ngục phải uống nước cốt sắt nóng, vào trong bụng thì ngũ tạng bên trong đều bị thiêu đốt, chết đi rồi lại có gió xảo phong trong địa ngục thổi thì lại sống dậy. Sống dậy rồi lại uống nước cốt sắt nóng, sau đó bị chết di, chết rồi lại bị gió xảo phong thổi, lại sống dậy, cứ như thế một ngày đêm đều chịu hình phạt như thế, rất khó mà chịu đựng.

Song, nếu bạn có thể niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dần dần sinh già bệnh chết, đủ thứ sự thống khổ đều chẳng còn nữa.
Đây là nói về bốn thứ khổ về thương mà xa lìa. Thương yêu ai ai cũng biết, thương yêu cũng có thể nói là ham muốn. Có người ham sắc, có ngườì thích danh, có người ham tài, cũng có người thích lợi. Ví như có người giàu có, tính toàn chuyện làm ăn lớn để kiếm tiền song làm ăn thất bại lỗ vốn, mất tiền. Đây là người và lợi xa lìa, vốn chẳng muốn xa lìa khỏi tiền bạc, nhưng tiền chẳng còn nửa, đây cũng là khổ về ái biệt ly. Sắc tức là vấn đề nam nữ, người nam thương người nữ, người nữ thương người nam, hai bên thương yêu với nhau, song vì nhân quả kiếp trước gieo trồng chẳng tốt, cho nên sự thương yêu này chẳng được lâu dài, vào dịp nào đó hai bên sẽ chia ly. Khi chia ly, nếu chẳng có thương yêu chân chánh thì cũng không sao; còn nếu một bên chấp trước vào ái tình, thì sẽ rất đau khổ. Đây là ái biệt ly khổ về thương yêu sắc đẹp. Còn có ái biệt ly khổ về danh. Danh sao lại có biệt ly ? Có người nói như vầy : ‘’Danh dự là sinh mạng thứ hai của con người vậy.’’ Cho rằng có danh tốt, tức là sinh mạng thứ hai của mình, song sinh mạng thứ hai này bị hủy hoại, thì biến thành danh dự quét đất.

Bổn lai chẳng muốn mất danh dự, song chẳng có cách nào hơn, vì nhất thời làm việc sai lầm, khiến cho danh dự mất đi, đây cũng là một thứ khổ ái biệt ly về danh. Khổ ái biệt ly rất nhiều. Ví như vợ chồng chẳng phân ly, nhưng sinh ra đứa con xinh đẹp dễ thương lại thông minh, quý trọng đứa con như châu báu, song đột nhiên đứa con đó qua đời, lúc đó họ rất đau đớn buồn rầu không ngui, đó cũng là ái biệt ly khổ. Hoặc có người rất có hiếu với cha mẹ, rất cung kính thương yêu, vốn chẳng muốn cha mẹ lìa khỏi mình, song chẳng may cha mẹ qua đời, đó cũng là ái biệt ly khổ.

Tức nhiên biết khổ về ái biệt ly, nhưng đừng chấp trước về ái, đừng đặc nặng sự thương yêu về một người, mà hãy thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, hành Bồ Tát đạo để độ tất cả chúng sinh, đừng nghĩ tưởng riêng mình, hãy nghĩ tưởng vì chúng sinh, được như thế thì chẳng có khổ về ái biệt ly.

Sự khổ về ái biệt ly này, có người càng chấp trước về ái tình, chẳng có khổ mà tự mình đi tìm khổ. Giống như có những chàng thanh niên vừa kết hôn rồi, suốt ngày đến tối cứ buồn rầu. Buồn về chuyện gì ? Sợ vợ của y đi tìm bạn trai khác bên ngoài, đó chẳng phải không có khổ mà đi tìm khổ chăng ? Cũng có những người phụ nữ kết hôn rồi, nhưng người chồng quá đẹp trai, nên suốt ngày cứ buồn bã sợ chồng của cô ta có bạn gái khác, thậm chí nghĩ đến thì không thể ăn cơm. Bạn nói đó có phải là quá ngu si chăng ? Còn những người chẳng thương người mà thương chó, lại có người thương mèo, coi chó mèo như mạng sống của mình, cho đến đối với tất cả súc sinh hoặc vật chất đều sinh tâm thương yêu. Khi sinh tâm thương yêu thì cũng rất xảo diệu, thương chó mà chó chết đi, thương mèo mà mèo cũng mất đi, họ cũng đau đớn khóc lóc, đó cũng là ái biệt ly khổ. Tóm lại, đối với bất cứ sự vật gì mà bạn nhìn chẳng thấu, buông xả chẳng đặng, và khi có sự phân ly, khiến cho bạn chẳng được sở nguyện như ý, thì cảm thấy rất thống khổ, đó đều gọi là khổ về ái biệt ly.

Có người nói : ‘’Chỉ thương yêu mà có nhiều sự khổ như thế, thì tôi chẳng thương yêu nữa, về sau tôi bắt đầu ghét.’’ Ghét tức là không thương, có sự chán ghét, có tâm oán hận, đối với sự vật gì cũng đều chẳng thương yêu, đó là sai lầm. Vậy nói thương yêu là có khổ, còn nếu không thương yêu ? Cũng có khổ như nhau, tức là có khổ về ‘’Ghét mà gặp nhau.’’ Trong trường hợp nào đó, bạn đều cảm thấy rất chán ghét, rất hận những người khác và cũng chẳng có duyên với bất cứ ai, cảm thấy người nào cũng đều không tốt, cho nên ai tôi cũng đều chẳng hoan hỉ. Bạn chẳng thương người, cũng chẳng thương chó, càng chẳng thương mèo, gì cũng đều chẳng thuận mắt, thấy vật gì cũng đều nổi giận. Do đó, dọn nhà đi đến chỗ khác ở, không ngờ về chỗ đó rồi, lại gặp những người và vật như ở trên, thậm chí còn tệ hơn hoàn cảnh ban đầu.

Những sự tình mà bạn chẳng muốn thấy, càng thấy càng chán ghét, thì những sự tình đó lại càng đến. Rất kỳ lạ, rất kỳ lạ ! Bạn sợ thấy mèo, mà suốt ngày đều có mèo chạy đến chỗ bạn, đánh nói cũng chẳng chạy. Ghét chó, vừa mới thương đó, bây giờ lại ghét, bạn càng ghét nó, thì nó càng gần gũi bạn. Bạn ghét phụ nữ, mà người phụ nữ đó suốt ngày cứ đến tìm bạn. Bạn chẳng vui vẻ lại muốn dọn nhà, đến nơi khác lại có những người và hoàn cảnh như thế, còn tệ hơn lúc trước, chẳng có ngày nào vui vẻ thoải mái. Bạn nói đó có khổ chăng ?

Sự khổ này từ đâu đến ? Vốn từ trong tự tánh của bạn chiêu cảm đến, vì tự tánh của bạn thiếu định lực. Bạn ở nơi đó chẳng có hòa khí với những người lân cận, thì dọn đến chỗ khác cũng chẳng hòa khí, đó chẳng phải là người ta đối với bạn không tốt, mà là chính bạn đối với người không tốt. Vì mình cảm thấy chẳng có duyên với bất cứ ai, cho nên người khác đối với bạn cũng chẳng có duyên. Vậy cảm thấy tốt cũng là khổ, cảm thấy không tốt vẫn là khổ, thì làm cách nào ? Phải hợp với trung đạo, đối với bất cứ việc gì cũng đừng thái quá, thái quá thì cũng như bất cấp. Sự khổ về ghét mà gặp nhau này kỳ quái như thế. Bạn càng không thích điều gì, thì điều đó lại đến; bạn chẳng muốn gặp người uống rượu, mà người đó suốt ngày ở bên cạnh bạn. Chẳng thích người hút thuốc, mà người hút thuốc cứ đến nhà bạn. Chẳng thích người đánh bạc, mà người đánh bạc mỗi ngày cứ đến tìm bạn. Tại sao ? Vì bạn có sự oán ghét, cho nên tụ lại một chỗ là khổ. Sự khổ về oán ghét gặp nhau, và ái biệt ly, đều là vì mình không minh bạch chân chánh về trung đạo, bị lệch về một bên, lệch về một bên nên mới có khổ. Nếu giữ trung đạo thì chẳng có khổ.

Tin rằng chẳng có ai nhàm chán oán ghét ‘’tiền bạc’’, song nếu bạn càng ghét tiền, càng ham nó, thì nó càng không đến. Ham thích mà nó chẳng đến, tức là ‘’khổ về cầu chẳng được’’.

Vừa mới nói ái là khổ, ghét cũng khổ, trong ái có sở cầu, có sở cầu mà cầu chẳng được. Có người suốt đời muốn cầu phát tài, song lao lực khổ nhọc, từ khi biết làm ăn cho đến già, đều muốn phát tài, nhưng đến khi chết cũng chẳng phát tài, vẫn nghèo sơ nghèo xát, đó là khổ về cầu chẳng được. Có người cảm thấy làm quan là tốt, do đó bằng mọi cách cầu làm quan, song cầu suốt đời cuối cùng cũng chẳng được, đó cũng là khổ về cầu chẳng được. Có người suốt đời cầu danh, song một đời cũng cầu chẳng được. Có người chẳng có con, thì muốn sinh người con thông minh, xinh đẹp, song cầu tới cầu lui, cũng cầu chẳng được, đó cũng là khổ về cầu chẳng được. Suốt cuộc đời không cầu cái này thì cầu cái kia, song chẳng cầu được cái gì cả. Những người đi học thì mong làm bác sĩ, song quá khứ chẳng tài bồi căn lành học vấn, nên học đến già mắt chẳng còn thấy, tai chẳng còn nghe được nữa, học suốt đời cũng chẳng đậu được bác sĩ.

 Ở Trung Quốc có người tên là Lương Hạo, học đến tám mươi hai tuổi mới đỗ trạng nguyên, song được trạng nguyên rồi chẳng bao lâu thì chết, tuy cầu được, nhưng chưa hưởng thụ thì chết mất, đó cũng là khổ. Cầu cái này chẳng được, cầu cái kia không thành, tóm lại những gì bạn tham cầu mà chẳng được, đó đều là khổ.
Lại có khổ về năm ấm, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ở trong Tâm Kinh có nói : ‘’Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.’’ Nếu bạn nhìn nó đều là không, thì chẳng có khổ. Năm ấm này thiêu đốt rất là hừng hẫy, là khổ nhất, song ai ai cũng chẳng lìa được năm ấm này. Bảy thứ khổ ở trên vừa nói là thuộc về cầu khổ; còn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, này có đủ ở trong tự tánh, luôn luôn đều bên cạnh bạn, muốn lìa cũng lìa chẳng được, đây gọi là khổ về năm ấm thiêu đốt.

Quán chân quán thanh tịnh
Quán trí huệ rộng lớn
Quán bi và quán từ
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

‘’Quán chân quán thanh tịnh’’: ‘’Quán chân’’ là gì ? Tức là quán chân không. Chân không tức là chẳng có tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, đó gọi là quán chân không. Tuy là chẳng có tướng ta, chẳng có tướng người, chẳng có tướng chúng sinh, chẳng có tướng thọ mạng, nhưng cũng chẳng lìa khỏi tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng. Do đó, ‘’vô tướng’’ chứ chẳng phải lìa khỏi ta, người, chúng sinh, thọ mạng, mới không có tướng, mà là ở tại tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, chẳng có tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, đây gọi là tại tướng mà lìa tướng, tức cũng như lúc trước tôi thường nói:

‘’Mắt thấy hình sắc bên trong chẳng có,
Tai nghe việc đời tâm chẳng hay.’’

Minh bạch có hình có sắc, mà tại sao bên trong chẳng có ? Là vì chẳng chấp trước. Đây là quán không, cũng giống như đại viên cảnh trí.
Trong đại viên cảnh trí, tuy nhiên có vật tất hiện, có tướng tất ứng, có cảnh giới gì, thì hiện cảnh giới đó, song nó chẳng lưu lại dấu vết. Quán chân không của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng tức là như vậy.

Quán thanh tịnh : Thanh tịnh là đối với nhiễm ô mà nói. Nhiễm ô là gì ? Có sự chấp trước tức là mhiễn ô, có sự ái trước cũng là nhiễm ô, có sự tham trước cũng là nhiễm ô. Thanh tịnh là chẳng có mọi sự tham, sân, si, nếu có tham sân si thì chẳng thanh tịnh. Ví như sự bố thí, một số người bố thí thường phạm tư tưởng như vầy : ‘’Người này có chút quan hệ với tôi, anh ta là bạn thân của tôi, hoặc là ở gần tôi, tôi phải bố thí cho anh ta, giúp đỡ anh ta.’’ Đa số trước khi bố thí, đều so sánh người xa gần, có quan hệ, sau đó mới bố thí cho người xa. Đó là đã có tâm phân biệt xa gần thân sơ, có tâm chấp trước tướng, thì không thể vô tướng bình đẳng bố thí, đó cũng gọi là quán bất thanh tịnh.

Bố thí pháp của Bồ Tát Quán Thế Âm, là Ngài chẳng phân biệt ta người, chẳng phân biệt kẻ thân người lạ, chẳng phân biệt xa gần, chỉ vì bố thí mà bố thí. Bố thí gồm có bố thí tiền tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Bố thí tài lại có bố thí nội tài, và bố thí ngoại tài. Ngoại tài là vật ngoài thân, nội tài là vật trong thân. Khi Bồ Tát hành Bồ Tát đạo thì có tài thí, tài thí này hướng bên ngoài thí xả đất nước, vợ con, đem tất cả đất nước bố thí cho người khác, đem vợ của mình và con cái của mình, đều bố thí cho chúng sinh, đó mới là thật bố thí, thật xả bỏ, mới đến tất cả ruộng đất, nhà cửa, sự nghiệp, đều bố thí cho người có đạo đức, đây gọi là bố thí ngoại tài.

Bố thí nội tài : Tức là đem đàu, mắt, tủy, não, tính mạng của mình bố thí hết. Trong tâm thường nghĩ : ‘’Nếu có thể đem thân này để cứu tất cả chúng sinh trên thế giới, thì tôi sẽ đem thân thể này bố thí cống hiến cho thế giới. Cho đến quả tim của tôi cũng bố thí cho người, sinh mạng cũng bố thí cho người. Nếu như có người cần cái đầu của tôi, thì tôi chặt cái đầu này xuống để dâng cho họ.’’

Như Ngài Xa Lợi Phất khi thực hành Bồ Tát đạo, thì có người xin Ngài một con mắt, Ngài Xá Lợi Phất bèn móc một con mắt ra bố thí cho anh ta, song anh ta nói : ’’Ông lầm rồi, tôi chẳng muốn con mắt này, mà tôi muốn con mắt kia.’’ Do đó, Ngài Xá Lợi Phất thối bồ đề tâm. Ngài nghĩ : ‘’Bồ Tát đạo rất khó thực hành.’’ Ngài chỉ xả bỏ một nửa nội tài, còn nửa kia xả chẳng được. Nhưng Bồ Tát thì nghĩ như vầy: ‘’Nếu có thể lấy não và cốt tủy của tôi làm thành thuốc để cứu người, thì tôi cũng nguyện bố thí.’’ Đây gọi là bố thí nội tài. Phàm là những gì thuộc về thân thể, trí huệ, tinh thần, đó đều gọi là nội tài.
Còn có bố thí pháp, tức là thuyết pháp giáo hóa chúng sinh. Sự bố thí này lớn hơn hết, do đó:

‘’Trong các sự bố thí,
Bố thí pháp là hơn hết.’’

Bố thí pháp là quan trọng nhất. Cho nên hiện tại chúng ta ở tại Phật Giáo Giảng Đường này, tuy giảng đường chẳng lớn, nhưng pháp lực cũng không nhỏ. Ngày thứ năm do Quả Địa giảng, ngày thứ sáu do Quả Phổ giảng, ngày thứ bảy do Quả Toàn giảng, ngày chủ nhật thì bắt đầu giảng Phẩm Phổ Môn.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “60. Phẩm Bồ Tát Quán Thế Âm Thứ Hai Mươi Lăm - Phần 5”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com