Mục Lục

Vấn: Xin Sư hoan hỷ tiếp tục giảng giải thêm về thân ứng hóa Ðức Quan Thế Âm khi ngài thị hiện trong đời nhiều thân để cứu khổ độ sanh? Nhất là thân ứng hóa thật tuyệt vời trong thơ nôm Quan Âm Thị Kính, khi ngài giả trai đi tu có tên là Kỉnh Tâm, chịu nhiều nỗi oan ức cho đến khi bị đánh tuyệt mạng?

Ðáp: Ðức Bồ tát Quan Aâm luôn thị hiện trong thế giới khổ đau để giúp cho chúng sanh tiến hóa ra khỏi khổ đau, tế khổ độ mê; ngài có hạnh nguyện thị hiện ngàn tay ngàn mắt, thị hiện nhiều thân, thân nào cũng được chúng sanh trong thế giới ta bà rất cảm kích tín ngưỡng tôn kính ngài. Thường là đức Bồ tát hay thị hiện thân nữ lưu, đức hạnh song tòan nên chúng sanh trong thế giới ta bà gọi ngài là Phật mẹ, Phật mẫu,bậc Mẹ Hiền tối tôn tối thượng. Vì chỉ có ngài mới đủ lực từ bi cứu khổ chúng sanh; qua ngài mọi người mọi loài nhận chân được giá trị hành đạo của Ðức Phật Thích ca, vị Giáo chủ cõi ta bà.

Thị hiện trong đời, ngài cũng có rất nhiều cơ cảm tùy duyên hóa độ, có khi thị hiện làm Quan Âm tướng hảo quang minh, có khi thị hiện hình tướng xấu xí như Tiêu Diện đại sĩ; nhất là như trên đã nói, thường hiện thân phụ nữ ở Triều tiên, Trung hoa, Nhật bản rồi Việt nam.

Ðức Quan Aâm Bồ tát, xưa là một nam nhân tuấn tú, hảo tâm xuất gia, tâm không còn dính bụi trần, trải qua chín kiếp tu như thế và được làm Sa môn tu hành đắc đạo.

Một ngày nọ Ðức Phật Thích ca Mâu ni thị hiện hóa thân một vị nữ lưu đức hạnh vẹn tòan, đẹp như tiên nga non bồng giáng thế để thử lòng vị Sa môn.

Ðức Mâu ni xuống thử lòng

Hiện ra một ả tư dung mỹ miều

Lần khần ép dấu nài yêu

Nhưng vị Sa môn từ chối vì đã trót tu hành, đang thọ giới pháp của Phật, kiếp nầy không thể thương yêu được, có thể xin hẹn lại kiếp khác!

Người rằng:”vốn đã lánh điều nguyệt hoa”

Có chăng kiếp khác họa là

Kiếp nầy sợi chỉ trót đà buộc tay

Không ngờ do lời hứa hẹn bâng quơ đó mà phải vướng vào vòng lao lý, bị đọa đày trong sanh tử luân hồi ở kiếp thứ mười.

Nào ngờ pháp Phật nhiệm thay

Lỡ lời mà đã vin ngay lấy lời

Chờ cho kiếp nữa đủ mười

Thử cho đày đọa suốt đời xem sao?

Là người tu, họa phước đều xuất phát từ miệng, một lời nói không cẩn ngôn cẩn hạnh phải chịu nhiều khổ đau trong cuộc đời ở kiếp lai sinh; miệng xuất phát từ ý niệm nghĩ suy. Từ đó mà quả báo thay nhau ẩn hình đóng vai trò “ân đền nghĩa trả” trong thế gian và cứ như thế mà trầm luân khổ đế.

Câu chuyện cổ tích thơ nôm Quan Aâm Thị Kính, tác giả là người tu Phật cũng cho chúng ta thấy được cái lý nhân quả trong nhà Phật mà Ðức Phật từng thuyết cho mọi người nghe. Gieo nhân thì hái quả, không có quả nào sai trái với mầm nhân đã gieo.

Bạch Sư! Trong thế gian có lắm điều phi lý:”khi người làm ác mà đời sống của họ vẫn sung túc giàu sang quý phái?”.

Sự việc có nguyên nhân của nó:”theo giáo pháp nhà Phật chắc chắn người làm ác (hạt nhân) thì phải gặp ác (quả báu), nhưng vì cái hạt nhân của việc làm ác ấy chưa chín mùi, chưa đủ yếu tố để tác thành quả…vì vậy mà người làm việc ác vẫn thấy được sung sướng, hạnh phúc…Tuy nhiên đến khi “hạt nhân ác “ chín mùi, đủ yếu tố tác thành quả không ai tài nào tránh khỏi họa hại đến nhà.

Chúng sanh thường ”theo nghiệp lực mà tái sinh vào thân sau”. Tái sanh vào cõi Thánh, tái sinh vào cõi phàm trần, tái sinh vào cõi A tu la, địa ngục, ngã quỷ, súc sanh…chỉ trừ Ðức Phật là bậc giải thoát toàn chân thiện mỹ ra khỏi sanh tử luân hồi, không tái sanh vào đâu cả, mà thị hiện vào đời cứu khổ, độ chúng sanh. Bồ tát thì vào đời bằng hạnh nguyện, nhưng vẫn còn một chút trở ngại khi mang “ấm thân”. Bậc Thanh văn tái sinh vào đời lại càng trở ngại hơn nữa khi vào bào thai mẹ, nơi huyển thân nhiều ô uế, nên phải chịu kiếp si mê rồi mới giác ngộ tu hành; trong giáo pháp nhà Phật có câu:” Thanh văn còn muội lúc ra thai, Bồ tát còn mê khi cách ấm…”

Thân tướng Bồ tát Quan Aâm là thân ứng hóa sanh thân, Ngài luôn có trách nhiệm đi vào thế giới ta bà, làm công việc bỏ thân trước, mượn thân sau, nên nói Bồ tát còn mê khi cách ấm…

Tại Việt nam thân nổi bật là thân Quan Aâm áo trắng,tay cầm nhành dương liễu và tay cầm bình tịnh thủy rưới mát chúng sanh vạn lọai, Quan Âm phục long, Quan Âm hiện trong mây, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm đứng trên một hải đão biển cả cứu người bị nạn, biển cả tượng trưng cho luân hồi, lực của ngài như một bà Mẹ hiền bao dung và từ ái.

Tại Trung quốc, thế kỷ thứ mười, Quan Âm còn được giữ dưới dạng nam giới, thậm chí trong hang động ở Ðôn hòang, người ta thấy tượng Quan Âm để râu, sau đó hình ảnh Quan Âm được vẽ mặc áo trắng có dạng nữ nhân. Có lẽ đều nầy cho thấy có sự pha trộn giữa đạo Phật và đạo Lão. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật tông, trong thời kỳ nầy đó là hai yếu tố từ bi và trí tuệ được thể hiện thành hai dạng nam nữ; mỗi vị Phật hay Bồ tát theo Mật tông đều có người hầu cận thuộc nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quan Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng, và Bạch y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ thế kỷ thứ mười quần chúng Phật tử Trung quốc tín ngưỡng Ðức Quan Âm áo trắng và kính tôn ngài là vị bồ tát có dạng phụ nữ.

Thường thì người Phật tử Ðông Bắc á còn tín ngưỡng Phật bà “Quan Âm Nam hải”, vì họ luôn cầu nguyện cho được bình an trong các chuyến đi về phương nam đánh cá.

Gia đình tôi, các chị em được giáo dục từ thuở nhỏ; lúc lên sáu, bảy vừa biết chữ là phải thực tập tụng kinh niệm Phật, ăn chay, mỗi tối ai không tụng kinh phải bị Ba (Bố) phạt quỳ hương, hoặc đứng khoanh tay quay vào vách cho đến 23 giờ Ba mới tha cho đi ngủ. Trong khóa lễ tụng kinh niệm Phật gồm có tụng bài Tán Dương chi, tụng bài Chú Ðại bi, tụng bài kinh Cứu khổ, tụng A di đà Phật thân kim sắc, niệm 108 câu danh hiệu Phật A Di đà, hồi hướng, tự quy y…về sau bắt đầu từ tháng giêng năm Kỷ hợi (1959) có tụng bài Pháp kệ Phổ đà sơn, trung bình một khóa lễ như thế chừng 25 phút đến 30 phút là cùng, do vậy mà các chị em tôi ít có ai chán ngán khi đến thời giờ tụng kinh niệm Phật, ngược lại còn rất phấn khởi (tinh tấn).

Trong các bài tụng tôi đều tâm đắc, nhưng tâm đắc đặc biệt là bài: “kinh Quan Âm cứu khổ”

Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.

Ðát chỉ đa,

Án, dà liệp phạt đa, dà liệp phạt đa

Liệp dà phạt đa, liệp dà phạt đa, ta ha

Thiên la thần, Ðịa la thần

Nhơn li nạn, Nạn li thân

Nhứt thiết tai ươn hóa vi trần

Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.

Trên bàn thờ Phật, Ba thờ bức tượng giấy lớn gọi là tượng Hội đồng chư Phật (tam thế là ba đời chư Phật: Di đà tam tôn biểu tượng Phật quá khứ, hiện tại Phật Thích ca, vi lai Phật Di lặc), phía dưới ở giữa thờ tượng Phật Thích ca ngồi thành đạo dưới cội bồ đề có ma vương, ma nữ trêu ghẹo không cho ngài thành Phật, nhưng cuối cùng thì ngài chiến thắng ma vương để thành Phật, bên phải là thờ ba ông Quan công, Quan bình, Châu xương, bên trái thờ Phật Bà Quan Âm (tượng giấy lớn xưa), trong tượng có Phật Bà Quan Âm, Thị Mầu bồng con, chim vẹt ngậm chuổi bay trên cao, phía sau là khóm trúc xanh tươi; cũng có Thiện Tài, Long Nữ đứng hầu trước đức Bồ tát Quan Âm, hai bên hình ảnh Phật Bà có đôi liễn:

Tử trước lâm trung Quán tự tại

Bạch liên đài thượng hiện Như lai

Cả nhà tôi tín ngưỡng Phật Bà tuyệt đối và thuộc bài kinh Quan Âm cứu khổ, lúc nào gặp sự cố như bệnh, nhất là công cuộc chiến tranh Việt Pháp, hai bên thường bắn nhau lúc bấy giờ cũng đều tụng bài kinh Quan Âm Cứu khổ.

Sự linh ứng,

Chiến tranh Việt Pháp là một thảm họa chung của dân tộc; vào năm 1953 nhà Ba tôi ở chợ quận, mỗi lần hai bên đánh nhau, Ba tôi dạy các con phải chun dưới bàn thờ Phật mà trốn, các con niệm danh hiệu Nam mô Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại Linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát cầu Phật mẹ gia hộ, bom đạn sẽ không quấy nhiễu; thời ấy tôi không hiểu gì cả, nhưng nghe theo lời Ba dạy nên tin, tin lắm! Mà thật sự như thế, nhà tôi được thoát qua nhiều cơn hoan nạn do lính Tây và Việt minh bắn nhau trước đường lộ cách nhà 800 mét, mỗi lần hai bên “đụng trận” súng bắn liên hồi, mọi người cứ tưởng là phải chết!

Cạnh nhà tôi có hai nhà hàng xóm ở cùng một bên đường nhưng cách xa nhà tôi 500 mét nếu tính từ đường lộ lớn đi Mỷ tho- Gò công nhìn vào bên phải thì có nhà Oâng Cả (chủ trại hòm), nhìn bên trái là nhà lớn của Duy bạn học, các nhà nầy có làm “trãng-sê” hoặc “sô hào gần giống như công sự” để trốn tránh bom đạn. Một ngày nọ, bên quận đường “lính quận cũng là lính Tây” đi ruồng (hành quân), khi đi vào đầu đường làng tôi lúc 18 giờ 30, hai bên Tây và Việt minh gặp nhau, lính Tây bắn xối xả, bắn ôi là bắn, bắn thẳng thì đạn lạc vào nhà tôi, bắn bên phải thì đạn lạc vào nhà Ông Cả, bắn bên trái thì đạn lạc vào nhà Duy bạn tôi…Lúc bấy giờ Ba tôi bảo các chị em chúng tôi chun dưới bàn Phật nằm “sát-rạc dưới đất”, đồng niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho đến khi chấm dứt trận đánh; vậy mà sau khi ngưng bắn nghe bên nhà Ông Cả có người nhà khóc hu hu, thì ra khi lính quận bắn phía bên nhà Ông Cả, Ông và mọi người chạy đôn chạy đáo ra “trãng-sê” ngoài vườn trốn đạn, nên bị lạc đạn “thương vong” ; nhà tôi, Ba tôi thoát nạn, Ba bảo:”nhờ chun dưới bàn thờ và niệm Bồ tát Quan Thế Âm” nên đạn bom biến thành cát bụi (nhứt thiết tai ươn hóa vi trần).

Sự việc cho đến năm 1966, tôi mới nghĩ ra:”nơi bàn thờ Phật là nơi tôn nghiêm, nhà trên nhà trước, ban ngày ban mặt, bộ đội “Việt minh” đi đánh Tây đâu có ai mà núp ở nơi không có “trãng-sê công sự”, nên “lính quận” không bắn vào hướng đó, mà bắn vào nơi đối phương có thể vừa “phục kích đánh Tây” vừa “trốn núp đạn” tức là nơi công sự trãng-sê; vì vậy mà Ông Cả bị “lạc đạn” qua đời, gia đình tôi do núp dưới bàn thờ Phật, niệm Bồ tát Quan Âm nên không ra sao cả.

Chín tháng sau, sau ngày mẹ tôi qua đời, tức là vào ngày 01/7/1954, Ba tôi suy nghĩ phải làm trãng-sê cho các con tránh lạc đạn. Công việc đắp trãng-sê của Ba đến ngày 19/7/1954 mới xong, nhưng ngày hôm sau thì “đình chiến”.

Tâm niệm đến Ðức Bồ tát Quan Âm tôi nhớ lại hồi năm 1955 cũng là năm tiệm buôn Tạp hóa của Ba buôn bán rất thịnh vượng, ăn nên làm ra, nhà tôi là “nhà kê”, tức là nhà số “1” trong làng xã, mọi người rất quý mến Ba, vì Ba là người tu Phật rất điềm đạm từ tốn với mọi người, Ba cũng thường nói với những bà con bạn hàng nên siêng niệm Phật Bồ tát Quan Âm để chấm dứt chiến tranh được tai qua nạn khỏi. Cũng trong năm ấy, Ba có sắm 1 tủ lớn bán sách giáo khoa cung cấp cho các nhà trí thức xưa và học trò trường Tiểu học Chợ Gạo, trong tủ sách có một ngăn trưng bày các lọai truyện xưa tích cũ, như truyện Vua Nghiêu Vua Thuấn, Bích câu Kỳ ngộ, Nhị thập Tứ hiếu, Phạm công Cúc hoa, Thọai khanh Châu tuấn, Thạch sanh Lý thông, trong đó có sách truyện Quan Aâm Thị Kính, lúc nào tôi cũng mãi mê đọc truyện Quan Âm Thị Kính, đọc tới đọc lui đến nổi gần như thuộc lòng, vào những ngày giáp tết Ba thường mua tranh tứ quý về bán chợ tết, trong đó có tranh Quan Âm Thị Kính là nổi bật, tôi vừa nhìn là biết ngay Phật Bà Quan Âm Thị Kính và tỏ lòng ngưỡng mộ Phật Bà trước hơn hết.

Theo tôi biết, tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính rất ít được phổ biến trong quảng đại quần chúng, ai có duyên thì gặp không duyên lành thì chịu! Ba tôi, gia đình tôi thì không xem thường cho đến khi quy y Phật vào cuối năm 1957 tại chùa Long Khánh, Thuộc nhiêu, Cai lậy với Bổn sư là Hòa Thượng thượng Quảng hạ Ðức. Rồi đến năm Canh tý (1960) xuất gia đầu Phật với Bổn sư là Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Ðức Mẫu Trầu Bồng Lai tại núi Bồng lai (Bà rịa Vũng tàu), thì đức Quan Thế Âm lúc nào cũng ảnh hiện trong đầu của tôi, thỉnh thoảng ngài biến hóa thành đức Bồ tát Di lặc độ trì tôi đi xuất gia.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 64 – Ứng Hóa Sanh Thân trong Thơ Nôm Quan Âm Thị Kính”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com