Mục Lục

Phẩm này gọi là Phẩm Phổ Môn, có rất nhiều ý nghĩa. Bây giờ, trước hết giảng về ‘’Dược châu‘’. Vì ‘’Dược châu’’ cho nên nói là ‘’Phẩm Phổ Môn’’.‘’Dược’’ gọi là gì ? ‘’Dược’’ tức là cây Dược Vương; ‘’châu’’ là gì ? ‘’Châu’’ tức là châu như ý . Cây Dược Vương lại là gì ? Tức là rất lâu xa về trước, có một người tiều phu lên núi đốn củi, gánh ra chợ bán, gặp một vị thầy thuốc. Vị thầy thuốc thấy trong bó củi của ông ta gánh phóng ra hào quang, do đó bèn mua số củi đó đem về nhà. Về đến nhà mở bó củi ra xem, thì trong đó có một cây Dược Vương, sau khi ông thầy thuốc được cây Dược Vương rồi, thì bất cứ bệnh gì, chỉ cần dùng cây Dược Vương gõ nhẹ lên thân người bệnh, hoặc đánh nhẹ, thì bất cứ bệnh gì cũng khỏi ngay, cứu được rất nhiều người, do nhân duyên đó mà gọi là ‘’cây Dược Vương’’.

‘’Châu’’ tức là châu như ý. Châu như ý là gì ? Như ý tức là toại tâm như ý, tức cũng là khiến cho bạn hoan hỉ, mãn nguyện theo yêu cầu của bạn. Bạn nghĩ muốn ăn gì, thì châu như ý sẽ hiện ra vật ấy, bạn chẳng cần đi mua. Bạn muốn mặc quần áo gì, thì chỉ cần đối với hạt châu như ý nghĩ đến : ‘’Tôi muốn một bộ quần áo đẹp nhất, hiếm có trên thế gian’’, thì lúc đó hạt châu như ý sẽ hiện ra bộ quần áo mà bạn thích. Thậm chí bạn muốn căn nhà, thì nó cũng có thể hiện ra. Bạn nghĩ : ‘’Tối nay tôi muốn ở trong một căn nhà lộng lẫy đẹp nhất’’, thì hạt châu như ý sẽ hiện ra căn nhà, ở xong đêm đó rồi, thì ngày thứ hai căn nhà cũng tự động trở vào trong hạt châu như ý. Bạn nghĩ muốn ăn gì, thì hạt chây như ý sẽ hiện ra vật đó, cũng chẳng nhiều cũng chẳng ít, rất vừa vặn. Bạn mặc quần áo cũng chẳng cần sắm tủ đựng quần áo, chỉ cần thay ra, thì quần áo tự động trở vào trong hạt châu như ý, cho nên gọi là ‘’như ý’’.

Châu như ý lớn cỡ nào ? Là một hạt châu rất nhỏ, có thể mang trên mình, chẳng nặng cũng chẳng chiếm mất chỗ, cho nên gọi là như ý, toại tâm như ý, diệu đến cực điểm. Tóm lại, hạt ‘’châu như ý’’ cũng là Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng là cây Dược Vương. Hạt châu như ý, hay toại tâm nguyện, chỉ cần bạn trì tụng Phẩm Phổ Môn, thì cầu mong việc gì cũng sẽ mãn nguyện. Nhưng chẳng phải hôm nay tụng niệm, thì ngày mai có cảm ứng. Trước hết, phải tạo cơ sở cho vững chắc, cũng như xây nhà lầu, thì trước hết phải xây nền móng cho tốt, nền móng mà không tốt, thì nhà lầu cũng chẳng cách chi xây được. ‘’Phẩm Phổ Môn’’ tuy cảm ứng giống như cây Dược Vương và châu như ý, không thể nghĩ bàn như thế, song trước hết bạn phải tụng niệm Phẩm Phổ Môn, hằng ngày tụng niệm, tụng niệm đến khi nào Bồ Tát Quán Thế Âm cho rằng bạn có tâm thành, thì sau đó bạn sẽ được sở cầu như ý, toại tâm mãn nguyện. Chẳng phải nói lúc bình thường thì chẳng tụng niệm, đến lúc nghĩ muốn cầu sự cảm ứng, thì lập tức có sự cảm ứng, mà bình thường phải dụng công tu hành, đến khi đó ‘’Phẩm Phổ Môn’’ giống như cây Dược Vương, như hạt châu như ý, thì sẽ có cảnh giới không thể nghĩ bàn, bất quá trước hết bạn phải tự mình tụng niệm.

Có người nói : ‘’Trong Phật giáo có nhiều thứ phải học ! Nào là tụng Chú Lăng Nghiêm, lại tụng Chú Đại Bi, bây giờ giảng ‘’Phẩm Phổ Môn’’, lại phải tụng Phẩm Phổ Môn, thật nhiều khoá lễ quá, chúng ta đâu có nhiều thời gian như thế !’’ Bạn không cần nhiều thời gian, chỉ cần mỗi ngày bớt ngủ một tiếng đồng hồ, bớt nói chuyện một chút, thì những khóa lễ đó có thể làm được. Nếu bạn không muốn toại tâm mãn nguyện, nói rằng, tôi chẳng cầu mong gì, tôi chẳng còn tâm tham, tâm sân, tâm si, thì bạn chẳng cần phải tụng, như thế thì chẳng có gì để nói. Nếu bạn cảm thấy tương lại, hoặc sẽ gặp việc gì mà muốn cầu Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc là Phật giúp đỡ, thì bạn nên học thêm một chút Phật pháp. Phật pháp như biển cả, một giọt bạn chưa uống đã hiềm nhiều, thì tương lai nhất định nước trong biển cả uống chẳng hết được, bất quá chỉ cần tận hết sức của bạn, muốn uống bao nhiêu thì uống bấy nhiêu, Phật pháp thì lấy chẳng hết được, dùng chẳng cạn được, cho nên hãy tận hết sức của bạn để vận dụng tu học Phật pháp.
Vì ý nghĩa ‘’Dược châu’’, cho nên phải nói Phẩm Phổ Môn này.

Còn có một ý nghĩa nữa, gọi là ‘’Hiển mật’’. ‘’Hiển’’ tức là minh hiển; ‘’mật’’ tức là bí mật. Do đó, khi bạn tụng Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm, thì có lúc sẽ đắc được cảm ứng minh hiển, có lúc sẽ đắc được cảm ứng bí mật.
Cảm ứng minh hiển, thì ai ai cũng đều nhìn thấy được, ai ai cũng đều biết. Ví như Bồ Tát Quán Thế Âm cứu chúng sinh, trong Phẩm Phổ Môn có nói : ’’Nếu vào lửa lớn, lửa chẳng cháy được.’’ Trong Kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm thuật nhĩ căn viên thông cũng nói : ‘’Lửa chẳng cháy được, tính lửa thật không, tính không thật lửa.’’ Ví như, bạn đang ngồi ở trong nhà, một lòng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, mà trong sự vô ý lửa nổi lên, lúc đó, chỉ cần bạn thành tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì nhà cửa kế bên bị cháy, còn nhà của bạn thì không cháy. Nhưng đó là trong sự vô ý, chứ chẳng phải là cố ý. Nếu bạn cố ý đốt một chút lửa lên, để thử xem nhà của bạn có cháy không, thì nhất định sẽ cháy ! Tại sao ? Vì bạn vốn muốn thử nghiệm Bồ Tát Quán Thế Âm, là vì bạn tin chẳng chân thật, cho nên mới muốn thử xem. Đó cũng giống như có người nọ, có một người bạn, muốn biết người bạn đó đối với mình có tâm chân thật chăng, có phải là người tốt ‘’gặp vàng không tham’’ chăng! Do đó, lúc người bạn đến, bèn cố ý đem năm trăm đồng bạc để dưới đất, chẳng để ý đến. Nếu anh ta là người tốt, thì chẳng lấy tiền bỏ đi.

Tại sao bạn phải thử bạn của bạn ? Vì bạn chẳng thật sự nhận thức người bạn của bạn, chẳng biết anh ta có phải là người tốt thật sự không, cho nên mới thử nghiệm anh ta. Bồ Tát Quán Thế Âm nói ở trong kinh rằng: ‘’Nếu vào lửa lớn, lửa chẳng cháy được.’’ Nếu một chút chỗ này mà bạn chẳng tin, thì Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chẳng lo việc của bạn. Bạn nhảy xuống biển tự tử nói :’’Tôi nhảy xuống biển xem thử có được chỗ cạn chăng?’’ Nếu như, bạn dùng sự thử nghiệm để dò thần thông diệu dụng của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đó là biểu hiện bạn chẳng có niềm tin đối với Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu bạn chẳng có niềm tin đối với Bồ Tát, thì Ngài cũng chẳng muốn lo chuyện của bạn. Bạn nói :’’Tôi không thử nghiệm, thì làm sao biết cứu kính là thật hay là giả?’’ Bạn biết là thật, thì lại như thế nào ? Bạn không biết là thật thì lại ra sao ?
Minh hiển thì ai ai cũng đều biết, như nhà lân cận cháy, mà nhà của bạn không cháy, đó là ‘’hiển’’, mọi người đều biết : ’’Ồ ! Người đó niệm Bồ Tát Quán Thế Âm có sự cảm ứng, người đó tin Phật thật là có sự mầu nhiệm’’, có cảm ứng, đó tức là ‘’hiển’’.

Lại có ‘’bí mật’’. Bí mật là bạn vốn có một tai nạn, hoặc là bạn đáng lẽ phải rớt xuống nước, bị nước ngập chết, nhưng trong sự vô hình, Bồ Tát Quán Thế Âm cảm ứng, khiến cho bạn chẳng gặp sự nguy hiểm đó, bí mật làm cho tai nạn của bạn tiêu trừ, đó gọi là bí mật. Người đó đáng lẽ bị lửa thiêu, nhưng vì họ tin Bồ Tát Quán Thế Âm, nên Bồ Tát Quán Thế Âm trong sự yên lặng, làm cho tai nạn tiêu trừ, đó cũng là cảm ứng bí mật. Thậm chí bạn ngồi máy bay, đáng lẽ bị tai nạn máy bay, bây giờ sự giao thông tuy là thuận tiện, song số người chết cũng nhiều, nào là máy bay rớt, tai nạn xe lửa, tai nạn xe hơi, khiến cho nhiều người mất mạng. Ở trong những trường hợp đó, vì bạn tụng trì Phẩm Phổ Môn, vì bạn niệm Chú Đại Bi, vì bạn tin Bồ Tát Quán Thế Âm, thì Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong sự yên lặng, tức là người đó chẳng biết, thì Ngài bèn vì bạn hóa hung thành cát tường. Do đó, có câu :

’’Gặp hung hóa cát, gặp nạn hóa tường.’’

Do đó, vì sự ‘’hiển mật’’ cho nên nói ‘’Phẩm Phổ Môn’’ này.
Phẩm Phổ Môn có ‘’Hiển mật viên thông’’, hiển cũng viên thông, mật cũng viên thông, hiển mật đều viên thông, cho nên công đức của Phẩm Phổ Môn không thể nghĩ bàn.
Phẩm Phổ Môn này có đủ thứ sự diệu dụng, Chú Đại Bi cũng có những diệu dụng đó. Nay tôi kể một câu chuyện có sự cảm ứng. Tại quê hương Đông bắc của tôi, có người nông dân làm ruộng, nhà rất giàu có. Mùa thu năm ấy, ông ta thu hoạch xong, dùng xe chở đồ vật lên thành thị bán. Bán xong lương thực mang tiền về, trên đường về cách nhà khoảng ba dặm đường, thì gặp bọn trộm cướp. Ông tài chủ đó, thấy phía trước có trộm cướp, biết làm sao bây giờ? Chạy trốn chăng? Trốn chẳng thoát bọn chúng, nhưng nếu không chạy trốn, thì chắc chắn sẽ bị cướp. Do đó, ông ta bèn niệm Chú Đại Bi, xe vẫn tiến đi về trước. Đi gần đến bọn cướp, thì đột nhiên nhìn thấy từ trong bọn cướp, có một người đi đến trước xe của ông ta nói :’’Ông đưa cây roi đánh ngựa cho tôi, để tôi thế ông chạy xe’’, ông ta cũng để cho người đó đánh xe ngựa đi, đi qua khỏi bọn cướp mà bọn cướp giống như chẳng thấy chẳng nghe gì cả, cho nên ông ta chẳng bị cướp bóc. Đến lúc bọn cướp chẳng nhìn thấy nữa, thì người đó trả lại cây roi đánh ngựa nói : ’’Bây giờ ông hãy đi mau đi, chẳng có việc gì đâu!’’ Ông tài chủ nhìn thấy ông ta từ từ trong bọn cướp đi đến, thì nghĩ chắc ông ta là trộm cướp bèn nói : ’’Ông bạn ! Hôm nay ông cứu tôi, khiến cho tôi chẳng bị trộm cướp, xin hỏi tên họ của ông? Và ông ở đâu? Để tương lai tôi đến nhà ông mà bái tạ!’’ Người đó bèn nói rằng : ’’Tên của tôi là A Thệ Dựng’’

Các bạn thường niệm Chú Đại Bi, có phải trong Chú Đại Bi có một vị hộ pháp tên là ‘’A Thệ Dựng’’ chăng? Song, lúc ấy ông tài chủ nghĩ : ’’Ai gọi là A Thệ Dựng? Là ai?’’ Lúc đó ông ta quên mất, quên A Thệ Dựng là một câu Chú ở trong Chú Đại Bi, tức cũng là một vị hộ pháp. Đến khi A Thệ Dựng đi rồi, nhìn chẳng thấy A Thệ Dựng nữa, ông ta mới nghĩ ra : ’’Ồ ! Đây chẳng phải là một vị hộ pháp ở trong Chú Đại Bi chăng?’’ Do đó, bèn nghĩ muốn đi tìm A Thệ Dựng cũng tìm chẳng thấy, chẳng biết A Thệ Dựng đã đi đâu? Do đó, đây là một cảnh giới không thể nghĩ bàn ở trong Chú Đại Bi. Nếu như ông tài chủ nghĩ : ’’Mình niệm Chú Đại Bi xem thử có linh nghiệm chăng?’’ Thì A Thệ Dựng cũng chẳng đến cứu ông ta. Chính vì chẳng có tâm khảo nghiệm, chỉ một lòng tin tưởng : ’’Mình niệm Chú Đại Bi, thì có thể gặp hung hóa cát, gặp nạn biến thành tốt.’’ Quả nhiên được toại tâm mãn nguyện, chẳng bị bọn cướp trộm cướp.
Bộ Kinh Pháp Hoa này gồm có bảy quyển, hai mươi tám phẩm, phẩm này là phẩm thứ hai mươi lăm. Phẩm này hiển dương công đức thần thông diệu dụng của Bồ Tát Quán Thế Âm, cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Ở trước có nói về ‘’Dược châu’’, bây giờ lại nói đến ‘’Nhân pháp’’ (người và pháp). Nhân pháp là gì ? ‘’Nhân tức là Bồ Tát Quán Thế Âm, ‘’Pháp’’ tức là pháp môn thị hiện trong Phẩm Phổ Môn. Vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai cầu, cho nên nhân vật không thể nghĩ bàn. Ngài lại nói pháp của phổ môn thị hiện, có cầu tất ứng, vô cảm bất thông. ‘’Pháp’’ này là pháp không thể nghĩ bàn. Vì không thể nghĩ bàn, cho nên gọi là diệu pháp. Vì ‘’người’’ này cũng không thể nghĩ bàn, cho nên cũng gọi là diệu nhân. Tức nhiên là diệu nhân, diệu pháp, nên mới được tên là ‘’Phổ môn’’. Vì nhân duyên ‘’nhân pháp’’ nên Bồ Tát Quán Thế Âm mới nói ‘’Phẩm Phổ Môn’’ này.
Ý nghĩa thứ hai tức là ‘’từ bi’’. Vì ‘’từ bi’’, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm nói ‘’Phẩm Phổ Môn’’ này. Từ là gì? Từ hay ban vui; ‘’bi’’ là gì ? Bi hay cứu khổ. Bồ Tát Quán Thế Âm cứu chúng sinh bảy thứ nạn, giải trừ ba thứ độc, ứng chúng sinh hai thứ cầu. Bảy nạn này, ở trong kinh văn nói rất rõ ràng tức là : Nạn nước, nạn lửa, nạn gió, nạn gông cùm, nạn gió đen (hắc phong) .v..v... bảy thứ nạn.
Giải ba thứ độc tức là tham, sân, si ba độc. ứng hai cầu, tức là cầu con trai, cầu con gái hai thứ cầu.

Chúng sinh đều có ba độc : Tham, sân, si. Nếu người nhiều tham, thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi tham lam. Nếu người nhiều sân hận, mà thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi sân hận. Nếu người nhiều si mê, mà thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi si mê. Tham mà nói ra thì nhiều, sân nói ra cũng chẳng ít, còn si mê thì không nhiều mà cũng chẳng ít. Nói nó nhiều, thì cũng chẳng nhiều, mà nói nó ít, cũng chẳng ít. Si mê là gì ? Nói đơn giản tức là ngu si. Ngu si là gì ? Tức là chẳng có trí huệ, chẳng minh bạch, thấy lý lẽ chẳng chân thật, cho nên gọi là ngu si. Gặp lý luận chẳng chánh quyết. Căn cứ vào học thuyết của ông Vương Dương Minh ở Trung Quốc rằng : Người ngu si, là vì họ chưa có thể ‘’Tri hành hợp nhất’’, nghĩa là chưa có thể ‘’hiểu biết, thực hành mà làm một’’. Vương Dương Minh nói : Tại sao người đó không đi làm ? Vì họ chẳng biết, nên họ không (đi) làm, nếu họ biết thì họ sẽ làm. Vương Dương Minh nói, họ biết rồi mà không làm, thì đó vẫn chẳng biết chân thật, nếu biết thật sự thì chắc chắn sẽ làm. Vương Dương Minh là một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, học thuyết của ông là :’’Tri hành hợp nhất’’ : Nếu họ biết thật sự, thì chắc chắn họ sẽ thực hành; họ chẳng biết nên nọ chẳng thực hành. Nghĩa là họ phải hiểu biết thật sự, thì họ chẳng làm việc ngu si. Tại sao họ lại làm chuyện ngu si ? Vì họ chẳng hiểu biết. Cho nên, tôi nói đây là thấy lý lẽ chẳng chân thật.

Thử đưa ra một ví dụ để nói, ví như người ngu si nói : ‘’Hoa đẹp thường khiến cho tươi mãi mãi, trăng sáng ước gì đêm nào cũng tròn, nguồn nước dưới đất đều hóa thành rượu, lá rừng đều biến thành tiền.’’ Người tham hoa thì sinh tâm ngu si nói : ‘’Tôi muốn đóa hoa này, luôn luôn tươi mãi mãi chẳng phai tàn, muốn đóa hoa đó nở mãi, tươi đẹp mãi.’’ Người nọ tham trăng tròn, thì nói như vầy : ‘’Mặt trăng sao chẳng tròn mãi mãi ?’’ Tối hôm qua mặt trăng tròn sáng, nếu đêm nào mặt trăng cũng tròn sáng, thì tốt biết bao ! Ngày ngày ra ngoài ngắm trăng, ánh trăng chiếu sáng ngời, cũng chẳng cần bậc đèn diện, lại chẳng tốn tiền, ánh sáng thiên nhiên tốt quá!’’ Đó chẳng phải là ngu si chăng ? Mặt trăng có tròn có khuyết, hoa có tươi có tàn, khi hoa nở thì có hoa tàn, khi trăng tròn thì có trăng khuyết, đó là thiên đạo tuần hoàn. Người thích uống rượu thì mua để uống, tốn tiền quá ! Nếu nước các dòng sông đều biến thành rượu, khi nào mình muốn uống rượu, thì xuống lấy uống, đó chẳng phải là sướng lắm ư !’’ Còn có người tham tiền nghĩ rằng : ’’Bây giờ tôi phải đi làm kiếm tiền rất khổ cực, nếu như lá cây đều biến thành tiền, khi nào muốn dùng tiền, thì mình bèn đến lấy chẳng phải là tiện nghi sao ! Đó là những việc không bao giờ có, đều là huyễn tưởng ngu si. Còn có chuyện đơn giản hơn rằng, có người chẳng đi học, thậm chí chẳng học qua tiểu học, mà anh ta muốn có bằng tiến sĩ. Bạn nói có lý đó chăng ! Chẳng học tiểu học, thì làm sao có bằng tiến sĩ ! Còn có một loại người, anh ta vốn chẳng làm ruộng, mà đến mùa thu hoạch thì muốn thu hoạch mùa màng, đó đều là ngu si. Song, một số người đều phạm phải thứ vọng tưởng mao bệnh, chẳng nhọc sức mà thu hoạch. Nếu có thứ mao bệnh đó thì nên sửa đổi.

Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai sự mong cầu, đó là đại bi, và còn lợi lạc cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, đó là từ bi. Vì đại từ đại bi, cho nên mới nói Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm. Còn một ý nghĩa nữa đó là ‘’phước huệ’’. Phước, sở dĩ Bồ Tát Quán Thế Âm hay tầm thanh cứu khổ, bất cứ là âm thanh thiện, âm thanh ác, âm thanh khổ, âm thanh vui .v.v... Ngài đều phân biệt được, là vì Ngài có trí huệ chân chánh. Trí huệ của Ngài có là từ đâu đến ? Là vì Ngài bố thí khắp, dùng pháp này thí cho chúng sinh, nên Ngài có phước báu đó, nên phước đức trang nghiêm. Bởi do phước huệ này, mà nói Phẩm Phổ Môn.

Lại còn có sự ‘’chân ứng’’. Chân là Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ diệu lực chân thân của Ngài, để cứu độ bảy nạn, giải trừ ba độc, mãn nguyện chúng sinh hai mong cầu, đó là nhờ diệu lực chân thân. Ngài còn hiện ba mươi hai ứng hóa thân, đây gọi là ứng thân, dùng để giáo hóa chúng sinh, do đó mà có ‘’chân ứng’’ này.

Nói Phẩm Phổ Môn này còn có ‘’quyền thuật’’. Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ sức pháp thân, mà ở trong sự yên lặng, tức là trong sự bí mật để lợi ích chúng sinh, đây gọi là ‘’thật’’. Ngài còn dùng ba mươi hai ứng hóa thân, để giáo hóa chúng sinh, đây là ‘’quyền’’. Quyền tức là quyền xảo phương tiện, tức cũng là phương pháp dùng tạm thời, chẳng phải vĩnh viễn. Bởi Bồ Tát Quán Thế Âm dùng quyền thật, cho nên mới nói Phẩm Phổ Môn này.

Còn có một nhân duyên nữa gọi là ‘’Bổn tích’’. Bổn là gì ? Bổn tức là căn bổn; tích tức là tông tích. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một pháp thân, mà độ khắp tất cả chúng sinh là ‘’bổn’’, Ngài dùng ứng hóa thân để giáo hóa cúng sinh, tức là ‘’tích’’. Pháp thân của Ngài như mặt trăng, tích cũng giống như ‘’mặt trăng chiếu ngàn con sông’’. Do đó, có câu : ’’Ngàn con sông có nước, đều có bóng của mặt trăng chiếu xuống.’’ Một mặt trăng chiếu xuống mọi con sông, mà mặt trăng ở trong mọi con sông, đều từ bổn thân của một mặt trăng hiện ra. Mặt trăng ở trong nước tức là ‘’tích’’. Mặt trăng ở trên trời tức là ‘’Bổn’’. Đó là nhân duyên ‘’bổn tích’’ nên nói Phẩm Phổ Môn.

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một pháp thân, để hiện khắp vào trong tâm của tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh sửa lỗi lầm làm mới lại, cải ác hướng thiện, lìa khổ được vui, cứu kính thành Phật. Giảng đến đây, có người nói : ‘’Sở dĩ tôi không sửa lỗi lầm làm mới lại, nguyên lai là Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng hiện vào trong tâm của tôi, cho nên tôi có lỗi lầm gì, cũng chẳng muốn sửa đổi.’’ Người hút thuốc thì nghĩ : ‘’Đại khái Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng gia bị cho tôi, chẳng giúp đỡ tôi.’’ Người thích uống rượu thì nói : ‘’Tôi muốn học Phật pháp, đáng tiếc tôi chẳng giữ được giới rượu, đó là lỗi của Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng giúp đỡ tôi.’’ Do đó, họ bèn sinh ta tâm cừu oán nói :’’Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng công bằng, tại sao Ngài giúp đỡ người khác mà chẳng giúp đỡ tôi ?’’ Đó thật là ngu si, lại thêm ngu si, đó là hai ngu si nặng nề. Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng gia bị cho bạn ? Là vì bạn chẳng nghe Bồ Tát Quán Thế Âm giáo hóa. Khi Bạn nghe danh hiệu ‘’Bồ Tát Quán Thế Âm’’ thì nên sửa đổi lỗi lầm làm mới lại, nên thanh tịnh phiền não, ‘’Ngộ dĩ vãng chi bất gián’’, biết việc quá khứ thì đã là quá khứ. ‘’Tri lai giả chi khả truy’’, tương lai nên đi trên con đường thiện. Song, bạn hiểu biết mà cố phạm, đó là tội lại thêm tội. Cho nên trách Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng gia bị cho bạn, đó là sai lầm. Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn đều gia bị cho bạn, nhưng đáng tiếc bạn đã đóng cửa trong tâm của bạn, chẳng để cho Bồ Tát Quán Thế Âm vào, Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ biết than thở : ’’Ôi ! Chúng sinh này thật là đáng thương xót !’’ Do đó, bạn đừng trách Bồ Tát Quán Thế Âm, mà nên trách bạn mới đúng.

Ở trên là nói về ‘’Bổn tích’’. Còn có một nhân duyên nữa, tức là ‘’Duyên liễu’’. ‘’Duyên’’ tức là duyên nhân, ‘’liễu’’ tức là ‘’liễu nhân’’. Liễu nhân là gì ? Tức là đoạn cái nhân đó đi, cũng có thể nói là thấu rõ nhân của nhân quả. Chúng ta bây giờ đến nghe kinh nghe pháp, có người đến từ Hoa Thịnh Đốn, có người đến từ Tây Nhạ Đồ (Seatle), có những người bác sĩ, thạc sĩ, cũng đến nghe Phật pháp. Tại sao những người đó từ xa xôi lại đến đây để ngồi thiền, nghiên cứu tu học Phật pháp ? Là vì muốn chấm dứt (liễu) cái nhân này. Nghe kinh tức là hạt giống chấm dứt nhân (liễu nhân). Bạn có nhân duyên nghe kinh, đó là ‘’duyên’’ nhân. Vì nhân duyên ‘’duyên liễu’’, cho nên nói Phẩm Phổ Môn.
Còn có một nhân duyên ‘’Trí đoạn’’ nữa. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng trí huệ của Ngài, trí đức trang nghiêm để giáo hoá chúng sinh, là bậc trí huệ trang nghiêm. ‘’Trí’’ huệ gọi là đoạn đức, tức là đức hạnh của ‘’trí’’. ‘’Đoạn’’ là đoạn đức, tức là đoạn trừ tất cả vô minh. Đoạn đức ở đây, lại có thể gọi là phước đức, vì Ngài đoạn sạch vô minh, cho nên có phước đức trang nghiêm chân chánh, giống tựa như Phật, phước cũng đủ, huệ cũng đủ. Bồ Tát Quán Thế Âm tuy nhiên là Bồ Tát, nhưng Ngài có phước đức trang nghiêm, cũng có huệ đức trang nghiêm, cho nên ‘’trí huệ’’ cũng gọi là phước huệ.
Tổng cộng ở trên lại, thì có mười thứ nhân duyên, cho nên nói Phẩm Phổ Môn này.

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Tận Ý bèn từ tòa ngồi đứng dậy, hở y bày vai bên phải, chắp tay hướng về đức Phật, mà bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Bồ Tát Quán Thế Âm, do nhân duyên gì, mà được tên là Quán Thế Âm ?
‘’Bấy giờ’’ : Tức là vào lúc đó, lúc đó là lúc nào ? Tức là lúc Bồ Tát Vô Tận Ý ở trong pháp hội, hỏi nhân duyên tên của Bồ Tát Quán Thế Âm; tức cũng là lúc nói xong Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Diệu Âm, bây giờ là lúc nói Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm. Có một vị Bồ Tát Vô Tận Ý. Vô Tận Ý là gì ? Tóm lại có ba ý nghĩ:

Thứ nhất là : ‘’Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu’’. Thế giới thì vô lượng vô biên, chúng ta đừng cho rằng thế giới tức mắt chúng ta thấy được, tai nghe được, đó tức là một thứ biên giới. Chẳng phải, thế giới ở đây nhiều vô lượng vô biên, có thế giới này, có thế giới kia, vô lượng các thế giới; nước này, nước kia, vô lượng các nước, vô cùng vô tận, cho nên gọi là ‘’Thế giới biên trần nhiễu nhiễu’’. Nhiễu nhiễu là gì ? Nhiễu tức là nhiễu loạn; nghĩa là bất định; bất định tức là động. Trần tức là chẳng thanh tịnh. Trên thế giới có rất nhiều vi trần (hạt bụi), hãy nhìn vào ánh sáng mặt trời chiếu, thì sẽ thấy vô số hạt bụi, chuyển động lên xuống ở trong hư không. Những hạt bụi này từ đâu đến ? Nhiều hạt bụi trên thế giới từ đâu đến. Truy cứu nguồn gốc những hạt bụi này, rất là quan trọng, những hạt bụi đó từ trong tâm của chúng sinh sinh ra. Tại sao ? Vì trong tâm chúng sinh vọng tưởng quá nhiều. Vọng tưởng giống như hạt bụi, nhiễu nhiễu chẳng yên, luôn luôn biến động. Hãy nhìn xem, chúng ta quan sát vọng tưởng nhiều vô kể chẳng biết là bao nhiêu, có đếm cũng chẳng biết số lượng. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói : ‘’Trong một niệm có chín mươi sát na’’. Sát na là một đoạn thời gian rất ngắn, mà một sát na có chín trăm lần sinh diệt, cho nên ‘’Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu’’.
Thế giới này có như thế nào ? Là vì chúng ta chúng sinh y chân khởi vọng, một niệm vọng tưởng, thì biến thành có sông núi đất đai, nhà cửa phòng ốc, tất cả thế giới thành lập liên tục, đây cũng gọi là ‘’thế giới vô biên trần liễu liễu.’’

Thứ hai là :’’Chúng sinh vô tận nghiệp mang mang’’. Thế giới thì vô biên, là vì có thế giới, cho nên cũng sinh ra chúng sinh. Chúng sinh là chúng duyên hòa hợp mà sinh, có rất nhiều thứ nhân duyên hòa hợp mà sinh. Đại khái có bốn loài :
Loài sinh bằng thai.
Bằng trứng.
Bằng ẩm thấp.
Bằng hóa sinh.

Sao lại có thai sinh ? Thai do tình mà có. Thai sinh là do có thứ ái tình, nên mới có sinh mạng mới. Trứng do tưởng mà sinh. Thấp sinh là nhờ ẩm thấp mà sinh, nơi đó có sự ẩm thấp thì sẽ sinh ra. Hóa sinh tức biến hóa mà sinh ra, là tự nhiên có thể biến hóa mà sinh ra, chẳng nương duyên của cha mẹ mà sinh ra. Nếu nói tỉ mỉ thì có mười hai nhân loài, còn tám loài kia là :
Loài có sắc.
Không sắc
Có tưởng.
Không tưởng.
Chẳng có sắc.
Chẳng phải không có sắc.
Chẳng có tưởng.
Chẳng phải không có tưởng.

Có nhiều loài chúng sinh như thế, đáo để là từ đâu ra ? Chúng sinh là từ Phật tánh mà ra, cho nên mới nói : ’’Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật’’. Tuy hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng chẳng phải nói chúng sinh là Phật, chẳng phải nói chẳng tu thì thành Phật. Nhất định phải dụng công tu hành, tham thiền, học Phật pháp, như thế thì mới có thể trở về cội nguồn mà thành Phật. Chẳng phải nói chúng sinh bây giờ là Phật, chẳng cần dụng công tu hành, đó là thứ tà tri tà kiến ! Mà phải tu hành, học Phật pháp, y giáo phụng hành, mới có thể thành Phật. Cho nên mới nói chúng sinh là từ Phật tánh sinh ra.

Thứ ba là :’’Ái hà vô để lãng thao thao’’. ‘’Ái hà’’ là chỉ ái tình giữa nam nữ, chẳng riêng gì nói về ái của con người, mà các loài khác như súc sinh, cũng chấp mê chẳng ngộ, chấp trước về ái này, nhất là súc sinh càng chẳng rõ lý, cho nên tâm dâm dục của chúng rất nặng, chúng luôn lúc nào cũng nghĩ về dâm dục. Nếu thanh tâm quả dục, tự tịnh kỳ ý, cắt ái đoạn dục, thì cách Phật đạo chẳng xa.
‘’Ái hà’’ (biển ái dục) chẳng có đáy, càng hãm vào thì càng sâu, càng sâu thì càng đi xuống, chẳng có ‘’đáy’’. ‘’Lãng mang mang’’, thứ sóng này triền miên không ngừng, giống như sóng nước. Tại sao trong biển lại có sóng ? Là vì trong tâm chúng sinh có sóng. Trong tâm chúng sinh có sóng, là vì biển ái có sóng. ‘’Ái’’ này, bạn muốn xé ra cũng xé chẳng đứt, dùng đao bén muốn chặt đứt ái tình cũng chẳng dễ. Song nếu bạn thật sự có trí huệ, thì đối với đề này giải quyết chẳng có gì khó, do đó có câu :

’’Kiếm trí huệ chặt đứt tơ tình’’.

Người chẳng có trí huệ, thì bị lún ở trong biển ái, càng lún càng sâu, lún đến đâu ? Vốn chẳng có đáy. Càng lún càng sâu, càng sâu càng lún, đi xuống chẳng khi nào chấm dứt, do đó gọi là Vô Tận Ý.
Bởi ba ý nghĩa đó, cho nên Bồ Tát Vô Tận Ý muốn biến vô lượng thế giới này, thành thế giới Cực Lạc. Muốn giáo hóa vô tận chúng sinh đều thành Phật, và lấp bằng biển ái không đáy. Do đó, Bồ Tát Vô Tận Ý có tên là Vô Tận Ý.

Bồ Tát gọi tắc, nếu nói đầy đủ là ‘’Bồ đề tát đỏa’’, là tiếng Phạn, dịch ra là giác hữu tình, tức cũng là dùng đạo lý giác ngộ, đi giác ngộ tất cả hữu tình, dùng đạo lý tự giác đó, đi giác ngộ tất cả chúng sinh. Tức là mình giác ngộ rồi, cũng muốn tìm cách đi giáo hóa kẻ khác cho được giác ngộ, đây gọi là tự giác giác tha. Bồ Tát từ đâu đến ? Bồ Tát là từ chúng sinh đến. Bồ Tát vốn cũng là chúng sinh, cũng giống như bạn tôi và họ, hết thảy chúng sinh, chẳng có gì khác biệt. Bất quá Ngài là một bậc giác ngộ ở trong chúng sinh, là một bậc giác ngộ ở trong hữu tình. Chúng ta chúng sinh là kẻ mê muội ở trong chúng sinh, vẫn chưa giác ngộ. Nếu hôm nay bạn giác ngộ, thì hôm nay là Bồ Tát; nếu ngày mai bạn giác ngộ, thì ngày mai bạn là Bồ Tát. Giác ngộ cái gì ? Giác ngộ vô minh. Nếu bạn biết nơi đến của vô minh, phá được vô minh, thì đó là ‘’giác’’. Phá được vô minh rồi, thì pháp tánh cũng tự nhiên hiện tiền, biển ái cũng sẽ khô cạn, biển ái khô cạn rồi, thì trí huệ sẽ hiện tiền, đó là giác ngộ. Bồ Tát là giác ngộ hữu tình, cũng là hữu tình giác ngộ. Bồ Tát còn gọi là chúng sinh ‘’đại đạo tâm’’, đạo tâm của Ngài rất lớn, còn gọi là ‘’Khai sĩ’’, Ngài khai mở ngu si cho chúng sinh, để hiển hiện Phật tánh vốn có, đó gọi là Bồ Tát.

‘’Bèn từ tòa ngồi đứng dậy’’ : Ở hội trong hội Pháp Hoa, khi Bồ Tát Vô Tận Ý nghe Đức Phật giảng xong Phẩm Bổn Sự của Bồ Tát Dược Vương rồi, thì Ngài bèn từ toà ngồi đứng dậy. Tại sao phải đứng dậy ? Bất cứ ở trong đại hội nào, khi bạn muốn nói thì phải đứng lên, không thể ngồi ở đó dơ tay lên để hỏi, như thế thì quá tùy tiện. Lúc đó, Bồ Tát Vô Tận Ý muốn nói, chẳng những Ngài đứng dậy mà cón ‘’hở y bày vai bên phải’’. Tại sao phải để vai bên phải lộ ra ? Vì biểu thị cung kính, đó là biểu thị thân nghiệp cung kính.
‘’Chắp tay hướng về Đức Phật’’ : Sau đó Bồ Tát Vô Tận Ý chắp tay lại. ‘’Mà bạch Phật rằng’’. Đối với Phật mà nói.

Từ ‘’Bấy giờ, Bồ Tát Vô Tận Ý bèn từ tòa ngồi đứng dậy, hở y bày vai bên phải, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng’’. Đoạn này là Ngài A Nan biên khi kết tập kinh điển. Dùng để miêu tả nhân duyên của pháp hội. Bắt đầu từ ‘’Đức Thế Tôn’’ là lời nói của Bồ Tát Vô Tận Ý.

Bồ Tát Vô Tận Ý gọi một tiếng :’’Đức Thế Tôn!’’ Thế Tôn là bậc tôn kính của thế gian và xuất thế gian, thế gian và xuất thế gian, đều tôn kính Ngài nhất.
‘’Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì, mà được tên là Quán Thế Âm’’? Bồ Tát Vô Tận Ý gọi một tiếng Đức Thế Tôn, rồi bèn nói : ’’Bồ Tát Quán Thế Âm có sức thần thông lớn như thế, từ bi nguyện lực của Ngài lớn như thế, Ngài có thể cứu bảy thứ nạn, giải trừ ba độc, ứng hai thứ cầu, mười bốn vô uý (chẳng sợ hãi), mười chín thuyết pháp, ba mươi hai ứng thân, bởi nhân duyên gì, mà gọi là ‘’Bồ Tát Quán Thế Âm ?’’ Bởi nhân duyên gì, tức cũng là hỏi Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong quá khứ tu pháp môn gì, mà được tên là ‘’Quán Thế Âm’’? Đó là Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý : Thiện nam tử ! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh, chịu các khổ não, mà nghe được danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, một lòng niệm danh hiệu của Ngài, thì Bồ Tát Quán Thế Âm, lập tức quán xem tiếng kêu kia, khiến cho họ đều được giải thoát.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “55. Phẩm Bồ Tát Quán Thế Âm Thứ Hai Mươi Lăm - Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com