Mục Lục

Vấn: – Pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thắng, lưu thông cả ba căn; trên thì chư Phật rời pháp môn nầy thì không thể độ sanh, dưới chúng sanh rời pháp môn nầy không thể tu thành Phật. vậy mà ở thế kỷ 21 có những người cũng là tu sĩ lại chê pháp môn niệm Phật là quyền giáo, xin Sư từ bi khai thị cho chúng con được học tu, đấy cũng là phước đức vô lượng của chúng con?

Ðáp: – Pháp môn niệm Phật là pháp tu “cực tắc tối thắng” ở giữa thế kỷ 21 nầy, đấy cũng chính là lời huyền ký của Ðức Phật trong thời mạt pháp, pháp nhược ma cường, các pháp tu cao viễn đối với chúng sanh đã từng làm cho họ không thể nghĩ suy đến, vói tay không tới, không có phương tiện để tu tập; chỉ có pháp niệm Phật là phong phú, phổ cập rộng rãi, trong chốn thiền môn. Thế nên cho dù anh đi đâu, chị đi về đâu, thì cũng không quên vào lúc 19 giờ là có thời Tịnh độ được các nhà thiền thực hiện, đồng thời dành riêng cho nam nữ Phật tử gần xa đều có thể đến tham dự tu được dễ dàng và thông thoáng.

Trong đời có câu:

Người khéo tu dù nặng như đá qua sông vẫn được (tu Tịnh độ, hoặc tu thiền mà có thêm tịnh độ)

Người vụng tu (tu mà hay chê bay phái nầy phái nọ, do vậy mà sanh ra ngã mạn, nên gọi là vụng tu) dù nhẹ như hạt cát cũng vẫn chìm (chê trách Tịnh độ, mà chỉ phát tâm tu thiền, bày xích tu Tịnh độ)

Lẽ ra thì cũng không nên đem Phật pháp dẫn chứng cho Phật pháp, những đã hơn nghìn năm rồi giữa “Thiền và Giáo”, bên “Hữu tông”, bên “Không tông” bao giờ cũng có những trăn trở ban đầu đối với những người Phật tử tập tu; nên chúng tôi xin mạo muội giải bày, trích những lời kinh nói về Tịnh độ để lần lượt xóa đi những nghi ngờ trong tâm tưởng của người Phật tử về giáo pháp Ðức Phật.

* Kinh Ðại bổn A Di Ðà, Phật dạy: “Vào đời đương lai, khi kinh đạo diệt hết, Ta dùng lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh nầy trong khõang một trăm năm. Nếu có chúng sanh nào gặp kinh nầy, tùy ý sở nguyện, đều được đắc độ”.

* Kinh Ðại Tập Nguyệt Tạng Kinh, Phật dạy:”Trong đời mạt pháp, tuy có ứu ức người tu hành, song ít có người nào được đắc đạo, duy chỉ có nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi”.

* Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: Bồ tát Phổ hiền khích lệ Thiện Tài đồng tử và đại chúng trong hải hội nên phát mười điều nguyện lớn; đến khi lâm chung, tất cả các căn đều tan rã, tất cả oai thế đều tiêu mất, chỉ có mười nguyện lớn nầy theo mãi không rời mà thôi. Trong tất cả thời, nguyện lớn nầy dẫn đường đi trước. Khõang một giây phút liền được vãng sanh về thế giới Cực lạc. Người ấy tự thấy mình hóa sinh trong hoa sen được Phật thọ ký. Khi được thọ ký rồi, trải qua vô số kiếp độ khắp chúng sanh ở mười phương thế giới nhiều đến không kể xiết, tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà vận dụng trí tuệ để làm lợi ích cho đến có thể dấn thân vào biển lớn phiền não thống khổ để cứu vớt chúng sanh, đưa họ thóat khỏi sanh tử và được sanh về thế giới Cục Lạc”. Lại nữa, Trưởng giả Giải Thóat nói rằng:”nếu ta muốn thấy thế giới An Lạc của Vô Lượng Thọ Như Lai thì tùy ý liền thấy. Tất cả thế giới trong mười phương như thế đều có Như Lai, nếu ta muốn thấy thì tùy ý liền thấy. Ta có thể biết rõ các việc thần thông, cõi nước trang nghiêm của Như Lai không đến cũng không đi, không có hành xứ cũng không có trụ xứ, cũng như thân ta cũng không đến cũng không đi, không có hành xứ cũng không có trụ xứ…”

* Kinh Pháp Hoa, Phật dạy:”…người nghe kinh điển nầy tu tập đúng như lời Phật, đến khi viên mãn mạng căn, người ấy lập tức sinh về thế giới An Lạc của Phật A Di Ðà, nơi đó có các vị Bồ tát bao quanh. Người ấy sinh trong hoa sen, ngồi trên tòa báu, chứng vô sanh nhẫn, thần thông của Bồ tát…”

* Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy:”Bồ tát Ðại Thế Chí bạch với Phật rằng: Con nhớ thuở xa xưa, số kiếp như cát sông Hằng, có Phật Vô Lượng Quang ra đời. Thuở ấy có mười hai Ðức Như Lai kế tiếp nhau thành Phật trong một kiếp. Ðức Phật sau cùng là Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai dạy con tu pháp niệm Phật tam muội, ví như một người chuyên nhớ, một người hay quên. Hai người ấy hoặc có gặp nhau cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm cũng như hình với bóng thì từ đời nầy đến đời khác không bao giờ cách xa nhau. Như Lai khắp cả mười phương thương tưởng chúng sanh như mẹ hiền thương nhớ con thô. Nếu con thơ cương quyết trốn tránh mẹ thì mẹ hiền có thương nhớ đến cũng vô ích mà thôi. Nếu con thơ nhớ tưởng đến mẹ hiền cũng như mẹ hiền nhớ nghĩ đến con thì đời đời mẹ con không cách xa. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay vị lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, không nhờ phương tiện nào khác mà đóa hoa của tâm linh tự bừng nở, như người xức nước hoa thì thân có mùi thơm, đây gọi là Hương Quang trang nghiêm. Bản thân con là vận dụng tâm niệm Phật để chứng nhập vô sanh nhẫn…Hiện nay con ở cõi nầy tiếp dẩn người tu niệm Phật về Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con thu nhiếp sáu căn, không có lực chọn, tịnh niệm nối tiếp không ngừng, vào tam ma địa đây là hơn cả…”.

Kinh Bảo Tích, Phật dạy: “Phật bảo Phụ Vương:

- Tất cả chúng sanh đều là Phật. Bây giờ, phụ vương nên niệm Phật A Di Ðà ở thế giới phương Tây, siêng năng tinh tiến sẽ đắc đạo.

Vua hỏi:

- Tất cả chúng sanh tại sao là Phật?

Phật đáp:

- Tất cả pháp không có sinh, không có lay động, không có nắm lấy, xả bỏ, không có hình tướng, không có tự tánh, phải an trụ tâm ấy trong Phật pháp, Phụ vương chớ nên tin tưởng vào các pháp khác.

Khi ấy, Phụ vương và bảy vạn người họ Thích nghe nói pháp nầy thì tin hiểu, vui mừng, tỏ ngộ vô sinh nhẫn. Phật mỉm cười, nói kệ:

Họ thích trí quyết định

Nên đối với Phật pháp

Tâm an trụ đức tin

Sau khi bỏ thân nầy

Sinh về nước An Lạc

Diện kiến Phật A Di Ðà

Chứng nhập vô sở úy

Thành tựu đạo giác ngộ

Lại nữa, Phật còn dạy Di Lặc phát mười tâm sẽ được vãng sanh về Cực Lạc. Mười tâm là:

1/.Ðối với chúng sanh khởi lòng đại từ không làm tổn hại

2/. Ðối với chúng sanh khởi tâm bi rộng lớn không làm bức não

3/. Ðối với chánh pháp của Phật không tiếc thân mạng, vui vẻ giữ gìn.

4/. Ðối với tất cả pháp phát tâm thắng nhẫn, tâm không dính mắc.

5/. Không tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, cho nên tâm ý thanh tịnh an vui.

6/. Vì cầu Phật trí nên không quên mất chánh niệm trong bất cứ lúc nào.

7/. Ðối với tất cả chúng sanh tôn trọng, cung kính, không hề khinh khi.

8/. Không dính mắc vào thế luận, đối với thành phần tuệ giq1c sanh tâm quyết định.

9/. Vun trồng căn lành, tâm tư thanh tịnh, không có tạp nhiễm.

10/.Ðối với các Ðức Như Lai xa lìa các tướng, khởi tâm niệm Phật…

(Tây phương Hiệp luận, của Viên Hòanh Ðạo, bản dịch Thích Trí Thông trang 70,71,72, NXB Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1999)

* Ngài Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư dạy:”Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lưu lại bốn chữ A Di Ðà Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất sẽ bị đọa vào địa ngục…”

Kinh sách nói về Tịnh độ, xương minh Tịnh độ, dẫn chứng pháp môn tu hành, phù hợp và lợi ích ba căn đối với thế nhân trong thế kỷ hai mươi mốt thì vô lượng lời Phật Thích Ca giáo hóa. Nay chỉ trích dẩn một ít lời Phật, Tổ sư dạy, trong các kinh sách Phật nói về Tịnh độ để khắp khuyên tứ chúng đồng tu hành tinh chuyên niệm Phật bất thối chuyển, không còn nghi ngờ về pháp tu niệm Phật.

Phổ nguyện chư liên hữu tinh tiến niệm hồng danh A Di Ðà Phật không lùi bước, hứa hẹn sen hồng khai hoa nở nhụy nơi ao liên trì xanh ngát, khách hồng trần niệm Phật vững chảy, nương thuyền từ đến bến Tây Phương

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 55 – Các Kinh Nói Về Tịnh Ðộ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com