Mục Lục

Bạch Sư! Trong các pháp môn tu, chúng con nghe quý sư giảng, môn lễ bái là pháp thật dễ tu dành cho chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Lễ bái cũng là một công hạnh tu trong các hạnh tu của pháp môn niệm Phật Tịnh độ tông, như Lễ Phật, tụng kinh Phật, niệm Phật. Chúng con thấy lễ bái là hạnh lành cao cả và trang nghiêm, đồng thời cũng là một trong tông chỉ của Liên tông Tịnh độ Non bồng… xin Sư từ bi hoan hỷ chỉ dạy?

Lễ bái môn là pháp môn tu phổ cập trong quảng đại quần chúng, tín đồ Phật tử, từ xưa đã trở thành nền nếp cho con người. Vái là “xá” , vái ba vái tức là xá ba xá, lễ là lạy, xá ba xá rồi lạy ba lạy là hạnh lành của người tín đồ Phật tử trong chốn thiền lâm, am thanh cảnh vắng, nơi a luyện nhã, nơi đã không còn tâm trần ý tục nữa, mà nơi đó chính là giải thóat mọi căn duyên trần tục, tháo bỏ mọi xích xiềng, tiêu dao nơi Cực lạc. Lạy Phật, đức Phật trước mặt, nhưng khi đã lạy thì lúc bấy giờ chính con là Phật, Phật ở trong con, chính con và Phật là “một”. Kinh dạy: “…Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì…”

Tánh lạy thể hiện nơi tướng lạy, tướng lạy nhưng tấm lòng dứt nghĩ suy, nên chỉ còn lại sự rỗng không, không tịch, không còn ta và Phật, ta và Phật không hai. Lúc bấy giờ chỉ còn là một Đức Phật giải thóat tòan diện.
Luận Thập trụ Tỳ bà sa, ngài Thế Thân dạy về ngũ niệm môn, trong đó có môn tu “Lễ Bái Môn” đứng đầu trong các hạnh lành tu Tịnh Độ.

Xin giới thiệu về bảy phép lạy trong “Nhị khóa hiệp giải” bản dịch của Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, mà tôi đã học tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, núi Bồng Lai vào năm 1962 và được mời thuyết giảng vào năm tại Lớp Giáo Lý Căn Bản tại Tổ Đình Long Thiền – Bửu Hòa, Biên Hòa (chương trình Trung đẳng Phật học, niên khóa 1991-1995). Bản dịch được thực hiện vào năm 1958-Pl 2502, theo nguyên bản của Pháp sư Quán Nguyệt chú giải.

Kinh Đại Phương Quảng nói:”ngài Trí Đăng tôn giả hỏi Đức Văn Thù Sư Lợi rằng:” Thế nào là lạy Phật”.
Đức Văn Thù đáp:”nếu thấy pháp (sự vật) sạch thì gọi là thấy Phật sạch, hoặc thân và tâm chẳng thấp chẳng cao, chỉ ở một mực ngay thẳng, lòng vẫn vắng lặng, không hề dao động, làm cái hạnh vắng lặng như thế gọi là lạy Phật.

Từ năm 1960 đến 1964, chư Tăng Ni Non Bồng tại núi Bồng Lai được Đức Tôn Sư dạy lạy Phật vào buổi sáng và buổi chiều. Buổi sáng từ 6 giờ đến 7 giờ, buổi chiều cũng từ 18 giờ đến 19 giờ, mỗi lần lạy như vậy là 108 lạy, nội dung đảnh lễ chư Phật, mười phương chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư lịch đại tổ sư, chư hiền A la hán, chư thánh, chư tiên, chư thánh mẫu… đây là việc thực tập tu Tịnh độ của các liên hữu Non Bồng, trong đó có lạy chư thánh, chư tiên, chư thánh mẫu là do người tu núi phải đảnh lễ chư vị mà thôi, không thực hiện thì không đúng; cho nên nói lạy 108 lạy, chứ thật ra chư Tăng Ni, Phật tử lạy còn hơn 108 lạy Phật nữa… Đặc biệt là các vị lạy đứng, đứng lạy, vị nào cao tuổi thì quỳ lạy, vị nào còn trẻ mà quỳ lạy thì sẽ bị phạt quỳ hương…

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy có ba cách lạy Phật:
1). Lạy nên lỗi, là trong lúc lạy Phật, cái thân dung nghi chẳng trang chính, vì đi theo tánh khinh mạn, tỷ như cái chày đạp lên xuống, nên Phật bảo là có lỗi.
2). Lạy tương tợ: Trong khi lạy Phật, thân thể dung nghi tự hồ chân chính, mà tâm niệm nghĩ tưởng xằng bậy nơi đâu, hoặc chỉ lo cầu nguyên buôn mai bán đắc, ăn nên làm ra vậy thôi, lạy Phật ở trên bàn, Phật ciment, nhưng khi gặp quý Sư không biết xá lạy tôn kính, thêm vào đó tuy khởi tâm đi chùa, nhưng chẳng biết gì là cầu học Phật pháp. Vào chùa thì đi xe bốn bánh ỷ lại vào chức quyền,giàu có, hách dịch… không tôn kính quý Sư, chư Tôn Hòa Thượng, Thượng tọa, Trung tọa, Hạ tọa… Những người ấy có đi chùa cả ngàn năm cũng vô ích mà thôi. Những người nầy mê tín dựa vào một vài vị “thầy không ra thầy, trò không ra trò” xin bùa, xin phép làm ăn, xin phép “mị dân” để mở công ty lại bảo là đi chùa. Họ không biết việc làm ăn thành bại là do chính mình, tự trí tuệ của mình chính là Đức Phật “ở trong lòng”, Phật trong lòng gia hộ cho ăn nên làm ra… Có nhiều người vào chùa gặp quý Sư, gặp Hòa Thượng, lấy mắt ngó nghinh, ngó ngang… vậy mà cũng bảo là đi chùa đến nay mười năm rồi?
3). Lạy tùy thuận chân thật: lúc đương lạy Phật thân nghĩ họp nhau với ý nghĩ chân chính, người ấy thuận theo tâm thành thật để lạy.

Người Phật tử đó, khi xá lạy biết kính quý Sư, quý Hòa Thượng, quý Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư, đến chùa học Phật pháp để tu, học giáo lý Phật học để biết, không cầu linh mà thật linh nghiệm, việc làm ăn kết quả, thành đạt.
Sự thành đạt là do trí năng của con người, trí năng đó chính là Phật tánh, Đức Phật trong lòng (trí tuệ) gia hộ. Phật dạy: “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, Phật tánh chính là trí tuệ để định đọat cho chính mình trong lúc tiếp cận với đời, với công ăn việc làm. Chớ không do một Thầy nào đó cho phép làm ăn, ban bố ân điễn làm ăn… hủ tục nầy mê tín lạc hậu lắm rồi, đã không còn ở trong nhà Phật, khi người Phật tử biết nó là “trò mê tín lừa bịp”; khi người Phật tử tín tâm biết phát tâm thọ quy giới, học Phật pháp, biết tìm đường chính kiến.

Bộ Hoa Nghiêm Tùy Sớ Diễn Nghĩa dạy:”lễ là kính lạy ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, ắt phải đem năm vóc đến sát đất, làm vậy chi vậy? Là lý do bỏ dẹp tánh ngạo mạn của thế gian, mà nói lên lòng thành kính:
1/. Đầu gối hữu,
2/. Đầu gối tả,
3/. Cùi chỏ tay hữu,
4/. Cùi chỏ tay tả,
5/. Cán trán, đầu chấm sát đất. Nghĩa là trong những lúc mỗi vóc nào vừa sát đất, đều có mỗi câu nguyện cả, như:
Một, khi lạy đầu gối hữu kê sát đất, nguyện cho chúng sanh, đồng đặng đạo chánh giác.

Hai, khi lạy đầu gối tả kê sát đất, nguyện cho chúng sanh, lòng không tà kiến với pháp ngọai đạo, mà đồng được đứng vững vàng trong đạo chánh giác.

Ba tay hữu lạy kê sát đất, nghỉ tưởng đến Đức Thế Tôn đang ngồi tọa bửu tòa Kim Cang, dùng từ lực chuyển cho quả đất rúng động, hiện nhiều điềm lành cho đại chúng thấy, nguyện cho chúng sanh đồng đắc quả bồ đề, thóat khỏi khổ nạn, tai qua nạn khỏi tật bệnh tiêu trừ.

Bốn, tay tả khi lạy kê sát đất nguyện cho chúng sanh xa lìa những phái ngọai đạo, tà kiến khó điều phục (xa lìa chớ không nên điều phục họ,làm cho họ theo đạo của mình đang theo, điều nầy Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước từng dạy, nếu làm vi phạm luật thế gian), không làm những việc mê tín, tiên tri, bốc phệ, bói mu rùa, dùng người có tật phế khác lạ, gọi là phi thường, sai khiến họ làm điều tà mị, rồi tôn xưng tôn vinh người ấy là Phật thánh, mị thế đời nhẹ dạ cả tin, phá chánh pháp, gặp trường hợp nầy Sa môn đệ tử Phật dùng pháp tứ nhiếp, tùy duyên tìm cách gần gũi họ tuyên thuyết giáo lý Phật, khuyên niệm Phật, niệm Quán Âm Bồ Tát để cảm hóa, khiến cho vào đạo chánh (Đức tôn sư từng khuyên giải tại Quan Âm Tu Viện điều nầy, mà chính Đạo luật Quan Âm Tu Viện cũng ngăn không cho làm, mà chỉ khuyên lo tu hành trường chay niệm Phật).

Năm, đầu mặt khi lạy phải lạy xuống sát đất, nguyện cho chúng sanh bỏ lìa tâm kiêu mạn, đồng đặng trọn nên đạo quả vô thượng bồ đề (làm gì thì làm, nhưng nếu xưng là Phật tử, mà thấy quý Sư, quý Hòa Thượng, Thượng tọa Đại đức, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô, nói chung là người tu mà không xá, không chào hỏi… thì không nên xưng là Phật tử có đi chùa!) Thật e ngại!

Sách Tây vức ký nói:”nghi thức để tỏ lòng thành kính có chín cách hỏi han quý Sư, Thầy lễ phép như dưới đây:
1). Thốt lời nhẹ nhàng thưa hỏi, hỏi han thăm sức khỏe,
2). Xá, cúi đầu để tỏ lòng kính mến, kính viếng
3). Dở tay đưa lên cao và hạ xuống để xá chào, một cách tôn kính, không qua loa cho qua lề lối, giả dối, không chân thật sẽ giảm phước báo.
4). Hoặc vòng tay, hoặc chắp tay vừa chừng, ngay trước ngực để kính chào.
5). Khi lạy, thì co đầu gối lại, lúc đứng dậy, muốn lui ra xa thì bước lui ba bước rồi mới quây lưng đi xa.
6). Quỳ gối mà duỗi dài hai chân ra (cách nầy thuộc Phật tử, những nhà quý phái Tây tạng, Mật tông. Ơ Việt Nam Đạo Phật du nhập đến nay trên 2000 chưa từng thực hiện…)
7). Đầu gối quỳ sát đất.
8). Năm vóc đều co thúc tròn lại (dành cho người nữ tu, nữ Phật tử)
9). Năm vóc điều gieo mình xuống sát đất.

Cả chín lễ phép cung kính trên, mà cái ưu điểm hơn hết là: hoặc một lạy, hoặc một quỳ, để khen ngợi những đức tốt đẹp người trên, tôn kính các bậc Hòa Thượng, Sư Thầy, ông bà cha mẹ, làm như thế gọi là hết lòng thành kính.
Người tín đồ Phật tử ngày nay nên học tập lời dạy của Ngọc Lâm Quốc Sư mà sữa chữa cho đúng, xứng danh người Phật tử:”gần đây, đạo pháp của người tu, ngày một yếu lần, bởi do ma chướng đắc thời được mạnh lấn át đạo đức làm cho xa rời con người! Cũng vì người lớn, người giáo hóa đồ chúng một vài Sư Thầy không đủ tư cách làm Thầy, không nghiêm huấn người tín đồ Phật tử từ đầu (một số chùa lớn ngày nay bị vướng vào điều nầy), lại dẫn dắt họ sa đà vào con đường mê tín, hoặc dẫn dắt họ tu hành không đúng tông chỉ… nên để cho một ít người có tâm tà kiến, đem tà giáo chen chân vào tông môn pháp phái, rồi ra nông nổi nầy…

Trong Sách Nhị Khóa Hiệp Giải, ngài Quán Nguyệt chú giải bảy phép lạy căn bản dành cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử, những điều nào nên làm, điều nào không nên làm:

1/. Lạy bằng cách ngã mạn và cống cao: tức là lạy mà lòng không tôn kính người mình lạy, lạy cho lấy có. Ỷ lại vào bậc ngôi của mình, vì không tâm cung kính, cái ý thức rong theo ngọai cảnh, cái thân lạy mà năm vóc chẳng sát đất, tỷ như cái chày đạp giả gạo, nó chỉ vòng lên rồi hạ xuống mà thôi, chớ nó không có ý niệm gì.

2/. Lạy bằng cách kẻ xướng lên, người đọc theo: Bộ dạng lỡm chỡm, lòng dạ lao xao, thấy có ai thì hình như ta đây là Phật tử thâm niên, nhẹ nhàng bái lạy. Mọi người đi rồi thì trể nãi mệt mê hoặc tâm lòng tán lọan mà miệng thì xướng họa vậy thôi.

3/. Lạy bằng cách cả thân tâm đều cung kính: Nghe xướng danh Phật liền tưởng nhớ Phật, ngòai thân trong tâm thảy đều thành kính, với việc lạy đều tinh tiến ân cần chớ không trể nãi.

4/. Lạy bằng cách dấy trí thanh tịnh nơi lòng: hiểu thấu cảnh giới của Phật đều tùy nơi tâm để hiện lượng nên lạy một Phật tức lạy tất cả Phật, lạy một lạy tức là nhiều lạy, vì lẽ là pháp thân của chư Phật vẫn lẫn suốt với nhau, nghĩa là tự Phật tức tha Phật.

5/. Lạy bằng cách khắp vào cõi giới tánh: Tự xét các pháp và thân tâm ta từ trăm đời ta, từ trăm đời trước, cho đến đời sau, vậy nay chưa hề lìa pháp giới tánh, chúng sanh bình đẳng với Phật: chỉ lạy một Phật như lạy khắp cả chư Phật ở khắp pháp giới.

6/. Lạy bằng cách quán tưởng lòng chân chánh: Lạy ngay lấy Phật tánh của mình, chớ phi Phật nào đâu khác, bởi vì tất cả chúng sanh xưa nay đều vẫn sẳn sàng có Phật tánh hòan tòan bình đẳng chân giác.

7/. Lạy bằng cách thân tướng bình đẳng: sáu cách lạy trước có lạy có quán tưởng, tự Phật khác với tha Phật, chừ đây một lạy không hẳn lợi tha, phàm thánh như một thể dụng chẳng hai, nên Đức Văn Thù dạy: “tánh lạy vắng lặng, không phân biệt tâm cảnh, năng sở gì…” người phát tâm đi chùa lạy Phật, lạy pháp, lạy tăng cầu học Phật tu học đạo giải thóat, cầu thóat ly sanh tử… Như lời Phật dạy về sự phát tâm ở trong kinh Bốn Mươi Hai Chương, bản dịch Thiều Chửu, chương 36, xuất bản năm 1953 như sau:

“Thóat khỏi ngã ác trược sinh làm người, khó. Đã được làm người thóat khỏi mang thân đàn bà, đàn ông, khó. Được làm đàn ông sáu căn tòan vẹn, khó. sáu căn tòan vẹn sinh ở trung quốc (trung tâm văn hóa và Phật pháp), khó.Đã được sinh nơi trung quốc, nhằm đời có Phật ra,khó. Đã được gặp đời có Phật ra, khó. Đã được gặp đời có Phật ra, gặp đạo mầu,khó. Đã gặp đạo mầu khởi lòng tin, khó. Đã khởi lòng tin, mở lòng bồ đề, khó. Đã mở lòng bồ đề rồi, tới quả không còn phải đợi tu mới là chứng, khó… Nay các người Phật tử cách xa ta ngàn dặm, mà vẫn ghi nhớ các điều ta răn bảo tất chứng đạo quả. Ở luôn bên mình ta, mà không theo các điều ta răn, kết cục vẫn không đắc đạo. Không đắc đạo theo xưa, ngày nay thì gọi là không theo như ý muốn, do không vâng lời Phật dạy, làm khác đi việc của Phật, khiến cho chánh pháp lu mờ, không còn có cơ sở để kế thừa hay truyền đăng tục diệm.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 18: Lễ Bái Môn (Pháp Môn Tu Lễ Bái Niệm Phật)”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com