Mục Lục

Khuyên trì là gì ? Khuyên là khuyên nói, trì là phụng trì. Tức là bạn có thể dùng đủ thứ lời lẽ khuyên nói người khác, hoan hỉ đọc tụng bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, hoặc là hoan hỉ phụng trì bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, thì chắc chắn sẽ có công đức không thể nghĩ bàn. Nếu không tin thì đừng ngại hãy thử xem ! Một khi đọc kinh nầy, thì cảm thấy diệu không thể tả. Muốn không đọc tụng cũng không thể ngưng được. Do đó, hằng ngày đọc tụng kinh nầy, hằng ngày phụng trì kinh nầy, thì có vô lượng công đức.

Các vị hằng ngày nghe Kinh Pháp Hoa càng có vô lượng công đức. Kinh Pháp Hoa là vua trong các kinh, là kinh thành Phật. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, đều khuyên nói mọi người đọc tụng thọ trì bộ Kinh Pháp Hoa nầy.Đây là một phẩm trong hai mươi tám phẩm Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ mười ba, cho nên gọi là Phẩm Khuyên Trì Thứ Mười Ba.

Bấy giờ, đại Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết, cùng hai vạn vị Bồ Tát quyến thuộc, cùng nhau đồng đến trước đức Phật phát thệ nguyện rằng : Xin nguyện đức Thế Tôn, đừng lấy làm lo lắng, sau khi đức Phật diệt độ, chúng con sẽ phụng trì đọc tụng diễn nói kinh này.
Sau khi Đức Phật nói xong phẩm Đề Bà Đạt Đa, tiếp theo là Phẩm Khuyên Trì. Lúc đó, đại Bồ Tát Dược Vương và Đại Bồ Tát Dược Thượng, cùng với hai vạn vị Bồ Tát quyến thuộc, cùng nhau đồng đến trước Đức Phật phát thệ nguyện rằng : ‘’Chúng con đại chúng xin nguyện đức Thế Tôn yên tâm, đừng vì việc nầy mà lo lắng. Sau khi Thế Tôn vào Niết Bàn, chúng con đại chúng sẽ phụng trì đọc tụng bộ Kinh Pháp Hoa nầy, sẽ cung kính cúng dường bộ Kinh Pháp Hoa nầy‘’.

Trong quá khứ Bồ Tát Dược Vương tên là Tinh Tú Quang. Lúc ấy, có Tỳ Kheo Nhật Tạng tuyên dương truyền bá chánh pháp. Ông ta đem các thứ thuốc A lê lặc dâng lên Tỳ Kheo Nhật Tạng, và đại chúng phát nguyện đời sau, hay trị lành hai bệnh thân, tâm của chúng sinh, đời đời làm lương y, khéo trị bệnh, có thuốc đến thì bệnh tiêu trừ. Ông ta biết rành tính thuốc thảo, mộc, kim, thạch, bốn thứ. Như cam thảo thì ngọt, hoàng liên thì đắng. Tính lạnh trị được bệnh nhiệt, tính nóng trị được bệnh lạnh.

Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát có đủ bốn vô ngại biện :

1. Pháp vô ngại biện : Nói được pháp thế gian và xuất thế gian, đối với tất cả các danh tướng, chẳng có gì mà không biết. Tuy biết tất cả các pháp, song chẳng chấp trước các pháp.

2. Nghĩa vô ngại biện : Nói phân biệt được nghĩa của các pháp, thông đạt vô ngại. Tuy biết nghĩa lý của các pháp, song chẳng chấp trước.

3. Từ vô ngại biện : Trong một lời bao hàm vô lượng nghĩa. Đối với từng lời lẽ thông đạt tự tại, viên dung vô ngại.

4. Lạc thuyết vô ngại biện : Tùy thuận sự vui thích của chúng sinh, mà thiện xảo phương tiện nói Phật pháp, cho nên gọi là Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết.

Chúng sinh đời ác sau này, căn lành dần dần bớt đi, tăng nhiều thượng mạn, tham lợi cúng dường, tăng trưởng căn chẳng lành, xa lìa giải thoát. Tuy khó có thể giáo hóa, nhưng chúng con sẽ khởi sức nhẫn nhục lớn, đọc tụng kinh này, biên chép giải nói, đủ thứ cúng dường, chẳng tiếc thân mạng.
Chúng sinh trong đời ác năm trược chẳng tin Phật, nói Phật pháp cũng chẳng ai nghe. Tại sao ? Vì căn lành của chúng sinh dần dần giảm bớt đi, cho nên phước mỏng manh. Tuy nhiên người tăng trưởng căn lành giảm bớt, song người tăng thượng mạn thì nhiều. Như có người nói : ‘’Các vị có biết tôi là ai ? Tôi là Phật, chẳng những tôi đã thành Phật, mà mọi người cũng đều là Phật.’’ Đó là biểu hiện tăng thượng mạn.

Thứ người đó chẳng biết hổ thẹn, đối với kinh điển của Phật nói, y chẳng hiểu một bộ kinh nào hết, vậy mà chẳng biết hổ thẹn nói mình là Phật. Thứ người đó tương lai chắt chắn sẽ đọa vào địa ngục vô gián. Tại sao tự nói mình là Phật ? Đó là vì tham đồ lợi ích, tham đồ cúng dường. Như thế thì tăng thêm căn chẳng lành, vĩnh viễn xa lìa đạo giải thoát. Giải thoát là gì ? Nói đơn giản là chẳng chấp trước những thứ gì, đắc được cảnh giới vô câu vô thúc, thân tâm tự tại.
Người tăng thượng mạn tuy khó giáo hóa, song chúng con đại chúng dùng sức đại nhẫn nhục để giáo hóa, độ thoát họ. Dùng phương pháp gì để độ ? Hoặc là đọc tụng Kinh Pháp Hoa, hoặc là thuyết giảng Kinh Pháp Hoa, hoặc là biên chép ấn tống Kinh Pháp Hoa, thậm chí chẳng tiếc thân mạng để cúng dường Kinh Pháp Hoa.

Thuở xưa, có vị Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến (tiền thân của Bồ Tát Dược Vương), Ngài phát tâm đốt thân cúng dường Phật và Kinh Pháp Hoa. Chư Phật cùng khen ngợi rằng : ‘’Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Là chân tinh tấn, gọi là chân pháp cúng dường Như Lai‘’. Trí Giả đại sư đọc kinh đến chỗ nầy, đột nhiên nhập định. Ở trong định thấy pháp hội trên núi Linh Thứu chưa tan. Đức Phật Thích Ca vẫn vì các đại Bồ Tát và hàng Thanh Văn diễn nói Kinh Pháp Hoa. Cảnh giới đó thật là không thể nghĩ bàn.
Nhân tạo ra đời ác trược là do tâm trược mà ra. Nếu ai ai cũng thanh tâm quả dục, chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng lợi mình, chẳng nói dối, thì tâm tự nhiên thanh tịnh, trở thành cõi tịnh độ nhân gian. Năm trược là gì ? Tức là :

1. Kiếp trược : Tuổi thọ con người vốn là tám vạn bốn ngàn tuổi, song vì phước cạn mỏng, dần dần giảm bớt mà đi vào kiếp trược. Kiếp trược vốn chẳng có thể, lấy bốn trược làm thể.

2. Kiến trược : Vì kiến giải của chúng sinh chẳng chân chánh, mê hoặc chánh kiến, trở thành kiến hoặc, tức cũng là năm lợi sử : Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cẩm thủ kiến).

3. Phiền não trược : Sáu căn đối với sáu trần, bèn sinh năm độn sử (tham, sân, si, mạn, nghi) mà có đủ thứ phiền não sinh ra.

4. Chúng sinh trược : Vì ảnh hưởng thọ kiến trược và phièn mão trược, nên phước báo của chúng sinh càng tổn giảm, còn khổ báo thì dần dần tăng lên, cho nên gặp nhiều tai họa.

5. Mạng trược : Chúng sinh vì phiền não sinh, nên thân tâm ốm gầy, cho nên mạng sống ngắn ngủi.

Bấy giờ, năm trăm vị A la hán ở trong chúng, được thọ ký bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Chúng con cũng tự thệ nguyện, ở cõi nước khác rộng nói kinh này.
Lúc đó, ở trong chúng có năm trăm vị A La Hán đều được Đức Phật thọ ký, các Ngài đại chúng cùng hướng Phật nói : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con năm trăm A La Hán cũng tự phát thệ nguyện, đến cõi nước khác hoằng dương Kinh Pháp Hoa, chẳng khi nào lười mỏi‘’.

Lại có bậc hữu học, và vô học hai ngàn người được thọ ký, từ tòa ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về đức Phật phát thệ nguyện nói : Đức Thế Tôn ! Chúng con cũng sẽ ở cõi nước khác, rộng nói kinh này.
Lại có Tỳ Kheo hữu học (sơ quả, nhị quả, tam quả A La Hán) và các Tỳ kheo vô học (tứ quả A La Hán), cùng với tám ngàn người đều được Đức Phật thọ ký. Đại chúng cùng nhau từ tòa ngồi đứng dậy, cùng chắp tay hướng về Đức Phật, mà phát thệ nguyện rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con tám ngàn người, cũng đến mười phương cõi nước khác, để rộng nói bộ Kinh Pháp Hoa nầy chẳng ngừng nghỉ‘’.

Sơ quả A La Hán là kiến đạo vị (bậc thấy đạo). Nhị quả và tam quả A La Hán là tu đạo vị (bậc tu đạo), cho nên gọi là hữu học vị (bậc hữu học). Tứ quả A La Hán là chứng đạo vị (bậc chứng đạo), cho nên gọi là vô học vị (bậc vô học).

Tại sao ? Vì nhiều người ở thế giới Ta Bà tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng, tâm sân hận ô trược siểm khúc chẳng thật.
Tại sao ? Vì người ở thế giới Ta Bà tính tình đa số rất tệ ác. Trong tâm ôm lòng cống cao ngã mạn, khinh khi mọi người. Công đức của họ vừa cạn vừa mỏng, tâm của họ sân hận nhất, ô trược nặng nhất, siểm cuống nhất, chẳng chân thật.
Chúng sinh ở thế giới Ta Bà hay kham nhẫn mọi sự khổ, lấy khổ làm vui, chẳng biết tu pháp lìa khổ được vui, suốt ngày dụng công trên sự danh lợi, bạn tranh thì tôi giành, chẳng ngừng nghỉ. Vì khởi hoặc, tạo nghiệp, cho nên thọ quả báo. Nếu hồi quang phản chiếu, vạn duyên buông bỏ, thì tự nhiên thoát khỏi luân hồi, do đó :

‘’Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ .’’

Bấy giờ, dì của đức Phật là Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, với các Tỳ Kheo Ni hữu học và vô học sáu ngàn người, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, một lòng chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan đức Thế Tôn, mắt chẳng tạm rời.
Lúc đó, dì của Đức Phật, cũng là mẹ kế của Đức Phật, Tỳ Kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Đại Ái Đạo), với các vị Tỳ Kheo ni hữu học và vô học, cả thảy là sáu ngàn người cùng nhau đứng dậy, chuyên tâm chắp tay lại chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật, mắt chẳng tạm rời, tựa như nhập định.

Tỳ Kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, là em gái của Ma Gia phu nhân. Sau theo Phật xuất gia trở thành Tỳ Kheo ni bậc nhất, tức là người lãnh đạo các Tỳ Kheo ni. Đương thời họ muốn xuất gia tu đạo, Phật vốn chẳng cho phép, sau tôn giả A Nan ba lần thỉnh cầu Đức Phật, cuối cùng Phật miễn cưỡng đáp ứng.

Lúc đó, đức Thế Tôn bảo Kiều Đàm Di rằng : Sao lại buồn rầu mà nhìn Như Lai ! Có phải trong tâm ngươi cho rằng, ta không nói đến tên ngươi, thọ ký quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng !
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Kiều Đàm Di (Tỳ Kheo ni thượng thủ) : ‘’Vì sao ngươi buồn rầu nhìn ta như thế ? Ở trong tâm ngươi có phải vì ta không nói đến tên ngươi, thọ ký quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác‘’ ? Phật hòa nhan duyệt sắc hỏi, khiến cho hàng đệ tử hòa mục khả thân, tự nhiên khởi kính.

Kiều Đàm Di ! Trước ta đã nói tổng quát, tất cả hàng Thanh Văn đều đã thọ ký. Nay ngươi muốn biết thọ ký chăng ? Đời vị lai ngươi sẽ làm đại pháp sư, ở trong sáu vạn tám ngàn các Phật pháp, và sáu ngàn vị Tỳ Kheo ni hữu học vô học, cũng đều làm pháp sư.
Đức Phật bảo Kiều Đàm Di ! Ta ở trước vừa nói tổng quát tất cả hàng Thanh Văn (nghe tiếng của Phật mà ngộ đạo), đều đã được thọ ký. Bây giờ ngươi muốn biết thì hãy chú ý nghe. Ở đời vị lai trải qua sáu vạn tám ngàn ở trong các Phật pháp, ngươi sẽ làm đại pháp sư và sáu nghìn vị Tỳ Kheo ni hữu học và vô học kia, cũng đều làm pháp sư.

Đại pháp sư có mười đức :
1. Khéo biết nghĩa của pháp.
2. Hay rộng tuyên nói.
3. Ở trong đại chúng chẳng sợ.
4. Khéo nói phương tiện.
5. Vô đoạn biện tài.
6. Pháp tùy đức hành.
7. Đầy đủ oai nghi.
8. Dũng mãnh tinh tấn.
9. Thân tâm chẳng mệt.
10. Thành tựu sức nhẫn nhục.
Đầy đủ mười đức hạnh nầy, mới đủ tư cách xưng là đại pháp sư.

Như thế, ngươi dần dần đầy đủ Bồ Tát đạo, sẽ được thành Phật, hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Như thế ngươi trải qua sáu vạn tám ngàn ức chư Phật, gần gũi chư Phật, cúng dường chư Phật, dần dần đầy đủ Bồ Tát đạo. Đến khi ba giác tròn vạn đức đầy, thì sẽ thành Phật, hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến Như Lai. Đầy đủ mười hiệu, tức là:

Như Lai : Thừa đạo như thật, lai thành chánh giác.

Ứng Cúng : Xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường của chín pháp giới.

Chánh Biến Tri : Trí của Phật chiếu soi tất cả các pháp, vừa chánh lại vừa biến.

Minh Hạnh Túc : Ba minh thuộc về huệ, Năm hạnh thuộc về phước, phước huệ đều đầy đủ.

Thiện Thệ : Tu chánh đạo, vào Niết Bàn.

Thế Gian Giải : Thế và xuất thế tất cả các tướng đều thấu rõ.

Vô Thượng Sĩ : Tu đến địa vị vô tu vô chứng.

Điều Ngự Trượng Phu : Hóa đạo chúng sinh, điều phục chúng sinh.

Thiên Nhân Sư : Làm đại đạo sư của trời người.

Phật: Bậc giác ngộ.

Thế Tôn : Người tôn quý nhất của thế và xuất thế. Đầy đủ mười danh hiệu mới xưng là Thế Tôn.

Pháp môn của Bồ Tát tu là lục độ vạn hạnh. Lục độ là gì ? Tức là sáu pháp Ba la mật đến bờ kia :

1. Bố thí : Gồm có ba thứ. Thứ nhất là tài thí : Dùng của cải tiền bạc cứu tế người nghèo. Bồ Tát xả bỏ được nội tài (Đầu mắt tủy não), và ngoại tài (Đất nước vợ con), chẳng có gì mà xả bỏ chẳng đặng. Thứ hai là pháp thí : Tức là giảng kinh thuyết pháp, đem pháp lành mà mình biết, khiến cho mọi người cũng biết, do đó có câu :

‘’Trong các sự bố thí,
Bố thí pháp là hơn hết.’’

Thứ ba là vô úy thí : Có người gặp nguy hiểm, phải có tinh thần dũng mãnh cứu người gặp nạn, thoát khỏi cảnh khổ dầu sôi lửa bỏng .

2. Trì giới : Giới là điều răn cấm, ngưng làm ác ngừa việc quấy. Cho nên người tại gia phải giữ năm giới hoặc tám giới. Sa di phải giữ mười giới, Tỳ Kheo giữ hai trăm năm mươi giới, Tỳ Kheo ni giữ ba trăm bốn tám giới. Dù tại gia hoặc xuất gia, sau khi thọ giới Bồ Tát, phải hành Bồ Tát đạo, vì người chẳng vì mình.

3. Nhẫn nhục : Người tu đạo nhất định phải tu nhẫn nhục, nhẫn những gì người khác không nhẫn được, chịu đựng những điều người khác chịu không được, như thế mới có thể chứng được vô sinh pháp nhẫn.

4. Tinh tấn : Tức là dũng mãnh hướng về trước, chẳng giải đãi, chẳng phóng dật, tuyệt đối không lùi bước. Không thể một ngày nóng mười ngày lạnh, không thể có trước chẳng có sau. Tóm lại, phải có ý chí khiên nhẫn không lùi bước, mới có sở thành tựu.

5. Thiền định : Tức là tĩnh lự. Nghĩa là ngưng bặc hết mọi tạp niệm lăn xăn, một niệm không sinh thì trí huệ hiện tiền.

6. Bát nhã : Dịch là "trí huệ". Có trí huệ thì rõ thiện ác, thị phi, trắng đen, chánh tà, chẳng làm nghiệp ác. Trí huệ từ đâu mà có ? Có hai phương pháp : Một là tham thiền, phải tham đến khi sơn cùng thủy tận (Núi mòn nước cạn), thì sẽ có cảnh giới "liễu ám hoa minh". Thứ hai là tụng kinh, do đó có câu : ‘’Thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải‘’. (Vào sâu tạng kinh, trí huệ như biển).

Kiều Đàm Di ! Phật Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến đó, và sáu ngàn vị Bồ Tát, lần lượt thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật lại bảo Kiều Đàm Di ! Ngươi sẽ thành Phật hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Phật, và sáu ngàn vị Bồ Tát lần lược thọ ký cho nhau. Nghĩa là vị Bồ Tát thứ nhất thọ ký cho vị Bồ Tát thứ hai, cứ như thế thọ ký cho đến sáu ngàn vị Bồ Tát, đều chứng quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
A La Hán chứng được Chánh giác, còn Bồ Tát chưa chứng được Chánh đẳng và vô thượng. Bồ Tát chỉ chứng được Chánh đẳng, chứ chưa chứng được Vô thượng. Phật đã chứng được Vô thượng, chẳng còn gì cao hơn Phật.

Bấy giờ, mẹ của La Hầu La là Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà La, nghĩ như vầy : Đức Thế Tôn thọ ký, mà riêng chẳng nói đến tên tôi.
Lúc đó, mẹ của tôn giả La Hầu La (Phú chướng) Tỳ Kheo ni Gia Du Đà La (Hoa sắc), trong tâm nghĩ rằng : ‘’Ta với Đức Phật có danh là vợ chồng, tại sao thọ ký cho hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo ni, mà riêng tên tôi chẳng đề cập đến?’’ Trong tâm bà ta nghĩ như vậy, song Phật có trí huệ tha tâm thông, cho nên biết tư tưởng của bà ta, do đó có câu :

‘’Bao nhiêu tâm tánh của chúng sinh
Như Lai đều biết đều thấy.’’

Tôn giả La Hầu La là con của đức Phật Thích Ca. Xuất gia lúc bảy tuổi, là một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật, được xưng là mật hạnh đệ nhất. Trong quá khứ tôn giả là người tu đạo. Một ngày nọ, đang lúc tọa thiền nghe tiếng chuột kêu, bèn khởi tâm sân hận đến bít lỗ hang chuột. Sáu ngày sau mới nghĩ đến chuyện nầy, bèn khởi tâm đại bi thương xót, tâm nghĩ chuột ở trong hang chẳng phải sẽ chết đói chăng ? Do đó, mới lấy đá ra. Do quả báu đó, mà sáu năm ở trong bụng mẹ, cho nên gọi là ‘’Phú chướng‘’.

Gia Du Đà La em gái bà con với Đức Phật, dung mạo đoan chánh rất xinh đẹp, xa gần đều nghe danh, cho nên gọi là Hoa sắc. Khi Đức Phật mười bảy tuổi, thì kết hôn với cô ta. Một ngày nọ, cô ta cầu con với Đức Phật. Phật dùng ngón tay chỉ vào bụng cô ta, thì cô ta thọ thai. Phật xuất gia sáu năm sau mới sinh La Hầu La. Lúc đó, dòng họ Thích bàn tán xôn xao, cả thành đều cho rằng Gia Du Đà La chẳng giữ đạo vợ chồng. Gia Du Đà La biểu thị sự thanh bạch ở trước công chúng tuyên bố : ‘’Nếu La Hầu La chẳng phải là con của thái tử Tất Đạt Đa, thì nguyện lửa lớn sẽ thiêu hủy mẹ con chúng tôi, bằng ngược lại thì lửa lớn không thể thiêu đốt mẹ con chúng tôi.’’ Nói xong lập tức bồng La Hầu La nhảy vào hầm lửa. Hầm lửa lập tức biến thành ao sen, mẹ con an nhiên ngồi trên hoa sen. Lúc đó, dòng họ Thích biết Gia Du Đà La thân thanh bạch như ngọc. Sau khi trải qua sóng gió, về sau mới được mọi người cung kính. Sau đó, theo Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng nhau xuất gia tu đạo làm Tỳ Kheo ni.

Phật bảo Gia Du Đà La rằng : Ngươi ở đời vị lai, trong trăm ngàn vạn ức các Phật pháp tu hạnh Bồ Tát, làm đại pháp sư, dần dần đủ Phật đạo, sẽ được thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Phật đó sống lâu vô lượng A tăng kỳ kiếp.
Đức Phật bảo Gia Du Đà La : Ngươi ở đời vị lai, trong trăm ngàn vạn ức các Phật pháp, tu lục độ vạn hạnh
tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, tự độ độ tha, làm đại pháp sư, dần dần thành tựu Phật đạo. Ở trong nước Thiện Lương sẽ được thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Phật đó sống lâu vô lượng A tăng kỳ kiếp.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà La, cùng với quyến thuộc đều rất hoan hỉ, được chưa từng có, bèn ở trước đức Phật nói bài kệ rằng :

Đấng Đạo sư Thế Tôn
An ổn các trời người
Chúng con nghe thọ ký
Tâm an đã đầy đủ.
Lúc đó, Tỳ Kheo ni Đại Ái Đạo và Tỳ kheo ni Hoa Sắc, cùng với quyến thuộc được Phật thọ ký, đều rất hoan hỉ, được chưa từng có, lập tức ở trước Phật nói ra bài kệ :
Đức Thế Tôn ! Ngài là đại Đạo sư của trời người, Ngài hay khiến cho trời người được an ổn, được an lạc. Chúng con hàng Tỳ Kheo ni, nghe đức Thế Tôn thọ ký cho chúng con, ai nấy trong tâm đều an ủi chẳng cách gì hình dung được.

Các Tỳ Kheo ni nói kệ xong, bèn bạch đức Phật nói : Đức Thế tôn ! Chúng con cũng ở nơi cõi nước phương khác, rộng nói kinh này.

Các vị Tỳ Kheo ni nói xong rồi, mới bạch với Phật rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Chúng con hàng Tỳ Kheo ni, cũng ở nơi nước khác hoằng dương bộ Kinh Pháp Hoa nầy, rộng nói bộ Kinh Pháp Hoa nầy‘’.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “32. Phẩm Khuyên Trì Thứ Mười Ba - Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com