Mục Lục
Lúc đó, một nghìn hai trăm vị A La Hán đều đã chứng vô học, tâm tự tại, đã sạch phiền não. Tại nhân địa tu hành thì làm Tỳ Kheo, đến quả địa là A La Hán. A La Hán có ba nghĩa :
1. Ứng Cúng : Xứng đáng thọ trời người và thần cúng dường.
2. Sát tặc : Giết tặc phiền não. Bồ Tát là giết ‘’bất tặc‘’, A La Hán chẳng nhận thức cho là tặc, song Bồ Tát nhận thức cho là tặc mà trừ đi.
3. Vô sinh : Nghĩa là phiền não chẳng sinh. Vì ‘’sinh’’ mới phải diệt, ‘’bất sinh‘’ thì chẳng cần diệt. Không sinh không diệt tức vô minh pháp nhẫn.
A La Hán tự do tự tại, vô câu vô thúc, chẳng quái ngại, chẳng có tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng. Song các vị A La Hán thấy Đức Phật thọ ký cho Ngài Phú Lâu Na, bèn nghĩ như vầy : ‘’Việc Phật thọ ký, trước kia chưa từng có. Nếu được Phật thọ ký riêng cho chúng ta thì sung sướng lắm‘’ ! Đức Phật đều biết, đều thấy tâm của mọi người, cho nên nói với Ngài Ma Ha Ca Diếp rằng : Nói với mọi người đừng hấp tấp, Phật sẽ vì các vị đó lần lược thọ ký.
Ở trong chúng đó, người ta độ trước nhất là Kiều Trần Như, ông ta là vị đệ tử lớn tinh tấn siêng năng tu đạo và chủ trì Phật pháp, sẽ cúng dường sáu vạn hai ngàn ức Đức Phật, sau đó sẽ thành Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai. Ngài Kiều trần Như, tức "giải bổn tế", hiểu rõ bổn lai diện mục. Ngài là người thọ giớicụ túc đầu tiên, cũng là đệ tử ngộ trước nhất, cho nên làm trưởng lão của một nghìn hai trăm vị A La Hán.
Năm trăm vị A la hán đó, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ca Lưu Đà Di, Ưu Đà Di, A Nậu Lâu Đà, Ly Bà Đa, Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, Châu Đà, Sa Già Đà .v.v... đều sẽ được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đồng một danh hiệu là Phổ Minh. Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Năm trăm vị A La Hán đó, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, dịch ra là "giang" hoặc "hà" (sông). Đó là biểu thị tu hành bên bờ sông. Ca Lưu Đà Di, nghĩa là "hắc quang", vì tướng mạođen thui, Ngài chẳng giữ giới luật, thích đi ban đêm. Một đêm nọ trời tối đen như mực, trong đêm tối càng thấy rõ bộ diện của Ngài phát quang. Ngài đi đến trước của một nhà nọ, thuận tay gõ mấy tiếng, bèn có một phụ nữ mang thai ra mở cửa, bất thình lình cô ta thấy một vật phát quang đứng ở trước cửa, cô ta ngất xỉu, sau một lúc bèn tỉnh dậy. Vì một niệm sợ hãi mà động bào thai, đưa đến đứa bé chào đời, cô ta quở trách vị Tỳ Kheo đó. Đức Phật nghe tin bèn họp đại chúng lại, chế ra luật Tỳ Kheo không được du hành ban đêm. Tuy vị Tỳ Kheo đó từng phạm lỗi lầm, nhưng rất nhân duyên, rất được đồ chúng tôn kính và tín nhiệm, và từng hóa độ rất đông người.
Ngài Ca Lưu Đà Di đó, vì giáo hóa chúng sinh mà giả hiện thái độ không giữ quy cụ, là một sự dạy đạo ‘’phản diện‘’.
Ưu Đà Di là học trò của Ngài A Nan, nghĩa là "xuất hiện", nghiêm thủ giới luật nhất. A Nậu Lâu Đà, đã từng bảy ngày không ngủ, khiến cho cặp mắt bị mù. Một lần nọ, Phật thuyết pháp, song Ngài A Nậu Lâu Đà ngủ gục bị Đức Phật quở. Sau khi Ngài tỉnh dậy, bèn phát nguyện từ đây về sau không giải đãi nữa, chẳng tham ngủ nữa. Kết quả vì Ngài không ngủ, dụng công quá độ, mà cặp mắt bị mù. Phật thương xót Ngài, bèn dạy Ngài tu tam muội kim cang chiếu minh. Chẳng bao lâu, Ngài chứng được thiên nhãn thông, quán chiếu được ba ngàn thế giới, như thấy quả trái cây trong lòng bàn tay.
A Nậu Lâu Đà nghĩa là "không nghèo". Thuở xưa, Ngài từng cúng dường một vị Tỳ Kheo đã chứng quảThánh. Vị Thánh nhân nầy, khi tu hành tại nhân địa thì chỉ tu huệ mà chẳng tu phước, cho nên đi khất thực luôn luôn ôm bát không về. Do đó, Ngài quyết định mỗi bảy ngày mới hóa duyên một lần, mỗi lần hóa duyên bảy nhà, nếu chẳng có ai cho gì thì không ăn.
Một ngày nọ, Ngài ôm bát không trở về, đi ngang qua đồng ruộng, thì có một nông phu mới làm xong, nghỉ việc chuẩn bị để ăn cơm trưa. Từ xa thấy vị tu hành ôm bát không đi ngang qua. Ngài A Nậu Lâu Đà phát tâm cúng dường phần cơm trưa của mình cho vị tu hành đó. Tuy Ngài A Nậu Lâu Đà rất đói, song vì tâm thành muốn cúng dường cho vị đó. Vị tu hành đó nhận sự cúng dường rồi bèn hồi hướng:
‘’Sở vị bố thí giả,
Tất hoạch kỳ lợi ích
Nhược vị lạc bố thí
Hậu tất đắc an lạc.’’
Nghĩa là:
Những gì mình bố thí
Sẽ đắc được lợi ích
Nếu vui vẻ bố thí
Sau sẽ được an lạc.
Nói xong bỏ đi. Người nông dân lúc đó bất ngờ thấy con thỏ chạy lên vai, song dính ở trên vai, người nông dân kinh dị, bèn lập tức chạy về nhà, nói lại với vợ. Người vợ lấy tay cầm xuống, thì đột nhiên thấy con thỏ đã biến thành vàng. Do đó, bèn chặt hai cái chân đi đổi thành tiền để sinh sống, thì lạ thay chỗ chặt đi lại biến lại như cũ, lại chặt đi, lại biến lại như cũ, dùng không hết, càng ngày càng trở nên giàu có. Cho nên, Ngài đời đời kiếp kiếp không nghèo, trải qua chín mươi mốt kiếp được quả báo giàu có.
Ly Bà Đa dịch ra nghĩa là "Tinh tú". Kiếp Tân Na dịch ra nghĩa là "Phòng tú", vì sao thứ tư ở trong Nhị Thập Bát Tú. Ngài Kiếp Tân Na và Ngài Ly Bà Đa đều thuộc về tinh tú. Tại sao lại như thế ? Vì xưa kia, cha mẹ của các Ngài gần về tuổi già mà chẳng có con, cho nên bèn ở trước bàn thờ Nhị Thập Bát Túmà cầu con, phát nguyện siêng tu làm việc lành, cúng sường Tam Bảo, kết quả được mãn nguyện, cho nên được tên là Phòng Tú (Kiếp Tân Na).
Bạc Câu La ở trong quá khứ từng giữ giới chẳng sát sinh, cho nên được năm thứ phước báo. Ngài vừa chào đời thì cười hà hà, mẹ của Ngài thấy vậy rất sợ hãi, nghi là yêu quái, mới đem Ngài bỏ vào chảo dầu sôi, muốn dùng dầu sôi thiêu chết Ngài, song chẳng thành công. Kế tiếp, lại đem Ngài bỏ vào nước sôi, muốn nấu chết Ngài, song lại thất bại. Sau đó, đem Ngài bỏ xuống biển sâu, song bị cá nuốt vào bụng, con cá nầy bị người đánh cá câu được, mổ bụng ra, bỗng thấy đứa bé ở trong bụng cá còn sống.
Ngài Bạc Câu La có năm điều không hại Ngài chết được, tức là :
1. Lửa đốt không chết.
2. Nước đun không chết.
3. Rớt xuống biển không chết.
4. Cá ăn không chết.
5. Dao mổ không chết.
Đó là năm thứ quả báo giữ giới không giết hại.
Châu Đà còn gọi là Châu Lợi Bàn Đà Gia là anh của Sa Già Đà, dịch là "Tiểu lộ". Cho nên anh em hai người gọi là "Đại lộ" và "Tiểu lộ". Người anh thông minh hơn người em. Thời xưa phong tục ở Ấn Độ, người nữ đều phải về nhà mẹ sinh sản. Cho nên, bà mẹ của Châu Đà cũng thế, song Châu Đà chẳng đợi bà mẹ trở về đến nhà, thì đã sinh ra giữa đường, cho nên gọi là "Đại lộ". Bà mẹ của Ngài đã trải quamột lần kinh nghiệm, khi mang thai lần thứ hai, thì sớm trở về nhà mẹ để sinh sản, song lần nầy vẫn sinh ra "Tiểu lộ" tại giữa đường. Do đó, hai anh em tên gọi là "Đạo sinh" và "Kế đạo".
Châu Đà căn cơ sâu dày, quán thông Phật lý, đối với kinh điển qua mắt chẳng quên. Song người em căn tánh rất ngu độn, đọc kinh sách chẳng nhớ câu nào, giải đãi chẳng tinh tấn. Do đó, mọi người đều nghị luận về tính cách rất cực đoan của hai anh em.
Nghe vậy Ngài Châu Đà quở trách người em nói: ‘’Chú mày thật là vô dụng, năm trăm vị A La Hán dùng hết sức để dạy chú mày, mà chú mầy vẫn không hiểu, tốt nhất hãy hoàn tục cho rồi‘’. Người em chẳng muốn hoàn tục, song người anh rất kiên quyết, chẳng muốn người em xuất gia nữa. Người em thì chẳng muốn hoàn tục, song không thể không nghe lời anh, nên bèn bỏ đi vì xấu hổ quá. Phật biết câu chuyện nầy, bèn đến trước cản lại, an ủi Sa Già Đà và dạy Ngài niệm :
‘’Chổi quét đất tâm,
Tự tịnh ý mình,
Đất tâm quét sạch,
Tự nhiên sẽ ngộ‘’.
Song, Sa Già Đà trí nhớ rất kém, nhớ được chữ ‘’chổi‘’ thì quên chữ ‘’quét‘’. Song, Phật vẫn nhắc lại cho Ngài. Sa Già Đà đọc đi đọc lại nhiều lần, thời gian sau Ngài khai ngộ !
Tin rằng, những người đang nghe pháp ở đây, thông minh hơn Ngài nhiều, đừng nói chổi quét hai chữ, dù bốn chữ một khi nghe thì nhớ liền. Niệm ‘’A Di Đà Phật‘’ càng dễ hơn nữa, song sao chúng ta vẫn chưa khai ngộ ? Tôn giả tuy nhiên ‘’ngu‘’ hơn chúng ta, song ‘’khai ngộ‘’ mau hơn chúng ta. Đó là vì tôn giả ở trong đời quá khứ, đã từng cúng dường ba đời tất cả chư Phật, nuôi lớn căn lành, cho nên căn cơsâu dày.
Hiện tại, vì ứng cơ giáo hóa chúng sinh, nên cố ý hiện tướng ngu độn, vì chúng sinh làm mô dạng như thế. Chúng sinh thấy Ngài ngu si như thế, mà còn có thể khai ngộ, mình còn thông minh hơn Ngài nhiều, cơ hội khai ngộ chắc chắn rất nhiều, cho nên cố gắng tinh tấn tu hành.
Sa Già Đà trong đời quá khứ, tự cho rằng thông minh, tuy hiểu pháp lý vi diệu, song chẳng muốn vì chúng sinh thuyết pháp, đó là tham lam pháp, chảng bố thí pháp, cho nên đời nầy mắc quả báo ngu si. Chẳng muốn người khác thông minh, thì chính mình càng biến thành không thông minh. Do Ngài đã từng gieo trồng căn lành sâu dày, nên vẫn có một ngày khai mở trí huệ.
Chúng ta học Phật đã lâu, nhưng đã lâu mà vẫn chưa khai ngộ. Vì thuở xưa chưa từng cúng dườngTam Bảo và tất cả chư Phật ba đời. Đây cũng ví như đang vun bồi cây, nếu gốc rễ sâu dày, thì cây sẽ phát triển sum sê. Ngược lạ, nếu ban đầu gốc rễ chẳng vững chắc, thì dần dần cành lá nhất định sẽ khô rụng. Do đó, làm người phải trồng nhiều căn lành, làm nhiều việc thiện, công đức viên mãn, thì tự nhiênsẽ khai ngộ. Ai muốn phước huệ song tu thì một mặt tu hành, một mặt cũng phải làm việc thiện, nên nhớ đừng tham lam pháp, hiểu một câu thì phải nói một câu, phải cung hành thực tiễn, lấy thân làm phép tắc. Do đó, có câu :
‘’Ma Ha Tát bất quản tha,
Di Đà Phật các cố các‘’.
Bồ Tát chẳng để ý đến lỗi lầm mao bệnh của kẻ khác, bất cứ kẻ khác đúng hay sai. Chúng ta đừng cứ giặt quần áo cho kẻ khác, ngược lại quần áo của mình thì dơ bẩn. Cho nên hiểu và thực hành mới là chân tu hành, công đức mới viên mãn.
Tham lam pháp là chướng ngại lớn trong việc tu hành, quả báo chẳng những chỉ ngu si, mà còn bị quả báo câm ngọng, chẳng những chẳng nhớ hai chữ chổi quét, mà cho đến cơ hội nói cũng chẳng có, đó mới là nhiều khổ ! Cơ hội khai ngộ thật là mỏng manh.
Ở trên nói về các vị A La Hán, đều đại biểu cho một nghìn hai trăm vị A La Hán. Các Ngài đều được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đồng một danh hiệu là Phổ Minh. Lúc đó, sợ chúng sinh không minh bạch, nên Đức Phật từ bi dùng kệ để thuật lại.
Tỳ Kheo Kiều Trần Như
Sẽ gặp vô lượng Phật
Qua A tăng kỳ kiếp
Mới thành Đẳng chánh giác.
Thường phóng đại quang minh
Đầy đủ các thần thông
Danh đồn khắp mười phương
Tất cả đều cung kính.
Thường nói đạo vô thượng
Nên hiệu là Phổ Minh
Cõi nước đó thanh tịnh
Bồ Tát đều dũng mãnh.
Đều lên lầu các đẹp
Đến các nước mười phương
Dùng đồ cúng vô thượng
Cúng dường các đức Phật.
Cúng dường như thế rồi
Trong tâm rất hoan hỉ
Chốc lát về bổn quốc
Có thần thông như thế.
Tỳ Kheo Kiều Trần Như ở đời vị lai, sẽ gặp vô lượng các Đức Phật, thừa sự cúng dường, trải qua vô lượng kiếp sau mới thành Phật đạo. Thường phóng quang minh trí huệ, viên mãn đầy đủ các thần thông, danh hiệu Phật vang khắp cõi nước mười phương, là chỗ quy kính của tất cả chúng sinh. Thường nói diệu pháp thâm sâu vô thượng, như trí huệ quang phóng ra, nên hiệu là Phổ Minh.
Ở trong cõi nước thanh tịnh đó, chúng Bồ Tát đều dũng mãnh tinh tấn, đều thăng lên lầu các đẹp đẽ, được đạo phẩm vi diệu nhất, du hành đến cõi nước mười phương, để tu các công đức, dùng đồ cúng bằng bảy báu để cúng dường chư Phật. Làm các sự cúng dường như thế rồi, trong tâm rất vui mừngsung sướng, sinh đại hoan hỉ, trong chốc lát trở về bổn quốc, vì có đủ thứ thần thông nên được như thế.
Phật thọ sáu vạn kiếp
Chánh pháp trụ hơn thọ
Tượng pháp lại hơn chánh
Pháp diệt trời người lo.
Năm trăm Tỳ Kheo này
Lần lượt sẽ thành Phật
Đồng hiệu là Phổ Minh
Lần lượt thọ ký nhau.
Sau khi ta diệt độ
Vị đó sẽ thành Phật
Thế gian Phật đó độ
Cũng như ta ngày nay.
Cõi nước đó nghiêm tịnh
Và các sức thần thông
Chúng Bồ Tát Thanh Văn
Chánh pháp và tượng pháp.
Kiếp thọ mạng bao nhiêu
Đều đã nói ở trên
Ca Diếp ông đã biết
Năm trăm vị tự tại.
Ngoài các chúng Thanh Văn
Cũng sẽ lại như thế
Ai chẳng có ở đây
Ông nên vì họ nói.
ứng thân của Phật thọ mạng sáu vạn kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi vạn kiếp, còn tượng pháp trụ hai mươi bốn vạn kiếp. Nếu pháp diệt thì trời người đều lo âu. Năm trăm tôn giả thứ tự thọ ký, Phật diệtđộ rồi, cùng nhau lần lược sẽ thành Phật, đều hiệu là Phổ Minh Như Lai. Thế gian của vị Phật đó độ, như thế giới Ta Bà hiện tại nầy, song trong cõi nước đó nghiêm tịnh, và đủ thứ sức thần thông biến hóatự tại. Các chúng Bồ Tát, Thanh Văn, chánh pháp và tượng pháp, thọ mạng bao nhiêu kiếp, giống như Phổ Minh Như Lai không khác, đều như đã nói ở trên.
Ca Diếp ông đã biết, ta vì năm trăm vị A La Hán mà thọ ký, tức cũng vì các chúng hàng Thanh Vănkhác, một nghìn hai trăm vị mà thọ ký, nếu hôm nay những người nào không có ở đây, ông nên vì họ mà nói.
Bấy giờ, năm trăm vị A La Hán ở trước đức Phật được thọ ký rồi, vui mừng hớn hở, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, đảnh lễ dưới chân đức Phật, hối lỗi tư trách rằng : Đức Thế Tôn ! Chúng con thường nghĩ như vầy : Tự cho rằng đã được diệt độ rốt ráo, nay mới biết là người chẳng có trí huệ. Tại sao ? Vì chúng con đáng được trí huệ của đức Như Lai, mà tự cho rằng trí nhỏ là đủ.
Đức Thế Tôn ! Ví như có người nọ, đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó bạn thân bận việc quan phải đi, bèn lấy hạt châu vô giá, buộc vào trong áo của gã say rồi bỏ đi. Gã đó tỉnh dậycũng chẳng biết, đi lang thang đến nước khác, vì ăn mặc nên gắng sức tìm cầu rất là khốn khổ, được chút ít bèn cho là đủ.
Năm trăm vị tôn giả, ở trước Phật được thọ ký rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phậtđảnh lễ dưới chân Phật, sám hối tự trách. Ai có thể biết hối lỗi tự trách, là hành vi của bậc Thánh Hiền, người chẳng biết hối lỗi là hành vi ngu si. Các vị A La Hán tự trách, được ít cho là đủ, chưa được cứu kính Niết Bàn, mà tự cho đã được. Trên thì chẳng biết có Phật đạo có thể thành, dưới thì chẳng biết có chúng sinh có thể độ. Chỉ biết tự tại an lạc, gì cũng chẳng lo. Bây giờ mới biết xưa kia đều là sai lầm, đều là sở làm của kẻ chẳng có trí huệ.
Nay mới biết chúng con tu hành, đáng chứng được hết thảy công đức trí huệ của Như Lai. Nếu ai tự cho tứ quả tiểu thừa là cứu kính Niết Bàn, thì ví như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm. ‘’Người‘’ ví cho chính mình, ‘’nhà bạn thân‘’ ví cho Đức Phật. Say rượu mà nằm, ‘’say‘’ biểu thị cho rượu năm dục mê hoặc, cho nên hôn mê ngu si, được ít cho là đủ. Lúc đó, Phật độ xong chúng sinh ở thế giới nầy, thì đến nước khác. Bận ‘’việc quan phải đi‘’. Thấy gã nầy duyên đã hết, nên đến phương khác giáo hóa chúng sinh, dùng thật tướng diệu lý giáo hóa chúng sinh, dùng đại thừa để giáo hóa. Song người đó chẳng có trí huệ, chỉ trầm mê ở trong mộng say ngu si, nằm chẳng dậy, chẳng nghe pháp đại thừa. Khi tỉnh dậy thì biết muốn cầu pháp, do đó bèn đến nước khác, hành pháp tiểu thừa. Vì ăn mặcnên cầu học tiểu thừa, như lạnh đi tìm áo, như đói đi tìm cơm, rất là khốn khổ vô cùng, đi khắp nơi tìm cầu, không thể tự an, ở trong tiểu thừa được ít cảnh giới, thì tự cho là đủ, càng chẳng tinh tấn.
Thời gian sau, người bạn thân gặp lại gã kia bèn nói rằng : Lạ thay anh này ! Sao lại vì ăn mặcmà đến nỗi này. Trước kia, ta muốn khiến cho anh được an lạc, tha hồ thọ hưởng năm dục. Vào ngày tháng năm đó, ta lấy hạt châu vô giá buộc vào trong áo của anh, mà đến bây giờ anh vẫn không biết, để phải cực khổ lo buồn tìm cầu tự sống, rất là ngu si vậy. Nay ông có thể dùng hạt châu báu đó, đổi lấy những đồ cần dùng, thì sẽ được như ý, chẳng còn thiếu thốn. Phật cũng như thế, khi làm Bồ Tát thì giáo hóa chúng con, khiến cho phát tâm Nhất thiết trí, mà chúng con bỏ quên không hay không biết. Tức được quả A la hán, mà tự cho là đã diệt độ. Khổ nhọc sinh sống được ít cho là đủ. Nguyện Nhất thiết trí vẫn còn chẳng mất.
Hôm nay đức Thế Tôn giác ngộ chúng con, bèn bảo rằng : Này các Tỳ Kheo ! Chỗ các ông được chẳng phải rốt ráo diệt độ. Từ lâu, ta đã khiến cho các ông trồng căn lành của Phật, dùng phương tiện nên thị hiện tướng Niết Bàn, mà các ông cho rằng thật được diệt độ.
Thời gian sau, ‘’Bạn thân‘’ lại gặp gã kia, dụ cho nay trên núi Linh Thứu, Thầy và đệ tử gặp lại, Phật ngạc nhiên bảo : Lạ thay ông này ! Tại sao vì cầu ăn mặc mà phải chịu khốn khổ ? Tại sao lại bần cùng như thế ? Vì các ông được ít cho là đủ, chẳng biết trên cầu quả vị Phật, dưới độ tất cả chúng sinh, chỉ biết làm tự liễu hán thôi. Xưa kia, ta muốn khiến cho các ông được an lạc, tha hồ hưởng thọ năm dục, tức sắc thanh hương vị xúc đều viên mãn, tức cũng là viên mãn năm căn lực, cho nên dùng pháp đại thừa giáo hóa chúng sinh. Chỉ vì các ông không biết ‘’Trong áo có buộc hạt châu báu‘’, chỉ biết cầu tiểu thừa, mà phải bị khổ cực lo buồn, giống như một số người, vì sinh sống mà phải bôn ba khổ sở để cầu sự sống, bèn cho là đủ, đó thật là quá ngu si. Nay ta tu pháp đại thừa, vì các ông ‘’trong áo có châu báu‘’ chưa từng mất đi. Nghĩa là Phật tánh vẫn tồn tại. Nếu tu pháp đại thừa, thì sẽ đắc quả vị, luôn được như ý, chẳng còn bần cùng nữa.
Đức Phật cũng như bạn thân của chúng con, thuở xưa làm Bồ Tát Diệu Quang giáo hóa chúng con, khiến cho chúng con phát tâm nhất thiết trí huệ, song chúng con từ lâu không gần gũi Bồ Tát, chẳng biết chẳng hay, quên mất pháp đại thừa, chỉ biết dụng công phu trên năm dục, quay lưng với giác ngộ mà hợp với sáu trần, còn tự cho rằng đã được vô thượng đạo. Quả vị tiểu thừa A La Hán, như đời sống của gã cùng tử, được một chút thì mãn nguyện.
Thuở xưa, đã từng phát nguyện lớn, nhất thiết trí nguyện vẫn chẳng mất, hôm nay gặp đấng đại giác Thế Tôn, giác ngộ cho chúng con. Nếu ai trong thuở xưa đã từng phát đại nguyện, thì đời nầy nhân duyên được gặp cũng sẽ phát đại nguyện, trồng xuống hạt giống đại thừa. Như các vị A La Hán hiện tại, tuy thuở xưa đã từng phát đại nguyện, song vì thời gian quá lâu, tâm sinh mê hoặc, chẳng biết tiến lùi, tự khốn bên trong, lo rầu không ngui, may gặp lương sư Đại Giác Như Lai, khiến cho họ bỏ mê muội về với giác ngộ, tự biết châu báu của chính mình.
Này các Tỳ Kheo! Hiện tại các ông chứng được quả vô học, chỉ là tiểu thừa, chẳng phải thật diệt độ. Ta từ nhiều kiếp đến nay, khiến cho các ông gieo trồng căn lành của Phật, dùng phương tiện quyền xảo thị hiện tướng hữu dư Niết Bàn, song các ông lầm lẫn cho rằng là rốt ráo diệt độ.
Đức Thế Tôn ! Nay chúng con mới biết thật là Bồ Tát, được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhờ nhân duyên đó, nên chúng con rất vui mừng được chưa từng có.
Bấy giờ, Ngài A Nhã Kiều Trần Như muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :
Chúng con nghe vô thượng
Tiếng thọ ký an ổn
Vui mừng chưa từng có
Lễ vô lượng trí Phật.
Nay ở trước Thế Tôn
Tự sám hối lỗi lầm
Nơi vô lượng Phật bảo
Được chút phần Niết Bàn.
Như kẻ ngu vô trí
Bèn tự cho là đủ.
Đức Thế Tôn ! Chúng con hôm nay mới biết vốn là Bồ Tát, được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhờ nhân duyên được Phật thọ ký, nên chúng con vui mừng được chưa từng có. Lúc đó, Ngài Kiều Trần Như nói với Phật: ‘’Chúng con nghe Vô thượng bồ đề, tâm niệm an ổn, tiếng Phật thọ ký, vui mừng tin nhận, được chưa từng có. Nay ở trước Phật sinh tâm sám hối, tự hối lỗi chấp tiểu thừa, mê muội đại thừa. Được ít phần hữu dư Niết Bàn mà tự cho là đủ, giống như người ngu chẳng có trí huệkhông khác‘’.
Ví như gã bần cùng
Đi đến nhà bạn thân
Nhà đó rất giàu có
Bày đủ cỗ tiệc ngon.
Lấy châu báu vô giá
Buộc chặc vào trong áo
Yên lặng mà bỏ đi
Gã nằm chẳng hay biết.
Sau gã đó thức dậy
Lang thang đến nước khác
Cầu ăn mặc tự sống
Sinh sống rất khốn khổ.
Được ít cho là đủ
Càng không muốn đồ tốt
Chẳng biết ở trong áo
Có châu báu vô giá.
‘’Ví như gã bần cùng, đi đến nhà bạn thân‘’ : Gã bần cùng ví như chúng sinh; bạn thân giàu có ví nhưĐức Phật. Chúng sinh quy y Phật, giống như gã bần cùng đến nhà bạn thân rất giàu có. Nhà đó bày cỗ tiệc rất ngon, ví như món ăn thiền duyệt và món ăn pháp hỉ. Sau đó, người bạn thân vì có việc đi ra ngoài, nên lấy pháp đại thừa vô giá cho gã bần cùng, rồi bỏ đi giáo hoá chúng sinh khác. Song ‘’gã bần cùng‘’ chẳng biết tự cầu tiến tới, chẳng biết đại thừa là báu vô giá, mà ‘’nằm chẳng hay biết gì‘’. Sau khi tỉnh dậy, vì có tri giác bèn phát tâm tu hành nên gọi là ‘‘dậy’’. Song quên mất đại thừa mà tu tiểu thừa, như lang thang đến nước khác. Tiểu thừa quả A La Hán chẳng phải Niết Bàn rốt ráo, như gã bần cùng kia, xin ăn tự sống, đời sống rất là vất vả. Chẳng cầu Phật đạo, được ít cho là đủ, chẳng biết trong tự tánh vốn đã có hạt giống đại thừa.
Bạn thân cho hạt châu
Sau gặp lại gã nghèo
Khổ thiết trách gã rồi
Chỉ cho chỗ buộc châu.
Gã nghèo thấy châu rồi
Trong tâm rất vui mừng
Giàu có các của cải
Tha hồ hưởng năm dục.
Chúng con cũng như thế
Thế Tôn từ thuở xưa
Thường giáo hóa chúng con
Khiến trồng nguyện vô thượng.
Vì chúng con vô trí
Chẳng biết cũng chẳng hay
Được ít phần Niết Bàn
Cho đủ chẳng cầu nữa.
Nay Phật giác ngộ con
Nói chẳng thật diệt độ
Được Phật trí vô thượng
Đó mới là thật diệt.
Nay con nghe từ Phật
Thọ ký việc trang nghiêm
Và lần lược thọ ký
Khắp thân tâm vui mừng.
Phật vì chúng sinh nói pháp môn đại thừa thâm sâu vô thượng, song chúng sinh vì căn cơ ám độn mà chẳng hiểu. Ví như người nọ, vì khiến cho họ khai mở đại trí huệ, mà nói pháp môn thành Phật, song người đó chưa thể hoàn toàn tin, cũng chẳng thấu rõ nghĩa sâu xa, thời gian lâu từ từ quay lưng với đạo mà bỏ đi, bỏ đại thừa mà cầu pháp tiểu thừa, hoặc là đi Ấn độ, hoặc là đi Thái Lan, Miến điện, Tích Lan, tìm đến tìm lui lại càng khốn cùng. Đó là bỏ gốc tìm ngọn, bỏ gần cầu xa. May thay lại gặp thầy tốt, trách cứ gã bần cùng nầy. ‘’Trách‘’ đó là biểu hiện lòng từ bi của Phật Bồ Tát. Mục đích khiến cho họ phát tâmhồi tiểu hướng đại, vào một Phật thừa.
Sau khi Đức Phật ngộ đạo, vốn trước hết muốn nói Kinh Pháp Hoa đại thừa, chỉ vì chúng sinh ngu si ám độn, chẳng thể tiếp thọ, cho nên trước hết nói tam tạng, Kinh Phương Đẳng, tiếp theo nói Bát Nhã, dần dần vào viên đốn giáo, chê tiểu thừa khen đại thừa. Khai quyền hiển thật, vì thật thí quyền, đó tức là ‘’khổ thiết trách gã‘’. ‘’Chỉ cho nơi buộc châu‘’ : Chỉ cho vốn đã có đủ Phật tánh, khiến cho họ biết tu pháp môn đại thừa, như hàng Thanh Văn, thấy được Phật tánh, như nghèo được châu báu, vui mừngtin nhận. Nếu ai thấu rõ và thực hành tu pháp đại thừa, tức là người giàu có, có Phật pháp ở trong tâm. ‘’Giàu có các của cải, tha hồ hưởng năm dục‘’ : Sắc thanh hương vị xúc, đâu chẳng phải là tam muội, tùy duyên ứng dụng, rộng lớn tư tại, được thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Như người muốn sắc thì có sắc, muốn thanh thì có thanh, cho đến hương, vị, xúc, cũng lại như thế, đó chẳng phải là diệu chăng ? ‘’ Tài sắc danh thực thùy‘’: Thảy đều đầy đủ viên mãn, giống như sơ tổ Ma Ha Ca Diếp nhập định ở trong núi Kê Túc, đó chẳng phải là ‘’ngủ lâu dài‘’ chăng ? Ngủ một ngàn năm cũng chẳng kể là lâu dài, mấy vạn năm cũng chỉ trôi qua nột nháy mắt. ‘’Thực‘’, trong pháp giới có thực vật là ngon hơn hết. ‘’Danh‘’, được danh mà người không thể được. Muốn ‘’tài‘’ thì chỉ cần tùy ý dũi tay một cái thì có được.
Chúng con cũng như gã bần cùng không khác, quay lưng với sự giác ngộ mà hợp với trần lao. Đức Thế Tôn thấy vậy thương xót, luôn giáo hóa khiến cho chúng con gieo trồng nguyện vô thượng bồ đề rộng lớn. Song chúng con chẳng có trí huệ, chẳng biết thuở xưa đã từng phát nguyện, cũng chẳng biết vốn có Phật tánh, được chút ít sự vui không sinh không diệt mà tự cho là đủ, chẳng cầu pháp môn đại thừa. Bây giờ nghe Đức Phật nói, mới giác ngộ đây chẳng phải là cứu kính, chỉ là ‘’hoá thành‘’ ở giữa đường, chẳng phải thật diệt độ. Chỉ khi nào đắc được trí huệ của Phật, mới là rốt ráo diệt độ. Phật thọ ký cho chúng con sẽ thành Phật rồi, mới biết đại thừa là vô thượng chánh biến tri giác, cõi nước đó trang nghiêm thù thắng, và lần lược thọ ký, khiến cho khắp thân tâm của chúng con vui mừng vô kể.
Người cầu Phật pháp phải đầy đủ tâm nhẫn nhục, chẳng sợ gian nan khốn khổ mới có hy vọng thành tựu.
Có người nói ‘’tha hồ hưởng thọ năm dục‘’ thật là quá vi diệu, vậy chúng ta vì muốn được cảnh giới nầy mà phát tâm. Bạn sai lầm rồi ! Nếu ai vì năm dục mà phát tâm, thì không lâu về sau sẽ đọa vào địa ngục. Đó là dụng tâm sai lầm, ai cầu năm dục thì tâm người đó bất chánh, tất rơi vào đường ma, làm quyến thuộc của ma vương, pháp đại thừa mới là xả bỏ dục, đoạn dục, vô dục, mà phát bồ đề tâm.
Ở trên nói về ‘’tha hồ hưởng năm dục‘’, chỉ bất quá là ví dụ, hình dung biểu hiện sức thần thông tự tại của đại quyền Bồ Tát. Phàm là Bồ đề tát đỏa có căn tánh đại thừa, không thể nào ít có sự ‘’an lạc‘’, không chấp cảnh giới nầy, thì gọi là cảnh giới lành, nếu chấp cảnh giới nầy, thì tức là cảnh giới ma. Bồ Tát chẳng trụ tâm vào bất cứ chỗ nào. Nếu ai muốn thành tựu Phật đạo, thì trước phải dứt trừ lòng dâm dục, dục là gốc của khổ, bằng không thì tướng chúng sinh điên đảo.
HT Tuyên Hóa